Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2019

Thành ngữ điển tích 16: Giấc Kê Vàng và Các Giấc... (Đỗ Chiêu Đức)

Thàng Ngữ Điển Tích 16:
  
                 GIẤC KÊ VÀNG và CÁC GIẤC...

                            Inline image
                        
                    Ôi, nhân sinh là thế ấy,
                    Như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao.
                    Ba mươi năm hưởng thụ biết chừng nào,
                    Vừa tỉnh giấc NỒI KÊ chửa chín.
  
       Đó là 4 câu thơ mở đầu cho bài hát nói Vịnh Nhân Sinh của cụ Nguyễn Công Trứ, chỉ nhân sinh vốn dĩ phù du mộng ảo như một Giấc kê Vàng, mà khi tỉnh giấc rồi nồi kê vẫn còn chưa chín!  
      KÊ là một loại ngũ cốc, ta gọi là lúa Mì, lúa Mạch, có màu vàng; nên còn gọi là KÊ VÀNG, từ Hán Việt là HOÀNG LƯƠNG 黃梁, như khi bị Ưng Khuyển bắt về giao nạp cho Hoạn Bà, Thúy Kiều mới:

                   HOÀNG LƯƠNG chợt tỉnh hồn mai,
                   Cửa nhà đâu tá lâu đài nào đây ?

                      

      Giấc Kê Vàng hay Hoàng Lương Mộng 黃梁夢 có điển tích như sau:
      
      Theo Chẩm Trung Ký 枕中記, Đường Khai Nguyên năm thứ 7, có chàng Lư Sinh, người xứ Hàm Đan, sau khi thi rớt bèn về quê canh tác. Một hôm đang ngồi trong quán ven đường, thì có một đạo sĩ họ Lữ cũng ghé lại ngồi chung bàn. Hai người cùng trao đổi và bàn bạc về nhân sinh rất là tâm đắc. Bỗng Lư Sinh nhìn xuống áo quần lam lũ của mình mà cảm khái nói: "Đại trượng phu sống trên đời mà không đắc chí, đến nổi phải như thế nầy!" Đạo sĩ nói: "Trông anh rất khỏe mạnh, ăn nói lại rất uyên bác, có điều gì còn phải than thở nữa?" Lư Sinh đáp: "Kẻ sĩ sống trên đời phải giương danh lập nghiệp, không làm quan văn thì cũng phải là võ tướng; như tôi đây học cả lục nghệ: Lễ, Nhạc, Xạ, Ngự, Thư, Số, lại phải chịu đi cày ruộng khốn khó thế nầy, nghĩ có ức không? "Bàn luận một hồi lâu, vừa buồn vừa nản, Lư Sinh lại thấy buồn ngủ khi đang đợi chủ quán bắt nồi kê vàng lên nấu, bèn nằm xuống sạp mà ngủ. Đạo sĩ họ Lữ lấy trong bọc ra một cái gối cho chàng nằm. Lư Sinh nghiêng đầu nằm lên gối ngủ thiếp đi, chợt chàng thấy có ánh sáng phát ra từ cái lổ trống bên gối, ánh sáng và khoảng trống lớn dần, chàng bèn nhảy vào trong ánh sáng đó, thì thấy mình đã về đến nhà. 

                         Inline image 

        Mấy tháng sau có người làm mối cho chàng cưới con gái nhà họ Thôi, thuộc gia đình giàu có lại rất trẻ đẹp, nên chàng rất yên tâm mà dồi mài kinh sử. Năm sau lai kinh ứng thí, lại đậu ngay Tiến sĩ. Nhà vua phái đi làm Huyện Úy của huyện Vị Nam, không bao lâu lại được thăng làm Giám Sát Ngự Sử, lại được chuyển làm Khởi Cư Xá Nhân Tri Chế Cáo. Ba năm sau, lại thăng làm Trưởng Quan của đất Thiểm. Lư Sinh lại thích về thủy lợi, nên mở kinh đào 80 dặm cho đất Thiểm Tây, giải quyết vấn đề giao thông đường thủy cho dân chúng, nên dân chúng vùng đó làm bia ca tụng công đức. Lại được cải nhậm làm Trưởng Quan ở Biện Châu, làm Thái Phỏng Sứ ở Hà Nam Đao. theo lời triệu của nhà vua về Kinh Thành làm Kinh Triệu Doãn. Năm đó Huyền Tông hoàng đế chinh phạt Nhung Địch, mở rộng biên cương, nhằm lúc Tiết Độ Sứ Vương Quân bị giết, nhà vua cần nhân tài đến thay thế, mới lệnh cho Lư Sinh làm Ngự Sử Trung Thừa kiêm Tiết Độ Sứ đất Hà Tây. Lư Sinh cầm quân đại phá quân địch, mở rộng thêm biên cương chín trăm dặm, xây thêm ba thành trì để củng cố bờ cõi. Nhân dân một dãy biên cương lập bia ca ngợi công đức. Ban sư về triều, luận công phong thưởng, nhà vua lại thăng làm Lại Bộ Thị Lang lại thuyên phong Hộ Bộ Thượng Thư kiêm Ngự Sử Đại Phu. Trong một lúc mà danh vọng lên cao đến tột đỉnh. Trong khi mọi người đều hâm mộ thì Tể Tướng đương triều lại đố kỵ, phao tin thất thiệt là Lư Sinh ỷ công hống hách không xem ai ra gì, nên vua mới đày đi làm Thứ Sử Đoan Châu. Ba năm sau, Vua xét oan tình cho về kinh phục chức Thường Thị, hầu cận bên vua, ít lâu sau lại được thăng làm Tể Tướng, cùng ngang hàng với các Tể Tướng đương thời là Tiêu Tung, Bùi Quang Đình, giúp nhà vua chấp chánh và thực thi sách lược an dân, được tiếng là Thừa Tướng giỏi. Nhưng lại bị đồng liêu tạo chứng cứ giả, vu cho thông đồng với các tướng ở biên cương định mưu phản. Nhà vua lại hạ lệnh bắt hết cả nhà giam vào ngục tối, tịch biên toàn bộ gia sản. Lư Sinh rất kinh hoàng nói với vợ con rằng: "Gốc gác nhà ta ở Sơn Đông, có đến 5 khoảnh ruộng, đủ để nuôi sống cả nhà một cách sung túc, đâu cần phải theo đuổi công danh phú quý mà chi để cho đến bây giờ nhà tan cửa nát, muốn sống yên thân bình thường cũng không được!" Nói xong bèn rút dao ra khứa cổ tự vẫn, may mà Thôi Thị giựt dao lại kịp mới không chết, nhưng những người liên can đều bị xử tử hình. Nhà vua xét trong quá khứ có công nên miễn cho tội chết, chỉ đày đi Hoan Châu lao dịch.
 
                            Inline image

     Năm năm sau, vua xét thấy oan tình, bèn triệu về kinh cho phục chức Tể Tướng, sách phong Yên Quốc Công, được hưởng ân sủng đặc biệt của nhà vua. Lư Sinh sinh được năm trai, tất cả đều hiễn đạt. Con cả Lư Kiệm đỗ Tiến sĩ, con thứ Lư Truyền làm chức Ngự Thị Lang, con thứ ba Lư Vị là Thái Thường Thừa, thứ tư Lư Châu làm Vạn niên Huyện Úy, con trai út Lư Ỷ mới 28 tuổi đã giữ chức Tả Nhưỡng. Các thông gia đều là bậc quyền quý, cháu nội gần hai mươi đứa đều rất ngoan hiền. Cuộc sống vinh hoa phú quý của Lư Sinh kéo dài đến hơn 80 tuổi mới nhuốm bệnh mà qua đời...
       Bấy giờ, Lư Sinh mới trở mình và ngáp dài một cái thức dậy. Mở mắt ra thấy đạo sĩ họ Lữ còn ngồi bên cạnh, và nồi kê mà chủ quán đang nấu vẫn còn chưa chín, mọi vật chung quanh đều vẫn y như cũ. Lư Sinh hoảng loạn như vừa từ thế giới khác trở về, hỏi rằng: "Đó chỉ là giấc mộng thôi sao? "Lữ đạo sĩ đáp rằng: "Cái huy hoàng nhất của cuộc đời chẳng qua cũng chỉ như thế mà thôi!" Lư Sinh vô cùng cảm khái mà tạ rằng: "Vinh nhục của cuộc đời, cùng thông của vận mệnh, cái lý của được và mất, cái tình của sống và chết, ta đều đã trải nghiệm cả rồi. Cám ơn đạo sĩ đã điểm hóa cho ta, sao ta lại còn không tỉnh ngộ chứ?!" Bèn lạy ta đạo sĩ mà đi. Từ đó về sau không còn bận tâm về công danh phú quý nữa.
       
       Ông bà ta cũng thường nói  "Trăm năm một giấc kê vàng" để chỉ cuộc đời dù vinh dù nhục, dù phú quý hay bần tiện, dù thành công hay thất bại... rốt cuộc rồi cũng thoáng qua như một giấc mộng mà thôi!  
      
       Ngoài Giấc Nam Kha, Giấc Kê Vàng ra, ta còn có GIẤC BƯỚM , GIẤC HỒ hay GIẤC ĐIỆP đều có cùng một nghĩa như nhau. Vì Bướm từ Hán Việt là Hồ Điệp 蝴蝶, Hồ Điệp là Bướm, theo như tích sau đây:

                       Image result for èå­Â·é½ç©è«

      Tề Vật Luận trong sách Trang Tử 莊子·齊物論 có ghi lại câu chuyện sau đây: Trang Chu hay nằm mơ thấy mình hóa ra bươm bướm, tiêu dao tự tại bay múa dạo chơi khắp nơi. Khi tỉnh lại rồi thì còn ngờ ngợ tự hỏi rằng: "Không biết là Trang Chu ta hóa ra bươm bướm, hay là bướm bướm đã hóa ra Trang Chu ta đây?!" Có nghĩa là mộng cũng như thực mà thực cũng như mộng.  Nhưng sau dùng rộng ra đều có nghĩa là giấc ngủ mơ màng mà ta hay nghe nói là  "Mơ Màng Giấc Điệp", hay như lời hiểu lầm của Thiện Sĩ trong Quan Âm Thị Kính:
                     Chàng rằng: GIẤC BƯỚM vừa say,
                    Dao con nàng bỗng cầm tay gần kề.

   hay như trong Hoa Tiên Ký của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện:

                     GIẤC HỒ nửa gối mơ màng,
               Chiền đầu đã lọt tiếng chuông mái trường.

    Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu cũng đã thoát dịch hai câu đầu bài Phong Kiều Dạ bạc của Trương Kế là: "Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên, Giang phong ngư hỏa đối sầu miên" bằng giấc ngủ chập chờn với:

                     Trăng tà tiếng quạ kêu sương,
                  Lửa chài cây bến sầu vương GIẤC HỒ.

    Ngoài GIẤC HỒ GIẤC BƯỚM ta còn có GIẤC MAI, là "giấc ngủ dưới cây mai"cũng dùng để chỉ những giấc ngủ ngon, ngủ say trong mộng, theo như điển tích sau đây:
         Theo sách Long Thành Lục 龍城錄 : Triệu Sư Hùng 趙師雄 người Khai Hoàng đời Tùy, trong một buổi chiều trời lạnh lẽo đi ngang qua núi La Phù. Đang cơn tỉnh say, ghé xe vào một tửu quán ven đường, có người con gái ăn mặc đồ trắng giản dị ra tiếp đón. Lúc trời vừa tối hẵn, tuyết bắt đầu tan trong ánh trăng nhàn nhạt. Sư Hùng tiếp chuyện với nàng, người đẹp ăn nói văn hoa lại thoang thoảng có hương thơm nhẹ, bèn cùng nhau uống dăm ba chén rượu. Chốc lát lại có một đồng tử ăn mặc màu xanh lục đến ca múa giúp vui. Sư Hùng uống say, mơ hồ ngủ đi lúc nào không biết. Khi cảm thấy hơi gió lạnh thổi, giật mình thức giấc thì trời đã hừng đông. Nhìn lại thì thấy mình đang nằm ngủ dưới gốc cây mai lớn, trên cây lại có con chim oanh đang hót líu lo, trăng tàn rơi rụng mà lòng những bàng hoàng.

                      Image result for è¶å¸«é 

       GIẤC MAi thường dùng để chỉ giấc ngủ mê man ngon lành, như lúc Thúy Kiều được sư Giác Duyên vớt từ dưới sông Tiền Đường lên còn đang mê man trong giấc ngủ sau khi đã gặp Đạm Tiên:

                   Giật mình thoát tỉnh GIẤC MAI,
                Bâng khuâng nào đã biết ai mà nhìn,
                   Trong thuyền nào thấy Đạm Tiên,
                Bên mình chỉ thấy Giác Duyên ngồi kề.

     Sau GIẤC MAI, ta còn có GIẤC XUÂN là Xuân Mộng 春夢 theo như thơ của Bạch Cư Dị:
              來如春夢不多時,   Lai như xuân mộng bất đa thì,
              去似秋雲無覓處。 Khứ tự thu vân vô mịch xứ.
Có nghĩa :
           Đến tựa mộng xuân trong thoáng chốc,
           Đi như mây nổi biết về đâu.

      GIẤC XUÂN là giấc ngủ vô tư ngon lành không lo nghĩ như Thúy Vân trong Truyện Kiều. Chị bán mình mặc chị, em thì em vẫn ngủ ngon lành:

                  Thúy Vân chợt tỉnh GIẤC XUÂN,
                 Dưới đèn ghé đến ân cần hỏi han.

     Cuối cùng, ta còn có GIẤC HÙNG. HÙNG 熊 là con gấu, nên Giấc Hùng là nằm chiêm bao thấy gấu. Theo Kinh Thi chương Tiểu Nhã có câu:

                duy hùng duy bi,    維熊維羆,
                Nam tử chi tường.   男子之祥.
Có nghĩa :
           Chỉ có hai con hùng và con bi, (là hai loài gấu).
           Là điềm sẽ sanh được con trai.

     Nên GIẤC HÙNG là giấc ngủ chiêm bao thấy gấu là điềm sẽ sanh được con trai, như trong thơ của Hoàng Sĩ Khải:

                      Điềm lành sớm ứng HÙNG BI,
                  Trăm trai đầy rẫy khác gì Lạc Long.

     hay như trong truyện Phương Hoa với:

                      GIẤC HÙNG hai thấy xa xa,
                  Cả là Cảnh Tĩnh, thứ là Cảnh Yên.

                  Image result for æ¯è©© : 維ç維ç¾ï¼ç·å­ä¹ç¥¥ã Image result for é£ç入夢

      Từ điển tích trên, ta còn có một thành ngữ thường gặp trong văn học cổ là PHI HÙNG NHẬP MỘNG 飛熊入夢 là Con gấu có cánh bay vào mộng, nghĩa là: Nằm mơ thấy gấu bay. Theo Sử Ký của Tư Mã Thiên có ghi như sau:

      Cuối đời nhà Thương, Châu Văn Vương Cơ Xương cần tìm một nhân tài để phò tá, nhưng tìm mãi chưa được. Một đêm ông nằm mộng thấy có một con gấu có cánh bay vào trong lòng. Ngày hôm sau, quan Chiêm Bốc bói quẻ, cho biết là sẽ tìm được nhân tài phò trợ. Châu Văn Vương mới dẫn một đoàn người ngựa đi dọc theo dòng sông Vị và tìm gặp Khương Thượng, tự là Tử Nha, hiệu là Phi Hùng (gấu bay), ứng với điềm trong mộng. Từ đó, Châu Văn Vương như hùm thêm cánh, tiêu diệt nhà Thương và dựng nên nhà Châu gần 800 năm.
      Nên PHI HÙNG NHẬP MỘNG là chỉ vua chúa tướng soái gặp được người tài giỏi phò trợ; như giám đốc mà tìm được phụ tá giỏi vậy!

 Xin tạm chấm dứt các... GIẤC nơi đây, hẹn bài viết tới!

                       Đỗ Chiêu Đức


      

Không có nhận xét nào: