Thứ Năm, 15 tháng 6, 2017

Bài Thơ Viết Cho Tù - An Hoàng

Ai Trở Về Xứ Việt
Thơ: Minh Đức Hoài Trinh
Nhạc: Phan Văn Hưng
Tiếng hát: Khánh Ly



                 Bài Thơ Viết Cho Tù
                  An Hoàng

Chúng ta đã đọc nhiều bài thơ viết về người tù do tù viết, do vợ con họ viết, nhưng hôm nay, nghe tin nhà văn Minh Đức Hoài Trinh vừa mới ra đi về cõi Vĩnh Hằng, bài thơ của bà viết về người tù bỗng trở về trong tôi cùng với nỗi nghẹn ngào. Bà đã cảm thông được nỗi khổ "địa ngục trần gian" của chúng ta trong những tháng ngày mà bà chưa hề sống, chỉ với niềm cảm thông "thần giao cách cảm", nhà văn đã để lại cho đời bài thơ, mà theo tôi, đã đi vào bất tử. Nỗi đau khổ của chúng ta được bà gói trọn trong bài thơ AI TRỞ VỀ XỨ VIỆT.
    Bài thơ ra đời đã lâu, tôi không nhớ năm nào, nhưng ra khỏi nhà tù, đặt chân tới vùng đất Tự Do, được nghe Khánh Ly hát , trong những đêm khuya khoắt, trong căn phòng nhỏ, chỉ có tôi với tôi... hồn bỗng bay về phương Bắc, trốn lao tù, đèo heo hút gió, nơi đói khổ và nhọc nhằn, giọng ca KL đã làm tôi uất nghẹn, muốn khóc:

            Ai trở về xứ Việt
            Nhắn dùm ta, người ấy ở trong tù
            Nghe đâu đâu, vang giọng hờn rên xiết
            Dài lắm không, đằng đẵng mấy mùa thu

Xin cám ơn nhạc sĩ Phan Văn Hưng, với những dòng nhạc đấu tranh, đã phổ bài thơ của nữ sĩ miền Sông Hương Núi Ngự ấy, cùng giọng ca sương khói của Nữ Hoàng Chân Đất Khánh Ly, đã đưa bài thơ lên đỉnh cao.
Hai tiếng CẢI TẠO  chỉ là một màn khói để che dấu một chữ TÙ, không hơn không kém, một thứ tù khổ sai đói ăn, làm đến kiệt sức mà chết.  Có ai nhìn thấy những thân hình ma chơi, ốm yếu ấy, lại tưởng đó là những trại tù của Đức Quốc Xã nhốt dân Do Thái thời Đệ Nhị Thế Chiến: Auschwitz, Treblenka, Sobibor, Ebensee, nằm trong nước Đức, Áo, Ba Lan, chỉ có khác là không bị bỏ vào "lò thiêu"!  Họ muốn chúng ta kéo dài sự sống trong đau khổ, tự gặm nhấm mình, làm mồi cho sốt rét ngã nước, kiết lỵ, ăn bẩn ăn thỉu, viêm gan, mà không cần đến súng và đạn... có suy ngẫm mới thấy cái "ác" của lũ hung thần...
  Người quân tử thì: "mười năm trả thù chưa muộn", nhưng lũ tiểu nhân thì làm liền! Chúng biết gì đến hai chữ Thánh Hiền!
Nữ Sĩ từ ở phương trời Tây, nhớ về những người tù xứ Việt, ôi cao cả biết là bao:

         Ai trở về xứ Việt
        Thăm dùm ta, người ấy ở trong tù
         Cho ta gửi một mảnh trời xanh ngắt
        Thay dùm ta, màu trời ngục âm u

Dù vẫn dưới một khung trời bao la bát ngát, nhưng trong cảnh cá chậu chim lồng ấy, thì dù có gió mát trăng thanh, với những cõi lòng tê dại, hồn lạc lõng đi hoang, làm sao mà vui cho được:

       Người buồn, hồn cũng buồn theo
       Đèo heo hút gió, thuyền không bến bờ...

Những ngày ở trại tù Vĩnh Phú, gặp trên K5, những người tù Biệt Kích, họ đã ở đó hàng chục năm, họ sợ hai chữ CẢI TẠO, đồng nghĩa với "tù không bản án", tức không có ngày về. Tôi giật mình và nhớ tới cuốn phim The River of no return của những thập niên trước, mà rùng mình!

         Vào đây, biết có ngày về ?
         Nỗi đau thân phận, não nề đi hoang
         Nơi đây, không có Thiên Đàng
         Hai đầu Địa Ngục, cuối đường... nỗi đau.

Nhà văn Minh Đức Hoài Trinh cũng thấy được niềm vô vọng ấy của chúng ta:

          Các bạn ta ơi, bao giờ được thả?
          Đến bao giờ, ăn được bát cơm tươi
          Được lắng nghe tiếng chim cười
          Đến bao giờ, đến bao giờ...

Bà mường tượng đến những nỗi đau của thân phận tù bị đầy ải, bị trả thù:

        Nhớ hôm xưa, nhìn đôi tay xiềng xích
        Hàng song thưa, chia cắt vạn tình ngâu
        Ai tra tấn, nghe lòng đau kim chích

Hai chữ TỰ DO, niềm mơ ước của con người, bà muốn gửi đến chúng ta, những người tù khổ sai:
         Ai trở về xứ Việt
         Cho ta gửi về một ít tự do
         Tự do và nhiều lắm
         Nhớ thương tha thiết, đến cửa ngục tù...

Xin được cám ơn bà. Tin bà ra đi, dù tuổi đã cao (gần cửu thập), vẫn là nỗi bàng hoàng cho người dân Việt, vì đã mất một nhà văn, nhà thơ, nhà báo lỗi lạc. Có những bài thơ rất hay của bà được phổ nhạc:
                  Đừng Bỏ Em Một Mình, Kiếp Nào Có Yêu Nhau, Trăng Sao và Sương Nhớ Mẹ, Ai Trở Về Xứ Việt...

Đọc tiểu sử của bà: sinh ra ở đất Thần Kinh (Huế), thuộc dòng dõi con quan, cha bà từng làm Tổng Đốc, ông nội làm Thượng Thư bộ Lễ. Bà du học ở Pháp , học chữ Hán ở trường ngôn ngữ Đông Phương, làm phóng viên cho đài truyền hình Pháp, làm phóng sự chiến trường ở Algerie, sang Trung Đông theo dõi chiến tranh Do Thái, dạy báo chí ở Đại Học Vạn Hạnh. Bà là người đứng ra thành lập Văn Bút VN Hải Ngoại, đấu tranh cho các văn nghệ sĩ bị cầm tù. Bà từng đi khắp 5 Lục Điạ, xông cả vào lửa đạn...
Nay bà đã về miền Tiên Cảnh, kẻ hậu sinh mến mộ thơ, văn cùng sự kiên cường của bà, xin được thắp một nén nhang, chúc bà ngàn năm yên nghỉ nơi cõi Vô Cùng.
Và bài thơ Ai Trở Về Xứ Việt vẫn còn mãi với thời gian...
                                                                                                                         AN HOÀNG 







Không có nhận xét nào: