Con Agnès
Cha tui nấu ăn cho ông tỉnh trưởng người Pháp - còn gọi là ông "Sứ Tây". Làng xóm phong tước hiệu cho cha tui là "Bếp Sứ". Tui hỉnh mũi dữ lắm. Khoan nói đến chiện gì khá , chỉ
nội cái dziệc mua thịt ngoài chợ thôi cũng đủ thấy "uy quyền" của "Bếp Sứ". Sáng nào cũng dzậy, những người bán thịt đã có lệnh của quan là không được bán cho ai trước mà phải chờ " Bếp Sứ " lựa mua đầu tiên, tới "Bếp Cò Chánh", "Bếp Cò Phó", "Bếp Kho Bạc"v.v... Chừng nào tất cả bếp của quan Tây mua xong rồi mới được bán cho dân. Thịt ngon đã bán giá rẻ cho mấy quan hết rồi, còn lại thịt bầy nhầy bạng nhạng, xương xẩu "hầm bà lằng" thì bán giá mắc cho dân để gỡ lại cả
dzốn lẫn lời !
Nhờ là con của "Bếp Sứ" nên tui mới quen thân được dứ mấy đứa con Ông Sứ Tây là chị em con Agnès và thằng nhóc tì Paul. Đây cũng là điều làm cho lỗ mũi tui nở to thêm nữa.
Tui có được nhiều dịp nói tiếng Tây dứ chị em nó lắm. Dù tui nói rặt tiếng "bồi" mà tụi nó cũng hiểu và cười sặc sụa. Chỉ gặp tui một lần là chị em con Agnès đã "kết" tui thiếu điều muốn sặc sừ luôn. Rồi càng ngày tụi nó càng kết đậm hơn nữa. Dzì nếu hổng có tui thì suốt đời chị em nó cũng hổng biết trái chòi-mòi, trái chà-rang, trái giũ giẽ hay trái bứa là gì nữa. Trái rừng nào mà tui đem dzìa tụi nó đều khoái tỉ hết. Trừ trái bứa là chị em nó chỉ ăn một lần rồi tởn tới già dzì bị Maman biết được giũa te tua luôn. Con Agnès cho biết là trái nào ăn vụng rồi chùi mép cũng được, còn trái bứa thì dính răng vàng khè mà tụi nó đâu có ngờ. Lỗi là tại tui sơ ý quên dặn trước. Mà ai biểu
tụi nó hổng phải là dân Kontum chi. Hổng biết thì ráng mà chịu.
Lễ hội gì mà có Ông Bà Sứ tham dự đều dẫn chị em nó theo. Con Agnès luôn luôn xin Maman của nó cho thằng Pierre đi chung. Tui cho biết tên thánh của tui là Pierre để chị em nó
dễ gọi chớ sức mấy mà tụi nó kêu tên Sự cho được. Ngay chính tui đây mà muốn kêu tên tộc của mình cho khỏi quên cũng còn thấy khó nặc huống chi là chị em con đầm Agnès.
Bản tánh tui thích leo trèo. Tui cũng đã té cây vài lần nhưng chỉ treo toòng teng rồi tuột xuống mà thôi. Lần này tui té bị thương nặng. Da đầu gối trái của tui rách tét bét, lòi xương
bánh chè ra luôn, máu chảy đầm đìa. Thằng Phục phải xé áo thun của nó, bó rịt đầu gối tui lại để cầm máu. Rồi nó cõng tui trên lưng mà chạy đến dinh Ông Sứ tìm cha tui. Từ Giọt Nước chỉ cần băng qua đường Nguyễn Huệ là tới. Con đầm Agnès chạy ra mở cổng, nó thấy tui bị thương nặng như dzậy nó hét lên: "Oh! Mon Dieu!" rồi bật khóc nức nở. Thằng em nó cũng dzừa chạy tới, con Agnès liền xổ một tràng tiếng Tây thứ thiệt chớ hổng phải thứ tiếng bồi tui thường nói đâu nghen.
Thằng Paul chạy trở dzô nhà. Lúc nầy thằng Phục từ từ hạ thấp xuống, nhẹ nhàng để tui ngồi trên bãi cỏ. Tui chống tay định nằm ngửa ra phía sau. Con Agnès vội vàng quỳ xuống, một tay đỡ đầu, một tay vuốt tóc trên trán tui. Bàn tay nó sao êm ái lạ thường. Nó cúi xuống thật gần, những giọt nước mắt của nó rơi ấm mặt tui. Tui nhắm mắt lại, tai tui nghe tiếng con Agnès thì thầm:"Oh! Pierre. Oh! Pierre." Tui chưa bao giờ có được cảm giác yên lành như thế nầy. Tui hổng biết diễn tả thế nào cho đúng. Cảm giác vừa được sự vỗ về của người mẹ, vừa được sự an ủi của người chị cùng sự vuốt ve trìu mến của người bạn gái bé nhỏ thiết tha. Tui thấy thương con Agnès quá.
Xe chở tui dzô nhà thương để may lại cái đầu gối rách beng của tui.Đến nay cái thẹo vẫn còn là dấu tích kỷ niệm của một thời khó quên.
"Cách tó rui dzê"- quatorze juillet 14/7- là ngày quốc khánh của Pháp. Người mình nói trại ra là ngày lễ "bắt chó đua dê." Ngày nầy có nhiều trò dzui được tổ chức tại sân vận động của tỉnh. Người lớn nghỉ làm, con nít nghỉ học để dzui chơi mừng lễ. Ông bà Sứ và các quan Tây đều đến dự. Đương nhiên phải có chị em con Agnès. Còn tui thì theo "ăn ké" là cái chắc. Được ngồi trên khán đài nhưng tui hổng thích, chỉ muốn xuống nhập bọn dứ mấy đứa bạn thì dzui dzẻ hơn. Con Agnès biết ý nên nắm áo giữ tui lại. Nó nhìn tui lắc đầu nói nhỏ: "Non Pierre. Non! " Tui hỏi : "Pourquoi"? Con Agnès hổng thèm trả lời , nó háy tui một cái rồi quay mặt chỗ khác. Tui nghĩ thầm: "Đầm nhí mà cũng bày đặt giận hờn." Nghĩ thì nghĩ dzậy chớ tui đâu nỡ bỏ nó mà đi dzì sợ nó khóc. Con Agnès mít ướt lắm.
(Hình minh họa: Leo cột mỡ ở Indonesia)
(Hình minh họa: Leo cột mỡ ở Indonesia)
Cây trụ được chôn xuống đất rồi bôi dầu cho trơn. Người ta giành nhau leo lên lấy giải thưởng trên ngọn. Trèo lên tuột xuống hoài. Té chồng lên nhau thấy mà thảm. Có người leo
lên đã gần tới đích rồi bị tuột xuống trúng đầu người phía dưới, người nầy cũng tuột xuống trúng đầu người bên dưới nữa và cứ như dzậy cho tới đất luôn. Lần nào cũng có người ôm bụng dưới mà rên rỉ dzì "thằng lớn làm, thằng nhỏ chịu" !
Cái sà ngang được gác qua hai cây cột giống như cái"gôn" đá banh nhưng cao hơn. Trên sà ngang treo lủng lẳng nhiều cái nồi đất đựng bánh kẹo, xà bông cục và đồ chơi xen kẽ dứ những cái nồi đựng tro than. Bốn hoặc năm người có thể tham dự trò chơi cùng một lượt. Mỗi người được phát một thanh gỗ to bằng cổ chân, bị bịt mắt lại và quay mòng mòng mấy vòng rồi đứng thủ thế chờ. Chưa chi mà người nào cũng nghiêng qua ngã lại rồi. Khi nghe tiếng "a lê húp" thì bắt đầu đập cho bể mấy cái nồi đất đã treo. Bánh kẹo, đồ vật,tro bụi và mảnh sành rơi trúng đầu trúng cổ người đập. Mở băng bịt mắt ra thì dưới cỏ chỉ còn lại mảnh vụn của nồl đất bể, kẹo bánh thì đám "xây lỗ cố" con nít đã dọn sạch sẽ rồi.
Con heo được "xối mỡ" rồi thả cho nó chạy. Người nào bắt được con heo thì lấy luôn. Nhưng cũng "chằn ăn trăn quấn" lắm. Người ta nhào ra giành giựt, lôi kéo nhau té lăn cù
đèo. Người nào mặt mày cũng lấm lem, quần áo tả tơi.
Một cái vũng tròn lớn bằng cái nong được đào sẵn, đổ nước vào trộn đất bùn cho nhão. Các ông Tây bà Đầm ném từng nắm bạc cắc vào cái vũng sình đó. Nhiều người nhào dzô
xô đẩy chen lấn nhau để mò tìm bạc cắc. Người nào người nấy giống như trâu lăn lấm.
Trò chơi nào cũng khiến người coi cười nôn ruột. Tui phàn nàn không được chơi dzì còn nhỏ tuổi. Mấy anh lớn nói đó là cách tụi Tây nó sĩ nhục dân mình mà mầy ham cái nỗi gì. Lớn lên tui mới hiểu được ý của mấy ảnh.
Buổi chiều có đua ngựa dưới "dzườn dzông"- Là cái thung lũng cạnh bờ sông gần cầu Dakbla được trồng nhiều cây mã tiền to lớn có nhiều gai nhọn bao quanh thân cây từ dưới
gốc lên tới ngọn. Người mình gọi loại cây nầy là "vông tây." Thứ gì to lớn là Tây, cái gì lạ mắt cũng Tây. Như bánh tây (bánh mì), rượu tây, đậu tây, đu đủ tây, giày tây, quần tây... Xe đạp thì hổng có xe tây, chỉ xe đầm thôi. Bóp đầm, dù đầm, áo đầm, kim đầm...Tây đầm ôm nhau xà nẹo mà nhảy thì cũng gọi là nhảy đầm chớ ai mà gọi nhảy tây. Còn bà xơ thì lại là ma xơ tây chớ làm gì có ma xơ đầm. Có điều hơi ngồ ngộ nầy mà hổng biết có ai để ý hôn ? Tui luôn luôn thấy mấy bà Đầm thì dắt chó Bẹc Giê đực, còn mấy ông Tây thì dẫn chó cái!
Người ta cắm cọc giăng dây thành một cái vòng tròn lớn quanh thung lũng. Ngựa đua bắt buộc phải chạy theo phía ngoài hàng rào đó. Năm nào con bạch mã của Bác Tế cũng
chiếm giải nhứt. Con ngựa nầy hổng cần nài điều khiển hay thúc giục gì cả. Nó biết lúc nào nên chạy chậm để giữ sức, lúc nào cần phải chạy nước rút để vượt thắng. Tất cả các nài ngựa đều là người Thượng. Họ cưỡi ngựa hổng cần yên rất giỏi. Còn người Kinh thì "em hổng dám đâu." Cưỡi ngựa thường là ngồi, nhưng trong cuộc đua nài ngựa phải nằm rạp trên lưng ngựa cho nó chạy khỏi bị cản gió.
Kỳ đua nầy con bạch mã của Bác Tế thấy kém thế ngay từ lúc khởi đầu. Nó lồng lên, ráng hết sức mà hổng thể nào qua mặt được con hắc mã "em mới." Nó phải chịu lép nửa ngựa mà chạy kè kè bên hông con hắc mã để chờ dịp tốt. Rồi một chiện lạ đời đột ngột xảy ra. Người ta thấy con hắc mã dẫn đầu tự nhiên lòi ra hai cái đuôi. Một cái đuôi "chính thức" phía
sau đã đành. Lại còn thêm cái đuôi "ăn theo" ngang xương mọc ra từ lưng ngựa! Nhìn kỹ lại là cái khố của chú nài đang tung bay phất phới trong gió chiều. Con bạch mã Bác Tế thiệt là tinh ranh. Thấy thời cơ đã tới, nó liền nghĩ ra cách ăn gian, bèn chạy xáp gần hông con hắc mã hơn nữa rồi thình lình ngoạm chặt cái khố của chú nài đáng thương kia, chạy chậm lại rồi từ từ đi nước kiệu. Bắt buộc chú nài trên lưng hắc mã phải ghì cương ngựa lại rồi nhảy xuống đất, nếu không sẽ tuột khố! Chú nài hắc mã dùng hai tay níu cái khố, hai chân chạy lúp xúp theo sau con bạch mã. Trước cảnh tượng lạ lùng , hi hữu như dzậy ai mà hổng cười bể bụng thì kẻ ấy mới là dị thường đó.
Nước đã ngập xắp xắp mặt cầu Di Linh - Đàlạt. Ván cầu chỉ còn thấy lờ mờ dưới làn nước chảy. Ông Sứ Tây liều lĩnh, một mình tự lái xe qua cầu. Ông chạy rất cẩn thận, chậm
chạp bò qua. Bỗng nhiên bánh xe trước sụp xuống làm chiếc xe nghiêng qua một bên. Sẵn đà nước chảy mạnh cuốn trôi chiếc xe ra khỏi cầu, rớt xuống sông rồi chìm lĩm, mang theo Papa
của chị em con Agnès!!!
Ngày biệt ly rồi cũng phải đến. Chị em con Agnès theo Maman dzìa Pháp. Tui bùi ngùi tiễn con Agnès ra xe. Nó cầm tay tui bịn rịn hỏi: "Khi lớn lên toa có qua Paris tìm moa
không?" Tui nghẹn ngào trả lời nó bằng âm thanh tàn lụn: "Peut-être" !
Xe lăn bánh, con Agnès nhoài người ra hoảng hốt :
-Adieu Pierre!
Tui vẫy tay chào mà hổng nói được lời nào. Tui biết nó đang khóc muồi mẫn cũng như tui hổng thể nào cầm được nước mắt đang dâng trào. Và đó là lần giả biệt đầu tiên mà cũng là lần cuối cùng của hai đứa.
Mãi tới khi xe chở con Agnès khuất xa rồi tui mới trực nhớ đến một câu mà tui định nói dứ nó lúc giã từ. Bây giờ thì chậm mất rồi. Tui đành phải lẩm bẩm một mình nhưng tin chắc rằng "tiên cô" Agnès của tui có thể nghe được.
Bon voyage! Agnès. Lên đường bình an!
Pierre Sự.
(nvs.Vu Thuy)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét