Thứ Tư, 15 tháng 7, 2015

Chút Vạt Định Mệnh Đời - Thuyên Huy



Chút Vạt Định Mệnh Đời                       

(Mượn bối cảnh thật, người viết tự dựng câu chuyện và nhận vật, để nhớ một người quen, cũng cùng bỏ Pleiku đi, giữa tháng Ba năm Bảy Lăm, đã chết tại đầu xã lộ, đập Đồng Cam, trên đường về Phú Lâm, Tuy Hòa).

    Nhựt vẫn ngồi bệt dưới đất, dựa lưng vào bụi Sim già nua, hoa tím nhạt, từng nụ nở lưa thưa trên mấy cành nhỏ khẳng khiu, giữa “đồng không mông quạnh”, không cửa không nhà, chỉ toàn là cỏ tranh khô cằn, thiếu nước, dưới cái nắng gay gắt, cháy da của miền Trung tháng ba. Đoàn người, mấy chục ngàn, xe hơi xe kéo, có lính có dân, bỏ cao nguyên di tản xuôi Nam, sau ngày Ban Mê Thuộc mất, rồi Kontum, Pleiku bỏ ngõ, bồng bế nhau đi từ hơn mười ngày qua, khựng lại bên này cầu Đông Bắc, cây cầu sắt, rỉ sét, trơ trụi thân, bắt ngang con sông nhỏ, chia đôi hai bờ, Phú Túc Phú Thiện và bên kia, có từ thời Pháp để lại, nhưng chẳng thấy ai đi, từ chiều hôm qua. Đêm không nghe tiếng đạn pháo của quân Cộng sản đuổi theo như mấy ngày trước, nhất là ở đoạn vừa qua chợ tỉnh Phú Bổn. Trời hừng sáng, trên cao có vài cụm mây xám đen, lờn vờn xuống thấp rồi nằm yên ở lưng chừng, không cao không thấp. Mới đầu ngày mà nắng đã hùng hổ nóng như giữa trưa, tiếng con nít khóc xen kẻ tiếng muỗi rừng hoang từ quá khuya vẫn còn nghe đâu đó, sương sớm pha màu bụi đỏ tan dần theo những tia nắng lạc lõng, đong đưa chiều gió nhẹ.
    Trên con đường liên tỉnh lộ 7, giờ là độc đạo xuôi Nam, đoàn người dài chừng chục cây số, gọi nhau ơi ới, rục rịch, một lần nữa tiếp tục gồng gánh dắt dìu nhau đi, mấy chiếc xe GMC chất đầy đồ đạc và người không còn chỗ trống, nổ máy khừng khựng đầy khói đen, cố len lách giữa rừng người nhưng xem ra còn chậm hơn đi bộ. Mạnh ai nấy đi, người nào có thân thì phải lo, không ai màng nhìn, cứ cúi đầu, lặng thinh, có ai đó, cho tin, nếu đúng giữa trưa, ai không qua được bên kia cầu thì sẽ thuộc quyền cai quản của quân Cộng sản. Chiếc cầu hình như cố ráng sức chịu đựng cho người nối tiếp người qua, sau bao nhiêu năm “rong rêu hoang phế”, tiếng gọi nhau, tiếng thúc giục nhanh lên không át nổi tiếng sắt khô của thành cầu lung lay kêu ken két.
    Mấy ngày, thiếu ăn, uống nước ruộng phèn, cơn bệnh tiêu chảy đã làm cho Nhựt không còn đủ sức mà đứng dậy, chớ đừng nói là bước đi, người trên đường vẫn tiếp tục ngang qua, mệt lã và chán chường, một vài người cố nhìn năm ba người lác đác sót lại, những cái nhìn không hồn, thương hại, cũng còn có tiếng con nít khóc trong rừng người, khó tìm thấy nụ cười. Thành, Bằng, Khang, đám bạn từ Sài Gòn ra làm việc, ở Kontum, Pleiku, đi chung với nhau từ Pleiku, sau khi chờ cả đêm, rồi tan hàng trong khuôn viên Tòa Hành Chánh vì không có trực thăng tới bốc như lời ông Phó Tỉnh cho biết, đã lạc mất nhau đâu đó, trong giòng người  lừ đừ như ma đêm, sau khi chia nhau mỗi người một nắm cơm  trộn nước ruộng, từ bịch gạo sấy của quân đội, do một người lính bộ binh VNCH lạ, quăng cho và từ lúc bị trận mưa pháo chận đường của quân Cộng sản, bắn theo trên suốt quảng dài hơn chục cây số, cách ngã ba đầu hướng rẽ về Phú Bổn không mấy xa, vào chập choạng nửa khuya cho tới gần sáng sớm. Hai chiếc xe hơi của bọn Nhựt, cạn không còn một giọt xăng, có xin ai đi nữa thì chắc chẳng ai cho, vứt bỏ lại đâu đó, cũng đành vĩnh biệt nhau, vì sẽ không có ngày gặp lại. Người trúng đạn chết nằm bỏ lại đó, người còn lại cố mà nhớ giờ ngày trong đầu, để làm giỗ sau này, rồi  vẫn cứ lặng lẽ tiếp tục đi, chưa biết về được tới đâu và chừng nào sẽ tới. Ngang qua, Phú Thiện, Phú Túc, phố chợ hoang tàn, chỉ còn chim rừng, kên kên quà quạ, dân ở đây đã bỏ đi sớm hơn từ những ngày đầu, Ngọc, thằng bạn Phó Quận Trưởng Phú Thiện, không biết đang ở khúc nào trong rừng người, Tất, người khóa đàn anh Phó quận Phú Túc đã chết trên đường ra khỏi chi khu không xa. Ai đi ai sống có lẽ, giờ này, chỉ biết do Trời định đoạt thương ghét.
    Mắt Nhựt nhòa đi, hơi thở yếu dần, trước mặt chỉ một trời, sương mù mờ lảng đảng, đầu đoàn người cũng đã qua phía bên kia cầu từ lâu, bên này, lác đác theo sau chừng vài trăm người, nặng nề chờ nhau, lặng thinh lầm lũi, cố lê từng bước chậm. Bụi đường cũng thưa dần, nắng xế trưa nóng gay nóng gắt như lửa đốt, con sông nhỏ hình như đã trở mình lên nước lớn, mặc dù ngay cả giữa dòng chẳng còn bao nhiêu nước. Xa xa ở một phía trời nào đó, có tiếng súng nổ kéo dài từng chập một rồi im bặt, Nhựt ngã quỵ người nằm dài xuống đất, cố gượng mở mắt nhìn, quanh đây mặt trời đã đổi màu đen, thiếp đi, rồi không biết gì nữa, thản nhiên và vô tình, trên ngực chiếc áo ka- ki vàng nâu, khô màu mồ hôi đọng, vài cánh hoa Sim úa nắng tơi tả rụng.
    Người con gái, trạc tuổi trên dưới hai mươi, tóc lưng chừng bờ vai, chẻ đôi, rối bời, mặt mủi cũng bơ phờ như hàng ngàn người bỏ cao nguyên mà đi khác, sau bao nhiêu ngày đói khát, nhưng vẫn còn nét khá đẹp, tay cầm bình nước nhựa cũ, ngồi nhìn, dưới bóng mát của một gốc cây cao già hiếm hoi, gần bên bờ đường, con đường chỉ có đá và đất, Nhựt cựa quậy bàn tay, khô và xám xịch, nắng chiều thoi thóp xuống, lẻ loi vài giọt cuối cùng, nấn ná xuyên trên mặt. Người con gái, sửa lại cái túi xách bằng vải bố, trong đó có đôi ba bộ áo quần và bốn năm thứ lặt vặt khác, khẻ nâng đầu Nhựt lên cao thêm chút nữa, cẩn thận nhỏ từng giọt nước nhỏ, từ cái bình nước nhựa xuống khóe miệng, nứt nẽ của Nhựt, bờ môi nhếch qua một bên, có tiếng thở yếu ớt, Nhựt cố hé mắt ra, chưa nói được thành tiếng, giữa bóng chiều mờ mờ trên đồng hoang. Người con gái nhìn xa xa, mỉm cười một mình, không biết do đâu mà Vân, tên người con gái, đã bùi ngùi khóc, thương không biết bao nhiêu khi thấy Nhựt nằm thoi thóp dưới cụm Sim già, đúng là ông Phó, người đàn ông cuối cùng, mà cô đã làm tròn công việc của một con điếm, tại khách sạn Thanh Lịch, trong cái đêm phố xá Pleiku hoảng loạn, giữa nắng chang chang đổ, có đủ sức dìu được Nhựt cho đến tận chỗ này trong khi đoàn người đã bỏ đi trước khá xa. Dưới cái lạnh “đồng khô cỏ cháy” của trời Phú Bổn – Phú Yên, đoàn người bất động, tạm dừng lại qua đêm mặc dù vẫn còn có lác đác năm ba nhóm nhỏ, lặng lờ cố thêm một khoảng đường nào đó, với hy vọng ngày về Nam càng gần tới hơn. Trời vẫn chưa chịu mưa như mấy ngày qua, lại bắt đầu nghe tiếng con nít khóc và tiếng tay đập muỗi rừng lúc gần lúc xa, ở phía đường chân trời, chùm sao Hôm đã lên cao từ lâu, chưa đủ sáng. Vân kéo cái khăn quấn đầu cũ, không lớn lắm, đắp choàng ngang che phần ngực của Nhựt, nằm xuống kế bên, lớp lá khô còn giữ chút hơi nóng của ngày làm cô thấy lòng mình âm ấm.
    Nhờ chút bánh in trộn đâu phọng chắc nịch do Trung Cộng làm, phần ăn mà lính cộng sản Bắc việt, được phân phát thay cơm, khi chờ ra trận, tràn quân tấn công phòng tuyến của VNCH, thứ bánh này, ăn vào cả ngày chưa thấy đói, mà Vân đã mua ở khu chợ trời Hoàng Diệu, Pleiku, trong những ngày cận Tết, Nhựt đở hơn và khỏe lại phần nào, khi đoàn người di tản qua khỏi cái đồi trọc cao, rừng mây chằng chịt hai bên đường. Từ trên này, người ta la hét vui mừng, nhìn xuống, ở dưới xa, lưa thưa dăm ba căn nhà ngói, mấy gốc dừa, dãy ruộng xanh xanh và vài con trâu lờ mờ trong nắng sớm vừa lên, thấy vậy mà phải đến gần xế chiều, đầu đoàn người và hai ba chiếc quân xa GMC còn sót lại mới đến dãy nhà ở, nằm bên ngoài ngõ vào chợ quận Cung Sơn, thuộc địa phận tỉnh Phú Yên, theo sau, người và người vẫn còn kéo dài thờ thẩn xuống đồi. Trong cái nắng vàng màu lá úa, lá cờ VNCH trên nóc văn phòng quận lất phất bay giữa gió chiều lên. Một toán nhân viên quận, mười mấy người, tay súng, tay đèn, hò hét, sắp xếp, người đầy và đông nghẹt trong cái sân vận động chỉ có cỏ dại, đất cứng và đám ruộng khô chung quanh, mấy con đường loanh quanh phố cũng không còn một chỗ trống. Phan, thằng bạn cùng khóa, Phó quận Cung Sơn, không thấy mặt mủi nơi nào, cho dù còn ở đây, cũng khó lòng tìm ra, giữa rừng người, hàng chục ngàn mạng, đông như kiến.
   Trời sáng hẳn, dân, lính trong chợ quận và mấy căn nhà chung quanh, rục rịch chất chồng đồ đạc ra đi, sương ướt như nước mưa và gió vừa đủ lạnh. Nước sông Ba mùa này lấp xấp, cao không quá hơn đầu gối, chừng chục cái vĩ sắt của quân đội VNCH, lót ngang, nối bờ này sang bờ bên kia, đường về Tuy Hòa, cho xe cộ đi qua mấy ngày trước nữa vẫn còn thấy rõ dưới nước. Đoàn người nhốn nháo, giục nhau đầu chợ cuối đường, lẳng lặng một lần nữa, kéo nhau, kẻ trước người sau, bỏ Cung Sơn đi, lác đác vài chục người lính bộ binh, lom khom, tay này dắt con tay kia giữ súng, không biết giữ để làm gì. Từ căn nhà tranh có cái lu khá lớn, đựng nước mưa trước cửa, ở cuối đường, Vân mang cái bình nước nhựa đầy, trở lại chỗ Nhựt ngồi, trên bờ đê ruộng khô đất cày, gật đầu cười nhẹ, vừa nhìn theo đoàn người đang trên đường qua sông, vừa mang cái túi vải lên vai, Nhựt chậm chạp đứng dậy, Vân nắm tay đở phụ một bên, nói nhỏ “thôi mình ráng đi đi ông Phó”. Có tiếng phi cơ oanh tạc của quân VNCH gầm gừ đâu đó dưới miệt trời Tuy Hòa, người đi ngang qua, già trẻ, lớn bé, đầu tóc bơ phờ, thấy được nụ cười trên mặt, tuy héo úa, nụ cười không ai có, trong suốt gần hai mươi ngày ròng rã, chiếu đất màn trời, giữa rừng sâu, đồng hoang hun hút. Tóc Vân rối bời nhưng cũng ráng lất phất bay, đôi ba sợi lưa thưa theo chiều gió giữa nắng trưa, bổng dưng Nhựt thấy bước chân mình có chút vui.
   Ở trên miền cao, xứ lạ này,  hình như đất trời quanh năm mùa Đông, đám công chức trẻ, chưa có gia đình, từ Sài Gòn ra, trên Kontum hay tại Pleiku, nhất là mấy anh Phó Quận, thứ bảy chủ nhật, tụm năm tụm ba, kéo nhau bài bạc ở khu nhà cư xá của mấy ông khóa đàn anh, dạo đường trên ngõ dưới, hít thở mùi bụi đất đỏ cho quen với “phố xá không xa, trời đất thật gần”, nhậu nhẹt lai rai, ôm ấp chuyện đời, “công tướng khanh hầu, thương sớm khóc muộn”. Ban Mê Thuộc mất, tình hình tuy rối ren nhưng phố xá Pleiku, xem ra vẫn như mọi ngày, mặc dù có nhiều quân xa các loại, lính trận súng ống, lên xuống dồn dập, đông đảo và vội vã. Như thường lệ, chưa giữa trưa, từ quận Lệ Trung, Nhựt đã về tới Pleiku, trên đường, dăm ba người đàn ông Thượng đi làm rẫy quen, gọi chào ới ới, át tiếng kèn của chiếc GMC bám bùn đỏ, chỡ đầy lính bộ binh, làm hiệu để Nhựt nhường, vượt qua hối hả. Nhựt tới khu cư xá công chức tỉnh, đậu xe trước nhà ông bà Trưởng ty kinh tế, chỗ họp mặt bài bạc, thì đám bạn từ Kontum cũng vừa xuống tới trước đó không lâu, cả đám nhảy lên chiếc Ford Bronco của Khang, thằng bạn Phó quận Dakto, tấm bảng số xe lung lay, vì rớt mất con ốc vặn cũng còn đó như tuần rồi, chạy ra ăn trưa ở một tiệm cơm gần rạp hát Diệp Kính, không xa ngã ba, chỗ đối diện văn phòng Air Việt Nam.
    Trở lại cư xá, Khang lái xe tấp vào khách sạn Thanh Lịch, đặt phòng ngủ, anh quản lý cười vồn vã, chờ ngoài sân, hứa làm đúng bài bản theo lời dặn như thường lệ. Xe ngang qua Bộ tư lệnh quân đoàn 2, lính tráng rầm rập chạy tới chạy lui, lăng xăng hơn thường ngày, người lính gát cổng chẳng buồn đi qua đi lại, thỉnh thoảng giơ tay phủi mớ bụi đỏ bốc lên trên mặt, từ hướng chiếc trực thăng vừa cất cánh khỏi bải đáp, một cách chán nản. Gần tới cư xá, ngã rẽ đầu đường đi Kontum, dân chúng tay bồng tay gánh, từ hướng Kontum, đông nghẹt như kiếng hai bên, đi thành hàng dài, chật nứt cả cây số, ùn ùn vào thành phố. Chưa tới mười giờ tối, trận bài xì dách kết thúc sớm hơn mọi lần, vì đám Trưởng ty của Pleiku thua đậm, Nhựt cùng hai thằng bạn Kontum, chia nhau mớ tiền rồi cùng bỏ qua khách sạn. Ngoài đường, vẫn còn đông đảo xe cộ, thường dân lính tráng, Bộ chỉ huy Cảnh Sát vùng 2, nằm sát bên hàng rào vẫn còn đèn đuốc sáng trưng, bên trong cổng, trên sân xi măng, vài chục thùng đồ, chất thành từng đống cao, vô hàng vô lối, tiếng người nói chuyện với nhau xì xầm, tiếng mất tiếng còn, dường như người trên đường cố tình quên mất hai chữ giới nghiêm, không có tiếng còi hụ của chiếc xe tuần hổn hợp Quân cảnh – Cảnh sát như mọi đêm, trong giờ này.
    Anh quản lý khách sạn đứng lóng ngóng phía trước, cười nhanh nhẩu, kéo cánh cửa kiếng màu sương mờ đục, mở rộng cho bọn Nhựt vào, gió lùa mát rượi. Anh lửng thửng đi sau,  gục gật đầu nói vừa đủ nghe đã sẳn sàng như mấy ông Phó dặn”, bọn Nhựt không nói gì, thong thả lên lầu, đi về hướng phòng ngủ của mình, sau lưng, ở dưới lầu, có tiếng con gái hỏi anh quản lý khách sạn gì đó. Người con gái, gỏ cửa phòng rồi bước vào, tay cầm cái túi xách nhỏ đựng gì đó, khẻ gật đầu chào, xưng tên là Vân, Nhựt chào đáp lại, mời cô ngồi xuống cái ghế sa lông nệm đặt cạnh cửa sổ, ra dấu chờ chút xíu. Vân để tóc buông dài quá vai, khá đẹp và gọn gàng với cái quần dài đen và chiếc áo cánh cụt tay xanh lá mạ, Nhựt thong thả, ngồi xuống cái ghế trống kế bên, nhìn đồng hồ trên tường, sắp mười hai giờ đêm.  Gặp Vân lần đầu tiên, không giống các cô gái làm điếm khác, cô không nói nhiều gì về mình hay “than thân trách phận, nghịch cảnh tình đời”, Nhựt cố hỏi cho lắm, thì cô chỉ trả lời ngắn gọn nhà em nghèo, thiếu học, ba theo cộng sản vào rừng, bỏ mẹ con tự sống”.  Cũng như lần trước, đèn trong phòng tắt, ngoài hành lang, khách sạn lặng im, câu chuyện hỏi nhau, ngưng lại chừng đó rồi thôi, giống như hai người cùng nghề bên mấy phòng bên, Vân ngủ lại với Nhựt đêm nay. Sáng ra, mấy cô gái đã rời khách sạn từ sớm, Nhựt đứng trên lầu nhìn xuống, vừa lúc anh quản lý khách sạn chạy lên, hớt hơ hớt hãi:
-Họ đi hết từ khuya rồi, ông Phó ơi.
    Bên dưới, xe không còn một chiếc trong sân, giấy tờ, sổ sách, ướt đẩm sương đêm, nằm ngổn ngang từ cửa dãy văn phòng tới ngoài, cánh cổng sắt mở tung, đèn còn sáng trưng, vắng tanh không một người, bộ chỉ huy Cảnh sát xem ra đi từ lâu lắm rồi. Cả thành phố giờ trống hơn quá phân nửa, Bộ tư lệnh quân đoàn 2 đã di tản về Nha Trang trong đêm, súng ống, quân phục còn in vết bùn, chổ đen chỗ đỏ, quăng vứt bừa bải trên đường, hai chữ tắt QC trên cái nón sắt, ướt đẩm hơi sương, nằm tội tình trên bụi tường vy trước căn nhà gạch đỏ nào đó còn thấy rõ mồn một, không buồn nhận lại số tiền dư, đã trả trước cho khách sạn, kịp chào anh quản lý một tiếng nhưng không hẹn tuần tới như thường lệ, bọn Nhựt lái vụt đi, phía sau không thấy anh quản lý đứng chờ. Nhựt cùng đám bạn, nhập theo giòng người, bỏ Pkeiku đi khi trời sắp sửa sang ngày. Ờ một xóm nhà nghèo, gần đường ra Biển Hồ, xin được một chỗ đứng, trên chiếc xe vận tải lớn, đầy nhóc đồ đạc và người, với độc nhất, cái túi xách vải mang theo, Vân cũng bỏ Pleiku. Xe ì ạch, người lủi thủi, nối đuôi nhau, ngang qua khu chợ mới, nhìn vào căn phố, nơi đó, cánh cửa sổ cũng còn màu nâu bạc, mở tung, đã có không biết bao nhiêu lần ra vào, Vân rươm rướm khóc.
   Người chết nằm lại, thân xác không toàn vẹn, người bị thương sống sót sau những trận đạn pháo hung tàn rót xuống, của quân cộng sản, trên suốt quảng đường dài từ Cung Sơn, rã rời đi tiếp. Cuối cùng đoàn người cũng tới được khu làng đập Đồng Cam, nhà cửa lưa thưa, nằm dọc con đường lộ trải đá, chạy về Phú Lâm, một ấp ven bìa thành phố Tuy Hòa, bên kia, là con kinh nước trong xanh, cách chừng không hơn mười cây số. Ở đây cũng đã có hàng ngàn người đến trước, đất không còn một chỗ chen chân, kẹt ở lại hơn bốn năm ngày rồi, vì cộng quân đóng ba bốn cái chốt, chận đường, trên mấy ngọc đồi cao, có đặt súng đại liên Trung cộng, thỉnh thoảng bắn hăm dọa từng tràng một. Trời vẫn còn thương, Nhựt gặp lại Khang, Thành, mặt mày đen thui, gầy thỏm, quần áo nát bừa, hốc hác, khi tìm chỗ tạm ngồi, ở căn nhà tranh nhỏ cuối làng, sân sau ngó qua cái núi, không cao lắm nhưng rừng là rừng. Cả bọn mừng mừng tủi tủi, Nhựt chỉ qua Vân rồi kể chuyện, nhờ cô mà anh thoát chết, không khó nhận ra là đã gặp ở đâu và làm gì, hôm nào, Khang cũng như Thành, mỉm cười chào mà không hỏi gì thêm sau tiếng cám ơn.
    Gần xế chiều, phía trên đầu đường, nơi cộng quân đóng chốt, có tiếng súng nổ liên hồi, dữ dội và tiếng thiết vận xa M113 của quân VNCH, chạy lên chạy xuống xa xa, người trên đó chạy về, truyền miệng nhau cho biết, quân VNCH từ tiểu khu Phú Yên chuẩn bị tấn công mở chốt, ai nấy tươi cười, hỏi han qua lại, tưởng như sắp về tới đất bình yên nay mai. Vân đi đâu đó trở lại, với chút cơm nguội vò, cở chừng một nắm tay, đưa cho ba người chia nhau ăn tạm, làm dấu đã có phần, mở túi xách vải, lấy ra phong bánh in đậu phọng Trung cộng còn sót lại, để trên miếng lá chuối khô dưới đất, quàng túi vải lên vai, nói khẻ “cũng tìm được người quen, em đi đây một chút rồi trở lại”, rồi chậm rãi, băng qua bên kia đường, khuất trong đám người nhốn nháo, muốn tìm đường đi lên phía trước. Trời chậm dần xuống thấp, dăm ba tia nắng muộn cuối ngày, lờ đờ nằm đong đưa, vắt ngang cánh đồng, đầy cỏ hoang, lấp xấp nước, từ phía núi xa, lác đác đôi cánh chim mệt mỏi, xoải cánh về ngang, lưa thưa đâu đây một hai căn nhà tranh đã lên đèn.
    Nhựt ngồi thừ ra trong màn sương sáng, phong bánh in đậu phọng chưa đụng tới, Khang, Thành vẫn còn nằm ngủ vùi từ đầu hôm, Vân không trở lại như đã nói từ hôm qua. Bổng dưng Nhựt thấy thiếu vắng một cái gì đó, cái thiếu vắng mà anh chợt biết ra rằng, mình đã nhớ và trông chờ cô nàng về, từ lúc màn đêm xuống. Gần tới xế chiều, Nhựt len vào đoàn người, cả ngàn người, nhìn ngược nhìn xuôi, nhìn quanh nhìn quất, hy vọng còn gặp lại Vân đâu đó, gặp lại để làm gì thì chính anh cũng chưa biết được. Gần xế chiều, trời nhá nhem tối, có tiếng súng nổ liên hồi, gầm gừ ở phía đầu làng, nơi quân cộng sản đang đóng mấy cái chốt chận, kéo dài độ chừng hơn một tiếng đồng hồ, rồi im bặt, người và người nhốn nháo, chạy tán loạn, quýnh quáng trên đường, con nít khóc vang cả một góc làng. Lại một đêm nữa, đoàn người di tản còn kẹt cứng ở đây và thêm một đêm nữa, Vân chưa quày trở lại, sáng ra, mới biết chuyện gì đã xãy ra chiều hôm qua. Một nhóm, chừng hai ba trăm người phía trước, có lính có dân và chiếc xe jeep quân đội, đầy bụi bám, thấy im lìm, đường trống, nên bỏ đi tiếp, khi qua khỏi ngọn đồi cao, quân cộng sản xuất hiện, tràn ra chận hai đầu đường, bắn xối xả từ trên các hốc đá trên đồi xuống, không chừa bất cứ thứ gì, số người sắp lên theo, bò lăn bò lết quay ngược lại, may mà còn kịp thoát thân. Từ đó, cho tới mấy hôm sau, ngày cũng như đêm, đoàn người lặng im, không còn mấy ai đi lên đi xuống, Vân vẫn không thấy tăm hơi, Nhựt thờ thẩn chờ, chờ để nói hai tiếng cám ơn mà anh chưa kịp nói,  dù biết chỉ là “bóng chim tăm cá”.   
    Lính từ tiểu khu Phú Yên, thấy đổ xuống từ xa, đoàn người lặng lẽ, một lần nữa, bồng bế, dắt dìu nhau đi tiếp về Tuy Hòa, đường bắt đầu qua được, sau khi họ diệt mấy cái chốt trên đồi, trên trời, chiếc phi cơ oanh tạc A 37 của VNCH bay vụt qua, bỏ lại sau lưng lẻ loi chùm khói xám xịch. Chiếc xe jeep quân đội nằm nghiêng một bên lề, cháy nám đen, nhóm người đi theo, chết nằm la liệt, con nít người lớn, đủ mọi tư thế, mùi hôi bốc lên ngẹt thở, vì chịu đựng với nắng ngày sương đêm, trong hơn bốn ngày qua, có đoạn, người đi qua buộc phải dẫm lên vì không còn chỗ trống nào để tránh, không mấy chốc nắng lên cao và trời nóng gay gắt như mọi ngày.
    Nhựt òa lên khóc, đớn đau cùng tận, Thành và Khang, cũng rươm rướm mắt, người ngang qua hờ hửng nhìn, lặng thinh đi, không có thời giờ ngừng lại và không cần biết tại sao.  Xác Vân nằm đó, trên bờ đất ruộng, nửa người vắt ngang lề, đầy máu tím đóng cứng quanh thân, tóc khô cằn không che nổi khuôn mặt gầy đét, cái túi xách vải vẫn còn dính vướng vào cánh tay, cũng khô cứng như đất trên đường. Nhựt ngồi bệt xuống, kéo nhẹ cái túi xách ra, buốt lòng, vuốt mặt, đôi mắt Vân nhắm từ lâu, chưa kịp nhìn trọn đời mình vừa quá tuổi đôi mươi, chiếc quần đen và cái áo cánh cụt tay xanh lá mạ, bộ quần áo mà Vân đã mặc, đêm ngủ với Nhựt ở Pleiku vẫn còn thơm mùi hương con gái.
    Ba người đở xác Vân lên, ráng khiêng qua miếng đất ruộng hoang, phía bên kia đường, nhiều cỏ dại, dùng mấy cành khô gãy của dăm ba cây cao già nua quanh đó, đào chút đất, rồi ngậm ngùi đặt xác cô xuống đó, lấp vừa đủ thân người, đói khát và mệt lã, họ không còn đủ sức để đào sâu hơn. Khang, Thành đứng dậy, nhìn ra đường, đoàn người bỏ đi xa từ lâu, vài ba anh lính tiểu khu, hối hả qua, buồn buồn nhìn không hỏi, Nhựt lấy phong bánh in trộn đậu phọng, mà anh còn giữ từ buổi chiều Vân bỏ đi, trong túi áo ka-ki ra, cẩn thận đặt trên đầu nấm đất mới đắp, cắm vài cánh hoa dại trắng, còn tươi, ngắt vội trên đồng, thì thầm  “cám ơn và vĩnh biệt, xin đất trời phù hộ, miếng bánh này xin trả lại, hy vọng nó sẽ đủ, như là một chút tình gởi theo, để Vân ấm lòng, đi trọn đường, về tới chốn bình yên miên viễn.”

Thuyên Huy

1 nhận xét:

giao sinh nu nói...

Một chuyện tình tuy chớp nhoáng nhưng để lại bao đớn đau cho người trong cuộc