LÝ HẠ
LÝ HẠ (790-816) tự là Trường Cát, người đất Xương Cốc Phước Xương (thuộc Nghi Dương tỉnh Hà Nam hiện nay). Ông là hậu duệ thất tán của tông thất nhà Đường. Cha là Huyện lệnh Lý Tấn Túc. Vì âm Quan thoại "Tấn Túc" đọc đồng âm với "Tấn Sĩ", nên vì kỵ húy của cha, thêm bạn bè dèm xiểm nên ông không thể dự thi Tiến sĩ được, chỉ nhờ phụ ấm nên được giữ chức Phụng Lễ Lang. Thơ ông thiên về trường phái lãng mạn, quái dị, ông hay tìm thi hứng ở những nơi hoang vu mồ mả nên được người đời gọi là THI QỦY. Lý Hạ cùng với Lý Bạch và Lý Thương Ẩn hợp thành TAM LÝ của đời Đường. Rất tiếc là tài hoa nhưng mệnh yểu, ông bị bệnh mất lúc 27 tuổi khi từ quan về sống nơi quê nhà.
Dưới đây là bài thứ 6 trong "Nam Viên thập Tam Thủ" (13 bài thơ có tựa là NAM VIÊN) của Thi Quỷ Lý Hạ, như sau:
南園十三首( 其六) Nam Viên Thập Tam Thủ ( Kỳ lục ).
李賀 Lý Hạ尋章摘句老雕蟲, Tầm chương trích cú lão điêu trùng,曉月當簾挂玉弓。 Hiểu nguyệt đương liêm quải ngọc cung.不見年年遼海上, Bất kiến niên niên Liêu Hải thượng,文章何處哭秋風? Văn chương hà xứ khốc thu phong ?
Đây là bài thơ cảm khái cho việc học hành trở nên vô dụng trong thời loạn, có tài mà không thi thố gì được cả....
Hai câu đầu nói lên sự khổ nhọc của việc học hành trong thư trai, thấp thoáng có chút gì ai oán... Ta hãy nghe câu đầu: "Tầm chương trích cú lão điêu trùng" là: Suốt ngày cứ nhai văn nhá chữ cặm cụi như con mọt sách già (lão điêu trùng). Vùi đầu vào sách vở để mong học cho thành tài, thi đậu, nổi tiếng... khắc khổ học hành đến nỗi: Hiểu nguyệt đương liêm quải ngọc cung, nghĩa là: Thức trắng cả đêm, trời sắp sáng, bầu bạn suốt đêm chỉ còn có mảnh trăng tàn treo ngược bên rèm ngoài khung cửa sổ như nửa vành cung ngọc. Chẳng ai hay chẳng ai biết đến cảnh học hành vất vả thê lương cô đọc nầy... Lý Hạ muốn ám chỉ gì đây?!...Ta đọc tiếp 2 câu chót nhé!
Bất kiến niên niên Liêu Hải thượng,
Văn chương hà xứ khốc thu phong ?!
"Bộ không nhìn thấy mỗi năm ở trên đất Liêu Hải ư? Nơi đó, văn chương không có chỗ để mà khóc gió thu nữa là khác!"
Tại sao? Tại sao cái học lại vô dụng đến thế kia? Có VĂN TÀI mà không sử dụng được? Thì ra Lý Hạ đã liên hệ cái bối cảnh cá nhân mình với cái hoàn cảnh chung của đất nước lúc bấy giờ, cái căn nguyên tạo nên sự chán nản và phẫn uất ở nội tâm.
"Liêu Hải" chỉ về biên giới Đông Bắc của nhà Đường lúc bấy giờ, tức một dãy thuộc địa Hà Bắc Đạo, từ năm Nguyên Hòa thứ tư ( 809 ) đến năm Nguyên Hòa thứ bảy, liên tiếp xảy ra những cuộc binh biến, thuộc địa chư hầu mỗi người cát cứ một phương , không còn nghe theo lệnh của triều đình nữa. Đường Hiến Tôn mấy lần đem binh chinh phạt, nhưng đều bại trận, gây nên tình trạng hỗn loạn của xã hội do sưu cao thuế nặng, bắt lính bắt phu.... Dân chúng lầm than trước cảnh chiến tranh loan lạc liên miên... Đây là lý do thứ nhất khiến Lý thấy sự vô dụng của học hành trong thời loan. Thứ nữa, là chiến sự liên miên nên triều đình trọng dụng võ sĩ hơn văn nhân, kẻ sĩ không có đất "dụng võ".
Từ "Văn chương" của câu 4 là chỉ "kẻ sĩ" đó, còn "khốc thu phong" không phải là thương khóc mùa thu bình thường của các thi nhân, mà là thương cảm cho xã hội loạn ly, kẻ sĩ lâm cảnh cùng đồ mạt vận đó mà thôi!
Bài Tứ Tuyệt nầy rất hàm súc thâm trầm.
Câu 1, vừa tự sự vừa biểu lộ sự bất mãn vô ích của sự học hành qua từ "lão", làm con "mọt sách già" một cách vô ích.
Câu 2, cho thấy sự vất vả trong việc dồi mài kinh sử, học thâu đêm suốt sáng, trong câu nầy lại khéo so sánh mảnh trăng non với vành cung ngọc, hàm ý chỉ chiến sự ở câu sau.
Câu 3, chỉ nêu lên từ "Liêu Hải", không nhắc gì đến chiến sự mà tự người đọc biết đó là cảnh binh biến loạn lạc.
Câu 4, nêu lên cảnh mạt vận không có đất dụng võ của văn sĩ bằng một ý hết sức nên thơ là "Văn chương không có chỗ để mà khóc thương gió mùa thu nữa là!"
Diễn Nôm :
Nhá chữ nhai văn mọt sách già !
Đêm đêm thức trắng với trăng ngà.
Nơi kia Liêu Hải không cần đến,
Đêm đêm thức trắng với trăng ngà.
Nơi kia Liêu Hải không cần đến,
Khóc gió thu buồn kẻ sĩ ta !
Lục bát :
Nhai văn như mọt sách già,
Bên rèm thức với trăng ngà đêm thâu.
Biết đâu Liêu Hải địa đầu,
Văn chương hết đất khóc sầu gió thu !
Đỗ Chiêu Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét