Thứ Bảy, 3 tháng 6, 2017

* Như Một Lời Chia Tay với Phạm Ngọc Lư (Đỗ Trường(

“Như một lời chia tay” với  Phạm Ngọc Lư, người giữ lửa cho nền văn học Miền Nam theo Đỗ Trường

Go to link:  https://kontumquetoi.com/2017/05/27/nhu-mot-loi-chia-tayvoi-eng-pham-ngoc-lunguoi-giu-lua-cho-nen-van-hoc-mien-nam-theo-do-truong/

vòng hoa tang1
Trình chơi Âm thanh

18671000_1929518480659064_7416087826825574447_n
Phạm Ngọc Lư
(vừa ra đi tại Đà Nẵng 26/5/17)
thap-huong (1)
thơ Phạm Ngọc Lư
Thơ  và thủ bút Phạm Ngọc Lư
logo thi ca1

PHẠM NGỌC LƯ,

NGƯỜI VẪN GIỮ LỬA CHO NỀN VĂN HỌC MIỀN NAM

Đỗ Trường
Đỗ Trường
Trình chơi Âm thanh

bien-phatamgiang-10945
Từ độ “đất trời dị biệt, gió mây bất đồng“ thì nền văn học miền Nam bị khai tử. Và tròn bốn mươi năm, tưởng chừng nó cũng đã chìm vào lãng quên. Nhưng nhìn lại, dường như dòng văn học ấy vẫn nảy nở, âm thầm chảy trong lòng đất Việt. Có thể nói, ngay sau biến cố 1975 dòng chảy đó tự chẻ ra như những nhánh sông luân lạc… rồi tìm về, tụ lại đó đây. Tuy chưa thể cháy lên, nhưng nó đã cùng với những nhà thơ, nhà văn hải ngoại làm ấm lại phần nào cho nền văn học miền Nam.
Nếu được phép đi tìm những khuôn mặt cho văn học miền Nam còn ở lại trong nước, chắc chắn thi sĩ tôi nghĩ đến trước nhất phải là Phạm Ngọc Lư. Tuy viết không nhiều, nhưng cốt cách Con Người cũng như hồn vía văn thơ của ông trong một cái xã hội dối trá lọc lừa, không phải ai cũng giữ được.

Nhà thơ Phạm Ngọc Lư sinh năm 1946 tại một làng nhỏ vùng duyên hải thuộc huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên cách thành phố Huế khoảng 30 cây số về hướng Đông Nam, trong một gia đình thuần nông. Ngay từ thuở ấu thơ Phạm Ngọc Lư đã được cha và người bác truyền dạy chữ Hán. Ông là cựu học sinh Quốc Học, sinh viên Viện Hán học và Đại học Văn Khoa Huế. Sau khi tốt nghiệp sư phạm Qui Nhơn, ông về dạy học ở Tuy Hòa. Năm sau, 1968, ông bị (được?) động viên nhập ngũ khóa 5/68 Sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Chỉ một thời gian ngắn tập luyện ở quân trường, ông lại được biệt phái trở về ngành giáo dục. Nhưng sau năm 1975, ông bỏ nghề. Từ đây, hoàn cảnh, xã hội đã đẩy Phạm Ngọc Lư phiêu bạt nhiều nơi, có những lúc cuộc sống, tâm hồn tuyệt vọng, tưởng chừng ông đã đoạn tuyệt với thi ca. Nhưng rồi chính nó lại là điểm tựa, giúp ông vượt qua những đắng cay, tủi nhục ấy. Và Đà Nẵng mới là nơi hội tụ, điểm dừng chân cuối, không chỉ riêng ông, mà còn của nhiều thi nhân lỡ bước khác.
Phạm Ngọc Lư xuất hiện trên thi đàn rất sớm. Từ năm 17 tuổi (1963) ông bắt đầu tập viết và vài ba năm sau đó đã có thơ và truyện đăng trên các báo, nguyệt san: Nghệ Thuật, Văn, Khởi Hành, Bách Khoa, Ý Thức, Tuổi Ngọc… Thơ Phạm Ngọc Lư mang đậm chất cổ thi và sử dụng nhiều điển tích cũng như từ ngữ Hán Việt. Do vậy, thơ ông cổ kính sang trọng, nhưng khi đọc lên tưởng chừng rất dễ vỡ.
Qủa thực, khi đọc, nghiên cứu Phạm Ngọc Lư, đôi khi ta bắt gặp một vài thủ pháp nghệ thuật sử dụng hình ảnh, câu từ khá tương đồng với cố thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Bởi, có lẽ hai thi sĩ đều có điểm chung, học chữ Hán và có nền tảng cổ văn khá vững, ngay từ thuở thiếu thời chăng? Tuy là vậy, nhưng tư tưởng, hồn vía trong thơ lại có những khúc rẽ rất khác nhau.

*Tiếng chuông chiêu hồn vọng lên trong thơ.
Sinh ra và lớn lên trong giai đoạn đất nước không có một ngày bình yên, do vậy Phạm Ngọc Lư thấm được nỗi đau và sự mất mát trong chiến tranh và nỗi thống khổ sau cuộc chiến. Là nhà giáo, không phải cầm súng nơi chiến trường, nhưng với ngòi bút của mình, người thi sĩ trẻ ấy đã bóc trần sự thật của chiến tranh. Có thể nói, Biên Cương Hành là một trong những bài thơ hay nhất viết về chiến tranh, không chỉ của thi ca miền Nam, mà cho cả nền thi ca đất Việt. Đa số những bài viết về đề tài chiến tranh, hay cổ động chiến tranh thường có giá trị nhất thời. Nhưng Biên Cương Hành lại có sức sống dẻo dai và sự lan tỏa mạnh mẽ, bởi ngoài sự thật tàn khốc của chiến tranh, nó còn chứa đựng giá trị nghệ thuật cao.
Bài thơ này, Phạm Ngọc Lư viết vào tháng 5-1972, theo thể Hành, như những tiếng chuông chiêu hồn vọng lên trong không gian (đã trở về) tĩnh lặng, giữa chiến trường sặc mùi tanh của đất chết. Với chỉ một câu khẩu ngữ so sánh cũ kỹ, bình thường: “Chiến trường ném binh như vãi đậu“ nhưng đã được thi sĩ đặt đúng vào vị trí, văn cảnh, nó trở thành câu mới, hình tượng so sánh ẩn dụ mới. Hình ảnh đó là sự tàn nhẫn, với nỗi đau tận cùng và thân phận rẻ mạt của người lính trong chiến tranh. Và đằng sau nó như một bản cáo trạng tội ác đối với những kẻ đã gây ra cuộc nội chiến, huynh đệ tương tàn của nhà thơ. Chúng ta hãy đọc lại đoạn trích dưới đây để thấy rõ điều đó:

“… Máu đã nuôi rừng xanh xanh ngắt
Núi chập chùng như dãy mồ chôn
Gớm, gió Lào tanh mùi đất chết
Thổi lấp rừng già bạt núi non
Mùa khô tới theo chân thù địch
Ta về theo cho rậm chiến trường
Chiến trường ném binh như vãi đậu
Đoàn quân ma bay khắp bốn phương
Lớp lớp chồm lên đè bẹp núi
Núi mang cao điểm ngút oan hờn…“ (Biên cương hành)

mưa trong rừng
Viết về chiến tranh, có lẽ không có thể thơ nào chuyển tải và lột tả hết cái bi thương bằng thể thơ Hành. Thật vậy, như có lần tôi đã viết: Hành thuộc thơ cổ, có xuất xứ từ Trung Quốc, thường viết theo thể thất ngôn, ngũ ngôn, hoặc dài ngắn tùy thuộc tâm trạng, cảm xúc của tác giả. Nó là thể thơ khó nhằn, khó viết. Nhìn chung, các nhà thơ Việt rất ít sử dụng thể loại này.
Đã đọc khá nhiều thơ thể hành, nhưng quả thực, còn đọng lại trong tôi không nhiều. Bởi, tuy là thể thơ mang tính tự do, phóng khoáng, nhưng để đạt đến cái đỉnh bi tráng, thực sự lay động lòng người, không phải nhà thơ nào cũng làm được. Với tôi, kể từ khi có thơ mới đến nay: Tống Biệt Hành của Thâm Tâm, Hành Phương Nam của Nguyễn Bính, Trường Sa Hành của Tô Thùy Yên, Biên Cương Hành của Phạm Ngọc Lư và Đau Thương Hành gần đây của Thế Dũng là những bài thơ hay, mang lại cho tôi nhiều cảm xúc nhất, khi đọc thể loại này.
Phạm Ngọc Lư dường như đã bước ra khỏi cuộc chiến, để viết. Với cái nhìn bình tâm và khách quan như vậy, hình ảnh chiến tranh cũng như thân phận con người hiện lên một cách trung thực nhất. Và con đường cùng, tịt lối ấy: “Chưa hết thanh xuân đã cùng đường“ không chỉ dành riêng cho những người lính, hay những cô phụ mà là ngõ cụt cho cả một dân tộc:

“…Đá mang dáng dấp hình chinh phụ
Trơ vơ chóp núi đứng bồng con
Khu chiến ngày tràn lan lửa dậy
Đá Vọng Phu mọc khắp biên cương
Biên cương biên cương đi biền biệt
Chưa hết thanh xuân đã cùng đường
Trông núi có khi lầm bóng vợ
Ôm đá mà mơ chuyện yêu đương
Thôi em, sá chi ta mà đợi
Sá chi hạt cát giữa sa trường
Sa trường anh hùng còn vùi dập
Há rằng ta biết hẹn gì hơn?…“ (Biên cương hành)

12495223_570288303137201_2229060652465509406_n
Có thể nói, Phạm Ngọc Lư là một nhà thơ giầu trí tưởng tượng, có lối nhìn và sự quan sát tỉ mỉ. Chỉ với một vài hình tượng so sánh:“Tử khí bốc lên dày như sương/ Đá chảy mồ hôi rừng ứa máu“ ông đã dựng lại khung cảnh khác tang thương hơn, ngay sau trận chiến. Tuy không nghe tiếng súng tiếng bom, nhưng ta thấy mùi tử khí bốc lên ngùn ngụt. Nó phơi bày sự chém giết, hủy diệt một cách tàn nhẫn của con người với con người.
Nếu Văn Chiêu Hồn của Nguyễn Du làm cho ta phải rợn người khi đọc, thì Biên Cương Hành của Phạm Ngọc Lư sẽ làm ta phải sởn gai ốc, lạnh toát cả sống lưng. Thật vậy, đây là áng văn chiêu hồn hú lên, không chỉ cho những cô hồn đã chết, mà còn cho cả những cô hồn còn sống trong cũng như sau cuộc chiến này:

“…Quân len lỏi dưới tàn lá dữ
Lá xôn xao xanh mặt hoảng hồn
Sát khí đằng đằng rừng dựng tóc
Ma thiêng còn ngán lũ cô hồn
Cô hồn một lũ nơi quan tái
Có khi đã hoá thành thú muông
Cô hồn một lũ nơi đất trích
Vỗ đá mà ca ngông hát cuồng
Chém cây cho đỡ thèm giết chóc
Đỡ thèm môi mắt gái buôn hương…“ (Biên cương hành)

Gần đây có một nhà thơ già bảo tôi: Sau 43 năm, đọc lại Biên Cương Hành, vẫn cảm thấy mới và có những cảm xúc như lần đầu vậy.
Vâng! Đúng vậy, đó là một thi phẩm toàn bích của Phạm Ngọc Lư. Và tôi nghĩ, cùng với Tống Biệt Hành của Thâm Tâm, Hành Phương Nam của Nguyễn Bính…Biên Cương Hành của ông sẽ sống cùng thời gian.

*Thân phận trí thức sau chiến tranh.
Có lẽ, sau chiến tranh, sự bắt bớ cải tạo tù đày, đánh công thương, di dân kinh tế mới còn dã man, rùng rợn hơn cả bom rơi đạn nổ thời chiến. Nếu thời chiến, chiến trường chỉ xảy ra ở một khu, một vùng, thì thời bình (sau 30-4-1975), chiến trường mới thâm hiểm hơn, trải dài trên toàn tấm thân gầy đất Việt. Do vậy, bình an không thể tìm bất cứ nơi nào trên đất mẹ. Dòng người lao ra biển, người ở lại luẩn quẩn trong vòng tròn nghiệt ngã.
Cuộc sống bần cùng không lối thoát ấy, đã được thi sĩ chép lại bằng thơ. Có thể nói, Phạm Ngọc Lư là hình ảnh điển hình nhất của trí thức miền Nam sau ngày 30 tháng 4. Từ một nhà thơ, người thày, bị bật ra khỏi cuộc sống và xã hội, ông ngơ ngác giữa vòng đời nghiệt ngã:“Ma xui quỷ khiến ta ngồi chợ/ bán gió rao trăng một núi dừa!“. Trong tận cùng bi thảm đó, chìm vào những cơn say, mới có thể làm cho người thi sĩ quên đi những bi quan và chán trường chăng?

Thôi để yên ta bên chén rượu
Uống say…thành bại cũng bằng thừa
Uống say…ném áo lên nóc quán
Hết nợ hết duyên vĩnh biệt dừa“ (Ngồi chợ)

Nhưng thi sĩ đã lầm. Rượu và những cơn say ấy, chỉ có thể bần cùng hóa thi nhân, chứ không thể kéo ông ra khỏi những gian nan, rách nát của cuộc đời. Và biên cương sặc mùi tử khí, cao su rừng được bón bằng những xác người chết trận, chắc hẳn là nơi thi sĩ phải đi đến:
… Trời sinh chi đôi vai thêm khổ
Gánh gian nan như gánh tội đồ
Sinh chi kẻ sĩ đem đày đọa
Chôn vùi nơi nắng bẩn mưa dơ
Đi giữa rừng cao su trùng điệp
Lòng đau như vết cạo còn tươi
Mủ cứ chảy bám dày tâm sự
Tâm sự đùn cao như gò mối chôn người…“ (Bụi đỏ)

Người thi sĩ như đèn cù bị dẫn chạy trong vòng vạch sẵn. Cánh đồng hoang bủa vây thân người. Chân trời rộng, nhưng đường về không lối. Sự đầy đọa về thể xác lẫn tư tưởng tâm hồn con người của chế độ hoang tưởng đương thời, không chỉ báo hiệu con đường cụt trước mặt, mà còn giết chết linh hồn của cả một dân tộc. Chiều Qua Châu Thổ là ký ức về những năm tháng lặn ngụp ở đầm lầy Đồng Tháp của Phạm Ngọc Lư. Tuy nó không nằm trong số những bài thơ hay nhất của ông, nhưng đọc ta thấy được tâm trạng cũng như thân phận bèo bọt của kiếp người:
“…Đồng khô rậm tiếng ếch kêu
Mây hoang ủ rũ đăm chiêu rối lòng
Chân trời dang rộng mênh mông
Cố hương thăm thẳm tịnh không lối về
Giang hà im bặt thuyền ghe
Tha phương nhật mộ… não nề bèo mây

vuon-chim-Ca-Mau-du-lich-ĐBSCL
Tròn một con giáp trong cái vòng luẩn quẩn “Đất khách lênh đênh tròn một giáp/ Mười hai năm – mười hai bến đục ngầu“ Phạm Ngọc Lư vùi mình trong kiếp lưu đày với nỗi đau xé nát tâm hồn. Và chính giai đoạn này, sự bần hàn cơ cực và chiếc còng vô hình treo lơ lửng trên đầu người thi sĩ thực sự đã giết chết tuổi xanh, khóa chặt thi hứng Phạm Ngọc Lư “Đỏ quạch mồ hôi chua cơm áo/ Cơm áo bạc tình bán hết thanh xuân“. Sau này, trong giây phút tĩnh tâm trở lại, Phạm Ngọc Lư đã mượn hình tượng đề thơ trên đá của tiền nhân, để khắc lại nỗi đau và sự cô đơn ấy của mình. Lên Núi Đề Thơ là một trong những bài thơ hay viết theo thể lục bát đã khắc họa thành công con người, tâm trạng của Phạm Ngọc Lư như vậy:
“…Chiều hôm non nước lặng tờ
Lòng tôi gọt đá đề thơ khóc mình
Đau tay khắc đậm chút tình
Mũi dao là lệ nhân sinh ròng ròng
Ngàn sau hồn chữ rêu phong
Miên man thiên địa… tấc lòng du du …»

Sau biến cố 30- 4- 1975, thì giá trị đạo đức, giá trị con người bị đảo lộn tùng phèo. Nền văn học miền Nam chính thức bị khai tử, nạn đốt sách, truy bức, tù tội các nhà văn một cách dã man và tàn bạo. Phải sống trong một xã hội nhơ nhuốc, bóp chặt bao tử, lấy miếng ăn làm thước đo nhân phẩm và cai trị con người như vậy, giữ được nhân cách biết còn lại bao người?
Tuy nhiên, khi đọc và nghiên cứu Phạm Ngọc Lư, tôi thấy bóng dáng và chí khí kẻ sĩ bất phục trước danh vọng, tiền tài và quyền lực của nhà thơ Hữu Loan ở trong ông. Đề Thơ Trước Mộ Thanh Xuân là một bài thơ hay, được Phạm Ngọc Lư viết gần đây. Nó như một lời tự sự và những chiêm nghiệm nhân tình thế thái về chính cuộc đời của thi sĩ đã trải qua. Có thể nói, chính đọc bài thơ này của Phạm Ngọc Lư đã gây cho tôi một cảm xúc muốn viết về ông. Chúng ta đọc đoạn trích dưới đây để thấy được cái khí khái và con người thi sĩ Phạm Ngọc Lư :
« Có người bảo ta ngu
Không thèm ăn thóc nhà Chu
Bỏ về quê ăn cỏ
Có kẻ khoái ta ương gàn càn rỡ
Dám chê rượu nhà Tần
Thứ rượu cung đình của phường hiển vinh quý tộc
Tuổi mới ba mươi
Có ai ngờ ta uống hèn nuốt nhục
Lấy giẻ rách che tai
Cắm chông gai rào miệng
Nhặt nhạnh gia tư ít đồ tế nhuyễn
Trèo lên xe trâu
Lui về quê kiểng
Mài răng gặm nhấm cái thanh bần…”

Sự trấn áp, bóp nghẹt tư tưởng văn nghệ sĩ, trí thức cho đến nay, càng bộc lộ sự yếu đuối, bất lực của chính quyền. Những việc làm ấy, chỉ có thể cưỡng chế, nhục mạ thân xác con người, chứ không thể bóp méo suy nghĩ, tư tưởng của họ. Và tôi tin, linh hồn ấy vẫn rực cháy lên… Thật vậy! Tiền tài, danh vọng rồi sẽ qua đi, nhưng tài năng, hồn khí của những thi sĩ, trí thức như Hữu Loan, Phạm Ngọc Lư… chắc chắn sẽ còn đọng mãi qua nhiều thế hệ người đọc.
*Tìm lại hồn thơ cũ.
Tôi biết và đọc Phạm Ngọc Lư khi đi vào nghiên cứu thể thơ Hành, cách nay chưa lâu. Nhưng có thể nói, thơ ông không cầu kỳ, nhưng sáng và trau chuốt. Nó gắn liền với số phận cùng cực của chính nhà thơ, dưới một xã hội đương thời điên đảo dối trá. Với tâm hồn muôn năm cũ và là người luôn sống bằng những hoài niệm u buồn: «Ngủ quên bên chén rượu tàn / Giật mình tỉnh giấc: hai ngàn năm qua!»Do vậy, thơ ông mang nhiều những ưu tư, có chiều sâu suy tưởng, cho ta cảm giác được trở về gần gũi với tiền nhân hơn, khi đọc. Có lẽ, được học chữ Hán và tiếp cận rất sớm với văn học cổ, nên nó đã ảnh hưởng rất lớn đến thơ văn cũng như quá trình sáng tác của Phạm Ngọc Lư. Ông viết nhiều thể loại, mọi đề tài, nhưng lục bát mới là sở trường của ông. Thật vậy, đọc thi tập Đan Tâm, ta có thể thấy, những bài thơ hay của Phạm Ngọc Lư hầu như đều thuộc về thể lục bát.
Nếu những năm gần đây, nở rộ trào lưu cách tân của những thơ không vần, hay những tượng trưng, siêu thực…thì Phạm Ngọc Lư cần mẫn đi nhặt lại hồn thơ cũ. Và có thể nói, ông là một trong những nhà thơ đã thổi hồn cổ phong vào thơ lục bát:

« …Một trời mây lặng gió im
Vút lên cánh hạc giữa tiềm thức hoang
Bay bay lá mộng chín vàng
Bay theo oanh yến lai hoàn kiếp chim
Chập chờn một bóng hoàng uyên
Nhập thân hoàng hạc vào thiên cổ rồi!…” (Chim Mộng)

Vẫn hồn vía cổ thi, thơ tình lục bát của Phạm Ngọc Lư lại mang dáng dấp hiện đại, mới lạ. Thơ lục bát dễ làm, nhưng để không bị nhạt và nhàm chán thì thật không phải ai cũng làm được. Chúng ta hãy bình tâm nhìn lại, hiện tượng lục bát được cho tài năng Đồng Đức Bốn (Hải Phòng) từ mấy chục năm qua. Có thể thấy, thơ ông có cái vỏ đẹp, mượt mà, nhưng nhìn tổng thể thiếu bề dày, chiều sâu. Bởi, thành thật mà nói, Đồng Đức Bốn dường như viết theo (năng khiếu) bản năng và thiếu phần kiến thức. Khi đọc lục bát Phạm Ngọc Lư, ta thấy được sự tìm tòi sáng tạo và những kiến thức sâu rộng của ông đọng lại trong thơ rất rõ ràng. Thật vậy, một nhà thơ tài năng, ngoài năng khiếu bẩm sinh dứt khoát phải có kiến thức sâu rộng:
“Em từ tình sử bước ra
Y trang yểu điệu đôi tà mộng bay…

Chờ nhau gác gió lầu mây
Nghìn đêm giọt nến rơi đầy trang thơ
Nghìn đêm sông lạnh trăng mờ
Trương Chi bạc tóc bên bờ Tương giang!..” ( Thuyền Quyên)

bienthat3
Trên nửa thế kỷ qua, Phạm Ngọc Lư không ngừng tìm tòi, sáng tạo dung hòa giữa thơ cũ và mới, để tạo ra một con đường đi riêng. Sóng Vỗ là một bài lục bát rất hay, không chỉ là lời tự sự, cũng như tâm trạng của nhà thơ với người bạn đã vượt thoát và đang sống ở bên kia bờ đại dương, mà còn tô đậm thêm con đường thơ lục bát của ông:
« từ khi mưa nắng đổi thay
đất trời dị biệt gió mây bất đồng
người bờ Tây – ta bờ đông
ngồi nghe sóng vỗ bạc lòng ngày đêm
. . . . .
lòng ta uống gió mà say
tan ra cồn khói đảo mây chập chờn
biển sâu?
ly biệt sâu hơn !
muôn đời sóng vỗ mỏi mòn bến không
mỏi mòn tiếng sóng nghe chung
bờ Tây tóc rụng… bờ Đông bạc đầu! »

Thông thường, một nhà thơ tài năng, dù là cây cao bóng cả, có nhiều bài thơ hay nhưng cũng không thiếu những bài thơ dở. Đặc biệt trong tập Đan Tâm của Phạm Ngọc Lư, đã đọc nhiều lần, quả thật, tôi không tìm ra bài thơ nào dở hoặc quá dở. Có lẽ, do tính cẩn thận và ông viết rất ít, nên chưng lọc được tinh cốt chăng?.
Và cũng như nhà thơ Vũ Hoàng Chương do dùng nhiều từ cổ Hán Việt cũng như điển tích, cho nên thơ của Phạm Ngọc Lư thường khó nhận được sự chia xẻ, đồng cảm trong giới bình dân.
Nói thơ ông kén người đọc là như vậy.

Leipzig ngày 15-6-2015
Đỗ Trương

TƯỞNG NHỚ NHÀ THƠ Phạm Ngọc Lư

Khoảng trung tuần tháng 9-2016, anh Phạm Ngọc Lư viết cho tôi bảo, Thư Quán chỗ nhà văn Trần Hoài Thư vừa in tập truyện Sợi Khói Bay Vòng cho anh. Anh mừng lắm, nhưng sức khỏe rất bi quan. Tôi an ủi, anh nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, em sẽ liên lạc với nhà văn Trần Hoài Thư xin một cuốn đọc, em sẽ viết lời giới thiệu. Và tôi liên lạc ngay. Anh Trần Hoài Thư bảo, gửi sách cho Đỗ Trường là đúng người rồi. Rồi ngay hôm sau anh gửi cho tôi. Vài ngày sau tôi có nói chuyện với nhà thơ Cỏ Lau Bạch Mã anh bảo, anh Phạm Ngọc Lư yếu lắm rồi, Đỗ Trường đọc viết nhanh lên. Thế là tôi đọc và viết vào những lúc rảnh khách lời bình giới thiệu cuốn Sợi Khói Bay Vòng ngay trên bàn bia rượu trong quán của tôi trong 5 ngày. Rất may, kịp cho anh Lư đọc.
VÀI SUY NGHĨ VỀ TẬP TRUYỆN SỢI KHÓI BAY VÒNG CỦA Phạm Ngọc Lư
Cũng như âm nhạc, văn học miền Nam sau 1975 chính quyền càng cố tình hủy diệt, thì dường như sức sống của nó càng dẻo dai và lan tỏa. Bởi, đó là thứ âm nhạc và văn chương đích thực đi vào lòng người. Nó được sống, nuôi dưỡng không chỉ trong lòng độc giả, dân chúng miền Nam, mà còn quay ngược về nơi đất Bắc, rồi cùng dòng người vượt sang bên kia bờ đạidương.
Nói dại, nếu chúng ta không có những Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Trần Thiện Thanh…hay chẳng còn những Võ Phiến, Túy Hồng, Nguyễn Thụy Long, Du Tử Lê, Luân Hoán…mà chỉ có những “Cô Ba dũng sĩ quê ở Trà Vinh, chị Hai năm tấn quê ở Thái bình…“ và “ Đường ra trận mùa này đẹp lắm…“ thì phần hồn như đã mất và cuộc sống chẳng tẻ nhạt, khô cứng lắm sao.
Chỉ với hình ảnh nhà văn người lính Trần Hoài Thư ngồi khâu từng trang sách nơi xứ người, gìn giữ những giá trị ấy, đã cho ta hiểu rõ sức sống, và sự trường tồn của nó.

Khi đọc và nghiền ngẫm văn học miền Nam trước 1975, tôi thường chia, khoanh vùng các tác giả. Điều đó, giúp cho người đọc thấy được, tuy cách hành văn khác nhau, nhưng các nhà văn gốc gác cùng một vùng miền thường có sự biểu cảm, từ ngữ phảng phất với những nét đặc trưng giống nhau. Cho nên, tuần vừa rồi, tôi nhận được tập truyện Sợi Khói Bay Vòng, viết trước 1975 của nhà thơ Phạm Ngọc Lư, do Thư Ấn Quán (Hoa Kỳ) in ấn và gửi tặng. Đọc nó, tự nhiên tôi nghĩ đến Túy Hồng, một nữ sĩ tài năng của văn học miền Nam. Dù văn của Túy Hồng phóng khoáng (dữ dội nhưng chiều sâu thăm thẳm) khác hẳn văn phong Phạm Ngọc Lư. Nhưng dường như, đọc họ, tôi vẫn nhận ra diễn biến tâm lý nhân vật có một cái gì đó… rất gần nhau, khi miêu tả. Bởi có lẽ, họ cùng sinh trưởng ở Thừa Thiên- Huế chăng?
Cũng như thơ, văn Phạm Ngọc Lư viết không nhiều, nhưng truyện ngắn nào của ông cũng hay, lời văn sáng và đẹp. Cùng với bút pháp khi hiện thực, lúc siêu hình, nỗi buồn của chiến tranh và tình yêu, đã được Phạm Ngọc Lư dàn trải, xuyên suốt tập truyện này.

*Thân phận tình yêu và con người trong chiến tranh.
Khi bút ký Phan Nhật Nam đang rực lửa chiến trường, Nguyễn Thụy Long, Duyên Anh trở lại đề tài giang hồ nơi phố thị, Nguyễn Thị Hoàng mải mê với Vòng tay học trò… thì Phạm Ngọc Lư tìm tòi, khám phá viết về đất và con người miền Trung, Cao Nguyên. Có thể nói, đây là đề tài ít được các nhà văn quan tâm trong thời gian đó. Nếu có, chỉ là nhật ký chiến trường, hay truyện về những người lính. Còn viết những người dân bình dị nơi đây, dường như rất hiếm?
Thực vậy, cũng là người chịu khó tìm đọc văn thơ miền Nam trước 1975, nhưng tôi chỉ được biết đến sinh hoạt, tình yêu cuộc sống của con người trên mảnh đất miền Trung, Cao Nguyên trong thời chiến lần đầu tiên từ tác phẩm Sợi Khói Bay Vòng của Phạm Ngọc Lư… Và với tôi, không có Loan Mắt Nhung của Nguyễn Thụy Long, thì Văn học miền Nam đã có Dũng Đakao của Duyên Anh, và ngược lại. Nhưng nếu không có Sợi Khói Bay Vòng của Phạm Ngọc Lư thì Văn học miền Nam sẽ để lại một lỗ thủng, một khoảng trống.
Tuy gói trọn trong mười lăm truyện ngắn, với 223 trang viết, vậy mà Phạm Ngọc Lư đã đưa người đọc trở về với mọi khía cạnh cuộc sống miền Trung, Cao Nguyên, từ ngày đầu cho đến hết cuộc nội chiến tang thương nhất của dân tộc. Và trong cái mịt mù không lối thoát của chiến tranh ấy, dường như tình yêu, cuộc sống xuyên suốt Sợi Khói Bay Vòng cũng cùng đường và tịt lối.

Có lẽ, không có cái đau nào bằng nỗi đau, phải cầu nguyện cái chết cho chính người mình yêu. Và quả pháo kích ấy, không chỉ giết chết tình yêu, giết chết con người, mà còn đeo bám ám ảnh cả linh hồn người còn sống. Cái Sao Chổi, tuy không phải là truyện hay nhất của Phạm Ngọc Lư, nhưng làm cho người đọc không khỏi bùi ngùi xúc động:
“…Đã gần hết tháng 5 âm lịch, máu đã xối xả chảy, lênh láng dờn dợn, ở đâu tôi cũng nhìn ra màu đỏ sẫm hung hãn đau nhức cảm giác. Cả thị trấn bị nung chín sốt nhiệt với các câu sấm truyền đồn đãi. Vết thương bỏng rát mưng nước đâu dưới da, sắp lở loét thối rữa, lắm lúc tôi cầu nguyện cho Nhan chết đi còn hơn sống tật nguyền….Cả đêm tôi không bình thản ngủ được ngon giấc dù đã uống nhiều thuốc an thần. Tôi ngước lên, trí nhớ khựng lại, đồng thời một đỗi ghê sợ đến nhanh khiến hai bàn tay lạnh cóng trong thau nước: sao chổi! Cái đuôi xòe dài lấp lánh gần hết khung trời, nó đang múa lượn rồi lao vọt bắn xẹt đi như mũi tên lửa. Tôi bỏ chạy vào phòng ngã sấp xuống giường, mồ hôi vã ra dọc sống lưng ớn lạnh. Phút chốc tôi nghe tiếng cười ken két của lão lính điên gằn lên trong đầu, hàm răng lão nhe ra nhọn hoắt cắm phập vào trí óc tôi như cắn một miếng dưa hấu.“
Nếu Một Chuyện Tình Phải Quên Đi là câu chuyện tình trớ trêu, cấm cản giữa một văn nhân với một tiểu thư tỉnh lẻ, không đi đến hồi kết, thì truyện ngắn Sợi Khói Bay Vòng hằn đậm thêm nỗi buồn đổ vỡ của tình yêu, như một vòng tròn luẩn quẩn của tuổi trẻ buộc phải đi qua thời chiến loạn. Có thể nói, Sợi Khói Bay Vòng là một trong những truyện ngắn hay, sâu sắc nhất của Phạm Ngọc Lư. Sự sâu sắc ấy, không phải chỉ có đắng cay dày vò, mất mát trong tình yêu, mà người đọc còn thấy được, tác giả không hề che đậy hành động, tâm lý của tuổi trẻ đối với chiến tranh và thời cuộc. Cuộc trốn chạy ấy, tuy không đại diện cho tuổi trẻ miền Nam, nhưng nó đã nói lên nỗi sợ hãi, chán chường ở một bộ phận không nhỏ trong dân chúng lúc đó:
“Tao đang bị quân cảnh truy tầm… Thế nầy chứ. Thằng con bác lớn tồng ngồng mà sửa khai sanh còn mười bốn tuổi. Tụi lính tóm được, lột quần nó lắc đầu chửi thề, đ.m.14 tuổi gì mà… khó coi quá. Nhưng tụi chúng không bắt nó đi quân dịch lại nghịch ngợm bảo nó phải nhổ sạch lông mới được tha về. Thằng nhỏ cắn răng khóc ngất… “ (trang 117-118)

Nếu ta đã từng đọc Tháng Ba Gãy Súng của Cao Xuân Huy, Truyện Từ Văn của Trần Hoài Thư, hay Mùa Hè Đỏ Lửa của Phan Nhật Nam, hoặc nhìn sang: Nỗi Buồn Chiến Tranh của Bảo Ninh, thì chắc chắn không bị bất ngờ, ngạc nhiên về nỗi đau, thân phận người lính, khi đọc Cái Đuôi Sao Chổi của Phạm Ngọc Lư. Cái sự mất mát, nỗi ám ảnh thường trực dày vò trong những cơn điên loạn ấy, không chỉ hủy hoại thể xác, mà còn xé nát tâm hồn người lính trận. Một ước mơ nhỏ, một tiếng kêu vô vọng lọt thỏm giữa không gian vắng lặng, sau tiếng bom, tiếng súng. Ta hãy đọc lại đoạn trích dưới đây, để thấy rõ hơn về nỗi đau của người lính già có con chết trận:
“…Tôi ngồi chờ người lính già xuất hiện. Chiều nay sao lão đến muộn. Mọi khi lão đã bi bô khật khưỡng nghiêng ngả trên bãi đất, sau lưng là cái đuôi con nít vỗ tay cười rộ, khuyến khích lão đang cố bò lên cái bệ xi-măng, leo qua những tầng cấp cao cố níu cho được bốn tấm bia đá gắn quanh bốn mặt thép. Lão la hét vùng vẫy: “Tên con tao đâu, con ơi! Đồ sát nhân dã man. Trời ơi!” Khi tôi đứng dậy định rời quán, bỗng lão từ phía hông chợ từ từ bước ra, dáng đi xiêu vẹo lạng quạng muốn ngã. Lão đội mũ vành án vằn vện, quần ka-ki vàng và mang một đôi giày bố xộc xệch đứng lại ngó quanh láo liên, đôi mắt đỏ ké nhìn chòng chọc như con thú sắp vồ mồi. Rồi lão chạy vụt lên bệ đài tử sĩ quỳ gối
chắp tay rên ư ử. Người chủ quán đứng cạnh nói chõ ra:
– Khổ quá, cảnh sát mới tóm chiều qua đó, giờ lại xổ chuồng …“ (Cái Đuôi Sao Chổi)
Khi tiếng gào thét của người lính già vẫn còn vọng lại, thì Phạm Ngọc Lư cho ta thấy, đằng sau nó còn có một nỗi đau thầm lặng khác, với những tiếng nấc lặn vào trong đêm. Vâng! Cuối Ngày Cuối Đường là một truyện ngắn như vậy. Xuyên suốt câu chuyện là hành trình người cha già đưa trộm hài cốt người con tử trận trở về quê. Chúng ta không nghe thấy tiếng súng, tiếng bom và cả tiếng thét gào, nhưng đọc lên, ai cũng quặn thắt trong lòng:
“- Tui có thằng con đầu đi Sư đoàn 22.
– Chắc bác đi thăm về?
Đôi mắt người đàn ông bỗng mờ đi, xa vắng:
– Nó vô phúc chết hồi Tết Mậu Thân rồi. Tui vô viếng mộ.
– Bác chôn anh ấy trong nầy?
Người đàn ông rơm rớm nước mắt :
– Chôn với cất chi. Hồi đó cả nhà tui chạy giặc bán sống bán chết có biết chi mô. Một tháng sau mới có tin con tử trận. Khi tui vô tới nơi, người ta chỉ cho nắm đất xanh cỏ và miếng bia trơ trụi. Thảm lắm anh…Cô gái khẽ thúc vào hông cha như ra dấu giữ im lặng. Chấn cúi đầu. Giọng người đàn ông còn mếu máo gì đó nghe không rõ…
Chấn trở về phòng ngủ với chai Napoleon mới mua. Bỗng, anh đứng khựng lại ở cầu thang, đôi mắt rướn cong lên như một cặp dấu hỏi. Cô gái bỡ ngỡ nhìntrân trối:
– Anh…
– Đường đèo Hải Vân bị kẹt, xe quay lui hết. Không biết sáng mai đi được chưa?
– Bác đâu?
Cô gái bước lại mở hé cửa và bối rối xô Chấn lui. Nhưng anh cũng vừa kịp thấy cảnh tượng trước mắt: người đàn ông đang gục đầu trên cái rương gỗ khóc tức tưởi, bên cạnh bó nhang đang tỏa khói và mấy ngọn đèn cầy cháy leo lét, buồn thảm. Cô gái chảy dài nước mắt, nói mếu máo:
– Tội nghiệp anh tui phải nằm lại dọc đường đêm nay… Cái rương gỗ ấy đựng hài cốt anh tui!“
Là nhà giáo, do vậy Phạm Ngọc Lư thường viết về thân phận những người thày, người bạn gần gũi quanh mình. Đi sâu vào đọc, nghiền ngẫm Phạm Ngọc Lư, tôi nhận ra, ông chỉ viết những gì đã, đang xảy ra quanh mình, khi thật hiểu sâu về nó. Có thể nói, Phạm Ngọc Lư là người cẩn trọng, và với ông không có đề tài lớn, nhỏ. Đó là nguyên nhân chính trả lời thắc mắc của một số độc giả, tại sao cây bút tài hoa Phạm Ngọc Lư viết rất ít.
Với tôi, Tàn Đông là truyện ngắn đặc sắc nhất của Phạm Ngọc Lư. Bởi, ông đã xây dựng thành công diễn biến tâm lý nhân vật, (ở đây là cô y tá và người thày giáo tên Kiền) cũng như giải quyết tình huống một cách hợp lý, nhân văn. Hơn thế nữa, thông qua nhân vật người thày tên Kiền, ta tìm thấy cuộc đời, thân phận của chính tác giả (nhà thơ, thày giáo Phạm Ngọc Lư). Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu đã phê phán thái độ dửng dưng trước cái chết của người học trò đi theo nẫu (VC) của thày giáo Kiền. Nhưng tôi không nghĩ như vậy. Khi đi sâu vào nghiên cứu, ta có thể thấy, phải sống trong vùng núi rừng chiến sự, ngày Quốc gia, đêm Cộng sản, sự chối bỏ không nhận (ra) người học trò của thày giáo Kiền, là thái độ chính trị cũng như tư tưởng yêu ghét rõ ràng của tác giả. Và thông qua hình ảnh cái chết của người học sinh ấy, tác giả còn muốn gửi thông điệp đến người đọc, sự tàn nhẫn của những kẻ dụ dỗ, mua chuộc trẻ em, phụ nữ làm bia đỡ đạn, trong cuộc nội chiến thảm khốc này. Ta hãy đọc lại đoạn trích trong truyện Một Dòng Sông Miệng Ngậm để chứng minh thêm cho điều đó:
“…Không đâu, hai thằng còn nhỏ lắm, cỡ bằng đứa con út của tôi thôi. Đâu như chúng ở làng ngoài bị đuổi rát nên trốn qua đây, cùng đường rồi, lúc ấy lính mình đã bao vây cả hai phía, dưới đánh lên trên ập xuống kiểu bủa lưới ví cá đó thì một sợi tóc còn chưa chun lọt, huống gì cả cái đầu bờm xờm lớn rành rành hai đứa đang rúc vào nách nhau. Tôi nài nỉ chúng ra đầu hàng nhưng cái thằng có vết sẹo bên khóe miệng nhăn mặt (thật đau đớn khó ngó) nói tui sợ họ giết mất. Vẫn giọng van lơn thuyết phục, tôi bảo không đâu, chú xin chiêu hồi
đàng hoàng không ai làm gì đâu….
… tôi hoảng lên, tức giận và lo sợ nữa, rồi tôi nghĩ tới việc đi tìm lính kêu tới bắt chúng cho xong. Nhưng, có lẽ hắn đoán trước được chuyện đó nên đưa ra trước mặt một trái lựu đạn chày (không biết cất giấu chỗ nào) dọa dẫm, nhất định tui nằm đây với bác, chết thì chết chung…“
Xóm Ven Rừng cũng là một truyện ngắn hay của Phạm Ngọc Lư. Câu chuyện đơn giản, mộc mạc kể về những sinh hoạt thường nhật ở một làng thuộc miền Trung Cao Nguyên. Tuy chỉ là những chuyện vặt, không có mâu thuẫn, kịch tính cao độ, nhưng đằng sau nó để lại nhiều điều phải suy ngẫm về thế thái và tình người.
Có thể nói, đọc tập truyện Sợi Khói Bay Vòng của Phạm Ngọc Lư đã cho thế hệ sinh sau đẻ muộn như chúng tôi hiểu sâu hơn về chiến tranh, về tình yêu, và con người miền Trung Cao Nguyên của trên, dưới nửa thế kỷ đã qua. Và hơn thế nữa, người đọc cũng được hiểu thêm về nhân cách, cũng như tài năng sáng tạo của thi sĩ Phạm Ngọc Lư.
*Nghệ thuật viết truyện ngắn của Phạm Ngọc Lư.
Gần đây, tôi đã đọc khá nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết, văn xuôi do các nhà thơ viết. Để lại nhiều ấn tượng nhất trong tôi, có lẽ là truyện ngắn và những bài tản văn, chính luận của nhà thơ Trần Trung Đạo. Văn Trần Trung Đạo giầu chất thơ, chất trữ tình. Và có một điều thú vị, khi đọc văn Phạm Ngọc Lư, tôi gặp lại chất thơ, chất chữ tình ấy, dù Sợi Khói Bay Vòng đã được ông viết cách nay cả nửa thế kỷ.
Với bút pháp khi hiện thực, lúc siêu hình, kỹ thuật bố cục giầu kịch tính, đậm chất điện ảnh, mở đầu đến kết thúc một cách bất ngờ, Phạm Ngọc Lư luôn bỏ ngỏ câu chuyện, buộc người đọc phải suy nghĩ. Do vậy, truyện ông đem đến cho người đọc có suy nghĩ khác nhau, và thường gây ra những tranh luận. Nếu Tàn Đông với kết thúc bằng thày Kiền bỏ đi, trước cái chết của người học trò, thì truyện Tình Hoài cũng được kết thúc cũng bằng sự ra đi, và để rơi chiếc hộp, lại là một ẩn số, làm người đọc phải ngơ ngác. Ta hãy đọc lại đoạn kết đậm chất điện ảnh ấy, của truyện Một Chuyện Tình Phải Quên Đi, để suy ngẫm: Đó là tên truyện, hay mối tình buộc phải chấm dứt, phải quên đi của người đàn bà góa bụa?:
“Mươi hôm sau tôi tìm lại được những trang bản thảo viết về mối tình của tôi và Xuyên ba năm trước, ngậm ngùi đọc. Xong, tôi gởi đến Xuyên kèm một cái thư rất ngắn :
“Xuyên, anh vẫn yêu em như ngày nào. Ngày nào, tình ta thơ ngây tuyệt vời quá, em nhớ? Cònnhững dòng chữ nầy làm chứng. Em hãy đọc để hiểu lòng anh, cái tốt cái xấu của anh. Câu chuyện chỉ tạm thời kết thúc, anh nghĩ mình còn viết tiếp được bởi vì Trời đã cho hai nhân vật trong truyện tái ngộ và họ có lý do để gần nhau, sống hạnh phúc bên nhau. Em đồng ý?”
Ít hôm sau, Xuyên gởi trả lại tôi xấp bản thảo, không bày tỏ ý kiến gì ngoài ba chữ ngắn ngủn nàng viết thêm vào sau cái tựa đề của truyện. Thành ra: MỘT CHUYỆN TÌNH PHẢI QUÊN ĐI!“
Có thể nói, xuyên suốt Sợi Khói Bay Vòng, Phạm Ngọc Lư đã sử dụng ngôn ngữ sống, ngôn ngữ điện ảnh, làm cho lời văn sinh động. Ông luôn tạo ra tình huống, mâu thuẫn, tuy nhẹ nhàng, nhưng hành động nhân vật luôn đẩy tới kịch tính, và những thắt nút ấy, được cởi mở một cách đột ngột, bất ngờ. Trích đoạn trong truyện Tình Hoài đưới đây, là một trong những đoạn văn hay nhất, mà tôi đã được đọc trong thời gian gần đây. Ngoài lời văn đẹp, trong sáng, ta còn thấy được tài năng sáng tạo và xử lý những tình huống của Phạm Ngọc Lư:

“Tố Nương bước ra ngồi bên cạnh hồi nào không hay, mãi khi dứt “khúc sáo xuất thần”, tôi mới nghe tiếng thở dài và giọng chị nói:
– Buồn quá!
– Ừ, buồn nhỉ!
– Tiếng sáo kia.
– Sao?
– Não nề thống thiết nghe… rụng tim!
– Xạo.
Tố Nương cười lên một tiếng nhỏ. Tôi nhìn sững chị, mắt chạm mắt, như thôi miên hớp hồn, như soi bóng mình trong lòng đồng tử của nhau. Im lặng. Ánh
trăng vụt lu mờ rồi tắt câm. Hồ như đêm ngưng thở, thời gian khẽ đứng sững lại. Lặng thinh. Bỗng, cái ống sáo rơi xuống nền gạch vang lên một tiếng khô khan, hoảng hốt…“
Đã hơn một lần tôi viết, nếu văn chương không đi thẳng vào cuộc sống, xã hội đương thời một cách trung thực nhất, thì những trang viết đó chỉ những trang sách chết. Thật vậy, đọc Phạm Ngọc Lư, không chỉ thấy những mặt phải, mà ta còn thấy được cả mặt trái của xã hội đương thời, trên từng trang viết của ông. Một thiếu phụ có chồng là lính chiến chơi đêm, một làng ven rừng với hỉ, nộ, ái, ố, hay những thanh niên trốn lính…tất cả hiện lên một cách trung thực dưới ngòi bút của Phạm Ngọc Lư. Cái tính hiện thực đó làm cho văn của ông sinh động, giá trị và chân thật hơn. Đoạn trích trong Xóm Ven Rừng dưới đây, sẽ chứng minh cho điều đó:
“…Nhưng chị để dành nước mắt đợi ba bốn tháng sau mới khóc ào một trận, khóc ré như trẻ thơ bị giật ra khỏi vú mẹ: anh Trợ đi dân vệ ở luôn dưới quận và đã lấy một chị hàng xén giàu tiền giàu tuổi hơn anh. Chị Bòng đập vỡ ly chén, đá tung nồi xoong vẫn chưa hả giận cái “thằng phụ bạc, đểu giả”. Chị đóng cửa quán mấy ngày liền nằm tủi thân ấm ức. Tính ra anh Trợ ba-xị-đế đã ăn lường non hai chục kí lô bánh bèo, uống gạt cả mười lít rượu, nuốt luôn năm mươi gói
Ruby…“

Để tránh được sự kiểm duyệt và đạt được hiệu quả chuyển tải cao nhất, một số nhà văn ở trong nước đã buộc phải sử dụng bút pháp siêu thực, khi dựng truyện. Lấy những chất liệu có thật nhất ngoài xã hội đưa vào đằng sau của sự sống, tạo nên “bức tranh“ siêu thực. Gần đây, ta có thế thấy như: Dạ Tiệc Qủi của Võ Thị Hảo, hay Cò Hồn Xã Nghĩa của Phạm Thành…Đọc Phạm Ngọc Lư, ta có thể thấy gần nửa thế kỷ trước ông đã sử dụng thủ pháp này. Và ông đã dựng lại cái chết và sự hủy diệt Huế vào tết Mậu Thân 1968. Tuy nhiên, cũng như những trang viết hiện thực, lời kể của bức tranh siêu thực Phạm Ngọc Lư vẫn mộc mạc, trình tự và mạch lạc. Sự hình tượng hóa, không chỉ trong thơ, mà trong văn của ông một cách sâu sắc. Đoạn trích trong truyện Mộng Thấy Mình Đã Chết dưới đây, là một trong những đoạn văn đẹp và giầu hình tượng của Phạm Ngọc Lư:
“Tôi đã chết? Con đò đưa linh hồn thả về bên kia bờ quá khứ cháy bùng lên, chìm xuống mặt biển sóng gió trùng trùng nô giỡn nhẫn tâm giữa nỗi quên lãng mông mênh ngút ngàn thiên địa tận. Đêm nay, trí nhớ chết đuối, cõi sống rã rời như những mảnh ván còn lại trong một vụ đắm tàu còn nổi lêu bêu dập dềnh. Nhưng tôi là con chim đen bay hoài trên mặt nước động không tìm ra khúc gỗ trôi nổi nào sà xuống trú chân.“Anh đã chết vào sáng sớm ngày mồng 7 Tết dưới gốc cây nêu trước ngõ. Em còn về ngoài đó, nhớ hôm giỗ anh ghé lại thắp giùm một nén nhang và hạ luôn cây nêu xuống.“
Để lý giải, tại sao Phạm Ngọc Lư đã phải mượn cõi ảo, để nói về cõi thực như vậy? Ta có thể thấy, dù chứng kiến sự dã man và hãi hùng đó, nhưng ông vẫn không tin đó là sự thật. Bởi nó chỉ có thể xảy ra ở một thế giới vô hình, ở bên kia cuộc sống của con người. Và chỉ có thể lấy cõi âm để viết về cái chết, thì mới chuyển tải hết sự dã man và nỗi đau tột cùng của con người. Tôi nghĩ, khi viết những truyện này, Phạm Ngọc Lư trong trạng thái bị tổn thương, xúc động mạnh, và bị kích động tâm lý. Và đã đứng trước cái hố chôn sống ba, bốn chục người, một sự thật rõ ràng, nhưng không một ai (dám tin) có thể tin. Vâng! Có lẽ, chỉ người có thần kinh thép mới chấp nhận được sự thật kinh khủng đó:
“…Bọn cán bộ biết thế nào cũng thất trận nên đã vội giết tụi chúng (thành phần đắc lực) trước khi rút lui… Anh hỏi vì sao hả? Dã man thật, làm vậy cốt phòng ngừa việc mấy thằng ấy hồi chánh khai toạc những bí mật cơ sở, chính mấy tên bị bắt nói trắng trợn như thế. Cũng đáng đời. Những người trong làng bị chôn sống đều do tay thằng Mộc cả, bây giờ hắn chết rồi còn ai biết chỗ lấp xác mà đi tìm. Ghê quá anh à, hồi kháng chiến cũng có chôn tươi tụi Tây bắt được (chính mắt tôi chứng kiến) nhưng đâu có tàn nhẫn ba bốn chục người một hầm bằng thời nầy…” (Một dòng sông trong miệng ngậm)

Điều tất nhiên, cuốn sách nào cũng vậy, có hay chắc chắn sẽ phải có dở. Tuy lời văn sáng và đẹp, nhưng có khá nhiều câu dài, làm cho người đọc như bị hụt hơi. Những đoạn văn này, có thể ngắt làm hai, ba câu hoàn chỉnh, chắc chắn làm cho câu văn, đoạn văn rõ ràng và mạch lạc hơn. Không rõ, những nhược điểm này, của tác giả hay thuộc về những người sưu tầm đánh máy? Nhưng với tôi, dù thế nào đi chăng nữa, lỗi chính này vẫn thuộc về khâu biên tập cuối cùng. Ta đọc đoạn trích dưới đây, để thấy rõ điều đó:
“…Chuồi chiếc xe vào gốc trứng cá, Dành ngả lưng nằm phịch xuống võng, kẹp chân tuột đôi giày, kéo bựt cặp vớ đầy dăm cát, những mạch máu nơi chân vụt bò lên cồn cộn, tê buốt, Dành nhăn mặt duỗi ra từ từ cho đến khi xuôi hẳn thoải mái…”
Hoặc có thể thấy, ngay dòng đầu tiên của truyện ngắn Sợi Khói Bay Vòng, cũng là tựa đề của tập truyện, cho ta cảm giác gờn gợn khi đọc:
“Buổi sáng Bồng đi trời âm u đổ bụi mưa lay bay, nàng bâng quơ ngước nhìn màu mây trộn lỏng hơi nước đục mù nền trời và bước lững thững ra ngõ…” (trang 110). Và có lẽ, người biên tập kỹ tính, đoạn văn trên sẽ phải chấm, ngắt phảy như sau: “Buổi sáng Bồng đi, trời âm u đổ bụi mưa lay bay. Nàng bâng quơ ngước nhìn màu mây trộn lỏng hơi nước, đục mù nền trời và bước lững thững ra ngõ…”
Có thể nói, Sợi Khói Bay Vòng là tập truyện viết về tình yêu, con người thời chiến ở nông thôn miền Trung Cao Nguyên hay nhất mà tôi đã được đọc. Thường đọc những truyện viết trước đây vài, ba chục năm đã cho người đọc cảm giác có một khoảng cách. Nhưng đọc truyện Phạm Ngọc Lư viết cách nay đã nửa thế kỷ, vẫn thấy mới, và có những nét riêng biệt, kể cả văn phong đến từ ngữ sử dụng. Thật vậy, với ngòi bút hiện thực tài hoa, ông đã đóng dấu vào lòng người đọc bằng tác phẩm của mình.
Rồi đây, chế độ xã hội, con người sẽ phải trở về với cát bụi, nhưng tôi tin, cùng với văn học miền Nam, tên tuổi và những tác phẩm của thi sĩ Phạm Ngọc Lư vẫn sống mãi trong lòng người đọc.
Leipzig ngày 24-9-2016
Đỗ Trường
Image may contain: text
Image may contain: 1 person, flower and text

  Phạm Ngọc Lư

Một đời tài hoa

Phạm Ngọc Lư
Phạm Cao Hoàng(VA/US)
Năm 1970 tôi được thuyên chuyển về dạy học ở Tuy Hòa. Đây là khoảng thời gian tôi có dịp rong chơi với Phạm Ngọc Lư. Phạm Ngọc Lư quê ở Huế, sau khi tốt nghiệp sư Phạm Qui Nhơn vào năm 1967 anh được phân công về dạy ở Tuy Hòa. Anh thuê chỗ trọ ở đường Nguyễn Huệ và ăn cơm tháng ở tiệm ăn Mỵ Châu Thành.  Chỗ anh ở trọ chỉ cách nhà tôi một con đường, chiều nào anh cũng ghé nhà tôi chơi, thân đến mức như người trong nhà.  Vì lý do nào đó mà năm ba hôm không thấy anh đến là cha tôi lại hỏi: “Mấy bữa nay sao không thấy Lư ghé chơi?” Sau năm 1975, gia đình tôi tan tác, anh em mỗi người một phương, sau này gặp lại nhau bên Mỹ, mỗi khi nhắc lại bạn bè cũ ở Tuy Hòa, các anh của tôi vẫn nhắc đến Lư. Lư hiền lành, ít nói, và hơi bất cần đời. Anh có biệt tài thổi sáo và rất giỏi chữ Hán vì trước khi vào sư phạm anh học ở Viện Hán Học Huế. Truyện và thơ của anh đều hay, với lối viết sắc sảo, cô đọng và chặt chẽ; đặc biệt trước 1975 truyện của anh xuất hiện đều đặn trên tạp chí Văn ở Sài Gòn – điều mà các cây bút trẻ dạo ấy không dễ gì có được. Cũng như Y Uyên, Bùi Đăng, Mang Viên Long, anh có thời gian dạy học ở vùng nông thôn  Phú Yên, trực tiếp chứng kiến những cảnh tượng hãi hùng của chiến tranh. Anh luôn ưu tư về tinh hình đất nước và phần lớn các sáng tác của anh đều có nội dung tố cáo và lên án tội ác của chiến tranh.  Tôi chính thức tham gia vào sinh hoạt văn học nghệ thuật ở Tuy Hòa từ năm 1970 đến 1972, trong khoảng thời gian đó ngoài Phạm Ngọc Lư tôi thường gặp các anh Trần Huiền Ân, Đỗ Chu Thăng, Mang Viên Long và điều trùng hợp ngẫu nhiên là tất cả đều là giáo chức. Sau năm 1975, vì nhiều lý do khác nhau tất cả đều không còn làm nghề dạy học. Mỗi khi nghĩ đến chuyện các anh không còn đi dạy tôi không khỏi chạnh lòng vì tôi biết rõ các anh rất yêu nghề dạy học. Các anh rơi vào cảnh lỡ thợ lỡ thầy. Trần Huiền Ân chuyển qua làm nghề vẽ pa-nô và bảng hiệu, Đỗ Chu Thăng về quê ở Hòa Mỹ làm ruộng, Mang Viên Long về quê ở Bình Định làm nghề sửa ổ khóa, còn Phạm Ngọc Lư lưu lạc vào Long Khánh, ngồi ờ ngoài chợ bán dừa, bắt đầu đoạn đời lận đận lao đao từ đó. Khi tạp chí Thư Quán Bản Thảo do Trần Hoài Thư và Phạm văn Nhàn chủ trương ra đời, Phạm Ngọc Lư viết khá đều vả gửi bài cộng tác – chủ yếu là thơ, những bài thơ rất buồn, nhưng chỉ một thời gian sau thì anh tuyên bố ngừng viết. Một số email anh gửi tôi cách đây 5 năm cho thấy anh đang trải qua những ngày tháng vô cùng khó khăn, không còn tha thiết gì đến văn chương, nhưng không nói rõ khó khăn gì mà tôi thì không tiện hỏi. Trên các diễn đàn văn học, bài vở cộng tác của anh thưa thớt dần rồi không thấy nữa. Chiều nay tin từ gia đình và bạn bè ngoài Đà Nẵng cho biết sau hơn một năm chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo, anh đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 7 giờ kém 5 tối thứ sáu, 26.5.2017, tại Đà Nẵng. Một đời tài hoa rồi cũng đến lúc phải dừng lại. Cầu mong linh hồn người bạn thơ sớm yên nghĩ nơi cõi vĩnh hằng.
Phạm Cao Hoàng
Virginia, 26.5.2017

Không có nhận xét nào: