Thứ Năm, 18 tháng 7, 2024

Tạp Ghi và Phiếm Luận : Phiếm về THAM, SÂN, SI (Đỗ Chiêu Đức)

 Tạp Ghi và Phiếm Luận : 

               Phiếm về THAM, SÂN, SI.
                        
                   
                     Biểu tượng của THAM, SÂN, SI


       THAM SÂN SI 貪 嗔 痴 tiếng Phạn (梵)là Rāga Dveṣa Moha. Hiểu một cách đại thể thì: THAM là Tham ái ngũ dục, chỉ lòng ham muốn vô tận của con người; SÂN là Sân hận vô nhẫn, chỉ sự tức giận đến không biết nhẫn nhịn; SI là Ngu si vô minh, chỉ sự Mê muội mù quáng thiếu sáng suốt. Vì THAM SÂN SI có thể làm nhơ nhuốc, độc hại, tiêu diệt cả thân tâm và trí tuệ, tức thể xác và tinh thần của con người; nên trong kinh Phật gọi là TAM ĐỘC 三 毒 là Ba điều độc hại, hay TAM CẤU 三 垢 là ba điều nhơ nhớp, hoặc TAM HỎA 三 火 là ba ngọn lửa ở trong lòng như quan niệm của Phật gia: Cơ thể con người ta là do TỨ ĐẠI 四 大, tức PHONG THỦY HỎA THỔ là ĐẤt NƯỚC GIÓ LỬA kết hợp lại mà thành.
       Chính ba ngọn lửa THAM SÂN SI nầy cứ âm ỉ cháy mãi trong lòng con người tạo nên biết bao là dục vọng ham muốn, hờn oán ghen tuông và si ngây mê muội... làm cho con người cứ mãi luôn trầm luân ngụp lặn trong cõi luân hồi; Chỉ có nước cam lồ và cành dương liễu trong tịnh bình của Quan Thế Âm Bồ Tát mới dập tắt được những ngọn lửa tàn độc nầy mà thôi. Như cụ Nguyễn Du đã viết trong Truyện Kiều khi Hoạn Thư cho Thúy Kiều vào tu ở Quan Âm Các:

                     Cho hay giọt nước cành dương,
                Lửa Lòng tưới tắt mọi đường trần duyên.

       LỬA LÒNG là lửa trong tim là TÂM HỎA như trong Cung Oán Ngâm Khúc, Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều đã viết:

                    Ngọn Tâm Hỏa đốt dàu nét liễu,
                    Giọt hồng băng thấm ráo làn son.
                    Lại buồn đến cảnh con con,
                    Trà chuyên nước nhất, hương dồn khói đôi.

      THAM SÂN SI còn là nguồn gốc nguyên nhân đưa đến muôn điều tham lam ham muốn, giận dữ hung ác và si mê ngu mui  của con người, nên còn được gọi là TAM BẤT THIỆN CĂN 三 不 善 根 là ba cái nguồn cội nảy sinh của những điều bất thiện.

      THAM 貪 là chữ Hội Ý, theo "CHỮ NHO... DỄ HỌC" được hình thành theo diễn tiến của chữ viết như sau:

           Giáp Cốt Văn     Tiểu Triện      Lệ Thư      Khải Thư
                                    
Ta thấy :
        Chữ THAM 貪 có phần trên là chữ KIM 今 là Hiện nay, là Trước mắt; Phần bên dưới là bộ BỐI 貝 là Bảo Bối, chỉ các đồ vật qúy giá. Với Hội Ý là: Lòng dạ trước mắt của con người nghĩ đến là những vật qúy giá, nên bản thân chữ THAM đã có hàm ý là "Ham hố những tài vật tiền của qúy giá" rồi. Sau dùng rộng ra để chỉ tất cả sự ham muốn yêu thích của lòng dạ con người đối với tất cả những đồ vật, sự vật và con người chung quanh.
       Đã nảy sinh lòng Tham rồi thì muốn có cho bằng được, muốn sở hữu bằng mọi giá nhiều khi bất chấp cả thủ đoạn; Nếu không chiếm hữu được thì chẳng cam tâm và cứ ấm ức mãi trong lòng. Vậy thì...
           

       Lòng Tham của con người tự đâu mà có? Theo Phật giáo thì quan niệm rằng: Vì con người có NGŨ CĂN 五 根 tức là ngũ giác quan là Thính giác (tai), Thị giác (mắt), Khứu giác (mũi), Vị giác (lưỡi), và Xúc giác (da), nên luôn bị cám dỗ bởi NGŨ CẢNH 五 境 là những thanh âm quyến rủ, lời ngon tiếng ngọt (tai), nhìn thấy những cảnh giàu sang phú quý hay sắc đẹp khuynh quốc khuynh thành (mắt), rồi lại bị mê hoặc bởi những mùi hương lôi cuốn của các quốc sắc thiên hương (mũi), nhất là được thưởng thức những món ngon vật lạ, sơn hào hải vị (lưỡi) và sau cùng là chết mê chết mệt vì sự cọ xác tiếp xúc của da thịt của nhục dục (da)... Từ đó mới nảy sinh ra các lòng tham tài, tham sắc, tham đủ th... như ông Sãi của Nguyễn Cư Trinh đã nói trong tác phẫm SÃI VÃI là:

               Tiểu nhơn thói tục, tu những tánh phàm.
               Tu những lòng bạc ác gian tham; 
               tu những dạ hung hoang tàn bạo.
               Nuôi cho lớn mà tu lòng bất hiếu;
               ăn cho no mà tu dạ bất trung.
               Tu sắc lành để mà a ý khúc tùng; 
               tu lời khéo để mà sức phi văn quá.
               Người hiền ngõ, tu ghét ghen ngăn trở; 
               kẻ lỗi lầm, tu tìm kiếm đon ren.
               Tu lưỡi mềm để lấy của cho đầy then; 
               tu mưu độc để hại người cho đã giận...

      Và như mụ Tú Bà trong Truyện Kiều khi đem Thúy Kiều ra làm mồi nhử để làm tiền chàng Thúc Sinh vậy:

                     Mụ càng tô lục chuốc hồng,
                Máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê !

          Còn chàng Thúc khi đã si mê Thúy Kiều rồi thì chẳng còn lý trí gì nữa, đ cho mụ Tú bà mặc sức mà cht chém: 

                        Thúc Sinh quen thói bốc rời, 
                 Trăm nghìn đổ một trận cười như không!     
     
      Tham tài tham sắc là tật chung của người đời từ ngàn xưa đến nay. Từ bạch diện thư sinh, cùng đinh mạt vận cho đến những kẻ giàu sang phú qúy, quyền cao chức trọng đều mê tiền cả, khiến cho cụ Tam Nguyện Yên Đỗ phải lên tiếng mỉa rằng:

                   Có TIỀN việc ấy mà xong nhỉ, 
                   Ngày trước làm quan cũng thế a ?!

      Đạo Giáo cũng có một câu truyện nói về Lòng Tham không đáy của con người như sau:
       Xưa có một người rất nghèo khổ, nhưng lại rất tin tưởng và thờ phượng Lữ Tổ 呂 祖, tức là Lữ Thuần Dương Tổ Sư 呂 純 陽 祖 師 Lữ Động Tân 呂 洞 賓, là một trong những tổ sư của Đạo Giáo. Cảm vì lòng thành của anh ta, nên một hôm, Lữ Tổ hiện ra, thấy cảnh nhà tiêu điều nghèo khổ, động lòng thương xót, mới chỉ vào tảng đá trước sân nhà, trong một thoáng, tảng đá bỗng hóa thành vàng rực rỡ, đoạn quay sang hỏi anh ta: "Cho anh  tảng vàng này, anh có thích không?" Người kia lạy phục dưới đất đáp rằng: "Không thích!" Lữ Tổ rất cảm động bảo rằng: "Khá lắm, anh không có lòng tham lam, thật qúy hóa vô cùng, ta sẽ truyền đạo pháp cho anh tu tập!" Người kia đáp: "Không phải thế, tôi chỉ muốn xin ông cho tôi cái ngón tay chỉ đá hoá vàng của ông mà thôi!" Lữ Tổ nghe xong, giật mình biến mất.

                     
                  
               
      Lòng tham của con người qủa là không đáy, khiến thần tiên cũng phải hoảng sợ. Tảng vàng tuy to lớn nhưng xài lâu thì cũng hết, chỉ có "ngón tay chỉ đá hóa vàng" là không bao giờ hết vàng được mà thôi! Vì tích nầy mà ngạn ngữ lại có câu: Chỉ thạch hóa vi kim, nhân tâm do vị túc 指 石 化 為 金,人 心 猶 未 足 có nghĩa: Chỉ đá hóa ra vàng mà lòng người còn chưa thấy đủ!"  
       
      Trái ngược với lòng tham lam và sự chiếm hữu của THAM là SÂN 嗔. SÂN là SÂN HẬN 嗔 恨 là sự tức giận ghét bỏ; là nóng giận trách mắng, là nổi cơn tam bành, muốn tiêu diệt đối phương, như khi Tú Bà nghe Thúy Kiều kể là Mã Giám Sinh đã ăn nằm với nàng rồi vậy:

                       Mụ nghe nàng mới hay tình,
                   Bấy giờ mới nổi tam bành mụ lên !

      SÂN 嗔 thuộc dạng chữ Hài Thanh trong "Chữ Nho... Dễ Học". Có diễn tiến chữ viết như sau:

              Giáp Cốt Văn   Tiểu Triện    Lệ Thư   Khải Thư

Ta thấy :
        Chữ SÂN gồm có 2 phần: Phần trái là bộ KHẨU 口 chỉ Ý, Phần bên phải là chữ CHÂN 真 là Thật chỉ Âm. Phiếm theo Hội Ý là: Những lời giận dữ chân thật được phát ra bằng cửa miệng. nên SÂN 嗔 là nổi giận, là hờn oán, là ghen tức có lòng muốn phỉ báng tiêu diệt đối phương. Nên SÂN là sự nóng giận đến mất bình tĩnh, giận mất khôn theo bản tính cố hữu của con người. 
       Sự giận hờn ghen ghét như ngọn lửa cứ âm ỉ mãi trong lòng, như Hoạn Thư khi biết chồng có vợ bé ở bên ngoài mà vẫn một mực dấu diếm, nên "Lửa tâm càng dập càng nồng, Trách người đen bạc ra lòng trăng hoa" và muốn...

                   Làm cho nhìn chẳng được nhau,
                 Làm cho đày đọa cất đầu chẳng lên!

       Còn nàng cung phi của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều giận nhà vua lợt lạt với mình nhưng không làm gì được nhà vua, nên giận cá chém thớt:

                     Đang tay muốn dứt tơ hồng, 
                Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra !

       Phần ông Sãi của Nguyễn Cư Trinh thì giận bản thân mình rồi lại giận bao đồng cả thiên hạ:

            Sãi giận Sãi kinh luân chẳng biết;
            Sãi giận Sãi thao lược không hay.
            Sãi giận Sãi: thờ quân vương chẳng hết lòng ngay;
            Sãi giận Sãi: ơn phụ mẫu chưa đền nghĩa thảo.
       Tưởng trong nhơn đạo; Sãi một giận căm;
       Suy nghiệp cổ câm, Sãi thêm giận lắm.
            Khi Đổng Trác lung lăng nhà Hán, Sãi giận chàng Hà Tấn vô mưu.
            Lúc Khuyển Nhung phá phách nhà Chu, Sãi giận gã Thân Hầu thất kế.
            Máu sục sục sôi dòng Vị Thuỷ, giận Thương quân hành chánh chẳng lành.
            Thây chan chan lấp nội Trường Bình, giận Bạch Khởi ra oai rất dữ.

       Rồi lại ghét cả những nhân vật lịch sử xa xưa:

            Ghét Kiệt, ghét Trụ; ghét Lệ, ghét U
            Ghét nhân chánh chẳng tu, ghét cang thường nỡ bỏ...
            Luận như ghét cho đủ, Sãi ghét đứa bất hiếu, bất trung;
            Luận như ghét cho cùng, Sãi ghét đứa đại gian đại ác...

       Trong Bách Dụ Kinh《百 喻 經》có kể một câu truyện như sau: Có một người kết thù kết oán với người khác, nhưng vì yếu thế hay bị hiếp đáp sỉ nhục, nên suốt ngày cứ canh cánh bên lòng tìm cách trả thù và hạ nhục đối phương. Một hôm có người bạn đến thăm, trông thấy anh ta ốm o gầy mòn mặt ủ mày chau, nên mới hỏi rõ duyên cớ tại sao. Khi người bạn nghe xong chuyện của anh ta bèn mách rằng: "Tôi có bài "Tì Đà La Chú" đọc lên có thể làm cho kẻ thù sống dở chết dở trông rất khó coi, nhưng trước khi làm cho đối phương sống dở chết dở thì mình cũng phải chịu qua một trận như vậy trước". Anh ta nghe xong mặt mày hớn hở cầu xin người bạn rằng: "Xin Anh hãy dạy cho tôi bài chú đó đi, dù cho tôi có ra sao cũng mặc, phải làm cho kẻ thù sống dở chết dở một trận mới hả lòng tôi!" 

       Ta thấy lòng SÂN HẬN của con người qủa nhiên đáng sợ, bất chấp mọi thủ đoạn kể cả có hại cho mình miễn sao kẻ thù phải bầm dập đau khổ là được rồi! Lời kệ của Tinh Vân Đại Sư ở cuối truyện như sau:

                 一 念 瞋  心起,  Nhất niệm SÂN tâm khởi,
                 百 萬 障 門 開.   Bách vạn chướng môn khai.
Có nghĩa :
       - Một ý niệm giận dữ vừa nổi lên ở trong lòng, thì cũng chính là lúc...
       - Trăm vạn cánh cửa của nghiệp chướng cũng đã mở theo ra!
                
               


      SI 癡 (痴) : là Dại, Ngây, là trạng thái tinh thần không ổn định bình thường như những người bình thường khác. Trong Phât giáo SI là Mê muội, không phân biệt được thị phi cái nào đúng cái nào sai mà dễ lầm đường lạc lối.
      Trong "Chữ Nho... Dễ Học" SI thuộc dạng chữ Hình thanh, có diễn tiến chữ viết như sau:

           Giáp Cốt Văn   Tiểu Triện   Lệ Thư    Khải Thư
                              

Ta thấy :
       Hai hình thức của chữ SI 癡(痴) một phồn thể, một giản thể đều có bộ TẬT 疒 là Bệnh tật bao trùm bên ngoài để chỉ Ý; Bên trong của chữ phồn thể là chữ NGHI 疑 là Nghi ngờ, chữ giản thể là chữ TRI 知 là Tri Thức, là sự hiểu biết dùng để chỉ Âm. Nếu giảng theo Hội Ý để góp 2 ý nghĩa của 2 phần lại với nhau thì SI là "Một hình thức bệnh tật về tri thức vì còn trong trạng thái nghi ngờ"; nên SI có nghĩa Mê muội, Ngây dại, Ngu ngơ... là vì thế.

       Ngây dại, Ngu ngơ, mê muội trong tình yêu thì gọi là SI TÌNH 癡 情, như chàng Thúc Sinh si mê tài sắc của Thúy Kiều vậy: 

                     Lạ cho cái sóng khuynh thành,
                  Làm cho đổ quán xiêu đình như chơi.
                     Thúc sinh quen thói bốc rời,
                 Trăm nghìn đổ một trận cười như không!
      ... và :
                     Sinh càng một tỉnh mười mê,
                  Ngày xuân lắm lúc đi về với xuân...   

       Còn nàng cung phi của Ôn Như Hầu nguyễn Gia Thiều thì si mê những ngày được vua sủng ái đã nũng nịu một cách qúa đáng:
                   Thôi cười nọ lại nhăn mày liễu,
                   Ghẹo hoa kia lại diễu gót sen.
                   Thân này uốn éo vì duyên,
                   Cũng cam một tiếng thuyền quyên với đời.

     ... rồi si mê trong nhục dục:

                   Càng lâu, càng lắm mùi hay,
                   Cho cam công kẻ nhúng tay thùng chàm.

     ... đến khi thất sủng thì lại ngơ ngẩn sầu thương si mê hờn oán:
                   Buồn một nỗi hồn đà khắc khoải,
                   Ngán trăm chiều bước lại ngẩn ngơ.
                   Hoa này bướm nỡ thờ ơ,
                   Để gầy bông thắm, để xơ nhuỵ vàng. 

       Sự tác hại của SI NGÂY đến người khác tiêu biểu nhất là nhân vật Du Thản Chi 游 坦 之 trong Truyện võ hiệp mang triết lý Phật giáo "Thiên Long Bát Bộ 天 龍 八 部" của nhà văn Kim Dung  金 庸. DU THẢN CHI 游 坦 之 theo dõi Kiều Phong để tìm cách trả thù cho cha và chú đã bị Kiều Phong giết chết ở Tụ Hiền Trang, nhưng khi được Kiều Phong tha cho không giết thì Du Thản Chi lại si mê sắc đẹp của A Tử, rồi để cho nàng ta hành hạ và chồng cả cái đầu sắt lên trên mặt, bắt phải cho độc tằm cắn để cho nàng luyện công. Trong vô ý Du Thản Chi đã kết hợp được Dịch Cân Kinh và chất kịch độc của Băng Tầm luyện thành thần công cái thế. Nhưng trong si mê ngây dại đã mất phương hướng của bản thân mà chỉ làm theo những lời của A Tử một cách mù quáng giết người không còn biết phân biệt phải trái nữa. Cuối cùng cũng thân bại danh liệt mà nhảy xuống vực sâu kết liễu cuộc đời.

             
                           Đầu st Du Thản Chi và A T 

        Nói chung, trong THAM SÂN SI thì SÂN HẬN tạo nghiệp mạnh nhất, vì có thể tiêu diệt đối phương. THAM chỉ ham hố và muốn chiếm hữu tất cả, còn SI thì ngu ngơ ngờ nghệch làm theo cảm tính hay tác động của ngoại lai mà không biết phân biệt tốt xấu đúng sai. THAM SÂN SI là TAM ĐỘC, mà cũng là TAM HỎA, ba ngọn lửa nầy cứ cháy âm ỉ mãi trong lòng thôi thúc các ước vọng ham muốn của con người và tạo nên vô số ác nghiệp khiến con người cứ mãi chìm trong bể khổ trầm luân và ngụp lặn mãi trong sáu cõi luân hồi. Nên...  
  Phật viết : Cần tu GiỚI ĐỊNH TUỆ, Tức diệt THAM SÂN SI 佛曰:“勤 修 戒 定 慧,熄 滅 貪 嗔 痴”。có nghĩa: Phật dạy rằng: "Phải siêng năng tu tập GIỚI ĐỊNH TUỆ, có thể làm tắt được lửa THAM SÂN SI ở trong lòng". 

      GIỚI là GIỚI LUẬT THANH QUY 戒 律 清 規 là những điều lệ quy định về những cấm kỵ trong tôn giáo nói chung, đạo Phật nói riêng; bắt buộc các tín đồ Phật tử phải tuân thủ để tu tập cho lòng thanh tịnh và sớm giác ngộ. Cụ thể như NGŨ GIỚI CẤM là một quy phạm đạo đức với tiêu chuẩn không làm hại hay tổn thương đến người, vật, sự vật chung quanh ta, cắt đứt đi lòng ham muốn yêu thích với mọi người, vật chung quanh; Từ đó dập tắt đi lòng THAM LAM cứ âm ỉ mãi ở trong lòng. GIỚI diệt THAM!
     ĐNH là ĐỊNH TĨNH 定 靜 là làm cho lòng được ổn định và bình tĩnh lại. Tập tánh nhẫn nại dằn nén, bồi dưỡng cho sự chịu đựng của bản thân để khỏi bộc phát sự giận dữ đến tha nhân và đòi hỏi người khác một cách khắt khe theo yêu cầu của mình. Lòng có ĐỊNH thì Ý mới TỈNH mà không để xảy ra những sự việc đáng tiếc. ĐINH diệt SÂN là thế!                

     TUỆ là TRÍ TUỆ 智 慧, là có sự hiểu biết thấu đáo về thực tế của các đời sống trong trời đất và trong cuộc đời này, hài hòa viên mãn kiến thức, thoát khỏi si mê tăm tối chìm đắm trong nhân quả tử sinh. Lòng đã hết lo sơ nghi ngại đắn đo gì nữa cả. TUỆ thoát SI là thế!
                     

     Tiêu biểu nhất cho THAM SÂN SI là ba đồ đệ của Đường Tăng trong truyện "Tây Du Ký" của Ngô Thừa Ân. Đó chính là Tề Thiên Đại Thánh, Trư Bát Giới, và Sa Tăng :
     - Trư Bát Giới tiêu biểu cho lòng tham lam ham muốn vô độ của con người: Tham ăn, tham sắc, tham tài...
     - Tề Thiên tiêu biểu cho sự sân hận giận dữ đối với những ai cản trở bước chân trên đường đi của mình, muốn tiêu diệt tất cả.
     - Sa Tăng tiêu biểu cho sự vô minh, không hiểu biết, ngây ngô chậm chạp, gặp việc không biết phải giải quyết như thế nào. 

      THAM SÂN SI cũng chính là TAM ĐỘC luôn hiện hữu trong con người để tạo ra mọi phiền não, cho nên Đường Tăng mới phải mất công lặn lội xa xôi suốt mười mấy năm trời qua đến Tây Thiên để tìm về ba tạng kinh GIỚI ĐỊNH TUỆ trong Kinh Luật Luận để khắc chế hóa giải ba ngọn lửa Tham Sân Si luôn âm ỉ hành hạ đốt cháy con người, nên Đường Tăng còn được gọi là ĐƯỜNG TAM TẠNG.
       
      Trước tiên là TRÌ GiỚI 持 戒 là giữ vững giới luật của tam quy ngũ giới sẽ giải trừ được lòng ham muốn tham lam; mà TRỪ được THAM thì lòng sẽ ổn định; nên giữ GIỚI được sẽ sinh ra ĐỊNH. Khi Định Lực đã thâm hậu thì lòng THAM không còn hiện hữu nữa. Và khi Định Lực càng n định tiến xa hơn thì có thể đoạn tuyệt và xóa đi cả lòng SÂN HẬN. Khi Sân Hận đã tận diệt thì TRÍ TUỆ sẽ phát sinh và Trí Tuệ phát sinh thì sự NGU SI của vô minh sẽ được tiêu trừ. Có nghĩa:

      GIỚI trừ THAM và sinh ra ĐỊNH; ĐỊNH diệt SÂN sinh ra TUỆ để xóa trừ SI.

      Qúa trình diễn tiến hệ thống tu tập nêu trên cũng gần giống như cái quá trình tu thân của người quân tử trong đạo Nho của Đức Khổng Phu Tử. Theo Đại Học Thiên trong sách Lễ Ký thời Chiến Quốc như sau: "Tri chỉ nhi hậu hữu ĐỊNH, Định nhi hậu năng TĨNH, Tĩnh nhi hậu năng AN, An nhi hậu năng LỰ, Lự nhi hậu năng ĐẮC. Vật hữu bổn mạc, sự hữu thủy chung, tri sở tiên hậu, tắc cận đạo hĩ. 知 止 而 後 有 定;定 而 後 能 靜;靜 而 後 能 安;安 而 後 能 慮;慮 而 後 能 得。物 有 本 末,事 有 終 始,知 所 先 後,則 近 道 矣。Có nghĩa: "Biết dừng lại đúng lúc thì sẽ ổn định, có ổn định thì mới đủ bình tĩnh, có bình tĩnh thì mới cảm thấy yên ổn, có yên ổn thì mới mưu tính được sự việc, có mưu tính được sự việc thì mới đắc thủ thành công. Vật thì có gốc có ngọn, vic thì có đầu có đuôi, biết được sự trước sau đó là đã gần với đạo làm người rồi đó".

      Ta thấy, sự tu thân của người quân tử trong đạo Nho là cách vật, trí tri để thành ý chánh tâm, đặng tề gia, trị quốc rồi bình thiên hạ; còn người con Phật thì cốt ở Tam quy Ngũ giới, cần mẫn tu tập theo GIỚI ĐỊNH TUỆ tận diệt THAM SÂN SI để cho thân tâm thường an lạc và có cuộc sống từ bi bác ái hòa đồng hỉ xả với tất cả mọi người.

       Phải luôn nhớ lời Phật dạy: 

    Cần tu GiỚI ĐỊNH TUỆ, Tức diệt THAM SÂN SI !

                          
      Nam mô A Di Đà Phật !

                                                                          杜 紹 德
                                                                       Đỗ Chiêu Đức









Không có nhận xét nào: