Thứ Ba, 31 tháng 3, 2020

Thơ xướng-họa kỳ 43 / Tác giả: Vườn Thơ Mới

THƠ XƯỚNG HỌA KỲ 43- VƯỜN THƠ MỚI

C:\Users\cangs\OneDrive\Documents\layhinh\hinh815.jpg

Bài xướng:
LỢI KHẨU BẤT LỢI PHÚC
Tiệc khao hấp dẫn miếng ăn ngon,
Ngấu nghiến hồi lâu bụng cứng tròn.
Miệng sướng, ngất ngây mùi ngọt béo,
Dạ buồn, bối rối ruột già non.
Mật gan chắt bóp chưa tiêu hóa,
A xít chan hòa thêm sắt son.
Trào ngược, ợ chua cần ít thuốc,
Tìm nơi đánh rắm, chạy lon ton…
Minh Tâm


Họa 1:
        CHÚT LÒNG SON
Mâm cổ bày ra lắm món ngon
Mọi người hớn hở mắt căng tròn
Riêng ta xơi nhẹ rau, dưa mỏng
Cùng chả chiên giòn, miếng bắp non
Thực phẩm giản đơn - tình bạn thắm
Hương chiều nồng ấm = chút lòng son
Tiệc về nhẹ ngắm trời cao, lộng
Tiếng nhạc suối nguồn chảy tỏn ton.
Kim Trân 

Họa 2:
         LỆNH CẤM RA ĐƯỜNG
Bệnh dịch tràn lan ngủ chẳng ngon
Ngày đêm khắc khoải mộng chưa tròn
Lo sao bỏ lệnh "ra ngoài cửa"
Khổ nỗi ôm sầu nợ nước non
Lận đận thân già quanh xó bếp
Lao đao tuổi trẻ chạnh lòng son
Mai nầy xả trại ta mua rượu
Nốc trọn thùng bia chống gậy ton.
Nguyễn Cang
*Thị trưởng Tiểu bang California Newsom trong nổ lực ngăn chận Corona Vũ Hán lây lan, đã tuyên bố sắc lệnh ngày 19/3/2020 yêu cầu người dân phải ở trong nhà trong suốt 3 tuần lễ.

Họa 3:
           ĐIỀU ĐỘ 
Ăn uống trên đời nhất thú ngon
Tâm không tham luyến miễn sao tròn 
Đủ no háu rán hay trào thực 
Thiếu đói ăn dồn khổ ruột non
Đạm bạc món rau thơm nước chấm 
Đơn sơ tương ớt đỏ màu son
Thể thao ngủ sớm luôn đều độ
Vui vẻ chơi đùa múa nhảy ton 
Hương Lệ Oanh VA







Được Mùa Bội Thu & Mua Thuận Gió Hòa (Mai Xuân Thanh)

   Được Mùa Bội Thu

Cầu mưa như trút chảy trăm dòng
Phèn mặn trôi theo sóng nước sông
Đất thấm phì nhiêu thông cống rãnh
Lúa lên mầu mở trổ đòng đòng
Ghe tàu đánh cá thu đầy lưới
Ruộng rẫy gặp thời vụ tốt bông
Tưới nước hoa màu đây gấp bội
Đào kênh dấn thủy ấm no lòng

Mai Xuân Thanh
Ngày 26/03/2020


Mưa Thuận Gió Hòa

Mưa rơi nặng hạt cuốn theo dòng
Mưa gió thuận hòa chảy xuống sông
Mưa đẩy mặn phèn chua tới biển
Mưa làm mát lúa kịp lên đòng
Mưa về tôm cá ghe chài lưới
Mưa đến vườn cây lộc, trái, bông
Mưa khiến nông dân mùa trúng vụ
Mưa đem hạnh phúc ấm êm lòng...!

Mai Xuân Thanh
Ngày 26/03/2020




Thứ Hai, 30 tháng 3, 2020

* Giai Thoại Văn Chương: Nuốt Thơ Đỗ Phủ (Đỗ Chiêu Đức)

Giai Thoại Văn Chương :
                 NUỐT THƠ ĐỖ PHỦ  
                               
                     
                      Thi Trường :  TRƯƠNG TỊCH
       TRƯƠNG TỊCH 張藉 (767-830), thi nhân đời Đường, tự là Văn Xương, lại có biệt hiệu là THI TRƯỜNG 詩 腸 (đầy ruột toàn là thơ). Ông người đất Ngô Quận (Tô Châu, tỉnh Giang Tô, sau thiên cư về Ô Giang của Hòa Châu (thuộc Hòa Quận tỉnh An Huy hiện nay).

      Theo "Vân Tiên Tản Lục" ghi chép, sở dĩ ông có biệt hiệu Thi Trường là vì: Ông rất mê thơ Đỗ Phủ (ông nhỏ hơn Đỗ Phủ 55 tuổi). Ông đem thi tập của Đỗ Phủ đốt thành tro rồi hòa với mật ong, mỗi buổi sáng đều uống ba muổng. Bạn bè biết được cười nhạo, thì ông đáp rằng: Sau khi uống tro của thơ Đỗ Phủ vào ruột thì tôi sẽ viết ra được những câu thơ hay như là thơ của Đỗ Phủ vậy. Bạn bè nghe xong đều cười cho sự ngớ ngẩn của ông. Nhưng nói cũng lạ, thơ ông làm ra có nhiều bài rất nổi tiếng và còn truyền tụng mãi cho đến hiện nay, như: Tiết Phụ Ngâm 節 婦 吟, Chinh Phụ Oán 征 婦 怨, Lương Châu Từ 凉 州 词, Thành Đô Khúc 成 都 曲...        
      Năm Trinh Nguyên thứ 14 (798), đời Đường Đức Tông, Trương Tịch bắc du, được Mạnh Giao giới thiệu quen với Hàn Dũ ở Biện Châu (Phủ Khai Phong, Hà nam). Năm sau ông đậu Tiến Sĩ, từng giữ chức Thái Thường Tự Thái Chúc, vì bị bệnh viễn thị nên viết câu thơ "Thảo sắc diêu khan cận khước vô 草 色 遥 看 近 却 無" có nghĩa: Xa nhìn sắc cỏ gần không thấy. Mạnh Giao gọi ông ta là "Cùng Hạt Trương Thái Chúc 窮 瞎 張 太 祝" có nghĩa: Lão Trương Thái Chúc nghèo mù.
      Năm Nguyên Hòa thứ 11 (816), chuyển qua Trợ Giáo cho Quốc Tử Giám, rồi nhậm chức Bí Thư Lang. Năm Trường Khánh nguyên niên (821), ông lại được Hàn Dũ tiến cử vào làm Bác Sĩ của Quốc Tử Giam, nhiều lần giữ chức Thủy Bộ Viên Ngoại Lang, cuối cùng là chức Quốc Tử Tư Nghiệp, nên Trương Tịch còn được gọi là Trương Thủy Bộ. Phiên Trấn Lý Sư Đạo ngưỡng mộ học thức của Trương Tịch, nên muốn mời ông về Phủ Tư Đồ, ông từ chối khéo bằng bài Tiết Phụ Ngâm 節 婦 吟 nổi tiếng cổ kim như sau:        
        

     節 婦 吟                 TIẾT PHỤ NGÂM

君 知 妾 有 夫,      Quân tri thiếp hữu phu,
贈 妾 雙 明 珠。      Tặng thiếp song minh châu.
感 君 纏 綿 意,      Cảm quân triền miên ý,
繫 在 紅 羅 襦。      Hệ tại hồng la nhu

妾家高樓連苑起,    Thiếp gia cao lầu liên uyển khởi,
良人執戟明光裡。    Lương nhân chấp kích minh quang lý.
知君用心如日月,    Tri quân dụng tâm như nhật nguyệt,
事夫誓擬同生死。    Sự phu thệ nghĩ đồng sinh tử.
還君明珠雙淚垂,    Hoàn quân minh châu song lệ thùy,
恨不相逢未嫁時!    Hận bất tương phùng vị giá thì.

       Bài thơ có nghĩa: Chàng biết là thiếp đã có chồng rồi, nhưng còn tặng cho thiếp một đôi ngọc minh châu. Cảm vì tình ý quyến luyến của chàng, nên thiếp đã đeo nó vào trong giải yếm màu đỏ. Nhà thiếp ở cạnh lầu cao sát với vườn thượng uyển, nên chồng thiếp là người cầm kích gác trong đền Minh Quang của vua. Vẫn biết là dụng ý của chàng trong sáng như nhựt nguyệt, nhưng đạo thờ chồng thiếp cũng nguyền cùng chung sống chết (với chồng). Nên... Thiếp đành gạt nước mắt mà trả lại đôi minh châu cho chàng, chỉ hận là ta không gặp gỡ nhau khi thiếp còn chưa xuất giá!

       Bài thơ trên đã được cụ Ngô Tất Tố diễn Nôm rất hay là:

          Chàng hay em có chồng rồi,
          Yêu em chàng tặng một đôi ngọc lành.
          Vấn vương những mối cảm tình,
          Em đeo trong áo lót mình màu sen.
          Nhà em vườn ngự kề bên,
          Chồng em cầm kích trong đền Minh Quang.
          Như gương, vâng biết lòng chàng,
          Thờ chồng, quyết chẳng phụ phàng thề xưa.
          Trả ngọc chàng, lệ như mưa,
          Hận không gặp gỡ khi chưa có chồng.

        

       Đọc sự tích nầy của Trương Tịch làm cho ta nhớ lại sự tích của cụ Đào Duy Từ một nhà chính trị quân sự lỗi lạc, một danh nhân văn hóa kiệt xuất, bậc khai quốc công thần số một của chín đời Chúa Nguyễn và 13 đời vua của triều đình nhà Nguyễn. Đào Duy Từ vốn người Bắc Hà nhưng không được trọng dụng, mới lưu lạc vào Nam giúp Chúa Nguyễn.
      Chúa Trịnh tiếc tài của Đào Duy Từ, mới tính kế làm sao để lôi kéo ông bỏ Chúa Nguyễn về với triều đình vua Lê và Chúa Trịnh. Chúa bèn lập mưu, sai người mang nhiều vàng bạc bí mật vào Nam biếu Đào Duy Từ, kèm theo một bức thư riêng với bốn câu thơ:

                   Trèo lên cây bưởi hái hoa,
              Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
                   Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,
              Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay!”

               
                         Ảnh cụ Đào Duy Từ                     

     Lời thơ ngụ ý anh là (Chúa Trịnh) và em (Đào Duy Từ) thuở nhỏ, trèo cây hái hoa bưởi, bước xuống vườn cà hái nụ hoa tầm xuân. Ý thơ là lời nhắn nghĩa tình, nhắc Đào Duy Từ rằng tổ tiên, quê quán vốn ở Đàng Ngoài. Nếu trở về sẽ được triều đình trọng dụng, nhưng Đào Duy Từ đã trả lại quà tặng và viết bài thơ phúc đáp Chúa Trịnh như sau:

                       Ba đồng một mớ trầu cay,
               Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?
                      Bây giờ em đã có chồng,
                 Như chim vào lồng như cá cắn câu.
                     Cá cắn câu biết đâu mà gỡ,
                  Chim vào lồng biết thuở nào ra?”

               
                                             
      Chúa Trịnh đọc thơ biết khó lòng lôi kéo được họ Đào, nhưng thấy bài thơ chưa có câu kết, ý còn bỏ ngỏ, nên vẫn nuôi hy vọng, bèn cho người đem lễ vật nhiều hơn, và mang theo lá thư của Chúa Trịnh vào gặp Đào Duy Từ lần nữa. Lần này, Đào Duy Từ mới viết nốt hai câu kết gửi ra, để trả lời dứt khoát việc mời mọc của chúa Trịnh:

                        Có lòng xin tạ ơn lòng,
                Đừng đi lại nữa mà chồng em ghen!

      Trương Tịch còn nổi tiếng với bài thơ "Cận Thí Thượng Trương Thủy Bộ 近 試 上 張 水 部" có nghĩa: Gần thi gởi lên cho Trương Thủy Bộ (để xem xét đánh giá dùm coi có đậu được hay không?) của sĩ tử Chu Khánh Dư 朱 慶 餘. Bài thơ như sau:

              洞 房 昨 夜 停 紅 燭,   
     Động phòng tạc dạ đình hồng chúc,
              待 曉 堂 前 拜 舅 姑。    
     Đãi hiểu đường tiền bái cựu cô.
              妝 罷 低 聲 問 夫 婿,      
    Trang bãi đê thanh vấn phu tế,
              畫 眉 深 淺 入 時 無。    
    Họa my thâm thiển nhập thời vô?

     Có nghĩa :
               Động phòng hoa chúc đêm qua,
         Sáng ngày ra mắt mẹ cha khách phòng.
               Diện xong nàng khẻ hỏi chồng,
         Mày ngài đậm nhạt hợp không hỡi chàng?
                                       ĐCĐ diễn Nôm

         
                  
       Chu Khánh Dư tự ví mình như là cô dâu mới về nhà chồng, nên sáng đêm tân hôn, khi trang điểm xong, trước khi lên phòng khách ra mắt cha mẹ chồng, thì kề tai hỏi nhỏ chồng rằng: "Đôi mày của thiếp kẻ như thế nầy đậm nhạt có hợp thời không?"  Ý nói là có hợp với nhãn quang của cha mẹ chồng không? Chu xem Trương Tịch người Trợ Giáo cho Quốc Tử Giám như là chàng rể mới nên mới hỏi xem văn chương của mình có hợp với ý của cha mẹ chồng là quan chủ khảo hay không? Qủa là khéo ví von một cách gợi tình lãng mạn mà lại rất nên thơ! Trương Tịch cũng đã đáp lại bằng một bài thơ tứ tuyệt "Thù Chu Khánh Dư 酬 朱 慶 餘" (Đáp Chu Khánh Dư). Bài thơ như sau \:

                    越 女 新 妝 出 镜 心,    
         Việt nữ tân trang xuất kính tâm,
                    自 知 明 艷 更 沉 吟。   
        Tự tri minh diễm cánh trầm ngâm.
                    齊 紈 未 足 時 人 貴,    
        Tề hoàn vị túc thời nhân qúy,
                    一 曲 菱 歌 敵 萬 金。     
       Nhất khúc lăng ca địch vạn câm (kim).

Có nghĩa :
     Nàng con gái nước Việt (ý chỉ gái đẹp) vừa mới trang điểm xong như đi ra từ trong lòng gương (ý chỉ đẹp rực rỡ). Tự biết mình rất diễm kiều trong sáng, nên lại càng trầm ngâm hơn (không biết mình có tự tin qúa hay không!) Nhưng hãy yên tâm đi nàng ơi, dù cho lụa nõn qúy giá của nước Tề cũng không qúy bằng con người thật trước mắt, chỉ cần một khúc hát hái ấu, hái sen thanh thoát là đã đáng giá ngàn vàng rồi!

     Ý của Trương Tịch muốn khuyên sĩ tử Chu Khánh Dư là "Mình đã đẹp sẵn như Tây Thi gái nước Việt rồi, mà còn vừa mới trang điểm xong nữa, lo gì không đẹp mà phải "trầm ngâm"?  Ý nói Chu đã có tài rồi mà còn có chuẩn bị nữa, thì lo gì mà thi không đậu, cũng như nàng gái Việt duyên dáng đã qúy hơn gấm vóc lụa là rồi thì chỉ cần cất cao giọng lên hát một khúc hái sen hái ấu nữa là sẽ đáng giá ngàn vàng ngay! Ý Trương Tịch muốn khuyên Chu Khánh Dư là cứ tự tin mà đi thi đi, tên sẽ được ghi bảng vàng mà thôi! Và quả thật như lời khuyên của Trương, Chu đã thi đậu Tiến Sĩ năm Bảo Lịch thứ 2 (826) và làm quan đến chức Bí Thư Tỉnh Hiệu Thư Lang.

           
Diễn Nôm :
           Gái Việt điểm trang đẹp tợ gương,
           Biết mình xinh xắn vẫn khiêm nhường.
           Lụa là Tề quốc thua người qúy,
           Một khúc ngàn vàng mãi vấn vương!
                                ĐCĐ diễn Nôm
     
      Thế đấy, nhờ sùng bái và mỗi buổi sáng nuốt thơ Đỗ Phủ vào ruột mà TRƯƠNG TỊCH cũng làm thơ hay và nổi tiếng như Đỗ Phủ trong buổi Thịnh Đường. Đỗ Phủ là Thi Thánh, còn Trương Tịch là Thi Trường, là thơ từ trong ruột tuôn ra vì đầy một ruột toàn là... thơ của Đỗ Phủ. Thế mới hay, có chí thì nên, nhờ ái mộ Đỗ Phủ mà Trương Tịch cố gắng dùi mài nắn nót làm thơ, kết cuộc ông cũng trở thành một thi sĩ lớn trên thi đàn của đời Đường nhờ vào sự phấn đấu của chính mình. Nuốt thơ Đỗ Phủ chỉ là cái cớ, cái động lực thôi thúc ông cố gắng tiến lên mà thôi.

      Dù thế nào đi nữa thì Trương Tịch vẫn để lại một tấm gương tốt cho hậu sinh noi theo và nhất là để lại những bài thơ bất hủ như Tiết Phụ Ngâm, Chinh Phụ Oán, Thành Đô Khúc... những giai thoại văn chương lý thú giữa ông và những bạn thơ chung quanh thời đại hoàng kim của thi ca: ĐƯỜNG THI 

                                 Đỗ Chiêu Đức




Màu Cờ Sắc Áo - Mai Xuân Thanh

Màu Cờ Sắc Áo 

Làm thân tị nạn dưới màu cờ...
Mất hết còn chi nữa ngẩn ngơ !
Nhớ bạn hồn nhiên đôi mắt biếc
Thương ai lận đận tóc tơ phờ

Màu cờ tươi đẹp thật quang vinh
Sắc áo nhàu dơ chỉ một mình
Thuở trước tòng chinh duyên nợ nước
Thời xưa chiến dịch cuộc hành trình

Làm thân trai tráng dưới quân cờ
Bỏ xứ ra đi sống tạm sơ
Tới bến biết thân qua bĩ cực
Đệ huynh tử sĩ bóng trăng mờ !...

Mai Xuân Thanh
Ngày 24/03/2020





Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2020

Bài Kinh Ái Nhĩ Lan - Đào Anh Dũng

   Tuần rồi, một cụ bà hàng xóm của chúng tôi phải bán nhà và một số vật dụng để vào viện dưỡng lão. Cô con gái của cụ mời mọi người ngụ trong cộng đồng 55+ chúng tôi đến mua những món họ ưa thích hay cần thiết. Tôi thấy bức tranh thêu này với bài  thơ cầu phước của người Ái Nhĩ Lan và hỏi mua. Cô con gái cho giá là 1 đô.
       Tôi mua bức tranh thêu vì nó gợi lại ký ức những ngày tháng tôi đi làm việc ở Galway và Dublin, hai thành phố của xứ Ái Nhĩ Lan, vào cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990. Tôi thấy bài thơ này treo trên tường phòng khách ở nhà của vài người bạn cùng sở làm. Họ cho tôi biết đây là bài thơ người Ái Nhĩ Lan đọc để chúc nhau trong mọi dịp, nhất là ngày xưa khi ông bà họ tiển đưa thân nhân ra đi tìm nguồn sống mới ở Mỹ hay Úc Châu. Đó là những cuộc hành trình bằng đường biển rất xa xôi và nguy hiểm.
     Tôi hỏi các người bạn thì người này nói không ai biết tác giả là ai, người kia cho rằng tác giả là thánh Patrick, ông thánh bổn mạng của người Ái Nhĩ Lan.
     Tôi thích bài thơ này và tôi chép lại để dành vì tôi cũng đã trải qua một cuộc hành trình đầy bất trắc vào cuối tháng Tư, năm 1975. Và, tôi luôn tự hỏi, nếu không có bàn tay chở che của Thượng Đế thì tôi đã ra sao?
     Xin chia sẻ cùng quý anh chị và quý bạn bài thơ tôi phỏng dịch tối hôm qua.
     Cầu xin Thượng Đế ban ơn cho mọi người thoát cơn đại dịch, tai qua nạn khỏi.

          đào anh dũng








Đại Dịch Covid-19 (Mailoc) và bài họa Vũ Hán Virus Oán của Cao bồi Già & Phòng Chống Đại Dịch Covid-19 (Mai Xuân Thanh)

ĐẠI DỊCH COVID-19

Xuân về lặng lẽ mấy ngày qua
U ám trời mây nắng xế tà.
Lặng lẽ phố phường chìm bóng tối
Im lìm hàng quán ám nhà ma.
Tin buồn càng lúc càng thê thảm
Người chết mỗi ngày một xót xa.
Đại dịch hoành hành nhân loại khốn
Chấp tay khấn nguyện đấng Cha Già.
     Mailoc
    3-26-2020



VŨ HÁN VIRUS OÁN
Nhân sinh hoảng loạn, hãi hơn tà
Bất cứ nơi nào “mụ” cũng qua(*)
Ngầm dọa lời kêu hồn kẻ yếu
Vung đưa lưỡi hái mạng người già
Siêu vi bé nhỏ mà hung ác 
Dịch bệnh vô hình quá quỷ ma
Bạn hữu bây giờ như khách lạ
Phải tuân theo lệnh cách ngăn …xa…
CAO BỒI GIÀ
27-03-2020
(*): "mụ": siêu vi Corona
             *****
Phòng Tránh Đại Dịch Covid-19
Bó gối trong nhà tránh dịch qua 
Thu mình một xó, ánh dương tà
Vô hình khắp chốn, sa tăng quỷ
Ám ảnh nhiều nơi, bọn quái ma 
Cư trú nhà riêng yên ổn đấy 
Cách ly số phận phải lo xa
Người ta khốn khổ vì lây nhiễm 
Đại dịch mau lây tới tuổi già...!
Mai Xuân Thanh 
Ngày 26/03/2020

CẢNH BÁO NHÂN LOÀI

Covid... chợt bùng mấy tháng qua,
Bốn phương ảm đạm xám mây tà !
Muôn người xé dạ! Gờm thần chết,
Vạn chốn kinh hồn! Khiếp bóng ma !
Khó lượng dịch tràn len ngõ ngách,
Khôn lường lây nhiễm tỏa gần xa?...
Lơ là hợp sức cùng lo liệu,
Khinh suất, lìa thân chửa kịp già?!
      27-3-2020

Nguyễn Huy Khôi








Cảm tác Qua Tranh của Tuyết Phan - Mai Xuân Thanh

                                                  
         Những Đôi Mắt Trần Gian (Tuyết Phan)                                                               

Cảm Tác 
     QuaTranh của Tuyết Phan

Mắt em cửa sổ tâm hồn
Mắt sao môi vậy làm con hiếu hiền
Mắt nhìn cuộc sống đảo điên
Mắt môi biểu hiện tình duyên âu sầu
Mắt buồn cay đắng ốm đau (1)
Mắt long sòng sọc nhuộm màu tang thương
Mắt anh ấm áp phố phường
Mắt vui môi mọng còn vương tơ lòng
Mắt đừng khắc khổ đợi trông
Mắt nào trong vắt thong dong cuộc đời...

Mai Xuân Thanh
Ngày 23/03/2020

Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2020

* Tạp Ghi và Phiếm Luận: Hương Trong Truyện Kiều (Đỗ Chiêu Đức)


Tạp Ghi và Phiếm Luận : 
                                      
                          HƯƠNG trong Truyện Kiều
                                   

           HƯƠNG 鄉 là Làng Quê, là Quê Hương, HƯƠNG 香 là Mùi Thơm, là Hương Thơm, HƯƠNG 香 là Nhang, là Hương Khói, Hương lửa... Ta sẽ lần lượt điểm qua về các nghĩa của chữ HƯƠNG nầy trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du nhé!

           Trước tiên, HƯƠNG là Quê Hương, là "chùm khế ngọt" của những kẻ lưu vong xa quê như chúng ta hiện nay, còn đối với những người còn ở lại trong nước thì nó là "chùm khế chua lè!" của đám dân nghèo đầu tắt mặt tối vẫn không kiếm đủ miếng ăn. Hương cũng là chữ thuộc dạng Hội Ý của Lục Thư trong "CHỮ NHO... DỄ HỌC" có diễn tiến như sau:

             
       
Ta thấy :
            Giáp Cốt Văn là hình tượng của hai người ngồi với tư thế qùy đối diện với nhau, ở giữa là một cái đôn nhỏ trên có đặt một cái mâm như mâm xôi vun lên; với Hội Ý là: Hai người cùng ngồi ăn hay cùng thảo luận với nhau về việc gì đó; Ý là người cùng ở chung một nơi ngồi lại với nhau, nên HƯƠNG 鄉 là Làng Xã, là nơi ta  được sinh ra và lớn lên, là nơi mà trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư ngày xưa viết "Chỗ quê hương là nơi đẹp hơn cả! " 

                       
              
           HƯƠNG 鄉 là Làng , THÔN 村 là Xóm, nên Hương Thôn là Làng Xóm, là đơn vị tổ chức hành chánh nhỏ nhất của xã hội ngày xưa. Trong làng thì có ban Hương Chức Hội Tề, Hương Thân Phụ Lão, Hương Sư, Hương Quản, Hương Tuần... 
           Quê Hương là danh từ chung có ý nghĩa bao quát từ gần tới xa, từ nhỏ tới lớn. NHỎ là làng xã, là nơi chôn nhau cắt rốn, GẦN là nơi ta cất tiếng khóc chào đời, là quận huyện nơi ta cư ngụ, LỚN hơn XA hơn nữa là tỉnh thành xứ sở nơi ta ở, và LỚN nhất XA nhất là đất nước do các đấng tiền nhân và ông cha ta đã đổ bao xương máu để gây dựng nên, là Quê Hương VIỆT NAM của chúng ta đó. Cho nên, dù bất cứ đi đâu đến đâu, con người ta cũng nhớ đến Quê Hương. Trước cảnh lạ dù có đẹp đến đâu, khi chiều xuống chỉ cần một làn khói lam chiều ẻo lả bốc lên từ một bếp lửa nhà ai, hay một làn khói sóng bốc nhẹ trên mặt sông cũng làm cho ta chạnh nhớ đến quê hương, như hai câu cuối trong bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu:

             Nhật mộ HƯƠNG QUAN hà xứ thị ?         
              日 暮 鄉 關 何 處 是?
             Yên ba giang thượng sử nhân sầu!        
              煙 波 江 上 使 人 愁!

mà cụ Tản Đà đã diễn Nôm rất hay là:

              QUÊ HƯƠNG khuất bóng hoàng hôn,
              Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai !

             

        QUAN 關 là Quan ải thành quách nơi ta cư ngụ, nên Hương Quan cũng dùng để chỉ Quê Hương, như khi Thúy Kiều ở lầu xanh nhớ về Quê Hương:

                Mối tình đòi đoạn vò tơ,
       Giấc HƯƠNG QUAN luống lần mơ canh dài.    
                Song sa vò võ phương trời,
       Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng.   

         Quê Hương có nhà cửa của ông bà cha mẹ và của... ta nữa, nên còn được gọi là GIA HƯƠNG 家 鄉, như khi tưởng Thúy Kiều đã chết, Thúc sinh buồn tình nên mới nhớ tới vợ nhà (đàn ông lúc nào cũng bạc bẽo là thế! Bồ nhí chết rồi mới nhớ tới vợ), nên mới:

                 Chạnh niềm nhớ cảnh GIA HƯƠNG,                        
           Nhớ quê chàng lại tìm đường thăm quê.
          Cũng là Quê Hương, nhưng là quê hương bên ngọai, thì được gọi là NGOẠI HƯƠNG 外 鄉, như gia đình Vương Viên Ngoại đã "biện dâng một lễ" để "mừng thọ Ngoại gia" vậy. Đến khi Thúy Kiều tiễn Kim Trọng về Liêu Dương hộ tang chú xong rồi mới...

                 Tần ngần dạo gót lầu trang,
          Một đoàn mừng thọ NGOẠI HƯƠNG mới về,

                   

          Không phải quê hương của mình, mà là quê hương của người khác, thì gọi là THA HƯƠNG 他 鄉. Kẻ sống ở quê hương của người khác thì gọi là "KẺ THA HƯƠNG". Thúc phụ là chú của Kim Trọng chết ở nơi đất khách, cho nên gia đồng mới...

                  Đem tin thúc phụ từ đường,
           Bơ vơ lữ thấn THA HƯƠNG đề huề.
          Đề Huề 提 攜 vốn nghĩa là Mang, Xách. Ở đây dùng để chỉ  "mang về", nên câu "Bơ vơ lữ thấn THA HƯƠNG đề huề" có nghĩa: Mang cái quan tài bơ vơ từ tha hương về quê. Kẻ ở tha hương ngóng trông về quê cũ, Quê Cũ chữ Nho gọi là CỐ HƯƠNG 故 鄉, như Thúy Kiều khi khuyên Từ Hải quy hàng cũng đã có dự tính riêng cho mình là:
                Công tư vẹn cả hai bề,
         Dần dà rồi sẽ liệu về CỐ HƯƠNG. 
               Cũng ngôi mệnh phụ đường đường,
         Nở nang mày mặt rỡ ràng mẹ cha.
    
         Không gọi là CỐ HƯƠNG thì gọi là CỐ QUỐC. Chữ QUỐC 國 được viết bởi bộ VI 囗 là cái Khuôn viên, cái Vòng rào để chỉ Ý và chữ HOẶC 或 bên trong để chỉ ÂM, nên QUỐC 國 là "Cái vòng rào, cái khuôn viên nơi ta cư ngụ, là Làng, xã, quận, huyện, tỉnh thành... và rộng hơn nữa là Nước mà ta đang ở. Nên CỐ QUỐC ta thường hiểu là Nước Cũ, nhưng cũng có nghĩa là CỐ HƯƠNG là Quê Cũ, như khi tiễn Từ Hải đi làm việc lớn rồi thì Thúy Kiều ở lại có một mình, nên nàng cũng nhớ nhà, nhớ cha mẹ, nhớ quê hương:
                  Tấc lòng CỐ QUỐC tha hương, 
            Đường kia, nỗi nọ, ngổn ngang bời bời.
                  Cánh hồng bay bổng tuyệt vời,
            Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm !

                   

           Đó là chữ HƯƠNG 鄉 chỉ Quê Hương có "chùm khế ngọt"!
  Còn...
          Chữ HƯƠNG 香 nầy, chữ Nho có nghĩa là THƠM; chữ Nôm ta lại ghép chữ Hương này với nghĩa Thơm của nó lại thành một từ kép HƯƠNG THƠM dùng để chỉ Mùi Thơm. Như HƯƠNG THƠM NGÀO NGẠT là MÙI THƠM THƠM THẬT là THƠM. HƯƠNG cũng là một trong 214 bộ của "CHỮ NHO... DỄ HỌC", cũng là dạng chữ Hội Ý trong Lục Thư theo diễn tiến của chữ viết như sau:
....                Inline image 
 Ta thấy :
               Giáp Cốt Văn và Đại Triên là chữ HÒA 禾 là hình tượng của cây lúa chín với bông lúa oằn xuống bên trái ở trên đầu và các hột lúa chín rơi xuống hai bên, phía dưới là chữ CAM 甘 là NGỌT, với HỘI Ý là: Mùi ngọt của cây lúa chín là mùi thơm của hạt lúa nuôi sống con người, nên HƯƠNG là THƠM, mùi thơm để duy trì cuộc sống; dùng rộng ra để chỉ tất cả các mùi thơm trên đời nầy.

          Nói đến HƯƠNG là người ta nghĩ ngay đến HOA HƯƠNG 花 香 là mùi thơm của hoa, của các loại hoa cỏ, mùi thơm của thực vật, còn mùi thơm của con người thì chỉ ưu tiên độc quyền cho mấy bà mấy cô mà thôi! Cũng khó trách, vì từ xưa đến nay ông bà ta đã ví hoa như là người đẹp, hay nói đúng hơn là những  người đẹp, những giai nhân, được ví đẹp như hoa của nước, thơm như hương của trời, nên còn gọi là SẮC NƯỚC HƯƠNG TRỜI, là QUỐC SẮC THIÊN HƯƠNG 國 色 天 香. Khi nói về cuộc đời tài sắc của Đạm Tiên, Vương Quan đã tỏ ra rất tiếc thương cho người đẹp:

               Phận hồng nhan có mong manh,
          Nửa chừng xuân thoắt gãy cành THIÊN HƯƠNG.

                     

          Người đẹp luôn luôn phảng phất mùi hương, nên tiếc thương người đẹp thì gọi là THƯƠNG HƯƠNG TIẾC NGỌC. Khi tả Kim Trọng nhớ Thúy Kiều thì cụ Nguyễn Du cũng viết là:

        HƯƠNG gây mùi nhớ, trà khan giọng tình.

         Người đẹp ở lối xóm lân cận thì gọi là HƯƠNG LÂN 香 鄰, là cô hàng xóm thơm phức, như Kim Trọng đã nói về Thúy Vân Thúy Kiều:

               Trộm nghe thơm nức HƯƠNG LÂN,
        Một nền Đồng Tước khóa xuân hai Kiều.

        Đến khi mướn được cái hiên Lãm Thúy ở sát cạnh nhà Thúy Kiều "canh me" để gặp mặt người đẹp, cho nên đến một hôm "Cách tường phải buổi êm trời, dưới đào dường có bóng người thướt tha", thì Kim Trọng đã vội vàng:

                  Buông cầm sốc áo vội ra,
         HƯƠNG còn thơm nức người đà vắng tanh.

         Không biết là Thúy Kiều đã sức dầu thơm loại gì mà "người đà vắng tanh" trong khi HƯƠNG vẫn còn thơm nức!? Người đẹp ngày xưa chưa có dầu thơm mà đã "thơm  được như thế sao?! Ngay cả đồ trang sức của người đẹp cũng có mùi thơm thoang thoảng, như khi vớ được cành kim thoa của Thúy Kiều, thì Kim Trọng đã:

              Liền tay ngắm nghía biếng nằm,
      Hãy còn thoang thoảng HƯƠNG TRẦM chưa phai.

        Cành trâm còn có Hương Trầm, chả trách dải khăn là của Thúy Kiều cũng phảng phất mùi hương:

             Chén hà sánh giọng quỳnh tương,
     Dải là HƯƠNG lộn bình gương bóng lồng.

        Cho đến hồn ma của con ma Đạm Tiên khi hiện lên cũng có mùi thơm, như:

                 Ào ào đổ lộc rung cây,
         Ở trong dường có HƯƠNG bay ít nhiều.

              

        Khuê phòng của người đẹp ở thì gọi là HƯƠNG KHUÊ, như khi Thúc Sinh nghe tiếng tài sắc của Thúy Kiều mà tìm đến vậy:

                Hoa khôi mộ tiếng Kiều nhi,
        Thiếp danh tìm đến HƯƠNG KHUÊ gởi vào.

        Nhà ở của Hoạn Thư thì gọi là Nhà Hương, như Thúc Sinh sau khi ngỡ Thúy Kiều đã chết, chàng đã "Chạnh niềm nhớ cảnh gia hương, Nhớ quê chàng lại tìm đường thăm quê", và sau khi "Hàn huyên vừa cạn mọi bề gần xa" thì:

                NHÀ HƯƠNG cao cuốn bức là,
        Buồng trong kíp gọi nàng ra lạy mừng.

        XE của Hoạn Thư đi cũng được gọi là XE HƯƠNG. Khi đã khuyên Thúc Sinh trở về Lâm Truy thăm cha với lời lẽ của cô dâu thảo: "Cách năm mây bạc xa xa, Lâm Truy cũng phải tính mà thần hôn", và khi Thúc Sinh vừa ra đi thì nàng Hoạn cũng lên XE HƯƠNG về nhà "mét má":

                  Gió câu vừa gióng dặm trường,
           XE HƯƠNG nàng cũng thuận đường quy ninh.
                  Thưa nhà huyên hết mọi tình,
          Nỗi chàng ở bạc, nỗi mình chịu đen.

               

       Tương tự như trên, phòng của Thuý Kiều ở nhà Thúc Sinh gọi là PHÒNG HƯƠNG. Khi Khuyển Ưng bắt Thúy Kiều đi rồi vớt xác vô chủ bên sông bỏ vào nhà đang cháy, nên tớ thầy Thúc Ông tưởng Thúy Kiều đã bị chết thiêu:
                Chạy vào chốn cũ PHÒNG HƯƠNG,
        Trong tro thấy một đống xương cháy tàn.
                Ngay tình ai biết mưu gian,
        Hẳn nàng thôi lại còn bàn rằng ai!

        Cái gì của mấy bà mấy cô cũng có chữ HƯƠNG chen vào cả. Ngay cả Mồ-Hôi của phái nữ cũng được gọi là HƯƠNG HẠN 香 汗 là MỒ HÔI... THƠM! Thành ngữ  HƯƠNG HẠN LÂM LI 香 汗 淋 漓 dùng để diễn tả Mồ Hôi nhuễ nhại của qúy bà qúy cô sau khi làm việc nặng hay tập thể dục chẳng hạn. Ai bảo là đàn ông Châu Á không biết "ga-lăng", không biết "Nịnh Đầm" đâu?!  Chỉ có những gả đàn ông thô bạo mày râu nhẵn nhụi như Mã Giám Sinh mới không biết Tiếc Ngọc Thương Hương mà thôi:

                    Một cơn mưa gió nặng nề,
          Thương gì đến NGỌC tiếc gì đến HƯƠNG.

         Người đẹp là Hương là Ngọc, cho nên ta phải biết Thương Hương Tiếc Ngọc. Khi Thúy Kiều "Đem mình gieo xuống giữa dòng Trường Giang" thì:

                 Thổ quan theo vớt vội vàng,
        Thời đà đắm NGỌC chìm HƯƠNG mất rồi!

         Hương lan từ Phấn, Phấn tỏa  làn Hương. Hương phấn phấn hương hòa quyện lấy nhau tạo thành mùi  hương và vẻ đẹp của người đẹp. Còn Phấn còn Hương là còn trẻ còn đẹp, nên Thúy Kiều đã e ngại và lo lắng khi Thúc Sinh muốn gá nghĩa trăm năm với mình:

                Bình Khang nấn ná bấy lâu,
       Yêu hoa yêu được một mầu điểm trang
               Rồi ra lạt PHẤN phai HƯƠNG,                              
       Lòng kia giữ được thường thường mãi chăng?

       Những người chuyên trục lợi trên thân xác của các cô gái trẻ đẹp, thì được gọi là chuyên "buôn phấn bán hương" hay "buôn hương bán phấn" như Tú Bà với Mã Giám Sinh vậy:

        Mạt cưa mướp đắng hai bên một phường
                Chung lưng mở một ngôi hàng,
        Quanh năm buôn PHẤN bán HƯƠNG đã lề.

      Thương nhớ người đẹp cũng là nhớ thương đến cái "hương gây mùi nhớ" như Thúc Sinh sau khi đã mất Thúy Kiều rồi, nhìn vầng trăng non mà thương xót:

               Mày ai trăng mới in ngần,
       PHẤN thừa HƯƠNG cũ bội phần xót xa.

        HƯƠNG còn là mùi thơm thoang thoảng nhẹ nhàng, phảng phất như những ước mơ nguyện vọng hoài bão ở trong lòng muốn thể hiện, muốn dâng lên, muốn thỉnh cầu với các đấng thiêng liêng... Nên, HƯƠNG còn là HƯƠNG KHÓI, HƯƠNG LỬA, là NHANG ĐÈN... để thể hiện tâm nguyện của mình, như Thúy Kiều đã khấn vái  cầu nguyện cho thân phận lẻ mọn của mình khi Thúc Sinh về thăm vợ cả là Hoạn Thư:

               NÉN HƯƠNG đến trước Phật đài,                       
         Nỗi lòng khấn chửa cạn lời vân vân.

                  

       Nhang đèn, hương khói, hoa qủa là những thứ không thể thiếu trong tín ngưỡng dân gian suốt mấy ngàn năm của nền văn hóa dân tộc chịu ảnh hưởng của Phật giáo, nên nghe Thúy Kiều muốn đi tu, thì Hoạn Thư đã vội vàng khi:

                Tâng tâng trời mới bình minh,
         HƯƠNG HOA, ngũ cúng, sắm sanh lễ thường.            
                Đưa nàng đến trước Phật đường,
        Tam quy ngũ giới cho nàng xuất gia !

... Hoạn Thư cũng đã rất chu đáo với:

               Sớm khuya sắm đủ dầu đèn,
       Xuân, Thu, cắt sẵn hai tên HƯƠNG TRÀ.

... nên Thúy Kiều cũng đã:

               Phật tiền thảm lấp sầu vùi,
       Ngày pho thủ tự, đêm nồi TÂM HƯƠNG. 

          Vì thế, sau này ở Chiêu Ẩn Am với sư Giác Duyên thì Thúy Kiều cũng đã:

                Kệ kinh câu cũ thuộc lòng,
       HƯƠNG ĐÈN việc cũ, trai phòng quen tay.

                   
      
         HƯƠNG ĐÈN là HƯƠNG HỎA chỉ việc cúng tế thờ phượng, nhưng nếu nói thành HƯƠNG LỬA hay LỬA HƯƠNG thì người ta lại nghĩ ngay đến HƯƠNG LỬA BA SINH hay BA SINH HƯƠNG LỬA để chỉ tình duyên của đôi lứa gái trai (xem Thành Ngữ Điển Tích 53: HƯƠNG). Trai gái yêu nhau, hẹn hò với nhau là đã có LỬA có HƯƠNG với nhau rồi, nên khi đã hẹn ước với nhau rồi mà suốt tháng vẫn chưa có dịp gặp mặt để hàn huyên tâm sự, nên chàng Kim Trọng đã mở miệng than phiền với Thúy Kiều:

                  Trách lòng hờ hững với lòng,
         LỬA HƯƠNG chốc để lạnh lùng bấy lâu.

khiến cho Thúy Kiều phải lên tiếng an ủi:

                 Nàng rằng: "Gió bắt mưa cầm...
         Đã cam tệ với tri âm bấy chầy.
                Vắng nhà được buổi hôm nay,
         Lấy lòng, gọi chút, ra đây tạ lòng!

        Ta thấy khi đã yêu nhau rồi thì gái trai gì đều đắm đuối mê mẫn như nhau. Khi đã chuộc Thúy Kiều từ lầu xanh về để "Một nhà sum hợp trúc mai" cho "Càng sâu nghĩa bể càng dài tình sông" rồi, cụ Nguyễn Du còn hạ thêm hai câu để chỉ sự khắng khít đam mê sôi nổi hơn của đôi lứa yêu nhau là:

                HƯƠNG càng đượm LỬA càng nồng,
        Càng sôi vẻ ngọc càng lồng màu sen.

        Qủa là những câu thơ sinh động gợi hình một cách kín đáo nên thơ của Truyện Kiều, nó không phải là những quyến luyến thường tình như sau nầy Thúy Kiều phải chia tay với Từ Hải:

                Nửa năm HƯƠNG LỬA đang nồng,
        Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương.

        Đến câu nói trơ trẻn muốn tống khứ Thúy Kiều cho Thổ Quan của Hồ Tôn Hiến, thì từ HƯƠNG LỬA chỉ là cái cớ bị người nói lợi dụng mà thôi:

                Dạy rằng HƯƠNG LỬA ba sinh,                                      
        Dây loan xin nối cầm lành cho ai ?

       Nhưng đến lời than vãn tâm sự của chàng Kim khi trở lại vườn Thúy tìm Kiều không gặp, thì từ LỬA HƯƠNG lại đầy tình nghĩa lứa đôi một cách chân thành thắm thiết:

                  Lời xưa đã lỗi muôn vàn,
         MẢNH HƯƠNG còn đó phím đàn còn đây,
                 Đàn cầm khéo ngẩn ngơ dây,
         LỬA HƯƠNG biết có kiếp này nữa thôi?

        Chàng Kim qủa là người tình chung thủy hiếm có, trong qúa trình tìm kiếm Thúy Kiều chàng luôn tỏ ra rất chân thành nhớ đến Kiều chớ không phải chỉ tìm lấy có:

               Thề xưa giở đến kim hoàn,
         Của xưa lại giở đến ĐÀN với HƯƠNG.
... và 
              Có khi vắng vẻ thư phòng,
        Đốt LÒ HƯƠNG giở phím đồng ngày xưa.

Chàng luôn luôn nhớ đến lời ước nguyện với Thúy Kiều:

             Mất người còn chút của tin,
       Phím đàn với mảnh HƯƠNG NGUYỀN ngày xưa.  

  như  lời Thúy Kiều trối lại trước lúc ra đi:
                              
                  Mai sao dù có bao giờ.
         Đốt LÒ HƯƠNG ấy, so tơ phím này.

               

      Nhưng khi đến Hàng Châu thì đã dò hỏi và biết được: "Rằng ngày hôm nọ giao binh, thất cơ Từ đã thu linh trận tiền"  "Nàng Kiều công cả chẳng đền, Lệnh quan lại bắt ép duyên Thổ-tù", nên "Nàng đà gieo ngọc, trầm châu, Sông Tiền-Đường đό, ấy mồ hồng-nhan!". Vì thế mà cả nhà cứ đinh ninh là Thúy Kiều đã chết đuối:

                Rõ ràng HOA rụng HƯƠNG bay,
         Kiếp sau họa thấy kiếp này hẳn thôi.
        
        Khi đã đoàn viên với nhau rồi, mọi người đều muốn cho Kim Kiều tái hợp, nhưng Thúy Kiều vì nghĩ thân mình "Bấy chầy gió táp mưa sa, mấy trăng cũng khuyết mấy hoa cũng tàn" nên đã từ chối khéo:

                 Lại như những thói người ta,
         Vớt HƯƠNG dưới đất bẻ HOA cuối mùa.

       Nhưng, cuối cùng thì đôi đứa vẫn làm lễ nên duyên, mặc dù "Chẳng trong chăn gối cũng ngoài cầm thơ", nên lại:

                  Thêm nến giá nối HƯƠNG BÌNH,
           Cùng nhau lại chuốc chén quỳnh Giao Hoan.

                 
      
      "Giao Hoan" 交 歡. GIAO 交 là Qua lại với nhau, như Giao Tình 交 情 là Tình cảm qua lại với nhau. HOAN 歡 là Hoan Lạc 歡 樂 là Vui vẻ, nên GIAO HOAN 交 歡 là "Cùng vui vẻ qua lại với nhau". Như câu thơ trên "Cùng nhau lại chuốc chén quỳnh Giao Hoan" có nghĩa là: "Cùng chuốc chén rượu quỳnh tương để cùng vui với nhau" mà thôi. Nhưng, hễ thấy chữ GIAO HOAN là người ta lại nghĩ ngay đến sự làm tình giữa trai gái với nhau. Thế thì tại sao cụ Nguyễn Du lại dùng chữ GIAO HOAN ở đây, mà không dùng chữ ĐỒNG HOAN, TƯƠNG HOAN hay CỘNG HOAN đều có nghĩa là CÙNG VUI, mà lại dùng từ GIAO HOAN?! Cụ có dụng ý hay muốn ám chỉ gì chăng?! Hay cụ muốn ngầm cho người đọc hiểu rằng: Trai gái gần nhau như lửa gần rơm thì làm sao có thể chỉ "Khi chén rượu khi cuộc cờ, Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên" không cho được. Chuyện "Giao Hoan" là chuyện thực tế của cuộc sống, sớm muộn gì cũng chắc chắn sẽ xảy ra mà thôi. Sẵn nhớ lại...

      Có một lần lang thang trên mạng, đọc thấy một bài viết về tài "nói lái" của cụ Nguyễn Du trong Truyện Kiều với trích đoạn cái đêm KIM KIỀU hội ngộ. Sau khi "Đến nhà vừa thấy tin nhà, Hai thân còn dở tiệc hoa chưa về" Kiều bèn "Cửa ngoài vội rủ rèm the, Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình" gặp Kim Trọng một  lần nữa trong đêm để cùng nhau thề ước:

               ...Tóc tơ căn vặn tấc lòng,
         Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương.
                 Chén hà sánh giọng quỳnh tương,
         Dải là hương lộn bình gương bóng lồng.
                 Sinh rằng: Gió mát trăng trong,
         Bấy lâu nay một chút lòng chưa cam.
                Chày sương chưa nện cầu Lam,
         Sợ lần khân quá ra sàm sỡ chăng?

      Đoạn trên có một câu tối nghĩa: "Dải là hương lộn bình gương bóng lồng". DẢI LÀ là Dải khăn là khăn tay của Kiều có mùi HƯƠNG thì đúng rồi, nhưng sau lại là HƯƠNG LỘN, LỘN ở đây rất tối nghĩa. Sao không phải là DẢI LÀ HƯƠNG THOẢNG, DẢI LÀ HƯƠNG TỎA hay DẢI LÀ HƯƠNG ĐƯỢM... mà phải là DẢI LÀ HƯƠNG LỘN? Phải chăng cụ Tiên Điền nhà ta đang chơi trò nói lái? Và... chính cái "LÀ HƯƠNG LỘN" đó đã làm cho Kim Trọng phải nói là "Bấy lâu nay một chút lòng chưa cam" và đòi hỏi: "Chày sương chưa nện cầu Lam,  Sợ lần khân quá ra sàm sỡ chăng?"

                  

      Biết đâu được! Vì cụ Nguyễn Du cũng là người sống cùng thời với "Bà chúa thơ Nôm" và lại còn có truyền thuyết cho là "Giữa Hồ Xuân Hương và đại thi hào Nguyễn Du còn có một mối tình?" Và "BÀ CHÚA THƠ NÔM HỒ XUÂN HƯƠNG" lại là Bà Chúa chuyên "nói lái" trong thi ca mà! Sự thật ra sao thì chưa được rõ...
                           
      Chỉ trình bày cho rộng đường... phiếm luận!

      Xin được kết thúc bài phiếm về "HƯƠNG trong Truyện KIỀU" với..."LÀ HƯƠNG LỘN" ở trên!

      Hẹn bài viết tới !

                                         Đỗ Chiêu Đức