Bóng Đá Việt Nam: Niềm Tự Hào
Hoàng Đằng
Bóng đá theo thực dân Pháp vào Việt Nam từ những năm cuối thế kỷ 19, và
phát triển dần từ miền Nam, ra miền Bắc, quay lại miền Trung. Bây giờ, bóng đá
trở thành một môn thể thao tiêu tốn tiền bạc của cộng đồng, ngân sách nhà nước
nhiều nhất, được các giới chức chính quyền quan tâm nhất và có số lượng người
hâm mộ nhiều nhất; thậm chí không ít người nghĩ rằng bóng đá là thước đo trình
độ phát triển, thế và lực của quốc gia!!!
Trong tháng 01/2018, Giải Vô Địch Bóng Đá U23 Châu Á (AFC U23
Championship hay AFC U23 Asian cup) do Liên Đoàn Bóng Đá Châu Á (Asian Football
Confederation) tổ chức 2 năm một lần; lần này là lần 3, diễn ra ở Trung Quốc.
Đây là một giải đấu lớn vì Liên Đoàn Bóng Đá Châu Á có tuổi đời cao (lập từ năm
1954) và hiện có đến 47 thành viên.
Giải Vô Địch Bóng Đá U23 Châu Á lần nhất diễn ra tháng 01/2014 ở Oman và
đội U23 Iraq vô địch.
Giải Vô Địch Bóng Đá U23 Châu Á lần 2 diễn ra tháng 01/2016 ở Qatar và
đội U23 Nhật Bản vô địch.
I- Việt Nam rạo rực theo đội U-23 thi đấu
tại Giải Vô Địch Bóng
Đá U23 Châu Á
Lần thứ 1 ở Oman và lần thứ 2 ở Qatar, Giải Vô Địch Bóng Đá U23 Châu Á
người Việt Nam ít để ý. Còn lần thứ 3 này (tháng 01/2018) ở Trung Quốc, mọi
người Việt Nam rạo rực theo dõi trong nỗi niềm phấn khởi tột cùng.
U-23 Việt Nam tranh giải Vô Địch Bóng Đá U-23 Châu Á ở
Trung Quốc
Bởi lẽ dù ban đầu bị đánh giá là đội yếu, xuất quân chỉ mong có điểm số
an ủi, đội U23 Việt Nam, trong quá trình thi đấu, đã đem lại bất ngờ này rồi
bất ngờ khác: thua Hàn Quốc 2 – 1, thắng Australia 1 – 0, hoà Syria 0 – 0; vào
tứ kết hoà Iraq 3 – 3 ở 2 hiệp chính và 2 hiệp phụ rồi thắng đá luân lưu 5 – 3;
vào bán kết hoà Qatar 2 -2 ở 2 hiệp chính và 2 hiệp phụ rồi thắng đá luân lưu 4
– 3. Chiều 27/01/2018, trận chung kết diễn ra giữa Việt Nam và Uzbekistan.
Hai đội thi đấu dưới tuyết rơi dày trên sân Vận Động Thường Châu (tỉnh
Giang Tô – Trung Quốc); giữa hai hiệp đấu chính, hai đội phải nghỉ đấu gần 50
phút để tuyết được cào ra khỏi sân. Hai đội hoà nhau 1 – 1 cả hai hiệp đấu
chính và 29 phút hai hiệp đấu phụ.
Từ một quả phạt góc ở phút 29 hiệp phụ thứ 2 và đội Uzbekistan ghi thêm
bàn thắng; như thế đội Uzbekistan đánh bại đội Việt Nam, giành chức vô địch
Giải Vô Địch Bóng Đá U23 Châu Á lần thứ 3 (2018).
Dù chỉ giật được danh hiệu Á Quân, đội Việt Nam trong thi đấu cho thấy
không thua ai. Đó là một tiến bộ ngoài sức tưởng tượng của mọi người.
Cầu thủ Việt Nam nhỏ bé so với cầu thủ các đội bạn; mấy chục năm lại đây,
ở vùng Đông Nam Á, chưa nổi trội về thành tích; vậy mà bây giờ lại là đội bóng
Đông Nam Á tiến xa đến thế; không những chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước châu Á, châu
Âu người hâm mộ tỏ lòng thán phục, xem những gì đội U23 Việt Nam làm được như
kỳ tích.
Dù bóng đá chỉ là một mặt sinh hoạt của quốc gia – thậm chí chỉ là trò
chơi, hiện tượng “hoá rồng”, “hoá thân Phù Đổng Thiên Vương” đợt này của bóng
đá Việt Nam đã đem đến cho người Việt Nam niềm vui nỗi mừng khôn tả, niềm tin
vào tiền đồ tươi sáng của quốc gia!!!
II- Những lần vô địch của bóng đá Việt Nam
ở các giải đấu quốc tế
Sự thành công của bóng đá Việt Nam lần này khiến nhiều người muốn “ôn
cố”. Nhân đây, tôi muốn tìm hiểu những giải quốc tế mà Việt Nam từng vô địch
trong quá khứ. Thời xưa, Truyền Hình chưa có, Truyền Thanh chưa phổ biến, báo
chí cũng hạn chế, thành thử, thành tích không lan toả rộng như bây giờ.
1- Vô địch môn bóng đá ở Đại Hội Thể Thao Bán Đảo Đông Nam
Á lần 1 (1959) (SEAP Games, hiện nay là SEA Games)
Tại SEAP Games (SouthEast Asian Peninsular Games – Đại Hội Thể Thao Bán Đảo Đông Nam
Á) lần 1 diễn ra tại Thái Lan từ 13 – 17/12/1959, môn bóng đá có 4 đội tham dự:
Việt Nam Cộng Hoà, Myanmar, Thái Lan và Malaysia; ở vòng bảng, Việt Nam – Thái
Lan tỷ số 4 – 0, Việt Nam – Myanmar tỷ số 3 – 0, Việt Nam – Malaysia tỷ số 1 –
2; vào chung kết, Việt Nam thắng Thái Lan 3 – 1 và giành chức vô địch. Đó là
lần vô địch duy nhất của Việt Nam cho đến nay về môn bóng đá ở SEA Games.
Trớ trêu là lần vô địch này, đội Việt Nam không có huấn luyện viên, người
chỉ đạo đấu pháp trên sân là người mang băng đội trưởng, lúc đầu là cầu thủ
Phạm Văn Hiếu, sau là cầu thủ Nguyễn Ngọc Thanh (1938 …). Lại thêm, không được
đưa đón rầm rộ như bây giờ, đội bóng tự thuê xe đò từ Sài Gòn qua Phnom Penh
rồi đến Bangkok (Thái Lan).
Bóng đá, dù là đội tuyển quốc gia, tập luyện và thi đấu còn ở dạng nghiệp
dư.
Đội tuyền Miền Nam vô đich giải SEAP Games 1959
2- Vô địch giải Merdeka lần 10 (1966)
Giải Merdeka (Merdeka cup – Merdeka Tournament) là giải bóng đá do
Malaysia tổ chức từ 1957 để mừng nước này Độc Lập khỏi ách cai trị của thực dân
Anh. Merdeka có nghĩa là Độc Lập. Các nước tham dự giải thường được mời rải rác
khắp châu Á, vì thế giải được xem như giải bóng đá vô địch châu Á. Giải được tổ
chức mỗi năm một lần, nhưng từ 1957 đến nay, cũng có nhiều năm, giải không tổ
chức.
Năm 1966, lần tổ chức thứ 10 của giải, có 12 nước tham dự: Hàn Quốc, Nhật
Bản, Myanmar, Kuwait, Singapore, Đài Lan (Trung Hoa Dân Quốc), Hồng Kông,
Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ, Việt Nam Cộng Hoà và Malaysia. Lần này, Việt Nam và
Myanmar vào chung kết và Việt Nam thắng Myanmar với tỷ số 1 – 0, giành chức vô
địch.
Về tổ chức, đội bóng Việt Nam qua Malaysia được chức vô địch lần này có
khá hơn đội bóng Việt Nam qua Thái Lan giật chức vô địch SEAP Games 1959 – Đội
gồm 17 cầu thủ, có huấn luyện viên người Đức Weigang, phụ tá huấn luyện viên
Trần Văn Thông đi theo; cả đoàn chỉ có 22 người.
Đội tuyển Việt Nam vô địch ở giải Merdeka 1966
Thủ môn Phạm Huỳnh Tam Lang với cúp vàng Merdela 1966
3- Vô địch giải Merdeka 2008
Giải Merdeka Malaysia 2008 có 08 đội tham dự, trong đó, 6 đội châu Á là
Malaysia, Myanmar, Việt Nam, Bangladesh, Nepal, Afghanistan và 02 đội châu Phi
là Mozambique và Sierra Leone. Đội Việt Nam dự giải lần này là lứa cầu thủ
U-22, còn đội Mozambique chỉ là lứa cầu thủ U-20. Huấn luyện viên trưởng của
đội Việt Nam là ông Mai Đức Chung; phụ tá huấn luyện viên là ông Lê Thuý Hải.
Việt Nam và Malaysia vào chung kết; ở 2 hiệp chính và 2 hiệp phụ, hai đội
cầm hoà 0 – 0; vào đá luân lưu, Việt Nam thắng Malaysia 6 – 5 và giành chức vô
địch.
Đội Việt Nam vô địch Merdeka 2008
*
*
*
Giải Vô Địch Bóng Đá U-23 Châu Á khép lại, lão này cũng như tất cả mọi
người hâm mộ tiếc là chiếc cup vô địch vượt khỏi tầm tay đội Việt Nam chỉ trong
gang tấc. Tuy nhiên, ở đời, không phải cái gì chúng ta muốn là được. Điều quan
trọng, theo Lão, là bóng đá Việt Nam phải giữ được cái đà này mà vươn lên.
Hoàng Đằng
27/01/2018 (11/Chạp/Đinh Dậu)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét