Thứ Năm, 26 tháng 10, 2023

Tiếc Nuối - An Hoàng

                                  

                                

                       Tiếc Nuối

           Những lão ông bát thập như chúng ta có bao điều để tiếc nuối. Những mất mát trong đời thì nhiều lắm: công danh, sự nghiệp, tiền tài, một thuở vàng son, những cuộc tình dài, ngắn, những tham vọng, những sân si... nhưng có một thứ mất mà chả ai để ý tới , đó là THỜI GIAN!
          Thời gian trôi đi, không ai biết, chẳng ai hay...và thời gian chẳng bao giờ đứng lại cả như nước trên nguồn chẩy ra biển...
Thời gian là một tên "sát nhân thầm lặng", a silent killer! Mọi sinh vật trên địa cầu đều bị nó hủy diệt no mercy ! Có khác chăng là tháng năm mà thôi !
          Chúng ta phải cám ơn Xuân Diệu, hoàng đế của THƠ TÌNH khi ông đã nói dùm chúng ta trong bài thơ VỘI VÀNG, một trong những bài thơ hay nhất của ông, nói về nuối tiếc thời gian:

            Ta muốn tắt nắng đi, cho mầu đừng nhạt mất
            Ta muốn buộc gió lại, cho hương đừng bay đi...

Làm sao mà tắt được nắng, buộc được gió cơ chứ !
Rồi :
                    XUÂN đương tới nghĩa là Xuân đương qua
                    Xuân còn non nghĩa là Xuân sẽ già
                    Mà Xuân mất nghĩa là tôi cũng mất
                    Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật 
                    Chẳng cho dài thời trẻ của nhân gian
                    Nói làm chi rằng Xuân vẫn tuần hoàn!

Và hai câu tôi thích nhất :

                  Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi
                  Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời...

Tôi sống ở cái xóm nghèo này từ 1996, tới nay là hơn 27 năm, dài hơn cả một cuộc chiến 1955-1975. Những cây bằng lăng tím, đỏ từ khi còn "dựa cọc" (không phải dựa cột!) mà nay đã gần một vòng ôm. Mấy thằng cháu nội, ngoại, ngày nào còn mặc tã, ỉa đùn, chui dưới gầm bàn... mà nay đã vào đại học, thằng thấp nhất cũng 1m70 ! Ngày nào chúng nó phải "ngước cổ" nhìn tôi thì nay tôi phải ngẩng đầu lên nhìn chúng nó: tre thì phải già, và măng thì phải mọc, để duy trì nòi giống Việt nếu không giống Lạc Hồng sẽ bị diệt vong!
       Chúng chê ông bà nói tiếng Anh dở! Mà có sống thêm vài chục năm nữa thì ăn đong vẫn hoàn ăn đong, đừng có chờ mong!
Nói tóm lại: TIẾC NUỐI là bệnh của người già, chả khác gì đàn bà ngồi chải tóc, đàn ông chém gió, múa gậy vườn hoang, nửa
 đêm ra ngắm sao trời...
Chả hiểu sao, người xưa lại bảo:
                                           "Đa thọ, đa nhục!"

Có lẽ người già vô dụng, tối ngày chỉ chờ con cháu hầu hạ, nó chán! Câu nói ấy miệt thị người già, khác với Tây Phương, người ta kính trọng những người có tuổi:

                       Tuổi già đáng quý làm sao
                 Có con, có cháu ra vào bẩm ông
                       Có người gọi dạ, bảo vâng
                 Lộc trời tận hưởng, thong dong chờ ngày...

     Ta thường nghe những từ ngữ chẳng đẹp đẽ gì cho mấy ông già!  Nào là: Già mất nết, già ó đâm, già lựu đạn, già dịch, già hâm... nào là trâu già còn thích cỏ non, như anh chàng nhạc sĩ bỏ Mỷ về VN sống, lấy vợ  kém 40 tuổi, đáng tuổi cháu!  Nhà văn lão thành Phan Khôi, một kiện tướng trong vụ án Nhân Văn Giai Phẩm, cụ theo Việt Minh từ những năm đầu kháng chiến (khi VM chưa phải là Cộng Sản).  Trong vụ án văn học đó, chúng cho cụ về vườn, cụ đã làm bài thơ TUỔI GIÀ, chửi xéo chúng:
                                       Tuổi già thêm bệnh hoạn
                                       Kháng chiến thấy thừa ta
                                       Mối sầu như tóc bạc
                                       Cứ cắt lại dài ra...

Cụ còn viết những câu bầy tỏ khí phách nhà nho:

                 Làm  sao cũng chẳng làm sao 
                 Dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi !
                 Làm chi cũng chẳng làm chi
                 Dẫu có làm gì cũng chẳng làm sao !

Các LÃO ÔNG "Tám bó có lẻ" như các bác và tôi chẳng có gì phải mặc cảm là mình già, vì:

                  Gừng càng già càng cay
            Ông già chống gậy, leo cây... chuyện thường !

 
                                    An Hoàng ( Ông lão 85)
                                                                                                   

                                                                                                                                                 



  

Không có nhận xét nào: