Thứ Ba, 24 tháng 10, 2023

Chữ Nghĩa Làng Văn - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

          Chữ Nghĩa Làng Văn

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng 


***


Bào ảnh


Bào ảnh – Bào: bọt nước. Ảnh: hình bóng. 

Thường ví đời người mong manh, bèo bọt. 

Trong Cung Oán Ngâm Khúc có câu 

“Sóng cồn cửa bể nhấp nhô

Chiếc thuyền bào ảnh lô xô gập ghềnh”.



Đền là gì? 

Đền là kiến trúc được xây dựng để thờ cúng một vị thánh hoặc những nhân vật lịch sử được tôn sùng như thần thánh. 

Các đền nổi tiếng có thể kể đến ở nước ta như đền Kiếp Bạc…Đền Sóc, đền Trần thờ các anh hùng dân tộc. Đền Quán Thánh thờ các vị thánh theo truyền thuyết dân gian. 



Một số địa danh bị viết sai ở Nam bộ

Nhà Bàng 

Tuy nhiên, nếu quan tâm tới hoàn cảnh ra đời của địa danh này, thì sẽ biết địa danh này ra đời vào cuối thế kỷ XX, khi thực dân xúc tiến đầu tư khai thác tài nguyên ở vùng Bảy Núi, trong đó có các sở trồng cây trái và cây công nghiệp. Công việc này đòi hỏi nhiều công nhân nên họ phải cất tại đây một cái nhà to, bên trong có nhiều bàn ghế để vừa làm nhà ăn, vừa làm nhà họp, dân gian gọi là Nhà Bàn. Nguyễn Liên Phong chính là người đương thời, năm 1909, trong Nam Kỳ Phong Tục Nhơn Vật Diễn Ca, ông có giải thích rõ vì sao gọi là Nhà Bàn:

“Đốc công tạo lập sở vườn,
Thanh hoa đẳng vật coi thường vẻ vang.
Cất bên một cái nhà bàn,
Để khi ăn uống, nghỉ an luận bàn.
Sau lập chợ phố hai hàng,
Người đều kêu chợ Nhà Bàn thành danh”


(Lê Công Lý)



Phản ánh

Phản ánh trong Hán Việt tự điển ghi: “ánh sáng chiếu trở lại” và không có cụm từ “phản ảnh”. 

(Hiếu Thiện Nguyễn Chu Hậu – Tiếng Việt, tiếng nước tôi)



Chữ nghĩa đường văn ngõ chữ

Một số từ ngữ cổ hiện nay vẫn còn dùng

Bếp núc

– Bếp là nơi nấu ăn;

Núc là ‘đồ đắp bằng đất thường làm ra ba hòn, có thể bắc nồi nấu ăn’, cho nên có thể hiểu núc chính là ông Táo. (theo Huỳnh Tịnh Của, Đại Nam quốc âm tự vị).

(Nguyễn Lương Thịnh)



Váy và quần

Theo sử sách, miền Bắc vẫn mặc áo ngắn và váy. Theo cuộc di dân vào miền Trung, chúa Nguyễn Phúc Khoát (1774) hợp thức hoá  “mặc áo ngắn kiểu Kháchmặc quần có ống”.

Vua Minh Mạng (1828) trở về với tiên tổ là chúa Nguyễn Phúc Khoát theo cách ăn mặc Tàu nên ra lệnh cấm mặc váy.

Nên dân gian có câu truyền khẩu:

Tháng tám có chiếu vua ra

Cấm quần không đáy người ta hãi hùng

(Lê Văn Lân)



Tại sao gọi người Bình Định là “dân Nẫu”

Từ chữ “Nậu” ban đầu, phương ngữ Phú Yên – Bình Định tỉnh lược đại từ danh xưng ngôi thứ ba bằng cách thay từ gốc.

Ví dụ: Ông ấy, bà ấy được thay bằng: “ổng”, “bả”. Anh ấy, chị ấy được thay bằng: “ảnh”, “chỉ”.

Và thế là Nậu được thay bằng Nẫu.


Nẫu đi vào ca dao Bình Định, Phú Yên khá mượt mà, chân chất:

Ai về sông núi Phú Yên,
Cho nẫu nhắn gở nỗi niềm nhớ quê

(Nguồn: Bình Định Xưa / Dansaigonxua)



205 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ 

Đi tìm nhà văn Võ Phiến, tôi bắt gặp một nhà tuỳ bút. Đi tìm nhà tuỳ bút Võ Phiến, tôi bắt gặp một nhà nghiên cứu.

Phát hiện đầu không có gì đáng kể. Từ lâu, đã có nhiều người đã nhận ra là, một, sở trường của Võ Phiến nằm ở thể tuỳ bút; và hai, phong cách tuỳ bút bàng bạc trong mọi tác phẩm văn xuôi của ông. Thật ra, hai điểm này có quan hệ chặt chẽ với nhau. 

Đặc điểm nổi bật nhất của thể tuỳ bút, theo tôi, là ưu thế của giọng văn, hơn nữa, giọng văn giàu cảm xúc và, đặc biệt, giàu cá tính. Viết truyện, người ta có thể sử dụng lối văn gọn gàng, giản dị, vô ngã, không có màu sắc hay mùi vị gì cả để cho nhân vật dễ có được đời sống riêng với những cá tính riêng chứ không phải là những con rối hay những cái bóng mờ nhạt của tác giả. 

Chính vì vậy, đối với các nhà tiểu thuyết thời 1930-45, ngay cả các nhà tiểu thuyết lớn như Nhất Linh, Khái Hưng, Nam Cao hay Vũ Trọng Phụng, rất hiếm khi người ta đề cập đến giọng văn. Không phải tại những tác giả ấy viết không hay. Hay, nhưng cái hay ấy không phải là yếu tố hàng đầu làm nên cái lớn của họ. 


Với các nhà tuỳ bút thì khác. Nhắc đến Nguyễn Tuân, chẳng hạn, hầu như ai cũng nhắc, trước hết, đến một giọng văn hết sức khinh bạc. Sau này, nhắc đến Mai Thảo, người ta cũng nhắc đến một giọng văn mượt mà với những kiểu ngắt câu lạ, rất gần với thơ. Nhắc đến Vũ Bằng, người ta cũng lại nhắc đến giọng văn tha thiết của ông về từng món ăn hay từng kỷ niệm cũ. Với Võ Phiến, cũng thế; nhắc đến ông, người ta cũng lại nhắc đến một giọng văn phóng túng và dí dỏm, chứa đựng rất nhiều khẩu ngữ, duyên dáng, thân mật và vô cùng lôi cuốn. 


Ưu thế của giọng văn, thực chất, là ưu thế của nhu cầu tự bộc lộ và tự thể hiện: viết tuỳ bút là một cách bày tỏ trực tiếp cảm xúc và thái độ của mình, là xem tính chất phong phú và độc đáo của sự liên tưởng là tiêu chuẩn thẩm mỹ chính của việc viết lách, là đặt cái tôi của mình vào vị trí trung tâm của tác phẩm, hay nói theo Nguyễn Mộng Giác, là làm “một người khoả thân ngay giữa chợ”.  Nhu cầu tự bộc lộ và tự thể hiện ấy khiến nhà tuỳ bút dễ có khuynh hướng xâm phạm vào “quyền sống” và “quyền độc lập” của nhân vật, đẩy truyện ngắn và truyện dài đến gần với tuỳ bút và làm nhoè đi ranh giới giữa các thể loại. 


Điều này có thể thấy rõ ở Nguyễn Tuân qua các tác phẩm được gọi là truyện dài và ký sự, và càng rõ hơn nữa, ở Võ Phiến qua nhiều tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau. Dưới ngòi bút của Võ Phiến, không những truyện ngắn mà cả các bài phê bình và lý luận cũng đều phảng phất hình dáng của tuỳ bút; ở đâu cảm xúc cũng tràn lên giọng văn; ở đâu giọng văn cũng nổi lên trong phong cách. Có thể nói, đằng sau nhà văn, nhà phê bình và nhà lý luận văn học Võ Phiến đều có một nhà tuỳ bút. 

(Đi tìm Võ Phiến - Nguyễn Hưng Quốc)



Thầy khóa Tư 

Trong ít ngày qua, khi sắp xếp lại sách vở, thư từ, tài liệu để sửa soạn về cõi, người viết tình cờ tìm lại được thư của một người bạn thân viết cho từ một trại tị nạn. Người bạn đó là nhà giáo kiêm nhà báo Nguyễn Quốc Hùng, bút danh là Thầy Khóa Tư của tờ Diều Hâu của Quân Đội VNCH ở Saigon thời trước năm 1975. 


Bạn tôi xuất thân từ một gia đình Nho giáo. Anh là con một vị huấn đạo, một học quan trong chế độ xưa nên rất giỏi chữ Hán và chuyên dạy quốc Văn cho các trường trung học ở miền Nam với nhiệm sở chính là trường trung học Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho. Nhưng khác với các giáo sư quốc văn khác, anh không chỉ chuyên dạy quốc văn mà còn viết văn, viết báo, dịch truyện cổ từ chữ Hán sang tiếng Việt như Kim Bình Mai, Hồng Lâu Mộng, chưa kể tới Từ Điển Hán Việt...


Chưa hết, trong các lối văn anh viết, bạn tôi rất giỏi về các thể văn cổ như thơ Đường, phú, văn tế, câu đối... mà anh viết một cách trôi chảy, dễ dàng không khác gì các nhà Nho xưa với niêm, luật, đối âm, đối ý... rất chỉnh, khó có ai thời thập niên sáu mươi, bảy mươi của thế kỷ trước và sau này có thể làm được. 

Chính vì vậy hồi trước năm 1975, tôi đã thu thập một số thơ văn anh để giúp anh phổ biến nhưng không thành. Như một cơn hồng thủy, biến cố 30-4-1975 đã xóa đi tất cả.

(Phạm Cao Dương)



Tướng mạo con người qua ca dao, dân ca
Vai ngang, mặt lớn, tiếng to
Nhiều… chồng mà lúc về già vẫn không



Tạ Ký - 1

Đọc bài Trần Thế Phong, tôi đã thấy lại Tạ Ký, thấy vài điều tôi muốn biết về những ngày cuối cùng của anh trên đời. Chuyện kể xẩy ra trong khu nhà thương của Sư đoàn 18 Bộ binh, lúc ấy được dùng làm một trại giam Quân Cán Chính Miền Nam.

“Tôi nhớ vào một buổi tối, tôi đang loay hoay viết thư về cho gia đình thì thấy Thanh (một người bạn tù) cõng trên lưng một người tới chỗ tôi. Người đó cao gầy, nước da trắng trẻo, tóc hoa râm, mắt đeo đôi kính cận, mặc bộ đồ pyjamas màu mỡ gà, cổ quấn một chiếc khăn bằng bao cát. Thanh đặt người ấy trên sạp ngủ của tôi và giới thiệu: 

- Đây là giáo sư, nhà thơ Tạ Ký, cùng quê với tụi mình đó.

Nghe đến giáo sư, nhà thơ Tạ Ký, tôi lặng đi vài giây và chào

- Thưa thầy, được nghe tên thầy và danh thầy từ lâu; những năm học ở Sài Gòn có nhìn thấy thầy lái chiếc Vespa dạy học tại trường Petrus Ký, không ngờ hôm nay lại được gặp thầy trong chốn lao tù này.


Anh Tạ Ký khoát tay bảo:

- Đừng gọi thầy bà gì, cứ gọi anh em cho thân mật, mình cùng quê Quảng Nam với nhau mà.

- Thưa anh anh vẫn khỏe? Anh là nhà giáo, một nhà thơ, tại sao vào đây?

Anh Tạ Ký nói:

- Vào đây không khỏe cũng phải khỏe. Giáo sư bị động viên, gốc sĩ quan “ngụy” thì phải đi tù chứ chú em? Hơn nữa cộng sản có để những người trí thức ở ngoài đâu? Phải cho vào tù hết để chúng dễ kiểm soát.

- Vậy gia đình anh vẫn còn ở lại Sài Gòn chứ?


Nghe nhắc đến gia đình, tôi thấy anh đôi mắt xa xăm như có điều gì u ẩn trong lòng. Anh ừ thật nhỏ và nói sang chuyện khác.


(Viên Linh)



Tướng mạo con người qua ca dao, dân ca

Má miếng bầu coi lâu càng thắm
Mặt chữ điền xấu lắm ai ơi



Tạ Ký - 2

“Tạ Ký mất ngày 19.3.1979 tại bệnh xá huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang do bệnh gan tái phát. Những người chôn cất và lập mộ: Anh Nguyễn Quí Trượng và người cháu.”


Vài đọan thơ của Tạ Ký

Tôi sẽ chết vô duyên như đã sống

Đất nghĩa trang đã chắc chi còn rộng

Không biết nằm đâu,

sẽ hướng phương nào

Nghĩ thêm buồn

cho câu chuyện mai sau.

(Thêm Buồn, Sầu Ở Lại).


Thân cát bụi chẳng còn chi hối tiếc

Nhưng lòng riêng khao khát chút tình thương...

Đóa mộng vàng son đã rã cánh bên thềm

Tôi cô độc bước chân về nghĩa địa.

(Bài Thơ Viết Trước Khi về)


(Viên Linh)



Thái Bá Tân và những bài thơ ngũ ngôn

Đoạn kết của bài Ballad dẫn người đọc đến những cảm nghĩ của tác giả:

Có thể là chuyện thật,
Cũng có thể là không.
Sao lòng tôi đau nhói,
Đau nhói mãi trong lòng.

Ai ra cái lệnh ấy,
Lệnh quân ta phá cầu,
Để đồng đội đơn độc
Giữa vòng vây quân Tàu?

Câu chuyện chỉ có thế,
Dù có thật hay không,

Nhưng cả một đại đội
Đã chết bên kia sông.


Thái Bá Tân có khá nhiều bài thơ thời sự về Việt Nam – Trung Quốc, nhất là những cuộc biểu tình trước làn sóng xâm lược của giặc. Nhà văn, nhà thơ không thể nào dửng dưng “cứ im mãi” mà “phải có trách nhiệm”. Ông cũng khẳng định “chẳng chống phá gì đâu” nhưng “chuyện nào ra chuyện ấy”.


(Khuyết danh)



Bên lề chữ nghĩa 

Hà Nội những điều nhỏ bé bạn nên làm khi…”quởn”

Ăn xôi chè quán xôi Bà Thìn – Hàng Bồ

(Nguồn: Tôi đi đâu)



Nguyễn Công Hoan: 

Viết truyện ngắn

Thử xem đoạn kết của truyện, và tìm hiểu lối kết cấu truyện của Nguyễn Công Hoan. 
Truyện “Mất Cái Ví” (năm 1933), kể việc ông Tham mất cái ví đựng bốn mươi đồng bạc. Ông làm dữ quá khiến bọn thằng xe, thằng bếp, con vú sợ xanh mắt, chúng thề thốt, đỗ lỗi cho nhau, tất cả rối tung lên. Ông Tham tra khảo từng kẻ ăn người ở trong nhà, và nói gần nói xa, nói cạnh nói khóe đến ông cậu ruột của ông ta ở quê ra Hà Nội thăm vợ chồng ông. Ông cụ tức giận tự tuột áo khám mình, mắng mỏ thằng cháu đểu cáng, rồi cắp ô đi thẳng. 

Đoạn kết truyện: 
“Một lát, bà Tham ra dáng ân hận, gắt với chồng: 
- Chỉ tại cậu lơ đễnh, đánh mất ví tiền, nên mới sinh ra cái rắc rối. 
Ông Tham ung dung tủm tỉm đáp: 
- Thì đã làm sao? 
- Thế sao cậu lại ngờ cho ông cậu làm vậy? 
- Tôi vờ thế chứ ví đây này, có mất đếch đâu! 
Vừa nói, ông móc túi quần, quẳng cái ví xuống mặt phản. Bà Tham trố mắt nhìn chồng: 
- Rõ khéo nhỉ, thế có phải là ông cậu giận không? 
- Mợ không hiểu. Tôi chỉ cốt làm thế để bận sau ông đừng ra chơi nữa. Tốn kém lắm...”. 

Kết cấu: Nhân vật chính dựng lên một sự cố giả nhằm gây hại đến người thân của mình, nhưng bên ngoài vẫn tỏ ra quý trọng, thương yêu người ấy để đánh lừa mọi người. Người thân nọ bị loại trừ theo đúng dự định, và nhân vật chính tự phơi bày bộ mặt trơ tráo, bất nghĩa của y.    

(Triều Nguyên)



Sở Cuồng Lê Dư

Vũ Ngọc Phan viết về Lê Dư:

“Sở Cuồng là một nhà văn học uyên thâm, có nhiều sáng kiến, có óc tìm tòi. Nhưng ông là một nhà Hán học thuần túy, nên trong việc biên tập của ông, người ta thấy thiếu hẳn phương pháp”...


GS. Thanh Lãng viết về Sở Cuồng Lê Dư như sau:

“Những sách trong Sở Cuồng văn khố không có tính cách văn học sử, vì nó không chú trọng đến mối giây liên hệ của các thời đại, ảnh hưởng của các văn sĩ, hay sự hình thành các trào lưu tư tưởng và nghệ thuật… Giá như soạn giả làm việc có phương pháp hơn, chú ý đến những điều vừa nêu trên hơn… Tuy nhiên, ngần ấy cũng đã giúp được nhiều ích lợi là bảo tồn được văn cổ và tìm ra được nhiều tiểu sử của các nhà văn mà trước kia chưa biết…


Cuộc di cư của chữ nghĩa

Chữ có thế vắn số nên có nhiều chữ trở thành tử ngữ. Còn nhớ, hồi mới di cư vô Nam, người Bắc nghe lạ tai nhất là chữ “Mã Tà”. Mã Tà thời Tây là gọi là Hiến Binh, sau này trong Nam gọi là Cảnh Sát, ngoài Bắc gọi là Công An. Không biết vì lý do gì, chữ Mã Tà sau khoảng hai năm gì đó, không còn nghe ai nói nữa. 


Cũng vậy, theo sách vở, chữ manh nghĩa là nhỏ mọn. Người đời chỉ còn nhớ váng vất khi nó đi với chữ khác như mong manh, tan manh, chiếu manh, manh áo, manh mún. 

Một chữ khác như chữ khem, nghĩa là kiêng cữ. Nếu nó không cặp bạn với chữ “kiêng” thì người ta không còn nhận ra nó như kiêng khem ra nắng, ra gió. 

Chữ khác như chữ lụn, nghĩa là hết, người ta cũng chỉ dùng trong một số trường hợp hiếm hoi: Tim lụn có nghĩa tim đèn cháy hết, lụn năm, lụn ngày, mềm lụn, lụn xuống, lụn mạt. 


Mấy ai còn nhớ, còn biết, còn sử dụng những chữ cổ trên. Nhưng có chết đi mới có sống lại, cái chết đi ung mầm ra cái mới. Nhờ vậy mà chữ nghĩa thay đổi và tiến bộ, mỗi ngày một đa dạng, một phong phú hơn. Thời gian đã là một lẽ, cộng thêm dụng ý của người sử dụng chữ làm chữ nghĩa sống dở, chết dở. Từ nay, chữ có thêm nghĩa. Chữ và nghĩa. Chữ dùng giống nhau, nhưng nghĩa thì mỗi người hiểu một nghĩa. 

Rầy rà từ đấy mà ra.

(Đặng Trần Huân)



Ba mươi năm: Khỏang cách và dấu nối - 1


Trần Nhuệ Tâm : Theo ông văn học trong và ngoài nước có những khác biệt gì ?


NTT: Cái khác biệt đáng kể nhất giữa văn học trong và ngoài nước là tư tưởng tự do. Sự tiếp xúc với tự do phương tây đã làm cho một số nhà văn hải ngoại trở nên phóng khoáng nhiều trong tư tưởng hiện đại. ảnh hưởng của văn học phương tây đối với văn học hải ngoại cả về hình thức lẫn nội dung là có thật. 


Văn học trong nước không chối từ tính dục như ai đó vẫn lầm tưởng nhưng vấn đề tính dục trong văn học hải ngoại được chấp nhận thoáng đãng hơn. Tôi không dám chắc trong hay ngoài viết về chuyện ấy hay hơn nhưng rõ ràng nó phụ thuộc vào những quan niệm mang tính văn hoá không đồng nhất. Ngay cả tính phản kháng vốn là bản chất của văn học cũng có những cung bậc khác nhau. Nhưng nói cho cùng thì không có nhà văn nào giống nhà văn nào và nhờ sự khác nhau đó mà văn học mới trở nên phong phú và đa dạng như chúng ta đã thấy.


(Trần Nhuệ Tâm phỏng vấn Nguyễn Trọng Tạo)



Ao nghiên ruộng chữ: người trăm năm cũ

Thể lọai “Truyện phong tinh”


Hà Hương phong nguyệt – Lê Hoằng Mưu


Trong cuộc nghiên cứu văn học quốc ngữ miền Nam giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, có ý kiến cho rằng trong công trình Văn học quốc ngữ ở Nam Kỳ 1865-1930 khiến chúng tôi đặc biệt lưu ý: “Tiểu thuyết chỉ bắt đầu với Hà Hương Phong Nguyệt của Lê Hoằng Mưu đã từng đăng báo Nông Cổ Mín Đàm từ năm 1912 và in thành sách năm 1915”. 


Nhà văn Bình Nguyên Lộc trong cuộc phỏng vấn trên The Vietnam Forum số 13/1990 lúc sang Mỹ định cư cũng cho biết: "Cuốn tiểu thuyết Việt Nam đầu tiên tôi đọc là một cuốn sách mà thoạt đầu cha tôi đã cấm không cho đọc vì cho là dâm thư, đó là cuốn Hà Hương Phong Nguyệt Truyện của Lê Hoằng Mưu. Cuốn này được xuất bản vào khoảng năm 1917, và tôi tin đó cũng là cuốn tiểu thuyết được viết đầu tiên của Việt Nam”. 


Thái Bạch trong “Truyền Thống Bất Khuất Của Văn Nghệ Miền Nam” in trên Tin Văn số 12 ngày 9.6.1967 vẫn còn nhớ đến cuộc bút chiến quanh tác phẩm này. Ông Vũ Anh Tuấn, chủ nhiệm CLB Sách Xưa & Nay trong Hồi ký 60 Năm Chơi Sách cho biết có người đã từng yêu cầu ông “làm bất cứ cách nào” và mua hộ “bằng bất cứ giá nào” quyển sách này của Lê Hoằng Mưu.

Hà Hương Phong Nguyệt đầu tiên được đăng trên báo Nông Cổ Mín Đàm từ số 19, ngày 20-7-1912 với nhan đề Truyện Nàng Hà Hương đến số 53, ngày 29-5-1915 (chưa kết thúc). Năm 1914 tác phẩm này được nhà in Saigonnaise L. Royer xuất bản với tên là Hà Hương Phong Nguyệt Truyện với gần 10.000 bản, điều này cho thấy sức hấp dẫn của tác phẩm. Lê Hoằng Mưu trong Tiểu tự (Lời tựa) cho rằng có nhiều độc giả “nài xin in ra nguyên bổn; bởi vậy cho nên tôi chẳng dám bỏ qua, phải vâng làm như ý”.

(Võ Văn Nhơn)



Góp nhặt phố văn ngõ chữ 

Ba mươi năm: Khỏang cách và dấu nối - 2

Trần Nhuệ Tâm: Ông có tin là văn học trong và ngoài nước một ngày nào đó sẽ nhập làm một không? Điều kiện dẫn đến sự “thống nhất” ấy là gì?


NTT: Tôi không nghĩ rằng văn học trong và ngoài nước là hoàn toàn khu biệt. Vì văn học là văn học nó mang tính nhân văn bẩm sinh của con người. Chỉ khác chăng nó đang bị khu biệt về độc giả. Những năm gần đây một số tác giả hải ngoại đã in sách ở trong nước. Bộ tiểu thuyết Sông Côn Mùa Lũ của Nguyễn Mộng Giác do nhà xuất bản Văn Học (Hà Nội) ấn hành được nhiều người trong nước tìm đọc và được giới thiệu trên báo chí. 


Tôi đọc Ký Sự Đi Tây của Đỗ Khiêm là do nhà xuất bản Văn Hoá Thông Tin của Bộ VHTT ấn hành... Điều đó chứng tỏ sự khu biệt về độc giả đang dần được giải toả. Có một thực tế là số lượng độc giả trong nước vô cùng lớn so với độc giả hải ngoại. Sự thiệt thòi của những văn thi sĩ hải ngoại về người đọc là cần chia sẻ. 


(Trần Nhuệ Tâm phỏng vấn Nguyễn Trọng Tạo)



Ao nghiên ruộng chữ: người trăm năm cũ

Thể lọai “Truyện phong tình”


Nằm nhà đọc sách chơi

Mấy hôm nay đọc Hà Hương Phong Nguyệt của nhà văn Lê Hoằng Mưu. Rồi nghĩ rằng: Trước đây, các nhà nghiên cứu đã chọn Tố Tâm (1925) của Hoàng Ngọc Phách là quyển tiểu thuyết đầu tiên của Việt Nam. Gần đây, cái nhìn đó đã có xu hướng thay đổi, thí dụ, nên chăng chọn Truyện thầy Larazo Phiền (1887) của Nguyễn Trọng Quản thì hợp lý hơn? 


Rồi lại có ý kiến nên chọn Hà Hương Phong Nguyệt?

Người có công tìm tòi ấy chính là nhà nghiên cứu Võ Văn Nhơn, đã tìm ra văn bản in cách đây đúng 105 năm. Tập sách dày gần 500 trang in, cứ mỗi ngày đọc nhẩn nha để lý giải xem vì sao thời ấy, nó đã bị thu hồi? Ơ này, một quyển sách đã ra đời từ đầu thế kỷ trước, nay ngồi bàn vì lý do nó bị thu hồi há chẳng phải là kẻ ngớ ngẩn ư? Nghĩ thế, y bèn lảng qua chuyện khác. 


Chuyện gì? Rằng, nếu Hà Hương Phong Nguyệt bị thu hồi vì lý do “dâm thư”, vậy hãy xem nhà văn Lê Hoằng Mưu đã miêu tả các pha hấp dẫn ấy như thế nào? Thí dụ lúc đêm thanh vắng, vợ chồng gặp lại nhau sau những ngày xa cách: 

“…Hà Hương thêm núng má hồng, Nghĩa Hữu càng trông càng khoái. Thương quá nên hóa dại, Hữu không nói được một lời, ôm vợ mà hun như bướm lại với hoa, nhan sắc thiệt mặn mà! Hữu uống nước lao canh mà càng khát…”. 


Lúc thầy Đề lẻn vào phòng Nguyệt Ba: 

“…Dong mây mưa cho phỉ khát khao, xắn tay vô mở cửa động đào, cho bướm bạc liệng vào nút nhụy. Tội nghiệp cho Nguyệt Ba! Mấy đêm chẵn mắt không ngưng lụy, thêm đàng dài nghỉ mệt mê man, bởi vậy cho nên, bướm ong bay đáo lại nghinh ngang, nào khác vườn hoang hoa bạ.

Quả là nồi nhỏ khôn vừa vung cả, tiểu thuyền mà thả ra khơi, gió dập sóng dồi ắt rã. Vừa tỉnh giấc thấy đâu người lạ, kề bên mình thân đã lõa lồ, Nguyệt Ba hổ mặt muốn hô, chợt nhìn lại mình cô cũng vậy”. Cô sẽ khóc? Tất nhiên. Thầy Đề liền bước lại gần kề, vói níu nhành huê mà bẻ. Miệng nói tợ kiết ma đọc kệ, tay lần như thầy bói lần song, nguyệt hoa hoa nguyệt não nồng, đêm xuân khó cầm lòng cha chả…”. 


Chỉ có thế. Liệu có là “dâm thư”?


(Lê Minh Quốc)



Làng

Khi các thôn bên xã được gọi là làng, chúng thường có đình, miếu (nhiều khi cả chùa)... và có được bản sắc riêng.

Theo Bùi Xuân Đính: ”làng là đơn vị tụ cư của người Việt, có địa vực riêng, cơ cấu tổ chức, các tục lệ (về cheo cưới, tang ma, khao vọng) thờ cúng riêng,  và cả “thổ ngữ ” (tiếng làng) riêng…”. Và: ” làng có hội đồng kỳ mục. Từ làng không những chỉ các “nhất xã nhất thôn”  mà cả các thôn thuộc xã.


Theo nghĩa rộng, làng còn dùng trong các thành ngữ làng văn, làng thơ, làng chơi, làng bẹp (những người nghiện thuốc phiện).

Ðối với người Việt Nam, từ làng gợi ngay không gian cư trú mà họ gắn bó. Thuở trước, làng thường có luỹ tre vây quanh, phân cách nó với không gian canh tác. Do đó mà có các cụm từ đối lập nhau như vào làng / ra đồngtrong làng / ngoài đồng. Ðầu làng là nơi có lối đi chính để vào làng từ đường thiên lý hay quan lộ. 


(Làng xã Việt Nam – Nguyễn Tùng)



Ao nghiên ruộng chữ: người trăm năm cũ

Thể lọai “Tự sự” hay “Sử liệu”

An Nam Chí Lược, dịch giả Linh mục Cao Văn Luận, Viện trưởng Viện Đại Học Huế đã viết vào ngày 22-4-1960: “... những lời nịnh nọt a dua của soạn giả (Lê Trắc)... khiến cho chúng ta vô cùng uất ức. Tuy nhiên chúng tôi coi cuốn sách này là một sử liệu, là một đối tượng cho cuộc nghiên cứu sử học thuần túy”.


Theo giao sư Nghuyễn Huệ Chi, trưởng ban văn học cổ-cận đại thì: “Mặc dù có những hạn chế về mặt quan điểm, nhưng An Nam Chí Lược vẫn được coi là một bộ sách lớn, xuất hiện sớm, có giá trị nhiều mặt, do một người có trình độ học vấn viết về thời đại mình đang sống (nhà Trần) trở về trước. 

Khái quát về mặt ưu và khuyết, GS. Nguyễn Huệ Chi, viết:

"Tác giả vì phải tô đậm tính chất lệ thuộc trong mối quan hệ Trung Quốc, sử bút của tác giả vì thế mất tính khách quan. Tuy nhiên, cũng nhờ được tiếp xúc với sách vở Trung Quốc thuở ấy, tác giả đã ghi lại được khá nhiều sử liệu hiếm hoi liên quan đến lịch sử”



Ô Cầu Dền

Tên gọi Ô Cầu Dền theo giáo sư Trần Quốc Vượng trước đó, cái tên này đã xuất hiện ở cố đô Hoa Lư (Trường Yên, Ninh Bình) với tấm bia cổ, chiếc cầu đá bắc qua sông Hoàng Long và cũng là một cửa ngõ của kinh thành Hoa Lư. Vì lẽ đó, có tác giả đã cho rằng cái tên Ô Cầu Dền cũng như nhiều tên khác ở Hà Nội: Cầu Đông, Chợ Dừa, Đình Ngang... đã được Lý Thái Tổ mang từ cố đô Hoa Lư ra kinh đô mới Thăng Long cách đây nghìn năm trước.


Theo một tích khác cửa Ô Cầu Dền lại chép: đời nhà Mạc, ở làng Kim Liên có một người học trò cha mẹ chết sớm, nhà nghèo, phải đi dạy học kiếm ăn qua ngày. Mấy năm đói kém, nhờ có mấy mẫu ruộng rau dền nên anh đã cứu giúp được nhiều người qua khỏi nạn đói. Vì thế, người ta gọi chỗ ở của anh là Cầu Dền. Các cụ cao niên ở đây vẫn còn nhớ vùng này xưa kia có con sông nhỏ dẫn nước từ nội thành ra, hai bên bờ có đất bãi phù sa, rau quanh năm xanh tốt. Trong đó có rau dền là nhiều hơn cả. Chiếc cầu bắc qua con sông hai bên bờ có nhiều rau dền nên gọi là Cầu Dền.



Thăng trầm chữ Việt

Có thể coi truyền bá quốc ngữ là một phong trào nối tiếp Đông Kinh nghĩa thục. 


Ra đời và lan rộng

Hội Truyền bá quốc ngữ ra đời ngày 25-5-1938 tại hội quán thể thao An Nam (CSA) trên phố Khúc Hạo, Hà Nội, do Nguyễn Văn Tố làm hội trưởng, Bùi Kỷ – phó hội trưởng, Phan Thanh – thư ký, Quản Xuân Nam – phó thư ký, Đặng Thái Mai – thủ quỹ, Võ Nguyên Giáp – phó thủ quỹ. Cố vấn: Hoàng Xuân Hãn.


Mục đích của hội là “Dạy cho đồng bào Việt Nam biết đọc, biết viết tiếng của mình để dễ đọc được những điều thường thức cần dùng cho sự sinh hoạt hằng ngày. Cốt cho mọi người viết chữ quốc ngữ giống nhau”.

Với chương trình là mở lớp học gồm bậc sơ đẳng dạy vỡ lòng cho học viên đọc, viết chữ quốc ngữ và làm được hai phép tính cộng, trừ. Bậc cao đẳng luyện cho học viên đọc, viết thông chữ quốc ngữ và dạy thêm ít điều thường thức và bốn phép tính.


Giáo sư Hoàng Xuân Hãn lúc ấy đang giảng dạy tại Trường Bưởi, đã được hội mời làm cố vấn tham gia ban tu thư. Ông chính là người soạn quyển sách học vần nổi tiếng cho hội. Những câu “I tờ hai móc cả hai. I ngắn có chấm, tờ dài có ngang. O tròn như quả trứng gà. Ô thời đội mũ, ơ là thêm râu”“huyền ngang, sắc dọc, nặng tròn; hỏi lom khom đứng, ngã buồn… nằm ngang” (Hoàng Xuân Hãn – Nhớ lại Hội Truyền bá quốc ngữ nhân kỷ niệm 50 năm) cho tới nay vẫn còn có người thuộc. Những câu học vần đơn giản, dễ nhớ này chỉ nghe qua đôi lần là thuộc.


(Trần Nhật Vy)



Hà Nội, Hà Lội ơi

Tôi theo con đường nhỏ leo lên đỉnh Núi Nùng. Chà, núi khá cao, tôi đã khá mỏi chân. Dọc con đường nhỏ nhập nhọang tối, có đặt những chiếc ghế đá, đây đó trông đẹp ra phết .


 


Chợt tôi thấy thằng nhóc đang ngồi ở đó. Tôi tiến lại gần, thì thằng nhóc, mặt câng câng hất hàm bảo tôi: "Nhìn cái đéo gì". Rồi thằng nhóc bỏ đi mất, tôi bèn ngồi xuống. Vừa đặt mông xuống, tôi chợt thấy dính nhép đằng sau, đưa tay quờ ra sau, tôi linh cảm ngay thấy điều chẳng lành. Một mùi thối hung hãn bốc lên. Thôi đúng rồi, thằng nhóc nó ỉa lên lưng ghế. Thế là nguyên mảng quần áo tôi dính nhoe nhoét, toàn cứt


Tôi lâm vào tình thế khó xử quá, cởi quần ở đây thì về nhà sao được, từ đây về tuốt đường Tầu Bay đâu có gần gụi gì. Cuối cùng tôi quyết định cứ để nguyên thế mà về, tôi bảo anh xe ôm rằng tôi sẽ trả tiền gấp đôi, anh ta mới chịu. 

Thế là mãn nguyện.


(Vương Văn Quang)



Chữ Nho, chữ Nôm, và chữ Quốc ngữ


Năm 1885, Pháp xâm lược Việt Nam ký hiệp định lập chế độ bảo hộ trên toàn cõi Việt Nam. Từ đó do sức ép của Pháp chữ Hán từng bước bị loại trừ theo tiến trình sau đây:

- Năm 1915 thời Duy Tân bãi bỏ thi Hội, thi Đình ở Bắc kỳ.

- Năm 1918 thời Khải Định bãi bỏ thi ở Trung Kỳ

- Năm 1919 bãi bỏ hoàn toàn các trường dạy chữ Nho thay thế hệ trường Pháp Việt và đưa quốc ngữ vào dạy năm đầu tiểu học. 


Như vậy chữ quốc ngữ được thay thế trong mọi văn bản giao dịch thay cho nhữ Hán từ đây. Tóm lại chữ Hán hay chữ Nho là chữ của người Tàu trước đây, nay gọi là chữ Tàu. Đó là thứ chữ ngoại lai du nhập vào Việt Nam do nhà Hán đưa vào Việt Nam, dùng làm phương tiện giao dịch cai trị dân Nam là như thế.


(Vũ Anh Tuấn)



Ngôn ngữ: thói “ăn” nếp “ở” của người Việt qua cách nói 

Khi "ở" kết bạn với "đậu", có nghĩa "sống nhờ, sống cậy" vào người khác. Với "đợ", hoặc với "người" thành "người ở.

Ở trên có nhắc tới "ăn không", với "ở" ta có "ở không": rảnh rỗi, không làm gì cả. "Nhân lúc vợ ở cữ, thi sĩ ở không, bèn lấy giấy viết tí toáy làm thơ tình gởi đăng nhật trình." Tới đây, ta có thêm "ở cữ", sau khi sinh nở, cần kiêng cữ.

Thi sĩ trào phúng Tú Mỡ có làm bài thơ tựa đề: "Sư cô ở cữ".

Nhưng rồi một sáng mùa Thu, 
Người ta thấy vị ni cô sượng sùng. 
Bụng đeo cái trống cà rùng,
 

"Ăn" với "ở", tóm lại, thường đi đôi với nhau như hình với bóng, như đũa có đôi, như môi răng, miệng lưỡi đặc thù hương vị ngôn ngữ của người Việt. Người viết xin được kết thúc bài tiểu luận ở đây với câu ca dao "hậu hiện đại" tự biên tự chế:

Ăn có đũa, ở có đôi.

Bậu ơi, khéo giữ trọn đời có nhau.


(Ngô Nguyên Dũng)



Thành ngữ tục ngữ… sai 


Ăn một bát cháo, chạy ba quãng đồng 

(Ý nói: Phải đi xa ăn cơm, ăn tiệc thì ngại lắm.)


Thoạt nghe cũng được. Nhưng thực chất, GS chưa giải thích thành ngữ mà mới nói nôm na về cách dùng với nghĩa hẹp. Hơn nữa, thành ngữ nói ăn “cháo” GS lại giải nghĩa thành “ăn cơm, ăn tiệc” khiến bản chất vấn đề thay đổi. Nếu là được “ăn cơm, ăn tiệc” thì cũng bõ công, có gì đáng phàn nàn? Ở đây, dân gian nói là ăn “cháo” kia mà ? Lại chỉ có “một bát cháo”.


Cháo là món ăn tầm thường (bát cháo cầm hơi) của nhà thiếu gạo, đói ăn. Cháo lá đa là thứ bố thí cho “ma đói, ma khát”, những kẻ không người thờ cúng. Người ta chửi kẻ lười biếng: “Làm như vậy thì cháo cũng không có mà ăn”. Ngay như câu “Ăn cháo đái (sic) bát” thì cháo ở đây cũng được hiểu là bát cháo bố thí, cứu giúp kẻ đang đói lòng. Nay phải vượt ba quãng đồng để ăn một bát cháo, bụng chẳng no thêm mà còn đói mệt hơn. Thế nên dân gian rất hữu ý khi dùng phép tu từ: một với babát cháo, với quãng đồng, ăn với chạy.


(Hoàng Tuấn Công)



Gia Định Báo 

Tham khảo
1. Vương Hồng Sển,1991, Sài Gòn Năm Xưa
2.  Nhiều tác giả (1987), Địa Chí Văn Hóa   
3. Nam Sơn Trần Văn Chi (2008), Nhân Vật Miền Nam, Nxb Văn Mới, Hoa Kỳ .
4.  Huỳnh Minh (2001), Kiến Hòa Xưa, Nxb Thanh Niên, Hà Nội.
5. Sơn Nam (1997), Cá Tính Miền Nam, Nxb Trẻ
6. Vũ Ngọc Phan (1942), Nhà Văn Hiện Đại, Nxb Tân Dân, Hà Nội 

7. Nguyễn Đình Đầu (2017), Petrus Ký, Nỗi Oan Thế Kỷ, Bị Thu Hồi .
8. Phạm Long Điền và Nguyễn Sinh Duy (1974), Cuốn Sổ Bình Sanh của Trương Vĩnh Ký.
9.  Nguyễn Văn Trung (1993), Trương Vĩnh Ký Nhà Văn Hóa, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.  
10. Wikipedia tiếng Việt.


Nam Sơn Trần Văn Chi quê gốc Gò Công, hiện ngụ cư ở tại nam California.

- Tốt nghiệp ĐHSP Sài Gòn, ban Sử Đia 1964-1968
-Tổng Thư Ký Hội Liên Trường trước 1975 

(Chasseloup Laubat, Pétrus Ký, Nguyễn Đình Chiểu và Phan Thanh Giản)
- Giảng viên, Tổng Thư Ký Viện Đại Học Hoà Hảo, trước 1975

- Nhà biên khảo Văn hoá, phong tục 


Nhà thơ Thành Tôn và những quyển sách thủ công

Giờ đây, ngồi trước mặt Thành Tôn, trong trí tôi không có một chút vốn liếng thơ văn nào của ông để mở đầu câu chuyện làm quà, ngoài tên tập thơ còn nhớ được đã là may mắn lắm rồi. Không đồng hương đồng khói. Không đồng học đồng tù. Nhưng tôi đã không phải bận tâm lâu hơn khoảng thời gian vừa đủ để nhấp một ngụm cà phê của buổi trưa Cali hanh gió.


Cái giọng Quảng Nam sang sảng, cởi mở, vào chuyện tự nhiên như thể đây không phải là lần thứ nhất chúng tôi ngồi bên nhau chuyện trò. Và từ đôi mắt chiếu những tia ấm áp, chân tình kia, tôi đánh mất ngay cảm giác nhà quê lên tỉnh của anh chàng Tư Ếch tội nghiệp.


Chưa hết. Bằng một vẻ trịnh trọng như chính vẻ ngoài nghiêm túc trịnh trọng của nhà thơ, Thành Tôn mở túi xách bên cạnh ông, lấy ra quyển sách nhỏ, mỏng, mang hình dáng một tập thơ. Ông đưa cho tôi và bảo đây là món quà tri ngộ tặng người mới quen. 


Rồi ông thao thao bất tuyệt nói về sự mù tịt kỹ thuật máy tính của mình nhưng lại khéo tay khéo chân trong việc tái tạo những quyển sách có số tuổi già hằng nửa thế kỷ. Như tập thơ ông vừa tặng tôi. Nó ra đời năm 1962 tại Sài Gòn. Ban đầu tôi tưởng đây là một bản sao tập thơ “Thắp Tình” của Thành Tôn. Nhưng lại là bản sao tập thơ “Mật Đắng” của nhà thơ Nguyễn Đình Toàn đang ngồi tủm tỉm cười bên kia bàn. 

Bản chính lần thứ nhất xuất bản năm 1962 của tập thơ, Thành Tôn mua lại được trong những lần lục lọi chồng sách cũ của Sài Gòn sau khi được tha về từ trại cải tạo. Ông đã tìm mọi cách mang tập thơ qua Mỹ khi lên đường đi định cư, và trân trọng trao lại cho tác giả để “châu về hiệp phố”. Quả là cử chỉ nghĩa hiệp của một người yêu chữ, yêu sách. Tập thơ Mật Đắng của nhà thơ Nguyễn Đình Toàn không phải là trường hợp đầu tiên của châu về hiệp phố mà Thành Tôn đã thực hiện.


(T.Vấn)



Làm báo văn học ở hải ngoại 

Trước đó, và trong thời gian cùng anh em coi sóc tạp chí Văn Học, tôi đã quan niệm văn chương là cái của muôn đời. Chế độ nào, chủ nghĩa nào rồi cũng sẽ tàn lụn với thời gian, duy văn học nghệ thuật sẽ còn đó, mãi mãi, nếu thực sự đó là những sáng tạo giá trị. Vì vậy, tôi chủ trương nên mở rộng cửa tiếp nhận tất cả mọi thành tựu, của thế giới, nói chung, Việt Nam, nói riêng, không phân biệt trong nước hay hải ngoại, càng không băn khoăn tìm hiểu vị trí xuất thân của người đã khai sinh ra tác phẩm. Mặc kệ ông ta (bà ta) là nhà văn, nhà thơ của Việt Nam Cộng Hòa xưa kia, hay của "thế giới lưu vong" hôm nay, hay của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam bây giờ. Một hai trăm năm nữa, người đọc sẽ chẳng bao giờ thắc mắc như chúng ta đang thắc mắc. Vậy, vấn đề chỉ giản dị: tác phẩm ấy hay hoặc dở. Xứng đáng nằm trang trọng trên các trang báo Văn Học, hay chỉ nên ném vào sọt rác. Thế thôi. Và chỉ thế thôi.


Tôi đưa ý kiến này ra bàn với anh em, và đề nghị nên tìm đọc, mời, chọn đăng những sáng tác hay của các nhà văn nhà thơ trong nước. Trịnh Y Thư bản chất hiền lành, không muốn mất lòng anh em, xin theo quyết định của đa số. Hoàng Khởi Phong chín chắn, bảo "Chưa đúng thời điểm". Riêng Cao Xuân Huy cực lực phản đối, tuyên bố rất "quân phiệt": "Cái gì dính líu đến Việt Cộng là tao không ưa, dứt khoát". Như thế, đương nhiên tôi đứng về phe thiểu số (chỉ có một phiếu ủng hộ duy nhất của... chính tôi!)


Thua, nhưng trong lòng vẫn ấm ức. Ý định xuất bản một tờ báo có chủ trương hợp lưu mọi dòng văn học về một mối manh nha trong đầu. Tôi tìm gặp vài anh chị em khác: Nhật Tiến, Đỗ Khiêm, Vũ Huy Quang, Lê Bi, Nguyễn Hương, Thân Trọng Mẫn, Phạm Việt Cường, Nguyễn Hoàng Nam, Nguyễn Mạnh Trinh... và liên lạc bằng điện thoại, thư từ với nhiều anh chị em khác nữa, cư ngụ ngoài Cali và nước Mỹ. Điều tôi không ngờ: hầu hết các văn nghệ sĩ tôi tiếp xúc đều tán đồng chủ trương của tôi. Chẳng những thế, ngoài bài vở, sáng tác, họ còn sẵn sàng đóng góp tiền bạc để tôi có thể xuất bản tờ báo như ý muốn.


(Khánh Trường)


***


Phụ đính I


“Ðọc Lại Người Xưa” của thi sĩ Vũ Hoàng Chương


Bà Vũ Hoàng Chương cũng gửi thêm một bài thơ của bà, nhan đề “Làn Gió Giao Thần.” Trong bài, bà cho biết từ khi “cánh hạc tung trời” thì “oanh ca lạc lõng” (khuê danh của bà là Ðinh Thục Oanh).

 

Sau những “canh khuya thao thức” với “gối lẻ âm thầm thấm lệ rơi,” bà mang tâm trạng chán nản, không thiết sống nữa: “Long đong thân thế tiếc chi đời.” Bà ký tên dưới bài thơ và đề ngày 18 tháng 1 năm 2003.


Sau khi nhận được hai bài thơ trên (cùng một bức thư 4 trang và một tấm hình của bà Vũ Hoàng Chương, chụp trước bàn thờ cố thi sĩ), người viết những dòng này đã chia sẻ với một số thân hữu từng có giao tình thân với thi nhân họ Vũ: Thi sĩ Cao Tiêu, Giáo sư Lưu Trung Khảo (dạy chung với thi sĩ Vũ Hoàng Chương ở trường Chu Văn An, Sài Gòn), Nhà văn Nhật Tiến (dạy chung với thi sĩ Vũ Hoàng Chương ở trường Văn Lang, Sài Gòn). Các vị vừa kể cũng chia sẻ lại với một số thân hữu khác.


(Trần Huy Bích)


Phụ đính

Sau anh Vũ Hoàng Chương “về ngôi”, văn nghệ sĩ chết thứ hai ở Sài Gòn là Hoàng Vĩnh Lộc. Anh bị bắt trong đợt khủng bố văn nghệ sĩ Sài Gòn tháng ba 1976. Khoảng một năm sau được thả về, anh qua đời trong căn nhà trong hẻm Chi Lăng. Tôi đến chào anh lần cuối khi anh đã nằm trong quan tài. Buổi chiều gần tối xa xưa mà rất gần ấy trời mưa. Hôm nay ngồi viết ở xứ Mỹ tôi như còn nghe thấy tiếng mưa rơi lộp độp trên tấm bạt che cho khách ngồi trên miếng đất nhỏ trước nhà anh.

Tiếp đến là Minh Đăng Khánh. Cũng bị bắt và cùng về một lượt với Hoàng Vĩnh Lộc, Khánh bị bại liệt nửa người, đi đứng khó khăn, ngã nằm xuống là không một mình tự đứng lên được. Cực khổ trong ba năm Khánh được giải thoát.


(Tháng bảy vào thu mưa lạnh bay... – Hoàng Hải Thủy)


***


Phụ đính II


Họan quan - 1

Sau khi nghe đứa trẻ nam nói bằng lòng, ngay lập tức người thiến hạ dao cắt dương vật, bìu và tinh hoàn, rồi đặt ống thông hơi vào chỗ tiểu tiện… sau 3 tháng, vết thương sẽ lành. Sau khi bị thiến, đứa trẻ nam trưởng thành sẽ bị rụng râu, rụng lông, ăn nói yểu điệu, giọng the thé giống như con gái. 


(Lăng mộ thái giám hoang lạnh 

trong cổ tự Huế)


Tất cả những bộ phận bị cắt bỏ sẽ được sao tẩm để cất giữ lâu dài, khi được thăng chức sẽ đưa thứ ấy ra để trình làm vật chứng và đến khi thái giám ấy chết thì "bảo vật" ấy sẽ được chôn theo thi thể.


Ngôi mộ số 22 chữ trên bia còn khá rõ: 

"Hoàng triều cung giám viện, quảng vụ Nguyễn Hầu, quê ở thôn Nhi, Hà Nội, mất tháng giêng năm Khải Định thứ 5".


(Nguồn Tổng hợp: Phan Thuận An, T.H và VTCNews)



Họan quan - 2

Tài liệu của Nguyễn Đắc Xuân cho biết: Người làm thái giám trong cung gọi là hoạn quan. Hoạn có nghĩa là làm tôi tớ. Từ hoạn quan làm người đời hiểu từ hoạn là thiến (ví dụ như hoạn heo là người ta cắt bỏ đi tinh hoàn của con heo đực). Trong Tử Cấm Thành chỉ có một người đàn ông là đương kim hoàng đế, còn lại toàn là các bà phi, tần, nữ quan, thị nữ. Từ việc sai vặt, hầu hạ vua và các bà hoàng thái hậu, các bà phi đều giao cho các thái giám. Công việc đặc biệt nhất của các thái giám là việc sắp đặt cho quá trình ân ái của nhà vua.


Tài liệu của Công sứ A.Laborde đã công bố trong tập san "Những người bạn Cố đô Huế - B.A.V.H - tập 5 - 1918" có ghi lại rằng: Thái giám hầu cận vua đi vào một phòng kín, tại đây có một tập thẻ ngọc, mỗi thẻ có ghi bằng chữ vàng tên của một cung tần. Sở thích của vua được biểu lộ vào lúc ban ngày trên một thẻ nào đó. Thái giám hiểu và đi đến khuê phòng của người mỹ nữ đã được chỉ định, treo một cây đèn ú màu đỏ.


(Nguồn Tổng hợp: T.H và VTCNews)




   



Không có nhận xét nào: