Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2014

Hỏi Ai - vkp.Đạm Phương


        Hỏi Ai 
     vkp.Đạm Phương
            ***
Hiểu sao hết nỗi lòng người cô lữ
Đang bồng bềnh trôi nổi xứ Cờ Hoa,
Nhưng tâm tư nặng trĩu nhớ quê nhà
Đêm mộng mị… tìm về nơi hoang dại.
*
Tây Ninh nghèo nhưng giàu tình thân ái
Ai đến rồi… khó thể ngoảnh mặt đi.
Người đã xa rời còn vấn vương chi?
Đất nóng, tình nồng… trăm thương nghìn nhớ.
*
Mây viễn xứ… nếu nghĩ về cố quận
Hãy trở về tìm lại giấc mơ xưa.
MƯA NỬA ĐÊM, sao lạc mọc lưa thưa
Trăng vàng vọt… bài tình ca thắm thiết.
*
Gần năm mươi năm cách xa biền biệt
Ngậm đắng nuốt cay xứ lạ quê người.
Hỏi ai kia có còn nhớ một thời
Đạn lửa chiến chinh đong đầy nước mắt…?
                   Tây Ninh 26/2/2014

Tình Say & Tình Đùa (Lão Gàn)

     Tình Say
(Tặng người bạn tên Văn) 
Biết rằng người chẳng yêu ta.
Mà sao ta cứ xót xa nhớ người?
Biết rằng xa cách đôi nơi,
Mà sao trong mộng không rời được nhau?
Biết tình: có nhận mới trao,
Mà sao ta cứ bám vào hư vô?
Biết rằng Bà Nguyệt Ông Tơ
Trăm công nghìn việc ... hững hờ buộc duyên.
Biết rằng quê quán khác miền.
Mà ta ao ước kết liên một nhà.
Biết rằng người có thất gia,
Mà sao ta cứ lân la muốn gần?
Tưởng rằng người đợi ngoài sân
Nên ta mới cứ tần ngần ra vô.
Bây giờ người thiệt ở mô?
Năm mươi năm lẻ vẫn chờ người đây.
Nghe reo điện thoại ngất ngây.
Tiếng người réo rắt ta say men tình.
Lão Gàn
27/02/2014


       Tình Đùa
   Viết tặng bạn đồng môn
Không yêu ... cứ bảo không yêu.
Cớ sao mủm mỉm khiến xiêu lòng này?
Không yêu... thẳng thắng cho hay.
Cớ sao ẻo lả... làm đây yếu mềm?
Không yêu... sao chẳng chuồn êm?
Cớ sao ngồi mãi... ta thêm say tình?
Không yêu... đứng tách một mình.
Cớ sao xích tới... ta tin tưởng lầm?
Không yêu... cứ giữ âm thầm.
Cớ sao thổ lộ chuyện ngầm đôi ta?
Không yêu... sao lại mặn mà?
Vần thơ trao gởi... thiết tha điệu vần.
Không yêu... sao chẳng ngại ngần
Theo chân bước vội... để gần nhau hơn?
Không yêu... sao lại dỗi hờn:
Chuyện riêng thây kệ... chẳng cần biết chi?
Thôi,
Đường ai thì nấy cứ đi.
Đùa tình... cũng lợi: Lắm khi đỡ buồn!
01/3/2014
LÃO GÀN

Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

Hồi Ức Một Thời Đáng Nhớ - Ngọc Sương


            Hồi Ức Một Thời Đáng Nhớ
          Từ sau hè 1965, chúng tôi mỗi người mỗi ngả, vật lộn với cuộc sống đời thường, trải qua bao thăng trầm cay đắng ngọt bùi. Giờ gặp lại nhau trong những buổi họp mặt 40 năm tại Sài Gòn, 50 năm tại Huế và trong những lần họp nhỏ lẻ nữa, cùng ôn lại kỷ niệm xưa ở mái trường Hán học thân yêu. Bạn cùng tôi, những mái đầu hoa râm, tuổi đã kề thất tuần, rộn ràng vui cười kể lại chuyện thân thương ngày xưa. Quên sao được những kỹ niệm thời vàng son đó.
          Phải, đã 50 năm rồi, nhưng tôi vẫn nhớ rõ mồn một mùa hè 1960, một hè đánh dấu bước ngoặc quan trọng của đời tôi. Từ nhỏ tôi chưa từng nghĩ mình sẽ là cô giáo. Tôi chỉ yêu nét đẹp thanh khiết của các nữ y tá trong chiếc áo blouse trắng. Tôi sẽ là “thiên thần” áo trắng, sẽ nhẹ nhàng đến chăm sóc từng bệnh nhân. Tôi đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, sẳn sàng nộp liền khi đã tốt nghiệp trung học và có thông báo của trường y tế. Thế mà đơn không được nhận với lý do tờ “tư pháp lý lịch” đã quá hạn mấy ngày. Giật mình, sao thế nhỉ ? Bàng hoàng và thất vọng, đã chuẩn bị nhưng còn non nớt để không nghĩ đến hạn của tờ lý lịch, chưa kịp thi đã hỏng. Mộng tan tành theo mây khói. Thiên thần áo trắng không cánh mà bay mất rồi. Buồn ơi là buồn. Trong buổi chiều thất vọng đó, một người bạn cùng xóm đến rủ tôi thi vào Viện Hán học. Học ở Huế 5 năm, có học bổng, có nội trú. Nghe đến Huế, tôi quên tất cả: quên nỗi buồn vỡ mộng làm thiên thần áo trắng và quên luôn cả tờ tư pháp lý lịch quá hạn. Huế, đất thần kinh thơ mộng, có sông Hương núi Ngự, có cầu Trường Tiền, có chùa Thiên Mụ và bao nhiêu cảnh đẹp khác. Còn hơn thế nữa, nơi đó đã từng là nơi của Vua của Hoàng Hậu, của Hoàng Tử của Công Chúa. Tôi đã nhớ như trong chuyện cổ tích. Do chính Thầy tôi, Thầy Lê Bích, người đã khắc sâu trong tôi ký ức về Huế. Mỗi lần Thầy từ quê vào, những hình ảnh đẹp đẽ của quê hương Thầy cứ lấp đầy trong tôi.
Bạn hẹn ngày mai đi nộp đơn vì sắp hết hạn. Lúc ấy, tôi mới nhớ tờ lý lịch “quá tuổi”. Biết làm sao ? Giờ thì cũng không đủ thời gian để xin lại tờ mới. Thôi “đành nhắm mắt đưa chân để xem con tạo xoay vần đến đâu”. Biết đâu số mình lại học ở Huế. Tự an ủi như vậy, nhưng trong lòng mãi đánh lô tô. Sáng hôm sau, ba người chúng tôi từ Bình Dương thẳng về Sài Gòn. Đơn đã được nhận, không thấy đá động gì đến “tuổi đời” của tờ tư pháp lý lịch. “Được rồi phải không ?” và lòng tự dặn lòng, cứ chờ ngày lãnh phiếu báo danh.
Bao ngày đợi mong, bao ngày lo lắng bồn chồn, tự an ủi: cái gì của mình là của mình, cái gì được sẽ được thôi. Và ôi tờ báo danh, mới đẹp làm sao, quý làm sao! Hội đồng Sài Gòn, phòng B, số báo danh 42, có cả chữ ký của ông chủ sự Phòng Học vụ Phan Đình Thê ngày 01/08/1960. Báu vật đây rồi, tôi cầm chắc trong tay. Bây giờ tôi vẫn cất kỹ phiếu báo danh ấy cùng với đơn xin giảm vé xe lửa đầu tiên để đi nhập học, đặc cách giảm 50%, và cả thẻ sinh viên trong cái hộp, tất cả đều đáng yêu quý, như gia tài của Cha Ông để lại. Trong khi đó tôi lại ngu dại cho bao nhiêu sách vở và giấy tờ khác vào ngọn lửa để thiêu rụi “quá khứ” sau ngày thay đổi màu cờ của miền Nam. Tiếc làm sao!
          Đúng 7 giờ sáng ngày 8 tháng 8 năm 1960, cả ba chúng tôi từ Bình Dương đều có mặt tại trường trung học Võ Trường Toản, Sài Gòn. Buổi thi đầu tiên, có lẽ bài luận tôi làm khá được. Nói nhỏ nghe, dù gì tôi cũng vừa đạt giải ba trong cuộc thi văn do tỉnh tổ chức, nhân dịp lễ Hai Bà Trưng, với phần thưởng là cuốn tự điển lớn Pháp Việt (nghe thấy “phát ớn” phải không các bạn ?).
          Đến ngày có kết quả, tôi rủ cô bạn kế bên nhà đi cùng, vì hai bạn cùng thi hôm trước không hiểu vì cớ gì không thèm xem kết quả. Ồ! Có tên mình trên “bảng vàng”. Quá đỗi mừng vui, nhưng khi ra đến cổng, tôi lại năn nỉ cô bạn đi cùng hãy trở vào xem lại kết quả, dù cô bạn đó đoan chắc là “có tên mầy”. Đấy “cái duyên” đã đến: nếu không quay vào, và không đúng lúc thì chưa chắc gì tôi đã ra được Huế. Vì vào thời buổi 50 năm về trước, đâu có gia đình nào dám cho con gái một thân một mình vượt đường xa như thế, dù là đi học. Khi chúng tôi trở vào, bạn tôi chỉ: “Đấy, tên mầy đấy, yên tâm chưa ?”
          Một vị ân sư vừa đúng lúc ấy đi ngang qua, chợt nghe thế liền gợi ý: - Cháu đậu Viện Hán học Huế hả, vào phòng đây, Thầy cho địa chỉ của một cháu cũng đậu, để hai chị em cùng đi.
          Hai đứa tốc hành tìm đến địa chỉ 250 Lê Quang Định xóm Gà Gò Vấp (số 250 đã đi sâu vào tiềm thức của tôi dù số nhà bây giờ đã đổi khác). Gặp lần đầu, nhưng cô bạn Hồng Phi, mắt to tròn mừng rỡ: “May quá, nếu không có ai cùng đi, chắc ‘ông già’ cũng dẹp chuyện đi của mình”. Lúc đó, tôi mới ớ ra: Phải rồi, chỉ có mình liều mạng chứ gia đình nào không đắn đo chuyện đi xa của con gái. Trước khi chia tay, Hồng Phi nói còn có một chị ở Hòa Hưng cũng đậu, Hồng Phi sẽ liên lạc để cùng đi. Thế là yên tâm không còn lo sợ trở ngại gì nữa, chúng tôi quay về nhà. Và tôi bắt đầu chuẩn bị cho cuộc hành trình lịch sử của đời mình.
          Đi thi thì cùng hai người bạn ở Bình Dương, giờ đi học lại cùng hai cô bạn mới ở Sài Gòn (khi đó chúng tôi chưa gặp Phan Thị Ngân và Võ Ngọc Minh). Đến bây giờ tôi vẫn nhớ ơn người bạn Bình Dương, bạn Võ Ngọc Châu, đã rủ tôi thi vào Hán học, dù sau khi đậu chúng tôi không có liên lạc nhau. Vài năm sau tôi biết tin bạn Châu được học bổng đi Nhật và bây giờ lấy Phù tang làm gia đình của bạn ấy.
          Chúng tôi hẹn nhau tại sân ga Sài Gòn. “Tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư”, tôi xin lỗi được đổi cho phù hợp ba chúng tôi: “Tam nhân đồng hành tất hữu ngã tỉ”. Vậy là tôi và Phi đã có chị Hai từ ngày đó. Và cũng có anh Hai tình cờ ngay ngày đầu tại sân ga, đó là do tôi và Phi se chỉ xích thằng, chứ nếu do ông tơ bà nguyệt cột chỉ  tơ hồng thì đâu có cảnh hôm nay: anh một nơi, chị một nẻo. Còi tàu rú vang báo hiệu rời bến. Khi tiếng tàu kêu xình xịch thì bao bàn tay bịn rịn vẫy nhau và cũng có nước mắt ươn ướt nơi rèm mi. Nhưng sao chị Hai vẫn tươi như hoa, miệng mỉm cười như chưa từng có cuộc chia tay vừa rồi. Té ra, chị còn có “người ấy” đưa thêm đoạn đường gần 30 km nữa. Đến Biên Hòa, chị Hai mới buồn thật sự vì “người ấy” xuống ga.
          Nhưng chẳng mấy chốc, nỗi buồn đã rơi rớt theo đoạn đường dài tàu chạy qua. Đèn trong tàu bật sáng, chúng tôi âm thầm lướt qua những khuôn mặt mới sẽ cùng học với mình 5 năm tại Huế. Nhưng không ai mở miệng làm quen với ai, kể cả anh Hai, người mà vừa được bà mẹ gửi gấm cho chị Hai từ ban chiều. Tôi cũng chẳng băn khoăn vì chúng tôi đã có “ba người”. Chúng tôi bắt đầu kể cho nhau những chuyện vui buồn, những mơ mộng viễn vông, như là ba người bạn từng thân thiết từ lâu. Cái háo hức của tuổi trẻ mộng mơ cộng thêm một chút sôi nổi của tuổi mới lớn, chúng tôi thấy rạo rực trong lòng niềm vui được đi đến nhiều nơi. Mặc dù trong đêm có thể chúng tôi cũng đã ngủ gật nhiều lần, mắt vẫn cứ dán ra ngoài khung cửa của con tàu. Nôn nóng làm sao ! Con tàu đã chở chúng tôi qua một đêm và rồi một ngày nữa. 7 giờ tối, hồi còi rú vang hay tiếng lòng chúng tôi đang reo: đến Huế, đến Huế rồi !
          Chúng tôi xuống tàu với những rương hòm hành lý. Lần đầu sống xa nhà, chắc là lắm đồ lỉnh kỉnh. Sau khi gặp được người bạn của gia đình Phi, chúng tôi vội vàng lên xe cyclo, Phi lên một chiếc và tôi cũng một chiếc. Chúng tôi nôn nả vội vã quên cả chào nhau và chị Hai cũng thế vì có cả nhà “người ấy” ra đón. Tôi lên xe cyclo và đi theo chiếc xe Velo Solex dẫn đường, mãi nhìn hai bên mê cảnh lạ, sông mát, cầu đẹp. Chừng sực nhớ, tôi hốt hoảng “xe Phi đâu rồi, chết, đi về đâu bây giờ ?”. Trời tối không thấy rõ, đường lạ, lại không có địa chỉ trong tay. Hốt hoảng, nước mắt sợ hãi sắp trào ra. Chợt, vị cứu tinh của tôi, Hồng Phi từ cổng nhà chạy ra hét lớn: “Quẹo, quẹo”. Hình như người lái cyclo không hiểu và không biết có người đang ra đón. Tôi bật nhỏm dậy và tay thì chỉ rẻ phải. Thế là ổn! Mừng hết lớn.
          “Hai cháu ăn chưa để Bác bảo dọn cơm ?”
          “Dạ, chúng cháu ăn rồi, cám ơn Bác”. Sao chúng tôi lẹ miệng và khéo thế nhỉ, đồng thanh nói bịa, mặc dầu bụng đói như cồn ? Buổi chiều, trên tàu chúng tôi mãi nôn nóng nhìn đường đến cố đô và mường tượng đủ mọi thứ, cùng nói tía lia, đâu nghĩ đến cái bụng rổng. Tắm xong, hai đứa vào phòng, vội vả mở rương, lấy bánh mì ngọt ăn ngấu nghiến. Đang ngốn một miệng, chợt nghe tiếng Bác hỏi bên ngoài (không nhớ rõ Bác hỏi gì ?), Phi vội nuốt cái ực để trả lời. May quá, bánh mì chạy ọt vào cổ, không bị nghẹn!
          Sáng hôm sau chúng tôi đến trường. Trên đường đi chúng tôi ngắm cảnh, nhìn người qua lại. Và ngay tại bến đò Đập Đá, tôi thấy mọi thứ đều ngồ ngộ: tại sao ở đây không dùng bàn bào để bào đá, mà lại bỏ đá vào khăn vải mà túm lại rồi đập nát? Tại sao mọi người ai cũng mặc áo dài, mà có khi còn đi chân đất nữa? Ở trong Nam , đã mặc áo dài thì phải tươm tất mang guốc hoặc giày như cô giáo, như các cô công chức. Và còn bao cái “tại sao” nữa… Qua cổng thành, vào trường cũng ngồ ngộ thế nào ấy. Rồi gặp Thầy, Thầy Võ Như Nguyện, người Thầy đầu tiên mà chúng tôi gặp ở Huế. Nhà Thầy ở Bao Vinh, là nơi thân quen mà sau này chúng tôi thường đến bởi mỗi lần có kỵ giổ hoặc mỗi chủ nhật, Thầy đều cho gọi chúng tôi. Tôi còn nhớ có dự cả đám cưới của anh Nghĩa, con nuôi của Thầy. Lần đầu tiên ấy, Thầy có vẻ trang nghiêm trong bộ đồ veste chỉnh tề.  Chúng tôi hồi hộp và rụt rè trình diện. Thầy vui vẻ gật gật đầu, chúng tôi phấn chấn cả lên. Bước đầu chúng tôi cảm thấy an tâm với cuộc sống mới xa nhà.
          Vậy là cuộc đời sinh viên Hán học chúng tôi bắt đầu từ những quan tâm chăm sóc ân cần của quý Thầy. Chúng tôi sao quên được ân tình ấm áp đó. Thầy chu đáo như các bậc Cha Mẹ. Tình cảm đầm ấm như gia đình mà quý Thầy đã giành cho các sinh viên Miền  Nam và nhất là đối với nhóm nữ chúng tôi, giúp chúng tôi vượt qua nỗi nhớ nhà. Chúng tôi đã mạnh mẽ lớn lên trong lòng đất Huế từ ngày ấy. Chúng tôi đã học và đã tham gia mọi sinh hoạt của trường của tập thể lớp. Chúng tôi đã vui với cái vui chung của bạn bè. Chúng tôi không còn ngại ngùng phải đơn độc nơi đất Huế xa xôi nữa.
Tôi nhớ mãi một lần trong đời lên sân khấu diễn kịch. Vào dịp tất niên năm đầu tiên, trường tổ chức văn nghệ, hai đứa chúng tôi tự biên tự diễn một màn kịch ngắn. Không biết Hồng Phi đã bao lần lên sân khấu, đến giờ tôi cũng quên không hỏi. Phi trong bộ quần tây áo sơ mi xốc xếch, áo nửa trong nửa ngoài, tay ôm chai rượu ngả nghiêng ngả ngửa, lè nhè trong vai anh chàng say xỉn. Còn tôi ra vẻ đứng đắn đàng hoàng trong bộ đồ nam tươm tất, có cả cravate nữa, đang cố khuyên lơn anh bạn thôi ôm ma men, nhưng anh chàng cứ:
                             Đất “say” đất cũng lăn quay,
                             Trời “say” trời cũng đỏ gay ai cười

Chỉ có thế, nhưng giờ nghĩ lại, tôi còn phải tự khen mình quá can đảm, chắc đã được uống mật gấu?  Không biết có bạn nào còn nhớ không? Chứ chúng tôi vẫn còn giữ tấm hình để minh chứng đó nghen.
Còn chị Hai của chúng tôi cũng không được “bình thường”. Không biết khi còn ở nhà Sài Gòn, chị đã có tham gia nấu nướng tiệc tùng nào chưa, mà khi ấy chị cả gan dám nhận đảm đương buổi tiệc tất niên. Chị cũng không quên chúng tôi, lôi cả đám vào cuộc, chắc chị nghĩ: “Đã là tỉ muội thì có phước cùng hưởng và gặp họa thì cùng chia”. Vậy là mọi người đều bắt tay vào việc chuẩn bị buổi tiệc, lặt rau, rửa chén và làm các thứ… Ơn trời, mọi việc trôi chảy.
 Có một chuyện mà mãi tôi không quên và có thể rút ra bài học để đời. Đó là chuyện chị Hai đại diện sinh viên miền Nam lên sân khấu phát biểu cảm tưởng. “Được, có gì mà sợ, hai nhỏ em còn dám lên sân khấu nữa kìa”. Chị gật đầu ngay khi bạn nam đưa bài đọc. Không hiểu may mắn thế nào, chúng tôi nhờ Thầy duyệt lại bài, đáng lẽ không cần phải thế, vì Thầy để sinh viên tự quản tất cả. Nếu để chị tự nhiên đọc và đọc đến “từ ấy”, chắc chúng tôi rùng mình và không biết chui đầu vào đâu vì xấu hổ. Cái “từ ấy” quá mức bình thường đến phàm phu tục tử còn không dám mở miệng thốt ra, mà lại thoát ra từ miệng một cô gái miền Nam !!!
          Và còn bao kỷ niệm nữa, chín cô gái Bắc Trung Nam, người giường trên, kẻ giường dưới, những giường tầng san sát trong căn nhà nhỏ ở Bến Ngự đã nối kết chúng tôi. Nào vui, nào buồn với thư nhà, thư tình, chúng tôi thường tâm sự chia sẻ cùng nhau. Chúng tôi những cô gái mới lớn sống tự do thoải mái còn đâu eo co dáng dấp, nên quyết tâm vực lại vòng eo lý tưởng. Bắt tay hợp đồng hai đứa chỉ với một phần cơm tháng. Bớt cơm nhưng ăn vặt lại không giảm. Sáng bánh mì xá xíu ngọt ngọt mặn mặn lại ngon ngon, còn xôi bắp thì bùi bùi béo béo. Xế chiều có bánh nậm, bột lọc sao bỏ được. Tối đến trời lạnh có gánh bún bò quyến rủ. Lại còn nữa, chủ nhật paté chaud ở gần bưu điện, tối thì chè An Cựu. Hình như chúng tôi quên là đang giảm béo. Thế cho nên khi đi ra ngoài thì “dù trời nóng vẫn cứ mặc áo bông, tưởng rằng bệnh dậy, hóa ra béo”.
          Đi đi về về nhìn dòng sông sao mát rượi, tắm sông bên bờ Bến Ngự chắc thú vị lắm đây và tập bơi ắt là giảm cân, eo co ra phết. Một ý tưởng mới vừa nảy sinh, chúng tôi quyết định thực hiện. Cam Vũ đề nghị: chúng ta đi chợ Đông Ba mua vải cùng màu, màu nâu có điểm chấm tròn trắng. Rồi mọi người tự may áo tắm theo mẫu của "nhà thiết kế" Cam Vũ. Thế là “bầy tiên nữ” cứ sáng sáng, chiều chiều hì hụp bên bờ sông Ngự. Rồi một buổi chiều việc không mong lại đến, “ùm”, tôi trợt chân trong lúc nắm tay Cam Vũ. May có người chụp được kéo tôi lên. Hú hồn, vậy mà Cam Vũ còn la làng: Chị kéo em chết theo chị sao ??? Thế là dẹp luôn màn tập bơi. Sống chung chúng tôi cũng bày lắm trò, nào là không ăn cơm tháng nữa, mà tự nấu món ưa thích, nhất là tập tành nấu các món ăn của xứ Huế.
          Năm 1964 vần mây đen bao trùm Viện Hán học. Các bạn lo lắng cho tương lai. Tôi cũng lo nhưng ít thôi. Tôi vẫn luôn tin tưởng số mệnh: như tôi đã được đi học ở Huế, như tôi đã gặp được người mà suốt 45 năm nay cùng chia ngọt sẻ bùi, là cha của các con tôi. Một người ở Sài Gòn, một người ở Bình Dương đã gặp nhau tại Huế. Năm 1965 sau khi tốt nghiệp, tôi vội về quê để chuẩn bị lên xe hoa.
          Thật xin lỗi, trong lúc các bạn đấu tranh vì sự sống còn của Viện Hán học (VHH bị giải thể năm chúng tôi ra trường), vì tương lai của tất cả chúng ta, sinh viên các khóa, thì tôi chỉ nghĩ việc riêng tư. Nhưng thật ra, tận trong đáy lòng tôi vẫn nhớ và cảm phục các bạn, nhất là anh bạn cùng lớp, Lý Văn Nghiên. Và còn một tí riêng tư nữa, tôi xin bộc bạch cho hả lòng vậy. Tôi nghĩ Thầy Trần Điền cũng hiểu được sự kính trọng và tình cảm chân thành của tôi giành cho Thầy cũng là giành cho mái trường Viện Hán học Huế, khi tôi đã mạo muội đặt tên cho một đứa con trai của mình là Công Điền.
          Đấy chỉ mới một phần của đời sống sinh viên xa nhà của tôi. Còn bao kỷ niệm về các vị Thầy kính yêu đã dạy chữ còn dạy chúng tôi làm người. Và bao tình cảm thân thiết của bạn bè đồng môn, đồng khóa. Chúng tôi cùng đã hưởng những ngày tháng ngọt ngào của tuổi tràn đầy ước mơ với hy vọng tương lai huy hoàng: nào sẽ là Tùy viên tòa đại sứ các nước Đông Nam Á, nào chuyên viên viện khảo cổ, tệ lắm cũng là GSĐNC, với chỉ số lương 380. Còn nữa ,kể cả cảnh đẹp của đất Thần Kinh, nơi nơi lưu dấu bước chân đều khắc sâu trong tâm trí tôi. Những kỷ niệm chưa viết ra hôm nay sẽ sống dậy trong những lần ta hội ngộ. Mong rằng sẽ như vậy…
Em là cô gái Sài thành
Bỏ nơi hoa lệ, ẩn mình Cố Đô
Miệt mài bể thánh rừng nho
Năm năm trời bể “Cô Đồ” nên danh
Ra về lòng dạ chẳng đành
Vấn vương Thầy bạn ngày xanh đậm tình.
                 Nguyễn thị Ngọc Sương
                  Bình Dương, Hè 2010.  

Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

Tím Đường Ngày Xưa - Ngu Uyên & Lời bình của Ngân Triều


Tím Đường Ngày Xưa

Về quê Anh lúa bạt ngàn
Dòng sông uốn lượn mơ màng trời Thu.
Ban mai núi chắn sương mù,
Chiều quên tắt nắng ráng còn đầu non.
Người xưa vắng, cảnh vẫn còn
Dậu mồng tơi tím bên giàn tự leo.
Ngậm ngùi đưa mắt trông theo...
Trái mồng tơi tím rơi vào khoảng không...
Mang theo mấy cánh thư hồng
Chơi vơi đoạn rớt vào lòng người thương
Để giờ đứng ngắm vần vương,
Mồng tơi tím trải, tím đường ngày xưa!
            Ngu Uyên
--------------------------------------------------
Comments:
Đọc "Tím đường ngày xưa", tự nhiên tôi cảm nhận về những màu sắc ẩn hiện trong bức tranh tâm trạng của tác giả.
Hai câu đầu:
Về quê Anh lúa bạt ngàn
Dòng sông uốn lượn mơ màng trời Thu.
Một màu xanh với nhiều sắc độ: màu xanh thanh bình của bat ngàn đồng lúa; màu xanh biếc của dòng sông uốn lượn và màu xanh ngắt màu ngoc bích của trời thu.
Tiếp theo là màu xanh"Cỏ cây chen đá, lá chen hoa" (Bà Huyện Thanh Quan) của núi và đầu non; màu trắng của sương mù; màu vàng của nắng và của ráng vàng.
Khi vào đến trung tâm là cận cảnh của một giậu mồng tơi màu tím,(giậu là tấm tre nứa đan hoặc hàng cây nhỏ rậm để ngăn sân vườn), gần bên một cái giàn cũng đầy dây mồng tơi tự leo. Mồng tơi ẩn dụ sự nghèo hèn, khó khăn của chủ nhân, hay người xưa giờ trôi dạt ở phương trời nào (
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu Đông phong
Đề tích sở kiến xứ/ Thôi Hộ)
人 面 不 知 何 處 去
桃 花 依 舊 笑 東 風
崔 護 (隄 昔 所 見 處)
Phải chăng khi ra đi, người ấy đã mang theo những cánh thư màu hồng ngày xưa?
Thật bất ngờ! Nhân vật trữ tình bỗng nhìn thấy mấy trái mồng tơi chín rụng, rơi vào khoảng không...như chơi vơi, rơi rụng vào lòng mình, se thắt, miên man.
Cuối cùng, cái gam màu tím như giăng giăng khắp trời, khắp cả con đường ngày xưa hay nói cách khác là tiếng lòng thổn thúc, thương nhớ người xưa dâng tràn bao la như một nốt nhạc buồn, trầm lắng, vang vọng, ngân nga.
--------------------------------------------------

2. Ngân Triều 09:04 Ngày 26 tháng 02 năm 2014
隄 [*] 昔 所 見 處 (Đề tích sở kiến xứ)/
Xin sủa lại là:
題[*] 昔 所 見 處/ chữ đề viết nhầm




Chỗ Dành Riêng - Sự Cà Lí Lơn

    CHỖ DÀNH RIÊNG
Mỗi lần họp mặt thêm thằng vắng mặt
Nhăn răng cười lại mất mấy cái răng
Vuốt sợi sầu phơi đường nhăn trên trán
Tóc đi hoang không dán đủ da đầu
Tóc rụng vì rầu, không đói mọc râu
Giấu cơn đau nét "ngầu" giờ tan biến
Kể chuyện thằng chết rừng, đứa chìm biển
Đếm thẹo trên người biểu hiện chiến công
Mày mất "nó" hay còn cũng như không
Vì tất cả trở thành "chung vô diệm" (*)
Tật không bỏ mày xoè tay ra đếm
Sao bàn này nhiều chỗ trống vậy ta
Mày cũng biết dành cho kẻ đi xa
Rượu thấm rồi, một hai ba ta chửi...
        Sự Cà Lí Lơn
    (TX.25-02-2014)

 (*) cấm đọc lái.


Từ Đó Tôi Yêu Em - NP


TỪ ĐÓ TÔI YÊU EM
(Kính gởi anh Giác và Ny)

Em là một nữ sinh Đồng Khánh,
Tóc thề, gợn sóng, dáng thanh thanh,
Nụ cười e ấp sau vành nón,
Em đã cho tôi bao mộng lành.

Em tôi mủm mỉm mặt trái xoan,
Lời em nhẹ êm như tiếng đàn,
Áo lụa bay, Trường Tiền gió lộng.
Nhìn em rảo bước, dáng hiền ngoan.

Mỗi chiều, tôi chờ em đi qua,
Nẻo em về, nắng đổ chan hoà,
Làm sao nói được niềm ao ước,
Có biết cho tình tôi thiết tha.

Là tâm hồn non dại, trẻ ngoan,
Xin em niềm rung cảm rộn ràng,
Hoà nhịp tim tôi ngày tháng tới,
Bỗng trong tôi, nghe nỗi hân hoan.

NP Jan. 7.2014

Thứ Hai, 24 tháng 2, 2014

Tâm Tình - H Đằng & Tâm Sự - TV Dật

TÂM TÌNH
Tiếng ai réo rắt chốn tha phương
Người đó ta đây vạn dặm trường.
Đâu ngỡ: Xuân thời... tình đắm đuối,
Nào hay: Lão cảnh... mộng vương thương.
Tiếc vì duyên số... trời chưa định,
Rủi bởi chiến tranh... cảnh chẳng thường.
Cảm động thay!  Người lưu luyến nhớ
Hẹn ngày tái ngộ ở... Thiên Đường.
                       Hoàng Đằng
                *****

     Tâm Sự
       (Riêng gởi H. P.)
Bỗng dưng trắc trở ở đôi phương,
Ai thấu cho ai nỗi đoạn trường?
Cứ nghĩ thời gian mờ mộng ước,
Đâu ngờ thế sự gợi sầu thương...
Lòng son chung thủy - nào lay chuyển
Dạ sắt trung kiên - chẳng đổi thường.
Xuôi ngược dù qua bao vạn nẻo,
Nơi đây sau trước một con đường.
             Trần Văn Dật





Trăng Nghiêng 1 - nvs.VT & Trăng Nghiêng 2 - vhp.HV



Trăng Nghiêng (1)
 
Trăng không vướng mắc sao nghiêng
Ưu tư gì phải lụy phiền cùng mây.
Nếu trăng vắng gió thiếu mây
Thì trăng đơn lạnh sẽ gầy guộc hơn.





Giận ai trăng lại giỗi hờn
Dòng sông ve vuốt trăng hôn liếp dừa.
Trăng về kể chuyện đời xưa
Ta nghe trong gió tiếng mưa thì thào.
Cây khô gãy nhánh lao đao
Trải dài tâm sự đậm màu thời gian.
Trăng thanh giờ cũng úa vàng
Nhăn nheo mặt nguyệt phai tàn nét son.
Tình trăng đã mất hay còn
Uống trăng khao khát thả hồn mộng du.
          nvs.Vũ Thụy
       (TX.22-02-2014
)


Trăng Nghiêng (2)

Trăng non vướng núi trăng nghiêng
Dõi theo mây trắng lòng riêng biết lòng.
Mây bay Nam Bắc Tây Đông
Trăng cô đơn lạnh ngóng trông mỏi mòn.
Trăng rơi nước cuốn xoáy tròn,
Buông tay bỏ mộng keo sơn thuở nào.













Trăng héo hắt trăng úa màu,
Đêm mưa khẽ vọng rì rào tiếng ai.
Lẩn trong làn gió hơi mây
Hương xưa rớt lại tình này còn vương.
Bao năm nước chảy mưa tuôn
Còn mây còn nước còn non còn chờ
Bềnh bồng mây cứ lửng lơ!
          vhp.Hải Vân
      (CA 02-23-2014)

Tóc Nhuộm - Phượng Ngày Xưa

                        TÓC NHUỘM
               (Tùy bút của Phượng Ngày Xưa)
                              ***
Bà chị họ tôi, lớn hơn tôi vài tuổi, từ Mỹ về, tóc nâu đen óng mượt, nhìn tôi chị nói:
_ Sao mầy không nhuộm tóc?  coi tao nè,có người nói tao chỉ mới “sáu bó” thôi đó
_Họ nói vậy là đúng quá rồi…
_Vậy thì , chút nữa mầy đi với tao đến tiệm làm tóc nhen
_ Không đâu chị, em chỉ thích” Trời sinh sao để vậy thôi “
_Sao mầy hỏng nhớ là “không có người đàn bà xấu mà chỉ có người đàn bà không biết làm đẹp mà thôi”
Tôi hơi “nóng mũi” vì cái tính “thầy đời” của chị nên xẵng giọng:
_ Em đã bảo là không thích mà.
Chị giận dỗi bỏ về, tôi không giữ chị lại vì tôi biết chị sẽ không giận tôi lâu… Hơn nữa, tại chị đã khiến tôi phải nhớ về quá khứ một cách da diết….
                            *****
Ngày đó, cách nay hơn 50 năm, là một nữ sinh Trung Học, với mái tóc đen dày, ôm trọn bờ vai, tôiđã từng làm cho các anh học trò ngồi phía sau lưng tôi phải xao xuyến…Vào mùa Đông rét mướt, giờ ra chơi,ba đứa Hằng, Hòa, Huệ vây quanh tôi để  chọc phá : Nhỏ Hòa luồn hai tay vào tóc tôi bảo là “ấm quá”, Nhỏ Huệ thì bảo “ mày ăn  bao nhiêu chất bổ đều bị dồn lên tóc hết trơn nên thân hình mầy nhỏ xíu mà mái tóc thì to đùng.”  Nhỏ Hằng còn khám phá ra mấy cọng tóc bạc, bứt mạnh, làm tôi đau điếng,vậy mà, chúng nó vừa cười nắc nẻ vừa bảo:
_ Con nhỏ nầy nó yêu sớm nên tóc nó bạc rồi tụi bây ơi
_Ba đứa ỷ đông  ăn hiếp một mình tao hén,  mai mốt rồi biết tay tao…
          Thời gian trôi qua, chúng tôi rời khỏi mái trường thân yêu, mỗi đứa một nẻo đường đời.  Huệ chọn ngành Bưu Điện.  Hòa, Hằng đi “gỏ đầu trẻ,” chỉ có tôi là quyết tâm theo đuổi ngành Luật để sau nầy có thể “xử” tụi nó.  Nhưng số phận đưa đẩy, tôi cũng phải làm “cô giáo bất đắc dĩ” hơn chục năm, rồi thì đứa nào cũng chồng con đề huề, có đứa lại dang dờ nợ duyên… nhưng không hề gặp nhau…  Cho đến khi biến cố lịch sữ 30/4/75 xảy ra…
                            *****
          Tôi gặp lạị Huệ vào thời kỳ “bao cấp” dưới chế độ XHCN, Huệ nhìn tôi ngạc nhiên:
_ Trời ơi, mái tóc dày ôm trọn bờ vai đâu rồi mà sao lại cắt tém thế kia?  Đã vậy còn bạc nữa chứ…
Tôi vừa mừng vừa tủi nắm lấy tay nó bóp mạnh:
_ Thì lịch sữ đã sang trang rồi, tóc tém vừa gọn khi đi lao động, vừa đở tốn dầu gội… vừa cắt đứt một thời mộng mơ
_ Sao mầy có vẻ chán đời quá vậy?
_”Hàng thần lơ láo” mấy ai dám ngẩng cao đầu kia chứ…
Dù chưa “thân thiện” lại với Huệ lắm, tôi cũng hỏi thăm tin tức Hằng, Hòa thì được biết tụi nó cũng vẫn còn “Bán cháo phổi” ở Saigon nầy.  Vậy là bộ tứ P3H đã gặp lại sau hơn 20 năm…
                         *****
          Nhà nước XHCNVN mở rộng cửa đón nhận tinh hoa của nước ngoài, chồng tôi như cá hóa rồng tung bay thỏa thích ở những công ty ngoại quốc còn tôi thì vẫn rút mình vào xó bếp để nuối tiếc một thời vàng son trong quá khứ…
          Nhà Huệ ở gần nhà tôi nên gặp nhau thường xuyên, có lần, nó đem cho tôi một chai thuốc nhuộm tóc rồi nói:  ”Giờ chồng làm cho ngoại quốc, gặp toàn người đẹp, mà mầy cứ như bà lão thế nầy thì coi chừng thua trắng tay đó nghen…”
Nghe lời xúi biểu của nó, tôi nhuộm tóc, gọt dũa mày mặt tay chân… Mọi người khen tôi trẻ ra nhiều nhưng chồng tôi thì vẫn lầm lầm lì lì, làm như không biết ngoại hình tôi đang thay đổi.  Khi 3H hỏi thăm, túc quá, tôi nói:  “Tao mà có cạo trọc  đầu, ổng cũng hỏng biết nũa, chứ nói chi chuyện nhỏ nhoi nầy.”
          Nhưng có lẽ tôi đã lầm… Trời không thương, khiến chồng tôi mắc bệnh nan y, ba lần mỗ bỏ cục u phổi và não.  Lần mỗ sau cùng, anh tỉnh dậy, tôi vui mừng nói với anh là tôi sẽ “xuống tóc” để đền đáp ơn trên và cầu nguyện cho anh tai qua nạn khỏi.   Anh lắc đầu bảo:  “Đừng có điên, mai mốt anh khỏe rồi, em được rảnh thì đi nhuộm tóc… để cùng ăn Tết với con cháu… “
          Tôi cuối xuống, hôn lên trán anh, nước mắt rơi đầm đìa trên vòng băng trắng quấn quanh đầu anh…
                         Một ngày cuối Đông 2002