TIẾT 9 – TÂM TỨ ĐOAN
Tác giả: ITÔ JINSAI (*)
Người dịch: Nguyễn Sơn Hùng
Lời thưa trước
Itô Jinsai khuyên nên tìm hiểu nội dung sách Mạnh Tử trước vì sách này là sách giải thích sách Luận Ngữ. Theo người dịch, về mặt đạo đức làm người thì một trong những điểm quan trọng nổi bật của học thuyết Mạnh tử là ông chủ trương “bản tính con người vốn thiện lương từ lúc chào đời”. Do đó, người dịch chọn tiết “Tâm tứ đoan” để mở đầu loạt bài giới thiệu chi tiết nội dung của sách “Ngữ Mạnh Tự Nghĩa” của Itô Jinsai (Y Đằng Nhân Trai). Trong tác phẩm tác giả ghi tên là Itô Itei (Y Đằng Duy Trinh), tên hiệu lúc sáng tác nhưng ở đây ghi tên hiệu sau cùng của ông để quý độc giả dễ tìm hiểu tra cứu thêm.
Điều 1
Theo sách chú thích và giải nghĩa của ngày xưa (cổ chú) (1) cho những kinh sách cổ điển thì “đoan” là “bản本”, có nghĩa “nguồn gốc”. “Tâm tứ đoan” là nguồn gốc xuất phát ra nhân nghĩa lễ trí. Từ điển chữ Hán giải thích “đoan” là “bắt đầu” (thủy 始) hoặc là “mối (manh)” (tự 緒). Cả 3 đều cùng một ý.
Tuy nhiên Khảo Đình (tức Chu Hy) đặc biệt dùng từ “đoan” với nghĩa “đầu mối (đoan tự 端 緒)”, nói rằng ““đoan” giống như vật có ở bên trong và mối (tự 緒) của vật lộ ra bên ngoài”. Trong khi đó các thí dụ giải thích nghĩa của chữ “đoan” mặc dù có nhiều nghĩa nhưng đều quy về một ý như đã trình bày ở trên. Chữ “tự緒” phải xem đồng nghĩa với chữ “bản thủy本 始” nghĩa “nguồn gốc ban đầu”.
Tôi nghĩ rằng cái kén của con tằm có “đầu mối” (đoan tự) , và nếu kéo cứ kéo ra mãi không ngừng thì sẽ thành lụa dày (tăng繒) hoặc lụa tơ trần (bạch 帛) dài khoảng 2 trượng (khoảng 6 m). Nghĩa là từ “đoan tự” hàm chứa ý “kéo và làm cho dài ra”. Nói như Khảo Đình thì trái ngược với nghĩa “nguồn gốc ban đầu” (bản thủy), không phải như nghĩa của các thí dụ giải thích nghĩa của chữ.
Tôi nghĩ rằng ý muốn nói của Mạnh tử là con người có tâm tứ đoan giống như thân thể có 2 tay 2 chân (tứ chi) (Bài 6 chương 3 Công Tôn Sửu, sách Mạnh Tử). Con người ai cũng có tâm tứ đoan đàng hoàng, không cần phải tìm kiếm hoặc vay mượn từ bên ngoài. Nếu như biết khuếch sung (làm cho đầy đủ và làm to lớn thêm) tâm tứ đoan này thì giống như lửa cháy lan rộng, nước suối chảy lan rộng, cuối cùng có được đức của nhân nghĩa lễ trí. Do đó mới lấy tâm tứ đoan làm nguồn gốc ban đầu của nhân nghĩa lễ trí. Đây là chủ ý căn bản của Mạnh tử, và các Nho gia đời Hán lấy nội dung này truyền đạt cho nhau.
Tưởng cũng nên nói thêm các điều sau. Sách Trung Dung nói “Đạo của người quân tử bắt đầu (đoan) từ (việc xử sự tốt trong) quan hệ vợ chồng” (2). Tả Thị Truyện (tức sách Xuân Thu) nói: “Làm lịch (lịch xem ngày tháng năm) cần phải bắt đầu đúng từ khởi điểm (đoan) rồi cứ vậy mà tiếp tục” (3). Người xưa dùng “đoan” trong các từ ngữ như “hấn đoan” (4), “họa đoan” (5), “khai đoan” (6), “phát đoan” (7) đều với nghĩa “nguồn gốc ban đầu” (bản thủy) (8). Trong trường hợp để hiểu nghĩa của tâm tứ đoan càng không thể không tuân theo nội dung chú thích giải nghĩa của ngày xưa.
Phần phụ thêm
“Đạo quân tử bắt đầu từ quan hệ vợ chồng” (chương 12 Trung Dung)
Tìm thấy trên Internet tiếng Nhật có nội dung dịch ra tiếng Nhật hiện đại dễ hiểu nên dịch lại ở đây để giới thiệu độc giả biết thêm về sách Trung Dung.
“Đạo của người quân tử có phạm vi rất to lớn ai cũng có thể áp dụng nhưng nội dung hàm chứa mức khó khăn vi diệu. Ngay cả vợ chồng ngu muội cũng có thể biết giữ đạo là gì. Tuy nhiên nói đến đỉnh cao tận cùng của đạo thì ngay cả thánh nhân cũng có điều chưa biết được.
Ngay cả vợ chồng không học cũng có thể thực hành một phần của đạo. Tuy nhiên đối với đỉnh cao tận cùng của đạo thì ngay cả thánh nhân cũng không thể thực hành đầy đủ trọn vẹn. Đối với nhiều việc làm của trời đất rộng lớn (hiện tượng tự nhiên), con người cũng có những điều căm ghét như đối với thời tiết quá lạnh quá nóng so với bình thường, mất mùa nặng nề, bão tố, động đất, sóng thần to lớn đến mức kinh thiên động địa….
Do đó nếu nói sự to lớn của đạo quân tử thì trong thiên hạ không có gì để có thể đặt lên hoặc chứa đựng được; còn nói đến mức độ nhỏ của đạo thì trong thiên hạ không có gì nhỏ hơn. Thiên Đại Nhã Hạn Lộc trong kinh Thi viết: “Diên phi ngư dược”, nghĩa là “Diều hâu bay trên trời cao, cá tung tăng dưới hố nước sâu”. Trình độ cao thấp của đạo quân tử biểu hiện trong hoạt động của diều hâu và cá. Mặc dù nói là đạo của người quân tử nhưng điểm xuất phát của đạo là bắt đầu từ vợ chồng không học. Còn nếu như truy cứu đến đỉnh cao tận cùng của đạo thì đạo biểu hiện ở trong mọi sự việc, mọi hiện tượng của trời đất”.
“Trên là chương 12, lời của Tử Tư làm rõ ý của câu “Đạo không thể tách rời” trong chương đầu của Trung Dung. Trong 8 chương tiếp theo là do Chu Hy trích dẫn các lời của Khổng tử để làm rõ hơn”.
Ghi chú
– Nội dung trong ( ) với khổ chữ nhỏ là của người dịch thêm vào cho dễ hiểu hoặc ghi lại từ Hán Việt của nguyên văn.
(1) Theo Nhật Bản Quốc Ngữ Đại Từ Điển, ở Trung Quốc các chú thích giải nghĩa kinh sách từ đời Hán đến đời Đường gọi là “cổ chú”, các chú giải từ đời Tống trở về sau gọi là “tân chú”. Ở Nhật Bản, mốc thời gian để phân biệt là thời kỳ thành lập “quốc học” (1688~1704). Bốn nhà quốc học tiêu biểu của Nhật Bản: Kada no Azumamaro (1669~1736), Kamono Mabuchi (1697~1769), Motoori Norinaga (1730~1801), Hirata Atsutane (1776~1843).
(2) Nguyên văn chữ Hán: 君 子 之 道, 造 端 乎 婦 trong chương 12 của Trung Dung.
(3) Trong phần “Văn Công Nguyên Niên” của sách Xuân Thu Tả Thị Truyện. Nguyên văn chữ Hán: 履 端 於 始.
(4) Hấn đoan 釁 端: nguồn gốc ban đầu của hiềm khích, bất hòa. (Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh, dưới đây viết tắt ĐDA: Nguyên nhân việc tranh chấp, hiềm khích.)
(5) Họa đoan: bắt đầu, triệu chứng của tai họa. (Không có trong ĐDA)
(6) Khai đoan: khởi điểm, bắt đầu.(ĐDA: mở mối đầu (commencement))
(7) Phát đoan: bắt đầu của sự việc.(ĐDA: mở mối (commmencer))
(8) Trong ĐDA, bản thủy: lúc ban đầu; bản nguyên: gốc nguồn = căn bản.
Tham khảo thêm
(1) Trong Mạnh Tử Quốc Văn Giải Thích, Đông Hồ Nguyễn Hữu Tiến dịch “đoan” là “căn”. Trong Tứ Thư Bình Giải, Lý Mạnh Tuấn dịch là “đầu mối”.
(2) Theo Nhật Bản Quốc Ngữ Đại Từ Điển (phiên bản Tinh tuyển bản: Bản thủy là bắt đầu của ban đầu; bản nguyên. Đoan tự là manh mối của sự vật.
Theo Tự Thông (phổ cập bản) của Heibonsha do Shirokawa Shizuka biên soạn: Bản thủy là bắt đầu của sự việc. Đoan tự là bắt đầu, manh mối.
Nhận xét
(1) Người dịch chưa hiểu rõ lý do Jinsai không đồng ý nội dung giải thích của Chu Hy đến mức mạnh như vậy? Không biết các lý do sau có giải thích được không: (1) Theo cách giải thích của Chu Hy, có thể gây hiểu lầm là phải có người bên ngoài “kéo dài” tâm tứ đoan ra mới có được nhân nghĩa. Tuy nhiên, không phải vậy mà phải tự mình tu dưỡng mới được, do đó Jinsai không đồng ý? (2) Lập ra nghĩa mới khác với cách hiểu của số đông lúc đương thời sẽ sinh ra hiểu sai, và dễ làm người khác bắt chước theo gây ra rối loạn cho việc học tập của người đời.
(2) Tiếng Hán thật rắc rối khó hiểu chính xác! Do đó hãy thử suy nghĩ xem xét nghĩa của chữ “đoan” từ ý muốn nói của Mạnh tử. Ý Mạnh tử muốn nói là nhân nghĩa lễ trí (sau đây viết ngắn là nhân nghĩa) bắt nguồn từ tâm tứ đoan. Do đó, “đoan” ở đây để nơi chốn chứ không phải thời gian vì nhân nghĩa không phải chỉ xuất phát từ tâm tứ đoan ở thời điểm ban đầu nào đó thôi mà luôn luôn xuất từ đây. Do đó hiểu “đoan” là “nguồn”, là “cội” (gốc) là đúng nhất, không phải là “manh mối”. Có “nguồn”, “gốc” sẵn thì chỉ cần giữ gìn cho không bị che lấp, và nuôi dưỡng thì “đoan” sẽ sinh trưởng ra và phát triển. Do lý do này mà Mạnh tử nói nên “tồn tâm, dưỡng tính” (Bài 1 chương 13 Tận Tâm thượng) . Gìn giữ tâm có nghĩa là gìn giữ “nguồn” của nhân nghĩa, bồi dưỡng tính có nghĩa là nuôi dưỡng “nguồn” nhân nghĩa. Tóm lại, hiểu “đoan” là “nguồn” thì thích hợp với điều Mạnh tử muốn nói. Tuy nhiên, nếu dịch “đoan” là “nguồn” hoặc “gốc” thì “tâm tứ đoan” phải dịch “tâm có/của 4 nguồn” hoặc “tâm có/của 4 gốc” trở nên rất khó hiểu và khó nghe!
Viết đến đây người dịch không biết phải giải quyết thế nào cho ổn nên xem xét lại nguyên văn của sách Mạnh Tử thì thấy ông chỉ dùng từ “tứ đoan” 3 lần trong bài 6 của chương 3 Công Tôn Sửu với cách nói “con người có tứ đoan” chứ không có từ “tâm của tư đoan”, từ này do Jinsai dùng để đặt tựa cho hạng mục này. Với từ “đoan” Mạnh tử dùng như sau: “Tâm của trắc ẩn (thương xót) là “đoan” của nhân (tình thương). Tâm của hổ thẹn (tu ố) là “đoan” của nghĩa….”. Có nghĩa là “đoan” trong sách Mạnh Tử để nói “đoan” của nhân nghĩa chứ không phải của tâm. Do đó nếu dịch câu trên như “Lòng thương xót là nguồn phát sinh của nhân. Lòng hổ thẹn là nguồn phát sinh của nghĩa…” thì đúng ý của Mạnh tử muốn nói lại dễ hiểu. Đối với từ “tâm tứ đoan” hoặc không dùng cách nói này hoặc dịch là “tâm có/của 4 nguồn phát sinh nhân nghĩa lễ trí”.
Người dịch lại nhớ Jinsai thường dùng từ “dị đoan” để chỉ các tư tưởng, học thuyết không phải của thánh nhân, không phải của Khổng Mạnh, hoặc để chỉ tà thuyết. Từ điển tiếng Nhật giải thích “dị đoan” là không thuộc “chính thống” hoặc để chỉ các tôn giáo hoặc học thuyết được một số ít người tin với tính cách ngoại lệ so với những tôn giáo hoặc học thuyết được nhiều người công nhận là chính thống vào thời đại dó. Đào Duy Anh giải thích “dị đoan” là 1) Những điều tín ngưỡng lạ lùng, 2) Dị giáo (superstition, hétérodoxe, hérésie). (Ông giải thích “dị giáo” là tôn giáo không phải thứ mình tin tưởng). Xem ra, từ điển tiếng Nhật giải thích rõ ràng và khách quan nhất. Trong trường hợp từ “dị đoan”, hiểu “đoan” là “nguồn hoặc gốc phát sinh” vẫn hợp nghĩa, và “dị” nghĩa là “khác với chính thống”.
Đối với chữ “thủy 始” thường cho chúng ta hình ảnh “bắt đầu” (của thời gian) hơn là hình ảnh của nơi xuất phát (không gian). Nếu dùng từ “nhân” có nghĩa là “hạt giống” thì có thể sinh ra hiểu nhầm vì “giống” thì có tốt có xấu, ở đây Mạnh tử muốn nói là “nguồn phát sinh “tính thiện” của con người” và tất cả mọi người đều có như nhau.
Sau khi viết nhận xét (2) này xong, người dịch cảm thấy hiểu hơn lý do mà Jinsai không đồng ý cách giải thích từ “đoan” của Chu Hy: không phải là những lý do viết ở nhận xét (1). Khi dịch Điều 2 của tiết này và đọc Tiết 5 Đức người dịch hiểu ra rằng: hiểu sai nghĩa của chữ hoặc của từ ngữ thì sinh ra hiểu sai cả ý rồi đưa đến việc áp dụng sai và triển khai sai. Khi triển khai sai thì không những hại bản thân mà hại cả người khác. Phải chăng đây là lý do phê bình nghiêm khắc của Jinsai?
Thật ra Jinsai đã viết ý trên trong “Lời tựa” của sách nhưng người dịch vô ý không đọc trước, đến sáng ngày 2/2/2024 khi sắp hoàn thành bản dịch tiết này mới đọc tới!
Điều 2
Trong Mạnh Tử Tập Chú (sách chú thích và giảng nghĩa nội dung sách Mạnh Tử của Chu Hy) viết “Tứ đoan (4 nguồn phát sinh nhân nghĩa lễ trí, nói theo Chu Hy là 4 “manh mối” của nhân nghĩa lễ trí) có trong con người (chúng ta) và tùy theo nơi hoặc trường hợp mà (chúng ta) phát hiện ra chúng. Nếu ai biết làm chúng sung mãn đến mức lượng có sẵn từ đầu của chúng (bản nhiên chi lượng) thì chúng mỗi ngày mỗi mới (1) đến mức độ chính bản thân mình cũng không có thể dừng lại được”. Ý muốn nói của “phát hiện ra” trong lời nói trên là “Nếu thấy được điều đúng nên thương xót thì (chúng ta) thương xót, nếu thấy đúng điều phải hổ thẹn thì hổ thẹn, nếu thấy điều đúng phải khiêm nhường (khiêm tốn và nhường nhịn) thì khiêm nhường, nếu thấy điều đúng phải phân biệt đúng sai thì phân biệt đúng sai”.
Nếu như Chu Hy giải thích, thì rõ ràng là, nếu không thấy được những điều đúng phải thương xót, đúng phải hổ thẹn, đúng phải khiêm nhường, đúng phải phân biệt đúng sai thì lòng thương xót, lòng hổ thẹn, lòng khiêm nhường và lòng phân biệt đúng sai không có dịp (cơ hội) phát sinh ra. Tuy nhiên, số cơ hội (chúng ta) gặp được việc đúng phải thương xót trong một ngày không phải nhiều. Đôi lúc suốt trong 10 ngày trôi qua, cũng có thể không gặp được trường hợp nào đáng thương xót. Đối với trường hợp của việc hổ thẹn, khiêm nhường và phân biệt phải trái cũng tương tự. Như vậy, số ngày (chúng ta) dùng sức để phát hiện tứ đoan thường ít ỏi mà số ngày không làm gì lại nhiều hơn. Như thế, dù (chúng ta) có muốn dùng sức khuếch sung tứ đoan để đi nữa thì phải làm bằng cách nào để thực hiện được đây? Ngoài ra, ngay cả trường hợp (chúng ta) chỉ muốn khuếch sung lòng thương xót (tâm trắc ẩn), (chúng ta) cũng còn lo sợ mình không đủ khả năng nói chi đến việc khuếch sung “từng thứ một của tất cả 4 thứ đoan” (Jinsai ý thức chủ trương của Lục Tượng Sơn nên nói điều này). Do đó, nỗi lo sợ khi gặp người khác, (chúng ta) phải nhìn trước xem sau, không còn thời giờ ứng tiếp thật là khó tránh được phiền não khó đam nỗi.
Trong khi đó, nội dung mà Mạnh tử truyền đạt thật sự không phải khổ cực như vậy mới thực hiện được. Nội dung đó là tứ đoan có sẵn trong con người chúng ta giống như chúng ta sinh ra có sẵn 2 tay và 2 chân; không nghe người khác dạy cũng hiểu, không nghĩ tới chúng cũng tự nhiên đến (Bài 6 chương 11 Cáo Tử thượng), tại sao lại cần phải chờ phát hiện ra chúng! Tại sao lại cần phải tập trung tinh thần chú ý nhận thức mới phát hiện ra được chúng! Đúng là thật sự không lĩnh hội được ý của Mạnh tử một chút nào cả!
Tượng Sơn (2) nói: “Các người luận về học thuyết gần đây (3) cần phải bổ sung từng thứ một của tất cả 4 thứ đoan khi khuếch sung chúng”.
Tại sao lại phải có cái lý luận như vậy? Chẳng phải lúc đương thời Mạnh tử đã từng làm sáng tỏ rằng con người lúc chào đời đã có sẵn tứ đoan, và đó là đặc tính tốt lành (tính thiện) của con người; do đó (chúng ta) không nên tự cho mình không có khả năng làm điều thiện, điều tốt mà tự hủy hoại bản thân mình (Bài 6 chương 3 Công Tôn Sửu), đó sao?
Một khi tứ đoan có ở trong tâm tức là cái lý (có thể hiểu là quy luật, việc tất nhiên) của tứ đoan tự nó sẽ rõ ràng, nghĩa là đối với điều thật sự đáng thương xót thì con người tự nhiên sẽ thương xót; đối với điều thật sự đáng xấu hổ thì tự nhiên xấu hổ, đối với điều thật sự đáng khiêm nhường thì tự nhiên sẽ khiêm nhường, nếu điều thật sự phải phân biệt đúng sai xảy ra trước mặt thì con người tự nhiên sẽ phân biệt đúng sai. Lời này thật quá rõ ràng. (Thế mà Tượng Sơn nói như trên,) Chẳng khác gì không hiểu được ý của Mạnh tử!
Mạnh tử nói “Con người ai cũng có lòng thương xót (trắc ẩn), khi thấy người khác bị tai hại thì không nỡ (bất nhẫn) bỏ qua, việc khuếch sung (nguyên văn chữ Hán là “đạt”) lòng thương xót này chính là nhân (của nhân nghĩa lễ trí). Con người ai cũng có lòng hổ thẹn (tu ố) không muốn làm việc bất nghĩa, bất chính, việc khuếch sung (nguyên văn chữ Hán là “đạt”) lòng không muốn làm việc hổ thẹn này chính là nghĩa” (4) (Bài 31 chương 14 Tận Tâm hạ). Các từ “không nỡ (bất nhẫn)”, “không làm (bất vi)” này là “lòng thương xót (trắc ẩn)”, “lòng hổ thẹn (tu ố)”, theo thứ tự. Từ “đạt” trong nguyên văn ý nói “khuếch sung”. Tôi cho rằng lòng thương xót, lòng không muốn làm việc hổ thẹn không có chỗ nào mà không tiếp nhận (nghĩa là chắn chắn được tiếp nhận ở mọi nơi). Chẳng phải ý tưởng muốn truyền đạt của Mạnh tử thật là rõ ràng, thích đáng, và hiệu quả (của ý tưởng này) thật là giản dị và gần gũi (thân thiết) sao?
Tôi nghĩ rằng mặc dù 2 tiên sinh Chu và Lục đều rất tôn kính và tin tưởng Mạnh tử nhưng Hối Am (tức Chu tử) thì chuyên lấy “trì kính” (phương pháp tu dưỡng bằng tập trung ý thức) làm chủ yếu, còn Tượng Sơn thì trước hết lấy việc thành lập “cái to lớn ấy” (5) (ý nói lý luận, lý thuyết của tính thiện v.v…) làm chủ yếu nhưng đối với nghiên cứu phương pháp khuếch sung (ý nói phương pháp thực dụng) thì thật sự chưa hề bỏ công sức lần nào. Té ra thất bại (của ông) to lớn như thế này!
(*) Nguồn: Itô Jinsai (1683): Ngữ Mạnh Tự Nghĩa (語 孟 字 義)
Ghi chú
(1) “Mỗi ngày mỗi mới”: Trích từ sách Đại Học, câu châm ngôn mà vua Thang cho khắc ở bồn tắm của ông để cảnh giác bản thân.
(2) Trích từ Ngôn Lục thượng của Tượng Sơn Tiên Sinh Toàn Tập quyển 34 nhưng Jinsai viết lại cho dễ hiểu. Lục Tượng Sơn (1139~ 1193), tên Cửu Uyên, đậu Tiến sĩ ra làm quan nhưng lúc 49 tuổi mở trường dạy học. Ông cùng thời với Chu Hy.
(3) Ý nói các người trong học phái của Chu tử.
(4) Nếu dịch sát nguyên văn câu này rất khó hiểu nên ở đây dùng nội dung dịch tiếng Nhật hiện đại của Tanaka Netarô, dễ hiểu và đúng ý.
(5) Dùng từ “Kỳ đại giả” trong Bài 14 chương 11 Cáo Tử thượng: “Dưỡng kỳ tiểu giả, vi tiểu nhân; dưỡng kỳ đại giả, vi đại nhân” (Nuôi dưỡng điều (cái) nhỏ (việc không quan trọng) thì làm tiểu nhân; nuôi dưỡng điều (cái) lớn (việc quan trọng) thì làm đại nhân).
Nhận xét
(1) Để thực hiện nhân nghĩa lễ trí, theo Chu Hy thì quá khó, theo Jinsai thì quá dễ! Tuy nhiên cách viết của Jinsai “Một khi tứ đoan… đúng sai. Lời này thật quá rõ ràng” có thể gây hiểu lầm lớn hoặc có thể do người dịch chưa nắm được ý của ông? Theo ý của đoạn văn này thì để thực hiện nhân nghĩa thì cứ giao phó cho bản tính tự nhiên của mình. Nếu như vậy tại sao Mạnh tử lại nói cần phải “khuếch sung”? Không biết trong tiết khác hoặc trong tác phẩm khác, ông có đề cập cụ thể làm thế nào để khuếch sung không? Nếu không thì ông chẳng khác với Tượng Sơn, vì phê bình người khác mà không đưa cách giải quyết.
Theo người dịch nghĩ rằng trước khi khuếch sung, ít nhất cần phải gìn giữ tâm để “nguồn phát sinh tứ đoan” không bị che lấp. Một phương pháp thực hiện điều này là tập luyện được “sunao na kokoro” (người dịch dịch là tâm tự nhiên) của Matsushita Kônosuke. Một phương pháp dễ dàng hơn mà người dịch mới nghĩ ra là “không bỏ quên lòng biết ơn”. Hãy luôn luôn ghi nhớ rằng “con người không thể tồn tại nếu không có sự giúp đỡ hoặc làm việc của người khác”. Người dịch tin rằng nhờ lòng biết ơn chúng ta có thể không để cho tự ái cá nhân, lợi ích cá nhân và nhiều thứ khác che lấp lên nguồn phát sinh tính thiện của con người, là tứ đoan. Ngoài ra, việc học, việc đọc sách cũng ích lợi, giúp chúng ta biết những trường hợp chưa từng gặp qua để suy nghĩ, xem xét trước để khi gặp phải có thể ứng xử đúng đắn.
Nếu chỉ giao phó cho bản tính tự nhiên mà không cố gắng tập luyện gì cả trong cuộc sống ngày thì tứ đoan chỉ phát sinh ở những trường hợp sự kiện bên ngoài có tác dụng rất mãnh liệt như “cắn rứt lương tâm” làm cho các cặn bã che lấp nguồn phát sinh tính thiện bay mất đi để cho tứ đoan phát sinh trở lại.
Tài liệu tham khảo
(1) Yoshikawa Kôjirô & Shimizu Shigeru (1971): Nhật Bản tư tưởng đại hệ 33- Itô Jinsai và Itô Tôgai (tiếng Nhật), nhà xuất bản Iwanamishoten.
(2) Tanaka Netarô (2021): Mạnh Tử (sách điện tử, tiếng Nhật), nhà xuất bản Seibundo Shinkosha.
Nguyễn Sơn Hùng
Bắt đầu ngày 29/1/2024
Viết xong ngày 3/2/2024
Trở về trang chủ
Xem thêm cùng tác giả: Những bài viết và dịch của Nguyễn Sơn Hùng