Cũng Còn Đó Chút Đời Vui
Sáng
sớm thứ bảy, tôi ra xa cảng Phú Lâm đón xe đò đi Cai Lậy. Chiều hôm qua,
anh chị năm Thương nhờ người quen, xuống Sài Gòn ghé nhắn tin là ba mẹ tôi theo
chuyến tàu chở dừa, đang neo ở bến chợ dưới đó. Cuối xuân rồi mà hai bên đường
từ cầu Bến Lức xuống, vẫn còn lưa thưa vài cụm mai vàng nở muộn. Dăm ba câu đối,
đã phai màu giấy đỏ, đong đưa hững hờ theo chiều gió sớm trước cửa hai ba căn
nhà ngói cũ. Đám ruộng bên phía đường vô Cái Bè, mùa này lấp xấp nước trơ gốc
rạ. Xuống xe tại ngã ba vào chợ ngay dốc cầu Long Định, tôi len đám đông đi
nhanh xuống bến vựa. Ghe tàu đủ loại, lớn nhỏ bỏ neo chật cứng cả một khúc sông
rộng.
Giờ
này nước chưa lớn mấy, đám con nít đi theo ghe tắm sông sớm, ồn ào la hét vang
rân phía sau chợ. Người lên người xuống không ngớt, nhờ một anh khuân vác, đang
ngồi nghỉ chân ngay đầu cái cầu ván mỏng, nối ghe này qua ghe kia, tôi tìm ra
ghe dừa mình không khó. Xuống tới thì ba mẹ tôi và chị năm Thương không có đó,
chỉ có chú sáu Chuồng, người lái ghe cho nhà tôi, đang quét dọn trong khoang
trong. Dừa đã giao cho chủ vựa xong xuôi rồi nên ghe trống trơn nhẹ bổng. Hai
chú cháu ngồi trên mui ghe chuyện trò chờ. Nắng lên trải dài trên sông, dăm ba
đám lục bình trôi lặng lờ, theo một vài cơn sóng nhỏ loanh quanh mạn ghe. Trời
đứng gió.
Theo lời chú sáu Chuồng, xế trưa chú sẽ lái
ghe về Bến Cầu. Ba mẹ tôi hình như sẽ đi xe đò ghé Sài Gòn. Mẹ tôi tay cầm hai
ba bịch cam đi trước, chị năm Thương tay xách tay quàng gì đó ì ạch theo sau
xuống. Cả hai nhìn tôi cười toe toét. Bà hỏi tôi nhiều thứ mà không cần tôi
phải trả lời. Chú Sáu bỏ vào trong khoang ghe, chị năm kéo cái cửa hầm nhỏ phía
trước bỏ vội mớ đồ xuống, rồi thong thả khoát nước sông rửa tay. Hai mẹ con
ngồi bên nhau, trên mui, nhìn trời cao sông rộng không bao lâu thì ba tôi về
tới. Trời đã gần giữa trưa, ba mẹ tôi đi vòng ghe coi lại đồ đạc, dặn dò chú
sáu đôi ba việc trước khi chú nhổ neo. Tôi bắt tay, từ giã hẹn gặp lại chú ở
Bến Cầu. Gia đình tôi và chị năm Thương, đi lên khỏi cuối cầu ván chợ vựa rồi,
chú Sáu vẫn còn đứng trên đầu ghe nhìn theo. Bóng chú nghiêng nghiêng, nhấp nhô
theo từng con sóng, nước bắt đầu lớn.
Xe đò từ miền Tây lên, bị kẹt tại cầu Bến
Lức cũng khá lâu. Trên cầu, chừng mươi anh lính địa phương quân chạy tới chạy
lui, súng bồng súng mang chỉ chỏ dưới sông. Tàu hải quân VNCH nhấp nhô, quanh
mấy đám lục bình rậm lớn, nổi lềnh bềnh quanh chân cầu xi măng. Khách đi xe đò,
nhỏ to bảo nhau, Việt Cộng gài mìn trong lục bình cho sập cầu. Trời lưng lửng
xế trưa thì đường được lưu thông bình thường. Xe đò từng chiếc chầm chậm qua
cầu, anh lính ngồi gác trong cái chòi canh đưa tay chào, cười một cách bình
thản. Về đến Sài Gòn, xuống xe đầu ngã tư Trần Quốc Toản, tôi lửng thửng đi
trước, ba mẹ và chị năm Thương thong thả theo sau, ngó quanh ngó quẩn.
Ông anh họ của Tùng về Long An từ chiều Thứ Sáu, nhà vắng, Tùng loay hoay quét dọn gì đó ngoài hiên, thấy ba mẹ tôi chưng
hửng, vồn vã chào tiếng một tiếng hai. Tôi chưa kịp sắp xếp mấy túi xách, vào
góc nhà cho gọn thì Tùng đã lăng xăng thúc giục ba mẹ tôi cũng như chị năm
Thương đi rửa tay rửa mặt. Trời cũng lấp xấp về chiều, ba mẹ tôi nằm nghỉ tạm
trong phòng, chị năm bắt ghế, ngồi nhìn người qua kẻ lại trên đường ra chiều
thích thú. Tôi cũng kéo ghế ngồi bên cạnh chị, chị hỏi han đủ chuyện của Sài
Gòn từ xe cộ tới đèn đường. Tùng bỏ đi đâu đó, trong nhà lặng im. Có tiếng mẹ
tôi ho khan từ trong, chị năm Thương đứng dậy đi vào. Nghe tiếng ba tôi hỏi chị
năm, tôi đứng dậy, thì ông cũng vừa bước ra.
Trời hâm hấp nóng, tuy là cái nóng gượng
cuối ngày, nhưng cũng vừa đủ làm oi bức. Ba tôi ngồi xuống cái ghế chị năm ngồi
khi nãy, tôi đứng tựa vào tường, bên khung cửa sổ. Vẫn giọng nói ung dung thong
thả, ông hỏi đôi câu về chuyện học hành của tôi và của Tùng cũng như đám bạn bè,
trong đó có cả Chiêu. Tuy cung cách ông không khác xưa bao nhiêu nhưng cố nhìn
kỹ thì ba tôi giờ đã già đi lắm rồi, tóc ông bạc trắng không có một chút gì lấm
tấm đen như trước ngày chú Hiếu mất. Tùng trở lại nhà có Chiêu và Thảo Ly theo.
Hai cô đẩy xe Honda vào trong sân, cúi đầu chào ông, rồi đứng xớ rớ bên cạnh
tôi chờ. Tôi đứng dậy kéo hai cô vào trong nhà, Tùng ngồi xuống ghế. Chị năm
liếc trộm Chiêu nhiều lần, mẹ tôi hỏi han đủ thứ, tôi im lặng để mặc cho hai cô
lời ra lời vào. Từ trong nhà, thỉnh thoảng nghe có tiếng Tùng cười giòn giã.
Chiều xuống, trời bỗng dưng dịu hẳn, một
vài cụm mây xám dật dờ ờ phía bên kia sông, che vội che vàng đôi dăm ba sợi
nắng chiều về muộn. Cả nhà thả bộ ra cái quán cơm xích lô trên đường Cao Đạt mà
bọn tôi thường ăn, bà chủ tiệm thấy có người lạ chạy ra vồn vả chào, cũng như
thường lệ, bà ghé tai nói nhỏ mấy câu gì đó với Chiêu rồi cười tũm tĩm. Ba tôi
mời Tùng ly bia, Tùng không dám chối từ năn nỉ tôi chia phân nửa. Mẹ tôi ăn
không nhiều nhưng bà vui ra mặt. Thấy bà vui tôi cũng vui lây. Chị năm cứ thong
thả ăn, nhìn người qua kẻ lại. Đêm đó, gần khuya Chiêu và Thảo Ly mới ra về,
tôi và Tùng ngồi lặng im trong bóng đêm trước hiên nhà, ngọn đèn đường vàng
trước căn phố, có cái truyền hình lớn vẫn lờ mờ như xưa, bên trong nhà đã có
tiếng người ngái ngủ. Hai thằng khẽ đẩy cửa vào. Trời vừa có đôi chút gió đêm,
hai ba con chó hoang sủa vài tiếng khô khan trên đường lớn. Xe vẫn còn chạy
ngoài phố dù là đã quá nửa khuya. Sài Gòn hình như chưa chịu ngủ.
Sáng Chủ Nhật, tôi đưa ba mẹ và chị năm ra bến xe thật sớm vì ông bà muốn đi cho kịp
chuyến xe đầu, giờ này đường xá vắng tanh, phố phường lặng im lờ mờ trong màn
sương cuối đêm lành lạnh. Gần nửa mùa xuân rồi mà trời vẫn thường nắng muộn,
ngồi chờ xe trong dãy quán cốc bên lề bến, nhìn ba mẹ tôi thong thả hớp ngụm cà
phê, hơi nóng bốc lên như khói cơm chiều, chợt dưng tôi thấy thương làm sao,
cái hơi nóng mờ đục này, trong những ngày tôi còn nhỏ xíu ở Bến Cầu. Ba tôi có
thói quen thức sớm, đốt ngọn đèn dầu để trên cái bàn hương trước hiên nhà, rồi
thả bộ qua cái quán hủ tiếu của chú ba Xiêng ngồi uống cà phê với mấy người bạn
già quanh xóm. Lần nào tôi thức sớm, thì ông dẫn tôi theo, tôi ngồi cái ghế cao
kế bên, ông sớt chút cà phê sửa vào cái ly nhỏ xíu, tôi vừa ăn khúc
giò-cháo-quẫy nóng vừa uống cà phê ngon lành, cho đến khi dưới bến ghe cuối chợ,
người buôn người bán bắt đầu nhóm và cũng là lúc mặt trời chầm chậm hé lên ở
phía bên kia biên giới.
Bàn
bên cạnh, anh tài xế và mấy người lơ xe cũng vừa ăn uống xong, tay mồi
thuốc lá miệng mời gọi hành khách lên. Xe từ từ ra bến, quẹo hướng bồn binh ngã
sáu, đèn đường giờ này cũng vừa tắt, chị năm Thương ngồi phía cửa sổ xe vói tay
vẫy chào đôi ba cái. Tôi đứng đó nhìn theo, cho đến khi chiếc xe đò khuất mất,
sau dãy nhà lầu đầu công viên. Chiếc xe buýt sớm vừa ngừng ở trạm bên kia
đường, công nhân làm ca đêm xuống đông nghẹt bên lề. Tôi lửng thửng đi bộ về,
làm quen với sáng Sài Gòn xem sao, nhất là một sáng Chủ Nhật, dù là từ đây mà
về tới chợ Nancy không phải là gần.
Thuyên
Huy
Giữa đông 2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét