Chữ Nghĩa Làng Văn 37
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng
***
Chữ Việt Cổ
Tum: cái chum, đồ đựng bằng đất nung
(Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)
Thuốc Bắc, thuốc Nam
Theo truyền thuyết thì thời chúa Trịnh Sâm với Hải Thưởng Lãn Ông vào kinh chữa bệnh: Thuốc bắc dùng cho vua chúa và các. Còn dân thường dùng thuốc nam.
Nguồn khác thì thuốc bắc của người phương Bắc, tức người Tàu,
thuốc nam của người An Nam
Con lợn khác con heo chỗ nào?
Miền Bắc trách cô kia…“béo như lợn”
Miến Nam quở chị nọ…“mập như heo”
Tuỳ, đô tuỳ
Tuỳ, đô tuỳ : người khiêng quan tài
(còn gọi là đô tì)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)
Bên lề chữ nghĩa
Do sự phát âm của chữ Hồi mà người Việt Nam còn gọi người Chiêm hay Chàm là người “Hời”.
Ảnh hưởng của Ấn giáo và Hồi giáo ở Chiêm Thành phát triển song song với Indonesia. Trên đảo Bali, một đảo nhỏ ở phía đông đảo Java, có nhiều di tích của văn hóa Ấn Độ trước khi Indonesia ngã theo đạo Hồi.
Đến thế kỷ 15 hầu hết ngưòi Indonesia đều theo đạo Hồi.
(Tiếng Việt – Phạm Đình Lân)
Góp nhặt làng văn xóm chữ
Ngụ cư
Cụ thân sinh ra Chu Văn An là người Tầu bán phá xa
Ngụ cư chỉ có thể trở thành nội tịch với điều kiện sống ở làng 3 đời thì mới được vào làng, làm dân nội tịch. Cụ Chu Văn An mới là đời thứ 2.
(Gs sử học Lê văn Lan)
Đã có một thời…
Thanh Nam
Cuộc đời quân ngũ dính liền với nghiêp phóng viên.
Thanh Nam vào quân đội theo diện “đồng hóa”, theo nhu cầu chuyên môn, được nhập ngũ theo khả năng phục vụ. Những văn nghệ sĩ có tiếng thường được nhập ngũ vào phòng 5, sau này là Chiến tranh tâm lý. Cũng như các anh Phạm Xuân Ninh (Hà Thượng Nhân), v…v...
Sau thời gian phục vụ ở Đài phát thanh Quân Đội, Thanh Nam được giải ngũ. Anh quay về với nghề làm báo. Cái số của tôi và Thanh Nam hay đi liền với nhau ở các tờ báo dân sự. Từ Truyện Phim, Kịch Ảnh, Tiếng Vang, Thời Thế đến những tờ báo của những ông chủ báo miền Nam như Tiếng Chuông, Phụ nữ Diễn Đàn… đều có mặt. Thời kỳ này, Thanh Nam vẫn ở building Cửu Long, nơi có khá nhiều nghệ sĩ, những nhà quay phim, phóng viên thuê phòng ở trọ bên cạnh phòng năm ba em cave ở Sài Gòn. Đã ở chung thường coi nhau như “người nhà” chứ không có những chuyện lộn xộn khác.
Buổi tối chúng tôi thường ngồi ở phòng trà Hòa Bình của anh Ngọc Bích. Hầu hết các ca sĩ trẻ hạng A, đều “chạy sô” qua đây. Từ Minh Hiếu, Bích Chiêu, Băng Tâm, Thanh Thúy, Ngân Hà, Trúc Mai… đến những ca sĩ hạng B mới ra lò nhiều triển vọng cũng được các ông bầu gửi đến cho tập tành “xuống núi”.
Chúng tôi viết ở vài tờ báo có nhiều độc giả chuyên về sân khấu kịch trường nên quen biết khá nhiều và cũng có khối những chuyện lơ mơ… cho vui cuộc đời. Thanh Nam là một chàng thanh niên rất dễ thương, nhưng có “tật” thích những cô đào hạng nhất của các sân khấu, nhất là sân khấu cải lương. Tôi nói là thích chứ không phải yêu. Rất nhiều lần, sau khi ngà ngà say, Thanh Nam rủ tôi và Mai Thảo đến phía sau sân khấu đoàn Thanh Nga xem đào cải lương trang điểm và ngồi sau cánh gà xem diễn.
(Thanh Nam trong hoài niệm – Văn Quang)
Thành ngữ hiện đại, hiện thực
Một điều nhịn là chín điều nhục
Đã có một thời…
Nhà thơ Tô Kiều Ngân từ đời lính đến Tao Đàn
Tô Kiều Ngân và cuộc đời binh nghiệp
Có lẽ nhiều thính giả và độc giả biết đến anh Tô Kiều Ngân qua “Tiếng sáo Tao Đàn” hơn là biết đến “đời lính” của anh. Tôi thì khác, tôi biết anh từ khi cuộc đời binh nghiệp của Tô Kiều Ngân khởi thủy từ khi làm tờ báo Tiếng Kèn của Địa Phương Quân ngoài Huế. Năm 1953, anh được đồng hóa vào quân đội và đưa gia đình từ Huế vào Saigon.
Chúng tôi cùng làm chung trong Ban Báo Chí từ năm 1957, lúc đó anh mang cấp chuẩn úy cho đến khi dọn về Hồng Thập Tự, gần cầu Thị Nghè. Một năm sau, tôi được lệnh đi Quân Khu 3 thành lập Đại Đội Văn Nghệ cho quân khu này rồi trở lại Nha CTTL. Lúc đó Phòng Tài Liệu do anh Vũ Quang Ninh làm trưởng phòng đang thu thập tài liệu để làm cuốn Trăm Hoa Đua Nở về vụ án Nhân Văn Giai Phẩm tại miền Bắc. Tôi lại được lệnh về đây phụ giúp anh Ninh thu thập và phân tích những tài liệu này.
Bỗng một buổi sáng, vào khoảng năm 1960, tôi được lệnh trở lại Ban Báo Chí ngay. Khi trở lại tòa soạn tôi mới biết anh Tô Kiều Ngân vừa được thuyên chuyển đi đơn vị khác, cũng trong ngành Chiến Tranh Chính Trị (CTCT). Quả thật tôi không hề biết vì lý do nào. Có thể vì nhu cầu công vụ và cũng có thể vì những lý do khác. Tôi cũng không thể tìm hiểu rõ hơn. Anh đến tuổi được giải ngũ năm 1974 khi mang cấp thiếu tá phục vụ tại Phòng CTCT Trường Võ Bị Đà Lạt.
(Văn Quang)
149 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Phan Khôi...con mắt còn có đuôi
Phan Khôi (1887-1959), hiệu Chương Dân, quê làng Bảo An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, xuất thân từ gia đình vọng tộc (cha là Tri phủ Điện Bàn, mẹ là con gái Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu), năm 18 tuổi đỗ Tú tài Hán học (1905), sau sang Tây học, được suy tôn là "Ông Tổ thơ mới" với khởi thủy là bài thơ "Tình Già" được in trên Tạp chí "Phụ Nữ Tân Văn", số 122 ngày 10/3/1932 số cuối Xuân Nhâm Thân đến nay sắp tròn 80 năm.
Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa,
Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ, hai cái đầu xanh kề nhau than thở :
- "Ôi đôi ta, thương nhau thì vẫn nặng, mà lấy nhau hẳn đà không đặng;
Để đến nỗi tình trước phụ sau, chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau !"
- "Hay, nói mới bạc làm sao chớ ! Buông nhau làm sao nỡ ?
Thương được chừng nào hay chừng ấy, chẳng qua ông Trời bắt đôi ta phải vậy !
Ta là nhân ngãi, đâu phải vợ chồng mà tính việc thủy chung !".
...
Hai mươi năm sau, tình cờ đất khách gặp nhau
Đôi cái đầu đều bạc, Nếu chẳng quen lung, đố ai nhìn ra được ?
Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi, con mắt còn có đuôi.
Xuất xứ bài thơ: Theo một số nhà nghiên cứu thì đây là thiên tình sử não nùng mà cậu tú Phan Khôi bị tình yêu sét đánh của một mệnh phụ phu nhân (vợ trẻ của viên quan tứ phẩm quản lý nhà tù Quảng Nam) xảy ra hồi cuối năm 1907 (21 tuổi).
Phan Khôi do tham gia phong trào "xin xâu" trong khi gia đình người vợ chưa cưới tuyên bố thoái hôn vì chàng rể lâm vào vòng lao lý. Số là hồi tết năm ấy, viên quan coi ngục chọn đưa "tên tù viết chữ đẹp" (Phan Khôi) về nhà viết câu đối Tết cho quan... Thế là một cuộc kiến diện giữa chàng trai tài hoa với người đẹp cùng trang lứa (người trắng trẻo, mặt trái xoan duyên dáng...) để "Bà thấy Thầy thì thương lắm..."
Rồi thư đi tin lại cùng đôi lần gặp gỡ vụng trộm... Rồi không thể vượt được rào cản: Nàng ốm và qua đời... , mối tình đẹp và buồn thời trai trẻ trong cảnh ngộ trớ trêu trên đã để lại trong tâm tưởng Phan Khôi không bao giờ phai nhạt, và 24 năm sau dư vị của nó để chàng "hòai niệm" xuất thần bài thơ "Tình già" bất hủ, chỉ có khác là (ở trong thơ) hai người còn sống, đôi mái đầu đều bạc đến nổi nếu chẳng quen lung đố có nhìn ra được?
Họ chỉ ôn chuyện tình cũ rồi xa nhau, vẫn còn ám ảnh mãi là nỗi thèm khát được nhìn nhau, con mắt còn có đuôi là thế
(Phan Khôi với “Tình già” - Lại Nguyên Ân).
Ca dao tục ngữ hiện đại hiện thực
Sông Cầu nước chảy lơ thơ.
Có đôi trai, gái ngồi hơ… quần đùi.
Văn nghệ sĩ miền Bắc như tôi biết
Vũ Ngọc Phan với Lưu Trọng Lư, Vũ Hòang Chương, Thế Lữ
Viết đến đây tôi ngưng lại, giở sách xem ảnh Vũ Ngọc Phan. Anh còn trẻ lắm. Năm 1941 không rõ anh bao nhiêu niên kỷ. Nhưng nhìn gương mặt, tôi cho anh chỉ 28-30. Vậy mà sao anh đọc nhiều thế. Cả trăm nhà văn nhà thơ đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi xu hướng, bút pháp và thể loại, mà đối với từng người một anh đều có nhận xét chính xác trong năm ba dòng làm cho tác giả tự hiểu mình mà không thể chối cãi được, còn độc giả thì hiểu tác giả một cách dễ dàng. Anh phải là người đọc rất nhiều mới có thể viết về Lưu Trọng Lư, Vũ Hoàng Chương, và Thế Lữ.
Lưu Trọng Lư đem xáo trộn mộng với thực, thổ lộ nên những lời thơ huyền ảo vô cùng. Không nên tìm trong thơ Lưu Trọng Lư những sự cân đối, những cảnh và những tình rõ ràng như trong thơ Quách Tấn.
Thơ của Vũ Hoàng Chương rất gần với thơ Lưu Trọng Lư nhưng có một điều trái hẳn với Lưu Trọng Lư là Vũ Hoàng Chương rất chú trọng đến sự gọt giũa của lời thơ.
Thế Lữ chính là người có công xây dưng thơ mới. Thơ ông chẳng những mới ở lời mà còn mới ở cả ý nữa. Thế Lữ còn là một tiểu thuyết gia có biệt tài.
(Xuân Vũ)
Ca dao tục ngữ hiện đại hiện thực
Con người càng lúc càng đông.
Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều.
Văn nghệ sĩ miền Bắc như tôi biết
Vũ Ngọc Phan với Nguyễn Công Hoan
Tất cả tiểu thuyết của Nguyễn Công Hoan dù truyện ngắn hay truyện dài đều là tiểu thuyết tả thực về phong tục Việt Nam về hạng trung lưu và hạng nghèo. Cô Giáo Mình là một tiểu thuyết tả những phong tục cổ hủ ở một nhà quan, ông đặt một gái tân tiến vào để những cổ tục ấy nổi bật lên.
Trong các truyện của Nguyễn Công Hoan, Lá Ngọc Cành Vàng là cuốn tiểu thuyết hay nhất. Nhiều chương tả rất tài tình, thật cảm động. Người ta thấy ông sở trường về truyện ngắn hơn truyện dài. Ở truyện dài nhiều chỗ lúng túng rồi kết thúc quá giản dị không xứng với một truyện to tát mà ông đã dựng. Trái lại ở truyện ngắn ông là người kể chuyện rất có duyên. Phần nhiều truyện ngắn của ông linh động, bất ngờ làm cho người đọc thích vô cùng.
Truyện ngắn của ông tiểu biểu cho một thứ văn rất vui, mà có lẽ từ ngày nước Việt Nam có tiểu thuyết viết theo lối mới, người ta chỉ thấy ở ngòi bút của ông thôi. Truyện Thằng Ăn Cắp ông tả khéo quá, đến đỗi người đọc tưởng thấy ngay trước mắt cái cảnh tả trên giấy. Nhưng đôi khi sự quá đáng của ngòi bút ông hóa ra khôi hài không còn thuộc phạm vi tả chân nữa. Hầu hết truyện của ông đều thuộc loại tả chân và rặt tả những cái chướng tai gai mắt, đồi phong bại tục mà phần nhiều ngả về hoạt kê.
Trong số những nhà tiểu thuyết về phong tục, ông đứng riêng hẳn một phái: phái tả chân khuynh hướng về hoạt kê, nhưng ông không hoạt kê như Vũ Trọng Phụng khi viết Số Đỏ hay như Đỗ Phồn khi viết Một Chuỗi Cười. Cái cười của ông là cái cái sặc sụa, cái cười hể hả sung sướng của người ngoài cuộc. Ông tả đủ hạng người trong xã hội, nhưng ít khi ông tả tâm lý của họ, nhất là những điều uẩn của họ thì ông không bao giờ động đến. Ông có nụ cười riêng mà chỉ ông mới có và chỉ ông mới diễn ra một cách đều đặn trong mười năm nay.
Vì thế văn ông không giống văn một người nào. Ông viết rất đều tay. Đọc ông không bao giờ người ta phải phàn nàn rằng ông chỉ quanh quẩn trong mấy đầu đề như nhiều nhà văn khác. Tương lai sẽ cho ta biết ông có thay đổi không nhưng tôi tin rằng chỉ trong phạm vi tả chân và trào lộng cây bút Nguyễn Công Hoan mới có thể vững vàng, còn ngoài phạm vi ấy tôi e rằng nó sẽ lung lay.
(Xuân Vũ)
Ca dao tục ngữ hiện đại hiện thực
Đàn ông rộng miệng thì sang
Đàn bà rộng miệng vẫn sang như thường
Văn nghệ sĩ miền Bắc như tôi biết
Vũ Ngọc Phan với Tô Hòai
Tô Hoài cũng thuộc phái tả chân, nhưng không ngả về hoạt kê như Nguyễn Công Hoan. Tô Hoài có khuynh hướng xã hội. Trong hầu hết các truyện của ông, Tô Hoài đều tả hạng dân quê nghèo nàn mà hạng người này cũng chỉ là những người ở một miền, một vùng, vùng Nghĩa Đô, quê hương tác giả
Nhận định này cũng giống như lời của anh Nguyễn Huy Tưởng: "Hãy viết cái gì các cậu thuộc. Đừng viết cái gì không thuộc".
Trong Quê Người (1941) ông tỏ ra là một người quan sát rất sâu sắc. Những tính tình u ẩn diễn ra ở những cử chỉ rất nhỏ của người dân quê, những thói tục hủ bại, những ngôn ngữ kỳ quặc của những người dân quê, cả những cảnh sống cùng cực rất đáng thương của họ đều được ông tả cặn kẽ. Nhưng trong những cảnh ấy, không phải chỉ rặt những màu đen tối mà còn có những màu tươi tắn ở cái tính chất phác của người dân quê. Trong tình yêu thôn dã, Tô Hoài là một cây bút đầy thơ mộng, một cây bút đã tiểu thuyết hóa cao độ những cặp tình nhân ở bên giếng nước hay những hội hè đình đám thôn quê.
Tô Hoài nhận xét nhân vật rất tỉ mỉ. Mỗi khi ông đẩy một người nào ra sân khấu thì ông cho biết tính tình và căn cước của họ. Người ta thấy ông yêu nhân vật của ông quá, ông không muốn cho một nhân vật nào chết cả. (ngược lại với Ngọc Giao). Khi ông tả thì ông tả cụ thể tối đa từ anh phu trạm có cái xe đạp quái gỡ, đến các ông Lý, lão Nhiêu.
Quê Người là một pho tài liệu chân xác cho những nhà xã hội học ta muốn quan sát phong tục và sự tiến hóa của dân tộc Việt Nam. Nào đám hội, cưới, hỏi, đám ma, đám chay, cách nuôi trẻ, nuôi người ốm, dạy con, chữa bệnh, đuổi tà ma, đòi nợ, những lề lối chửi rao, đánh nhau, nằm vạ, cho vay nặng lãi, đặt vè nói xấu người, tục ăn uống, chè chén, cỗ bàn, kiêng kỵ chia phe, kết bè đánh nhau v.v... Không một cảnh nào ở nông thôn mà thoát khỏi cặp mắt của Tô Hoài.
Ông sở trường truyện ngắn. Truyện của ông không những đặc biệt về lời văn, cách quan sát về lối cấu kết mà còn đặc biệt về đề tài nữa. Tô Hoài không giống một nhà văn nào trước ông cũng không giống một nhà văn nào mới vào làng văn như ông. Nghệ thuật của ông là tả chân, tức là để cho sự việc tự nó nói lên.
Nghĩa là không dùng ngòi bút của mình thọc vào bình luận.
(Xuân Vũ)
Văn hoá chửi
Lại nhớ, Nguyễn Thiện Kế, nhà thơ trào phúng nổi tiếng vào đầu thế kỷ 20 và cũng là anh rể của Tản Ðà, có hai câu thơ tả cảnh hộ đê ở miền Bắc:
Trên đê cụ lớn văng con cặc
Dưới đất thầy cai thượng cẳng tay.
“Văng cặc” là đặc quyền của tầng lớp bên trên. Chỉ có những người có quyền lực mới được văng cặc. Ðứng trước vua quan ngày xưa, bọn thường dân mà dám văng cặc thì thế nào cũng bị chặt đầu hoặc chết mòn trong tù ngục. Ðủ thấy những cái gọi là taboo - những điều cấm kỵ - cũng có tính giai cấp: chúng chỉ áp dụng đối với tầng lớp dưới của xã hội mà thôi. Chính vì thế, việc văng cặc, và từ đó, việc văng tục nói chung, đã biến thành một hành vi thách thức và khiêu khích mạnh mẽ và táo bạo nhất: chúng thách thức và khiêu khích với chính quyền lực. Văng cặc, do đó, trở thành một thái độ phản kháng và một sự nổi loạn.
Nên lưu ý là chính các quy phạm văn hoá cũng là một thứ quyền lực. Nổi loạn để chống lại các quy phạm văn hoá ấy là một hiện tượng thường xảy ra không những trong đời sống, đặc biệt ở giới trẻ, mà còn cả trong văn học, đặc biệt ở những giai đoạn tính chất cũ kỹ và sáo mòn đã nặng nề đến mức gần như không thể chịu đựng được nữa. Chính trong cái không khí ngột ngạt, nặng trĩu những công thức và giáo điều, những sự mệt mỏi và sợ hãi như thế, một tiếng “cặc” vang lên sang sảng, nghe rất... đã.
Tuy nhiên, tôi viết bài này không phải chỉ để biện minh cho cái “đã” ấy. Chắc bạn đọc cũng hiểu.
(Nguồn: Nguyễn Hưng Quốc)
Câu đố dân gian
Cái gì không mắt, không tai
Cổ đeo hai bị, tóc dài ngang lưng
Của nhà thấy cứ lừng khừng
Hễ thấy của lạ bừng bừng ngổng lên
Viện Viễn đông Bác cổ
Kho sách cổ với tác phẩm có từ thế kỷ XVII
Một trong những tài liệu quý hiếm giúp thư viện của Viện Viễn Đông Bác Cổ Paris trở thành một trong những trung tâm quan trọng trong giới nghiên cứu về Đông Dương và Việt Nam là bộ sưu tầm 20.000 ván khắc Hán Nôm. Đây là kho tài liệu quan trọng giúp tái dựng cổ sử Việt Nam.
Ngoài ra, còn phải kể đến bộ sưu tập tranh dân gian Việt Nam với khoảng 400 bức tranh do nhà nghiên cứu Maurice Durand thu thập. Được bảo quản trong điều kiện tốt, bộ sưu tập đa dạng và phong phú về nhiều đề tài khác nhau: cuộc sống thường nhật, các ngành nghề nhỏ, chúc tụng và những tấm bùa hộ mệnh, tôn giáo và tín ngưỡng, lịch sử, văn học, tục ngữ, ngạn ngữ…
Cuối cùng, còn có hơn 3.000 đầu sách về Việt Nam, trong đó có rất nhiều sách cổ, trên tổng số gần 33.000 tác phẩm thuộc kho Đông Nam Á. RFI đã có dịp được ngắm hai tác phẩm cổ liên quan đến Việt Nam, được in năm 1631 và 1646.
(Thu Hằng)
Xẩm
Trong hệ thống làn điệu của xẩm, có những làn điệu hấp dẫn, đặc sắc đến mức các bộ môn nghệ thuật khác như Chèo, Quan Họ và thậm chí Ca Trù đều phải “vay mượn”, như các điệu xẩm huê tình, xẩm chợ, xẩm xoan...
Bài xẩm huê tình khi được các đào nương, kép đàn ca trù du nhập vào trong hình thức ca quán, thường gọi là điệu xẩm cô đầu (hay xẩm nhà trò).
Nhìn chung, dung lượng lời ca các bài xẩm thường khá dài, đủ để chuyển tải nhiều nội dung khác nhau, mang đậm phong cách hát kể chuyện. Không tìm thấy những bài ca ngắn gọn ở đây. Điều này có thể hiểu được, bởi trong môi trường diễn xướng hỗn tạp đông người nơi đầu chợ, bến đò, góc phố.., sự “dài hơi” của những bài ca là điều tối cần thiết. Người ta sẽ không thể cảm nhận kịp những bài ca ngắn (kiểu cấu trúc ca khúc).
Thế nên các nghệ sĩ xẩm luôn phải sáng tạo thật nhiều lời ca dài khác nhau. Ngay đến câu ngâm sa mạc - một làn điệu mà chỉ cần một cặp lục bát là đủ một đơn vị tối thiểu, xẩm đã dùng để ngâm cả một chuyện thơ dài, như bài Anh Khóa chẳng hạn, đến vài chục câu thơ lục bát.
(Âm nhạc dân tộc – Bùi Trọng Hiển)
Tình dục trong làng văn xóm chữ
Chùa Bà Banh
Chùa Bà Banh là một ngôi chùa dành cho người Chăm.
Tây Hồ Chí ghi là vua Lê Thánh Tông (1) đã cho làm một thiền viện (vừa là chùa, vừa là một trung tâm nghiên cứu) ở gò Phượng Chuỷ bên bờ nam Hồ Tây cho người Chăm hành đạo, gọi là thiền viện Châu Lâm. Gò Phượng Chuỷ nay là khu vực trường Chu Văn An, quận Ba Đình.
Nhưng dân gian thì gọi là chùa Bà Đanh.
Sau hình như người Chăm chuyển sang khu vực khác, thiền viện hoang phế nên có câu ngạn ngữ "Vắng như chùa Bà Đanh". Tới thời Pháp thuộc, họ bắt dời chùa đi để xây xưởng in rồi xây trường học. Đồ thờ ở chùa Châu Lâm được đưa sang thờ chung với chùa Phúc Châu ở chỗ nay là số nhà 199B phố Thuỵ Khuê, gọi gộp là chùa Phúc Lâm. Nhưng hiện nay trong chùa còn tấm bia ghi dòng chữ "Châu Lâm tự hiệu là Bà Banh tự".
Có người nghiên cứu về Tây Hồ cho hay tên chùa là chùa Bà Banh với suy luận rằng chùa vốn của người Chăm, có tượng một vũ nữ Chăm ở tư thế chân dang ra.
Do vậy mà có tên Bà Banh, đọc trại thành Bà Đanh.
(nguồn: Tô Hoài - Nguyễn Vinh Phúc)
(1) Vua Lê Thánh Tông đề thơ Tượng Bà Banh
Chốn long cung cảnh giới này,
Uẩy, ai đứng đấy lõa lồ thay!
Miệng cười hơn hớn hoa in nhụy.
Má đỏ hồng hồng tóc vén mây.
Ây rắp phất cờ trêu ghẹo tiểu,
Hay toan bốc gạo thử thung (2) thầy.
Chẳng lên bảo điện ngồi thong thả,
Khéo đứng ru mà đứng mãi đây ?
(2) thử thung nghĩa thử thách
Lục xì
Kiếm ăn chung với các cô đượi là bọn “ma cô” (maquereau), bọn bồi xăm (chambre). Thời Pháp còn có nhà Lục xì.
Vũ Trọng Phụng viết tiểu thuyết “Làm Đĩ” (1936) và phóng sự “Lục xì” (1937) nhưng tiếc rằng Tuyển tập Vũ Trọng Phụng (Văn học, 1987) không đăng những truyện này nên rốt cuộc vẫn không biết “Lục xì” là gì. Cái phiền của tuyển tập là vậy! Người khác chọn giùm mình. Cho đọc cái gì thì đọc cái ấy! Tra tìm trong từ điển Hán, Nôm thì không thấy Lục xì.
Từ điển Gustave Hue có chữ "Lục xì" nhưng lại không giải thích, chỉ cho biết Lục xì là một từ “phon.” (tôi đoán “phon” là viết tắt chữ phonétique, nghĩa là đọc theo âm). Nếu vậy thì “Lục xì” có thể là âm cuối của chữ syphilis (bệnh hoa liễu, còn gọi là giang mai, nôm na là bệnh lậu hay tim la). “Nhà Lục xì” là nơi khám bệnh hoa liễu cho các cô điếm thời Tây.
Pháp đem vào nước ta một loại kỹ nữ mới là vũ nữ, các cô gái nhảy, “ca ve” (cavalière). Gái nhảy phải biết... nhảy đầm, không cần biết hát. Các cô hành nghề tại các “đăng xinh” (dancing!).
(Xướng ca vô loài – Nguyễn Dư)
Chữ nghĩa với sử học
Sử học ta vốn chịu nhiều ảnh hưởng của nền sử học Trung Hoa trong khi biên soạn tác phẩm của mình đó là lối kỷ truyện, biên niên và cương mục.
Trước hết, lối kỷ truyện bắt chước theo phương pháp của sử gia Tư Mã Thiên (145-86 ? tr. C.N.) khi ông này viết bộ Sử Ký tức là lối viết lịch sử dưới hình thức tiểu sử các nhân vật.
Một lối viết có tên liệt truyện được sử dụng với các bộ sử như Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên, Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện v.v… mà hình thức cũng không khác lối kỷ truyện bao nhiêu.
(Từ chính sử đến dã sử… Nguyễn Đức Cung)
Tục ngữ thành ngữ
Đãi cứt sáo lấy hạt đa
Đãi cứt sáo lấy hạt đa, đãi cứt gà lấy hạt tấm .
Chê những kẻ quá hà tiện, quá bủn xỉn
(Nguyễn Dư)
Họ Trần, họ Bùi
Thời Lê sơ, vì tránh tên bà mẹ đẻ ra Lê Thái Tông là Phạm Thị Trần mà bắt những người họ Trần phải đổi sang họ Trình...
Việc đổi họ cổ kim còn vô vàn lý do. Nhà thờ họ Bùi ở một làng nọ thờ ông Tổ là... Trần Thủ Độ. Vị Thái sư danh tiếng với câu nói bất hủ trước họa giặc Nguyên tám thế kỉ về trước: “đầu thần còn chưa rơi xuống đất – xin bệ hạ đừng lo”.
Không phải vì “thấy người sang bắt quàng làm họ”, mà họ Bùi làng ấy tôn thờ ông đâu. Ông chính là ông Tổ của dòng họ Bùi. Nhưng Trần Thủ Độ họ Trần.
Cớ sao lại là ông Tổ của họ Bùi?
Người viết bèn đem điều thắc mắc ấy hỏi một cụ cao tuổi họ Bùi. Té ra họ Bùi làng ấy vốn gốc từ họ Trần thật. Vào thời xa xưa, trong họ sinh chuyện bất hoà. Một nhánh của họ Trần bèn tách ra lập họ riêng, song vẫn không muốn cho con cháu quên cái gốc (là họ Trần) của mình. Các cụ thời ấy bèn đi từ nghĩa Nôm của chữ “Trần”. Trần nghĩa là... ở trần, là không mặc áo. Không mặc áo thì là phi y (không áo). Chữ phi (非) và chữ y (衣) ghép lại thành chữ Bùi (裴). Thế là được một cái tên họ. Trần = phi + y = Bùi.
Thật là một cách cấu tạo họ độc đáo.
(Khuyết danh)
Đường Đề Thám
Sàigòn đặc biệt có phố không vỉa hè, như đoạn phố Đề Thám (1) ngay trước dãy nhà cũ đối diện với hông nhà thờ Tin Lành.
(1) xem tiết mục Quán Anh Vũ khúc dưới.
Thật ra thì có một vỉa hè rộng độ tám tấc, nhưng đã lì xuống bằng với mặt đường, ô tô tha hồ leo lên và người đi bộ rất lắm khi phải nhảy vào nhà người ta để thoát chết.
(Phố của thành phố – 1957 Bình Nguyên Lộc)
Câu đối sư và vãi
Nguyễn Hòe đi với bạn vào chơi một chùa, được sư cụ tiếp đãi ân cần, thì mấy ông bạn quý lại quay ra báng bổ nhà chùa.
Sư cụ bực mình ra câu đối:
Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ
Nguyễn Hòe cực chẳng đã phải đối bằng diễu cợt để cứu vãn thể diện chung:
Trên sư dưới vãi, ngảnh lưng trở lại, trên vãi dưới sư.
(Lãng Nhân Phùng Tất Đắc - Chơi chữ 1960)
Cửa Khổng sân Trình
Thành ngữ từ hai nhân vật tiêu biểu của đạo Nho: Khổng (Khổng Tử) và Trình (Trình Tử). Khổng Tử là người nhà Chu nước Lỗ (551 trước công nguyên). Khổng Tử soạn Kinh dịch, Kinh lễ, Kinh Xuân – Thu và Lục nghệ. Trình Tử, tức là Trình Điều, một danh nho thời Tống thì cũng không hiếm người theo học.
Như vậy, nói đến cửa Khổng sân Trình là nói đến hai bậc thầy nổi tiếng trong mối quan hệ với học trò của họ. Thầy và trò là tiêu biểu cho nhà trường, do đó thành ngữ cửa Khổng sân Trình được hiểu là trường học, nơi dạy đạo Nho thuở trước.
(Nguồn: Tìm hiểu điển tích thành ngữ)
Sài Gòn một chút quán xá
Quán Anh Vũ
Quán Anh Vũ là cái tên ban đầu của quán văn nghệ, quán cơm nghệ sĩ và sinh viên được thành lập từ sáng kiến của ông Võ Đức Diên, một kiến trúc sư và cũng là một nghệ sĩ.
Trước kia vào khoảng năm 1945, ông Võ Đức Diên lập ra một ban kịch lấy tên là Anh Vũ và tái lập năm 1955 là nơi gặp gỡ giới nghệ sĩ sáng tác. Quán Anh Vũ là phòng trà có bề ngang chừng 10 m, sâu khoảng 30 m, chứa được 300 đến 400 chỗ ngồi và một ban nhạc, nằm phía sau rạp Nguyễn Văn Hảo, số 43 Bùi Viện, gần ngã ba Bùi Viện Đề Thám.
Quán được mở ra trước Tết Canh Tý 1960, được xem là một quán thanh lịch và có phòng trà lớn nhất Sài Gòn lúc đó. Trong khuôn viên quán có một sân khấu nhỏ phía bên phải, còn quán ăn nằm phía bên trái. Ban ngày, nơi đây là quán cơm. Mỗi bữa cơm chỉ có hai mức giá 5 đồng và 10 đồng, được xem là rẻ vì tính giá bằng phân nửa giá bán thông thường. Quán mở đến 7 giờ tối, lúc nào cũng đông nghẹt khách.
Buổi tối, phòng trà mở cửa. Ban đầu, nhạc sĩ Lê Thương phụ trách sân khấu ca vũ kịch. Ngoài ra còn có ban vũ của hai vũ sư nổi tiếng Lưu Bình và Lưu Hồng. Lớp ca sĩ tiên phong của phòng trà này có danh ca Lệ Thanh, Thanh Thúy, Minh Hiếu, Bạch Yến, Mai Hương, Duy Trác, Cao Thái, v…v… Quán Anh Vũ là một cái nôi nghệ thuật của Sài Gòn thời đó. Theo nhà báo Đoàn Thạch Hãn, tại phòng trà này, nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Ánh 9, lần đầu tiên đệm dương cầm cho ca sĩ Thanh Thúy biểu diễn rất thành công tác phẩm đầu tay Ướt Mi của Trịnh Công Sơn. Có người cho rằng bài Phố Buồn được nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác chính trong giai đoạn này. Năm 1962, Khánh Ly bắt đầu sự nghiệp ca hát tại phòng trà Anh Vũ lúc mới 18 tuổi.
Phòng trà và quán cơm Anh Vũ thời gian đầu trở thành địa chỉ sum họp của giới nghệ sĩ, nhà báo, nhà văn Sài Gòn thời đó. Có lúc Anh Vũ cũng tổ chức các hoạt động khác như là nơi tuyển chọn diễn viên như câu chuyện kể trên.
Đến cuối năm 1962, do tình hình an ninh, chính phủ lúc đó ban hành giới nghiêm, không cho phép các vũ trường hoạt động nên quán Anh Vũ đóng cửa. Quán cơm Anh Vũ và phòng trà Anh Vũ chỉ còn trong tâm tưởng lớp người sống ở Sài Gòn một thời đã xa, những người lớp tuổi bảy mươi và tám mươi. Họ hoài niệm nó, như trong một đoạn thơ không rõ tác giả:
“Sài Gòn ta gởi cho em/Quán cơm Anh Vũ, phố đèn Tự Do/Nhớ em! Ôi, thuở học trò/Này đường Nguyễn Trãi, con đò Thủ Thiêm...”.
(Sài Gòn: Chuyện đời của phố - Phạm Công Luận)
Nâng chén, cụng li, chạm cốc…
Cái cốc
Cốc là tên gọi cái chén thuỷ tinh của miền Bắc.
Năm 1943 Thạch Lam viết Hà Nội băm sáu phố phường. Trong bài Hàng nước cô Dần có đoạn :
"Nhưng hàng cô Dần có một chút đặc biệt hơn: cô không bán nước vối hay nước chè tươi. Cô bán nước chè uống với đường.
Ai uống nước đường thì đã có cốc thuỷ tinh, một xu một cốc. Cô múc vào cốc một thìa đường, - tuy đường đắt mà xem ra cô cũng múc nới tay lắm -, nghiêng bình chè rót đầy cốc, và đưa lên cho khách với cái nhìn của đôi mắt nhỏ, lanh lẹn, hai con ngươi đen bóng loáng, như hai con mắt của một con vật non nào.
Ăn cơm, uống rượu xong được một cốc nước chè đường nóng thì ai chả thích... " (1).
- Thoáng hiện em về trong đáy cốc
Nói cười như chuyện một đêm mơ (Quang Dũng, Đôi bờ)
(1) - Tuyển tập Thạch Lam, Văn Học, 1988, tr. 211.
Miền Nam không dùng cốc. Nhưng gốc gác của cốc lại là... miền Nam. Tự vị Huỳnh Tịnh Của có cốc rượu (chén rượu). Nhưng Từ điển Génibrel (1898) không có cái cốc. Điều này cho thấy cuối thế kỉ XIX, cốc chưa được dùng trong dân chúng.
Việt Nam tự điển (1931) của Hội Khai Trí Tiến Đức định nghĩa:
- Cốc : đồ dùng để uống rượu, thường làm bằng thuỷ tinh. Có nơi gọi là ly.
- Li : cốc thuỷ tinh.
Tự điển Việt Nam (1971) của Ban tu thư Khai Trí cũng định nghĩa:
- Cốc : đồ dùng để uống rượu, uống nước.
- Ly : cốc thuỷ tinh.
Li (hay ly), cốc giống nhau. Cả hai đều là đồ dùng để uống nước, uống rượu, làm bằng thuỷ tinh.
Tại sao đã có li rồi còn rắc rối có thêm cốc?
Tên cốc từ đâu ra ? Xin tạm đưa ra hai cách giải thích.
1- Tự vị Huỳnh Tịnh Của có cái cúp (tiếng mới), nghĩa là cái chén có cán.
Có thể cái cúp (coupe) của Pháp bị nói trại thành cái cốc.
2- Thời Đạo Thiên Chúa được người Việt gọi là đạo Cơ Đốc.
Tự điển Khai Trí và Từ điển Đào Duy Anh cho biết Cơ Đốc phiên âm của chữ Christ được Tự điển Gustave Hue (1937) phiên âm là Cơ lợi tư đốc. Cơ lợi tư đốc nói gọn lại là Cơ Đốc
Mặt khác, cristal của tiếng Pháp được ta gọi là thuỷ tinh, pha li.
Có thể suy đoán rằng cái chén thánh bằng cristal dùng trong các buổi lễ được giáo dân phiên âm theo cách nói của người Việt.
- Cristal có âm đầu crist, phát âm giống Christ.
- Christ được phiên âm và rút gọn thành Cơ Đốc.. Cái chén thánh bằng thuỷ tinh được gọi là cái cơ đốc.
- Cơ đốc được rút gọn thành cốc. (Cơ+Đốc = C+ốc = Cốc).
Cristal (thuỷ tinh), cái chén bằng thuỷ tinh được gọi là cái cốc.
(Nguyễn Dư)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Những sai lầm trong Từ Điển Từ Ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân:
Cà sa là áo của các nhà sư tu đạo Phật, may bằng nhiều mụn vải màu khác nhau.
Ðịnh nghĩa như vậy thì đúng, nhưng soạn giả lại giải thích rằng, cà = áo thầy tu; và sa = áo thầy tu.
Sự thực thì hai chữ cà sa 袈 裟 này được đặt ra chỉ để phiên âm chữ kasaya trong tiếng Phạn (nghĩa là áo của nhà sư).
Nếu đứng tách rời nhau thì cà và sa 裟 không có nghĩa gì cả.
(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)
Rạp hát xưa: Những thiên đường của Tết
(rạp Casino Đakao)
Nay đổi tên là rạp Cầu Bông, tọa lạc ở vòng cung đường Đinh Tiên Hoàng chạy tới Cầu Bông thuộc phạm vi quận Bình Thạnh.
(Lê Văn Nghĩa)
(xem kỳ tới rạp Kim Châu)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét