CUỐI NĂM NHỚ MẠ
Những ngày vào đông, khi mà ở California mọi người bắt đầu chuẩn bị cho lễ cuối năm, là lúc chúng tôi nhớ mạ thật nhiều. Ngày hôm qua, đi ra nghĩa trang thăm mạ, đọc một bài kinh cho mạ nghe mà cứ nhớ hình ảnh mạ buổi sáng sớm thức giấc tụng kinh và cầu nguyện trước bàn thờ Phật.
Tháng 12 ở đây trời tối rất sớm và dạt dào những cơn gió lạnh về đêm. Hàng cây phong cạnh nhà bắt đầu đổi lá vàng; khi từ cửa sổ phòng ngủ tôi có thể nhìn thấy đỉnh núi San Bernadino tuyết phủ trắng xóa. Nắng vẫn vàng nhưng cụm hoa dại trên lối mòn bên đường đã ẩn mình trong cỏ. Đã rất nhiều lần tôi lái xe trở lại con đường xưa ở Fullerton, con đường ngày nào đã cùng mạ đi dạo, lái xe đưa mạ đi chùa, đi bác sĩ. Gốc bresil pepper già cỗi vẫn còn sừng sững trước căn nhà xưa, vô tình thả những trái đỏ li ti xuống vệ đường; hàng cây palm vẫn lặng lẽ vươn cao nơi sân nhà, nhưng người chủ mới đã phá bỏ hàng rào hoa bird paradise trước cửa phòng ngủ của mạ mà bây giờ nhìn vào chỉ là thảm cỏ xanh và hình ảnh mạ qua khung của sổ cùng tiếng kinh vọng lên sáng chiều không còn nữa... Vậy mà cũng đã gần 6 năm rồi, tôi đã rời nơi chốn kỷ niệm đó ra đi.
Mạ tôi là cháu nội của quan thượng thư Bộ Lễ, Trần Chỉ Tín. Ông ngoại thuở nhỏ được đi học Quốc Tử Giám nhưng không muốn cứ theo hoạn lộ, mà lại một lòng theo cụ Phan Bội Châu dấn thân làm cách mạng chống Pháp. Ông ngoại vừa là bạn thân và vừa là đồng chí với ông nội. Hai người cùng bị Pháp bắt giam, và lúc ở trong tù đã hứa sau này lúc có con sẽ kết nghĩa thông gia để tình bạn thêm thắm thiết. Ông ngoại là con quan thượng thư nên được ra tù sớm, trước ông nội 2 năm, sau đó không lâu ông qua đời do sức khỏe yếu kém vì những ngày tù đày, và mạ được sinh ra mà không thấy mặt cha. Sau khi ông ngoại mất, bà ngoại được về sống với cha mẹ ruột (ông bà cố ngoại) nơi một làng nhỏ ven biển, thuộc thành phố Huế. Bà ở vậy nuôi con và được vua ban bảng Tiết Hạnh Khả Phong. Ba tôi vẫn thường kể câu chuyện này để giải thích vì sao mạ lại hơn ba 2 tuổi và để chúng tôi được biết là ông nội đã giữ một lời hứa với người bạn thâm giao quá cố đã ra đi vào cõi thiên thu 20 năm trước.
Mạ tôi chỉ học đến tiểu học trường làng, nhưng tư chất thông minh và rất hiền từ. Ông nội của mạ (quan thượng thư) muốn mạ lên Huế để đi học nhưng ông cố ngoại vì thương nhớ cháu nên giữ mạ ở lại quê nhà.Nghe kể lại rằng, ngày xưa cố ngoại, một thầy thuốc nổi tiếng nhân từ, những năm đói kém mất mùa đã đem cả gia tài ra cứu giúp và chữa bệnh cho cả làng, quan Thuợng Thư nghe tiếng đồn mới về đến tận vùng quê để hỏi vợ cho con.
Năm ngoái, lúc trở về Huế, vào một ngày đầu đông, mây xám xây thành và mưa giăng đầy trời, tôi đã tìm về chốn cũ quê ngoại, nơi ngày xưa mạ đã trải qua những năm tháng tuổi thanh xuân. Đứng ở bậc thềm căn nhà vắng vẻ, nhìn ra Phá Tam Giang sóng nước bàng bạc, tôi cảm thấy xúc động và nhớ mạ khôn cùng. Một bầu trời nước mênh mông ngoài xa kia với những mái chèo khua sóng, hàng dương liễu reo trong gió và những đụn cát xa tắp. Tôi tưởng tượng, theo lời mạ kể, cô gái nhỏ ngày xưa đi bắt cua còng trên bờ biển vào những đêm trăng sáng rồi dạo chơi trên những bãi cát dài trắng xóa. Tôi cũng tưởng tượng những chén bánh bèo nhỏ với tôm chấy từ những con tôm tươi mới cất rớ lên từ giòng sông trước mặt nhà, mà bà cố ngoại tự tay làm cho mạ vì rất cưng đứa cháu mồ côi cha từ khi còn chưa lọt lòng mẹ. Còn nữa, tôi hình dung ra mạ 7, 8 tuổi gánh đôi quang gióng nhỏ đi khắp làng, do ông cố ngoại tự làm cho cháu để chơi trò buôn bán. Sau này, khi lớn lên, đôi khi tôi nghĩ mạ mình hồi đó có lẽ rất ngây thơ thật thà, với cuộc sống hiền hòa đơn sơ bên vùng biển mặn, không biết có những mơ mộng gì trước khi lên làm dâu nhà họ Võ ở Bao Vinh, do một lời hứa của hai người bạn thân trong chốn ngục tù.
Tôi cũng trở về thăm lại ngôi nhà ở Bao Vinh mang dấu ấn lịch sử, bây giờ là từ đường họ Võ,` nơi mạ lên làm dâu lúc tuổi 20. Ông nội rất thương yêu mạ, đứa con gái của người bạn thân thiết cùng chí huớng nhưng bạc mệnh. Đối với mạ, ông nội cũng như người cha mà mạ không có diễm phúc được biết. Đời sống ngày xưa rất thanh bần, vì ông nội sống liêm khiết và ba lúc đó còn rất trẻ, là thầy giáo nhưng cũng bôn ba vào tù ra khám, ôm những hoài bão và lý tưởng ấp ủ được từ giáo huấn của ông nội. Tôi tưởng tượng ra buổi sáng mạ thức giấc sớm, bỏ dép đi rón rén trong ngôi nhà cổ, nhón gót để không gây nên tiếng động vì bà nội nằm bệnh đã 10 năm vì chứng mất ngủ, rồi nhen lửa từ những lá cây khô ngoài khu vườn âm u, nấu cơm và bới trong mo cau cho ba đi làm trong những ngày mưa lụt ở Huế.
Tôi cũng đi qua ngôi nhà xưa ở đường Huỳnh Thúc Kháng của những ngày niên thiếu sống với bạ mạ và các anh chị. Nơi đây, bây giờ không còn đấu tích gì của ngày tháng cũ, không còn nữa cánh cổng vào nhà với tấm bảng nhỏ bằng đá khắc hàng chữ Mai Khôi Trang, cổng vào nhà ngày xưa đó mạ thường đứng chờ con những ngày tôi đi học về trễ. Cây nhãn trước nhà vẫn còn đó, nhưng hàng bách tán tùng, cây hoa hồng, hoa mộc lan, và giàn hoa sử quân tử đâu rồi? Những viên sỏi trải trên lối vào vườn cũng không còn nữa, hay đã lăn theo dấu chân người ra đi phương trời nào? Còn đâu hình ảnh ba mạ mỗi ngày ngồi ở bộ phản gỗ trước phòng ăn nơi có treo những tấm liễn với bài thơ Quy Khứ Lai Từ của Đào Uyên Minh mà ba đã dạy tôi học thuộc lòng lúc tôi mới chỉ là cô bé 4 tuổi. Có lẽ lúc đó ba đang gởi gắm tâm sự theo những giòng thơ của người xưa qua lời đọc của đứa con nhỏ ngây thơ? Nhìn xa xa, tôi chỉ còn thấy hàng dừa xanh dọc theo bờ sông, giòng sông mà ngày xưa chúng tôi thường vẫy vùng trong nước, chèo perissoire đi theo con sông đào đến tận cầu Gia Hội và bến sông xưa với những bậc tam cấp dẫn xuống tận mé sông, mà đối với đứa bé như tôi hồi đó hình như cao vô tận.
Lúc nhỏ, tôi thường bị bệnh và trong cơn sốt mê man vẫn cảm giác mơ hồ bàn tay ấm áp của mạ đặt lên trán và thấy dễ chịu rất nhiều. Hồi còn nhỏ tí tôi cũng rất thích rúc vào lòng mạ ngủ vào những ngày mùa đông lạnh ở Huế để cảm thấy rất ấm áp, hạnh phúc, và hít hà mùi hương dịu dàng toát ra từ mạ. Đôi lúc nửa đêm thức giấc, tôi lại thấy anh Sơn, cũng ôm gối chạy vào ngủ chung và sau này lớn lên hai đứa vẫn thường nhắc đến những khoảnh khắc êm đềm đó. Hương thơm của mạ những năm sau ngày mất vẫn còn đọng lại thật lâu trong những bộ áo kỷ niệm để mỗi lúc mở tủ áo ra tôi vẫn dừng lại rất lâu để thẫn thờ nhớ mạ.
Từ lúc cảnh nhà hàn vi đến lúc ba có được địa vị trong xã hội, mạ lúc nào cũng vẫn giữ tính tình khiêm cung và thật thà, không bon chen tính toán, không hào nhoáng bề ngoài. Nhà có xe hơi mạ vẫn thường dùng xe xích lô, vẫn đi xe buýt xe lam, vẫn ăn mặc giản dị, thường là áo dài lụa trắng, vẫn về làng cũ thăm bà con nghèo lối xóm. Cách đây không lâu, vào dịp đi đám cưới đứa cháu ở Sacramento, tôi gặp lại một số bà con từ quê ngoại, mới biết tình cảm của họ dành cho mạ kính trọng và thân thiết đến dường nào. Mọi người nhắc lại những ân tình đã nhận được từ mạ, khiến tôi cảm thấy rất hãnh diện được làm con của mạ.
Đời sống của mạ cũng theo vận nước nổi trôi, rời xa quê hương mạ yên phận ở nhà lo cho cháu, đôi khi đi sinh hoạt ở Hội Cao Niên, cuối tuần đi thăm bà con, bạn hữu.
Mạ rất thích đi chùa và làm việc thiện, thường tụng kinh vào sáng sớm và buổi tối. Những ngày cuối đời, mạ không bị bệnh nhưng chẳng ăn uống gì được và rất yếu. Bác Sĩ khuyên nên đặt ống cho đồ ăn vào để sống thêm một thời gian nữa. Mạ trả lời "sống như vậy đủ rồi đừng làm gì vô ích" . Mạ quả thật rất can đảm và chấp nhận lẽ sống "sinh lão bệnh tử" vì thấm nhuần đạo lý Phật giáo. Trước khi nhắm mắt, mạ còn dặn dò: "Các con nhớ săn sóc cho Ba".
Dù sao, tôi cũng cảm ơn Trời Phật đã cho được sống gần mạ đến hơn nửa đời người... Vậy mà tôi cứ nhớ hồi xưa vì là đứa con út trong nhà, nhỏ nhất, nên cứ lo... mạ chết... nỗi lo của đứa bé 6,7 tuổi, khi thấy mạ mình lúc đó đã lớn tuổi, tôi nhớ ban đêm ngủ với mạ cứ nhìn xem mạ còn thở không?... Thật đúng là con nít.
Tình yêu của mạ đối với các con thật thiêng liêng, vô hạn, trái tim mạ lúc nào cũng lẽo đẽo và lặng lẽ theo nơi có các con, mạ lo cho hết đứa này đến đứa khác. Những ngày xa quê, may mà có ba có mạ bên cạnh, nên chúng con như có một phần quê hương trong cuộc đời lưu lạc và là một động lực mạnh mẽ để chúng con có thể vững lòng tin mà đi tới. Hôm nay, ở đây, cả nhà đang quây quần vào dịp lễ cuối năm, nhưng không có mạ, chính những giây phút này chúng tôi mới hiểu hết khoảng trống lớn lao mà mạ đã để lại trong tim của các con. Phong cách sống chân thật đơn sơ của mạ là một bài học để đời và những tiếc thương này sẽ không bao giờ nguôi ngoai từ ngày mạ nói lời vĩnh biệt với ba và các con để đi vào cõi thiên thu miên viễn.
Mạ ơi, nếu có kiếp sau, con vẫn muốn làm con của mạ.
Võ Mai Trang
California 26/12/2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét