Chữ Nghĩa Làng Văn 62
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng
“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải – Ngộ Không Phí Ngọc Hùng.
***
Chữ Việt cổ
Do điều kiện về thời gian những từ cổ đã bị đẩy khỏi vị trí vốn có của chúng nhưng vẫn còn để lại dấu vết của mình, trở thành thành tố cấu tạo trong một vài từ nào đó
Cái tỉn: đồ đựng bằng sành, giống cái hũ mà trịch miệng
(Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)
Tiếng lóng của dân bụi Hà Nội sau 75
Từng đống nạng gỗ, chân giả vất xuống, thằng lành dìu thằng què kéo nhau vào quán.
- Cho dăm lít “cực nóng” (1) bà chị.
1. Lẹ, nhanh
(Thằng người có đuôi - Thế Giang)
Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả
“sè: sập sè: không viết: xè”. (Gs Nguyễn Văn Khang)
“Xập xè” ít dùng, viết chuẩn là “xập xoè” (xập lại xoè ra).
(Hòang Tuấn Công)
Chữ là nghĩa
Đông chí: ngày ngắn nhât, đêm dài nhất giữa mùa đông
Hạ chí: ngày dài nhất, đêm ngắn nhất giữa mùa hạ
Thu phân: ngày đêm bằng nhau giữa mùa thu
Xuân phân: ngày đêm bằng nhau giữa mùa xuân
Lâp đông, lập xuân: đầu mùa
Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả
“si: nguyên si. → không viết: xi”. (Gs Nguyễn Văn Khang)
Viết “xi” mới đúng. Vì “xi” [cire] gốc Pháp, có nghĩa chất làm bằng cánh kiến pha lẫn tinh dầu, dùng để niêm phong bao, túi, gắn kín nút chai lọ, v.v. Xi gắn nút chai. ~ Đóng dấu xi”.
(Hòang Tuấn Công)
Thành ngữ tục ngữ
Gió táp mưa sa
Thành ngữ này có 2 nghĩa : nghĩa hẹp chỉ sự vất vả ở đời.
Nhưng trong văn học, gió táp mưa sa lại dùng để chỉ người có tài làm thơ, tứ thơ đều nhanh như gió mưa do câu phong vũ thôi thi tứ (tứ thơ đẩy đến ào ạt như gió mưa).
Tay tiên gió táp mưa sa
Khoảng trên dừng bút thảo và bốn câu
(Truyện Kiều)
Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả
“siếc: siếc sẫm”. (Gs Nguyễn Văn Khang)
Viết chuẩn là “siếc sẩm”.
(Hòang Tuấn Công)
Thành ngữ tục ngữ
"Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An" Ca tụng các cô gái Hà thành kinh đô thanh tao, lịch sự.
Thực ra, câu này ca ngợi, khẳng định “chất” thanh lịch của người Tràng An (Kinh đô) chứ không chỉ riêng các “cô gái Hà thành”.
Văn bút, nhân sự và sự kiện
Những gương mặt tiêu biểu
Chủ tịch Văn Bút cho tới tháng tư 1975 là LM. Thanh Lãng, một người ôn tồn, điềm đạm, thanh nhã, cởi mở và cũng hơi diêm dúa. Ông luôn luôn bận áo chùng thâm có cổ cồn trắng và hút thuốc lá Craven A.
Với ông, tôi có nhiều kỷ niệm đáng ghi nhớ.
Một lần, tôi theo ông đi dự đám tang của Nhất Linh ở nghĩa trang Giác Minh, ngày 13-7-1963. Hôm đó công an, mật vụ của chính quyền len lỏi vào đám tang rất đông. Họ vây quanh đám ký giả và nhân sự không phải là người nhà của tang chủ. Nhờ bộ áo chùng thâm của LM Thanh Lãng mà tôi (Nhật Tiến) theo vào được nghĩa trang, trong khi một vài hội viên khác thì bị cản trở, rớt lại.
Hôm đó, ngoài những nghi thức tụng kinh, khấn lễ thông thường, đã có 3 phần phát biểu ngoại lệ thay cho điếu văn tiễn biệt là của Bác sĩ Nguyễn Tiến Hỷ, đại diện chính giới, Linh mục Thanh Lãng, đại diện Trung tâm Văn bút Việt Nam, và tôi, nhân danh thuộc thành phần văn nghệ sĩ trẻ.
Khi ở đám táng ra, đối diện với rất đông thành phần an ninh, trật tự đang xô đẩy đám phóng viên ngoại quốc cứ sấn lại tính phỏng vấn chúng tôi, LM Thanh Lãng kéo tay tôi đi về chỗ đậu xe của mình. Trên xe, lúc cầm lái, ông nói nhỏ nhẹ:
- Liệu lánh mặt đi vài bữa, kẻo phiền.
Tôi đã nghe lời ông. Ngay hôm đó, tôi vẫn để cái xe hơi con cóc tại ngay trước cửa nhà đường Phan Kế Bính và mau mắn đi tuốt xuống Biên Hòa, tạm cư ngụ ở nhà anh bạn.
Sau biến cố 30-4-1975, tuy còn đang làm trưởng ban Văn Chương Quốc Âm ở đại học Văn Khoa Sài Gòn nhưng chắc sinh hoạt ở đó cũng nhiều trò nhố nhăng lắm nên ông không muốn về trường nữa mà đi làm tàu hủ ở một hợp tác xã trong ngã tư Bẩy Hiền. Thỉnh thoảng trên đường đạp xe từ hợp tác xã trở về nhà (ông ở ngay con hẻm đi vào trường Lê Bảo Tịnh, đường Trương Minh Giảng cách nhà tôi độ non cây số), ông hay ghé qua nhà tôi để cho mấy bìa đậu hủ mới ra lò, cầm lên thấy vẫn còn nóng hổi.
Như vậy dư luận sau này (Viên Linh) lên án ông là một kẻ nằm vùng là hoàn toàn sai lạc. Vì nếu là kẻ nằm vùng thì sau 30-4, là một linh mục, một giáo sư đại học, ông đâu có đi làm đậu hủ!
(Trung tâm Văn bút Việt Nam 1957-1975 - Nhật Tiến)
Bên lề chữ nghĩa
Hà Nội những điều nhỏ bé bạn nên làm khi…”quởn”
Ăn phở chiên giòn Khâm Thiên.
(Nguồn: Tôi đi đâu)
Nhà văn Nhất Linh với những ấn tích
Tôi với chiếc va ly nhỏ ôm bố tôi, mẹ tôi, và chị Thư vào lòng. Năm 1989 nghe tin nhà nước sắp giải tỏa các nghĩa trang ở Hạnh Thông Tây, Gia Ðịnh, anh Thạch tôi lúc ấy là người duy nhất trong gia đình còn ở lại Việt Nam đã làm lễ hỏa táng hài cốt bố tôi và chị Thư đưa tro về thờ ở chùa Kim Cương đường Trần Quang Diệu Sài Gòn. Cùng thời gian ấy di cốt của bà Nội tôi, bác Thụy, anh Hướng, chú Hoàn, và thím Long cũng được bác Mai, Tuấn (Duy Lam) và Minh Thu đưa về chùa Kim Cương.
***
Hai mươi năm về trước vào tháng Tư năm 1981 anh Việt từ Pháp trở về Việt Nam dìu mẹ tôi lên máy bay sang Paris chữa bệnh. Hai mươi năm sau cũng vào tháng Tư anh lại ngồi trên máy bay trở về Sài Gòn nhưng lần này tay anh ôm bình tro người mẹ. Từ nước Mỹ tôi về Việt Nam trước. Tôi đón anh Việt và chị Thoa ở phi trường Tân Sơn Nhất rồi đưa thẳng di cốt mẹ chúng tôi đến chùa Kim Cương gửi tạm.
Nơi đây lần đầu tiên bà gặp lại bố tôi sau 38 năm ly biệt. Mẹ tôi cũng “đoàn tụ” với những người thân mà trước đây chính bà đã tiễn họ đến nghĩa trang chùa Giác Minh với rất nhiều nước mắt của bà, xa nhất là bà Nội tôi và gần nhất là chị Thư. Mẹ tôi không lưu ở chùa Kim Cương lâu. Sáng hôm nay bà đi theo bố tôi lên chuyến tàu xuyên Việt về quê chồng ở Quảng Nam, có người chị cả của tôi đi theo. Tuy là đất quê chồng nhưng Hội An nơi ấy bà gần gũi còn hơn bố tôi gần gũi. Trong suốt ba thập niên do công việc mua bán cau khô mẹ tôi đã gắn bó với miền đất này như một mảnh đời thân thương của mình. Từ miền đất lạnh lẽo phương trời tây ngàn trùng xa cách mẹ tôi hôm nay trở về chốn cũ, bên chồng bên con. Tôi đặt tay lên va ly nắn chỗ phồng lên của ba bình tro và nghĩ tới chuyến tàu đi về miền an nghỉ sau cùng của song thân tôi như một chuyến trăng mật thứ hai của người.
(Chuyến tàu trong đêm - Nguyễn Tường Thiết)
Tục ngữ hiện đại, thành ngữ hiện thực
Thân em như giẻ lau nhà
Thân anh như cái sàn nhà em lau
Góp nhặt phố văn ngõ chữ
Chu Tử, nhà văn chết đầu nước
Trong giới văn nghệ sĩ, 30 Tháng Tư mở đầu bằng một cái tang, cái tang đúng ngày 30 Tháng Tư: đó là cái chết của nhà văn Chu Tử. Ðúng 58 năm trước, anh ra đời cũng vào Tháng Tư, ngày 17
(Nhà văn Chu Tử 17-4-1917 - 30-4-1975)
Là nhà văn, đặc điểm của tiểu thuyết Chu Tử là cuốn nào nhan đề cũng chỉ có một chữ: Yêu, Sống, Ghen, Loạn... Làm nhật báo, ngay từ tờ báo Sống đầu tiên, ông mở ra mục Ao Thả Vịt gây sóng gió với tin hỏa mù. Từng học Luật, từng ngồi xử án với Toà án Kháng Chiến, có lẽ do đó ông không sợ khi phải đương đầu.
Vào ngày 16 Tháng Tư 1966, nhà văn Chu Tử bị ám sát bằng 4 viên đạn xuyên qua cổ, răng, miệng, nhưng đã không chết. Chín năm sau, 30 Tháng Tư 1975, ông chết vì một viên đạn lớn hơn, một viên B40 từ bờ bắn lên tàu Việt Nam Thương Tín, khi con tàu này đang từ sông Lòng Tảo, Vũng Tàu, chạy ra khơi.
(Viên Linh)
Tục ngữ hiện đại, thành ngữ hiện thực
Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời gái chảnh lại thương trai nghèo
Thuở mơ làm văn sĩ
Ở góc quán, một gã choai choai mặt rỗ, gầy gò đang say sưa thổi tiêu, hoà nhịp cùng lời ca trong đĩa nhạc. Đôi mắt gã khép hờ, những ngón tay điêu luyện láy lia qua lỗ tiêu, ống tiêu trúc đẹp lên nước vàng óng. Cả quán im lặng lắng nghe cho đến dứt bản nhạc, có vài tiếng vỗ tay lốp bốp tán thưởng.
Một bản nhạc khác nổi lên, nhưng hình như chẳng có ai chú ý, họ lại nói chuyện riêng, có bàn đọc thơ nho nhỏ cho nhau nghe. Anh bạn triết gia kiêm thi sĩ ngồi một mình, thái độ ra vẻ mệt mỏi chán chường. Riêng tôi thì để ý đến anh bạn mặt rỗ thổi tiêu.
Tôi khẽ hỏi Lê Đình Điểu:
- Nhân vật nào đó bạn ?
- Thi sĩ Hoài Nam, bạn không biết à ?
Lê Đình Điểu tỏ ra hiểu biết, giải thích với tôi.
- Hắn di cư vào đây một mình, một thi sĩ có tài, thơ anh ta đăng rất nhiều trên các báo, chẳng được xu teng nào hết, vẫn phải sống bằng nghề bán báo và bỏ báo tư gia, vẫn đi học, học hành có vẻ bấp bênh lắm. nhưng nghe nói hắn thông minh tuyệt vời, học gì chỉ thoáng cái là hiểu... hiện đang trại học sinh Phú Thọ.
Tôi nhìn sang anh bạn mặt rỗ mỉm cười thân thiện. Hoài Nam cười lại với tôi. Thế là tôi có thêm một người bạn, tôi mời anh bạn sang ngồi cùng bàn. Trong câu chuyện, tôi nhận xét Hoài Nam có tật nói lắp (cà lăm)
(Nguyễn Thụy Long)
Những ca từ khó hiểu trong nhạc Trịnh Công Sơn
Cát Bụi
Trong bài Cát Bụi, nhạc sĩ họ Trịnh có câu này, chắc hẳn nhiều người nghe cho qua chứ không hiểu lắm ý nghĩa:
Ôi cát bụi phận này
Vết mực nào xóa bỏ không haỵ
Bà Đặng Tuyết Mai (vợ cũ của ông Nguyễn Cao Kỳ) trong một dịp gặp gỡ văn nghệ đã được Trịnh Công Sơn giải thích và mô tả sự khai sinh và khai tử (như được ghi lại trong bài hát “Cát bụi”) ở trong các làng xã xa xôi ở miền quê Việt Nam là:
“Khi một đứa bé được sinh ra thì bố mẹ đứa trẻ báo cho làng xã biết. Người ta ghi tên đứa bé vào một cuốn sổ bằng viết mực… thế rồi khi đứa bé lớn lên sau lũy tre xanh, trưởng thành, già… nếu chết đi thì người nhà cũng báo cho làng xã biết; người ta cũng lấy cái bút gạch tên người chết trong cuốn sổ đinh này là xong một đời người.”
Vì vậy mà sau khi một cuộc đời được chấm dứt câu “Vết mực nào xóa bỏ không hay” không phải là chuyện...“mông lung”.
(Đông Kha)
Nhìn lại một số tạp chí miền Nam
Tạp chí Văn của chủ nhiệm Nguyễn Đình Vượng với tổng thư ký tòa soạn Trần Phong Giao. Tờ Văn không tự đặt mình trước một chủ trương khai phá nào mà bước theo con đường tương đối gần với tạp chí Bách Khoa, chỉ có điểm khác là nghiêng hẳn về sinh hoạt văn học nghệ thuật.
Tờ Văn cũng khác với Sáng Tạo và các tạp chí Hiện Đại, Thế Kỷ 20 là tự lực cánh sinh chứ không có tài trợ từ chính quyền. Do đó, tờ Văn đã kéo dài tuổi thọ trong khi các tạp chí khác lần lượt gục ngã theo tạp chí Sáng Tạo chỉ sau một thời gian ngắn có mặt. Từ sau 1963, bên cạnh các tạp chí trên đã xuất hiện một loạt tạp chí được gọi là thể hiện tinh thần dấn thân, trong đó có các tờ Hành Trình, Đất Nước, Trình Bày, Đối Diện...
(Hai mươi năm miền Nam 1955-1975 - Nguyễn Văn Lục)
Tục ngữ hiện đại, thành ngữ hiện thực
Vai mang túi bạc tò tò
Chen qua lấn lại chỉ còn túi không
Đuờng văn ngõ chữ
Bút Tre và Bùi Giáng
(Bò khát bia, tranh của Bùi Giáng)
Thơ Bùi Giáng, theo Tô Hoài cũng là một thứ thơ Bút Tre. Tô Hoài biết rõ cả lai lịch Bút Tre.
Bút Tre tên thật là Đặng Văn Đăng, sáng tác trước cả Tô Hoài, ký tên Lục Y Lang, Chàng Áo Xanh, có bằng tú tài Tây. Bút Tre định lăng xê một kiểu thơ sử dụng rộng rãi enjambement, chứ không phải anh vô học làm thơ...
***
Có một giai thoại thơ Bút Tre liên quan đến nhà thơ Bùi Giáng khá thú vị đã được đồn đãi như sau:
Sau biến cố Tháng Tư năm 75, các văn nghệ sĩ miền Nam người thì đã vượt biên, người bị cầm tù. Một trong số những người ở lại mà không phải chịu cảnh tù tội là nhà thơ Bùi Giáng. Ông không bị bắt vì là người mang bệnh tâm thần. Nghe kể một hôm ông ghé trụ sở Hội Nhà Văn ở Sài Gòn chơi. Lúc bấy giờ nhà thơ Thu Bồn, một ủy viên ban chấp hành Hội Nhà Văn, đang đứng trò chuyện với nữ sĩ Thu Ba, trông thấy ông bèn gọi lại bảo rằng:
- Nghe đồn ông có tài xuất khẩu thành thơ, làm một bài cho anh em nghe chơi.
Bùi Giáng gãi tai trả lời:
- Lâu quá tui không có làm thơ, quên mất cả rồi.
Thu Ba năn nỉ:
- Làm đại một câu lưu niệm đi mà. Bấy lâu chỉ "kiến văn kỳ thanh" hôm nay mới "kiến diện kỳ hình" ông đó.
Bùi Giáng cười móm mém:
- Nhưng tui làm dở, đùng có cười tui nghe!
Thu Bồn giục:
- Thôi mà đừng khiêm tốn nữa, không ai cười đâu.
Bùi Giáng tằng hắng một tiếng rồi đọc:
Thu Ba khen ngợi Thu Bồn
Thu Bồn cảm động sờ vai (1) Thu Ba
(1) “vai” đây hiểu theo Bùi Tồn Lưu thi sĩ là… “vú”
Thu Ba đỏ mặt hứ lên một tiếng. Bùi Giáng lại móm mém cười một cách ngây thơ rồi quay đi.
Cái say
Nguyễn Tuân thường say nhưng có điều thật lạ là ông đã làm một bài hát ả đào nói về cái say của mình - cả mưỡu và hát nói - vào năm 1931 mà ít người được biết:
Hạnh Hoa thôn đã đây rồi,
Chơi đi cho thỏa một đời thông minh.
Nợ men gấp mấy nợ tình,
Cõi trần ướm hỏi Lưu Linh mấy chàng
174 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Phóng sự và tuỳ bút
Thể tùy bút không phải chỉ mới xuất hiện gần đây trong văn học. Từ hậu bán thế kỷ thứ 18, Vũ Trung Tùy Bút của Phạm Đình Hổ được coi là tác phẩm đầu tiên viết dưới dạng tùy bút.
Đầu thế kỷ thứ 20, vào những năm 1916, 1917 Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu viết nhiều bài phiếm có tính cách bút ký trên tờ Đông Dương Tạp Chí của Nguyễn Văn Vĩnh. Sau đó, thập niên 1930, Lãng Nhân Phùng Tất Đắc cũng viết theo lối của Tản Đà nhưng sâu sắc hơn trên tờ Đông Tây của Hoàng Tích Chu, nhưng những bài văn của Tản Đà và Lãng Nhân không được coi là tùy bút.
Phải chờ tới 1939, khi những bài viết của Nguyễn Tuân với giọng khinh bạc xuất hiện từ số đầu trên tạp chí văn học Tao Đàn của nhà Tân Dân thì thể tùy bút mới thực sự chính thức trở thành loại văn riêng biệt trong văn học nước ta. Sau họ Nguyễn một thời gian khá dài, trước 1975, người đọc ở miền Nam VN mới có dịp được thưởng thức văn tùy bút của Võ Phiến, Mai Thảo...
Văn tuỳ bút có những biến thái, lúc nhẹ nhàng vắn tắt, lúc quanh co dài dòng phô diễn tư tưởng phức tạp bằng một thứ ngôn ngữ độc đáo, mới lạ, nhưng mỗi tác giả mang một phong cách riêng biệt, nhân cách từng người rất rõ nét. Cũg vì vậy, tuỳ bút không thể đọc nhanh như các loại văn khác, không những cần chậm rãi, thảnh thơi như thú uống trà trong sương sớm hay nhàn tản, từ tốn như… ăn một bát phở.
(*) xem “Phở” của Nguyễn Tuân ở dưới.
(Trần Bích San *)
* Tên thật Trần Gia Thái, sinh ngày 31 tháng 8, 1940.
Sinh quán: Mỹ Lộc, Nam Định.
Tác phẩm: Văn khảo (2000) - Giai thoại văn chương (2006)
Tục ngữ hiện đại, thành ngữ hiện thực
Đi đâu cho thiếp theo cùng
No thì thiếp ở, lạnh lùng thiếp đi
Chân dung hay chân tướng nhà văn?
Nguyễn Tuân
Nhưng khổ nỗi ‘cái nết đánh chết không chừa”, trở về Hà Nội sau năm 1954 có rượu tây, có ánh đèn xanh đỏ, có dáng “kiều thơm”…; bệnh “ngông“ trong bác Nguyễn tái phát.
Vậy ông đã “ngông” như thế nào?
Trong khi cả thiên hạ đang phải gân cổ ca bài “chống chủ nghĩa cá nhân”, làm việc quên mình vì sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, năm 1957, bác Nguyễn lại chơi ngông, nhâm nhi, tỉ mẩn luôn một bài… “Phở”.
“Thật ra ăn phở cho đúng, đúng cái “gu” của phở, phải ăn thịt chín. Thịt chín thơm hơn thịt tái, mùi thơm miếng thịt chín mới biểu hiện đúng cái tâm hồn của phở…”
Than ôi, cái “ngông của bác Nguyễn cũng mới ở mức độ vuốt ve con tì con vị, chứ chưa dám “ngông” thở than oán trách gì chế độ, ấy thế mà cũng đã bị ông trùm phê bình mác xít Như Phong choang cho một chuỳ trên báo Nhân Dân:
(Nguyễn Tuân - tranh Choe Nguyễn Hải Chí)
”Ở Nguyễn Tuân, ưa phân tích cầu kỳ các cảm giác như vậy không phải chỉ là một phong cách văn chương mà còn là một lối sống ưu du, hưởng thụ mà Nguyễn Tuân muốn truyền bá. Có đặt cả quá trình sáng tác của Nguyễn Tuân, mới thấy bài “Phở” hãy còn mang nhiều dấu vết của khuynh hướng nhảm đó…”.
Khổ nỗi, nhâm nhi con tì con vị là… nghề của chàng. Thôi thì không cho “nhâm nhi” miếng ăn, miếng uống thì ta “xơi” cảnh vật vậy, so với thiên hạ đang phải nhai “con người mới xã hội chủ nghĩa” thì chàng vẫn còn… ngông chán. Tuy không có di cảo “tái nhận thức” như Nguyễn Khải, Chế Lan Viên. Những năm cuối đời, ông không còn viết những trang “hùng tráng” như “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi” nữa. Nhìn rõ những bước lận đận của Nguyễn Tuân, nhà thơ Xuân Sách đã làm thơ chân dung ông:
“Vang bóng một thời đâu dễ quên,
Sông Đà cũng muốn đẩy thuyền lên
Chén rượu Tình rừng cay đắng lắm
Tờ Hoa lại trút lệ ưu phiền”.
(Nhật Tuấn)
Đuờng văn ngõ chữ
Cây táo ông Lành
Chàng Hoàng Cát, một “tình trai“ của Xuân Diệu, khi lên đường vào B được Xuân Diệu tặng thơ với lời yêu đương thống thiết:
Ôi Cát! Hôm vừa tiễn ở ga
Chưa chi ta đã phải chia xa!
Nhưng bóng em đi đã khuất rồi
Đứt lìa khúc ruột của anh thôi!
Tình ta như mối dây muôn dặm
Buộc mãi đôi thân, dẫu cách vời…
Ấy thế mà khi Cát trở về Hà Nội viết “Cây táo ông Lành” đăng báo Văn Nghệ bị đòn hội chợ, Xuân Diệu đã làm mặt ngó lơ.
(Chân dung hay chân tướng nhà văn? – Nhật Tuấn)
Tục ngữ hiện đại, thành ngữ hiện thực
Trên đồng cạn dưới đồng sâu
Chồng cầy vợ cấy con trâu... đi nằm
Chân dung hay chân tướng nhà văn?
Trần Dần, Thanh Tịnh
Nếu nhà thơ Xuân Sách còn sống, tôi sẽ hỏi sao trong nhóm các nhà văn Nhân Văn Giai Phẩm ông “vẽ chân dung” Trần Dần, Hoàng Cầm, Phùng Quán mà không vẽ Lê Đạt, vốn ăn đòn với “Bài thơ ghế đá” “đem bục công an đặt giữa tim người “, và Phùng Cung, người viết phản kháng mạnh nhất trong cả nhóm. Xuân Sách đã “quên” Lê Đạt và Phùng Cung chỉ nhất mực đề cao hết cỡ “thủ lĩnh trong bóng tối “, nói theo Phạm Thị Hoài: nhà văn , nhà thơ Trần Dần.
Sau khi nhà thơ Xuân Sách đã quá cố nên thơ chân dung ngày ấy viết về Trần Dần chỉ nhắc tới tên những tác phẩm vốn đã quảng bá trong công chúng:
“Người người lớp lớp
xông ra trận
Cờ đỏ
mưa sa
(…)
Lô cốt mấy tầng
đè nát vai
Dẫu sông núi cỏ cây làm chứng
Hồn vẫn treo trên
Vọng hải đài.”
Mới đây, không hiểu sao vào lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thanh Tịnh (12-12-1911/12-12-2011) nhiều người viết về ông, kể cả ông Chủ Tịch Hội Nhà Văn Hữu Thỉnh đọc diễn văn khai mạc cũng không ai nhắc tới đoạn văn bất hủ “Tôi đi học” của ông. Họ chỉ nhắc tới hơn chục năm kháng chiến, làm người lính khi ở Việt Bắc, khi vào Khu Bốn. Ông là một sáng lập viên Hội Nhà Văn Việt Nam, Đại Tá quân đội trước khi nghỉ hưu.
Ngay trong thơ “chân dung”, Xuân Sách cũng không điểm “Tôi đi học” vốn là tác phẩm nhớ đời của Thanh Tịnh, ông chỉ cảm thương nhà văn tâm huyết nhưng cuối đời cô đơn, nghèo nàn và nhận ra đã "lạc đường":
Bao năm ngậm ngải tìm trầm
Giã từ quê mẹ xa dòng Hương giang
Bạc đầu mới biết lạc đường
Tay không nay lại vẫn hoàn tay không
Mộng làm giọt nước ôm sông
Ôm sông chẳng được, tơ lòng gió bay.
(Nhật Tuấn)
Nói lái trong văn học
Trong dân gian, hầu như ở miền nào cũng có nghe truyền tụng những câu nói lái qua câu đố, câu đối, hay nói lái với hò vè, thơ ca… Trong thơ ca thì nói lái không thiếu. Tác giả đầu tiên phải nhắc đến tất nhiên là bà chúa thơ Nôm
Thuyền từ cũng muốn về Tây Trúc
Trái gió cho nên phải lộn lèo
(Kiếp tu hành)
(Thân Trọng Sơn)
Rượu trong văn học
Nói đến rượu mà quên đề cập đến Phạm Thái kể như là một thiếu sót đáng kể. Phạm Thái hiệu là Đan Phượng, thường gọi là Chiêu Lỳ, người mà Khái Hưng cảm khái viết ra truyện “Tiêu Sơn tráng sĩ”, một trang anh hùng có thể chết vì ánh mắt giai nhân Trương Quỳnh Như. Khi nhà Tây Sơn ra đánh Bắc Hà, Phạm Thái bỏ đi tu, lấy hiệu là Phổ Chiêu thiền sư.
Phạm Thái sinh thời, rất thích rượu và sính thơ lại có tính ngông:
Một tập thơ sầu ngâm đã chán
Vài be rượu nhạt uống ra gì
Thôi về tiên phật cho xong kiếp
Đù ỏa trần gian sống mãi chi?
(Cảm thán)
Nhưng bài sau đây có lẽ biểu lộ tính ngông trần đời của Chiêu Lỳ hơn hết:
Sống ở trần gian đánh chén nhè
Chết về âm phủ cắp kè kè
Diêm vương phán hỏi mang gì đó:
Be
(Khuyết danh - Tết nói chuyện rượu)
Ăn cơm vua
Khoảng ba mươi năm nay, một ông thợ xẻ, gặp dịp làm nên giàu có, mua được chút phẩm hàm, mở tiệc ăn khao. Trong những câu đối và hoành phi gửi đến mừng, người ta chú ý nhất đến một bức trướng trên đề ba chữ : Ăn cơm vua
Ai đọc cũng phải tủm tỉm, nhớ lại câu hát của trẻ nít: "kéo cưa, lừa xẻ, ông thợ nào khỏe thì ăn cơm vua, ông thợ nào thua về bú tí ...
(Chơi chữ - Lãng Nhân Phùng Tất Đắc)
Văn hoá nhậu
Gặm xương
Cái thú thứ nhất về khẩu vị trong việc gặm xương là hưởng được những bất ngờ. Dĩ nhiên cục xương phải là loại xương có thịt như giò heo, đuôi bò, hoặc xí quách.
Xương còn dính thịt cho ta cái bất ngờ là lúc đang gặm tí thịt còn lắt léo trong góc kẹt của cục xương thì bỗng sựt một cái, ta cắn được một miếng gân hoặc một miếng sụn dòn.
Khoái hơn nữa là gặm cái sụn giòn tan nằm cuối xương ống chân gà, nhất là gà… đi bộ. Những khi ăn đám tiệc, ta buộc lòng phải bỏ mấy cái xương gà loại này, tuy lòng tiếc hùi hụi. Hưởng được những bất ngờ đó khoan khoái như “tha hương ngộ cố tri” hoặc “nắng hạn gặp mưa rào.”. Ta nhai nhai một tí, rồi tợp một tợp hoặc tu một tu. Sướng kể gì. Quá đã.
(Ngã thuật nhi bất tác - KT)
Qua với bậu
Từ điển Lê Ngọc Trụ để tìm về nguồn gốc của chữ qua và bậu và cho rằng cách lý giải của Lê Ngọc Trụ là dễ hiểu hơn hết.
Theo đó, xin trích:
- Qua là cách phát âm của người Triều Châu của chữ "ngã" mà âm đọc phổ thông là “wǒ". Người Triều Châu đọc chữ này là "wá". Người ta giải thích thêm là khi xưa, ở miền Nam, nhất là khu vực Bạc Liêu, người Triều Châu di dân đến sanh sống rất đông. Cái tên Bạc Liêu cũng được cho là từ gốc Triều Châu mà ra.
Tuy Từ điển Lê Ngọc Trụ không giải thích chữ "bậu" nhưng nếu "qua" là gốc Triều Châu thì cũng có thể suy ra "bậu" cũng từ gốc ấy mà ra. Người Triều Châu gọi vợ hay em bằng "pau", "bấu" tùy theo từng vùng.
Nếu đúng "qua" và "bậu" đều là gốc Triều Châu, thì người ta có thể nghĩ rằng trong ngôn ngữ gốc, hai tiếng này không nặng tính chất tình cảm, không có ý nghĩa thân mật chi hết, cũng bình thường như tôi với anh hay như tao với mày vậy thôi.
Trái lại trong tiếng việt, 2 tiếng ấy lại chứa chan tình cảm mỗi khi nghe nói, tuy ngày nay không còn dùng trong giao tiếp, chỉ còn thấy trong thơ ca, trong văn chương mà thôi .Hai tiếng qua và bậu luôn thắm đượm nghĩa tình. Có ai mà không cảm thấy thắt lòng khi đọc những câu ca dao này:
Bậu có chồng chưa, bậu thưa cho thiệt
Kẻo anh lầm tội nghiệp cho anh
(Nguyễn thị Cỏ May)
Tổ tôm
Làm trai biết đánh Tổ Tôm
Uống chè Mạn Hảo, đọc nôm Thúy Kiều
Ca dao xưa vậy mà thâm thúy, tưởng bình dân nhưng thú thật không phải lúc nào cũng dễ hiểu hay hiểu cho đầy đủ ý nghĩa. Trà Mạn Hảo từng là một danh trà thất truyền được giới quan lại và sĩ phu Bắc Hà thuở xưa thích uống trà ưa chuộng, bây giờ dường như không còn. Có chăng người ta gọi chè Mạn là một loại trà khác của người dân vùng núi Tây Bắc, trồng và pha tẩm theo công phu và cách riêng của họ.
Còn truyện Kiều chữ Nôm là nguyên tác của Nguyễn Du, in khắc từ thời vua Tự Ðức, những người đi học mới đọc được vô số tác phẩm xưa được viết bằng chữ Nôm. Từ thơ Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan cho đến các tác phẩm như Chinh Phụ Ngâm (diễn Nôm), Cung Oán Ngâm Khúc hay Lục Vân Tiên.
(Những quân bài ngày Tết - Đinh Yên Thảo)
Nhớ Sài Gòn, chốn cũ đường xưa
Tân Định & Đa Kao những ngày xưa cũ
Đi tiếp khoảng hai trăm thước sẽ gặp một ngã tư. Đường Bà Lê Chân bên tay phải. Ngay góc đường là quán cơm tấm của vợ chồng con trai nghệ sĩ Bảy Nhiêu. Đối diện là đình Phú Hoà, nơi các đoàn hát bộ và cải lương tập dượt. Trước mặt là đường Mã Lộ. Con đường này chạy ngang phía sau chợ Tân Định. Phía đầu đường Bà Lê Chân là ngã ba Hai Bà Trưng và Bà Lê Chân.
Bà Lê Chân-Hai Bà Trưng Chợ Tân Định
Từ đình Phú Hoà nhìn sang bên kia đường là đường Trần Nhật Duật có bốn con đường nhỏ đâm ngang qua. Thứ tự Đặng Dung, Đặng Tất, Trần Quí Khoách, và Trần Khánh Dư.
Riêng hai đường Đặng Dung và Trần Khánh Dư thì chạy dài được đến đường Trần Khắc Chân, còn gọi là xóm Cầu Mới. Trên đường Trần Nhật Duật, hẻm số 21 có tiệm ảnh Nguyễn Kỳ nổi tiếng một thời trong giớí học sinh, thích chụp hình chân dung, nhà số 10 là trường Huỳnh Thị Ngà.
(Trần Đình Phước)
Giai thọai làng văn xóm chữ
Tận thu lòng dạ thế gian
Một dịp năm mới, vua Lê Thánh Tông (1442-1497) ăn mặc giả làm thường dân ra phố chơi để xem xét tình hình dân chúng.
Đi tới đâu nhà vua cũng thấy la liệt những câu đối ca ngợi cảnh thái bình thịnh trị . Riêng nhà nọ, chẳng treo đèn, kết hoa mà cũng chẳng đối liễn gì hết. Vua ghé vào hỏi, chủ nhà trả lời rằng:
- Chả nói giấu gì bác, nhà cháu làm cái nghề hèn hạ quá, nên chẳng dám phô phang gì với ai cho thêm tủi !
Vua ngạc nhiên hỏi :
- Sao lại có nghề gì là nghề hèn hạ ?
- Dạ, nhà cháu chỉ chuyên đi hót phân người để bán thôi ạ.
Nghe xong, vua cười nói :
- Nếu vậy, nhà bác đây là sang trọng bậc nhất, mà nghề của bác cũng vẻ vang bậc nhất. Câu đối của bác nếu dán lên cũng hay bậc nhất, việc gì mà lại kêu là hèn.
Rồi vua gọi lấy giấy bút, đề giùm cho một đôi câu đối như sau:
Ý nhất nhung y, năng đảm thế gian nan sự
Đề tam xích kiếm, tận thu thiên hạ nhân tâm
Nghĩa là :
Khoác một áo bào, đảm đang khó khăn thiên hạ
Cầm ba thước kiếm, tận thu lòng dạ thế gian
(*) theo dân gian truyền khẩu tích này ở làng tên Nôm là Kẻ Noi,
tên “tự” là Cổ Nhuế với nghề hốt phân, đổ xe thùng ở Hà Nội.
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Những sai lầm trong Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân
ám ảnh
Theo soạn giả, từ ám ảnh có hai nghĩa: a) lởn vởn luôn trong trí óc, khiến cho phải lo lắng không yên; b) quấy rầy ở bên cạnh. Chúng ta chỉ có thể chấp nhận nghĩa thứ nhất nhưng khó chấp nhận nghĩa thứ hai. Tuy ám ảnh là một từ gốc Hán, nhưng nó đã được “Việt hoá” nên mới mang nghĩa thứ nhất như vừa nêu.
Cứ cắt nghĩa theo các từ tố thì “ám” nghĩa là mờ tối, “ảnh” nghĩa là cái bóng, và “ám ảnh” nghĩa là cái bóng mờ. Quả thật, đó là nghĩa của từ này trong trong tiếng Hán từ xưa đến nay. Soạn giả không nhận ra rằng, đây là một từ gốc Hán đã bị thay đổi nghĩa, nghĩa là nó đã bị “Việt hoá”. Ngoài ra, ông còn gán cho nó một nghĩa mà người đọc khó chấp nhận là… quấy rầy ở bên cạnh.
(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)
***
Phụ đính I
Chân dung hay chân tướng nhà văn
Tôi tưởng vợ chồng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường phải ở một căn hộ nào đó ở khu hồ Tây hoặc khu nghỉ dưỡng Quảng Bá, không ngờ Trịnh Tú đưa tôi lên đường đê La Thành vào trường viết văn Nguyễn Du tới một căn buồng mái tranh, vách đất, trống huếch trống hoác, giữa nhà trải chiếc chiếu, một người đàn ông gày guộc, ngồi xệp, hai đầu gối qúa tai.
Chắc đã hẹn trước, nhà văn vồn vã mời ngồi, còn chị vợ - nhà thơ Lâm thị Mỹ Dạ thì xin phép vào bếp rang… lạc đãi khách.
Trịnh Tú vội xua tay:
“Thôi thôi… tôi tới coi sức khỏe chị sao ? Liệu có giúp được gì rồi phải về ngay…”
Trong lúc Trịnh Tú hỏi chuyện chị vợ thì tôi ngắm nhà văn. Ôi chao ôi, người đàn ông gày gò, ốm đói kìa lại là người viết ra bút ký “Rất nhiều ánh lửa“ đăng trang nhất báo Văn Nghệ ư? Điều kiện sống tối tăm và ẩm thấp thế này ông lấy đâu ra lửa?
(Nhật Tuấn)
***
Phụ đính II
Chữ nghĩa làng văn
Nguyễn Công Hoan, Phan Khôi
Năm 1945, Phan Khôi theo cách mạng chống Pháp, năm 1956 chủ trương báo Nhân Văn - đăng thơ ” Hớt tóc”, v..v… truyện ngắn “Ông Năm Chuột”, ” Ông Bình Vôi” (cảm hứng từ một bài thơ nhỏ Lê Đạt), tiểu luận đối kháng “Phê bình lãnh đạo văn nghệ”, phản đối chuyên chính, đòi dân chủ, tự do chính trị, văn hóa, chống sùng bái cá nhân, đảng trị “, v…v…
Nguyễn Công Hoan lên án Phan Khôi:
”…Cách mạng tháng 8 cải tử hoàn sinh 25 triệu dân Việtnam, trong đó có Phan Khôi. Nhưng cái tên già này rất vô ơn với Cách Mạng Tháng 8…”
(NCHoan: Hành động và tư tưởng phản động Phan Khôi- tạp chí” Văn nghệ’ số 12, Hà Nội 1958- chủ nhiệm: Đặng Thái Mai).
Phan Khôi qua đời ở Hà Nội năm 1956.
Chữ nghĩa làng văn
Trần Huyền Trân, phố Khâm Thiên
Nhưng ngay trong lòng Hà Nội, thường cũng có một lớp người viết sống rất nghèo khó, báo của họ bán không chạy, sách in ra không gây được tiếng vang gì lớn. Nhưng họ vẫn gắn bó với nghề, với Hà Nội, và vừa sống vừa viết một cách thanh thản. Lớp nhà văn vô sản này đại khái như Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính, Thâm Tâm, Nam Cao.
Nhà thơ Trần Huyền Trân kể:
Ngày ấy tôi thường đi dạy tư và làm báo, viết truyện để sống, để có tiền đỡ thêm cho mẹ tôi nuôi các em tôi còn nhỏ vì cha tôi đã mất từ hồi tôi chín tuổi.
Vì quá chật chội trong túp lều vó dựng trên một ao bèo đầy nước cống mà người ta gọi là đầm Liên Hoa cạnh làng Văn Chương ở phía sau miệng Cống Trắng giữa dãy phố Khâm Thiên, túp lều mà người chồng sau của mẹ tôi dựng lên để ngày đêm kéo vó kiếm ăn. Tôi với Thâm Tâm bèn thuê một căn gác nhỏ trong ngõ Sơn Nam cạnh đầm để ở. Sau này có thêm Nguyễn Bính ghé tạm cùng nương náu với chúng tôi trong thiếu thốn lần hồi.
(Vương Trí Nhàn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét