VĂN HỌC VIỆT NAM: PHÉP ĐỐI TRONG THƠ /(PHẦN I)
A. CÂU ĐỐI.-
Tổng quát về phép đối.-
Ta có các định nghĩa sau đây:
1. Câu đối:
Câu đối là những câu văn đi đôi với nhau thế nào cho ý, chữ và luật bằng trắc cân xứng nhau.
2. Vế câu đối:
Một đôi câu đối có hai câu đi song nhau, mỗi câu là một vế. Vế thứ nhất gọi là vế trên (vế ra), vế thứ hai gọi là vế dưới (vế đối).
Lời chú: Trong một đôi câu đối, chữ cuối vế trên phải là tiếng trắc và chữ cuối vế dưói phải là tiếng bằng. Khi treo câu đối thì phải treo vế trên bên tay phải, vế dưói bên tay trái.
3. Số chữ trong câu đối và các thể câu đối:
Số chữ trong câu đối không hạn định, muốn làm dài ngắn bao nhiêu cũng được.
Theo số chữ và cách đặt câu, có thể chia câu ra làm các thể sau đây:
a. Câu tiểu đối là những câu từ 4 chữ trở xuống thí dụ :
"Cứu độ nhân thế
Khuyến thiện trừng dâm".
b. Câu đối thơ là những câu làm theo lối đặt câu của thể thơ ngũ ngôn (5 chữ) hoặc thất ngôn (7 chữ). Thí dụ:
"Áo đỏ lắm phân trâu
Dù xanh che dái ngựa".
c. Câu đối phú là câu làm theo các lối đặt câu của thể phú.
c.1. Lối câu song quan là những câu từ 6 chữ trở lên, 9 chữ trở xuống đặt thành một đoạn liền. Thí dụ:
"Con ruồi đậu mâm xôi đậu
Con kiến bò đĩa thịt bò".
c.2. Lối câu cách cú là những câu mỗi vế chia làm hai đoạn, một đoạn ngắn một đoạn dài, hoặc đoạn ngắn đặt trên, hoặc đoạn dài đặt trên. Thí dụ:
-"Đất chẳng phải chồng ( b),/ đem gởi thịt xương sao đặng(t)?
Trời mà chết vợ (t), /thử xem gan ruột mần răng(b)?
-"Nghìn năm bia đá bằng vàng (b), /tiếc thay người ấy (t)!
Trăm tuổi răng long đầu bạc (t), /khổ lắm con ơi"(b)?
-“Thiên địa vô tư,(b)/ tích thiện tự nhiên thiện(t)
Thánh hiền hữu giáo,(t)/ tu thân khả dĩ vinh(b)”
Lược dịch:
Trời đất vô tư,(b)/ làm điều thiện tự nhiên được thiện(t)
Thánh hiền có dạy,(t)/ lo tu thân có thể được vinh(b)
c.3. Lối câu gối hạc hay hạc tất là những câu mỗi vế từ ba đoạn trở lên. Thí dụ:
"Trên quan dưới dân (b),/ sao cho trên thuận dưói hòa (b), /lắm kẻ yêu hơn nhiều người ghét (t).
Ngoài làng trong họ (t),/ quý hồ ngoài êm trong ấm (t),/ một câu nhịn là chín câu lành (b)".
4. Luật bằng trắc trong câu đối.
Luật bằng trắc phải theo các lệ sau đây:
1. Câu tiểu đối.- Những câu tiểu đối nếu đặt được bằng đối với trắc, trắc đối với bắng thì hay lắm. Thí dụ:
"Tôi tôi vôi(b b b)
Bác bác trứng ( t t t)".
Nếu không đối đựơc thế, thí ít nhất cũng phải cho tiếng cuối vế trên trái với tiếng cuối vế dưới. Thí dụ:
"Ô! Quạ tha gà (b)
Xà! Rắn bắt ngóe (t)".
5. Câu đối thơ.-
Những câu đối thơ phải theo đúng luật bằng trắc của hai câu thực hoặc hai câu luận trong lối thơ ngũ ngôn hoặc thất ngôn.
Lời chú: Có khi câu đối 5 chữ hoặc 7 chữ mà những câu nầy không theo luật bằng trắc của thơ ngũ ngôn hoặc thất ngôn Đường luật. Thí dụ:
-"Thủ thỉ chén đầu lợn
Hùng hổ vỗ bụng hùm".
-"Nước trong leo lẻo cá nuốt cá
Trời nắng chang chang người trói người".
Những câu ấy theo luật bằng trắc của thể câu đối phú.
6. Câu đối phú.-
Chữ cuối mỗi vế và chữ cuối mỗi đoạn phải bằng đối với trắc, hoặc trắc đối với bằng. Khi nào mỗi vế có từ hai đoạn trở lên thì, nếu chữ cuối vế là trắc, các chữ cuối các đoạn trên phải là bằng hoặc trái lại. Nếu đoạn đầu hoặc đoạn cuối có đúng 7 chữ, thì đoạn ấy thường theo luật thơ thất ngôn Đường luật. Thì dụ:
"Thánh tổ bảo Thánh tôn ra mở nước (t)
Thần hồn nát Thần tính chạy về nhà (b)".
Nhận xét: chữ cuối vế trên trắc đối với chữ cuối vế dưới bằng.
Ví dụ 1:
"Ngói đỏ lợp nghè(b)/ lớp trên đè lớp dưới(t)
Đá xanh xây cổng(t)/ hòn dưới nõng hòn trên(b)".
Nên nhận chữ cuối vế trên trắc thì chữ cuối đoạn trên vế ấy bằng.
Trái lại chữ cuôí vế dưới bằng thì chữ cuối đoạn trên vế ấy trắc.
Ví dụ 2:
-"Quan chẳng quan thì dân(b)/ chiếu trung đình ngất ngưỡng ngồi trên(b)/ nào lình, nào cả, nào bàn ba(b)/ xôi làm sao, thịt làm sao, đóng góp làm sao(b))/ thủ lợn nhìn lâu trơ cả mắt(t).
-Già chẳng già thì trẻ(t)/ đàn tiểu tử nhấp nhô đứng trước(t)/ nầy phú, nầy thơ, nầy đoạn một(t)/ bằng là thế, trắc là thế, lế lối là thế(t)/ mắt gà đeo mãi mỏi bên tai(b)".
Nên nhận:
1. Các chữ cuối đoạn (dân, trên, ba, sao) ở vế trên là tiếng bằng thì chữ cuối vế ấy (mắt) là tiếng trắc. Trái lại các chữ cuối đoạn (trẻ, trước, một, thế) ở vế dưới là tiếng trắc thì chữ cuối vế ấy (tai) phải là tiếng bằng.
2. Hai đoạn cuối của hai vế câu đối nầy (thủ lợn nhìn lâu trơ cả mắt / mắt gà đeo mãi mỏi bên tai) theo đúng luật hai câu thực của bài thơ thất ngôn luật bằng vần bằng.
(Jan.15, 2019)
(Bài viết dựa vào “Văn học Vệt Nam” của GS. Dương Quảng Hàm). Trình bày, biên soạn: Nguyễn Cang & Hương lệ Oanh.
Phần II: Các phép đối trong thơ Đường luật. (Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét