Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2022

Cách Đặt Tên và Hiệu của Người Việt - Phan Thuân An

 

Cách Đặt Tên và Hiệu của Người Việt.

1. Danh tính 名 姓 hoặc tính danh: Họ và tên. 

2. Tên tục: Tên cha mẹ đặt cho khi mới sinh, chỉ dùng để gọi khi còn nhỏ, dùng từ Nôm (thuần Việt) và có ý nghĩa xấu xí để tránh sự chú ý của ma quỷ (theo mê tín ngày xưa).

3. Tên tự (còn gọi là tên chữ): Tên của những người trí thức thời trước, tự đặt thêm cho mình, dùng từ Hán - Việt và thường dựa vào ý nghĩa của tên mình vốn có để đặt.

4. Tên hiệu: tên của những người trí thức thời trước tự đặt thêm cho mình, dùng từ Hán - Việt mang ý nghĩa đẹp đẽ. Ví dụ: Ức Trai là tên hiệu của Nguyễn Trãi.

5. Niên hiệu: Cái hiệu của ông vua, người ta theo đó mà tính năm, kể từ năm ông vua lên ngôi. Ví dụ: Minh Mạng tam niên: năm Minh Mạng thứ 3, tức là năm 1822 (năm đầu tiên của vua này: Minh Mạng nguyên niên, là năm 1819).

6. Miếu hiệu: Cái hiệu truy tôn khi ông vua chết rồi để đem thờ ở Thái Miếu hoặc Thế Miếu do triều đình thiết lập. Ví dụ: Miếu hiệu của vua Gia Long là Thế Tổ, Miếu hiệu của vua Minh Mạng là Thánh Tổ, của vua Thiệu Trị là Hiến Tổ, của vua Tự Đức là Dực Tôn (còn đọc là Tông)...

7. Tên hèm (còn gọi là tên cúng cơm): Tên vốn có của một người, dùng để khấn khi cúng giỗ. Tên hèm phân biệt với các tên khi còn sống.

8. Tên húy: Tên do cha mẹ đặt cho từ thời nhỏ, sau khi trưởng thành thường được thay bằng tên khác và kiêng không nhắc đến nữa. 

9. Tên thụy 諡 (còn gọi là thụy hiệu): tên đặt cho người khi đã chết, dựa theo hành vi và phẩm hạnh lúc sinh thời để đặt. Ví dụ: thụy hiệu của vua Gia Long là: "Khai thiên Hoằng đạo Lập kỷ Thùy thống Thần văn Thánh võ Tuấn đức Long công Chí nhân Đại hiếu Cao Hoàng đế".


Phan Thuận An
(Khóa 1 Viện Hán Học Huế)

Cầu Đảo - Nvs.Vũ Thụy

       

                          

Cầu Đảo

Tháng mấy mong đợi mưa ngâu

Về miền viễn xứ cạn bầu rượu thơ
Chờ cơn mưa hạ hững hờ
Đất khô thiếu nước bơ phờ cỏ cây
Cuối mùa trăn trở bóng mây
Lập giàn cầu đảo lòng đầy băn khoăn
Ngập ngừng trước cửa ăn năn
Trái sầu rụng xuống cho trăng mỉm cười
Sẩy tay rơi nửa kiếp người
Lẩn trong tiếng hát giọng cười dã nhân
Mây trời khắc chữ phù vân

Người trong mộ đất có cần tiếng mưa

Nvs. Vũ Thụy

(Trích tập thơ Nửa Gánh Thu Sầu - Nvs.vũ Thụy)





Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2022

Nguyệt Dạ Ca - Mai Sơn Phủ - (Ngân Triều biên soạn)

 

     Nguyệt Dạ Ca - Mai Sơn Phủ
                 (Ngân Triều biên soạn)


Ngan wrote: "Nhận được thơ tình nhân, Hồ Xuân Hương rất mừng, liền họa lại ngay. Không biết vì lý do gì, cuộc tình tan vỡ, Bà chỉ than thân trách phận mà thôi. Khi ấy, Bà đang tuổi 30...
* Bài số 8: Nguyệt Dạ Ca - Mai Sơn Phủ
Ta nhớ người xa tim buốt tha! Sau khi mối tình đầu với Nguyễn Du, trong đợi chờ vô vọng, khoảng năm 1799-1801, Hồ Phi Mai tự Xuân Hương, lúc đó khoảng 27-29 tuổi, đã gặp một chàng trai ở Vịnh Phố, (tức thành phố Vinh, đô thị loại 1, tỉnh Nghệ An ngày nay) ra Thăng Long trọ học là Mai Sơn Phủ. Hai người đã say đắm yêu nhau, tình yêu đã được công khai thề nguyện và có làm thơ (cắt tóc mỗi người một mớ, gọp lại, chia hai, rồi mỗi người giữ một phần, đồng thời cắt tay trích máu cho vào hai chung rượu, gọi là chén tử và chén sinh, uống thề trọn đời yêu nhau. Bài thơ chữ Hán, Thệ viết hữu cảm và đã chung sống như vợ chồng). Lần nầy, Mai Sơn Phủ về quê thu xếp xin gia đình chấp thuận cưới nàng. Trên đường đi, chàng đã gửi về cho Hồ Phi Mai bài thơ Nguyệt Dạ Ca I như sau: (Tham khảo: Mối tình của Hồ Xuân Hương và Mai Sơn Phủ qua Lưu Hương ký của TS Phạm Trọng Chánh):

Văn bản chữ Hán Ngân Triều soạn:

月 夜 歌 其 一
露 如 珠 兮 月 如 差
 倏 往 來 兮 照 予 懷 
 惋 故 人兮 天 涯 

愛 不 見 兮 心 徘 徊
苔 荒 神 女 廟 
雲 散 楚 王 臺 
明 月 光 如 許 
我 思 之 人 兮 焉 在 哉

Nhất Uyên phiên âm,
Nguyệt dạ ca 1
Lộ như châu hề nguyệt như sai, (1) Thúc vãng lai hề chiếu dư hoài.
Uyển cố nhân hề thiên nhai! (3)
 Ái bất kiến hề tâm bồi hồi!
Đài hoang Thần Nữ miếu, (5)
Vân tán Sở Vương đài.
Minh nguyệt quang như thử (7)
Ngã tư chi nhân hề yên tại tai.
 
* Dịch nghĩa: Sương móc như những hạt châu chừ ánh trăng lấp lánh (trên lá) so le
Những tia sáng long lanh đó chừ khiến ta nhớ thương,
 Người tuyệt vời chừ ở phương trời,
Yêu chẳng gặp nhau chừ lòng bồn chồn.
Miếu Thần Nữ rêu phủ,
 Đài Sở Vương mây trôi.
Ánh trăng thanh sáng như thế,
 Ta nhớ đến người ấy chừ vô cùng.
* Chú giải:
Thần Nữ miếu 神 女 廟, miếu Thần Nữ núi Vu Sơn
Sở Vương Đài 楚 王 臺, đài Sở Vương, nơi Sở Tương Vương nằm mộng thấy giao hoan cùng thần nữ núi Vu Sơn.

* Dịch thơ: (1)Bản dịch của [không rõ]
Sương giọt ngọc nguyệt ánh ngà,
Du du rọi rọi hồn ta gieo sầu.
Người xưa duyên dáng nơi đâu?
 Xa xôi cách trở lòng rầu chẳng nguôi.
Miếu Thần Nữ- ngói rêu phơi
Đền đài Vương Sở-nền trời mây tan.
Đêm nay vằng vặc trăng vàng
Hỡi người trong mộng, biết nàng phương nao?

* (2) Bản dịch của Trần Nhất Lang Gửi bởi Vanachi ngày 18/04/2007, 18:49
Trăng ngời, sương móc như châu,
Soi lòng cô quạnh thêm sầu lòng ta
Cố nhân ở tận trời xa,
Yêu nhau không gặp thiết tha ngậm ngùi.
Sở Đài mây lạnh lùng trôi
 Miếu hoang thần nữ ai người sửa sang
Tứ bề trăng giãi mênh mang,
Nhớ thương nào biết gửi nàng nơi đâu .

* (3)Bản dịch của Bùi Hạnh Cẩn [1] Gửi bởiVanachi ngày 22/08/2008, 09:55

Trăng ngà sương móc châu sa,
Rập rờn qua lại lại qua ngời ngời.
Cố nhân góc bể chân trời,
Yêu nhau chả gặp ngậm ngùi lòng nhau.
Miếu hoang thần nữ rêu rầu,
Đài cao vua Sở một màu mây hoang.
 Bốn bề trăng sáng mênh mang,
 Người ta mong nhớ giờ đang nơi nào?
Nguồn: Hồ Xuân Hương thơ chữ Hán-chữ Nôm &giai thoại, Bùi Hạnh Cẩn, Thông Tin 1999

* (4) Bản dịch của Bùi Hạnh Cẩn [2] Gửi bởiVanachi ngày 22/08/2008, 10:02
Móc như hạt châu chừ trăng ngọc ngời
 Qua lại chừ lòng ta soi
Nhớ cố nhân chừ chân trời
 Yêu không gặp chừ lòng bùi ngùi
Rêu mờ miếu Thần Nữ,
Mây tản bay Sở đài.
Trăng sáng ngời như thế,
Ở nơi đâu chừ người ta mong nhớ ơi!
Nguồn: Hồ Xuân Hương thơ chữ Hán-chữ Nôm &giai thoại, Bùi Hạnh Cẩn, Thông Tin, 1999

* (5) Bản dịch của Cao Tư Thanh Gửi bởi TTH ngày 10/03/2009, 06:44
Sương như châu chừ trăng như mây,
 Cứ qua lại chừ soi lòng nầy.
Hờn người xưa chừ nơi chân trời,
Nhớ không gặp chừ lòng bồi hồi.
Miếu thần nữ rêu phủ,
Đài Sở Vương mây phai.
Trăng trong sáng như thế,
Người nơi đâu chừ người ta thương ơi!

* (6) Bản dịch của Nhất Uyên
Sương như châu, kìa trăng sáng ngời,
Sáng lấp lánh kìa chiếu hồn ai,
Người yêu ơi! Giờ nơi phương trời!
Yêu chẳng gặp lòng bồi hồi!
Miếu Thần Nữ rêu phủ,
Đài Sở Vương mây trôi.
 Trăng trong sáng như thế!
 Người ta mơ tưởng giờ nơi đâu rồi.
* Ghi chú:
Câu (5-6), nhớ những giây phút ân ái củaThần Nữ Vu Sơn với Sở Tương Vương; giờ không còn nữa, như rêu phủ, mây trôi.
(Câu 7), như những ngày hẹn nhau dưới trăng nơi Hồ Tây, nơi Cổ Nguyệt Đường.

* (7) Ngân Triều cảm đề bài Nguyệt dạ ca 1:
Sương móc long lanh trăng tỏ rạng,
Chênh vênh tia ngọc đẫm u hoài.
 Mỏi mòn mong ngóng người xa thẳm,
Núi khuất trời thương hồn lạc loài!
 Rêu phủ vấn vương Thần Nữ Miếu,
Mây bay ngơ ngẩn Sở Vương Đài.
 Đêm trăng vằng vặc, lòng tê tái,
 Ta nhớ người xa tim buốt thay!
 Ngân Triều

***
Nguyệt dạ ca kỳ 2 - Hồ Xuân Hương [II]
Khi nhận được bài thơ trên của Mai Sơn Phủ, Hồ Phi Mai họa ngay:
• Bài hát đêm trăng kỳ 2 Văn bản chữ Hán,
Ngân Triều soạn:
月 夜 歌 其 二
 花 其 字 兮 葩 其 詩
霞 為 裳 兮 雲 為 衣
 亦 旣 覯 兮 我 心 則 夷
語 曷 旣 兮 栖 遲
愁 泰 湘 水 聽
悶 壓 蜀 山 低
日 月 無 根 兮
情 之 所 鍾 不 知 其 期

Nhất Uyên phiên âm Nguyệt dạ ca II

Hoa kỳ tự hề ba kỳ thi,
Hà vi thường, hề vân vi y,
Diệc ký câu hề ngã tâm tắc di.
Ngữ hạt ký hề thê trì.
 Sầu thái Tương thủy thính,
Muộn áp Thục Sơn đê, (1)
Nhật nguyệt vô căn hề,
Tình chi sở chung? Bất tri kỳ kỳ?
 Chú giải:
thường 裳 là chiếc quần;
còn Xiêm, 襜 , áo lót che trước ngực của phụ nữ ngày xưa, tức là chiếc yếm; còn có nghĩa là chiếc quần, Ở văn cảnh nầy sử dụng thường, 裳, chiếc xiêm hay chiếc quần)
diệc 亦  = cũng dịch gặp lại nhau.
Thính 聽 nghe, theo, đoán, định.
Chung 鍾 cái chuông, còn có nghĩa thời giờ Tương thủy 湘 水, nước sông Tương.
 Muộn áp Thục Sơn đê, 悶 壓蜀 山 低, nỗi buồn ép vào; nén giăng trùm lên chân núi Thục. Tương Giang bắt nguồn từ núi Duyên, huyện Hưng Yên tỉnh Quảng Tây.
Trong bài Trường Tương tư 長 相 思 của Lương Ý Nương 梁 意 娘 có một đoạn thơ:
 我 在 湘 江 頭 
君 在 湘 江 尾 
相 思 不 相 見
同 飲 湘 江 水
* Ngã tại Tương Giang đầu,
Quân tại Tương Giang vĩ.
Tương tư bất tương kiến,
Đồng ẩm Tương giang thủy
* Đầu sông thiếp vẫn đợi chờ,
Cuối sông chàng nhớ bơ phờ lòng đau.
Nhớ nhau chẳng thấy mặt nhau
Nước sông cùng uống dạ sầu chẳng khuây.

* Thục Sơn 蜀 山 ,ở phía Đông Nam huyện Tuyên Hưng Tỉnh Giang Tô. Nhưng trong bài này Hồ Xuân Hương nói đến núi Thục trên đường đi qua Ba Thục của Lý Bạch: (Bài Thục đạo nan, 蜀 道 難 Lý Bạch, 李 白 có đoạn:
 蜀 道 之 難 難 於 上 青 天
 使 人 聽 此 凋 朱 顏
連 峰 去 天 不 盈 尺
枯 松 倒 掛 倚 絕 壁
* Thục đạo chi nan nan ư thướng thanh thiên
Sử nhân thính thử điêu chu nhan
Liên phong khứ thiên bất doanh xích
Khô tùng đảo quái ỷ tuyệt bích
***
 Đường đi Thục khó, khó hơn lên trời xanh
Khiến cho ai nghe tới đang mặt mày tươi tắn liền phải khổ sầu
Mấy dãy núi san sát nhau, cách trời không đầy thước
Cây tùng khô treo ngược dính vào vách đá cao ngất
*** Đường Thục khó hơn lên trời xanh
Khiến người nghe nói héo mặt son
 Núi liền cách trời chẳng đầy thước
Thông khô vắt vẻo vách cao ngất (1),
Muộn áp Thục Sơn đê, 悶 壓 蜀 山 低, buồn giăng trùm núi Thục.

Nhất Uyên dịch nghĩa Bài ca đêm trăng 2.
 Hoa là chữ, chừ nhụy là thơ,
Ráng là chiếc xiêm chừ mây là y trang
Khi gặp lại nhau, chừ lòng ta phơi phới.
Lời thư chừ sao chậm tới,
 Nghe sầu trôi miết sông Tương,
Buồn giăng trùm lên núi Thục.
Thời gian chờ đợi khô héo rễ lòng,
Khi nào gặp lại? Biết đến bao giờ?

* Diễn văn xuôi của Nhất Uyên:
  
Hoa là chữ, nhụy là thơ. Ráng hồng hoàng hôn là xiêm, mây là áo. Nơi nào cùng có hoa có nhụy, có ráng chiều, có mây là nơi ta gặp nhau; khi gặp nhau lòng ta phơi phới. Nhưng giờ đây thư chàng sao chậm tới? Lòng thiếp, lòng chàng như kẻ đầu sông Tương, cuối sông Tương, không gặp nhau nhưng cùng một lòng nhớ thương nhau, (cùng uống nước sông Tương). Nỗi buồn nào chất ngất như Lý Bạch đứng dưới chân núi Thục. Ngày tháng này tâm hồn thiếp như không còn gốc rễ; lênh đênh như ngọn cỏ bồng. Mình sẽ gặp lại nhau nơi nào, bao giờ đây?
Tham khảo: Mối tình Hồ Xuân Hương và Mai Sơn Phủ qua Lưu Hương ký, TS Phạm Trọng Chánh, Paris.

* Dịch thơ: (1) Bản dịch của Bùi Hạnh Cẩn
Hoa làm chữ chừ nhụy làm thơ,
 Ráng làm xiêm chừ mây làm áo.
 Cũng đã gặp nhau chừ lòng ta vui vầy
 Lời gửi chừ sao chậm chầy
Sông Tương nghe buồn chảy
Non Thục sầu nén đầy
Trời trăng chừ không gốc
 Chung đúc mối tình, biết bao giờ đây?
 Nguồn: Hồ Xuân Hương thơ chữ Hán - chữ Nôm & giai thoại, Bùi Hạnh Cẩn, NXB Văn hoá - Thông tin, 1999

* (2) Ngân Triều cảm đề, Bài ca đêm trăng 2:
Tình ta hoa nhụy đẹp văn thi,
Mây ráng là trang phục ngoại y.
Thương nhớ gặp nhau bừng rạng rỡ,
Chờ mong tin nhạn bặt rì rì.
Sông Tương sóng gợn dào thương nhớ,
Núi Thục buồn giăng kín lối đi.
Mòn mỏi miên man chờ ủ rũ!
Mong thay chớ lỡ hẹn sai kỳ.
Ngân Triều

***
Bài số 9
Tự Thán [1] Hồ Xuân Hương 

 Con bống đi về chốc bấy nay, (1)
Chữ duyên nào đã chắc trong tay.
Nghĩ cùng thế sự lòng như đốt, (3)
Trông suốt nhân tình dạ muốn say.
Muôn kiếp biết là duyên trọn vẹn, (5)
Một đời riêng mấy kiếp chua cay.
Nỗi mình, nỗi bạn dường bao nả , (7)
Dám hỏi han đâu những cớ nầy.
(Theo Thư Viện Online)

Văn bản chữ Nôm, Ngân Triều soạn:
自 歎 [其 一]
𡥵 𩸮 迻 𧗱 祝 昞 𠉞 𡦂 緣 芾 㐌 𠺵 𥪝 拪 擬 窮 世 事 𢙱 如 𤋿 𥊛 拙 人 情 腋 㦖 𫑹 閍 劫 别 𪜀 縁 𢀧 援 殳𠁀 𥢆 買 劫 咮 咳 𢚶 𨉟 𢚶 伴 𠍵 包 𥭵 㦑 𠳨 𠻃 兠 仍 故 尼
* Chú giải:
Chàng mới đi chưa bao lâu, xa chàng mới thấy rằng chữ duyên, những lời thề hẹn chưa chắc sẽ thành như nắm chắc trong tay. Tình hình thế sự lòng dạ như lửa đốt: Tình hình chiến tranh đang tiếp diễn, tháng ba năm 1801 Nguyễn Ánh đánh chiếm toàn doanh Quãng Nam. Sau đó thừa thắng tiến đánh Đà Nẵng. Đến tháng 5, Nguyễn Ánh cho thủy quân tiến đánh cửa bể Tư Dung, rồi thừa thắng kéo vào Phú Xuân. Vua Quang Toản bỏ kinh thành chạy ra Bắc, trận chiến tiếp diễn tại Nghệ An, Quận Công Nguyễn Văn Thận, Trấn thủ Tây Sơn tại Hà Tĩnh thua chạy vào Thanh Hóa và bị bắt giết. Tháng 5 năm Nhâm Tuất 1802 Nguyễn Ánh lập đàn ở đồng An Ninh, Phú Xuân tế trời đất, lên ngôi đặt niên hiệu Gia Long và tiến quân ra Bắc.
Thăng Long sẽ là nơi trận đánh cuối cùng của Triều Tây Sơn trước khi suy tàn, hứa hẹn một cuộc giao tranh khốc liệt... Làng Nghi Tàm có thể là nơi đóng quân, sẽ là một phen lửa khói tơi bời. Tình hình thế sự như thế, như lửa đốt mà tiếng đồn đại, người đời lòng dạ đổi thay, Xuân Hương muốn say để quên đi... Tình duyên có được trọn vẹn chăng trong muôn kiếp. Một đời nàng chịu đựng quá nhiều tiếng chua cay của miệng đời. Nỗi mình như thế, nỗi bạn Mai Sơn Phủ ra sao? Vì sao vắng bặt tin, biết hỏi han cùng ai?
Con bống 𩸮, loại cá nhỏ nước ngọt, quen thuộc gần gũi trong dân gian, như chuyện cổ tích Tấm-Cám: Tấm có nuôi một con cá bống ở một cái giếng. Ở đây, hình tượng con bống được tác giả so sánh ngầm, ví với thân phận mình. Ở đây có thể hiểu, tất bật, đa đoan, lo lắng đến nỗi như người mất hồn hay có xác không có hồn.
Chữ duyên 緣, Sự việc coi như trời định, trong mối nhân duyên vợ chồng; tình yêu đôi lứa.
kiếp 劫, đời người, khi chết đi, hóa thành 1 đời sống khác, trong một thân xác khác, có quan hệ nhân quả với nhau, theo thuyết luân hồi của đạo Phật. Ở đây có thể hiểu như những cơ hội của con người trong đời.
 nả 𥭵, khoảng thời giờ ngắn ngủi. Bao nả 包 𥭵 thời gian ngắn ngủi biết bao.
* (1-2), Những băn khoăn về cuộc tình: Đi về trong (hò hẹn) biết bao lần, thân ta như là một con cá bống. Chuyện tình nầy, chưa có gì chắc chắn.
 (3-4-5-6), Chuyện thời thế và chạnh lòng: Nghĩ đến chuyện thế sự (bấy giờ tình hình trong nước bất ổn), lòng ta sao có thể an tâm. Chạnh tưởng người tình, nhân tình, ta như mê say trong dạ. Có phải đây là cuộc tình hạnh phúc, tâm đắc của đời ta chăng, trài qua trong muôn kiếp luân hồi? (So với cuộc đời đã qua), ta đã từng lận đận, mấy bận chua cay.
 (7-8), Tâm trạng của tác giả: Tình cảm của ta và của chàng (thắm thiết biết bao!), thời gian (bên nhau) thật là ngắn ngủi! Ta nào dám nhắc đến những chuyện nầy, với chàng.

 * Ngân Triều cảm đề, bài Tự Thán 1:
Bao lần hò hẹn, thân như bống.
 Có chắc gì chưa hỡi cuộc tình!
Thế sự sục sôi chân đạp lửa,
Trời thương dào dạt nghĩa ba sinh.
Lần nầy bến mộng tròn duyên kiếp?
Hay dấu xe xưa, những gập ghình!
Khoảnh khắc bên nhau sao thắm thiết!
Dám đâu bộc bạch chuyện riêng mình?

***
Tự thán 2 - Hồ Xuân Hương [2]
 Lẩn thẩn đi về mấy độ nay, (a)
Vì đâu đeo đẳng với nơi vầy.
Ấm trà tiêu khát còn nghe giọng, (c)
Chén rượu mừng Xuân dạ thấy say.
Điểm lữ trông chừng mây đậm nhạt (e)
Dòng thu xem cỡ nước vơi đầy.
Thương ai hẵn lại thương lòng lắc, (g)
Này nợ này duyên, những thế này.
Thơ chữ Nôm Hồ Xuân Hương trong Lưu Hương ký. Theo Thư Viện Online

Nhất Uyên dịch nghĩa: Bài Tự Thán [2] cho thấy tâm trạng buồn thảm của nàng: Mấy độ nay, Hồ Xuân Hương như cái xác không hồn, đi về lẩn thẩn. Vì đâu ta phải đeo đẳng ở cái làng Nghi Tàm này. Uống chén trà, nàng cứ nghe khát hoài, nàng cứ uống để còn nghe giọng mình có còn không, vì chẳng nói chuyện được với ai… Uống chén rượu mừng xuân năm Nhâm Tuất, lòng dạ muốn say… Nơi quán trà quán sách của nàng, khách xưa đến nồng ấm nay lạnh nhạt! Tình người như nước mùa thu, đã đầy rồi vơi đi… Càng thương chàng, càng thương thân phận mình. Vì đâu mà duyên nợ phải ra thế này?

Văn bản chữ Nôm, Ngân Triều soạn:
自歎 [其 二]
吝 矧 迻 𧗱 買 度 𠉞  位 兠 㧅 戥 唄 坭 丕   𤋾 茶 焇 渴 群 𦖑 哢   𥗜 𨢇 𢜠 春 腋 𧡊 𫑹   點 旅 𥊛 蒸 𩄎 淡 𤁕  𣳔 秋 䀡 𢤫 渃 潙 𣹓  愴 埃 𠳾 吏 愴 𢙱 𢳝   尼 𡢻 尼 縁 仍 世 尼
Chú giải:
Lẩn thẩn 吝 矧, dở hơi, như mất trí.
Điểm lữ, 點 旅, ở một nơi quán khách trọ nào đó. Lữ, 旅, quán khách trọ.
 đạm, 淡, lạt, nhạt, trái với chữ nùng, 醲, là đậm. nhạt, 𤁕, nói về cái vị, cái màu không còn đúng với bản gốc. Cái vị đã thiếu đậm đà, cái màu đã phai.
Dòng thu, 秋, dòng nước mắt của người con gái, Con mắt được ví như sóng mùa thu: Dòng thu như xối cơn sầu, Dứt lời nàng cũng gieo đầu một bên. ĐTTT, Nguyễn Du, câu 2533-2534
 lòng lắc, 𢙱 𢳝, lòng như quả lắc, đưa qua đưa lại. Lòng dạ không chung thủy.
Nợ, 𡢻, sự việc mà bản thân phải đền, phải trả, phải bận lòng không dứt khi đã dính vào, khi đã nhận của tha nhân một món gì. Chồng con là cái nợ nần, Thà rằng ở vậy, nuôi thân béo mầm. Ca dao. Nợ tình chưa trả cho ai, Hồn nầy thác xuống tuyền đài chưa tan. ĐTTT, Nguyễn Du, câu 709-710
* Diễn ý bài thơ trên:
 (a-b), Nỗi niềm trong cuộc tình: Tại sao ta cứ đi về, lao vào cuộc tình say đắm như điên! Vì sao thân ta bỗng dính dáng đến nơi nầy?
 (c-d-e-f), Cụ thể nỗi niềm khao khát, ước ao, lo lắng, buồn khổ: Hết cả ấm trà, không còn khát nữa, nhưng vẫn nhớ tiếng nói của chàng. Cạn chén rượu mừng Xuân, nghe lòng say đắm, ước ao. Ở quán khách ấy, phải chăng mây trời đã nhạt? (Hay tấm lòng chàng đã phôi pha, cách mặt xa lòng). Nhìn nước dòng sông vơi đầy (do ảnh hưởng thủy triều), mà nước mắt tuôn rơi.
(g-h), Tự trách mình đã quá tin cậy trong tình yêu: Khi thương ai, sao thương được con người có lòng dạ thay đổi, như nắng sớm mưa chiều. Phải chăng ta tin vào duyên nợ (tiền định), cho nên ta mới thế này đây!

 * Ngân Triều cảm đề Bài Tự thán 2
Lẩn thẩn đi về xơ xác thay!
Vì đâu đeo đẳng mãi nơi nầy?
Chén trà, tiêu khát còn đâu giọng,
Chén rượu xuân nồng hoang tưởng say.
Quán khách thói đời nay nhạt thếch,
Dòng sông lãnh đạm lệ vơi đầy.
 Đã thương sao chẳng bền chung thủy?
 Duyên kiếp ai xui phải thế này?
Ngân Triều
Thế là: Mối tình Hồ Xuân Hương và Mai Sơn Phủ kết thúc nơi đây! Không ai biết Mai Sơn Phủ ra sao? Có ai lục trong gia phả họ Mai làng Liên Cừ ở Vinh, để biết cuộc đời chàng Mai chấm dứt ra sao? Hoặc phản bội lời thề với Xuân Hương Hồ Phi Mai nên bị chết vì dao búa trong chiến tranh. Hoặc bị cha mẹ hay vợ cả thấy suốt ngày chỉ ngồi uống trà xanh không và nhớ nàng nên cấm cửa, bắt ra đồng cày ruộng nên không thể nào trở lại Thăng Long học tiếp? Hoặc chết vì một cơn bạo bệnh, một trận dịch? Có lẽ có một duyên cớ gì đã làm Hồ Xuân Hương đau điếng, không thể viết tiếp trang tình sử của bản thân với Mai Sơn Phủ. (Lúc này, bỗng đâu có người học trò cũ của cha đến thăm: Tổng Cóc Nguyễn Công Hoà ở Vĩnh Phú, còn có tên là Nguyễn Bình Kình, có thể rước nàng về dạy học cho con. Trong cơn túng quẩn: quán trà ế khách, lớp học Cổ Nguyệt Đường thiếu học trò, chiến tranh sắp xảy ra tại Thăng Long. Gặp anh học trò cũ của cha cũng từng vác lều chỏng đi thi, có xuớng họa với nàng vài câu đáp cũng không đến nổi nào nên Hồ Xuân Hương: Cũng liều nhắm mắt đưa chân, Mà xem con tạo xoay vần đến đâu. ĐTTT, Nguyễn Du, câu 1115-1116)
 * Năm ấy năm 1802, Hồ Xuân Hương mới 30 xuân xanh. Nguồn: Mối tình Hồ Xuân Hương và Mai Sơn Phủ, TS Phạm Trọng Chánh.

***
    1-Sông Tương sóng gợn dào thương nhớ,
Núi Thục buồn giăng kín lối đi.
    2-Đã thương sao chẳng bền chung thủy? Duyên kiếp ai xui phải thế này?"
Learn more about tagging on Facebook.




Chờ Mưa - Nvs. Vũ Thụy

   

                  

    Chờ Mưa

Đợi mưa gội rửa bụi đường

Trên vai áo mỏng tình trường đa đoan

Mưa không đủ tưới đồng hoang

Linh hồn ngọn cỏ úa vàng tương tư

Sao mưa tiếc một lời ru

Xin cho vài giọt giả mù mưa ngâu

Đánh lừa ô thước bắt cầu

Ngưu Lang Chức Nữ hẹn nhau đợi chờ...

Lưng mang bầu rượu túi thơ

Ngựa hoang cũng biết ước mơ địa đàng

Qua rồi một thuở dọc ngang

Thả lơi cương ngựa lang thang cuối trời

Nvs. Vũ Thụy

(Trích tập thơ Nửa Gánh Thu Sầu)





Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2022

Phạm Đình Hổ là nhân chứng của Hồ Xuân Hương - Mai Sơn Phủ (Ngân Triều biên soạn)

        Phạm Đình Hổ là nhân chứng 

cuộc tình của Hồ Xuân Hương - Mai Sơn Phủ 

                                   (Ngân Triều biên soạn)




Ngan wrote: " Phạm Đình Hổ là nhân chứng cho cuộc tình say đắm của Hồ Xuân Hương - Mai Sơn Phủ. Tuy nhiên, Phạm Đình Hổ cũng đã có tình ý với HXH, đã đi bên cạnh cuộc đời HXH trong 20 năm mà không dám ngỏ lời. Trong buổi tiễn đưa, HXH-MSP, Phạm Đình Hổ đã thay lời cho kẻ ở người đi; phải chăng tâm trạng buồn vui kín đáo đó đã dệt thành một bài thơ hay cũng nên.

 * Bài số 7: Tống Liên Cừ Mai Công phó Vị Hoàng.
 Tống Liên Cừ Mai Công phó Vị Hoàng Phạm Đình Hổ
Hạ nhật huề cùng xuất cố đô, (1)
 Giang Nam nam hạ tứ du du.
Sơ mai hương đậu Hoàng giang vũ, (3)
 Dã mạch tình thâm Vịnh phố thu.
Vọng nhập tiền sơn khan võng thụ, (5)
Hứng tùy thương hải phiếm hư chu.
 Lâm kỳ ước lược quy lai nhật; (7)
Mãn thụ thanh phong phản Kiếm Hồ.

* Văn bản chữ Hán, Ngân Triều soạn:

 送 蓮 渠 梅 公 赴 未 隍
 夏 日 攜 筇 岀 故 都
江 南 南 廈 笥 攸 攸
初 梅 香 逗 皇 江 雨
野 麥 情 深 永 埔 秋
望 入 前 山 看 網 樹
興 隨 蒼 海 泛 虛 舟
臨 期 約 畧 歸 來 日
滿 裋 青 風 反 劍 胡
范 亭 虎
Chú giải:
-huề cùng 攜 筇, cầm gậy trúc, chống gậy trúc. -Nam hạ 南 廈, ở dưới phía Nam.
 -tứ 笥, cái rương đan bằng tre đựng hành lý, tu từ hoán dụ, lấy dấu hiệu của sự vật để chỉ sự vật, chỉ người đi xa.
-du du 攸 攸, xa xôi.
-sơ mai 初 梅, cây mai thưa.
-đậu 逗, đọng lại.
-dã mạc 野 麥, cánh đồng lúa.
-tiền sơn 前 山, trước núi
-Vịnh phố 永 埔, phố Vịnh, tức thành phố Vinh ngày nay.
-khan võng thụ 看 網 樹, thấy cây cối chập chùng. -phiếm hư chu 泛 虛 舟, chiếc thuyền thấp thoáng linh đinh.
-lâm kỳ 臨 期, đến hạn, đến hẹn.
-ước lược 約 畧, nói chung, đại khái.
-quy lai nhật 歸 來 日, ngày trở lại.
-mãn thụ 滿 裋, vung tay áo, áo tung bay trong gió.
-thanh phong 青 風, gió mát.

 * Nhất Uyên dịch thơ
,
Phạm Đình Hổ Tiễn ông họ Mai người Liên Cừ từ Vị Hoàng
Gậy trúc ngày hè xa cố đô,
Giang Nam thương nhớ bóng xa mờ.
Hoàng giang mưa điểm hương mai nở,
Vịnh phố rực vàng thơ lúa thu.
Vời ngóng non cao cây lớp lớp,
 Hứng về biển thẳm cánh buồm mơ,
Người đi hẹn ước ngày quay lại,
Tay áo thung thăng gió Kiếm Hồ.

Trong thơ chữ Hán của Phạm Đình Hổ, trong Tuyển tập thơ văn. NxbKHXH 1998 có bài Tống Liên Cừ Mai Công phó Vị Hoàng. Tiễn ông Mai người Liên Cừ từ Vị Hoàng. Tôi (TS Phạm Trọng Chánh) cho rằng đó là bài thơ Phạm Đình Hổ cùng Hồ Xuân Hương tiễn Mai Sơn Phủ từ bến sông Vị Hoàng đi về Vịnh Phố (Vinh ngày nay). Đó là thời kỳ Phạm Đình Hổ và Xuân Hương thân tình. Mai Sơn Phủ là bạn của cả hai người.
 Câu Sơ mai hương đậu Hoàng giang vũ. Hoàng giang mưa điểm hương mai nở, có ý trêu Hồ Xuân Hương đang khóc vì xa người tình vì câu đầu Hạ nhật huề cùng xuất cố đô. Gậy trúc mùa hè xa cố đô. Bài thơ viết: Ngày hè chống gậy trúc rời cố đô Thăng Long, Đưa người bạn về quê hương từ phía Nam (thành Thăng Long). Giang Nam thương nhớ bóng xa mờ.
Giang Nam 江 南, vùng phía Nam sông Trường Giang (Dương Tử). Phía nam của một con sông. Giang Nam: do bài Giang Nam Ai Phú của Dữu Tín người Nam Bắc Triều, tỏ lòng nhớ quê, vì làm quan xa nhà lâu ngày. Từ đó chữ Giang Nam có nghĩa là lòng nhớ quê hương, tể hiện tấm lòng thương nhớ quê hương đằm thắm.
Tham khảo thêm: Dữu Tín Tôn Nguyên Yến
 庾 信 孫 元 晏
苦 心 詞 賦 向 誰 談
淪 落 周 朝 志 豈 甘
可 惜 多 才 庾 開 府
一 生 恫 悵 憶 江 南
Dữu Tín Tôn Nguyên Yến
 Khổ tâm từ phú hướng thùy đàm?
Luân lạc Chu triều chí khởi cam?
 Khả tích đa tài Dữu khai phủ
Nhất sinh trù trướng ức Giang Nam

Chú giải: 1/ Dữu Tín, Tôn Nguyên Yến: (513-581), người thời Nam - Bắc triều. Ông làm quan cho Nam Triều (nhà Lương), phụng mệnh đi sứ Bắc Triều (nhà Tây Ngụy), bị Bắc Triều giữ lại nhưng cũng phong cho quan tước. Tới nhà Bắc Chu, ông được phong tới Phiêu Kỵ Tướng Quân, mở phủ như Tam Ti, nên người thời đó còn gọi ông là Dữu Khai Phủ… Ông làm nhiều văn thơ, bộc lộ lòng thương nhớ quê hương miền Nam của ông.
2/ Giang Nam, nói chung là phần đất phía Nam sông Trường Giang, nói riêng trong bài là thành phố Nam Kinh, kinh đô của Nam Triều lúc đó. --Dịch nghĩa:
-- Ông Dữu Tín, Tôn Nguyên Yến, (513-581) Những thổ lộ tâm tư đau khổ [vì nhớ quê hương miền Nam] ông viết cho ai vậy? Ông có đành lòng lưu lạc rồi làm quan cho nhà Chu không? Đáng thương cho người nhiều tài, Dữu khai phủ, Cả đời lúc nào cũng buồn bã nhớ về đất Giang Nam.
--Bản dịch của Nguyễn Minh— Thơ khổ tâm làm cho ai đó? Quan nhà Chu ông có đành cam? Dữu Khai Phủ đáng thương tâm Cả đời buồn bã Giang nam nhớhoài
--Bản dịch của Nguyễn phước Hậu— Thi phú gởi ai những khổ tâm? Triều Chu lưu lạc lại đành cam? Đáng thương Dữu Tín tài khai phủ Buồn bã một đời nhớ đất Nam.
--Bản dịch của Ngân Triều— Khổ tâm chấp bút cho ai? Hàng thần lơ láo, lạc loài nhà Chu! Đa tài lãng bạc phiêu du? Nào vơi thương nhớ, mịt mù Giang Nam. Giang Nam nam hạ tứ du du. 江 南 南 廈 笥 攸 攸, người đi xa xôi, trong nhà phía Nam, nhớ quê nhà tha thiết.
* Hoàng giang mưa điểm hương mai nở, (Giọt mưa nào trên sông Vị Hoàng, đọng trên cánh hoa mai nở. Nhất Uyên dịch) hay là: Phơn phớt mưa Hoàng, mai đọng lệ. (Mưa phùn trên sông Vị Hoàng đọng trên cánh hoa mai như những giọt lệ hoa. Ngân Triều dịch) đều diễn tả ý tưởng Hồ Phi Mai, tự Xuân Hương, đang xúc động, nhiều bi lụy trong lúc chia phôi, đúng theo nguyên tác.

* Nhất Uyên dịch nghĩa bài thơ trên: Ngày hè đi ra khỏi cố đô Thăng Long. Mưa phùn trên sông Hoàng Giang (Nam Định) lất phất đậu trên cánh hoa mai. (Làm gì có hoa mai nở, chỉ có nước mắt Hồ Phi Mai long lanh khóc tiễn đưa người tình, trong mưa bụi buồn, trời phơn phớt lạnh). Về đến Vịnh phố sắp đến mùa lúa thơm rực vàng cánh đồng mùa thu. Vời ngóng trên dảy núi Hồng Sơn cây cao lớp lớp. Thi hứng về trên biển thẳm chở trên cánh buồm của người đi. Thôi bạn an tâm dấn bước, ta hẹn nhau ngày tái ngộ, Ngày ấy, ta cùng rong chơi thanh thản, hóng gió trên hồ Hoàn Kiếm để cho gió phất phơ trên tay áo rộng.

* Tiễn đưa (Thơ chữ Hán, Phạm Đình Hổ) Ngân Triều cảm đề.
Ngày hè, gậy trúc biệt Thăng Long,
Thương nhớ người đi ngập cõi lòng.
Phơn phớt mưa Hoàng, mai đọng lệ.
Thu vàng đồng Vịnh, lúa mênh mông!
Non cao điệp điệp cây ngăn lối,
Thấp thoáng buồm xa, biển mịt mùng.
Hẹn ước chờ ngày quay trở lại,
Gió Hồ tung tay áo, thong dong!
* Chú giải:
 +Mai đọng lệ đối với lúa mênh mông: Mai đọng lệ là hoa mai ướt, đọng những giọt mưa phùn phơn phớt lạnh trong hoa; còn hàm ẩn hình ảnh Hồ Phi Mai đang khóc sướt mướt trong buổi chia tay, đa đoan lắm nỗi, ngổn ngang trăm mối bên lòng. Giọt nước mắt của người tình chắc sẽ dấy lên trong lòng người đi nỗi niềm: ngẩn ngơ, xao xuyến; đắm đuối, nhớ thương!
+thong dong: đọc trại từ thung dung: Nhàn nhã, thư thái, thanh thản, không phải lo nghĩ, vất vả. Việc nhà đã tạm thong dong, Tinh kỳ giục giã đã mong độ về. ĐTTT, Nguyễn Du, câu 693-694 Gặp bà Tam Hợp đạo cô, Thong dong hỏi hết nhỏ to sự nàng. ĐTTT, Nguyễn Du, câu 2652-2653 Tẩy trần vui chén thong dong, Nỗi lòng ai ở trong lòng mà ra. ĐTTT, Nguyễn Du, câu 1571-1572: 1-Thấp thoáng buồm xa, biển mịt mùng. 2-Phơn phớt mưa Hoàng, mai đọng lệ.----"
Learn more about tagging on Facebook







Hè Muộn - Nvs. Vũ Thụy

   

                         

Hè Muộn

Lá rơi vì biết thu về

Phượng tơi tả rụng cuối hè đầu thu
Mây sầu giăng kín âm u
Mưa thu khóc kiếp phù du tơ trời
Giọt buồn nhỏ xuống chơi vơi
Nghe như nức nở ngàn khơi về tìm
Hắt hiu mưa gọi tên em
Gió rên thê thiết lời đêm thở dài
Ta ru giấc ngủ chưa say
Tiếng kêu thổn thức lạc loài chim đêm
Còn đâu tổ ấm êm đềm
Càng nhiều luyến tiếc càng thêm mịt mù
Vụng về thơ lạc ý thu
Ve ôm xác phượng sớm thu muộn hè

Nvs. Vũ Thụy

(Trích tập thơ Nửa Gánh Thu Sầu)





Thứ Năm, 28 tháng 7, 2022

Tình sử Hồ Xuân Hương & Mai Sơn Phủ (Ngân Triều biên soạn)

 Tình sử Hồ Xuân Hương & Mai Sơn Phủ 

                                    Ngân Triều biên soạn


Ngan wrote: "Tình sử Hồ Xuân Hương & Mai Sơn Phủ gồm 9 bài thơ, trong đó Bà sáng tác 6 bài, họa 1 bài; Phạm Đình Hổ 1 bài và Mai Sơn Phủ chỉ vỏn vẹn có 1 bài dưới đây; bài thơ Thu Tứ ca có 8 câu mà đã vay mượn một nửa. Căn cứ lượng từ biểu đạt, chúng ta có thể nói rằng tình yêu đôi lứa của bà thật sôi nổi, tuy thầm lặng mà thướt tha, xôn xao sóng đa tình...
* Bài số 5
Thu Tứ Ca - Mai Sơn Phủ

Thu phong khởi hề bạch vân phi;
Thảo mộc hoàng lạc hề nhạn nam quy.
 Lan hữu tú hề cúc hữu phương,
Hoài giai nhân hề bất năng vương.
Ngã hữu tửu hề vô đối ẩm.
 Ngã hữu cầm hề vô tri âm.
Bất chước tửu hề bất minh cầm,
 Sổ bôi thanh đính hề cố nhân tâm.
Chú giải:
Bài Thu Tứ Ca: Bài này theo tôi (TS Phạm Trọng Chánh) là của Mai Sơn Phủ, vì Hồ Xuân Hương đã là người đẹp rồi, thì có thể nào “Hoài giai nhân hề bất năng vương” (Nhớ người đẹp chừ lòng không quên). Mai Sơn Phủ dùng lại bốn câu thơ nổi tiếng của vua Hán Vũ Đế, tức Lưu Triệt (156 trước CN-87 sau CN). Thường trong Hát Nói người ta hay hát hai câu nổi tiếng của một tác giả cổ điển để làm đề tài hay lấy đà nói tiếp, chẳng cần trích dẫn là của ai. Ở đây, Mai Sơn Phủ thì không như vậy: “Thơ cùng ngâm, rượu cùng châm. Tự lúc buồn ly biệt. Nửa lòng ai ấm chăn? Chớ đàn ly khúc oán tri âm”. Mai Sơn Phủ nói: “Ta có rượu chừ không bạn uống, Ta có đàn chừ không tri âm. Không chuốc rượu chừ không gảy đàn, Chỉ uống chè xanh thôi để nhớ nàng ".
*
Rồi một ngày Mai Sơn Phủ, từ giả Hồ Phi Mai để về Hoan Châu, nhờ cậy cha mẹ mai mối hỏi cưới nàng. Cũng có thể nhờ vợ cả cưới thứ thiếp giùm cho chồng. Câu « trăm năm biết có duyên thừa nữa » bài Đêm trăng nhớ Mai Sơn Phủ, chứng tỏ rằng Hồ Xuân Hương đang hồi họp không biết số phận mình là vợ cả hay thứ thiếp. Ngày xưa thanh niên lấy vợ rất sớm, để vợ phụng dưỡng cha mẹ già, bán mấy sào đất ra kinh đô Thăng Long du học, đã là con nhà khá giả, nay cưới thêm thứ thiếp để nâng khăn sửa túi ở nơi trọ học hẵn phải là con nhà đại điền chủ.
Từ biệt Hồ Xuân Hương, Mai Sơn Phủ bắt đầu bằng bốn câu thơ cổ Trung Quốc để lấy đà. Tương truyền rằng bốn câu thơ này của Hán Vũ Đế: (*) “Gió thu nổi chừ mây trắng bay, Cây cỏ vàng rơi chừ nhạn nam quy. Lan có đẹp chừ cúc có hương. Nhớ giai nhân chừ lòng không quên”. Mai Sơn Phủ ca tiếp theo: - Ta có rượu chừ không bạn uống, Ta có đàn chừ chẳng tri âm Vì thế xa nàng ta sẽ không uống rượu cũng không gảy đàn, Chỉ uống trà xanh thôi để nhớ nàng”.
* Mai Sơn Phủ đã mượn “bốn câu chữ Hán để đẩy hứng thơ”, thế mà thơ không lên nổi! Chàng cũng chỉ thốt lên được những lời thơ tầm thường chẳng có gì xuất sắc. Mai Sơn Phủ chẳng phải là tay đối thủ xướng họa với Phi Mai.
Nguồn: Theo lời bình của TS Phạm Trọng Chánh.

* Văn bản chữ Hán Ngân Triều soạn:
Thu Tứ Ca, Mai Sơn Phủ
 秋 思 歌,梅 山甫

 秋 風 起 兮 白 雲 𩙱 草 木 黄 落 兮 雁 南 歸 蘭 有 秀 兮 菊 有 芳 懷 佳 兮 不 能 忘 我 有 酒 兮 無 對 飮 我 有 琴 兮 無 知 音 不 酌 酒 兮 不 明 琴 數 杯 清 葶 兮 故 人 心
* Nhất Uyên dịch thơ:
 Khúc hát mùa thu, Mai Sơn Phủ
Gió thu nổi chừ mây trắng bay,
Cây cỏ vàng rơi chừ nhạn nam quy,
 Lan có đẹp chừ cúc có hương,
 Nhớ giai nhân chừ lòng không quên.
 Ta có rượu chừ không bạn uống,
Ta có đàn chừ chẳng tri âm,
Không chuốc rượu chừ không gảy đàn,
Mấy chén trà xanh chừ lòng cố nhân.
Thơ Mai Sơn Phủ trong Lưu Hương ký;

* Ngân Triều cảm đề thơ Mai Sơn Phủ:
Trời thu nổi gió, mây trôi đi,
Lá vàng rơi, kìa nhạn Nam quy.
 Lan đẹp, Cúc hương khoe mỗi vẻ.
Người thương ơi! Giờ sao chia ly?
 Đàn vắng tri âm, đàn bặt tiếng, 
 Rượu nồng xa bạn, nỡ nâng ly?
Nhớ ai ngơ rượu, đàn quên tấu,
Trà xanh mỗi nhấp, mỗi thêm si.
   Ngân Triều
* Bổ sung, tham khảo bài Thu P)hong Từ của Hán Vũ Đế:
 (*) Hán Vũ Đế 漢 武 帝, (156 AJ- 87AJ), tên thật là Lưu Triệt 劉 徹. Bốn câu thơ trên lấy từ bài thơ “Thu phong từ” 秋 風 辭, Bài hát về gió thu của Hán Vũ Đế 漢 武 帝hay Lưu Triệt,  劉 徹.
Nguyên văn bài thơ như sau:
 Đăng bởi Vanachi vào 10/02/2006 20:10, đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Vanachi vào 28/05/2006 秋 風 辭 秋 風 起 兮 白 雲 飛 草 木 黄 兮 雁 南 歸 蘭 有 秀兮 菊 有 芳 懷 佳人兮 不 能 忘 汎 樓 船 兮 濟 汾 河 橫 中 流 兮 揚 素 波 簫 鼓 鳴 兮 發 櫂 歌 歡 樂極 兮 哀 情 多 少 壯 幾 時 兮 奈 老 何
* Thu phong từ
Thu phong khởi hề bạch vân phi,
Thảo mộc hoàng lạc hề nhạn Nam quy.
 Lan hữu tú hề cúc hữu phương,
Hoài giai nhân hề bất năng vương. (=vong)
 Phiếm lâu thuyền hề tế Phần hà,
Hoành trung lưu hề dương tố ba.
Tiêu cổ minh hề phát trạo ca
 Hoan lạc cực hề ai tình đa
Thiếu tráng kỳ thì hề nại lão hà.

* Nhất Uyên dịch nghĩa,
Thu phong từ 秋 風 辭 Bài hát về gió thu Tác giả Lưu Triệt
* Gió thu nổi, mây trắng bay,
 Cây cỏ vàng rụng, nhạn bay về
Nam Lan nở hoa, cúc tỏa hương,
Nhớ giai nhân chẳng hề quên,
 Ngồi thuyền lầu vượt sông Phần,
Qua dòng sông, sóng trắng nổi.
Tiêu trống ngân, tiếng ca chèo vang.
 Khi cuộc vui kết thúc, buồn lại nhiều,
Thời trai trẻ được bao lâu, đến già lại biết sao.
 *
 (1) Bản dịch của (Không rõ) Gửi bởi Vanachi ngày 102/2006.
Gió thu thổi làm bay mây trắng
 Cỏ hoa tàn nhạn thẳng về Nam.
 Hoa Lan đẹp hoa Cúc thơm,
Nhớ giai nhân mãi vấn vương trong lòng.
Chèo lâu thuyền qua sông Phần thủy,
Ngang giữa dòng sông dậy trắng ngần.
 Điệu hò tiêu trống hòa ngân,
Toàn vui vẻ lại, thêm phần thương đau.
 Trẻ trung khỏe mạnh bao lâu,
Bỗng nhiên già lão bạc đầu biết sao?

 * (2) Bản dịch của Lãng khách Gửi bởi langkhách36 ngày 201/2011 03:04
Thu phong thổi hề, mây trắng bay
 Cỏ cây vàng rụng hề nhạn xuôi
Nam Lan có đẹp hề Cúc có thơm
 Nhớ giai nhân hề chẳng thể quên
 Chơi lâu thuyền hề sang sông Phần
Ngang giữa dòng hề động khói sông
Tiêu trống vang hề khua chèo ca
 Vui càng lắm hề tình càng đau
 Trẻ tráng bao lâu hề luống đã già.

* (3) Bản dịch của Điệp luyến hoa Gửi bởi Vanachi ngày 04/02/2014 13:12
 Gió thu nổi chừ mây trắng lan,
Cây cỏ vàng rụng chừ nhạn về Nam.
 Lan đẹp đẽ chừ Cúc ngát hương,
Nhớ giai nhân chừ bao vấn vương.
* Ngồi thuyền lầu chừ vượt sông Phần,
Ngang qua dòng chừ sóng trắng ngần.
Tiêu trống vang chừ tiếng chèo ca,
Vui vẻ hết chừ lại thương đau.
 Trai trẻ mấy thì chừ già biết sao?

* (4) Ngân Triều cảm đề: Bài hát về gió thu
Trời thu nổi gió, mây trôi đi,
Lá vàng rơi, kìa nhạn Nam quy.
 Lan đẹp, Cúc hương khoe mỗi vẻ.
 Người thương ơi! Giờ sao chia ly?
* Thuyền ngự sông Phần, sóng trắng nổi,
Trống tiêu hòa nhịp, tiếng chèo ca.
Vui chi cho lắm, buồn nhiều lắm,
Sớm tối thanh Xuân bỗng hóa già! (1)
* (1) Lấy ý thơ: Hựu bất kiến Cao đường minh kính bi bạch phát Triêu như thanh ti mộ thành tuyết. Tương tiến tửu, Lý Bạch. * 又 不 見: 高 堂 明 鏡 悲 白 髮, 朝 如 青 絲 暮 成 雪 將 進 酒, 李白
* Lại không thấy: Gương tỏ nhà cao, buồn sao tóc trắng, Mới sớm xanh tơ, chiều đã bạc phơ! Ngân Triều
 ***
Bài số 6: Họa Sơn Phủ chi tác- Hồ Xuân Hương
Này đoạn chung tình biết với nhau, (1)
Tiễn đưa ba bước cũng nên câu.
Trên tay khép mở tanh chiều nhạn, (3)
Trước mắt đi về gấp bóng câu.
 Nước mắt trên hoa là lối cũ, (5)
 Mùi hương trong nệm cả đêm thâu.
Vắng nhau mới biết tình nhau lắm, (7)
Này đoạn chung tình biết với nhau.
 Trích Lưu Hương ký, Hồ Xuân Hương,
 Nguồn: Mối tình Hồ Xuân Hương và Mai Sơn Phủ, TS Phạm Trọng Chánh.
 
Văn bản chữ Nôm, Ngân Triều soạn
: 和 梅 山 甫 之作
尼 縀 終 情 别 唄 𩜙 䬻 迻 𠀧 𨀈 共 𢧚 句 𨕭 拪 抾𢲫 𦎬 𣊿 雁 𠓀 眜 迻 衛 急 俸 駒 渃 眜 𨕭 花 𪜀 𡓃𡳰 味 香 𥪝 𧛋 奇 𡖵 輸 𠼋 𩜙 買 别 情 饒 𡗋 尼 縀終 情 别 唄 𩜙
Chú giải: Hoạ Mai Sơn Phủ Chi Tác: 和 梅 山 甫 之作 Bài thơ này trả lời bài Thu Tứ Ca của Mai Sơn Phủ.
 Mai Sơn Phủ thề thốt không uống rượu, không gảy đàn vì thiếu nàng, bạn tri âm.
Thề chỉ uống trà xanh thôi để chung tình với nàng.
Hồ Xuân Hương nhắc lại:
Này bạn chung tình ơi, ta đã biết nhau rồi.
 Nhớ lại lúc tiễn nhau, đi ba bước đã nên câu thơ. Cứ cầm thơ cũ ra xem, đọc đi đọc lại mãi mà tin tức chàng vắng tanh.
Ngày tháng đi về sao nhanh như vó câu!
 Buổi sáng, nhìn “nước mắt” trên hoa là tính cách của em.
 Đêm thâu, vẫn nhớ mùi hương chàng trên nệm. Vắng nhau mới biết tình nồng thắm.
 Này bạn chung tình ơi, ta đã biết nhau rồi...
 Bài thơ này có thể là một bài thơ tình tuyệt tác của thi ca Việt Nam thế kỷ 18, 19. Có bản ghi tiêu đề là Biệt Ly Mai Sơn Phủ, 别 離 梅 山 甫 (nhưng không có bài thơ xướng).
Họa lại Mai Sơn Phủ, xin xem chú giải bài số 3, chương VI, Thu Nguyệt Hữu Ức Mai Sơn Phủ ký đoạn 縀, chữ Nôm cổ có nghĩa là bạn, người đồng hành.
tanh chiều nhạn 𦎬 𣊿 雁, buổi chiều vắng tanh, không có bóng một con chim nhạn nào. Ngày xưa, Hồ Tây nổi tiếng vì có rất nhiều chim sâm cầm, hồng nhạn và được xem là một trong 8 cảnh đẹp của Tây Hồ. Ngoài ra, tanh chiều nhạn, vắng tanh không có bóng chim nhạn nào, nghĩa là hoàn toàn bặt tin.
 Sách Hán Thư chép chuyện Ông Tô Vũ đời Hán, đi sứ Hung Nô. Hung Nô giữ lại không cho trở về bắt đi chăn dê ở Bắc Hải trong 19 năm vô cùng vất vả, gian nan. Nhận thấy chim nhạn thường bay về Nam trú lạnh, Tô Vũ lấy vải viết nhiều thư buộc vào chân chim nhạn để nhờ chúng đem về quê hương. Quả nhiên Vua Hán bắt được, biết tin Tô Vũ còn sống sai sứ sang xin rước về. Chúa Hung Nô nói Tô Vũ bị bệnh đã chết từ lâu. Sứ mới đưa thủ bút của Tô Vũ trình ra. Bấy giờ, Chúa Hung Nô mới phái một đạo quân đi tìm Tô Vũ và cho về nước.
Mây giăng ải Bắc trông tin nhạn, Ngày xế non Nam bặt tiếng hồng. Ngóng gió Đông, Nguyễn Đình Chiểu. (Nhìn về ải Bắc, Triều đình Huế, mong tin tức cứu viện, chỉ thấy mây giăng mù mịt trong vô vọng. Ngày càng trì trệ, ngày xế, ở non phía Nam, không còn tiếng kêu của chim hồng nữa, bặt. Chim hồng, chỉ người anh hùng có ý chí và tài năng hơn người đời. Tức là cuộc kháng chiến chống Pháp của người anh hùng ở núi Nam, không được chi viện kịp thời của triều đình Huế, sẽ phải tiêu vong. Người lãnh tụ anh hùng đành phải hy sinh, khuất bóng.)
 Gấp bóng câu: 急 俸 駒 Câu, 駒 con ngựa non sung sức. Sách Trang Tử có câu: "Nhân sinh thiên địa chi gian, Nhược bạch câu chi quá khích Hốt nhiên nhi dĩ" 人 生 天 地 之 間 若 白 駒 之過 激 忽 然 而 已 Nghĩa là: “Người ta sống trong khoảng trời đất, cũng giống như bóng ngựa trắng lướt qua khe cửa, trong chốc lát mà thôi”
Mùi hương 味 香, là mùi hơi quen thuộc của người, hơi hương là mùi thơm còn đọng lại ở chỗ nằm: "Chim quyên ăn trái nhãn lồng, Lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi". Ca dao
biết với nhau 别 唄 𩜙, hiểu được tình ý, cả nội dung lẫn hình thức của nhau. Chim xa rừng còn thương cây nhớ cội, Người xa người, tội lắm người ơi! Chẳng thà không biết thì thôi, Biết rồi, mỗi đứa một nơi, cũng buồn. Ca dao
 * (1-2), Tâm tình của người trong cánh cửa: Hỡi người trọn tình, trọn nghĩa! Ta đã biết nhau rồi đó! Hôm nay đưa tiễn chàng về quê trong ấy, xin có mấy câu thơ đơn sơ.
(3-4-5-6), những liên tưởng và trải lòng: Chắc là sẽ chẳng có tin tức gì cho nhau vì xa xôi cách trở. Việc trước mắt, chàng đi về e là rất cấp bách (vì thiếp khắc khoải mong đợi tin chàng sớm quay lại). Những giọt sương long lanh trên những cánh hoa kia, chính là nước mắt của thiếp, khi nhớ đến chàng. Cái hơi ấm trong nệm gối đó, gợi nhớ chàng đã đồng sàng với thiếp, cả đêm thâu.
 (7-8), Nỗi niềm: Khi xa vắng nhau, mới hiểu được tình yêu sâu sắc nhường nào! Hỡi người trọn tình, trọn nghĩa! Ta đã biết nhau rồi đó!

 * Ngân Triều cảm tác Hoạ lại thơ Mai Sơn Phủ. Hỡi bạn chung tình đã biết nhau!
Chạnh lòng đưa tiễn, bước thơ trao.
Thơ cũ nhàm rồi, thơ mãi vắng,
Ngày lụn sầu đong nặng gánh sầu .
 Cõi nhớ sương hoa còn đọng lệ,
Trời thương hương vương nệm đêm thâu.
Cách xa, mới hiểu tình như biển!
 Hỡi bạn chung tình đã biết nhau!
 Ngân Triều 
 1-Trời thu nổi gió, mây trôi đi,
Lá vàng rơi, kìa nhạn nam quy.
Ngân Triều.
 2-Cõi nhớ sương hoa còn đọng lệ,
Trời thương hương vương nệm đêm thâu.
 Ngân Triều"
Learn more about tagging on Facebook.







Đi Tìm Xuân Giữa Mùa Xuân - Nvs. Vũ Thụy

 

                        

Đi Tìm Xuân Giữa Mùa Xuân

Nếu còn trăn trở ý xuân
Thì xuân đừng đến ngập ngừng bên ta
Nắng xuân loang lổ vườn hoa
Sao không đủ ấm tình xa xứ sầu
Mưa xuân thấm ướt niềm đau
Gió xuân se thắt đêm thâu gọi thầm
Tiếng xuân chùng xuống thật trầm
Nhạc xuân quê cũ dư âm hãy còn
Cội già vẫn nảy chồi non
Nhớ hoa mai nở vàng son thuở nào
Xứ người xuân lắm xôn xao
Tình xuân ta phải chiêm bao đi tìm

Nvs. Vũ Thụy

( Trích tập thơ Nửa Gánh Thu Sầu - NvsVux Thụy)






Thứ Tư, 27 tháng 7, 2022

Hai bài thơ tình của Bà Hỗ Xuân Hương gởi Ông Mai Sơn Phủ ( Ngân Triều biên soạn)

 Hai bài thơ tình của Bà Hồ Xuân Hương 

            gởi Ông Mai Sơn Phủ

                         ( Ngân Triều biên soạn)


Ngan Trieu 

Ngan wrote: "Qua 2 bài thơ tình gởi cho Mai Sơn Phủ, chúng ta thấy bà Hồ Xuân Hương rất đa tình, khao khát yêu đương cách thiết tha, thẳng thắng, công khai. Tiếp theo là bài số 3 nhớ nhung và bài số 4 thề ước trải lòng.
 * Baì số 3: 
Thu nguyệt hữu ức Mai Sơn Phủ -
 Hồ Xuân Hương . “Và đêm trăng thu Hồ Xuân Hương nhớ Mai Sơn Phủ viết bài thơ Nôm; tiêu đề chữ Hán: Thu Nguyệt Hữu Ức Mai Sơn Phủ- (Đêm trăng thu nhớ Mai Sơn Phủ). Bài thơ viết năm 1799”. Lòng thỏa, duyên lành nay đã bén, Nỗi niềm tin nhạn vẫn chờ mau.
* Thu nguyệt hữu ức Mai Sơn Phủ
Lá ngọc chiều thu giận hẳn du (1)
Tuần trăng sẽ nhớ bữa đêm thu.
Bên am Nhất Trụ trông còn đấy, (3)
Ngọn nước Tam Kỳ chảy lại đâu?
Son phấn trộm mừng duyên để lại, (5)
 Bèo mây thêm tủi phận về sau.
Trăm năm biết có duyên thừa nữa, (7)
 Cũng đỏ tay tơ cũng trắng đầu.
Thư Viện Online / Trích Lưu Hương Ký, Hồ Xuân Hương.

Văn bản chữ Nôm, Ngân Triều soạn: 秌 月 有 憶 梅 山 甫 𦲿 玉 𣊿 秌 恨 𠳾 遊 徇 𣎞 𠱊 𢘾 𣇊 𣎀 秌 边 庵 一  柱 𥊛 群 蔕 𦰟 渃 三 其  沚 吏 兠 崙 坋 𥋕 𢜠 縁 底 吏 薸 𩄎 潘 悴 分 衛 𢖖 𤾓 𢆥 别 𣎏 縁 餘 女 共 𧹥 拪 絲 共 𤽸 頭
Chú giải: Xuân Hương quen biết Mai Sơn Phủ trong những năm 1799 -1801, lúc ấy Xuân Hương 27, 29 tuổi, mối tình đã để lại những bài thơ tình nồng nàn thắm thiết. Mai họ Mai lấy hiệu là Mai Sơn Phủ theo Đào Duy Anh trong Tự điển Hán Việt là tiếng sang trọng để xưng người đàn ông. Nguyễn Án xưng là Nguyễn Kính Phủ. Phạm Đình Hổ hiệu là Tùng Niên nên còn có tên là Tùng Niên Phủ. Qua thơ Lưu Hương Ký ta đoán biết quê chàng ở Hoan Châu vùng Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay…
 Mai Sơn Phủ có lẽ chỉ là một thư sinh chưa đỗ đạt gì, nên không thấy tên tuổi đỗ đạt trong các khoa thi. Trong thơ chữ Hán của Phạm Đình Hổ, tôi (TS Phạm Trọng Chánh) tìm ra bài: Tống Liên Cừ Mai Công phó Vị Hoàng. Tôi cho đó là Mai Sơn Phủ. Bài thơ có câu: Hoàng giang mưa điểm hương mai nở. Cuộc tiễn đưa vào mùa hè: Gậy trúc ngày hè xa cố đô... Mùa hè làm gì có mai nở, tôi cho rằng: Chỉ có giọt nước mắt của Phi Mai tiễn đưa người tình trên sông Hoàng Giang. Phạm Đình Hổ tiễn đưa một người bạn, và Xuân Hương Hồ Phi Mai tiễn đưa một người tình. Do đó Mai Sơn Phủ và Mai Công chỉ là một…       
 Mai Sơn Phủ, người làng Liên Cừ ở Vinh, làng Sen, ngày xưa gọi là Vịnh Phố. Sau mối tình Hồ Xuân Hương với Nguyễn Du để lại mối hận một đời. Không thấy trong Lưu Hương Ký nhắc đến anh thầy Lang xóm Tây làng Nghi Tàm dù trong thơ truyền khẩu có bài Bà Lang khóc chồng. Anh Lang mất sớm, mẹ và mai mối ép gả, có lẽ Xuân Hương không xem đó là một mối tình, nên đù bỡn: thương chàng nên khóc tỉ tì ti.

 Mai Sơn Phủ yêu nàng, ngỏ ý cưới nàng, hai người cắt tóc, trích máu ngón tay hòa vào rượu thề nguyền. thề nếu phụ tình nhau sẽ bị thần linh trừng phạt: dao búa nguyền xin lụy đến mình. Hồ Xuân Hương đã trao cả tâm hồn lẫn thể xác cho Mai Sơn Phủ. Năm 1801 Mai Sơn Phủ rời Thăng Long về quê để xin cha mẹ cưới nàng. Cuộc chia tay thắm thiết nơi bến sông Vị Hoàng, nhưng rồi Mai không về Thăng Long nữa. Chàng đã mất trong chiến tranh, hay vì một cơn bạo bệnh, hay mối tình cha mẹ chàng không đồng ý? Mai Sơn Phủ chỉ còn để lại dấu vết trên đời nầy qua những vần thơ yêu đương nồng nàn thắm thiết của Xuân Hương…
   Bài thơ trên được viết năm 1799, lúc ấy Hồ Xuân Hương 27 tuổi. Theo Mối tình Hồ Xuân Hương và Mai Sơn Phủ, TS Phạm Trọng Chánh
Am Nhất Trụ 庵 一 柱, là Chùa Một Cột.
 Ngọn nước Tam Kỳ 𦰟 渃 三其, là ba phụ lưu Nghĩa Trụ, Kim Ngưu và Đại Bi hội tụ thành sông Nhĩ Hà. hẳn 𠳾, tiếng đề nghị, yêu cầu người khác làm một việc gì. (Như chữ hãy) du 遊, đi dạo, đi chơi. * (1-2), Nỗi nhớ. (3-4-5-6), Nhớ thương và cam phận. (7-8), Trải lòng.
 * Ngân Triều cảm đề:
Lá ngọc long lanh nhìn ngoạn mục,
Trăng này chạnh nhớ bữa đêm thu.
Bên am Một Cột, chùa trơ đó,
Ba nhánh Tam Kỳ, nước lặng sầu?
Lòng thỏa, duyên lành nay đã bén,
 Nỗi niềm tin nhạn vẫn trao nhau.
Đành lòng thê thiếp âu duyên kiếp,
 Chỉ đỏ nguyền đeo, đến bạc đầu.
“Trăm năm có biết duyên thừa nữa”:Hồ Xuân Hương đã trao thân cho Mai Sơn Phủ rồi mà vẫn thắc mắc chàng đã có vợ hay chưa.
Chỉ đỏ: Người Lào, người Mường khi chia tay nhau có phong tục cột chỉ màu đỏ vào tay nhau, nước ta thời Xuân Hương không biết có phong tục ấy chăng? Tham khảo: Mối tình Hồ Xuân Hương và Mai Sơn Phủ qua Lưu Hương Ký, Tiến sĩ Phạm Trọng Chánh. 
*****

 Bài số 4:
Thê Viết Hữu Cảm -
 Hồ Xuân Hương
Rồi một đêm trăng Hồ Phi Mai và Mai Sơn Phủ đã cắt tóc, mỗi người một mớ gọp lại và chia làm hai, trích máu nhỏ vào hai chén rượu; chén tử và chén sinh cùng uống thề trọn đời yêu nhau. Qua bài Thệ viết hữu cảm, Xuân Hương ghi lại cảm nghĩ khi thề: Mười mấy năm trời một chữ tình, kể từ khi gặp Nguyễn Du mùa hạ năm 1790, mười năm sau 1800 mới gặp được Mai Sơn Phủ ngỏ ý yêu mình, muốn kết duyên với mình hẳn là duyên nợ ông Tơ bà Nguyệt đã kết. Cùng cắt tóc mây góp lại, (xưa các chàng cũng để tóc dài búi lên cột dây, nên tha hồ mà cắt) dao vàng cắt chia làm hai, mỗi người giữ một mớ làm kỷ niệm... Lấy kim trích máu nhỏ đầy hai chén rượu, chén tử và chén sinh. Thề sống và chết trọn kiếp với nhau, thề không phản bội nhau từ đầu xanh đến bạc tóc. Nếu mai sau, ai chẳng giữ lời thì chết dữ vì búa đao . Nguyễn Du chưa thề nguyền với Xuân Hương, nên chàng lừng khừng: "tròn trặn gương tình cũng có khi", và có lẽ vì vậy nên chàng cứ biệt tăm mãi ở chốn quê Hồng Lĩnh:

 Nguyên tác, bài số 4:
Thệ viết hữu cảm

Mười mấy năm trời một chữ tình(1)
Duyên tơ này đã sẵn đâu dành.
Mái mây cắt nửa nguyền phu phát, (3)
 Giọt máu đầy hai chén tử sinh,
Một kiếp đã thề cùng dạ thắm, (5)
Trăm năm đừng phụ với đầu xanh,
 Mai sau lòng chẳng như lời nữa, (7)
 Dao búa nguyền xin lụy đến mình.
Thơ Hồ Xuân Hương trong Lưu Hương Ký
*
 Văn bản Hán Nôm, Ngân Triều soạn:
誓 曰 有 感 辻 買 𢆥 𡗶 殳 𡦂 情, 縁 絲 尼 㐌 産 兠𠱷 𠃅 𩄎 拮 𡛤 願 夫 髪 湥 𧖱 𣹓 𠄩 𥗜 死 生 殳 砝㐌 誓 穷 胣 𧺀 𤾓 𢆥 𠏦 負 買 頭 𩇛 𣈕 𢖖 𢙱 丕 如𠳒 姅 釖 鈽 願 吀 累 𦤾 𨉟
Đại ý: (1-2): Thời gian và cuộc tình.
 (3-4-5-6): Cụ thể việc thề ước gồm vật chứng và tấm lòng.
 (7-8): Lời thề chấp nhận hình phạt nếu bội ước.
Chú giải: nguyền phu phát 願 夫 髪, lời nguyền cùng với tóc người chồng.
 dạ thắm 胣 𧺀, tấm lòng trung trinh như son, lòng son.
Câu (6) trong cõi trăm năm, kiếp người, không bao giờ bạc tình, bạc nghĩa với nhau.
 duyên tơ 縁 絲, như tơ duyên, 絲 縁, là sợi tơ hồng buộc đôi lứa yêu nhau: Rằng: “Lòng đương thổn thức đầy, Tơ duyên còn vướng mối nầy chưa xong…” ĐTTT, Nguyễn Du, câu 719-720 “…
Trăm nghìn gửi lạy tình quân, Tơ duyên ngắn ngủi, có ngần ấy thôi…” Sđd, câu 751-752 đầu xanh, 頭 𩇛, tu từ hoán dụ, chỉ lớp người trẻ trung, tóc còn đen: Đầu xanh đã tội tình gì, Má hồng đến quá nửa thì chưa thôi… Sđd, câu 2161-2162
 *
Ngân Triều cảm đề: Cảm nghĩ khi thề
Mười mấy năm trời, gắn bó nhau.
Duyên tơ đã định có sai đâu?
Tóc mây cắt nửa, nguyền mong ước,
Sinh tử, máu đào, thệ kết giao.
Trọn kiếp thủy chung lòng sắt đá,
Suốt đời liền cánh dẫu lao đao.
Mai sau không giữ tròn lời hứa,
 Tan nát thây phơi bởi búa đao.
 Ngân Triều Tham khảo: Mối tình Hồ Xuân Hương và Mai Sơn Phủ qua Lưu Hương Ký, Tiến sĩ Phạm Trọng Chánh. (Trích chương VI, Nhớ Bóng Trăng Xưa, tác phẩm số 5 của Ngân Triều)
Thêm nữa, có bạn hỏi, vì sao tên tác phẩm viết về HXH mà lấy tiêu đề là Nhớ Bóng Trăng Xưa. Xin trả lời. Nhớ là nhớ; bóng trăng là nguyệt 月; xưa là cổ 古. Tức là nhớ nữ sĩ HXH theo lối chiết tự. Vì chữ cổ 古 + chữ nguyệt 月 là chữ Hồ 胡. HXH cũng từng gọi tên nhà của bà là cổ nguyệt đường, 古 月 堂, tức là nhà của HXH. (NT) 
Learn more about tagging on Facebook.