Tản mạn về
Một Chữ Ba
Ba đây không phải là chồng của má, mà cũng không phải là papa hay daddy, mà ba chỉ là một con số, number 3, mộc mạc, không son không phấn!
Ngôn ngữ Việt, quả có một "đặc thù", là có những chữ: nói xuôi cũng được, mà nói ngược cũng có nghĩa. Người ta dùng Nôm hoặc Nho chêm vào, lại càng thêm hương hoa, mật ngọt, nhất là về những câu đố thì thật thâm thúy và độc đáo: Có một câu đố mà cho đến nay, vẫn chưa ai trả lời một cách "hoàn chỉnh", mà nơi xuất phát ra câu đố đó có treo giải thưởng và chưa phát được cho ai! Củ Chi, nơi của địa đạo, giao thông hào, với ba thôn vườn trầu (chả biết có hay không, hay chỉ là bịp bợm?)
GÁI CỦ CHI CHỈ "C" HỎI CỦ CHI ?
Không ai biết tác giả câu đố đó là ai, nhưng người ta bảo đó là câu đố hay nhất và khó nhất!
Bà Đoàn Thị Điểm khi đang tắm thì thấy Trạng Quỳnh đến, bà bèn ra câu:
DA TRẮNG VỖ BÌ BẠCH
Trạng, với cả " bụng" chữ, không lẽ lại thua đàn bà! bèn ứng khẩu ngay :
TRỜI XANH MẦU THIÊN THANH
Tuy chữ đối chữ,nghĩa đối nghĩa, nhưng theo tôi, Trạng không "chỉnh" ở chữ VỖ, vì đó là một ĐỘNG TỪ , còn chữ MẦU của Trạng lại là một DANH TỪ.
Tôi đang lạc đề, xin trở lại con số ba!
Một trà, một rượu, một đàn bà
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta...
(Tú Xương)
Tuần rồi, đi phúng điếu cậu thằng bạn , 3 "bông mai vàng" QLVNCH, nay ông đã nằm dưới BA tấc đất (sao lại không phải là bốn tấc hay năm tấc?)
Bước vào nghĩa trang Oak Hill, bà xã đi bên cạnh nói một câu "huề vốn": "Nghĩa trang buồn quá, ông nhỉ?" có ai đến chỗ "cuối cùng" này mà vui bao giờ đâu! Tôi cúi đầu đi trong lặng lẽ...
Lại nhớ tới mấy câu của Hoàng Hải Thủy:
Thằng đi sau tiễn thằng đi trước
Thằng đi trước không biết thằng đi sau
Trước sau, sau trước đều đi cả
Thắc mắc làm chi chuyện trước sau...
Người ta hay đem chuyện "kết nghĩa vườn đào" của Lưu, Quan, Trương để răn dậy tình nghĩa bạn bè: cũng câu chuyện của BA ông Lưu Bị, Quan Vân Trương và Trương Phi.
Muốn nắm thiên hạ, cũng phải theo sách xưa: TỀ GIA, TRỊ QUỐC, BÌNH THIÊN HẠ, 3 gia đoạn, không thiếu, không thừa!
Võ Bị còn chia hai, không ai bảo được ai mà đem LỬA THIÊNG TRUYỀN THỐNG đó trao cho HẬU DUỆ, để các cháu "noi gương" các chú, các bác, thật là mai mỉa!
Lại trở về con số 3, người đàn bà xưa bị gò bó bởi con số ấy:
Tại gia tòng phụ
Xuất giá tòng phu
Phu tử, tòng tử
Còn chế độ "ngu muội" của Vẹm thì TAM VÔ (tức ba không)
Vô gia đình
Vô tổ quốc
Vô tôn giáo
Cái thế "giới đại đồng" của CS chỉ là không tưởng!
Một bà Sư Tử Hà Đông, biết chồng yêu đương "ngoài luồng", nổi máu tam bành (không hiểu là máu gì?!"), chỉ vào mặt chồng mà hét:
"Cơm nhà", ông để cho ai?
Mà ra "ăn phở" ở ngoài thế kia!
Tiện dao, bà hứa, bà thề
Cho về tiên tổ, một bề cho xong!
Đàn ông, rẻ như bèo, BA đồng, mua được cả đống!
Ba đồng một mớ đàn ông
Chị bỏ vào lồng chị xách đi chơi...
Nhà vua truyền hịch cho quân lính, cũng gọi:
Hỡi BA QUÂN! Phen này cùng ta giết giặc!
Cho xã tắc yên vui, trăm họ thái bình
Khải hoàn ca đó, lưu danh muôn đời...
Tôi có tính hay "đùa dai", chọc giận Sư Tử nhà, nên xâm mình thả thơ:
Khi xưa, em rất ngoan hiền
Bên em xõa tóc, tưởng bên Thiên Đường
Giờ sao, anh bỗng ngỡ ngàng
Thấy em, anh muốn tìm đường âm ti!
Ngày xưa, em rất nhu mì
Giờ đây, anh tưởng Trương Phi hiện hồn!
Chữ Ba, nói đến 3 ngày cũng không hết!
Ba hoa chích chòe
Chưa đậu ông nghè đã đe hàng tổng!
(An chế!)
Nhà trống BA gian
Một thầy, một cô, một chó cái...
Cao bá Quát, trước khi bị chết bởi triều đình vì tội phản loạn, còn để lại cho đời hai câu:
BA hồi trống dục, đù cha kiếp
MỘT lưỡi gươm đưa, bỏ mẹ đời...
Ông giỏi thơ văn đến Vua Tự Đức còn phải khen: "Văn như Siêu , Quát, vô Tiền Hán"
Nghĩ lại "chuyện chúng ta", tôi làm hai câu để kết thúc bài viết về MỘT CHỮ BA:
VÕ BỊ HÔM NAY, NGÃ BA ĐƯỜNG
TA LÀ KẺ ĐỢI CHỜ, VỀ ĐÂU NHỈ ?...
An H.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét