Thứ Hai, 30 tháng 3, 2020

* Giai Thoại Văn Chương: Nuốt Thơ Đỗ Phủ (Đỗ Chiêu Đức)

Giai Thoại Văn Chương :
                 NUỐT THƠ ĐỖ PHỦ  
                               
                     
                      Thi Trường :  TRƯƠNG TỊCH
       TRƯƠNG TỊCH 張藉 (767-830), thi nhân đời Đường, tự là Văn Xương, lại có biệt hiệu là THI TRƯỜNG 詩 腸 (đầy ruột toàn là thơ). Ông người đất Ngô Quận (Tô Châu, tỉnh Giang Tô, sau thiên cư về Ô Giang của Hòa Châu (thuộc Hòa Quận tỉnh An Huy hiện nay).

      Theo "Vân Tiên Tản Lục" ghi chép, sở dĩ ông có biệt hiệu Thi Trường là vì: Ông rất mê thơ Đỗ Phủ (ông nhỏ hơn Đỗ Phủ 55 tuổi). Ông đem thi tập của Đỗ Phủ đốt thành tro rồi hòa với mật ong, mỗi buổi sáng đều uống ba muổng. Bạn bè biết được cười nhạo, thì ông đáp rằng: Sau khi uống tro của thơ Đỗ Phủ vào ruột thì tôi sẽ viết ra được những câu thơ hay như là thơ của Đỗ Phủ vậy. Bạn bè nghe xong đều cười cho sự ngớ ngẩn của ông. Nhưng nói cũng lạ, thơ ông làm ra có nhiều bài rất nổi tiếng và còn truyền tụng mãi cho đến hiện nay, như: Tiết Phụ Ngâm 節 婦 吟, Chinh Phụ Oán 征 婦 怨, Lương Châu Từ 凉 州 词, Thành Đô Khúc 成 都 曲...        
      Năm Trinh Nguyên thứ 14 (798), đời Đường Đức Tông, Trương Tịch bắc du, được Mạnh Giao giới thiệu quen với Hàn Dũ ở Biện Châu (Phủ Khai Phong, Hà nam). Năm sau ông đậu Tiến Sĩ, từng giữ chức Thái Thường Tự Thái Chúc, vì bị bệnh viễn thị nên viết câu thơ "Thảo sắc diêu khan cận khước vô 草 色 遥 看 近 却 無" có nghĩa: Xa nhìn sắc cỏ gần không thấy. Mạnh Giao gọi ông ta là "Cùng Hạt Trương Thái Chúc 窮 瞎 張 太 祝" có nghĩa: Lão Trương Thái Chúc nghèo mù.
      Năm Nguyên Hòa thứ 11 (816), chuyển qua Trợ Giáo cho Quốc Tử Giám, rồi nhậm chức Bí Thư Lang. Năm Trường Khánh nguyên niên (821), ông lại được Hàn Dũ tiến cử vào làm Bác Sĩ của Quốc Tử Giam, nhiều lần giữ chức Thủy Bộ Viên Ngoại Lang, cuối cùng là chức Quốc Tử Tư Nghiệp, nên Trương Tịch còn được gọi là Trương Thủy Bộ. Phiên Trấn Lý Sư Đạo ngưỡng mộ học thức của Trương Tịch, nên muốn mời ông về Phủ Tư Đồ, ông từ chối khéo bằng bài Tiết Phụ Ngâm 節 婦 吟 nổi tiếng cổ kim như sau:        
        

     節 婦 吟                 TIẾT PHỤ NGÂM

君 知 妾 有 夫,      Quân tri thiếp hữu phu,
贈 妾 雙 明 珠。      Tặng thiếp song minh châu.
感 君 纏 綿 意,      Cảm quân triền miên ý,
繫 在 紅 羅 襦。      Hệ tại hồng la nhu

妾家高樓連苑起,    Thiếp gia cao lầu liên uyển khởi,
良人執戟明光裡。    Lương nhân chấp kích minh quang lý.
知君用心如日月,    Tri quân dụng tâm như nhật nguyệt,
事夫誓擬同生死。    Sự phu thệ nghĩ đồng sinh tử.
還君明珠雙淚垂,    Hoàn quân minh châu song lệ thùy,
恨不相逢未嫁時!    Hận bất tương phùng vị giá thì.

       Bài thơ có nghĩa: Chàng biết là thiếp đã có chồng rồi, nhưng còn tặng cho thiếp một đôi ngọc minh châu. Cảm vì tình ý quyến luyến của chàng, nên thiếp đã đeo nó vào trong giải yếm màu đỏ. Nhà thiếp ở cạnh lầu cao sát với vườn thượng uyển, nên chồng thiếp là người cầm kích gác trong đền Minh Quang của vua. Vẫn biết là dụng ý của chàng trong sáng như nhựt nguyệt, nhưng đạo thờ chồng thiếp cũng nguyền cùng chung sống chết (với chồng). Nên... Thiếp đành gạt nước mắt mà trả lại đôi minh châu cho chàng, chỉ hận là ta không gặp gỡ nhau khi thiếp còn chưa xuất giá!

       Bài thơ trên đã được cụ Ngô Tất Tố diễn Nôm rất hay là:

          Chàng hay em có chồng rồi,
          Yêu em chàng tặng một đôi ngọc lành.
          Vấn vương những mối cảm tình,
          Em đeo trong áo lót mình màu sen.
          Nhà em vườn ngự kề bên,
          Chồng em cầm kích trong đền Minh Quang.
          Như gương, vâng biết lòng chàng,
          Thờ chồng, quyết chẳng phụ phàng thề xưa.
          Trả ngọc chàng, lệ như mưa,
          Hận không gặp gỡ khi chưa có chồng.

        

       Đọc sự tích nầy của Trương Tịch làm cho ta nhớ lại sự tích của cụ Đào Duy Từ một nhà chính trị quân sự lỗi lạc, một danh nhân văn hóa kiệt xuất, bậc khai quốc công thần số một của chín đời Chúa Nguyễn và 13 đời vua của triều đình nhà Nguyễn. Đào Duy Từ vốn người Bắc Hà nhưng không được trọng dụng, mới lưu lạc vào Nam giúp Chúa Nguyễn.
      Chúa Trịnh tiếc tài của Đào Duy Từ, mới tính kế làm sao để lôi kéo ông bỏ Chúa Nguyễn về với triều đình vua Lê và Chúa Trịnh. Chúa bèn lập mưu, sai người mang nhiều vàng bạc bí mật vào Nam biếu Đào Duy Từ, kèm theo một bức thư riêng với bốn câu thơ:

                   Trèo lên cây bưởi hái hoa,
              Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
                   Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,
              Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay!”

               
                         Ảnh cụ Đào Duy Từ                     

     Lời thơ ngụ ý anh là (Chúa Trịnh) và em (Đào Duy Từ) thuở nhỏ, trèo cây hái hoa bưởi, bước xuống vườn cà hái nụ hoa tầm xuân. Ý thơ là lời nhắn nghĩa tình, nhắc Đào Duy Từ rằng tổ tiên, quê quán vốn ở Đàng Ngoài. Nếu trở về sẽ được triều đình trọng dụng, nhưng Đào Duy Từ đã trả lại quà tặng và viết bài thơ phúc đáp Chúa Trịnh như sau:

                       Ba đồng một mớ trầu cay,
               Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?
                      Bây giờ em đã có chồng,
                 Như chim vào lồng như cá cắn câu.
                     Cá cắn câu biết đâu mà gỡ,
                  Chim vào lồng biết thuở nào ra?”

               
                                             
      Chúa Trịnh đọc thơ biết khó lòng lôi kéo được họ Đào, nhưng thấy bài thơ chưa có câu kết, ý còn bỏ ngỏ, nên vẫn nuôi hy vọng, bèn cho người đem lễ vật nhiều hơn, và mang theo lá thư của Chúa Trịnh vào gặp Đào Duy Từ lần nữa. Lần này, Đào Duy Từ mới viết nốt hai câu kết gửi ra, để trả lời dứt khoát việc mời mọc của chúa Trịnh:

                        Có lòng xin tạ ơn lòng,
                Đừng đi lại nữa mà chồng em ghen!

      Trương Tịch còn nổi tiếng với bài thơ "Cận Thí Thượng Trương Thủy Bộ 近 試 上 張 水 部" có nghĩa: Gần thi gởi lên cho Trương Thủy Bộ (để xem xét đánh giá dùm coi có đậu được hay không?) của sĩ tử Chu Khánh Dư 朱 慶 餘. Bài thơ như sau:

              洞 房 昨 夜 停 紅 燭,   
     Động phòng tạc dạ đình hồng chúc,
              待 曉 堂 前 拜 舅 姑。    
     Đãi hiểu đường tiền bái cựu cô.
              妝 罷 低 聲 問 夫 婿,      
    Trang bãi đê thanh vấn phu tế,
              畫 眉 深 淺 入 時 無。    
    Họa my thâm thiển nhập thời vô?

     Có nghĩa :
               Động phòng hoa chúc đêm qua,
         Sáng ngày ra mắt mẹ cha khách phòng.
               Diện xong nàng khẻ hỏi chồng,
         Mày ngài đậm nhạt hợp không hỡi chàng?
                                       ĐCĐ diễn Nôm

         
                  
       Chu Khánh Dư tự ví mình như là cô dâu mới về nhà chồng, nên sáng đêm tân hôn, khi trang điểm xong, trước khi lên phòng khách ra mắt cha mẹ chồng, thì kề tai hỏi nhỏ chồng rằng: "Đôi mày của thiếp kẻ như thế nầy đậm nhạt có hợp thời không?"  Ý nói là có hợp với nhãn quang của cha mẹ chồng không? Chu xem Trương Tịch người Trợ Giáo cho Quốc Tử Giám như là chàng rể mới nên mới hỏi xem văn chương của mình có hợp với ý của cha mẹ chồng là quan chủ khảo hay không? Qủa là khéo ví von một cách gợi tình lãng mạn mà lại rất nên thơ! Trương Tịch cũng đã đáp lại bằng một bài thơ tứ tuyệt "Thù Chu Khánh Dư 酬 朱 慶 餘" (Đáp Chu Khánh Dư). Bài thơ như sau \:

                    越 女 新 妝 出 镜 心,    
         Việt nữ tân trang xuất kính tâm,
                    自 知 明 艷 更 沉 吟。   
        Tự tri minh diễm cánh trầm ngâm.
                    齊 紈 未 足 時 人 貴,    
        Tề hoàn vị túc thời nhân qúy,
                    一 曲 菱 歌 敵 萬 金。     
       Nhất khúc lăng ca địch vạn câm (kim).

Có nghĩa :
     Nàng con gái nước Việt (ý chỉ gái đẹp) vừa mới trang điểm xong như đi ra từ trong lòng gương (ý chỉ đẹp rực rỡ). Tự biết mình rất diễm kiều trong sáng, nên lại càng trầm ngâm hơn (không biết mình có tự tin qúa hay không!) Nhưng hãy yên tâm đi nàng ơi, dù cho lụa nõn qúy giá của nước Tề cũng không qúy bằng con người thật trước mắt, chỉ cần một khúc hát hái ấu, hái sen thanh thoát là đã đáng giá ngàn vàng rồi!

     Ý của Trương Tịch muốn khuyên sĩ tử Chu Khánh Dư là "Mình đã đẹp sẵn như Tây Thi gái nước Việt rồi, mà còn vừa mới trang điểm xong nữa, lo gì không đẹp mà phải "trầm ngâm"?  Ý nói Chu đã có tài rồi mà còn có chuẩn bị nữa, thì lo gì mà thi không đậu, cũng như nàng gái Việt duyên dáng đã qúy hơn gấm vóc lụa là rồi thì chỉ cần cất cao giọng lên hát một khúc hái sen hái ấu nữa là sẽ đáng giá ngàn vàng ngay! Ý Trương Tịch muốn khuyên Chu Khánh Dư là cứ tự tin mà đi thi đi, tên sẽ được ghi bảng vàng mà thôi! Và quả thật như lời khuyên của Trương, Chu đã thi đậu Tiến Sĩ năm Bảo Lịch thứ 2 (826) và làm quan đến chức Bí Thư Tỉnh Hiệu Thư Lang.

           
Diễn Nôm :
           Gái Việt điểm trang đẹp tợ gương,
           Biết mình xinh xắn vẫn khiêm nhường.
           Lụa là Tề quốc thua người qúy,
           Một khúc ngàn vàng mãi vấn vương!
                                ĐCĐ diễn Nôm
     
      Thế đấy, nhờ sùng bái và mỗi buổi sáng nuốt thơ Đỗ Phủ vào ruột mà TRƯƠNG TỊCH cũng làm thơ hay và nổi tiếng như Đỗ Phủ trong buổi Thịnh Đường. Đỗ Phủ là Thi Thánh, còn Trương Tịch là Thi Trường, là thơ từ trong ruột tuôn ra vì đầy một ruột toàn là... thơ của Đỗ Phủ. Thế mới hay, có chí thì nên, nhờ ái mộ Đỗ Phủ mà Trương Tịch cố gắng dùi mài nắn nót làm thơ, kết cuộc ông cũng trở thành một thi sĩ lớn trên thi đàn của đời Đường nhờ vào sự phấn đấu của chính mình. Nuốt thơ Đỗ Phủ chỉ là cái cớ, cái động lực thôi thúc ông cố gắng tiến lên mà thôi.

      Dù thế nào đi nữa thì Trương Tịch vẫn để lại một tấm gương tốt cho hậu sinh noi theo và nhất là để lại những bài thơ bất hủ như Tiết Phụ Ngâm, Chinh Phụ Oán, Thành Đô Khúc... những giai thoại văn chương lý thú giữa ông và những bạn thơ chung quanh thời đại hoàng kim của thi ca: ĐƯỜNG THI 

                                 Đỗ Chiêu Đức




Không có nhận xét nào: