Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2024

Chữ Nghĩa Làng Văn - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

               Chữ Nghĩa Làng Văn 

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

***


Ta bà 

Ta-bà (cũng tức là Sa-bà) là cảnh giới còn nhiều đau khổ mà chúng sinh phải hứng chịu. 

(Tiến tình văn hóa Việt Nam – Nguyễn Khắc Thuần)


Chữ nghĩa làng văn

Sách Quốc Văn lớp đồng ấu do Đỗ Thận, Trần Trọng Kim và Đặng Đình Phúc biên soạn.


Hai "cô hàng" đầu tiên của làng Tân nhạc Việt Nam


(cô hàng cà phê Thái Hằng)


Theo nhiều người kể lại, "cô hàng" trong ca khúc là một người đẹp vừa qua một mối tình buồn, ngồi giữ két cho gia đình mở quán cà phê ở vùng chợ Đại (Cống Thần – Ninh Bình) thuộc vùng tản cư chiến khu III, khi cà phê đã trở thành một thứ đồ uống phổ biến giữa một không gian có phần tạm bợ của thời chiến. "Cô hàng" làm cho “lắm anh điên cuồng” ấy chính là nữ ca sỹ Thái Hằng mà sau này là vợ của nhạc sỹ Phạm Duy.


“Ở chợ Dầu có hàng cà phê,

Có một cô nàng be bé xinh xinh.

Cô hay cười hồn xuân phơi phới,

Cứ xem dáng người mới chừng đôi mươi”


(Nhạc sĩ Lê Văn Thương)



Sư ni

Sư ni từ gốc Ấn Độ, nam giới đi tu gọi là bít-, nữ giới gọi là bít-sư-ni.  

Khi các từ này nhập vào nước ta, chỉ còn giữ các âm tiết cuối: sư, ni. Sau đó ta thêm cách gọi khác: sư ông, ni cô 

(Trần Văn Giáp).



Đình, làng

Từ thời Hậu Lê, triều đình quy định mỗi làng phải dựng một ngôi đình để thờ phụng thần hoàng phù hộ cho làng. Do đó, có thể nói một cách chắc chắn rằng: đình ở đâu thì làng ở đó.


Ngày nay, tại số 475 đường Công Lý là nơi tọa lạc của ngôi đình mang tên Chí Hòa. Như vậy, có thể kết luận rằng vùng đất bao quanh đình Chí Hòa ngày nay chính là làng Chí Hòa xưa. 



Học lại chữ Hán


Những vay mượn lạ lùng chắc không bao giờ giải đáp được, nếu không nói bướng rằng đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên, chẳng hạn về màu sắc, ta có đủ cả, đỏ, đen, xanh, trắng nhưng lại không có màu vàng. 

Quan-thoại nói Wàng, Quảng-đông nói Woòng thì vàng. chắc chắn do đó mà ra. 


Không lẽ trên lãnh thổ Giao-chỉ vào thời ấy, củ nghệ lại chưa mọc, mà hễ có nghệ thì dân phải biết màu vàng và phải có danh từ, tĩnh từ vàng.

(Gương mặt dân Lạc Việt qua ngôn ngữ Việt – Bình Nguyên Lộc)


Phùng Cung và Vũ Khắc Khoan

Tác giả Phùng Cung kể một câu chuyện từ thời chúa Trịnh. Một người buôn ngựa tên là lão Nông ở làng Phương Lộ dưới chân núi Tản Viên (núi Ba Vì thuộc trấn Sơn Tây xưa), hẻo lánh xa kinh kỳ. Lão Nông tậu được một con ngựa quí thắng mọi trận đua trong vùng. Vì lông nó trắng như bông nên lão đặt tên nó là Kim Bông. Thời đó Chúa Trịnh đang thành lập một đội kỵ binh hùng hậu, nghe tiếng đồn con Kim Bông là tuấn mã, bèn cho Mã Quan trưng dụng về. Từ khi về phủ chúa, con Kim Bông không còn phải ăn cỏ núi, uống nước suối mà được ăn thóc thượng hạng trộn mật ngọt bùi, nhai những bó lá trúc thơm sậm sựt. Nó được lính hầu tắm, chải lông mượt mà, được khoác những bộ dây cương và được… đóng hai miếng sắt to che hai bên mắt, khiến nó chỉ nhìn thấy một phía. Bây giờ nó không còn được chạy đua trên đấu trường nữa mà được gông cổ vào hai càng xe để kéo xe cho chúa. Nó vẫn nghĩ tài năng nó còn hùng dũng như xưa, nhưng cứ thế kéo xe hầu chúa lâu ngày khiến nó đã cùn nhụt mọi sức lực và tài nghệ, đến độ nó gục ngã sớm trong một cuộc đua.


Con Kim Bông tượng trưng cho những văn nghệ sĩ khi được tự do sáng tác, nhưng khi trở thành những ông quan văn hóa quyền cao chức trọng, bổng lộc thừa thãi, và viết theo chỉ thị thì dần dần đã biến thành những hình nộm không còn tâm hồn.

(Nhớ thầy Vũ Khắc Khoan - Ðào Ngọc Phong)



Trần gian vốn là mộng

Quán soi một chiếc lá rơi
Vô thường đắp đổi bao đời loanh quanh



Vũ Khắc Khoan và Phùng Cung 

Cũng như con ngựa già của chúa Trịnh, Trương Chi đã mang thân và tâm mình làm công cụ cho một phường chài mà kết cuộc thê thảm là đã làm mất hết tài năng sáng tạo.


Có sự khác biệt về số phận sau cùng của hai nghệ sĩ: Con ngựa già chết trong nhung lụa sủng ái. Chàng Trương Chi may chưa chết thì đã phản tỉnh và bỏ đi. Ông trưởng giả tượng trưng cho giai cấp tư sản, phường chài tượng trưng cho giai cấp vô sản. Chàng nghệ sĩ họ Trương bị kẹt giữa hai bánh của cái cối xay đá. Nhà văn Vũ Khắc Khoan muốn ám chỉ thân phận “ngột ngạt” của tầng lớp trí thức “chẳng là bên này cũng chẳng là bên kia.” Thế thì chàng bỏ đi đâu, cơ cấu xã hội nào dung chứa được chàng?


Năm 1986, nghe tin thầy Khoan mất ở tiểu bang Minnesota, tôi mừng cho thầy đã ra đi với thân tâm an lạc, thầy không còn phải vướng vào cái nghiệp con ngựa già và chàng Trương Chi. Năm nay 2013, 27 năm sau khi thầy qua đời, học trò nhớ đến thầy của tầng lớp trí thức tỉnh táo, sống suốt đời với lập trường của mình.

(Nhớ thầy Vũ Khắc Khoan - Ðào Ngọc Phong)



Trần gian vốn là mộng

Chảy luôn về nẻo luân hồi
Một ngàn năm trước có người có ta



Nhà thơ Hữu Loan, lần gặp mặt

Khuôn mặt như một phiến đá chỗ lòng suối cạn.  Khó lòng thấm nước. Nhưng những hạt trong vắt cứ trôi xuống má. Ông có vẻ sờ soạng. Một bàn tay thò vào túi. Không có gì. Hai bàn tay thô tháp chỉ run run, ông kéo cái chéo áo ka-ki màu chàm, vải nhám, chừng cũng bẩn do mặc lâu ngày, đưa lên lau nước mắt.

Từ rất lâu, ông không có khăn tay. Nghe rằng lúc đẽo đá, những khi lao động cực nhọc, ông chỉ có một tấm áo cũ, rách không còn dùng được nữa, giờ dùng làm tấm khăn quàng vai, để lau “cái suối mồ hôi thân mình”.


Những giọt nước mắt hiếm hoi ấy, là của ai vậy?

Của một người yêu nước, từng tham gia cách mạng rất sớm. Mặt trận Bình dân 1936. Phong trào Việt Minh từ 1943. Là, anh bộ đội trong Đại đoàn 304. Về Hà Nội 1954, đất nước chia đôi, là thời ngưng tiếng súng đôi bên, lại cầm bút, tại báo Văn Nghệ.


Là ai khóc vậy? 

Là tác giả một bài thơ khá nổi tiếng. Ngay trên đất Bắc, nơi tác giả của nó đang dâng cả một đời mình cho đất nước, đang tận tụy phục vụ, thì bài thơ ấy bị cấm lưu hành dưới bất cứ hình thức nào. Lý do, một tác phẩm tiêu cực, ủy mị, thiếu tính chiến đấu.


Lại lạ lùng, ngay tại miền Nam Cộng Hòa, đất thù của phương Bắc, bài thơ lại được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc qua nhiều tựa đề khác nhau, năm này tháng khác, đã hàng triệu người nghe…

(Cung Tích Biền)



Chữ nghiã làng văn

Có một nhà làm văn học với cảm giao, cảm hoài đã cảm tác bài Trăng Nước Hồ Tây của cụ Dương Khuê:

Phất phơ ngọn trúc trăng tà

Tiếng chuông Trấn Võ, canh gà Thọ Xương

Mịt mù khói sóng ngàn sương

Nhịp chày Yên Thái, mặt gươm Tây Hồ


Và bài Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế

Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên

Giang phong ngư hỏa đối sầu miên

Cô Tô thành ngoại Hàn San tự

Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền


Theo nhà làm văn học bài thơ tức cảnh sông hồ, một phương Bắc đời Đường Huyền Tông, một phương Nam đời Tự Đức. Một Tàu, một Ta, vô hình chung cùng âm hưởng, âm điệu, đôi cảnh, đối chữ: trăng tà với nguyệt lạc, canh gà qua ô đề, chung thanh đến tiếng chuông. 


Âm hưởng, âm điệu thì mịt mù khói sóng đối với  giang phong ngư hỏa Về địa danh: chùa Trấn Võ, Thọ Xương tới Cô Tô, chùa (tự) Hàn San



Trần gian vốn là mộng

Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau
(TCS)


Ai là ai?

Ai ơi! Còn nhớ ai không? 
Trời mưa, một mảnh áo bông che đầu. 
Vì ai, ai có biết đâu! 
Áo bông ai ướt? Khăn đầu ai khô? 
Người đi Tam Đảo, Ngũ Hồ, 
Kẻ về khóc trúc Thương Ngô một mình. 
Non non nước nước tình tình, 
Vì ai ngơ ngẩn cho mình ngẩn ngơ


Ai đây là một tiểu thư đất Nam Định, tục danh Cõn, con gái út của tiến sĩ Vũ Công Độ (1).. Nhóm thực hiện sách Tú Xương - Tác Phẩm, Giai Thoại bao gồm Nguyễn Văn Huyền (chủ biên), Đỗ Huy Vinh, Mai Anh Tuấn căn cứ vào lời thuật của một số bô lão ở Vị Xuyên mà ghi chép: "Khi còn trẻ, hai người đã yêu thương nhau, nhưng gia đình ông Nghè không thuận. Cô Cõn phải lấy chồng ở xã Mai Xá (nay thuộc ngoại thành Nam Định), tên là Hai Đích. Năm 23 tuổi, chồng chết, cô trở về Nam Định, ở vậy, nuôi con. 


Ông Tú cũng đã lấy vợ, trái tim vẫn lưu luyến mối tình xưa, nhưng không vượt quá khuôn khổ. Bài thơ này làm nhằm một đêm nhà thơ si tình, lượn qua nhà người tình cũ, gặp mưa, phải lấy vạt áo bông che đầu, càng thổn thức khôn nguôi".


Xin nêu thêm một số chi tiết thú vị. 

Mặc dù goá bụa lúc còn quá trẻ, lại xinh xắn khéo giỏi, nàng Cõn được nhiều người ve vãn, song quả phụ cương quyết giữ lòng trung trinh thờ chồng và nuôi con, bởi thế khi nàng 50 tuổi đã được vua Khải Định ban tặng 4 chữ Tiết hạnh khả phong. Quả phụ Hai Đích, tức nàng Cõn, chỉ có một mụn con gái mang họ tên Hoàng thị Sính. Sính lớn lên, kết hôn với quan huyện Vũ Thiện Thuật, sinh hạ nhà thơ Vũ Hoàng Chương (1916 - 1976).


(1) Vũ Công Độ (1805 - ?): Người làng Vị Hoàng, tổng Đông Mặc, huyện Mỹ Lộc, phủ Thiên Trường, tỉnh Nam Định; nay là phường Vị Hoàng, TP.Nam Định, tỉnh Nam Định. Vốn là giám sinh trường Quốc Tử Giám. 28 tuổi, đỗ Đệ Tam Giáp Đồng Tiến Sĩ xuất thân khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Minh Mạng XIII, tức năm 1832. Bia đá còn lưu danh tại di tích Văn Thánh / Văn Miếu ở Huế. Làm quan đến chức Thái Bộc Tự Khanh quyền Bố Chánh Thái Nguyên.


(Phanxipăng - Giải ảo tình khúc áo bông)



Trần gian vốn là mộng

Người về qua cửa phù vân
Nghiêng vai trút gánh phong trần bỏ đi



Nguyễn Tuân: Nhân văn Giai phẩm với những hệ luỵ  - 1

Trọng tâm của sự biên tập (kiểm duyệt) không phải chỉ là tư tưởng chung chung thể hiện qua chủ đề của tác phẩm mà còn đi sâu vào từng chi tiết, từng câu, từng chữ. Trên báo Văn Nghệ số Tết 1987, nhà văn Nguyễn Tuân kể:

Nhân dịp Tết Trung Thu vừa qua, tôi có đưa đăng báo một truyện ngắn viết cho thiếu nhi nói về sự tích trái bưởi đào, trong đó có mấy chữ ‘Đại hội các loài chim’, một cán bộ biên tập đã yêu cầu tôi bỏ mấy chữ Đại hội đi vì sợ người ta liên hệ đến đại hội đảng”.


Nhà văn không chịu sửa chữa theo những đề nghị quái gở của cán bộ biên tập ư? Không sao cả. Chỉ có điều tác phẩm ấy sẽ mãi mãi nằm yên trong ngăn kéo, không bao giờ xuất hiện với đời. 


Sỹ Ngọc viết về Nguyễn Tuân:

“Người ta vẫn sợ anh, và bài báo nào anh viết, quyển sách nào của anh cũng bị coi từng chữ, từng câu, vì họ rất sợ cái nói toạc sự thật, lối nói riêng của anh không khuôn theo một lối nói có sẵn của xã hội. Vì vậy, quãng sau này anh ít được in sách, tuy có túng bấn, anh vẫn không chịu sửa theo ý người khác.” 


Trong bài viết đăng trên báo Sài Gòn Giải phóng ngày 2-9-1988, Đoàn Giỏi kể có lần Nguyễn Tuân gửi bài đến báo Cứu Quốc ở Hà Nội. Các biên tập viên tự ý chữa bài của ông đến nát bét cả. Lại chữa bậy. Và không hỏi ý kiến nhà văn đến một lời. Lần ấy, cầm tờ báo đọc, không nén được sự phẫn nộ, Nguyễn Tuân đã cầm ba-toong rượt đánh các biên tập viên báo Cứu Quốc. Rồi ông nghẹn ngào than: “Của người ta trau chuốt, cân nhắc, nâng niu từng chữ mà mấy ông nội cứ a-lê-hấp, phạt y như phạt cỏ”.


(Chế độ kiểm duyệt sách báo tại Việt Nam – Nguyễn Hưng Quốc)



Trần gian vốn là mộng

Ta cứ ngỡ đùa vui trong chốc lát
Ai có ngờ đùa mãi đến điêu linh

(Bùi Giáng)



Nguyễn Tuân: Nhân Văn Giai Phẩm với những hệ luỵ  - 2

Một ngày, Nguyễn Tuân uống rượu với Đồ Phồn và nói: “Ừ thì như ông biết đấy. Chẳng ai có dũng khí được đâu, kể cả Phan Khôi. Chẳng sợ rượu vào nói cà khịa, phiền, nên tôi đã nói với ông: Không phải tôi sợ nói sai mà sợ nói đúng mới gay. Tôi vẫn được tiếng là ngang bướng”. 

Lần uống rượu với Đồ Phồn (1) ấy, Nguyễn Tuân khóc: 

- Tôi được như thế này là vì biết sợ.


Với Nguyễn Tuân, nhà thơ Đồ Phồn có câu đối:

Vang bóng một thời tàn, khéo gợi thêm nao lòng lãng tử.

Quê hương đâu hẳn Thiếu, mải đi cho trọn kiếp giang hồ.


(1) Đồ Phồn tên thật là Bùi Huy Phồn quê gốc của ông ở làng Liên Bạt, xã Mai Đình, huyện Ứng HòaHà Nội. Ông thi cử không đỗ, bỏ làng phiêu bạt lên Bắc Giang làm thầy giáo. Ông học chữ Hán hết chương trình tú tài và cũng thạo tiếng Pháp.

Ông dạy học, viết văn, làm thơ, cộng tác với các báo Hà Nội BáoPhong HóaTiểu Thuyết Thứ NămVăn Mới...



Trần gian vốn là mộng

Ta đi rừng biển say nhào
Ta về nhật nguyệt trên đầu ngón tay



Chữ nghĩa làng văn

Chúng tôi mỗi người hút một điếu thuốc lào, uống một ly trà nữa, cho ấm người lên, rồi mới bắt đầu vào chuyện muốn nói. 

Còn Xuân-Diệu nữa, anh biết là một tay Pédé chứ? Đọc thơ hắn là rõ ngay!

- Sao thơ hắn cũng lộ ra là Pédé à?

Đây nhé:

Chớ đạp hồn em, trăng từ viễn xứ
Đi khoan thai lên ngự đỉnh trời tròn.


- Anh có thấy giáng điệu ẽo ợt của một tay đồng cô không?

Phùng-Cung cười tít cả mắt:

- Đúng quá, không sai tí nào!

- Còn nhiều nữa, như:

Con đường nhỏ nhỏ, gió xiêu xiêu
Lả lả cành hoang, nắng trở chiều.

Anh có thấy nó lả lơi, õng ẹo không? Có tí gì là đàn ông đâu!

(Gặp Phùng Cung trong Hoả Lò – Nguyễn Chí Thiện)


Trần gian vốn là mộng

Ta nay ở trọ trần gian
Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời
(TCS)


Tập di cảo Những Tâm Sự của nhà thơ Tố Hữu - 1

Tố Hữu nhận định về Trần Dần:

“…Sau Hoàng Cầm, Trần Dần cũng là cây bút hạng nặng. Cũng như thơ Hoàng Cầm, thơ Trần Dần có nhiều đổi mới về nội dung và nghệ thuật, đồng thời là tấm gương phản chiếu tâm hồn dân tộc và phản chiếu cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam. Văn xuôi của anh, Người về lớp lớp, về căn bản, có giá trị hiện thực rất cao. Người người lớp lớp là một khẩu pháo binh chủng pháp của văn học Việt Nam thế kỉ 20. Theo tôi nên sớm tái bản. 


Ngoài ra, phải kể đến Hữu Loan, Lê Đạt và Phùng Quán, ba nhà thơ ba vẻ khác nhau nhưng cùng sâu sắc, nóng bỏng tình chiến đấu nhưng không kém phần lãng mạn…”

(Nhật Hoa Khanh)



Trần gian vốn là mộng

Mây trắng ngó xuống trần gian
Ngạc nhiên sao nắng vui tràn thế kia


Tập di cảo Những Tâm Sự của nhà thơ Tố Hữu - 2

Trong di cảo, sau khi thu băng xong, Tố Hữu nói với tác giả Nhật Hoa Khanh (1):

- Trước khi gửi đăng bài báo viết buổi trò chuyện thân mật này, anh nên gửi bản thảo đến chị Nghiêm Thúy Băng (chị Văn Cao), chị Quang Dũng, gia đình các anh Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng... Ngoài ra, nên gửi đến các anh Hữu Loan, Lê Đạt, Phùng Cung…


***

Còn tác giả Con Ngựa Già Của Chúa Trịnh đã “trơ xương cùng tuế nguyệt” trong nhà tù Hỏa Lò, Bất Bạt, Phong Quang 12 năm. Ra tù, ông còn bị vùi dập cho đến cuối đời. 


Qua lời Tố Hữu trong tập Những Tâm Sự Của Nhà Thơ Tố Hữu

- Nhà văn Phùng Cung cũng cần được minh oan cùng với truyện ngắn Con Ngựa Già Của Chúa Trịnh. Cần lắm. Con ngựa già của chúa Trịnh chỉ là con ngựa già của chúa Trịnh mà thôi. Không có ẩn ý gì xấu như 40 năm trước một số người lầm tưởng. Ngay từ những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, Phùng Cung đã được đồng nghiệp nhìn nhận như một cán bộ văn nghệ đầy nhựa 

sống, và rất chân thành. Với những ưu điểm nổi bật ấy, suốt cuộc đời mình, anh đã đi cùng dân tộc, đi cùng cách mạng.


Về Văn Cao với Tố Hữu thì…

- Thiên Thai là một ca khúc dạt dào sức sống và thấm đậm chất lãng mạn trong chuyện cổ dân gian. Thiên Thai bay bổng, xa vời nhưng vẫn gắn với cuộc sống nơi trần thế. Người Thăng Long Hà Nội rất tự hào về những bài hát trữ tình lừng danh của Văn Cao về thủ đô ngàn năm văn vật. 


Tố Hữu dừng lại. Tôi (Nhật Hoa Khanh) thấy ông thật sự lặng đi một lát. Rồi nhà thơ nói tiếp với một thoáng nghẹn ngào: Nhớ quá Văn Cao những ngày ở Việt Bắc. (2)


(1) Nhật Hoa Khanh phỏng vấn Tố Hữu (có ghi âm) từ năm 1997, mãi năm 2004 mới in ấn thành tâp di cảo Những tâm sự của nhà thơ Tố Hữu dày 58 trang khổ lớn.


(2) Ngày ở chiến khu Việt Bắc, anh em văn nghệ rỉ tai nhau một lần Tố Hữu định đọc thơ cho Văn Cao nghe, nhưng ông Văn Cao gạt đi: “Thơ cậu như vè có gì mà đọc”.

(Nhật Hoa Khanh)



Bản Bolero đầu tiên của âm nhạc Việt 

Trong hai năm 2014 và 2015, hai cuộc thi Solo cùng bolero và Sáng tác cùng bolero diễn ra tại TP.SG đã chính thức làm sống lại dòng nhạc bolero trong hoạt động âm nhạc.


Một câu hỏi đặt ra là nhạc sĩ nào đưa dòng âm nhạc ấy vào nền âm nhạc Việt để viết bài bolero đầu tiên.


Bolero phát xuất từ Tây Ban Nha, do nhạc sĩ Sebastiano Carezo sáng tạo năm 1780, vốn là điệu nhạc nhảy. Điệu nhạc du nhập các nước châu Âu, được các nhạc sĩ viết nhạc cổ điển như Chopin (Ba Lan, 1810 – 1849), Bizet (Pháp, 1838 – 1875) và Debussy (Pháp, 1862 – 1918) sử dụng viết các chương trong các hòa tấu khúc và nhạc kịch của mình. Trong nhạc cổ điển, bolero được viết đầy tính quy luật, tính hàn lâm nên không được quan tâm nhiều. Ngược lại, bolero du nhập các quốc gia vùng Caribe và Nam Mỹ được đón nhận nồng nhiệt bởi nó gần gũi với kiểu chơi nhạc lãng mạn, phóng khoáng của người Mỹ Latin. Nó trở thành âm nhạc của quần chúng.

(Vũ Đức Sao Biển)



Trần gian vốn là mộng

Nghe trong vần chuyển đất trời
Có ta hạt bụi giữa đời phù du


Xá, vái, bái

: Dấu hiêu kính trọng có nghĩa người bề dưới kính bề trên và bề trên trọng bề dưới. Thí dụ trong giao tế hàng ngày, bề dưới  phải “kính” bề trên trước bằng cúi đầu  rồi hai tay nắm lại với nhau để trước ngực mà xá. Để đáp lễ, người trên “trọng”  người dưới bằng cái gật đầu hoặc xá lại nhưng không cúi đầu.


Vái : Chắp hai tay để trước ngực hoặc đưa lên ngang đầu, hơi cúi đầu và khom lưng rồi ngẩng lên, đưa hai bàn tay lên xuống theo nhịp đầu cúi xuống, ngẩng lên.


Bái : hay lạy là quỳ xuống, hai bàn tay úp xuống mặt đất, đầu cúi xuống chạm mặt đất.


Hà Nội trong mắt người trí thức

Giáo sư Nguyễn Huệ Chi hiện sống tại Hà Nội. Trưởng Ban Văn Học Cổ Cận Đại, đã xuất bản một số tác phẩm chính "Thơ văn Lý-Trần", "Mấy vẻ mặt thi ca Việt Nam thời kì cổ cận đại"; "Nguyễn Trãi khí phách và tinh hoa của dân tộc"; "Hoàng đế Lê Thánh Tông"; "Liêu trai chí dị" (nghiên cứu và dịch)...

***

Đào Tuấn (ĐT) : Thưa Giáo sư, nhiều người nói rằng bây giờ "toàn nhà quê" ra Hà Nội. Nhưng đó vốn là chuyện bình thường, vì Hà Nội là nơi quần anh tụ hội. 


Nguyễn Huệ Chi (NHC) : Và thanh lọc, quy luật của một trung tâm là thế. Bao giờ cũng là các nơi hội tụ về và thanh lọc đi, cuối cùng những gì lắng đọng lại chính là Hà Nội


ĐT: Chắc sẽ không có khái niệm người Hà Nội theo nghĩa thâm niên sống ở thủ đô. Ví dụ như ông Nguyễn Du và bà Hồ Xuân Hương. Họ không sinh trưởng ở Thăng Long nhưng chính môi trường văn hóa Thăng Long đã nuôi dưỡng và phát triển tài năng của họ. Một tài năng thực sự phải đứng được ở Thăng Long, bằng không sẽ bị đào thải như giáo sư vừa nói. 


NHC : Đó là chuyện bình thường, nhưng trong những giai đoạn có xáo động lớn như mấy thập kỷ lại đây, sự thay đổi dân số cơ học tại Thăng Long có làm vợi bớt đi những tính cách được kết tinh từ lâu đời và đưa vào những tính cách chưa thật hoàn hảo, chưa thật đẹp. Những cái như thế thay thế nhau một cách khiên cưỡng, không theo quy luật, và để lại trong lòng những người vốn gắn bó với Hà Nội xa xưa một sự luyến tiếc, và sự luyến tiếc ấy là rất chính đáng. 


Nhưng cũng phải thấy rằng, trong diễn tiến bình thường, quy luật bổ sung và thanh lọc là tất nhiên.. Tiếc là thời buổi xáo động này đã làm mất đi nhiều tinh hoa, trong đó có tinh hoa của tính cách. 

(Phỏng vấn Gs Nguyễn Huệ Chi - Đào Tuấn)


Chữ nghĩa làng văn

Nhiều người cho rằng tiếng Việt dễ nói, dễ học, dễ viết. Có đúng như vậy không? Khó trả lời. So với nhiều tiếng khác thì văn phạm tiếng Việt tương đối dễ, nhưng tiếng Việt lại có nhiều cái khó khác như phương ngữ, cách phát âm. Lại còn thêm mấy cái dấu hỏi, dấu ngã ngả nghiêng, quàng xiên lẫn lộn... Rắc rối lắm.

Một thí dụ vui vui là xui (động từ) của miền Bắc là xúi của miền Nam. Xui (tính từ) của miền Nam lại là xúi của miền Bắc. 


Trầu của miền Trung, miền Nam, là giầu của miền Bắc. Biết rồi, khổ lắm, nói mãi. Ai cũng biết trầu với giầu là một. Nhưng, mụ trầu của miền Trung, miền Nam có phải là mụ giầu của miền Bắc không? Mụ trầu khác mụ giầu như ngày với đêm


(Nguyễn Dư)



Phố nhỏ, ngõ ngang, hẻm dọc

ở Hà Nội 36 phố phường

Ngày nay, nếu nói đến nhà cổ ở Hà Nội 36 phố phường thì chúng ta chỉ có thể tham quan nhà đặc trưng ở phố buôn bán là nhà 87 phố Mã Mây, nhà đặc trưng ở phố buôn bán, nhưng có vườn ở đằng sau là nhà 115 Hàng Bạc. 


Chữ đặc trưng ở đây theo nghĩa, đó là những căn nhà đáng tham quan, Nhà 87 Mã Mây khang trang, kiến trúc tiêu biểu cho nhà ở phố Mã Mây (dưới nhà là cửa hàng, rồi có sân, tiếp đến là bể nước, bếp, chủ nhà ở trên gác). Nhà 115 Hàng Bạc khang trang, kiến trúc tiêu biểu cho nhà ở phố Hàng Bạc (nhà có hai cổng, mặt ở phố Hàng Bạc là nơi buôn bán) 


Khi xưa, những nhà giàu đều ở những nhà mặt tiển rộng 4 đến 5 mét, sâu trên 30 mét. Đó là những nhà ăn thông từ phố nọ sang phố kia. Ngôi nhà hai tầng 87 Mã Mây được một gia đình xây dựng vào khoảng thế kỷ 19. Sau năm 1954 có 5 gia đình sinh sống tại ngôi nhà này. Việc xây dựng của các hộ gia đình đã phá vỡ cấu trúc truyền thống. Năm 1999, chương trình “Cải tạo, bảo tồn Phố cổ Hà Nội” hợp tác giữa UBND Hà Nội và thành phố Toulouse (Pháp) đã tiến hành cải tạo lại ngôi nhà này theo nguyên trạng ban đầu. Ngôi nhà này không ai ở, chỉ mở cửa để khách du lịch tham quan.

(Lương Văn Hồng)



Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

Mụ trầu của miền Nam... 

Ngày xửa ngày xưa, vào những năm 1920-1945, cô V.A. bỏ quê lên tỉnh. Cô chọn cuộc sống bay nhảy, trác táng với giới thượng lưu Sài Gòn. Khi thì với công tử bột này, lúc thì với đại gia kia. Trúng mối thì về làm vợ quan lớn nọ. Bất kể là Tây, ta, hay Tàu. Về già, bà V.A. qua sống bên Pháp. Viết hồi ký.


"Nếu tôi cứ ăn ở theo sách, cứ lấy chồng trong làng, cứ an phận tuỳ duyên, củi lục làm ăn, gánh nước nấu cơm, giũ mùng giặt áo, thì bất quá về già trở nên một mụ trầu, nếu may mắn lắm, chồng là con thầy Cai tổng, thì nay lên mặt bà xã, bà hương, tốt phước hơn nữa, ông cai có đất điền, thì tôi sẽ nối giữ ruộng vườn, làm bà chủ điền (...). Tột bậc đi nữa, chồng là học trò giỏi, thi đậu làm ông này ông kia, lên đến tột phẩm nhơn thần trong này là đốc phủ, chủ quận. Chi cho bằng trốn cha trốn mẹ, một khi sấn bước giang hồ, thế mà được ăn sung mặc sướng, lên xe xuống ngựa một lúc, nay chễm chệ trời Tây một ghế, hỏi ai hơn ai?"  (1).


 (1) Vương Hồng Sển, Sài Gòn tạp pín lù, Văn Hoá, 1997, tr. 12.

(Nguyễn Dư)


Hồng diện đa dâm thủy - 1

Bài thơ không có tựa đề nhưng rất trứ danh được ký giả tiền bối Đoàn Bá Ninh dịch ra tiếng Việt vào năm 1937 trong trại giam Thái Nguyên, Bắc Việt từ tiếng Hán:

Hồng diện đa dâm thủy

Mi trường hạ tố mao

Triết yêu chân đại huyệt

Trường túc bất chi lao


Tản mạn về tiếng Việt 

Từ những tính từ lấy từ 5 màu sắc ở kỳ trước ta có thể nêu ra hàng trăm tính từ khác để tạo nên những điệp âm hay điệp ngữ bằng cách tương tự. Nhưng thiết tưởng chỉ nên hạn chế ở một số ít sau đây:

Ốm

Về chữ ốm này chúng tôi xin mở một dấu ngoặc đơn để dài dòng một chút. Ốm theo tiếng miền Bắc có nghĩa là bị bệnh. Như ốm nghén, ốm tương tư. Tương tư là nhớ nhau vì yêu mà không được gần nhau, như Ngâu lang Chức nữ hai bên bờ sông Ngân Hà, mùa mưa ngâu là dịp họ nhớ nhau, và khóc như mưa....

Hay như chàng với thiếp một người ở đầu sông Tương và một người ở cuối sông Tương, cả hai cùng uống nước sông Tương. Cho nên nhớ nhau, nghĩ tới nhau mà buồn mà mong, mà chờ hết hơi. Nhớ da diết đến phát ốm. 


Nhưng theo tiếng miền Nam thì chữ ốm lại có nghĩa là gầy, gầy ốm. Còn miền Bắc không nói gầy ốm mà nói gầy còm. Từ đó có chữ còm cõi, tương đương với…ốm nhom trong Nam.

(Minh Võ)


Văn hóa… ẩm thực

Tiết canh

Tiết canh là một món ăn độc đáo, không nơi nào trên thế giới có món này. Ba loại tiết canh được ưa chuộng nhất là tiết canh lợn, tiết canh vịt, và tiết canh dê; ở đây chỉ nói về tiết canh lợn.


Tiết canh lợn gồm tiết đã hãm (cho khỏi đông) và nguyên liệu để làm nhân, gồm rau thơm, sụn giòn, cổ họng, phèo, phổi đã luộc chín rồi băm nhỏ, băm càng nhỏ thì ăn càng ngon và thấm; sau hết là những miếng gan luộc, thắt mỏng để đặt lên trên đĩa tiết canh. Trước khi ăn, rắc lạc rang giã vừa phải lên trên, vài cọng rau thơm, vài tép tỏi, miếng chanh…


Trong một buổi ăn lòng lợn, tiết canh là món khai vị, kế tới là món chính (lòng heo), và kết thúc với cháo lòng.

(Thiên Lôi miệt dưới)



Hồng diện đa dâm thủy - 2

Thực ra, lúc mới viết, mình (thi sĩ Hòang Cầm) chỉ nghĩ đến việc theo đuổi một cô gái đẹp sau đêm hội ở làng quê ra về:


Em ơi thử đếm mấy giêng hai
Ðêm hội Lim về
đê quai rảo bước
Ðuổi tà lụa nhạt
ánh trăng đầm thấm đường sương
ấy bởi thương em
mái nhà um cỏ
Chim vào ra vách đứng cột ngồi
Em về đồng chiêm đất rạn chân chim
Em đi mưa ngâu nước ngập đồi chè
Hồ nghe đêm hội ới a


Từ sau câu "Em mi trường", thì chợt ý tưởng về câu thơ trên kia hiện lên trong đầu, khiến mình liên tưởng ngay đến vấn đề tình dục, và đưa đến câu "Lòng tay êm mát rừng tơ xa". Có biết đến câu thơ trên thì mới hiểu hết ẩn ý của những câu này, từ đôi mi dài mà liên tưởng đến bàn tay được xoa lên những chỗ khác:


Lại xót mắt em mi trường khép bóng
Lòng tay êm mát rừng tơ xa
Lại xót tay em đêm trường ru võng
Rừng chân mây chưa động sấm quê nhà


(Khuyết danh)


Tìm lại tam cúc

Tam cúc, vượt lên trên một môn bài bạc, là thú vui gia đình xum họp trong ngày đầu năm. Từ ngày di cư năm 1954, tôi không còn dịp đón Xuân tại miền Bắc nên không biết món tam cúc còn thịnh hành không. Tôi e rằng còn khi đọc được một vài bài của các tác giả miền Bắc trên mạng.


Tác giả Trần Bình có một người bà chỉ có ao ước duy nhất là ngày Tết “có một lũ con cháu ngồi chơi tam cúc với bà thôi”. Trong bài “Cỗ bài tam cúc của bà”, ông viết: 

Ngày mùng một, các cô, chú, bác, anh, chị đến chúc Tết bà đông chật nhà. Bà mặc áo bông ngồi đắp chăn trên giường, tay xoa đầu mấy đứa cháu. Trong khi người lớn trải chiếu ra ngồi hàn huyên bên chén rượu hạt mít thì lũ cháu chúng tôi tranh nhau trèo lên giường để được chơi tam cúc với bà. Những cây bài của bà có lưng trắng tinh và thơm mùi giấy mới khiến lũ cháu háo hức đến lạ. 


Miệng bà nhai trầu bỏm bẻm, tay bà chia bài chậm rãi mới thảnh thơi làm sao! Những khi ai gặp số đỏ như có tứ tử trình làng, ngũ tử cướp cái… thì cả “làng” lại ồ lên ghen tị. 

Ngày nay chúng ta còn dùng những chữ: đi đêm, chui, tứ tử trình làng, ngũ tử cướp cái, đều phát xuất từ bài tam cúc.


Càng về sau, bà càng yếu nên chỉ nằm ở nhà. Những lúc ấy, tôi là “bạn chơi” thường xuyên của bà. Bà chỉ cho tôi những “chiêu độc"… Nhờ những chiêu đó mà tôi là đứa chơi tam cúc giỏi nhất trong đám trẻ con cùng xóm”.

(Song Thao)



Vì sao “Dạ cổ hoài lang” ra đời? 

Lúc ấy ông nghĩ, giờ này vợ mình ở đâu? Chắc chắn là vợ mình thương mình nhiều hơn mình thương vợ. Số phận vợ mình sao mà giống thân phận nàng Tô Huệ, quá thương chồng nên dệt bức Chức Cẩm Hồi Văn dâng lên vua để tỏ lòng nhớ thương chồng. Hay nàng Tô Thị thương chồng đứng chờ cho đến khi hóa đá. Nên tôi viết bài Hoài Lang (nhớ chồng)”. Sau nhiều tháng làm bạn với cây đàn, bất chợt ông nghĩ: tiếng trống đêm đánh lên trong khi mình đờn bài Hoài Lang. À, phải rồi, mình lấy hai chữ Dạ cổ (tiếng trống đêm) thêm vào bản nhạc Hoài lang thành Dạ Cổ Hoài Lang (đêm nghe tiếng trống nhớ chồng) vậy là hay biết mấy. 


Sau khi bản Dạ Cổ Hoài Lang ra đời, ông quyết tâm đi tìm vợ! Ít lâu sau ông tìm, gặp vợ ẩn sau mái chùa làm công quả. Cuộc trùng phùng như được tái sinh. 

Từ đó ông hay lui tới thăm vợ. Một hôm vợ ông cho biết đã mang thai, đối với ông hạnh phúc như tràn ngập trên cõi đời. Ông về thưa với mẹ. Mẹ ông nghe như bắt được vàng, hối thúc con trai chuẩn bị ghe rước con dâu trở về.



Tết Mậu Thân bốn mươi năm sau (1968-2008)

Porter, vẫn dựa theo lời của Vennema, cho rằng trong 4 phát hiện ngay sau Tết Mậu Thân chỉ có 68 nạn nhân chứ không phải 407 như con số của chính phủ miền Nam đưa ra. Hơn nữa, đây là những người chết vì đạn lạc trong vùng giao chiến chứ không phải bị hành quyết vì chính trị.


(14) The 1968 ‘Hue massacre’, Gareth Porter. Indochina Chronicle, số 33 ngày 24 tháng 6, 1974. Online: http://snipurl.com/21hqz [www_chss_montclair_edu], February 15, 2008.
(15) The Viet Cong Massacre at Hue, Alje Vennema. New York: Vantage Press, 1976. 212 pp.(15a) CBC archive. 


Gareth Porter: Làm gì có thảm sát Cải Cách Ruộng Đất; Làm gì có Thảm sát Tết Mậu Thân!


Nguồn: http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/4/4b/Gareth_Porter_on_RT.jpg


(Trần Giao Thủy)


Tác giả: Trần Giao Thủy tên thật Lã Mạnh Hùng, cựu học sinh Petrus Trương Vĩnh Ký niên khoá 1964-71. Hiện đang định cư ở Montreal, Canada.

Tác phẩm: Đoàn sứ giả Việt Nam tại Paris năm 1863, Petrus Trương Vĩnh Ký trong chuyến đi Tây 1863, Tấm bia chí sĩ Phan Bội Châu dựng năm 1918 tại Nhật Bản, Bùi Viện đi Mỹ, lịch sử hay ngụy biện…, Nhân dạng, hình ảnh của Bùi Viện


Bức tượng “Thương Tiếc”

Sau chuyến đi tham khảo tại Phi Luật Tân, Đại úy Thu sẽ phải trình đề án lên Tổng thống Thiệu để giao cho công binh xây dựng một nghĩa trang mới mang tên Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa. Ông còn gợi ý phải có một tác phẩm điêu khắc tại cổng vào nghĩa trang để nói lên sự tri ân của mọi người tại hậu phương trước những tử sĩ được chôn cất tại đây.


Đại úy Nguyễn Thanh Thu xin 1 tuần để suy nghĩ về dự án và trước khi ra về anh còn được Tổng thống Thiệu nhắc nhở bằng những lời rất thân tình: “Anh cần chú ý đến ý nghĩa của nghĩa trang phải xoay quanh “cục nhưn” là bức tượng… Tôi đặt nhiều hy vọng vào anh…”.


Tất cả mọi chuyện chỉ bắt đầu một cách giản dị như vậy. Tuy nhiên, đối với nhà điêu khắc Nguyễn Thanh Thu đó là thời gian anh trăn trở nhiều nhất với những ý tưởng của một nghệ sĩ sáng tạo cho một công trình mang tầm vóc quốc gia nói lên lòng tri ân của mọi người đối với những chiến sĩ đã bỏ mình ngoài chiến trường.


Trong suốt một tuần lễ, hầu như ngày nào anh cũng có mặt tại nghĩa trang Hạnh Thông Tây để chứng kiến những cảnh tang tóc, đau thương của vợ con tử sĩ. Nhà chứa xác đầy nghẹt, những chiếc hòm chưa chôn còn mịt mù nhang khói tại những khu phải căng lều bạt chờ chôn… trong khi trực thăng vẫn hàng ngày tiếp tục chở xác về nghĩa trang.


Ngày cuối cùng của một tuần tìm ý tưởng là vào một buổi trưa Thứ Sáu trên đường từ Nghĩa trang Hạnh Thông Tây, anh Thu ghé vào một quán nước gọi ly đá chanh. Và đây chính là giờ phút “định mệnh” khi anh nhìn thấy một người lính thuộc binh chủng Nhảy Dù ngồi trước những chai bia và hai cái ly…

Anh lính ngồi nói chuyện với cái ly thứ hai trước sự ngạc nhiên của chủ quán lẫn khách uống nước. Hình như anh lính là người vừa thăm bạn được chôn cất tại Nghĩa trang Hạnh Thông Tây. Một ly anh cúng bạn và một ly anh uống. Anh ngồi vừa uống vừa nói chuyện với chiếc ly!


Cảm động trước hình ảnh một người lính khổ sở khi phải mất bạn, anh Thu cầm ly nước chanh bước qua bàn làm quen. Anh lính ngước lên nhìn anh Thu với vẻ khó chịu vì sự riêng tư của mình bị người lạ làm phiền và tiếp tục trở về với ly bia “cúng” bạn.

(Nguyễn Ngọc Chính)


Hồ trường

Tuổi trẻ bao lăm mà đầu bạc

Trăm năm thân thế bóng tà dương


Trong bài Hồ Trường của Nguyễn Bá Trác có lẽ lấy ý từ một câu của thành ngữ Trung Hoa: “bạch đầu thiếu niên” là người tuổi trẻ mà đầu tóc đã bạc trắng vì lo nghĩ chuyện gì đó.


Nguyễn Bá Trác là một nhân vật quê ở Điện Bàn, Quảng Nam. Cụ đỗ cử nhân năm 1906, từng du học tại Nhật. Sau cụ bị trục xuất về nước vì theo lời yêu cầu của Pháp với chính phủ Nhật. Cụ về nước làm báo với Phạm Quỳnh. 

Năm 1945 cụ và Phạm Quỳnh đều bị VM xử bắn.

(Chữ nghĩa chúng ta – Bùi Bảo Trúc)


Kịch tác gia Trần Lê Nguyễn

Mà đụng đến giấy búi tôi ngứa nghề kinh khủng, có lẽ cũng là cái bệnh, hoặc hình như chứng nan y. Tôi leo lên căn gác bút ọp ẹp, xuống cấp trầm trọng của tôi múa bút vung vít, chẳng có mưu đồ gì hết. Tôi múa may một mình thật cô đơn, nhưng thật là tự do. Vũ điệu cũng có thể là múa rối mà tưởng rằng mình vũ ballet. Hiểu sao cũng được. Cũng vui được tuổi già, dù cô đơn trên căn gác bút. Đêm chán viết thì đập muỗi, ngắm sao trên trời, nghĩ ngợi vẩn vơ: thương ông bạn này vừa nằm xuống, nhớ thằng bạn kia còn phải bon chen với đời. Rồi thương mình, thấy mình trẻ lại như hồi nào, hà tất phải ngồi đánh cờ với các vị bô lão, lẩn thẩn nói chuyện dở người. Xin lỗi hội phụ lão đã có lời mời gọi. Lạy các cụ ạ! Nhà cháu còn trẻ lắm, dù rằng có người đã hỏi ba đứa con nhỏ của tôi là chúng phải gọi tôi là ông nội hay ông ngoại? Tôi bị sốc" là chuyện của tôi. Tôi sinh ra chúng trong cảnh nghèo khó và muộn màng, có thế thôi.

Đúng thời gian đất nước mở cửa, kinh tế thị trường thì tôi bị dời khỏi ao cá, nói đúng ra tôi bị đuổi khỏi nơi ấy. Dĩ nhiên người ta có vin vào một lý do, một cái cớ nào đó và cũng nhân tiện không trả tôi mười hai tháng tiền lương khi tôi làm nghề coi ao cá mà phường còn thiếu chịu của tôi. Tôi thấp cổ bé miệng mà miệng nhà quan có gang, có thép. Vợ chồng con cái lếch thếch dời túp lều ao cá trên chiếc xe đạp thồ, con chó ghẻ lẽo đẽo chạy theo.

Tôi lại hy vọng ở một cuộc đời mới, một chốn ở mới. Không lẽ trời đất bao la mà ta không có chỗ dung thân. Tôi vẫn luôn luôn nuôi một hy vọng nào đó nên mới sống dai. Kể cả những lúc thập tử nhất sinh trên giường bệnh, tôi vẫn không chán sống. Mỗi năm, giờ giao thừa leo lên căn gác bút, tự chúc thọ mình sống lâu trăm tuổi. Hãy cạn chén đắng, còn người ta muốn tính toán gì ở tôi thì cứ làm đi. Tôi lại nhớ đến một đoạn nhỏ trong Thánh Kinh của Chúa, cầu nguyện lại vườn Ghét-sê-ma-nê, sau buổi liếc ly. Cũng là lời Chúa nói với Giu đa.

(Nguyễn Thụy Long)



Thầy Nguyễn Khắc Hoạch, nhà giáo nghệ sĩ

Thời chúng tôi học thầy ở trường Văn Khoa Sài Gòn niên khóa 1960–61 thì chưa biết bút danh Trần Hồng Châu, chỉ biết thầy Nguyễn Khắc Hoạch đậu tiến sĩ ở Pháp mới về. 


Lớp Dự bị Văn Khoa năm ấy rất đông đúc, cả một giảng đường lớn đường Nguyễn Trung Trực giờ nào cũng đầy nghẹt cả người. 


Chúng tôi được học với những vị thầy hoặc đã nghe tiếng từ lâu, hoặc lần đầu tiên được biết, như Nguyễn Đăng Thục, Nguyễn Khắc Kham, Nghiêm Toản, Vương Hồng Sển, Nguyễn Văn Kiết, cô Tâm, Nguyễn Huy Bảo, Bửu Dưỡng... và thầy Hoạch lúc bấy giờ là một khuôn mặt trẻ trong thành phần giảng huấn, dạy cả lớp Dự bị Việt và lớp Dự bị Pháp ở trên lầu. Năm đó tôi đi học với tâm trạng thênh thang của người mới ra khỏi khuôn khổ trung học, thường cùng đến lớp với Trần Đại Lộc, còn Lê Đình Điểu thì thoạt đầu theo lớp Dự bị Pháp, có lẽ để thử sức với cái vốn Pháp văn của một học sinh trường Việt, nhưng đến cuối năm thì đi thi chung với lớp Dự bị của chúng tôi.


Nhưng duyên của tôi với Văn Khoa không dài. Một năm Dự bị đủ trang bị cho tôi thi đậu vào Đại học Sư phạm môn Triết, và rồi từ giã Văn Khoa lên cao nguyên học ba năm để làm thầy giáo. Suốt ba năm học Triết ở Đà Lạt, tôi không gặp lại một thầy nào của lớp Dự bị Văn Khoa Sài Gòn năm trước, mặc dù giáo sư của các đại học Sài Gòn, Huế, Đà Lạt vẫn luân phiên đi giảng ở các đại học bạn. Cho mãi đến đầu thập niên 1990 đi tị nạn tại Mỹ tôi mới gặp lại một vị thầy từ lớp Dự bị vỡ lòng cho tôi bước qua ngưỡng cửa Đại học năm xưa, thầy Nguyễn Khắc Hoạch. Lúc đó tôi làm việc với Lê Đình Điểu ở tạp chí Thế Kỷ 21, Quận Cam California, và gặp thầy Hoạch tới chơi thăm tòa soạn. Hai mươi hai năm từ khi tôi rời trường Văn Khoa Sài Gòn, thầy Hoạch là vị giáo sư duy nhất tôi được gặp lại, bây giờ tôi biết thầy thường viết lách với bút hiệu Trần Hồng Châu. Gặp thầy tôi nhận ra ngay, còn thầy thì dĩ nhiên không nhớ tôi là ai, và sau khi biết tôi là học trò cũ, thầy vui hẳn lên như vừa tìm thấy manh mối một thời xưa thân thiết. Từ đó thầy trò chúng tôi giữ mối quan hệ gần gũi trong mười năm, cho đến ngày thầy qua đời. 

(Phạm Phú Minh)


Phạm Phú Minh là tên thật, Phạm Xuân Đài là bút hiệu. Ông sinh năm 1940, người làng Đông Bàn, quận Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Học Đại Học Văn Khoa Sài Gòn và Sư Phạm ban Triết học tại Viện Đại Học Đà Lạt. Tốt nghiệp Sư Phạm năm 1964.

Từ 1993 đến 2007 làm việc với tạp chí Thế Kỷ 21 trong các nhiệm vụ thư ký tòa soạn, chủ nhiệm và chủ bút, chủ bút tạp chí online Diễn Đàn Thế Kỷ (diendantheky.net)

Triển lãm và Hội thảo về báo Phong Hóa Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn, 2013


***


Phụ đính I


40 Năm hải ngoại - Một nén hương - Cho những nhà văn

nhà thơ đã khuất núi 

(Danh sách cập nhật tới tháng 6/2017 – Nhật Tiến biên soạn 

Tổng hợp từ nhiều nguồn)


Đặng Trần Huân
(1929-2003)

Đặng Trần Huân sinh ngày 7-6 -1929, cựu Thiếu tá QLVNCH, làm việc tại Cục Tâm Lý Chiến, ngành thông tin báo chí. Khởi viết năm 1953. Ông từng là cấp chỉ huy của sĩ quan báo chí Lê Cự Phách (tức Du Tử Lê) – Ông chuyển sang làm báo chuyên ngành quân đội, phục vụ tại Cục Tâm Lý Chiến – Quân Lực VNCH. Bị đi tù cải tạo ở miền Bắc, khi được trả tự do, Ông sang định cư tại Hoa kỳ, diện H.O năm 1992.


Ông là tác giả Chuyện Cấm Đàn Bà (tập 1 & 2), Thành Phố Buồn Thiu (bút ký). Sang Hoa Kỳ, xuất bản Hành Trình Một H.O (1995 ) Những Người Thích Dấu Huyền (1998) Chữ Nghĩa Bề Bề (2000). 


Ông qua đời ở Hoa Kỳ ngày 21 tháng 3 năm 2003.



***


Phụ đính II


Vương Hồng Sển I

Chữ nghĩa làng văn

Căn nhà mà cụ Vương ước mong sẽ trở thành nhà Bảo Tàng Vương Hồng Sển thì theo báo Tuổi Trẻ, nó chỉ còn là “di sản thoi thóp giữa Sài Gòn”. Di sản vật chất thì như thế, đến những tác phẩm tinh thần của cụ cũng thê thảm theo lời thuật của tác giả Phạm Chu Sa:

 

“Một lần tôi đến thăm, cụ Vương buồn bã bảo cuốn hồi ký Hơn Nửa Đời Hư nhiều đoạn đã bị người biên tập cắt xén bỏ đi hoặc tự ý sửa mà không hề tham khảo cụ. Ví dụ, đoạn cụ viết về Nguyễn Văn Sâm đã bị cắt bỏ. 

(Trung tâm Văn bút Việt Nam 1957-1975 - Nhật Tiến)


Chữ nghĩa làng văn

Vương Hồng Sển II

Tệ nhất là cuốn Tiếng Việt Miền Nam, tựa ban đầu của cụ Vương là Tự vị tiếng nói miền Nam nhưng không biết người làm sách liên kết với nhà xuất bản tự ý đổi tựa mà không hỏi cụ một tiếng! 

Cụ Vương càng giận hơn khi sách in lỗi morasse đầm đìa, ví dụ con kênh dài 28 km thì in 20 km; năm 1809 thành năm 1890…

“Vì vậy” cụ Vương nói giọng hờn dỗi:

“Tôi từ chối nhận cuốn sách ấy là của tôi. Con tôi sinh ra nhưng người khác khai sinh đổi tên, đổi họ tôi không nhìn nó là con tôi”.


Tôi nhớ mãi giọng cụ bực tức lẫn u uất:

“Tôi già rồi. Tiếc là có một số người làm công việc văn hóa mà làm nhiều chuyện thiếu văn hóa. Tôi biết có nhiều người lấy công trình nghiên cứu của người khác sửa thêm bớt chút đỉnh rồi đề tên mình vào…”.

(Trung tâm Văn bút Việt Nam 1957-1975 - Nhật Tiến)












Không có nhận xét nào: