Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2018

Miền Đất Ân Tình - Vhp.Hạ Vũ


          Miền  Đất  Ân  Tình
      (Viết theo chuyện kể của Cam Tân An)       
                                         
 Ngồi trên chiếc xe đò Sài Gòn - Rạch Giá chạy phom phom trên quốc lộ liên tỉnh Miền Tây, tôi đang  đưa mặt ra cửa sổ để hứng gió mát trong lành của đồng quê và mùi hương ngọt ngào của cây lúa đang trổ đòng đòng, bỗng xe chạy chậm lại và ngừng hẳn. Cậu lơ xe la lớn:
-Bà con ơi, đấp mô.
Tôi ngơ ngác hỏi người bên cạnh:
-Đấp mô là gì vậy?
-"Mấy ổng" (chỉ Việt Cộng) ban đêm không chịu lo ngủ, ra đường gài chất nổ để phá làng phá xóm chơi cho vui đó mà.  Phải chờ lính ta gỡ mìn, phá mô xong mới đi được.
Sự hào hứng của tôi sụt giảm thình lình.  Tôi nhớ cặp mắt lo lắng của ba má tôi khi tôi ra cửa.  Bây giờ tôi mới thấy ông bà có lý khi không cho tôi đi nhận nhiệm sở này.
Tôi là con lớn và là con gái duy nhất trong gia đình có bốn anh chị em.  Khi nhận sự vụ lệnh bổ nhiệm tôi về trường Thạnh Hoà, quận Kiên Bình, tỉnh Kiên Giang, ba má tôi không cho tôi đi trình diện, bảo tôi phải xin đổi chỗ khác.  Không đổi được thì ở nhà, kiếm việc khác làm.  Lý do của ba má tôi là: Trường thì xa lắc xa lơ, đèo heo hút gió.  Tôi lại không có thân nhân hay người quen biết để lo lắng giúp đỡ bước đầu.  Ăn đâu, ngủ đâu vào những ngày mới đến? Con gái đâu có thể ăn bờ ngủ buội được. Vả lại thời buổi chiến tranh leo thang, đường sá thiếu an ninh, đi xa nguy hiễm lắm.  Tôi đã cãi lại ba má tôi với lý do là tôi đã được đào tạo bởi một trường Sư Phạm để ra làm thầy cô giáo, và nghề nghiệp này tôi mơ ước từ ngày còn Trung Học.  Tôi đã dùng hết lý lẽ này đến lý lẽ kia để thuyết phục ba má tôi.  Không thành công, tôi giở trò: kể lể công "dùi mài kinh sử" mấy năm dài thức khuya dậy sớm vô cùng cực khổ, rồi "đổi tông" qua khóc lóc.  Chán chê tôi chuyển qua kiểu khác: giận dỗi, không cười nói với ba má tôi, cuối cùng tôi chơi chiêu "tuyệt thực."  Suốt hai tuần như vậy, ba má tôi thấy con gái cưng, mặt mày hốc hác, sụt cân, ông bà quýnh quáng đành chấp thuận.  Sau đó tôi được ba má tôi sắm sửa hành trang như ngày con gái sắp lấy chồng xa xứ, và dặn dò đủ thứ.  Ông bà nói điều gì tôi cũng làm đứa con ngoan, nhất nhất vâng vâng dạ dạ. Ngày lên đường mắt má tôi đẫm lệ, ba tôi thì ra vào lo lắng ra mặt.

  Bây giờ ngồi đây chờ lính Công Binh phá mô, tôi mới thấy thương ba má tôi.  Trên đường đi, xe đò phải qua thêm hai cái mô nữa, cho nên đến tối tôi mới tới tỉnh lỵ Rạch Giá.  Tôi vào khách sạn ngủ lại đêm, sáng hôm sau mới tiếp tục lên đường đến nhiệm sở.  Từ tỉnh lỵ vào tới quận Kiên Bình không xa bao nhiêu, tôi những tuởng đường đi có xấu tệ thì cũng chỉ mất cao lắm là một tiếng đồng hồ thôi, cho nên tôi dự trù sẽ mướn nhà ở tỉnh lỵ để cứ "sáng vác ô đi tối vác về."  Tỉnh lỵ dù sao cũng "văn minh" hơn và vui hơn quận lỵ.  Nhưng bé cái lầm!!!  Đường đi thì hết ổ gà, tới ổ vịt, có cả ổ voi nữa, có chỗ thì "gò đống kéo lên", lại thêm "các anh em ruột thịt" đấp mô, do đó trưa trờ trưa trật tôi mới tới nơi.  Bù lại hai bên đường sông nước hữu tình, gió mát nước...  đục phù sa, cây ăn trái nặng trĩu cành, là đà mặt đất mời gọi, thật quyến rũ.

    Đến bến, xuống xe, quan sát quận lỵ, tôi ngao ngán.  Chao ôi!  Bé tí xíu, đi chừng mười lăm hai chục phút là giáp vòng.  Ngôi chợ thì hàng hoá lèo tèo, nhỏ hơn cái chợ chồm hổm của xóm tôi.  Ngôi trường Thạnh Hòa của tôi cách đó khoảng 500 thước.  Kiểu này tôi phải lội bộ thêm 500 thước nữa trên con đường lát đá xanh, không tráng nhựa, hứng một trận mưa đêm trước, bùn sình lênh láng!  Eo ôi!  Thế thì tội nghiệp đôi chân ngọc ngà của tôi lắm!  Với tà áo dài tha thướt, chân mang guốc cao cả tấc, tay phải kéo theo cái rương gỗ đựng quần áo, làm sao tôi có thể "chân bước lê trên quảng đường đê đến bên lủy tre" của cổng trường cho được?  Cái rương này là "gia tài quý báu" của tôi, vì có mấy cuốn sách "bửu bối" cho nghề dạy học của tôi, nên nó trở thành vật bất ly thân.  Tôi không thể bỏ nó "bơ vơ" để tôi đi trình diện Hiệu Trưởng được.  Cô gái "Sè gòng" về miền đất bùn phù sa!!!  Thật không giống ai!  Vài người địa phương nhìn tôi ái ngại.  Tới lúc đó tôi chỉ muốn quay về, và ân hận đã không nghe lời ba má tôi. Tôi nhớ tới câu ca dao mà thầm khâm phục ông bà ta quá chừng chừng:
"Cá không ăn muối cá ươn,
Con cãi cha mẹ trăm đường con hư."
   

                              (Trường Thạnh Hòa thời chiến tranh)

     Nhìn ngôi trường nhỏ bé, khiêm tốn, nằm gọn lỏn giữa ruộng lúa, tôi thất vọng.  Trường Trung Học của tôi đó ư!  Xa xa vài mái nhà tranh lụp xụp.  Chỗ trọ của tôi đó ư!  Vừa đói vừa mỏi mệt, vừa chán nản, tôi thả mình ngồi xuống cái rương đựng quần áo để bên vệ đường, nghĩ cách "tháo lui" mà không bẽ mặt với ba má tôi.  Chợt có một cậu trai đi chân đất, vào tuổi học sinh trung học, trờ tới, lấm lét nhìn tôi ngập ngừng.  Tôi giơ tay ngoắc em lại.  Cậu rụt rè đến bên tôi, khoanh tay, cúi đầu:
- Dạ thưa cô.  Cô kêu con?
- Em có thể giúp cô mang cái rương này đến trường để cô trình sự vụ lệnh cho Hiệu Trưởng được không?
- Dạ thưa, cô muốn gặp ông Hiệu Trưởng?  Vậy cô là cô giáo mới, xuống đây dạy trường này? 
- Phải. Em giúp cô nhé.
- Dạ thưa cô, cái rương này đem đi cực lắm.  Để con kêu vài đứa nữa tới khiêng cho cô và báo cho ông Hiệu Trưởng biết có cô giáo mới về trường.  Cô chờ con một chút.
- Đừng xưng con, xưng là em được rồi.  Nhớ mang cho cô ly nước.  Từ sáng tới giờ cô chưa có một giọt nước.  Cám ơn em.
- Dạ, cô chờ em.  Em chạy mau lắm.

  Cậu chạy đi. Tôi nhìn theo xúc động.  Cậu rất lễ phép, một điều "dạ thưa" hai điều "dạ thưa", đã  gây ấn tượng tốt bước đầu cho tôi.  Sự nhiệt tình của cậu tạo cho tôi một cảm giác gần gũi thân thiết, làm tôi quên đi ý muốn "thối lui" vừa nảy ra trong đầu. Cậu chạy đi một lúc, dẫn tới hai đứa nữa cũng đi chân đất, đứa mang bắp, đứa mang khoai, đứa mang ấm nước trà, khoanh tay, cúi đầu chào cô rồi mời tôi ăn.  Ôi chao!  Dễ thương quá những đứa trẻ chân đất Miền Nam thật thà đôn hậu!
    Ăn vừa xong thì ông Hiệu Trưởng được một học trò khác thông báo nên vội vã đến gặp tôi.  Bấy giờ thay vì tôi trình diện ông thì ông hối hả "trình diện" tôi(!).  Ông còn dẫn theo ba thầy giáo trẻ tuổi, độc thân tới nơi tiếp đón tôi.  Một anh rất vui tính, một anh ăn nói hoạt bác, và anh chàng có cặp chân mày dấu ngã, ít nói nhưng hay "nhìn lén."  Cả nhóm thầy trò hoan hỉ rước tôi tới nhà ông Hiệu Trưởng. 
 Các ông giáo thì tình nguyện giúp đỡ tôi bất cứ chuyện gì, và bất cứ lúc nào nếu tôi cần.  Ông Hiệu Trưởng là người địa phương có ngôi nhà rất rộng.  Ông và gia đình vợ con ở căn giữa, còn hai bên là hai căn phòng rộng dành cho nam giáo sư xa nhà một phòng và nữ giáo sư một phòng.

Sự tiếp đãi nồng hậu này làm tôi bỏ hẳn ý định "di tản chiến thuật."  Tôi đến nơi này vừa đúng lúc ông- giáo- chân- mày- dấu- ngã nhận được hồ sơ hóan chuyển về Kontum, quê hương ông, nơi có bà mẹ già đang ngóng cổ chờ con.  Hôm đó trời quang mây tạnh, vậy mà Thiên Lôi cũng chịu khó làm việc ngoài giờ, không tính công, giáng cho ông mấy "tiếng sét" làm ông hủy bỏ hoán chuyển, và xin nhận "nơi này làm quê hương.  Riêng tôi, nhờ sự "ân cần giúp đỡ quá nhiệt tình" của chàng này mà bị ông Nguyệt Lão cột dây tơ màu hồng vào chân lúc nào không biết.  Do đó cuối niên học tôi theo anh chàng "tẩm ngẩm tầm ngầm" có chân mày dấu ngã này "về dinh."  Mấy năm sau chúng tôi mới cùng nhau về quê Kontum của chàng.  Nơi đây tôi cũng nhận được sự tiếp đón nồng hậu của gia đình bên chồng và đồng bào, đồng nghiệp, lẫn môn sinh.  Tôi ở quê hương chồng mới được vài năm, vừa "bén rể xanh cây" thì bị bứng ra khỏi vùng đất Phố Núi Tình Nồng này vào Tháng Tư Đen.  Giờ đây nơi đất khách quê người tôi nhớ tha thiết tới mảnh đất Kiên Bình đậm đà tình cảm thật thà chất phác của người dân Miền Nam, và Phố Núi Kontum ấm áp tình người của miền Cao Nguyên.  Ôi!  Biết bao giờ tôi trở lại hai nơi này, để sống lại những ngày vui vẻ hạnh phúc với học trò, đồng nghiệp, và người dân như ngày xưa thân ái!!!  Ôi! Nhớ sao là nhớ những Miền Đất Ân Tình của đất nước tôi!!!
                                            
                       (Trường THCS Thạnh Bình ngày nay (Thạnh Hòa đổi tên)

                           Vhp.Hạ Vũ
         (Trích tập truyện ngắn Ngày Xưa Chưa Xa)                              
                                                    


Không có nhận xét nào: