ĐẠI HỌC...
Bài viết của Nguyễn Đức Cung
I.- VÀI DÒNG KHAI TỪ…
Vào buổi sáng ngày 27 tháng chạp Tết Đinh Dậu tức ngày 24-01-2017, tôi nhờ một người bạn chở xe Honda đi tìm thăm thầy Nguyễn Văn Dương ở số 220B đường Lê Văn Sỹ, P. 14, quận III. Giáo sư Tiến Sĩ Nguyễn Văn Dương là thầy dạy của tôi năm 1959 khi tôi theo học khóa đầu tiên Viện Hán Học Huế. Chiếc xe qua một con hẻm khá rộng, vào một khoảnh sân nhỏ hình bình hành có trồng nhiều cây cảnh. Tôi hỏi một người trung niên nhà thầy Dương và ông bảo tôi đi lên cầu thang và cuối dảy là nhà của thầy với giàn hoa giấy mầu tím. Chiếc cầu thang bằng xi măng, nhưng lở lói dơ dáy, cũ kỷ từ năm 1975 đến nay không sơn sửa lại có lẽ cùng số phận với dảy nhà chung cư đa số là dân lao động, tôi đoán như vậy. Tôi gặp cô Dương trông già hẳn đi, thiếu vẻ tươi tỉnh như khi tôi gặp thăm thầy cô năm 2003 ở Virginia. Tôi cúi đầu chào cô và xưng tên rồi ngỏ ý muốn vào thăm thầy. Tôi bước vào và đứng sững lại vì trước mắt tôi là một con người gầy đét, một bộ xương thiếu da thiếu thịt, tay chân co quắp, mặt quay vào một phía, rên hừ hử, thỉnh thoảng la lớn tiếng không rõ ràng, có lẽ vì căn bệnh tiểu đường đến thời kỳ cực độ nên hành con bệnh. Tôi vội bước ra, chua xót cho thân phận của một người lớn tuổi, giáo sư đại học với kiến thức uyên bác, với tấm thân tàn tạ đến thế sao? Tôi hỏi cô Dương một đôi câu chuyện về bệnh tình và chế độ dinh dưỡng của Thầy, nhưng cũng cảm thấy đau đớn khi nhìn qua cảnh quan nhà cửa tối tăm, ít thông thoáng và phần nào kém vệ sinh, dĩ nhiên lại còn không có chút nào chuẩn bị Tết cả, mặc dù chỉ còn ba ngày nữa là xuân mới đến. Một giáo sư đại học, tiến sĩ chuyên ngành ngữ văn như thầy Dương mà nơi ở lại tuềnh toàng, nếu không nói là phần nào khá tồi tàn đến như vậy sao? Tôi cảm thấy tội nghiệp cho thầy, suốt một đời hi sinh vì nền giáo dục Việt Nam mà phải có một cuộc sống cuối đời thê thảm như vậy. Tôi đứng lên chào cô sau khi gửi chút tiền mừng tuổi thầy cô mà thấy bùi ngùi vô hạn, hẹn lòng sau Tết sẽ trở lại thăm thầy.
Ngày 15-02-2017, tôi về lại Mỹ, vào Internet đọc thư tín và được chị Võ Hồng Phi thông báo thầy Dương đã qua đời đúng ngày tôi trở lại đất tạm dung này. Rất đỗi bàng hoàng và cảm thấy đắng trong cổ họng nên tôi gọi cho Hồng Phi để thông báo việc đi thăm thầy Dương và hỏi thêm tin tức…
Cách đây hơn nửa thế kỷ, tháng 10 năm 1959, tôi bấy giờ đang theo học lớp Đệ Tam C Trường Trung Học Phan Chu Trinh Đà Nẵng (Hiệu Trưởng là Giáo Sư Nguyễn Đăng Ngọc), đã bỏ ngang lớp này để thi vào Viện Hán Học Huế vừa được loan tin trên báo chí sắp có cuộc thi concours để tuyển sinh viên vào học (toàn quốc chỉ lấy 40 người). Cùng học lớp Đệ Tam C này lúc đó có Trần Vinh Anh người thấp, nước da đen sẫm, đi học còn mang dép râu (dép Bình Trị Thiên), mỗi khi trời mưa lại choàng một tấm bạt nylon xanh, nói năng rất hùng biện trong mục phát biểu quan điểm hoặc thuyết trình về một đề tài nào đó mỗi khi có giờ Việt Văn mà tôi quên mất tên cô giáo. Cũng lớp này có Lê Ngọc Châu sau này là nhà thơ Luân Hoán nổi danh của Miền Nam, có nhà văn Lam Hồ Nguyễn Hữu Nuối thường có bài đăng trên một số báo chí văn nghệ (như Gió Mới chẳng hạn) ở Thủ đô Sài Gòn, có Hoàng Trọng Bân sau trở thành họa sĩ (Bân là anh ruột của Hoàng Kim-Uyên một thời Á Hậu của Miền Nam), Lê Văn Nghĩa… Tất cả đều là dân Đà Nẵng, ngoại trừ tôi và Trần Vinh Anh là dân di cư. Khi thấy tôi xách chiếc cặp đựng một bộ quần áo và hồ sơ dự thi lên chiếc xe đò Traction màu đen của hãng xe đò An Lợi từ Đà Nẵng ra Huế đang đợi trước nhà, chị tôi, Ngọc Diệu hỏi:
-Em đã xin phép Bọ chưa khi quyết định bỏ trường Phan Chu Trinh mà ra Huế thi vào Viện Hán Học?
-Em có xin rồi và Bọ đã đồng ý.
(Ở quê tôi, chữ Bọ là tiếng địa phương thay cho chữ Bố.)
Đó là kỷ niệm đầu tiên đối với tôi về Viện Hán Học Huế.
Hôm thi tôi rất ngạc nhiên đã gặp Trần Vinh Anh cũng có ý định theo học Viện Hán Học và một người từ Sài Gòn ra, trông giống khuôn mặt một người lớn tuổi ở trong làng tôi (anh Dương Văn Khâm) tên là Nguyễn Lý Tưởng. Hỏi ra mới biết Tưởng là anh em cô cậu ruột với anh Khâm. Chúng tôi kết nhau từ đó, rồi hôm tựu trường sau khi đỗ, gặp thêm Lê Ngọc Bích (con cụ Lê Ngọc Bỗng, giáo sư Trường Kỹ Thuật Huế). Chúng tôi kết thành nhóm ABCT, về sau có thêm một chú Bắc kỳ tên Sự, tên đầy đủ là Hoàng Văn Sự, em nhạc sĩ Hùng Lân (tên Hoàng Văn Hường). Chị của Sự là vợ của Đại Úy Nguyễn Văn Minh, Chánh Văn Phòng tín cẩn của Ông Cố Vấn Chỉ Đạo Ngô Đình Cẩn. Cái đuôi nhóm được nối thêm ABCTS và được anh chị em trong lớp Hán Học đầu tiên biết đến qua những năm chung học dưới mái trường Viện Hán Học Huế thời điểm 1959-1962.
2.- MỘT VỊ GIÁO SƯ TRẺ TRÍ THỨC.
Tôi là người ưa thích thơ văn hồi còn trẻ trong những năm học Tiểu Chủng Viện Huế (1955-1958) nên những ngày đầu mới bước chân vào Viện Hán Học Huế, được gặp thầy Phan Văn Dật vốn là một nhà thơ tiền chiến nổi tiếng của đất Thần Kinh, qua thi phẩm Bâng Khuâng (1935), người được Hoài Thanh đưa tên tuổi vào cuốn Thi Nhân Việt Nam của ông, tôi thật sự kính trọng thầy Dật. Trong niên học đầu tiên, trước khi gặp thầy Nguyễn Văn Dương (1933-2017) chúng tôi đã nghe thầy Dật giới thiệu về thầy Dương với những lời lẽ rất khâm phục rằng đó là một vị giáo sư trẻ tuổi nhưng rất uyên bác nhất là trong lãnh vực văn chương cổ ngữ và triết Đông. Thầy Dật trước đây là thư ký ngạch trước ba Huế, bạn với rất nhiều người nổi tiếng trong làng văn, làng thơ Việt Nam, thông thạo tiếng Pháp, nhất là ở nhà thầy có một tủ sách, nói đúng ra là một thư viện riêng với rất nhiều sách quý mà toàn Miền Nam chưa có một thư viện tư nhân nào sánh kịp. Sách của thầy đóng gáy da mạ vàng, được đặt ngay ngắn trong nhiều tủ kính gỗ mun hay gỗ trắc. Thầy chỉ cho mượn đọc tại chỗ chứ không bao giờ cho mượn về nhà. Điều này cũng đúng thôi vì lòng người tham vô đáy, nhất là những con buôn. Có lẽ nhờ tinh thần tự học, tự nghiên cứu trong bầu không khí thuận lợi cho việc học hành, giảng dạy mà thầy Dật được học giới đất thần kinh kính trọng, được mời dạy Việt văn và sinh ngữ tại một số trường trung học ở Huế, và sau này dạy ở Trường Đại Học Văn Khoa Huế. Người được thầy Dật khen không nhiều và dĩ nhiên cũng phải qua rất nhiều tiêu chuẩn, dĩ nhiên trong đó có cả tài và đức. Thầy Nguyễn Văn Dương được một nhà thơ có tiếng, và là một vị học giả uyên bác như thầy Dật khen cũng thật là xứng đáng vì trải qua hai năm học với thầy Dương, tôi rất cảm phục thầy vì sự tận tâm trong đường lối dạy học, trình độ tri thức quảng bác của thầy và nhất là tấm lòng đạo đức trong con người xứ Huế này.
Lớp của tôi có ba chị Phan Hồng Hạnh (con Đông Y Sĩ Phan Châu Toàn ở Đà Nẵng) hiện ở Pháp, chị Nguyễn Thị Kim Chi ở Huế, chị Hồ Thị Lài hiện ở Honolulu, Hawai (con cụ Hồ Đình Tùng, hậu duệ của một vị thánh tử đạo Công Giáo, Thánh Micae Hồ Đình Hy, quan Thái Bộc Tự Khanh thời vua Minh Mạng). Toàn bộ trong lớp có 40 người thuộc Bắc, Trung, Nam nổi tiếng thông nho có anh Ngô Văn Lại (nay trên 80) được coi là trưởng tràng tức nhà văn, nhà nghiên cứu văn học Thái Trọng Lai hoặc Trọng Lai, anh Dương Trọng Khương (gốc lai Tàu), anh Trần Bá Nhẫn (người Nam), tay violon Trần Văn Thăng ở Kim Long, anh La Cảnh Hùng có tiệm chụp hình La Cảnh Lưu ở đường Phan Bội Châu, Huế, anh Ngô Khôn Liêu, anh Phạm Liễu (anh ruột nhà nghiên cứu, TS Nguyễn Q. Thắng ở VN). Tất cả chúng tôi ai nấy cũng đều kính trọng thầy Nguyễn Văn Dương. Nhà thầy Dương ở Đập Đá, phương tiện đi lại của thầy rất sang đó là sử dụng một chiếc xe hơi hiệu Vauxhall. Lúc bấy giờ xứ Huế thường mưa lụt hằng năm nên nhiều khi mưa ngập đường về Đập Đá nên xe thầy không qua được khoảng đường này, lớp học của thầy đành nghỉ. Chúng tôi lúc bấy giờ được nghỉ một buổi, hai buổi là mừng rơn lên. Tuổi trẻ ham chơi mà! Nhóm chúng tôi thỉnh thoảng reo lên khi gặp nhau và cầu mong cho mưa lớn để xe thầy Dương không qua Đập Đá được, để có cớ nghỉ xã hơi.
Năm 1960, bước vào năm thứ hai Viện Hán Học, chúng tôi khởi đầu thụ huấn với thầy qua những giờ triết Đông, mà tài liệu giáo trình chính là cuốn sách “Đại Cương Triết Học Sử Trung quốc” của Phùng Hữu Lan – Fung Yu-lan (bản tiếng Pháp có tên Précis d’histoire de la philosophie chinoise do ông Guillaume Dunstheimer dịch và do nhà xuất bản Payot ở Paris in năm 1952). Bản tiếng Anh có tên A short history of Chinese Philosophy do TS. Derk Bodde, Phó Giáo sư Hoa văn, dịch và xuất bản ở Philadelphia năm 1948), và Kinh Thi. Theo thầy Nguyễn Văn Dương, “đối với độc giả phương Tây và có lẽ đối với độc giả của phần lớn các nước trên thế giới, ông Phùng Hữu Lan có thể xem là tác giả quyền uy bậc nhất trong việc trình bày và lý giải triết học Trung quốc chừng năm mươi năm trở lại đây.” (Đại cương triết học sử Trung Quốc, Phùng Hữu Lan, bản dịch Nguyễn Văn Dương, Nhà xb Thanh Niên, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, 1998, trang 5). Tác phẩm của Phùng Hữu Lan gồm có bộ đầu tay là Trung quốc triết học sử, do Derk Bodde dịch ra tiếng Anh khoảng 1000 trang, thêm vào đó có bộ Trung quốc triết học sử bổ. Phùng Hữu Lan còn cho xuất bản tiếp các tác phẩm chữ Hán khác như Tân lý học, Tân nguyên đạo, Tân nguyên nhân, Tân thế huấn, Tân sự luận…Sách Tân nguyên đạo được ông E.R. Hughes dịch ra tiếng Anh dưới nhan đề The Spirit of Chinese Philosophy.Những danh xưng Phùng Hữu Lan, Derk Bodde, Hummel, Khổng Tử, Trang Tử, Lão Tử, Công Tôn Long, Huệ Thi… những cụm từ như “nội thánh ngoại vương”, “trung thứ”, “tính thiện”, “tính ác”… có dịp đến với chúng tôi qua thầy Dương khi vui vẻ ngồi đấu láo với nhau qua những tách cà phê đen ở quán Lạc Sơn, bên bờ sông Hương xứ Huế. Phùng Hữu-Lan là giáo sư của Đại học Thanh Hoa, Bắc kinh (1930-1934), dạy học ở đại học Pennsylvania năm 1946-1947, sau năm 1949 trở về Trung Hoa lục địa và sống tại đó. Những câu thơ trong Kinh Thi như: “Quan quan thư cưu , tại hà chi châu. Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu…”vẫn còn vang vọng trong tôi mỗi lần nhớ về thầy Dương.
Trong những giờ dạy học, thầy Dương thường khuyến khích chúng tôi đọc sách, hướng dẫn các sách báo và dặn dò cách thức mua sách. Thầy kể những kinh nghiệm mua sách ở Sài Gòn, Chợ Lớn (sách chữ Trung quốc). Thầy dặn chúng tôi là phải trả giá nhất là những sách cũ, có giá trị. Nhà sách Ưng Hạ đầu cầu Trường Tiền, ở cạnh Phòng Thông Tin Trung Việt, đường Trần Hưng Đạo ở Huế là tiệm sách lớn và sang nhất là nơi tôi lân la rất thường xuyên để kiếm sách quý viết về Trung Quốc, đa số toàn tiếng Pháp. Vào đó chợt vớ được cuốn sách hay viết về lịch sử, triết học thảng hoặc sách về âm nhạc, hội họa cũng cầm lên, nhắm tới nhắm lui lại đặt xuống, cầm lên khi vừa nắn túi. Sinh viên nghèo, làm gì có tiền nhiều, đến tiền ăn sáng cũng có khi thiếu hụt, phải nhịn, vậy mà cũng rán mua, lâu dần cũng kiếm được vài chục cuốn, làm một tủ sách nhỏ về Trung quốc. Đó cũng là nhờ sự khuyến khích chỉ bảo của thầy Dương.
Nhóm chúng tôi thường dùng tên “Derk Bodde” để chỉ thầy Dương khi bình luận một đề tài nào đó khá thú vị trong triết học Trung Quốc, thí dụ Derk Bodde nói rằng cũng như “Khổng Tử viết” khi cười đùa trào lộng với nhau. Những chiều thứ bảy, cả nhóm đạp xe xuống nhà thầy Dương ở Đập Đá (là điểm hẹn) để học thêm với thầy, hoặc nhờ thầy chỉ dẫn thêm những vấn đề chưa biết rõ, hiểu rõ. Trong những buổi đó cả nhóm thế nào cũng được thầy Dương đãi cho ăn món này thức nọ, bánh kẹo, chuối mít tùy nghi. Dĩ nhiên lúc này thầy Dương còn “xê-li-bạt” (célibataire) chưa “dính chấu” vào đâu nên tụi tôi cười đùa thỏa thích. Trần Vinh Anh đã có bà xã là chị Hồ Thị Hồng (chưa cưới); Lê Ngọc Bích cũng tấp tễnh ngó chỗ này chỗ khác, tôi và Tưởng cùng Sự vẫn “lắc lư con tầu đi” mặc dù Tưởng có một lô các cháu kêu cậu bằng chú đang ở “anh-tẹc-na” (interna - nội trú) trường Jeanne d’Arc cô nào cũng xinh như mộng cả. Điểm hẹn thứ hai của nhóm chúng tôi là nhà thầy Hồ Đắc Định ở cầu Đông Ba đi thẳng xuống. Cụ Định là cựu học sinh trường Quốc Tử Giám, thuộc một trong bốn danh gia vọng tộc tại Huế là Hà Thúc, Nguyễn Khoa, Thân Trọng và Hồ Đắc. Cụ Định nổi tiếng hay chữ và nhất là giỏi khoa thư pháp, viết chữ Hán rất đẹp. Cụ cũng làm thơ nhiều và năm 1953 khi cầu Gia Hội được xây lại cụ có làm thơ phúng thích thời sự khi ngắm cảnh xe Tây xe Đầm nườm nượp qua cầu, bên dưới gầm là dân lao động ở với những câu nặng chất thời thế:
Trên cầu ruổi hai tay,
Dưới cầu mỏi chân chống…
Mỗi lần chúng tôi xuống là cụ Định bưng ra một hũ rượu nếp, khề khà vừa uống, vừa đọc thơ, có khi lại ép chúng tôi vài chung nhỏ. Than ôi “Những người muôn năm cũ, Hồn ở đâu bây giờ”? (Vũ Đình Liên).
Thầy Dương là người khuyến khích chúng tôi học thêm chữ Hán để đi thi Tú Tài ban Cổ ngữ D để hoàn tất bằng Tú Tài bán và toàn phần. Hết năm thứ hai Viện Hán Học chúng tôi cùng nộp đơn thi Tú tài I và đỗ rất dễ dàng với hạng mention (bình thứ, bình, hay ưu). Lúc này, nhóm chúng tôi đứng ra tổ chức tiệc Tất niên cho toàn Viện mỗi một năm, làm tờ báo Xuân Hàn Mặc ghi dấu các hoạt động của Viện. Bìa báo do người em họ tôi, họa sĩ Nguyễn Văn Bình (cùng lớp với họa sĩ Trịnh Cung, Phan Mộng Hoàn, con gái bà Maria Mộng Hoa, họa sĩ nổi tiếng xứ Huế) vẽ. Bài vở do Trần Vinh Anh, Nguyễn Lý Tưởng, Ngô Văn Lại, Nguyễn Đức Cung, Lê Ngọc Bích phụ trách; một bàn nhạc có tên “Con tàu đi trong mùa thu” do Hoàng Văn Sự sáng tác cũng góp mặt trong Xuân Hàn Mặc. Cái tên này do thầy Phan Văn Dật đặt cho. Hết năm thứ ba Viện Hán Học, chúng tôi tất cả đỗ xong Tú Tài II và chuẩn bị một bước ngoặt mới trên con đường học vấn, đó là giã từ Viện Hán Học Huế, nơi có rất nhiều vị giáo sư tài năng khả kính để thi vào Đại Học Sư Phạm Huế. Lúc này tình hình chính trị Miền Nam khá ổn định, chưa có dấu hiệu gì chứng tỏ sự lung lay bất ổn của chế độ của TT Ngô Đình Diệm, nhưng chúng tôi vẫn cố bảo nhau tìm về một tương lai vững chãi hơn. Thế là vì vấn đề cơm áo và chí hướng chúng tôi buộc phải ra đi, rời thầy, lìa bạn, dấn thân vào một cuộc hành trình mới. Chúng tôi xa thầy Dương nhưng thỉnh thoảng cũng có gặp thầy, khi qua hành lang giảng đường, khi trong tiệm sách, lúc thoáng mắt ngoài đường phố. Có một thời nghe nói thầy thương yêu KT mà không được. Có lẽ lối sống của thầy mực thước quá, khuôn phép quá, môn dạy của thầy nghiêm túc và kinh điển quá nên gái Huế không “vào nổi”, hay do trời chưa xe duyên tiền định?
3.- HIỀN TÀI LÀ NGUYÊN KHÍ CỦA QUỐC GIA.
Trong bài văn bia thảo năm 1442 và bài văn bia 1487, Thân Nhân Trung (1418-1499) đã nêu lên những điều kiện cơ bản trong trong chính sách hiền tài của nhà nước như sau: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và càng lớn lao, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà càng xuống thấp. Bởi vậy các bậc vua tài giỏi đời xưa, chẳng có đời nào lại không chăm lo nuôi dưỡng và đào tạo nhân tài bồi đắp thêm nguyên khí.” (Giáo sư Vũ Khiêu, Thân Nhân Trung với tư tưởng: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia.”, Trang web của Đại Học Quốc Gia Thành Phố HCM, 16-5-2016). Tư liệu văn bia năm 1487 viết tiếp: “Nhân tài phồn thịnh vốn có quan hệ đến khí hóa của trời đất và cốt ở cái gốc giáo hóa của thánh nhân.”(Tài liệu vừa dẫn).
Giáo sư Nguyễn Văn Dương chính thật là một vị hiền tài, là nguyên khí của quốc gia đúng ý nghĩa nhất của cụm từ này. Bài văn bia năm 1442 của Thân Nhân Trung, Phó Nguyên súy của Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú (bên cạnh một Phó Nguyên súy khác là Đỗ Nhuận, 1445-1495?) khẳng định một thực thể căn bản trong tiến trình xây dựng đất nước đó là (hiền tài là nguyên khí của quốc gia), đưa ra một quy luật tất yếu (nguyên khí mạnh thì đất nước thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu) và một nhiệm vụ cấp thiết của người lãnh đạo đất nước đó là (các bậc vua chúa tài giỏi có nghĩa vụ chăm lo nuôi dưỡng đào tạo nhân tài). Câu sau đây trích dẫn từ văn bia 1487 soi chiếu mối tương quan giữa kẻ sĩ với xã hội: “Kẻ sĩ có mối quan hệ thật là quan trọng đối với sự phát triển của đất nước.”
Trong bài viết có tên “Kể lại việc học tập và nghiên cứu” viết từ Sài Gòn ngày 11-11-2009, mục đích tặng cho các cựu sinh viên Viện Hán Học Huế, và các cựu sinh viên Đại Học Văn Khoa và Đại Học Sư Phạm Huế, Giáo sư Nguyễn Văn Dương đã có rất nhiều thành tựu trong việc học tập, nghiên cứu và giảng dạy cùng các công trình sáng tác, trước thuật, biên khảo đưa tên tuổi thầy lên cao xứng đáng là một bậc hiền tài, theo đúng tư tưởng “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” của Thân Nhân Trung từng nói từ thế kỷ XV.
Trong đời sống chính trị, hiền tài coi như cán bộ của một tổ chức chính đảng và là sức mạnh của tổ chức. Cán bộ giỏi và có đạo đức thì tổ chức mạnh và hoạt động hữu hiệu. Giáo sư Vũ Khiêu giải thích rằng “Có khí hóa trời đất tức là nói hoàn cảnh thịnh trị của đất nước trong đó mọi sự, mọi vật đều phát triển tốt đẹp. Theo Thân Nhân Trung, đó là thời đại Lê Thánh Tông. Có sự giáo hóa của thánh nhân là nói về sự quan tâm đặc biệt của nhà vua đối với việc giáo dưỡng, tuyển chọn và đãi ngộ hiền tài.” (Tư liệu đã dẫn).
Một triết gia, kiêm sử gia Pháp, Hippolyte Taine (1828-1893) nói rằng để giải thích một con người hoặc biến cố lịch sử cần phải dựa trên ba yếu tố đó là dòng giống (la race), thời thế (le temps) và hoàn cảnh xã hội (le milieu). Muốn phân tích những thành tựu mà Giáo sư Nguyễn Văn Dương đã thu hoạch được thiết tưởng cũng phải dựa trên các yếu tố vừa nói.
Trước hết chúng ta có thể bỏ qua yếu tố dòng giống vì không có đủ cứ liệu để biện luận mà chỉ xét đến hai yếu tố là thời thế và hoàn cảnh xã hội.
Giai đoạn 1939-45 là lúc người Pháp còn chiếm đóng nước ta nên tiếng Pháp được sử dụng nhiều trong học đường hay ngoài xã hội. Thầy Dương có căn bản tiếng Pháp nhờ những năm học tiểu học và trung học kể cả đại học. Mặc dầu đời thầy trải qua những năm học hành vất vả trong thời gian tản cư (1946) nhưng sau đó thầy tiếp tục việc học dưới chính thể quốc gia thời Bảo Đại và Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Việc học hành được khuyến khích và hỗ trợ do các chính phủ quốc gia với những chủ trương cấp tiến và đứng đắn nên học sinh, sinh viên hiếu học thường được cấp học bổng hay phương tiện để tiếp tục con đường học vấn.
Thời Đệ I Cộng Hòa (1954-1963) chính sách giáo dục được ban hành dựa trên ba tiêu điểm chính đó là nhân bản, dân tộc và khai phóng nên ở trong các trường đại học tinh thần tự trị được tôn trọng. Người sinh viên được tự do phát biểu quan điểm, tư tưởng mà không sợ bị chính quyền bắt bớ, khống chế. Giáo sư dạy học được tự do đưa ra các quan điểm ngay cả chỉ trích chính quyền mà không sợ bị ghép tội phản động lật đổ chính quyền. Không như dưới chế độ Cộng Sản ở Miền Bắc, trí thức bị vùi dập (cụ thể như trường hợp Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo v. v…), văn nghệ sĩ bị cấm cản nói đến quyền tự do sáng tác (vụ án Nhân Văn, Giai Phẩm), dân chúng bị cấm nhiều quyền như tự do tư tưởng, tự do lập hội, tự do đi lại, tự do tôn giáo v.v…
Tại Miền Nam, Tổng Thống Ngô Đình Diệm rất thương dân và ưu ái cho cuộc sống của người dân nhất là trong lãnh vực giáo dục, y tế, kinh tế, văn hóa và các phạm trù căn bản khác, nhưng trên hết là dân chủ. Chính Tổng Thống Ngô Đình Diệm, trong lời chúc năm mới dịp Tết Tân-mùi (1955) đã nói: “Một chế độ dân chủ phải được thực hiện, hoàn toàn tôn trọng phẩm giá và quyền tự do chính đáng của mỗi người và của mọi người, triệt để đả phá mọi hình thức cưỡng bách, áp bức, mọi chính sách chỉ huy và nô lệ hóa nhân dân.” (Nguyễn Phương, Ánh sáng dân chủ, Xã Hội Ấn Quán, 1957, trang 123).
Tổng Thống Ngô Đình Diệm là người quan tâm đặc biệt đến việc xây dựng các cơ sở giáo dục trong đó có Viện Đại Học Huế, Viện Hán Học Huế, Trường Đại Học Y Khoa, Khoa Học, các trường Cao Đẳng Mỹ Thuật, Trường Cán Sự Y Tế y hệt như thân phụ của ông, cụ Ngô Đình Khả xây dựng Trường Quốc Học Huế năm 1896 (Nguyễn Đức Cung, Diên Lộc Quận Công, Nguyễn Thân, Nhà xuất bản Nhật Lệ 2002, trang 383). Cụ Diệm là người nắm giữ “cái gốc giáo hóa của thánh nhân” mà thời đại của thầy Dương lại có “khí hóa của trời đất” cho nên cái hiền tài nơi thầy Dương mới hiển lộ ra, phát triển ra một cách thấu đáo, triệt để.
Ở Miền Nam, giai đoạn 1954-1975, văn học nghệ thuật được phát triển một cách sung mãn và tự do đúng như lời Phạm Duy từng khẳng định rằng ít nhất Miền Nam cũng có tự do cho vấn đề sáng tác, không như Miền Bắc.
Cái “khí hoá của trời đất” nói như Giáo sư Vũ Khiêu là “hoàn cảnh thịnh trị của đất nước” thì đó là giai đoạn 1954-1963 của Miền Nam Việt Nam khi Cộng Sản chưa khởi động cuộc chiến tranh với tầm mức lớn như trong giai đoạn 1964-1975. Miền Nam dưới thời TT Ngô Đình Diệm thịnh vượng, trù phú, phát triển vượt mức so với Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore v.v… Sau năm 1975, hiền tài đất nước đã trở nên thui chột dưới chế độ Cộng Sản, biến dạng hẳn đi vì tự do bị o ép, trình độ tri thức nghèo nàn, ngu dốt với hai trăm ngàn thạc sĩ ra trường không kiếm được việc làm, phải đi làm thuê, hoặc đi ở đợ cũng vì nạn bằng cấp giả, sính bằng cấp học vị, Theo lời tiết lộ của Giáo sư Trần Văn Thọ, mấy năm trước đây, có bốn ngàn nghiên cứu sinh sắp thi bằng thạc sĩ lại mưu mánh để trở thành được thi lấy bằng tiến sĩ (!). Gian lận đến thế thì hết chỗ nói. Thế nên trở lại vấn đề “hiền tài” của Giáo sư Nguyễn Văn Dương thì là thứ vàng ròng, chính tông, đúng là nguyên khí của quốc gia.
Hình chụp với Thầy Nguyễn Văn Dương nhân dịp Thầy sang Hoa Kỳ, năm 2003.
Thầy Dương và Cô ở Virginia, Hoa Kỳ.
Thầy Dương và nhóm thân hữu tại Virginia, Hoa Kỳ.
Quyển sách mở màn vào triết Đông cho thế hệ chúng tôi...
Một trong những tặng phẩm quý báu của Thầy Dương.
Đây là một trong những nhịp cầu nối tôi với nền tri thức Trung Hoa.
Bút tích của Thầy N.V. Dương tặng sách.
Cứ đọc hết các công trình nghiên cứu của thầy Dương từ tác phẩm đầu tiên đó là dịch phẩm “Đại cương Triết học sử Trung Quốc” mà tôi có trong tay hai bản đó là bản in ronéo năm 1966 có ghi là Tài liệu của Sinh viên Đại học Sư phạm Huế, và bản in của nhà xb Thanh niên và Trung tâm Nghiên cứu Quốc học năm 1998. Tôi rất quý hai cuốn này và cố mua bộ bằng tiếng Anh gồm hai cuốn có tên A History of Chinese Philosophy bản in của Trường đại học Princeton, 1983 đọc mà đối chiếu. Tôi được thầy Dương tặng ba cuốn nghiên cứu và dịch phẩm khác đó là cuốn dịch Từ Điển Lịch Sử Chính Trị Trung Quốc (910 trang do dịch giả đề tặng từ Sài gòn ngày 18-02-2003) do Chu Phát Tăng, Trần Long Đào, Tế Cát Tường chủ biên, cuốn dịch “100 nhân vật có ảnh hưởng trong lịch sử Trung Quốc” (600 trang) do Vương Tuệ Mẫn chủ biên, hoặc cuốn Tìm hiểu các nước trên thế giới (1262 trang, do tác giả đề tặng ngày 24-10-2004 tại Virginia).
Tuy nhiên công trình nghiên cứu của Giáo sư Nguyễn Văn Dương không chỉ trong lãnh vực dịch thuật, nghiên cứu mà còn thể hiện trong các lãnh vực khác như Thử giải quyết vấn đề diễn giả Chinh phụ ngâm (sách dày 729 trang, Luận án Tiến sĩ năm 1991), Tuyển tập Phan Chu Trinh (1995), dịch bộ Khang Hi Đại Đế, hoàn thành bản thảo Khuất Nguyên: cuộc đời, tác phẩm, nỗi lòng
Giao tình giữa tôi với Giáo sư Nguyễn Văn Dương luôn trọn vẹn trong tình cảm thầy trò. Năm 2002, nhân có người bạn về VN, tôi gửi tặng thầy cuốn sách viết về Diên Lộc Quận Công Nguyễn Thân và được thầy viết thư hồi đáp như sau: “Diên Lộc Quận Công Nguyễn Thân” là một công trình lớn có hình thức đẹp, trang nhã, quy mô rộng, bố cục chắc chắn, tư liệu dồi dào, tranh ảnh phong phú, chi tiết trình bày rõ ràng, chặt chẽ, đi vào những uẩn khúc của vấn đề. Tôi đồng ý với anh là ta phải viết lại cuộc đời nhiều nhân vật lịch sử… cũng như đính chính những sự hiểu lầm về những nhân vật lịch sử, riêng về Nguyễn Thân thì phải đính chính những ý kiến sai lệch của Đào Trinh Nhất” (Thư cho tác giả viết từ Sài Gòn ngày 15-7-2002.)
Ngày Chúa nhật 19-02-2017, tôi gọi điện thoại cho chị tôi (Ngọc Diệu) để hỏi về việc chị ấy thay tôi đi viếng lễ tang thầy Dương, chị cho biết: Khi chị đến nhà thầy Dương ở số 220 B, P.14, Q. 4 đường Lê Văn Sỹ được biết linh cữu của thầy đã được di chuyển đến số 25 Lê Quý Đôn vốn là trụ sở quàn của các nhân vật có công trong thành phố. Tại đây chị Ngọc Diệu gặp rất đông người quen và cả chị Cốc, chị Ngọc Sương vốn năm thứ hai Viện Hán Học cùng rất nhiều thân hữu với nhiều vòng hoa đến viếng thầy. Chị đến phúng điếu và nghe nói quan tài sẽ di chuyển về Bình Dương và chôn ở đó. Vòng hoa của Viện Hán Học ghi nhầm là Viện Hóa Học (khổ nỗi chưa?). Các môn sinh của thầy phải chờ cho đến khi vòng hoa được sửa xong mới vào lạy thầy trước linh cữu di chuyển.
Thôi xin kính chúc hương hồn Thầy Nguyễn Văn Dương, nguyên khí của Miền Nam Việt Nam được thanh thản ra đi.
Nguyễn Đức Cung
Philadelphia ngày 20-02-2017
4.- MỘT SỬ LIỆU NỐI KẾT TÌNH BẰNG HỮU
Bốn chữ Hán này là do thủ bút của cụ TRẦN VINH KHÂM, thân phụ của anh TRẦN VINH ANH, ghi trên tập Luận văn của tôi, bản dịch quyển 5 & 6 bộ ĐẠI NAM LIỆT TRUYỆN TIỀN BIÊN. Đây là tập luận văn tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Huế Ban Sử Địa, niên khóa 1962-1965. (Bản dịch thay cho Khảo-luận Tốt-nghiệp; Giáo sư hướng dẫn: Linh Mục NGUYỄN PHƯƠNG, hiện còn lưu giữ trong Tủ Sách NGUYỄN ĐỨC CUNG.)
Tháng Năm, năm 1962, sau khi đỗ Tú Tài Toàn phần ban Cổ Ngữ Hán Văn với nhiều hạng cao, bốn anh em chúng tôi thi đậu vào Trường Đại Học Sư Phạm Huế Ban Sử Địa niên khóa 1962-1965. Theo quy chế của Trường, anh em chúng tôi có học bổng mỗi tháng (1,500 đồng VNCH) và được Trường cấp giấy qua bất cứ tiệm may nào trong thành phố để may một bộ complet. Riêng tôi và Trần Vinh Anh có chân trong đội banh của Trường nên được lãnh một bộ đồ hội tuyển và một đôi giày đá banh đế đinh rất tốt do một tiệm giày chuyên nghiệp ở Huế cung cấp.
Theo truyền thống giữa năm anh em chúng tôi, việc học tổ được duy trì liên tục từ những năm theo học tại Viện Hán Huế, nghĩa là cuối tuần giúp nhau ôn bài vở, giải nghĩa bài, chia xẻ quan điểm, đóng góp ý kiến, thông tin mới. Chúng tôi học được ở Thầy Dương lối học “fiche”, nghĩa là tóm tắt bài học chi tiết vào các tờ bìa đủ để cho vào bọc áo trên nên đi đâu cũng có bài đem theo để học. Vấn đề thứ hai là riêng tôi chủ trương không có tình cảm lăng nhăng với ai mất thì giờ, để ra trường hãy tính. Nhờ vậy mà chúng tôi học hành rất thoải mái. Thứ ba là chịu khó mua sách, tìm sách đọc thêm, mà ở Huế tiệm sách Ưng-Hạ là nơi chúng tôi thường có mặt hằng tuần. Nhịn ăn sáng để có tiền mua sách, việc này rất thường xảy ra đối với tôi.
Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên có 6 quyển: Quyển I và II do Trần Vinh Anh dịch, Quyển III và IV do Lê Ngọc Bích và Nguyễn Lý Tưởng dịch, Quyển V và VI do Nguyễn Đức Cung dịch. Anh Trần Vinh Anh mua được một máy đánh chữ hiệu Hermetz để chuẩn bị cho việc soạn thảo luận văn. Tôi mượn được chiếc máy cũ của LM Nguyễn Phương. Cả hai chúng tôi hì hà hì hục làm việc ngày đêm trên máy đánh chữ. Phần bản khảo luận của tôi gồm 336 trang gồm lời giới thiệu và dịch, dịch âm và nguyên tác.
Để viết lại nguyên bản tôi phải làm một cái khung chữ gồm nhiều ô đặt phía sau mỗi trang giấy trắng rồi dựa lên trên đó mà viết cho thẳng hàng. Chỗ nào viết sai hay lộn là trang đó xé bỏ. Cứ như vậy mà viết cho hết hai cuốn V và VI của Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên, gồm 159 trang chữ Hán.
Về cuốn I và II, do anh Trần Vinh Anh chịu trách nhiệm, phần sao lại nguyên bản bằng chữ Hán có lẽ cũng được cụ Trần Vinh Khâm giúp chút ít nào chăng thì tôi không rõ.
Riêng cuốn III và cuốn IV do hai anh Lê Ngọc Bích và Nguyễn Lý Tưởng dịch chung, thì anh Tưởng đưa sách về làng quê Dương Lộc nghiên cứu và nhờ một người bạn Tàu lai tên Phạm Hữu Minh giúp chép bản chữ Hán.
Sau khi hoàn tất các bản thảo, Lê Ngọc Bích mang tất cả tới Nhà in SAO MAI của Dòng Thánh Tâm ở trên đường Phan Đình Phùng, Huế đóng thành nhiều tập, vì anh Bích trước đây làm việc với các thầy dòng đó. Trở lại với cuốn sách in...
Khoảng đầu năm 1974, tôi liên lạc với nhà sách KHAI TRÍ (qua ông Nguyễn Hùng Trương là chủ cơ sở ở Sài Gòn) để chuẩn bị in cuốn sách.
Đầu năm 1975, sau khi VC chiếm Phước Long, tôi ghé lại gặp ông Khai Trí để trông chừng cuốn sách thì ông tặng một ấn bản hơn bốn trăm trang nhưng chưa có bìa, nói với tôi là xin đợi người ta làm bìa. Ngày 10/3/75 VC chiếm Ban Mê Thuột rồi chiến cuộc xảy ra như thế nào thì mọi người đã biết.
Công tác in cuốn sách tiến hành khá chậm nên đến khi VC vào Sài Gòn mới xong. Dịch giả chúng tôi sau trước đi tù, trừ người đã chết (Trần Vinh Anh) và người còn đi dạy học (Lê Ngọc Bích).
Trong những năm tháng ở tù, tôi luôn nhớ tưởng về cuốn sách chưa kịp chào đời mà đã chịu nạn “lửa Tần” thiêu hóa bởi lẽ nó là một trong hàng chục ngàn cuốn sách của nhà sách Khai Trí đang bị chế độ CS tịch thu dù là sách dịch lịch sử VN.
Những trang sách của ấn bản Khai Trí mà chúng tôi có được sau đây là do sự may mắn của tình cờ. Câu chuyện sau đây cũng là do anh Nguyễn Lý Tưởng cung cấp các dữ kiện.
Hình chiếc máy chữ hiệu ADLER TIPPA mà có một thời LM Nguyễn Phương cho tôi mượn để làm Luận văn tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Huế 1962-1965.
Chắc hẳn nhiều người ngạc nhiên nêu ra câu hỏi vì sao tôi lại có được những trang đầu của ấn bản Khai Trí trong khi toàn bộ sách in và các ấn phẩm khác đều bị tịch thu và đốt bỏ hết? Việc này có liên quan đến cựu Đại Tá VC Bùi Tín.
Số là ở Huế ai cũng biết đến nữ giáo sư Bùi Ấu Lăng, dạy môn Văn, xuất thân Đại Học Sư Phạm Huế, là một trong những sinh viên giỏi của Trường ĐHSP. Chị Bùi Ấu Lăng là phu nhân của Giáo sư Nguyễn Bào dạy ĐHSP Ban Khoa Học. Chị Bùi là hậu duệ dòng đích của cụ Bùi Bằng Đoàn, nguyên Thượng thư triều Nguyễn. Ông Bùi Tín thuộc dòng thứ. Năm 1945, Bùi Tín mới 17 tuổi học Trường Quốc Học Huế, theo Việt Minh sau cái gọi là “cách mạng tháng Tám”rồi đi ra Bắc luôn. Sau ngày 30/4/1975, Bùi Tín vào Nam tìm lại bà con tại Sài Gòn mà lúc bấy giờ chị Bùi Ấu Lăng dạy học ở Đà Lạt. Ông Bùi Tín tìm lên Đà Lạt và rồi chị cùng gia đình về Sài Gòn. Nhờ uy tín riêng lúc đó, Bùi Tín vận động để chị tạm trông coi kho sách của Khai Trí. Một hôm chị trông thấy cuốn sách của chúng tôi trong kho của Khai Trí, cuốn Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên, và biết chúng tôi vốn là những thân hữu và đồng nghiệp. Chị Bùi Ấu Lăng xé mấy trang đầu của cuốn sách và sau đó giao cho anh Lê Ngọc Bích. Trước khi anh Nguyễn Lý Tưởng sang Hoa Kỳ theo diện HO (năm 1993), Lê Ngọc Bích kể lại chuyện và giao cho anh Tưởng mấy trang sách quý báu đó. Anh Nguyễn Lý Tưởng cũng kín miệng không nói chuyện đó cho mãi cách đây một năm tôi bắt gặp trang in chữ Hán cuốn sách trên mạng của VietPen do chị Cung Thị Lan làm Chủ tịch Văn Bút. Tôi liên lạc anh Nguyễn Lý Tưởng và được anh cung cấp thêm tư liệu và chuyện kể.
Một góc của bàn máy chữ xưa hiệu ADLER TIPPA.
Trang mở đầu quyển V tờ 1a, bộ Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên, trong Luận văn tốt nghiệp ĐHSP Huế, Ban Sử Địa 1962-1965. Thủ bút chữ Hán của Nguyễn Đức Cung.
Một trang tư liệu viết tay trong Luận văn tốt nghiệp... với thủ bút chữ Hán sáu mươi năm về trước.
Một trang bản in của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn với tên đề cuốn sách “ĐẠI NAM LIỆT TRUYỆN TIỀN BIÊN” cùng họa tiết mây và kỳ lân xung quanh.
Nguyễn Đức Cung, Philadelphia 30-9-2024