Chữ Nghĩa Làng Văn
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng
“Chữ Nghĩa Làng Văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải – Ngộ Không Phí Ngọc Hùng.
***
Chữ là nghĩa
Ở giữa miền Trung có sự phiên âm Việt, Pháp, Hoa lung tung: Láng Cò hay làng cò biến thành… Lăng Cô.
(Tự điển dân gian - Chân Diện Mục)
Tìm lại tam cúc
Nhà thơ Nguyễn Bính dĩ nhiên cũng vướng thơ vào trò chơi đậm chất dân gian này.
Mẹ tôi uống hết một cốc rượu
Mặt người đỏ tía vì hơi men
Người rủ cô tôi đánh tam cúc
Cười ầm tốt đỏ đè tốt đen.
Trong ván bài tam cúc hồi hộp nhất là hạ quân bài kết. Những người đánh cao, khi nhìn bài của mọi người, có thể đoán để làm một cú kết ngoạn mục. Kết bằng đôi tốt đen, con bài hạng bét, nếu thành công sẽ thắng lớn. Mọi người phải chung bộn tiền. Nhưng nếu có một người cao tay hơn, giữ đôi tốt đỏ, đè đôi tốt đen, thì người kết tốt đen phải chung tiền cho cả làng!
(Song Thao)
Đế Gò Đen
Đế Gò Đen, là tên một loại rượu trắng nổi tiếng của miền Nam.
Đây là một loại rượu được nấu từ gạo, hoặc nếp mỡ, nếp than, theo phương pháp cổ truyền, sản xuất ở địa danh Gò Đen, Bến Lức, tỉnh Long An.
Thanh Tịnh, cuộc đời Ngậm ngải tìm trầm - 1
Nhưng cuộc đời không phải chỉ có những cái đó.
Cuộc đời trước tiên là một nhịp sống bình thường. Hàng ngày cơ quan chúng tôi túm tụm, người mới đọc được quyển sách hay, cứ gặp nhau là dính với nhau, tiếng cười vang lên trong các gian phòng đóng kín, khiến người qua lại phải giật mình.
Trong những hội vui đó, không có Thanh Tịnh.
Tôi nghĩ rằng một người nhạy cảm như tác giả Quê Mẹ rất biết tình thế của mình. Ông không chống chọi nổi với thời gian, song ông hiểu. Bằng cái từng trải lâu năm, ông cũng không buồn vất vả xoay xoả viết lấy được – mà cùng với những bế tắc trong hoàn cảnh riêng, ông sống như sống cho xong, buông thả, vui chơi qua ngày, đến đâu thì đến.
Những ấn tượng trên đến với tôi ngay từ những ngày mới đặt chân về công tác ở tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, tức khoảng 1968. Ở vào cái tuổi chưa đầy sáu mươi mà Thanh Tịnh những năm đó trông đã già lắm, già hơn tuổi rất nhiều. Hồi ấy, một tờ báo ra hàng tháng như chúng tôi chưa có ô tô riêng, bởi vậy, trừ những trường hợp đi các tỉnh xa, xin được xe Tổng Cục, còn đi đâu loanh quanh Hà Nội, thì cứ xe đạp cá nhân mà đạp.
Thanh Tịnh – người cao tuổi nhất cơ quan – cũng không ra khỏi thông lệ đó. Với một xe đạp cũ, ông tự mình có mặt ở khắp nơi, buổi họp này, dịp vui kia, và mặc dù đi bên cạnh mọi người, song cái dáng cao lớn trên cái xe loại vành 680 lại cứ làm cho ông tách hẳn ra. Nhưng muốn biết Thanh Tịnh đơn độc thế nào, phải nhìn những lúc ông đi bộ. Trên đường Phan Đình Phùng, dưới những hàng sấu, cũng già cả mệt mỏi, ông bước đi như không thể dừng lại nên phải bước, khuôn mặt đăm chiêu, dáng điệu đờ đẫn. Không trù tính định liệu, không ham muốn, ông nhìn thẳng về phía trước mà hoá ra chẳng nhìn gì cả. Đến cả bước chân cũng không ai nghe tiếng nữa. Chỉ có tiếng thở dài của ông là có thật.
(Vương Trí Nhàn)
Thằng với... ông
Chữ Hán “thượng” là trên, qua chữ Nôm có một, hai nét ngang, dọc để gọi là “thằng”.
“Thượng” đi với “thằng” ít lâu, người Việt ta gọi là…”ông”.
Chỉ người…đàn ông.
(Trần Quốc Vượng – Văn Hóa Việt Nam)
Thanh Tịnh, cuộc đời Ngậm ngải tìm trầm - 2
Tôi nhớ những ngày mùa rét, Thanh Tịnh hay bận ra ngoài một cái áo dạ màu cổ vịt, một màu rất chua, và chói hẳn lên giữa đám người nâu sồng hoặc toàn quần áo màu xám chung quanh. Đấy cũng là một cách để tỏ rõ cái khác biệt với chung quanh chăng? Cũng có thể Thanh Tịnh không cố ý, nhưng cái cách của ông cứ xui người chung quanh nghĩ thế. Vả chăng, cái con người thật của chính mình, thì mỗi người làm sao giấu được! Trước mặt Thanh Tịnh nhiều người khen lấy lòng: “Anh Tịnh vẫn galant quá”, nhưng sau lưng, tôi biết người ta vẫn thầm thì với nhau: cụ phải làm thế vì già rồi, lại dân nghiện cũ, lâu không tắm.
Phần lớn các thiên truyện Thanh Tịnh viết trong Quê Mẹ là những truyện buồn. Cô Duyên trong Bên Con Đường Sắt chịu sự đàm tiếu của mọi người mà đâu có hạnh phúc. Cô Hoa trong Con So Về Nhà Mẹ sống trong cái tâm trạng chán nản rồi ao ước hão. Ở nơi này thì bảo rằng ở nơi kia khá hơn. Cho đến cô Thảo trong Quê Mẹ cũng phải nhắm mắt nhắm mũi mà sống, luôn luôn ra vẻ rằng mọi người trong gia đình mình quý mến nhau lắm. Nhưng có lẽ thiên truyện gần với con người Thanh Tịnh về sau, mà cũng là đậm chất Huế của quê hương ông là truyện Con Ông Hoàng. Trước cảnh gia đình túng đói, ông Hậu, con ông Hoàng vẫn phải cố giữ lấy chút tiếng hão. Ông phải giữ tiếng cho mình và cho mọi nguời, vì cái tiếng của ông đã quá lớn. Chung quanh và chính ông đã ép ông thành một thứ phượng hoàng nhồi rơm nhồi trấu rồi treo trên tường, ông phải giữ lấy cái vai đã có.
Lại nhớ cái phòng bảo tàng những thứ cổ vật mà Thanh Tịnh xây dựng cho mình, trên cái phòng số 14 gác 2 nhà số 4 Lý Nam Đế những năm ấy. Nghèo thế, Thanh Tịnh của chúng tôi lấy đâu ra tiền để mua cổ vật? Chẳng qua buồn tình quá, ông nhặt nhạnh một ít đồ cũ, xếp cho ra bộ, trong lúc không ai biết chơi thì cách chơi của ông đã là độc đáo, thế thôi.
Song giá kể chỉ dừng lại ở chỗ ấy, thì Thanh Tịnh lại đi hơi quá: Từ lúc nào không biết, ông hay kể lể về cái bộ sưu tầm của mình. Toàn đám tinh ma, cố nhiên là chúng tôi có biết cái sự tô vẽ của Thanh Tịnh. Thanh Tịnh cứ nhặt nhạnh và mang ra khoe. Còn chúng tôi thì lúc nghe ông nói, phải giữ bộ mặt nghiêm trang cho khỏi bật cười. Trò chơi hơi buồn!
(Vương Trí Nhàn)
Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả
Sai chính tả do không nắm được nghĩa yếu tố cấu tạo từ;
chầy: chầy chật. → không viết: trầy”.
Viết chuẩn là “trầy trật” (trầy da, trật xương).
(Hòang Tuấn Công)
Chân dung Văn Học Nghệ Thuật & Văn Hóa
Bước sang thời hiện đại, những tác phẩm được viết dưới dạng “chân dung,” một tập hợp những phác thảo đại cương, thay vì một nghiên cứu chuyên sâu, về nhiều văn nghệ sĩ, mà cuốn mới nhất trình làng năm 2017 này chính là tuyển tập nhan đề Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật & Văn Hóa do Ngô Thế Vinh biên soạn.
Hãy nghe ông tâm sự với nhà văn Phùng Nguyễn:
“Loạt bài chân dung văn nghệ sĩ đến với tôi như một sự ‘tình cờ.’ Khởi đi từ một bài viết ‘Nhớ về người bạn Tấm Cám Nghiêu Đề’; họa sĩ Nghiêu Đề là một cố tri từ tuổi thanh xuân, sau bài viết đó, tôi nhận được feedback từ Đinh Cường, tỏ ra rất tâm đắc với bài viết và đã đưa ra nhận định: không thể viết về Nghiêu Đề hay hơn Ngô Thế Vinh. Rồi kể tới những khích lệ của các bạn văn như anh Phạm Phú Minh Diễn Đàn Thế Kỷ, anh Phùng Nguyễn chủ biên Da Màu…”
(Trịnh Y Thư)
Xuân Sách và…- 1
Tôi rót rượu vào ly của ông. Ông run run đưa ly rượu lên môi, ngửi tí rồi đặt xuống. Tôi biết ông từng uống được rượu, say được rượu. Nhưng bây giờ thì không. Cũng như ông đã từng “uống” được cuộc đời này, say với cuộc đời này. Nhưng bây giờ thì say đến mức... lộn mửa ra mất rồi. Bài thơ ông viết về rượu, nhưng chính là nói về cuộc đời: “Đừng rót nữa tôi không sành rượu / Uống không say thì uống làm gì. “ (bài Rượu).
Vần thơ giản dị như câu nói mà thực là đã chạm tới những bí ẩn của cõi huyền vi. Ông bắt đầu cảm thấy mình “thừa” từ lúc nào vậy? Từ lúc ông thuộc lòng cuộc đời này và lập tức, ông cũng từ chối luôn cái phần đểu giả của nó. Song ông thuộc lòng nó theo cách thuộc của một bậc tiên tri: “Vừa chấm hết rừng thì đã biển / Cuộc đua vô tận với thời gian / Cây có trăm năm thành cổ thụ / Biển nghìn vạn thuở vẫn thanh tân...” (bài “Hồ Cốc”).
Thế mới biết ngoài đọc thơ còn phải... đọc người. Bài thơ đầy ắp âm hưởng Đường Thi này còn ba khổ thơ nữa. Ông xé đôi mình ra để ví với rừng, với biển. Tôi cho đây là một thứ “chân dung” của ông, của một bậc nhân giả biết từ chối mà không từ bỏ. Hình như tôi vừa chợt nhận ra một điều. Cái gì đã làm nên sự uyên bác và từng trải nơi ông, nơi những người như ông? Sau này có ai viết về ông, về những người như ông thì tôi xin đưa ra gợi ý. Rằng cái đó chính là... sự thật, ông đã chứng ngộ được sự thật. Và đó cũng chính là nỗi bất hạnh của ông, của người như ông.
(Phạm Lưu Vũ)
Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả
“cheo: quắt cheo”.
Chỉ có “quắt queo” (ghép đẳng lập): “quắt” = khô cong, teo lại; “queo” = cong, co lại.
chéo: chéo ngoe. → không viết: tréo”. (Nguyễn Văn Khang)
Viết “tréo” mới đúng (“tréo” = cái nọ quặp, ngoắc, vắt lên cái kia).
(Hòang Tuấn Công)
Xuân Sách và…- 2
Cách đây hơn hai chục năm, văn nhân thi sĩ Xuân Sách hăm hở xách vợ con hành phương Nam, tới cái phố biển Vũng Tàu quanh năm lộng gió này. Ông xuống biển để đơn giản là làm một người lương thiện. Nhưng: “Như những người lương thiện / Sống đời không bình yên” (bài “Cây Dừa”). Ông biết cuộc đời này, người lương thiện khó mà sống bình yên cho được.
Song ông đâu có ngờ rằng có những cái còn hơn cả sự “không bình yên” nữa kia. Đó là việc ông bắt đầu một công cuộc của một ẩn sĩ cô đơn, ngày càng cô đơn cho tới tận bây giờ. Căn hộ tập thể bốn mét nhân hơn chục mét người ta phân cho ông từ ngày đó, đến nay vẫn nguyên xi sự tồi tàn, trong khi ông đã trở thành cổ kính. Dễ hiểu rằng nếu ông không cảm thấy cô đơn thì mới là chuyện lạ: “Bỗng có lúc thấy mình là khách / Mọi thứ thân quen chợt lạ lẫm không ngờ / Chiều chạng vạng vui buồn đi theo nắng / Còn một mình ngồi với trắng cơn mơ.” (bài “Bất Chợt”).
Hãy nhìn nụ cười của ông kìa. Ông đang cười rung toàn thân, cười muốn rụng cả cái xương quai hàm vốn chỉ còn lỏng lẻo. Tôi nhìn ông cười và chợt hiểu. Người như thế, thơ như thế nếu có bị cô đơn, thì cũng là sự cô đơn của một kẻ sĩ, của một bậc hiền nhân. Ông cười vì xưa nay, những hiền nhân cô đơn giữa chợ búa hay chốn hang sâu bao giờ cũng là chuyện bình thường, chuyện đời nào cũng thấy. Mặc dù kẻ đắc chí thì lúc nào mà chẳng đầy rẫy, nhan nhản từ trời gần cho đến trời xa... Nhưng đốt đuốc tìm trong cái đám nhan nhản ấy, có mấy ai là hiền nhân quân tử đâu. Điều đó, ông đã không lấy làm lạ từ lâu lắm rồi.
(Phạm Lưu Vũ)
Tên thật Ngô Xuân Sách.
Bút hiệu khác: Lê Hoài Đăng.
Tác giả 4 tiểu thuyết, 4 tập truyện, 4 tập thơ.
Trong 4 tập thơ có:
Nơi Đi và Đến, Chân Dung Nhà Văn
Người Ơi, Người Ở Lại và Cõi Người
230 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Đúng 65 năm trưóc trong số báo đầu tiên của Tạp Chí Tao Đàn được đánh giá là "tạp chí văn chương hay nhất thế kỷ 20 của Việt Nam" do Thạch Lam và Lưu Trọng Lư làm thư ký tòa soạn, đã in bài ”Đọc thơ Xuân Diệu”. Đây là lần đầu tiên thơ Xuân Diệu bị… chê , mà người chê chính là Lưu Trọng Lư người cùng Thế Lữ khởi xướng ra phong trào “ thơ mới “.
Xuân Diệu không phải là hạng thi nhân ấy. Xuân Diệu từ phương xa lại. Quê hương của người ấy phải là trên bờ sông Seine , trước cửa sổ của chàng là những hàng “ô liu” trắng những tuyết . Chàng ấy đã mang lại cho ta một cuộc đời mới. Chàng đã đến với sự bồng bột, mãnh liệt của người xứ lạnh. Chàng đã làm cuộc sống thành một đạo- giáo để tôn thờ, để tin yêu, để say sưa, để đắm đuối. Chàng là một tâm hồn tha thiết, một tâm hồn đã nhuần tắm trong những luồn tư tưởng xán lạn, tưng bừng của Andre Gide hay Oscar Wilde.
Một hôm đọc những bài thơ của Xuân Diệu đăng trên báo Ngày Nay, một người bạn đã hạ một câu cụt ngủn: “ Thơ Xuân Diệu tây quá “. Câu ấy bạn anh nói với một cái bĩu môi. Anh cũng nhận thế nhưng có chỗ muốn nghĩ khác: “Thơ Xuân Diệu “tây “ nhưng mà có lẽ Tây một cách thành thực“. Mà khi nói đến thành thực, người ta không có quyền bĩu môi.
Xuân Diệu là người học trò của “ trường học “ mới, một người đã tìm nguồn sống ở đôi vú sữa phương Tây. Nếu thơ chàng ta có nhiễm một mầu tây phương, cũng không biết làm thế nào được kia mà! Vì tài nghệ không cải tạo được tâm hồn, không thay đổi được sự thành thực. Chỉ có một cách là đổi ngay cái chất mầu ở dưới đất mới mong thay được sắc lá của sinh vật. Thường thường thi nhân chỉ là một cái hoa bất ngờ nở ở bên đường.
Vậy một bông hoa đã nở, ta hãy chịu để cho nhà thơ ấy cứ là “mình“ với tất cả cái bản sắc của mình. Và trước mắt ta đã thấy hiện ra một người Việt-Nam “Tây “ một cách táo bạo, “Tây” với tất cả tâm hồn, từ những tình cảm đến những hình ảnh và ý tưởng.
Bửa nay lạnh, mặt trời đi ngủ sớm,
Anh nhớ em, em hỡi ! Anh nhớ em ..
Không gì buồn
(…)
Anh nhớ anh .
Anh nhớ em! Anh nhớ lắm em ơi
(Tương Tư Chiều)
(Lưu Trọng Lư chê thơ Xuân Diệu đầy nô lệ tính)
Một mảng văn học bị bỏ quên, bỏ qua
Văn nghệ miền Nam không có quá khứ
Tam Lang (Vũ Đình Chí – phóng sự Tôi Kéo Xe), trong một bài nói chuyện với sinh viên đại học Văn khoa Saigon về cuộc đời làm văn làm báo của mình, đoạn nói về thời kỳ vào Nam làm báo đến xin việc một tòa báo đã bị từ chối với lý do báo Nam Kỳ không xài dân Bắc. Nếu Tam Lang được biết Lê Hoằng Mưu là người đã bị "Phạm Duy Tốn châm chít" thế nào hồi 1915 thì ông đã dễ chấp nhận hơn sự thất vọng của mình.
"Chân ướt chân ráo đến Saigon, sau khi hỏi thăm đường lối của "Hòn Ngọc Viễn Đông" chúng tôi (?) xách cả khăn gói valy cuốc bộ đến chủ nhiệm là ông Nguyễn Văn Của (tức là Huyện Của) không có mặt, người tiếp chúng tôi là ông Lê Hoằng Mưu, chủ bút. Vẻ niềm nở của ông đem lại cho chúng tôi hy vọng phen này đạt được chí lớn, nhưng ngay sau khi đó 10 phút, chúng tôi thất vọng, khi ông cho biết: báo Nam Kỳ không xài dân Bắc vì 99% độc giả là người miền Nam".
(Lê Tấn Tài giới thiệu và trích dẫn)
Độc giả
Theo Hán-Việt từ điển của Đào Duy Anh thì độc là đọc sách. Độc giả là người đọc sách. Tôi đã thử tìm chữ "người đọc" trong Từ điển An Nam – Lusitan - Latin của Alexandre de Rhodes xuất bản tại Rome năm 1651: Không có. Tìm chữ "độc giả": Cũng không có. Cả trong cuốn Việt Nam Quốc Âm Tự Vị xuất bản tại Sài Gòn năm 1895 của Huỳnh Tịnh Paulus Của cũng không có hai chữ ấy.
Dĩ nhiên, tôi biết, chưa thể vì sự vắng mặt này mà chúng ta đã có thể đi đến kết luận là trước thế kỷ 20 hai chữ "độc giả" hay "người đọc" không từng hiện hữu. Có thể chúng đã có, nhất là chữ "độc giả". Có thể. Nhưng nếu có: Chúng nằm ngoài lỗ tai của Alexandre de Rhodes và cũng nằm ngoài sự ghi chép nhất định là rất cẩn thận và nghiêm túc của Huỳnh Tịnh Paulus Của.
(Nguyễn Hưng Quốc – Viết Cho Ai?)
Tản mạn về tiếng Việt
Chiếc
Chiếc lá, chiếc khăn, chiếc gối, chiếc nón, chiếc bánh, chiếc máy bay, chiếc phi cơ, chiếc đồng hồ, chiếc đũa, chiếc giầy, chiếc xe (ở đây ta thấy đồng hồ, phi cơ, và xe là những vật có động chứ không tĩnh, đáng lẽ phải gọi là con đồng hồ, con tầu bay (hay con phi cơ) và con xe, như thường gọi con thuyền, con tầu... Nhưng không ai gọi thế, mà cứ gọi là chiếc.
Tôi xuýt quên: Còn chiếc bóng nữa. Và đây mới là điều quan trọng. Và hai từ chiếc bóng thường đứng trước hai chữ lẻ loi. Điều này nhắc chúng ta rằng trong chữ chiếc, có hàm ý không có đôi.
Cho nên đáng lý ra chỉ những thứ gì có đôi mới nên dùng mạo từ chiếc, khi nó thiếu đôi. Chiếc bóng lẻ loi vì chỉ có một người hoặc góa vợ, góa chồng, hay vắng người yêu. Cũng như giầy phải có đôi, dép phải có đôi, đũa phải có đôi. Khi nói chiếc đũa, chiếc giầy, chiếc dép là có ý chỉ đũa, giầy, dép lẻ loi, dép nửa đôi.
(Minh Võ)
Một số sai lầm khi dùng từ Hán-Việt
Tiếng Hán-Việt là một phần trong tiếng Việt lâu đời. Vì vậy khi nói hay viết tiếng Việt, thỉnh thỏang chúng ta đều có dịp dùng từ Hán-Việt do nhiều nguyên nhân khác nhau, vô tình có thể mắc phải một số sai lầm. Chúng tôi xin nêu ra một ít những sai lầm ấy mà chúng tôi góp nhặt được theo sự hiểu biết hạn hẹp của chúng tôi:
Sai lầm về chính tả hàm súc, súc tích
súc viết với chữ “s” và có nghĩa là “chứa đựng bên trong”.
Hàm súc hay súc tích được hiểu là “ý tứ dồi dào, cô đọng”.
(Lưu Khôn)
Bánh đúc lạc
Còn nhà văn Vũ Bằng đã từng viết: “Bánh đúc mát cái mát của Đông Phương, thâm trầm và hiền lành chứ không rực rỡ và kêu gào ầm ĩ”. Chỉ một câu đó cũng đã đủ nói lên cái hương vị rất riêng của món bánh đúc.
Người Hà Nội coi món bánh đúc lạc chấm tương là món quà quê dân dã mà ai đã một lần ăn thì khó có thể quên được, bánh đúc lạc chấm với tương ăn vào người ta có cảm giác như có một làn gió đồng nội man mát thổi qua, đem lại một hương vị vừa thân quen, vừa mới nhưng không lạ...
(Tuệ Phong)
Cây dừa
Cây dừa tiếng Bắc thời vua Lê chúa Trịnh gọi là “cây da”.
Thời chúa Nguyễn, theo chân những người di dân vào miền Nam khai phá đất hoang vẫn là cây dừa.
Phương ngữ Vĩnh Long gọi là cây gừa, Ba Tri gọi là cây già.
Phỉ phong
Ngần ngừ nàng mới thưa rằng
Thói nhà băng thuyết chất hằng phỉ phong
(Kiều - Nguyễn Du)
Rau phỉ, rau phong, nhà nghèo ăn hai thứ rau “tập tàng” này.
Chữ nghĩa làng văn
Tô Hoài
Ở khách sạn Long Xuyên có một cái núi non bộ lớn, người ta nuôi cá, nuôi khỉ, nuôi bồ nông, cò, vạc... Cứ xích chân, xích cổ vào hòn giả sơn. Tôi thấy Tô Hoài đứng hàng giờ quan sát các con vật và thỉnh thoảng lại phát hiện ra một điều gì lạ ở chúng, như chân con vạc nó thế nào đấy, hay con khỉ lại biết chơi trò thủ dâm...
Tôi để ý đến cặp mắt của ông: nhỏ, dài, và hẹp. Gọi là mắt ti hí. Mắt như thế là tinh quái lắm. Cái gì cũng biết, không gì qua mắt được. Mà toàn phát hiện những điều ngộ nghĩnh, buồn cười ở người ta và diễn đạt bằng một vài từ rất gọn và đích đáng. Người nào bị phát hiện ở khía cạnh ấy lập tức trở thành tầm thường.
(Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh)
Chúa Nguyễn mở rộng bờ cõi đến lưu vực sông Đồng Nai
Các chúa Nguyễn mở rộng thêm bờ cõi về phương Nam để đi tìm nguồn lợi. Đó là vùng đất thuộc lưu vực sông Đồng Nai. Lúc bấy giờ vùng đất này có tên là Thủy Chân Lạp (1) Đây là vùng đất mà thế kỷ VI, Chân Lạp đã chiếm của Phù Nam.
Sau Chân Lạp đã qua thời cường thịnh nên thường bị Xiêm La đánh phá. Vua Chân Lạp Chey Chetta II xin kết hôn với công nương Ngọc Vạn, con gái thứ hai của Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên để có thêm đồng minh.
Được sự trợ giúp của chúa Nguyễn, hai lần quân Xiêm (1621 và 1623) bị đẩy lui. Sau sự việc này, chúa Nguyễn xin vua Chân Lạp cho phép dân Việt đến khai khẩn đất đai trong vùng (2) Prey Norko và Kampong Krabei (Gia Định và Bến Nghé) (2)
30 năm sau Chey Chetta II băng hà, vì tranh gianh ngôi vua với Nặc Ông Chân, và do ảnh hưởng của Thái hậu Ngọc Vạn, nhóm hòang thân mất ngôi chạy sang nương nhờ chủa Nguyễn. Chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần đem 3000 quân đển Mỏ Xòai bắt được Nặc Ông Chân đưa về an trí ở Quảng Bình, phong con trai của thái hậi làm vua.
Dựa vào vậy, nhà chúa xin vua Chân Lạp đem đân Việt đến Mỏ Xòai (Bà Rịa) (3) để khai khẩn đất hoang.
(Trần Văn Miêng)
(1).Chân Lạp có 2 vùng đất: Thổ Chân Lạp và Thủy Chân Lạp.
(2).Vì thường xuyên có chuến tranh với Xiêm nên Thủy Chân Lạp bị bỏ hoang. Một phần nữa, vùng đất này hay bị lục lội nên có tên là Thủy Chân Lạp.
(3).Có 2 giả thuyết về tên Bà Rịa
Theo truyền thuyết có bà Nguyễn Thị Ria, năm 1680 từ Phú Yên vào đây (làng Long Đất) lập nghiệp. Trước khi qua đời, vì không có con cái bà đem 300 mẫu ruộng chia cho dân nghèo nên họ lập miếu thờ bà và gọi vùng này là Bà Rịa.
Thuyết thứ hai theo nhà khảo cổ Pháp L. Malleret: “Địa danh Bà Rịa bắt nguồn từ tên gọi Ba Rey (tên của một cái bàu ở Long Điền) chuyển sang âm Việt là… Bà Rịa.
Học lại chữ Hán
Về cơ-thể-học, ta chỉ biết có xương, máu, và ruột mà thôi, còn tim, gan, phổi đều mượn của Tàu. Điều đó không có gì lạ. Vương Mãng đã có chiếu cho phép các y sĩ Trung-Hoa giải-phẫu xác chết để học tức y-học của họ đã tiến bộ rồi phần nào (theo bác-sĩ Huard), còn ta thì chưa tiến được như vậy, nên chỉ biết những gì ta tự nhiên mà thấy: máu chảy khi bị thương, lòi ruột khi bị đâm, và xương cốt người chết.
Nhưng điểm này lạ lắm là ở bề ngoài, ta có đủ tiếng cả, không phải vay mượn của Tàu, từ ngón tay, ngón chân đến da thịt, nhưng tiếng đầu, ta lại mượn của Tàu. Quan-thoại nói Thủ, Quảng-đông nói Thầu, Hán Việt nói Thủ, ta nói Đầu.
Đầu của ta, chắc chắn là vay mượn.
(Gương mặt dân Lạc Việt qua ngôn ngữ Việt – Bình Nguyên Lộc)
Lịch sử người Hoa ở Cù Lao Phố
Nhóm Trần Thượng Xuyên đã nhìn ra địa lợi vùng đất mang tên Chợ Lớn sau này (sau khi tên Sài-Gòn được đặt cho Bến Nghé), tương tự như lý do tại Biên Hòa, nhóm này đã chuyển từ “Bàn Lân” lên Cù Lao Phố, để lập nghiệp.
Lý do chính là Bàn Lân là nơi rừng rú, lúc đó còn nhiều hươu nai ở, người Việt sống tại đây săn bắn với làm nông, rẫy là chính (Lộc Dã là chữ Hán để dịch nghĩa cánh đồng có nhiều nai, Đồng Nai là tiếng Việt, người Tầu đọc ngọng thành Nông Nại). Ở chung với người Việt một thời gian, những người Tầu phát hiện ra một nơi mà người Việt gọi là “phố cù lao”, sau này họ gọi là Cù Lao Phố.
Đó là một bãi cát do sông Hương Phước (một đoạn sông Đồng Nai) bồi lên. Chiều dài khoảng 3 cây số, chiều ngang khoảng 2 cây số. Tuy Cù Lao Phố khá xa biển, nhưng nhờ đường sông sâu, rộng nên có thể đi ra biển qua nẻo Cần Giờ, hoặc đường bộ sang Miên khai thác lâm sản. Không mấy lâu sau, người Hoa dời ra sống trên Cù Lao Phố, làm ăn buôn bán phát đạt.
Cù Lao Phố là giao điểm của giao thương. Bến Nghé đã là nơi của chúa Nguyễn giành cho người Việt, nhưng Phiên Trấn lại nhờ con rạch nhỏ sau đào lớn thành Kinh Tàu Hủ (có nguồn gọi là Kênh Cổ Hủ, và cho là vì hình dạng như cổ cái hũ, to rồi thắt lại), mà có thể là nơi giao lưu đi khắp nơi theo những đường sông rạch mà qua các tỉnh miền đông và miền tây.
(Huỳnh Thị Mỹ Nhàn)
Vài nét cổ truyền nghề gốm Bát Tràng
Gốm Bát Tràng là tên gọi chung cho các loại đồ gốm được sản xuất tại làng gốm Bát Tràng thuộc xã Bát Tràng (gồm hai thôn Bát Tràng và Giang Cao thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội). Theo nghĩa Hán Việt, chữ Bát nghĩa là chén bát, đồ gốm và chữ Tràng (hay Trường) là chỗ đất dành riêng cho nghề chuyên môn.
Tương truyền, gần 6 thế kỷ trước, có một nghệ nhân cao tuổi, từ làng Bồ Bát trong Thanh Hóa đến Bát Tràng hành nghề, dựng nghiệp, rồi truyền lại nghề gốm bàn xoay cho dân làng. Còn theo những gì được ghi lại trong sử sách thì làng nghề Bát Tràng cũng đã có đến 500 năm tuổi. Một số thư tịch cổ có ghi việc thời Lê sơ, thế kỷ 15, các cống phẩm triều đình cống nạp cho nhà Minh bên Trung Quốc gồm các sản vật quý như gấm vóc, lụa là, châu ngọc, và có cả đồ gốm Bát Tràng. Nhưng có thể nói, nghề gốm ở Bát Tràng cực thịnh là vào thế kỷ 16, 17. Nhiều đồ thờ quý giá ở những đình, đền, chùa, miếu còn đến nay, thấy có ghi tên tuổi những người cúng tiến và thời gian chế tác, thì biết những đồ gốm Bát Tràng cực kỳ đẹp cả cốt, dáng, nét, và men đã ra đời vào thời Mạc Mậu Hợp và thời Lê Trung Hưng.
(Phạm Phương)
Chữ nghĩa làng văn
Theo tập tục “giải đen” cuối tháng, người Việt kiêng không ăn thịt chó vào ngày đầu năm, đầu tháng, song họ tin rằng ăn thịt chó vào những ngày cuối năm, cuối tháng lại có thể xua đi vận đen đủi, để bước đầu năm mới, đầu thàng may mắn hơn. Sang đến đầu tháng người ta thường ăn những món ăn như tiết canh với màu đỏ của huyết hy vọng cả tháng sẽ gặp nhiều điềm lành.
Thật vậy, thịt cầy ở nước ta không phải là một món ăn như thịt dê, thịt lợn, nhưng nó lại còn là một niềm tin tưởng trong dân gian nữa. Vận đương xúi quẩy, ăn một bữa thịt chó vào để giải đen. Đánh bạc thua liền ba đêm, này! Ăn một bữa thịt chó, có người gỡ lại hết cả tiền thua, mà lại còn được thêm là khác. Thử hỏi trong tất cả các món ăn có món ăn nào khả dĩ lại di chuyển được vận hạn của con người đến thế hay không?
(Thịt chó là món ăn truyền thống của người Việt? - Tôn Thất Thọ)
Để nhớ lại một thời
Hoài niệm xe đò - 1
Trước 1975, Xa cảng miền Tây là bến tập trung các xe đò về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, bên cạnh đó lại có bến xe Chợ Lớn đi về Cần Giuộc, Gò Công, Lý Nhơn, về sau bến xe này gộp lại với Xa Cảng Miền Tây mở rộng thành Bến xe miền Tây nằm trên đường Kinh Dương Vương quận Bình Tân.
Còn bến Miền Đông dành cho xe đi các tỉnh miền Trung và phía Bắc trên đường Petrus Ký trước kia thì gộp lại với hai bến xe nhỏ là Nguyễn Cư Trinh đi lộ trình cao nguyên và Nguyễn Thái Học đi Long Hải – Vũng Tàu – Phan Thiết. Sau đó vài năm chuyển về bến xe Văn Thánh, và cuối cùng yên vị tại Bến Xe Miền Đông trên đường Đinh Bộ Lĩnh hiện nay.
(Trang Nguyên)
Võ Kỳ Điền với thảo mộc
Cây bạch dương
Chúng ta thường bắt gặp cây bạch dương trong thơ văn. Như trong Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh của Nguyễn Du: đường bạch dương bóng chiều man mát, ngọn đường lê lác đác mưa sa.
Cây bạch dương thuộc họ dương liễu Salicaceae) có nhiều loại nhưng giống nhau có vỏ trắng, sớ gỗ mềm, thường dùng làm diêm quẹt. Người da đỏ tách vỏ cây bạch dương già (birch) kết chặp vào nhau, dùng nhựa thông trét kín nước, để làm ghe kayak (canoe). Ghe kayak nhẹ chắc chắn, khi phải qua rừng rậm, núi non, thổ dân có thể đội ghe trên đầu mà đi.
Để nhớ lại một thời
Hoài niệm xe đò - 2
Nhưng nghe đâu hai bến xe này sẽ phải dời ra xã Tân Túc huyện Bình Chánh và Suối Tiên Q. 9 để có diện tích rộng hơn, đáp ứng được cho nhu cầu ngày càng tăng.
Sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến Bến Xe An Sương, bến này đúng ra có xe đi Tây Ninh – Bình Phước – Bù Đăng, Bù Đốp vùng Tây Trường Sơn, nhưng cũng có xe đi vài tỉnh thành của cả ba miền, do hai bến xe miền Đông và miền Tây nhỏ hẹp.
***
Có lẽ ai cũng có kỷ niệm lần đầu đi xe đò. Mỗi chuyến xe chuyên chở nỗi niềm hoài niệm. Có người nhớ chuyện tiền vé như nhà văn Sơn Nam. Có người lòng phơi phới nhìn thấy phong cảnh đồng lúa xanh tươi chạy dài bên quốc lộ như tôi. Cũng có người nhớ mùi mồ hôi, mùi xăng dầu giữa nắng gió miền Trung. Nhớ bến bãi ồn ào í ới ngày xưa.
Và cũng có người tuổi đời chồng chất, nhớ cảnh xuống xe qua cầu xe lửa Bến Lức, Tân An thuở xa lắc xa lơ.
(Trang Nguyên)
Thành ngữ tục ngữ… sai
Có những từ Hán-Việt quan trọng trong câu thành ngữ bị bỏ qua khi dịch nghĩa làm mất đi cái đẹp, hoặc khiến bản chất câu thành ngữ bị thay đổi: Bách tuế vi kỳ
Nói cuộc đời của người ta (thực ra hiện nay có nhiều người sống quá một trăm tuổi).
Chữ “bách tuế” chỉ mang tính quy ước, ước lệ , không phải quy định kỳ hạn tuổi tác của con người đến 100 tuổi là phải chết, mà là “sinh hữu hạn, tử bất kỳ”.
(Hoàng Tuấn Công)
Phạm Duy, ông là ai? - 1
Mối giao thiệp giữa giáo sư Lê Hữu Mục và tôi tuy chỉ ngắn ngủi qua một lần gặp nhau chớp nhoáng tháng 1/1996 tại Santa Ana và các cuộc trò chuyện viễn liên California & Montréal, nhưng tình thân bác cháu, hơn nữa, một bậc tiền bối và một hàng đàn em, có thể gọi là đáng nhớ. Ông hay cho tôi những lời khuyên hữu ích về cuộc sống, về văn chương, và ngay cả những lời chân tình về nỗi đau khổ riêng trong đời sống tôi. Ông là một trong rất ít người thuộc văn giới hải ngoại đã tạo được nơi tôi lòng kính trọng thật sự. Khi biết ra ông là bạn thân vị giáo sư violon tôi theo học từ bé cho đến khi tốt nghiệp trường Quốc Gia Âm Nhạc Sàigòn, thầy Tạ Văn Toàn, tình cảm quý nói trên càng thêm mạnh mẽ.
Một sáng tháng 1/1997, tôi gọi qua Montréal thăm ông. Vẫn giọng nói vui vẻ của lần đầu gặp gỡ tại Santa Ana, ông hỏi han rất ân cần về tình hình tờ Văn Uyển, và cả đời sống tôi. Khi nhận biết từ tôi một vài dấu nét chán nản nào đó, ông an ủi: - "Dẫu gì, Bông Giấy cũng đừng bao giờ nên để mất niềm tin về cuộc đời. Sức mạnh chính là nằm ngay trong niềm tin ấy. Đánh mất niềm tin có nghĩa tự mình hủy diệt. Với Bông Giấy, bác luôn nghĩ Bông Giấy là người có được cái sức mạnh vừa kể."
Đây là lời nói đầy chia xẻ của một người cha. Tôi cảm ơn ông.
(Trần Thị Bông Giấy)
Nhà biên khảo Lê Hữu Mục, sinh ngày 24-11-1925, tại Lưu Phương, Phát Diệm, Ninh Bình. Mất ngày 08-11-2017 tại Montreal, Canada.
Tác phẩm : Lĩnh Nam Chích Quái (1959), Việt Ðiện U Linh Tập (1960), Thân Thế Và Sự Nghiệp Nhất Linh, Hồ Chí Minh Không Phải Là Tác Gỉa 'Ngục Trung Nhật Ký’.
Đám ma Lý Toét
Đỗ Đức Thu sinh 1909, quê làng Mọc, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Thuở nhỏ học ở Thái Bình, học trung học ở Hà Nội. Truyện ngắn ” Ba ” của ông được giải thưởng khuyến khích của Tự Lực Văn Đoàn năm 1935. Sau 1954, Đỗ Đức Thu sống cuộc đời viên chức tại Sài Gòn và mất năm 1979. Những tác phẩm chính: Vỡ Lòng (tiểu thuyết 1940, có in phụ mấy truyện ngắn), Bốc Đồng (tiểu thuyết, 1942), Nhà Bên Kia (tập truyện ngắn, 1942), Đứa Con (tiểu thuyết, 1945)… Đám Ma Lý Toét rút từ tập truyện ngắn Vỡ lòng
Lý Toét & Xã Xệ (thân tri sưu tầm)
(Đỗ Đức Thu)
Tất cả bộ mặt xôi thịt làng xã được vẽ lại qua vài nét vẽ phác mà sâu. Hài hước mà đớn đau. Đó là biệt tài của Đỗ Đức Thu, ông đã đạt được nghệ thuật cao của sự mô tả: mỗi nét chấm phá của ông đều vạch ra ít nhất hai bức tranh chồng chéo: bi đi với hài.
(Thụy Khuê)
Phạm Duy, ông là ai? - 2
Trong câu chuyện, ông cho biết là vừa ở Cali về: - "Bác chờ dịp lên San Jose thăm Bông Giấy mà mãi chẳng có. Phải ở lì Santa Ana. Rốt cuộc tới ngày về, cứ tiếc mãi."
Tôi nói qua điện thoại:- "Lúc này cháu tu bác ạ. Đóng cửa đọc sách, không giao tiếp thiên hạ. Nhân tình thế thái làm cháu chán ngán. Bác qua Santa Ana thấy có gì vui?"
Ông đáp: - "Vui thì vui nhưng cũng lắm chuyện kỳ cục."
"Cali là đất luôn nảy ra những điều kỳ cục", tôi đồng ý.
"Nhưng theo bác, kỳ cục thế nào?"
Giọng ông sôi nổi: - "Kỳ cục nhất là các câu tuyên bố của ông Phạm Duy."
Tôi cười:- "Tưởng ai, té ra ông Phạm Duy! Ông ấy vốn ăn nói bậy bạ từ khuya, cả nước đều biết!"
Ông Lê Hữu Mục la to: - "Lần này khác. Trong một buổi gặp nhau tại nhà ông ấy có mặt bác, ông Cao Tiêu, Đại tá Chiến Tranh Chính Trị và ông Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hoạch, giáo sư khoa trưởng Đại Học Văn Khoa Sàigòn thời cũ, Phạm Duy đã nói lên những điều vô cùng kỳ cục. Ví dụ ông ấy bảo: ''Chúng nó sao cứ thích nhạc của tôi mà không biết rằng các ca khúc trước kia, tôi đều chỉ sáng tác trong chuồng xí! Bây giờ tôi làm nhạc opéra, sang hơn nhiều. Opéra của tôi mà về Việt Nam thì tôi có tới 8 Ái Vân hát chứ không phải một Ái Vân như ở hải ngoại. Chỉ Việt Nam mới có nền nhạc chân chính, còn nhạc hải ngoại chỉ là nhạc tào lao''!"
Tôi kêu lên: - "Qua tư cách bác và cả ''tư cách'' ông Phạm Duy, cháu tin lời bác là thật. Ông ta là một khuôn mặt nổi của nền ca hát VN, cháu khó thể nghĩ được lối nói ông ta lại hồ đồ như vậy."
Ông Lê Hữu Mục tiếp: - "Một câu khác: ''Người ta cứ bảo tôi chống Cộng nhưng thật thì tôi chống gậy!''"
Nói xong, ông Lê Hữu Mục cười to.
(Trần Thị Bông Giấy)
Tiểu sử : Trần Thị Bông Giấy tên thật Trần Thị Thu Vân . Chào đời tại Huế, lớn lên tại Sài Gòn. Hiện đang ở San José, Californie.
Tác phẩm : Nước Chảy Qua Cầu, Một Truyện Dài Không Có Tên, Nhật Nguyệt Buồn Như Nhau, Đi Tìm Thời Gian Đã Mất, Dostoievski Cuộc Đời và Sự Nghiệp
Tết Mậu Thân bốn mươi năm sau (1968-2008)
Người ta quên rằng hơn ½ quân lực VNCH đang nghỉ phép, xum họp gia đình trong dịp Tết Mậu Thân, ngày lễ truyền thống của dân tộc; Tết cũng là dịp hưu chiến chính thức. Giới truyền thông còn cho rằng cuộc tổng tấn công đã làm chính phủ VNCH mất hẳn kiểm soát ở nông thôn và làm tổn hại đến lòng trung thành của quần chúng.
Những nhận định thiên vị và bất lợi cho Đồng Minh không phải chỉ đến từ cánh trái, ngay cả nhà báo uy tín nhất nước Mỹ, được tiếng là “cân bằng và trung thực” thời đó cũng có những nhận định hoàn toàn bất lợi cho phe Đồng Minh. Trong hồi ký của mình, Walter Cronkites cô đọng cái nhìn của báo giới Mỹ về chiến tranh Việt Nam trong một đoạn ngắn và nói quân lực VNCH là “Một quân đội Đồng Minh thường không thích chiến đấu.”
Sự thật, không như thế. Chỉ một thời gian ngắn sau cuộc tổng tấn công bắt đầu, quân đội VNCH đã phản công, nhanh chóng giành lại sự kiểm soát lãnh thổ và đem an ninh lại cho quần chúng.
(Trần Giao Thủy)
Cây ngô đồng
Cây ngô đồng là loại cây gỗ sốp thường dùng làm đàn, lá to, hoa đỏ. Cũng còn gọi là cây ngô:
Sân ngô cành biếc đã che vàng
(Kiều 1386)
Giếng vàng đã rụng một vài lá ngô
(Kiều 1594)
Ngô đồng nhất diệp lạc
Thiên hạ cộng tri thu
Thơ cổ nghĩa là một chiế lá ngô đồng rụng, thiên hạ biết mùa Thu đã tới. Một câu khác cũng có ý nghĩa tương tự: ngô đồng nhất diệp báo thu lai.
(Chữ nghĩa chúng ta – Bùi Bảo Trúc)
Kịch tác gia Trần Lê Nguyễn
Mấy năm sau, tôi nghe Trần Lê Nguyễn bị bệnh. Bệnh tai biến mạch máu não như tôi đã từng bị. Anh đau khổ hơn vì bị bán thân bất toại, nói năng ngọng nghịu. Vợ anh Nguyễn phải làm thông ngôn mỗi khi đi đâu hay có người tới thăm. Có hôm tôi với Tú Kếu đang ngồi ở quán báo ở đường Bà Huyện Thanh Quan thì Trần Lê Nguyễn đi xích lô đến. Anh nói chuyện với chúng tôi mà chúng tôi chẳng nghe được câu nào. Anh bị ngọng quá sức rồi.
Một lần khác anh đi xích lô đến nhà Tú Kều, bà vợ đi cùng, hôm ấy tôi cũng có mặt. Chị Nguyễn phải thông ngôn chúng tôi mới hiểu. Nội dung anh hỏi nhà Tú Kều còn tranh không, nếu bán thì anh mua. Trời đất, anh vẫn còn nghĩ đến chuyện ấy, chuyện nghệ thuật mà anh đam mê từ mấy chục năm trước, thuở lêu bêu chợ trời. Buôn bán mà không bao giờ có lời, bán một tác phẩm mình mua được tiếc đứt ruột. Con người Trần Lê Nguyễn thế đó.
Hôm chợ Cầu ông Lãnh cháy, ngay vào khu anh ở từ bao nhiêu năm trên đường bến Chương Dương, tôi lo lắng suốt một đêm. Sáng sớm tinh mơ tôi đạp xe xuống phía nhà anh, may quá ngọn lửa không lan đến, tôi an tâm ra về. Tin Trần Lê Nguyễn mất đột ngột đến với tôi. Khi đó là buổi chiều, sáng sớm ngày hôm sau gia đình sẽ đưa anh đến nhà thờ làm lễ rồi đưa anh lên lò thiêu Bình Hưng Hòa. Đến khi đó tôi mới biết tên thật của anh là Nguyễn Huy Tạo (1) , sinh năm 1924, mất ngày 7-7-1999.
(1) Trần Lê Nguyễn thuộc lớp nhà văn nhà thơ kich tác gia tiền chiến trươc 1945 viết văn làm thơ ký bút danh Nguyễn Hoài Nguyên rồi Trần Lê Nguyễn từng viết tuần báo Tiểu Thuyêt Thư Bẩy của kich tác gia Vũ Đình Long.
Thời kháng chiến, Trần Lê Nguyễn làm kich nói ở liên khu năm rồi bỏ về Saigon làm kich nói với Hoàng Trọng Miên. Năm 1956 Trần Lê Nguyễn viêt vở kịch nói Bão Thời Đai ảnh hưởng nhiều từ tác giả Tào Ngu bên Tầu nhưng vở này vẫn đoạt giải thưởng văn chương toàn quốc đệ nhât Cộng Hòa của Tổng Thống Ngô Đình Diệm.
1957 Trần Lê Nguyễn tham gia nhóm Sáng Tạo của Mai Thảo và trở lai với thơ. Thời kỳ này Trần Lê Nguyễn nổi đình đám với vở kich nói Quán Nửa Khuya. - (nguồn: Hồ Nam)
(Nguyễn Thụy Long)
Hồn Sài Gòn trong từng món đồ cũ
Văn hào Dostoievski từng nói “Cái Đẹp cứu chuộc thế giới.” Tôi vốn cả tin vào lời các vĩ nhân và luôn rất muốn tin vào lý tưởng đẹp đẽ đó. Nhưng trong hòan cảnh Việt Nam bây giờ, có thể tin vào chân lý đó không, khi nhiều người Sài Gòn cũ đã phải chứng kiến cảnh những hàm cá mập sắt khổng lồ của những chiếc máy ủi máy xúc cạp nát từng mảng những di sản kiến trúc cổ, quật ngã những cây cổ thụ trăm năm tuổi của công viên Mê Linh thuộc khu nhà Bộ Giáo Dục VNCH để thay vào đó một cao ốc thương mại chuyên bán hàng hiệu mà bộ vó kiến trúc của nó như một gã khổng lồ vai u thịt bắp, vừa cực kỳ thô thiển vừa dương oai tự đắc!
Rồi nạn nhân bị hành quyết tiếp sau đó: khu nhà Eden, địa chỉ văn hóa bậc nhất của Sài Gòn không chỉ vì vẻ đẹp kiến trúc thời thuộc địa và sự phồn thịnh về thương mại, mà hơn hẳn, nó là một icon văn hóa - chính trị của Sài Gòn với những thương hiệu lớn như cà phê Givral, nhà sách Xuân Thu, rạp Ciné Eden, cà phê La Pagode,…? Đó là còn chưa nói đến những điều to tát hơn thế nhiều. Thật vậy, khu Eden này còn là một địa chỉ lịch sử Việt Nam từ thời Tiền Thuộc Địa cho đến trước cái chết oan nghiệt của chế độ Việt Nam Cộng Hòa bởi người CSVN.
Có lẽ đạo diễn Phillip Noyce là người đã tiên thị được và cảnh báo về cái chết tòan diện của Sài Gòn cũ sẽ xảy ra trong một tương lai gần khi ông lấy khu phố gồm có tòa nhà Eden, khách sạn Continental và Nhà Hát Thành Phố để tái hiện lại cảnh chính trị bất ổn của Sài Gòn thời những năm 40 thế kỷ trước trong phim “Người Mỹ Trầm Lặng” (dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Anh, Graham Greene). Đây là sự kiện văn hóa hiếm có sau cùng của khu đất-vàng-lịch-sử này.
(Trịnh Cung)
***
Phụ đính I
40 Năm hải ngoại - Một nén hương - Cho những nhà văn
nhà thơ đã khuất núi
(Danh sách cập nhật tới tháng 6/2017 – Nhật Tiến biên soạn
Tổng hợp từ nhiều nguồn)
Trần Tam Tiệp
(1928-2009)
Nhà báo Trần Tam Tiệp sinh ngày 11-11 -1928. Ông tốt nghiệp khoá 2 trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức và được đi tu nghiệp sĩ quan phi hành tại Pháp. Trước 1975, với cấp bậc Trung Tá và bút hiệu Đạo Cù, ông là một trong những chủ biên tập san Lý Tưởng của Không Quân.
Sau Tháng Tư 1975, ông cùng với một số nhà văn định cư tại Pháp như Minh Đức Hoài Trinh, Nguyên Sa Trần Bích Lan… nhanh chóng thành lập Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, liên lạc cộng tác và được Văn Bút Quốc Tế chính thức nhìn nhận.
Trần Tam Tiệp được Chủ Tịch Văn Bút Thế Giới thời ấy là Thomas Von Vegesack đặc biệt quí trọng, vì những cống hiến không mệt mỏi của ông trong việc kêu gọi quốc tế tranh đấu bảo vệ các nhà văn miền Nam bị cộng sản bắt giam không xét xử.
Chính là nhờ sự vận động bền bỉ của ông mà tổ chức “The International PEN Writers in Prison Committee (WiPC) đã dành cho các nhà văn, nhà báo Việt Nam bị CS cầm tù nhiều trợ giúp ý nghĩa hoặc can thiệp bảo trợ.
Ông bỏ tiền túi và kêu gọi anh em gởi tiền về để giúp đỡ các đồng đội và văn nghệ sĩ đang bị cộng sản cầm tù trong những năm đó và còn vận động các quốc gia Âu Châu như Ý Đại Lợi và Thụy Điển cho cuộc tranh đấu về Tự do và Hoà Bình cho nhân loại.
Ông đã tạ thế vào ngày 23-12-2009, Paris, hưởng thọ 81 tuổi.
***
Phụ đính II
Khái Hưng - 1
“Papa tòa báo” viết văn. Từ vườn bước lên năm sáu bậc thềm vào nhà, hàng hiên trước khá rộng… phòng lớn đặt máy in cùng chỗ sắp chữ, phòng bên phải nhỏ hơn nơi làm việc của ban trị sự tờ Ngày Nay, nhà xuất bản Đời Nay. Văn phòng trị sự tờ Ngày Nay ngay đối diện với hiệu thực phẩm Hạp Ký của người Tàu là căn nhà số 80. Vâng, căn nhà 80 Quan Thánh mà tôi đã sống cùng cha mẹ nuôi tôi cả một thời thơ ấu với bao buồn vui kỷ niệm. Nơi đây, cha nuôi tôi, nhà văn Khái Hưng đã sống, đã viết bao nhiêu tác phẩm để đời trong khoảng thời gian 1934, tới năm 1946 nghĩa là cách đây đã hơn 50 năm rồi.
Mỗi buổi sáng khi thức giấc, trong cơn ngái ngủ mơ màng tôi đã cảm thấy bao trùm một mùi cà phê thơm dịu. Papa đang ngồi đọc sách, chốc chốc lại nhấc tách lên nhắp một ngụm, khói thuốc mélia quyện tỏa khắp phòng. Cái đèn cồn đun nước kêu sè sè đưa ra một vòng lửa xanh lam, lâu lâu papa đứng lên xoay chặt lại cái phin rồi đổ thêm nước sôi. Tôi trở dậy kéo ghế ngồi cạnh, tẩn mẩn nhìn từng giọt cà phê tí tách rơi xuống. Papa từ tốn dở từng trang sách chữ Hán nhỏ li ti vừa đọc vừa gật gù thỉnh thoảng lại cầm kính lúp lên soi.
Khái Hưng – 2
Sau đó là bữa điểm tâm ở phòng bên phải nơi làm việc của ban trị sự tại căn nhà 80 Quan Thánh, thường thường trên mâm chỉ có cháo hoa với đường cát vàng hoặc cơm nắm muối vừng, hôm nào sang mới có xôi lúa mua của bà hàng quen. Bánh cuốn hay phở, những món sao mà ngon thế, thì buồn thay… năm thì mười họa chỉ khi nào có khách mới được bưng lên.
Còn nhớ khi viết xong cuốn sách hồng, hình như “Cái Ấm Đất” thì phải, tiền bản quyền chỉ đủ mua một cái áo đi mưa cho papa ở Hàng Đào và một đôi giày Bata cho tôi. À quên, tôi còn được cây súng lục Euraka, bằng đạn đũa dài đầu bịt cao su, bách phát bách trúng… ghê chưa?
Khoảng những năm 44, 45, vì tiền nhuận bút sách báo thiếu hụt, me có chung với cô em mở một hiệu tạp hóa nhỏ ở Hàng Trống, cửa hàng thuê của nhà in Thụy Ký. Tuy vậy, đôi khi tôi tới chơi thấy vắng khách, me ngồi sau quầy tư lự thở dài… “Hàng họ lúc này khó khăn quá!”
Trần Khánh Triệu là con đẻ của nhà văn Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam), và là con nuôi của nhà văn Khái Hưng (Trần Khánh Giư). Bài viết kể về những kỷ niệm với Khái Hưng và những ngày cuối trước khi ông bị Việt Minh bắt và đưa đi thủ tiêu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét