Chủ Nhật, 17 tháng 12, 2017

Tôi Học Đánh Vần Chữ Quốc Ngữ - Hoàng Đằng

Tôi Học Đánh Vần Chữ Quốc Ngữ

Tôi bắt đầu học đầu thập kỷ 1950; thời tôi, trường lớp chưa đầy đủ, thành thử, tôi không được học mẫu giáo mà lớp khai tâm của tôi được xem như lớp năm (lớp 1); lớp tôi là một lớp học ở làng do một thầy giáo mới đậu xong bằng tiểu học dạy. Không giống như bây giờ, thầy cô dạy mẫu giáo hay tiểu học đều tốt nghiệp đại học (có bằng cử nhân), thậm chí một số thầy cô có bằng thạc sĩ hay tiến sĩ.
Đầu tiên, thầy dạy chúng tôi đọc âm bảng chữ cái Quốc Ngữ; cách đọc các nguyên âm giống như bây giờ, còn cách đọc các phụ âm thì khác. Tôi xin minh hoạ bằng bảng sau đây:

Phụ âm
Cách đọc thời chúng tôi
Cách đọc bây giờ
B
bờ
C
cờ
D
dờ
Đ
đê
đờ
G
gờ
H
hát
hờ
K
ca
ca
L
en-lờ
lờ
M
em-mờ
mờ
N
en-nờ
nờ
P
phê
pờ
Q
cu
quờ
R
e-rờ
rờ
S
ét-sờ
sờ
T
tờ
V
vờ
X
ít-xờ
xờ
Y
i-gờ-réc
i dài

Dạy bảng chữ cái xong, thầy dạy đánh vần. Cách ghép vần nguyên âm như: ai (a. i. = ai), oa (o. a. = oa), âu (â. u. = âu) … thầy bỏ qua; thầy dạy đánh vần thẳng từ chữ đơn giản đến chữ phức tạp. Cách đánh vần của chúng tôi khác với bây giờ như được minh hoạ bằng một vài chữ trong bảng sau đây:

Chữ
Cách đánh vần thời trước
Cách đánh vần bây giờ
BA
bê. a. ba
bờ a ba
BAO
bê. a. ba. a. o. ao. Là. bao
bờ ao bao
PHẢI
phê. hát. a. pha. a. i. ai. là. phai. hỏi. phải.
phờ ai phai hỏi phải
NGÃ
en-nờ. rê. a. nga. là. nga. ngã. ngã.
ngờ a nga ngã ngã
NGHIÊNG
En-nờ. rê. hát. i. nghi. i. ê. en-nờ. rê. iêng. là. nghiêng.
ngờ iêng nghiêng
  
Nhìn vào bảng trên đây, rõ ràng cách đánh vần thời chúng tôi quá rườm rà.
Theo TS. Giáo Dục Lê Vinh Quốc, cách đọc bảng chữ cái (và có thể cách đánh vần) này được xác lập từ thời giáo sĩ Đắc-Lộ; còn cách đọc bảng chữ cái và cách đánh vần thời bây giờ được thiết lập từ năm 1945 trong phong trào bình dân học vụ xoá nạn mù chữ. Mục đích là để người học biết đọc, biết viết nhanh hơn.
Thời gian gần đây, PGS. TS. Bùi Hiền lại đưa ra bảng chữ cái mới, cách đánh vần chữ Quốc Ngữ mới và bảo rằng nếu theo cách của PGS. đề xuất, người học chỉ cần hai, ba tháng là biết đọc, biết viết.
Với kinh nghiệm bản thân, tôi thấy với cách đọc bảng chữ cái và cách đánh vần xưa, người học, nếu chăm chỉ và có một ít trí thông minh, có thể biết đọc trong vòng hai, ba tháng.
Tôi chỉ khai tâm ở lớp trường làng 4, 5 tháng mà sau đó, có thể vào học lớp tư (lớp 2), nghĩa là với thời gian 4, 5 tháng, tôi đã biết đọc biết viết và biết làm phép tính cộng, trừ. Cuối thập kỷ 1950, tôi học trung học, mỗi dịp hè, tôi mở lớp dạy cho trẻ trong làng; thời gian hè chỉ dưới 3 tháng, vậy mà các “học trò” của tôi đều biết viết biết đọc.
Thế thì cải cách đi, cải cách lại có ích gì, không nhỉ?

                 Hoàng Đằng
                 16/12/2017 (29/10/Đinh Dậu)  



Không có nhận xét nào: