Thứ Ba, 20 tháng 6, 2017

Vào Hè / Bài họa: Trưa Hè & Trăng Quê (Mailoc) & các bài họa của Mai XThanh, Đỗ Chiêu Đức, Khôi Nguyên

Cùng Bạn ,
Chỉ còn  2 ngày nửa là chính thức vào hè ( Hạ Chí 21tháng 6) Mới bắt đầu vào hè mà Cali nóng như thiêu đốt .Tôi nhớ lại bài thơ cổ trong bộ Giáo Khoa Thư lớp Sơ Đẳng ngày xưa , đọc lại bài nầy " Cái nóng nung người nóng nóng ghê " mà thấy lòng bùi ngùi man mác , đã 70 năm trôi qua ! Chao ôi, thời gian ơi là thời gian !. Tôi xin chép lại bài nầy gửi Bạn cùng 2 bài thơ Đường cảm tác của tôi qua bài Vào Hè viết trong ngày Father's Day hôm qua.

        Vào Hè
Ai xuôi con cuốc gọi vào hè
Cái nóng nung người nóng nóng ghê!
Ngõ trước, vườn sau um những cỏ
Vàng phai, thắm nhạt ngán cho huê .
Đầu cành kiếm bạn, oanh xao xác,
Trong tối đua bay, đóm lập lòe.
May được nồm nam cơn gió thổi,
Đàn ta ta gẩy khúc Nam nghe.     
                Thơ cổ

      Trưa Hè – Trăng Quê
Còn nhớ quê xưa những tháng hè,
Bốn bề ra rả nhạc sầu ve.
Quán tranh phe phẩy vài hành khách
Bến nước im lìm mấy chiếc ghe.
Vi vút hàng sao cành rậm rạp,
Bơ phờ giàn mướp nụ le que.
Chiều về gió mát từ sông cái,
Tối đến ngoài sân đóm lập lòe.

Tối đến ngoài sân đóm lập lòe
Hằng Nga lững thững vượt lùm tre .
Xóm giềng êm ả trăng vòi vọi,
Tiếng cuốc mơ hồ dạ sắt se.
Trằn trọc võng đưa hồn lắng đọng,
Mơ màng quạt phẩy muỗi vo ve.
Giật mình tinh giấc, gà eo óc,
Dằn vặt tình quê, mộng não nề.
                  Mailoc
                 6-18-17
          ( Father’s Day )
       
  1 ) Họa "Vào Hè"

Tôi, bạn đọc bài cuốc gọi hè
Hạ về nắng gắt bỏng da ghê
Cây non héo úa đồng khô cỏ
Con suối nông sâu, nước tưới huê
Ngày nóng nung người chim cú gọi
Đêm hầm phẩy quạt ánh đèn loè
Gió nồm đợi mãi không hay thồi
Đàn sáo du dương réo rắt nghe

    Mai Xuân Thanh
        Họa thơ cổ


2 ) Họa "Trưa Hè" - "Trăng Quê"

Võng đưa kẻo kẹt nóng ngày hè
Xoả tóc em nằm lắng tiếng ve
Tấu nhạc trên cây ca vạn cổ
Tình tang dưới bến hát muôn ghe
Bờ rào dâm bụt bông đầy búp
Giàn mướp đơm hoa mấy trái que
Mát dịu bờ sông chiều bớt nóng
Gió nồm man mác đốm đêm loè...

Tối lửa tắt đèn đom đóm loè
Trăng tròn vành vạnh ngọn cây tre
Cụ già ngon giấc trong thanh vắng
Chim cú trong lùm chắc lạnh se
Chạng vạng đu đưa nằm đẩy võng
Khuya hè phành phạch ngủ mơ ve
Sầu dâng chất ngất buồn muôn thuở
Thu hoạch được mùa gánh nặng nề
Mai Xuân Thanh
Ngày 19 tháng 06 năm 2017  


Thưa Thầy,
       Bài "Vào Hè " nầy em cũng thuộc lòng từ nhỏ, cứ ngỡ nó là một bài Cổ Thi trong sách Quốc văn giáo khoa thư (Trần Trọng Kim, Nha Học Chánh Đông Pháp xuất bản, 1935). Nhưng theo sự khảo cứu gần đây được đăng trên  Kiến thức ngày nay số 740, ngày 1-3-2011, mục Trà dư tửu hậu (tr. 45, 46, 133), thì bài này là của Dương Bá Trạc, in trong tập thơ Nét mực tình (NXB Đông Tây, Hà Nội, 1937). Cũng theo bài viết này thì hai câu 4 và 5 của bài thơ như sau: 
                Hồng rơi thắm rụng tiếc cho huê. 
                Trên cành gọi bạn chim xao xác,

      Tài liệu nầy em tìm thấy trên mạng, chỉ nêu lên để tham khảo mà thôi. Còn bây giờ thì xin được...

HỌA VẬN :
  Trưa Hè – Trăng Quê
        
Quê xưa nhớ mãi những trưa hè,
Mấy gốc sa-kê rộn tiếng ve.
Tập lội vài thằng ngâm dưới nước,
Học chèo mấy đứa lắc trên ghe.
Cây im phăng phắc không hơi gió,
Đường vắng chói chan chẳng một que.
Phe phẩy quạt mo ngồi trước cửa,
Chiều về hơi nóng vẫn hanh lòe !

Chiều về hơi nóng vẫn hanh lòe,
Đom đóm chập chờn lượn bụi tre.
Êm ả ánh trăng trong vành vạnh,
Mơ hồ tiếng cuốc giọng se se.
kẽo ka kẽo kẹt ai đưa võng,
Rả rít rả ri nọ tiếng ve.
Đầu xóm gà đâu eo óc gáy,
Suốt đêm trằn trọc cũng không nề.

          Đỗ Chiêu Đức
         
  Đâu Có Dễ & Đêm Hè
Thử sống Ngư Ông trong dịp hè,
Các đồ dễ bể đựng vào ve.
Ở ăn đơn giản,theo phương tiện,
Ngăn nắp gọn gàng, hợp chiếc ghe.
Bếp nấu tăng thêm vài nhánh gỗ,
Củi đun còn lại mấy cành que.
Rượu vào, sao xuống soi dòng nước,
Đom đóm hay sao nháy lập lòe?


Đom đóm hay sao nháy lập lòe?
Ve sầu mãi khóc ở hàng tre.
Chó kêu ngày nắng, mồm le lưỡi,
Quốc gọi đêm buồn, dạ sắt se.
Ông cụ cởi trần, đưa kẽo kẹt,
Côn trùng sung sướng, hát vo ve.
Năm canh thao thức, Trời im gió,
Mất ngủ về đêm khá nặng nề.
               Khôi Nguyên




Không có nhận xét nào: