Chữ Nghĩa Làng Văn 44
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng
“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải – Ngộ Không Phi Ngọc Hùng.
***
Chữ Việt cổ
Cồ: to, lớn
(gà cồ, vịt cồ)
(Đại Nam Quốc Âm Tự Vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)
Truông
Truông : giải cát lớn bên núi hay vũng rừng.
Thuơng em anh cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam giang
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)
Ngụ cư
Ông cụ thân sinh ra Chu Văn An là người Tầu bán phá xa.
(xem Ông Tàu già bán phá xa ở khúc dưới)
Ngụ cư chỉ có thể trở thành nội tịch với điều kiện sống ở làng 3 đời thì mới được vào làng, làm dân nội tịch.
Cụ Chu Văn An mới là đời thứ 2…
(Gs sử học Lê Văn Lan)
Ông Tàu già bán phá xa
Nếu Hà Nội có tẩm quất, có bánh mì ủ trong chăn, có “đậu phụng rang húng líu” của ông Tàu già ở tháp Hoà Phong gần hồ Gươm. Sau này nhiều người học nghề ông Tàu già rao lang thang khắp phố phường Hà Nội: “Phá xa, húng lìu nóng ròn đây”....
Thì Sài Gòn cũng có “Chú chệt bán đậu phọng rang”. Bởi từ câu thơ trong tập thơ rất xưa Hoa Trái Mùa từ năm 1943…
Quần chằm khiếu, áo lang thang
Trên đầu đội cái nón rách
Đi khắp quanh đường tắt
Làng trên xóm dưới reo vang:
Tàu phọng rang
An Dương Vương chọn đất đóng đô ở nơi… chó đẻ
Dã sử và truyền tụng cho biết, ban đầu An Dương Vương chọn đất Uy Nỗ (làng Tó) làm nơi xây dựng kinh đô, nhưng đàn chó của vua cứ kéo nhau sang đất Cổ Loa, trong đó có con chó quý tìm đến một khu gò đất lót ổ đẻ con, vì thế vua cho dời đô sang Cổ Loa, dựng cung điện ngay trên gò đất nơi chó đẻ.
Với quan niệm “đất chó đẻ là đất quý” nên người dân Cổ Loa trước đây có tục làm nhà trên khu đất chó đẻ con.
(Những chuyện thú vị về các vị vua Việt Nam – Lê Thái Dũng)
Danh từ "Xứ Nghệ" có từ bao giờ?
Muốn trả lời được câu hỏi ấy, chúng ta hãy cùng điểm lại những mốc lịch sử đáng nhớ của vùng đất này:
- Đời nhà Hán: là quận Cửu Chân.
- Đời nhà Tùy: là quận Nhật Nam.
- Đời Đinh, Lê gọi là Hoan Châu.
(năm 1030 đổi thành châu Nghệ An).
- Năm 1101, Lý Nhân Tông đổi là phủ Nghệ An.
- Đời Minh Mạng thứ 12 (1831) đổi là tỉnh Nghệ An.
Như vậy, đối chiếu lại lịch sử:
Tên "Nghệ An" xuất hiện từ năm 1030
"Xứ Nghệ" là cách gọi tắt của "xứ Nghệ An" từ năm 1490
Những cái chết tức tưởi của nhà văn
Phạm Quỳnh
Phạm Quỳnh (1892-1945) là một nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và quan đại thần triều Nguyễn. Ông là người đi tiên phong trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ và dùng tiếng Việt thay vì chữ Nho hay tiếng Pháp để viết lý luận, nghiên cứu.
Phạm Quỳnh sinh tại số 17 phố Hàng Trống, Hà Nội; quê quán ở làng Lương Ngọc, phủ Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Mồ côi mẹ từ 9 tháng tuổi, mồ côi cha từ khi lên 9 tuổi; Phạm Quỳnh đỗ đầu bằng Thành chung Trường trung học Bảo Hộ (tức trường Bưởi, còn gọi là trường Thông ngôn).
Năm 1908, Phạm Quỳnh làm việc ở Trường Viễn Đông Bác cổ tại Hà Nội. Từ năm 1916, ông làm chủ bút kỳ cựu của Nam Phong tạp chí từ năm 1917 đến 1932. Năm 1932, sau khi Bảo Đại lên làm vua thay Khải Định, ông được triều đình nhà Nguyễn triệu vào Huế tham gia chính quyền Bảo Đại. Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp. Chính phủ Trần Trọng Kim được thành lập. Ông về sống ẩn dật ở biệt thự Hoa Đường bên bờ sông đào Phú Cam, Huế.
Ông bị Việt Minh bắt ngày 23 tháng 8 năm 1945 và giam ở lao Thừa Phủ, Huế. Ông bị xử bắn sau đó cùng với tổng đốc Quảng Nam Ngô Đình Khôi (anh ruột Ngô Đình Diệm).
(Trích từ buikimanh.vn - Thái Doãn Hiểu)
Hồ Hữu Tường
Buổi chiều, nắng quái dị lay lắt. Tiếng máy xe Honda ầm ĩ. Chúng bước vô. "Chị rảnh không?"
"Chi vậy?"
"Rảnh em chở chị đi thăm ông Hồ Hữu Tường." Khùng điên gì đâu. Ông ta đang ở một trại tù nào, Xuyên Mộc, Hàm Tânn, Long Khánh, hay xa lắc, Gia Trung. Mấy cậu còn trai trẻ, hoàn cảnh nào cũng đùa được“.
"Em có đùa đâu. Ông ta đang ở nhà mà."
"Ủa, được tha rồi sao?"
"Chưa. Nhưng chết."
Chết. Đâu có gì đáng cho tôi ngạc nhiên. Như khi nghe tin anh Hoàng Vĩnh Lộc, anh Minh Đăng Khánh, anh Trần Việt Sơn, anh Nguyễn Mạnh Côn...
(Tưởng nhớ người đã mất – Nhã Ca)
Câu đố dân gian
Cây gì không lá, không chân,
Mình vàng, không rễ, ở gần nhà ta?
(cây rơm)
Tết trong trại tù cùng bạn bè
Thật ra chế độ tù cải tạo từ Bắc chí Nam chẳng có gì khác nhau, cũng đi lao động mệt phờ phạc và tối tối lại ngồi kiểm điểm -chúng tôi gọi là “ngồi đồng”- cho đến khu mệt rũ, chẳng còn nghĩ được gì ngoài việc lăn ra ngủ. Có lẽ đây cũng là một “đòn” kìm hãm mọi suy tư của bọn tù được gọi là Ngụy. Chế độ ăn khá hơn ở ngoài Bắc, nếu ở Sơn La – Vĩnh Phú, trước khi đi làm buổi sáng chỉ có một củ khoai nhỏ như ba ngón tay thì ở miền Nam được ăn một bát nhỏ bắp nấu hoặc bát bo bo.
Nhà văn Đặng Trần Huân thường có cái muỗng nhỏ xíu bằng nhựa, thứ đồ chơi của trẻ con, ông ấy cứ nhấm nháp từ từ cho đến hết buổi sáng. Ông truyền “bí kíp” rằng ăn như thế có cảm tưởng như lúc nào cũng được ăn, quên cái cảm giác đói đi. Tôi không biết có bao nhiêu “tín đồ” tin theo bí kíp này, riêng tôi theo không nổi, vì đói quá, không nhịn được, ăn luôn một lèo, chỉ ba phút là hết nhẵn nên anh em có câu nói cửa miệng là “ăn rồi cứ tưởng là mình chưa ăn”.
Tôi ở trại này chẳng nhớ bao lâu thì bỗng một ngày năm 1985, thấy mấy anh cai tù đưa một đoàn tù từ nơi khác đến. Đám tù này còn rách rưới, gầy còm xanh xao hơn chúng tôi nhiều. Tôi là tù cũ nên tiến lại gần khi tù mới vừa được ngồi xuống bên hàng rào. Lúc đó tôi mới biết đó là những người bạn tù ở các trại tận Pleiku, Kontum, và ở những trại nổi tiếng là “ác ôn” nhất như Gia Trung, Bù Gia Mập…
(Văn Quang)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Em ơi đừng lấy thợ cày
Có hai hòn d... suốt ngày lấm lem
156 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Tôi (Đào Vũ Anh Hùng) gặp Nam (Phan Nhật Nam) lần đầu do Thế Phong đưa lại chơi nhà Nam ở đường Trần Nhật Duật, Tân Định. Nhưng biết nhiều về Nam thì qua bạn cùng khoá với Nam là Võ Ý. Tôi nhớ lần đó Nam nói khoái tôi vì bài bút ký
"Dakseang Gối Mỏi Lưng Đồi" tôi viết trên tuần báo Đời và ký tặng tôi cuốn "Mùa Hè Đỏ Lửa" với vỏn vẹn mấy chữ “Tặng ông, bạn tôi” làm Thế Phong cười ngất :
- Nó là nhà văn đang lên, sách bán có tiền nên hà tiện chữ nghĩa cho bạn bè.
Sau này tôi mới nói cho Nam biết cái thằng bay chiếc C&C cho tướng Hậu nửa đêm vào Tân Khai trong trận bão Mannie, giữa mưa đạn phòng không Việt cộng mà Nam nằm dưới đất nhìn thấy khi theo chiến đoàn trung tá Cần vào giải vây An Lộc rồi viết trong "Mùa Hè Đỏ Lửa" chính là tôi. Nam có vẻ thống khoái vì sự ngẫu nhiên ấy, cười khà khà và phán một câu:
- Thấy chiếc máy bay, tao thương quá. Những thằng Không Quân chân hổng giữa trời, chết mà không biết thằng khốn nạn nào "chơi "mình thì "lỗ" quá! Thực tình tao "rét" mày ạ, chết dưới đất vững hơn... Ai ngờ lại là mày bay cho ông Hậu. Hà hà… Mày rơi đêm đó là tao lại có tí đề tài "viết cho một người nằm xuống".
Trong những ngày bôn ba chiến trận, thỉnh thoảng tôi có gặp Nam vác máy hình theo quân Dù đi làm phóng sự. Nhưng thường là những lúc tôi về Saigon cùng Nam và một vài bạn văn nghệ ghé La Pagode bù khú. Đó là những lần tôi có dịp thán phục khoa đấu láo của Nam. Cái giọng oang oang nửa Huế, nửa Quảng Nam, pha tí Bắc kỳ, một khi mở máy là nói liên miên đủ thứ đề tài... Có thể nói khoa tán phét của Nam vô địch. Nam có khả năng nói thao thao hàng giờ không ngưng nghỉ và thật lôi cuốn, có duyên, ba hoa châm biếm bất cần thiên hạ.
Đó là vài trong những kỷ niệm tôi với Phan Nhật Nam.
Tôi phục Nam không chỉ có văn tài và khoa đấu hót. Nam thông minh, hiếu động, tính tình thẳng trực, ngang tàng khí phách. Cái ngông nghênh của Nam, với tôi không có gì quá đáng. Tâm hồn Nam sâu sắc, nhiều tình cảm và rất tốt với bạn bè.
(Phan Nhật Nam Dựa lưng nỗi chết – Đào Vũ Anh Hùng)
Tục ngữ hiện đại, hiện thực
Thuận vợ thuận chồng, con đông mệt quá.
Những kỷ niệm của tôi về văn học miền Nam
Lớp chín, gặp đứa bạn gái cùng lớp trên đường một mình còn ngượng, thấy người ta hôn nhau từ xa còn đỏ cả mặt, tôi đã đọc truyện tình Mai Thảo. Ông từ miền Bắc vào, sau Nhất Linh một thế hệ. Tôi không biết Mai Thảo bắt đầu viết từ bao giờ, nhưng đọc ông, tôi biết là mới, nhận ra không phải là thứ văn chương tiền chiến được học trong nhà trường. Tôi mê “Chuyến Tàu Trên Sông Hồng”, “Đêm Giã Từ Hà Nội”, tôi trốn vào trong gầm bàn thờ, liu riu ngọn đèn dầu Hoa Kỳ, đọc “Cũng Đủ Lãng Quên Đời”.
Mặc dù Mai Thảo được xem là nhà tiểu thuyết, tài năng của ông tập trung nhiều hơn vào các truyện ngắn, tiểu luận, tùy bút. Đọc Mai Thảo, tôi chú ý đến câu văn. Ông đi vào vùng trời văn học miền Nam bằng lối viết hơn là bằng tư tưởng, bằng phong cách hơn là bằng tác phẩm, mặc dù tầm tư tưởng, tác phẩm của ông lớn hơn nhiều người khác.
Tôi nhớ khung cảnh đọc truyện đó: một buổi trưa nắng vàng, được ru trong tiếng sóng vỗ sông Hồng, nhớ lại cuốn sách đầu đời của tôi trong kho lúa nhà bà ngoại. Một dòng sông, hai cách chảy đi. Một câu văn đẹp bất chấp nội dung sẽ tồn tại như một câu văn đẹp, làm ta muốn đọc lại nhiều lần.
Có hai phương pháp mà Mai Thảo đã dùng.
Một là ngôn ngữ thơ, một ngôn ngữ vi phạm các chuẩn tắc thông thường của văn xuôi, cắt xén, nén nó lại, kéo dài nó ra, làm chùng xuống, khi buông lỏng, khi căng thẳng: ngôn ngữ tự phục vụ cho chính nó. Khác với những câu văn đẹp nhất tiền chiến, như của Nguyễn Tuân. Đọc Nguyễn Tuân, tôi thấy ông dùng chữ chính xác, tự nhiên, để chuyên chở những khám phá thẩm mỹ, nhưng ông không chơi với chữ: ngôn ngữ của ông vẫn là một phương tiện, mặc dù là phương tiện sang trọng. Trước đó, không ai viết như Mai Thảo. Hình như ngoài Bắc, cùng thời, cũng chưa ai viết như thế. Sau này thì tôi không rõ.
Và như thế, tiểu thuyết tự truyện sau này nổi bật trong một số tác giả miền Nam, có thể xem là đã được mở đầu bởi Mai Thảo.
(Nguyễn Đức Tùng)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Thân em như giếng giữa đàng.
Người khôn rửa cẳng, người phàm rửa chân
Đuờng văn ngõ chữ
Nguyễn Khải từng bị... đuổi ra khỏi nhà
Những tác phẩm của ông đã để đời với giọng văn sắc sảo, dồn đẩy các nhân vật và vấn đề đến tận cùng nhưng vẫn ẩn chứa tình cảm yêu thương nồng ấm của con người. Nhưng ít ai biết rằng, nhà văn nổi tiếng này từng có lần bị đuổi ra khỏi nhà vì bị nghi oan là "kẻ ăn cắp?.
Những tác phẩm của Nguyễn Khải được giới phê bình văn học đánh giá là đã thể hiện sự nhạy bén và có cách khám phá riêng với các vấn đề xã hội. Một loạt những tác phẩm thuộc nhiều thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết, ký sự, kịch của ông đã sống mãi với lịch sử như cuốn "Xung đột", "Mùa Lạc", "Thời gian của người", "Thượng đế thì cười", "Một người Hà Nội"...
Tác phẩm cuối cùng của ông là tùy bút "Đi tìm cái tôi đã mất" ghi lại những trăn trở của nhà văn vào những năm cuối đời. Theo bạn bè thì ngoài đời, nhà văn Nguyễn Khải sống khá xuề xòa và dễ gần. Ngay cả khi ông là đại biểu Quốc hội khóa VII, bay từ Sài Gòn ra Hà Nội dự họp, trong khi những người khác trang bị cho mình chiếc va li bóng loáng thì ông chỉ có chiếc ba lô con cóc của người lính đựng vài bộ quần áo đơn giản.
Ông có thể ngồi nhậu “bình dân” với bạn bè, anh em trong quán ở ngay giữa chợ. Những người từng đi "thực tế" với Nguyễn Khải đến các đơn vị bộ đội hay về các làng quê xa xôi đều công nhận: Nguyễn Khải có khả năng giao tiếp thuyết phục đến kỳ lạ. Còn nhà văn có lần nửa đùa nửa thật: "Tôi mà đã định lấy lòng ai thì người đó chỉ có "chết", không cựa nổi...". Đến nỗi có người phải thú nhận: “Đi với Nguyễn Khải thì không bao giờ sợ... đói”.
Tục ngữ hiện đại, hiện thực
Cưới vợ thì cưới liền tay.
Chớ để lâu ngày vật giá leo thang.
Đuờng văn ngõ chữ
Huy Cận tham ăn
Có lần tôi ngồi uống cà phê với anh ở 24 Điện Biên, bỗng anh nói: “Đây là hai tài nhân nói chuyện với nhau” (Anh không nói nhân tài mà lại nói tài nhân)
Khi tập thơ Những Năm 60 của Huy Cận ra đời, Xuân Diệu đặt tôi viết bài phê bình đăng Tác phẩm mới. Anh nói, Huy Cận đang đi Pháp, Mạnh phải viết thẳng tay, nêu rõ nhược điểm cho cậu ta đỡ chủ quan. Tập thơ nhiều bài yếu lắm. Khi viết bài ấy, anh có trao đổi góp ý với tôi. Tôi nhận thấy Xuân Diệu có một cái gì như là có chất đàn bà vậy – hay hờn dỗi. Và khác hẳn với Nguyễn Tuân, anh hay bộc lộ thẳng tình cảm với những người mà anh quý mến.
Thực tình tôi không hiểu sao Xuân Diệu lại có thể thân với Huy Cận. Họ quả cũng có những chỗ hợp nhau. Nhưng Huy Cận đâu phải hạng người tử tế, ngay cả trong tình bạn với Xuân Diệu. Hai ông bạn, có chỗ này quả là giống nhau: cùng ăn rất khoẻ và chỉ thích thịt cá, trứng vịt lộn, nghĩa là những thứ nhiều prôtit.
Hồi khoa văn Đại Học Sư Phạm Việt Bắc đưa sinh viên về Hà Nội (đóng ở Cổ Nhuế) để mời các nhà văn đến nói chuyện, tôi có được nhờ tiếp khách hộ. Tôi thấy Xuân Diệu rất thích uống bia và húp trứng sống. Anh còn nói, tối nào, cần viết một cái gì thì buổi chiều thế nào cũng phải mua ba lạng thịt chó để bồi dưỡng. Có thế mới có sức viết. Xuân Diệu chết vì bị nhồi máu cơ tim, tức là máu nhiễm mỡ, cần kiêng ăn nhiều thịt, trứng. Khi anh mất, Vũ Tú Nam nói, Xuân Diệu đã bồi dưỡng nhầm là vì thế.
Huy Cận cũng vậy. Phải nói là tham ăn.
(Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh)
Giai thọai làng văn xóm chữ
Nguyễn Đình Chiểu với Phan Văn Trị
Nguyễn Đình Chiểu và Phan Văn Trị không chỉ là bạn văn thơ mà còn là bạn đồng tâm, đồng chí. Từ ngày Nguyễn Đình Chiểu tỵ địa về Ba Tri, Phan Văn Trị thường hay tới lui thăm viếng, đàm luận về thời cuộc và vận mệnh của đất nước.
Phan Văn Trị vốn thích ăn mắm đồng. Biết vậy, Nguyễn Đình Chiểu bảo người nhà trong mâm cơm thường có món mắm ngon để đãi bạn. Giữa bữa cơm, trong lúc câu chuyện thời thế đang rôm rả, Nguyễn Đình Chiểu nhắc đến Tôn Thọ Tường.
Cử Trị bĩu môi nói:
- Thằng Tường theo Tây được chức quan lớn, vì vậy mà thiên hạ có người bảo nó khôn. Còn tôi như vầy chúng lại bảo là tôi khùng. Anh thấy đó, khùng thì khùng chứ "Di, Tề nào khứng giúp Châu".
Nguyễn Đình Chiểu đặt chén xuống bàn, cười khẩy, nói:
- Thằng Tường theo Tây đã quán món ăn Tây, chắc nay không ăn mắm được như bọn mình nữa rồi.
Cử Trị tán thành:
- Phải rồi. Hễ còn biết ăn mắm sống thì không phải là Tây!
Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Phan Huy Chú
Tuy không đỗ cao, nhưng Phan Huy Chú (1) nổi tiếng là người có kiến thức uyên bác. Vì vậy, năm Tân Tỵ (1821), vua Minh Mạng cho triệu ông vào kinh đô, cử giữ chức Biên tu trường Quốc tử giám ở Huế. Năm này, ông dâng lên vua bộ sách Lịch triều hiến chương loại chí do ông biên soạn và được vua thưởng 30 lạng bạc, 1 áo sa đỏ, 30 cây bút và 30 thỏi mực.
Bộ “Lịch triều hiến chương loại chí” gồm 49 quyển khảo cứu về lịch sử Việt Nam từ lập quốc đến cuối triều Lê. Trong bộ sách “Lịch triều hiến chương loại chí”, ông đã sưu tầm tư liệu, khảo cứu sách vở, đối chiếu sắp xếp, trình bày cô đọng, mạch lạc sinh động, có tầm khái quát cao, chia theo từng loại hiến chương gọi là chí: dư địa chí, nhân vật chí, lễ nghi chí, khoa mục chí, quốc dụng chí, hình luật chí, văn tịch chí, binh chế chí, quan chức chí, bang giao chí.
Nhận thấy tầm quan trọng của bộ sách, vua Minh Mạng đã cho khắc bản gỗ, in thành nhiều bản, để phổ biến. Lịch triều hiến chương loại chí, ghi chép dữ liệu lịch sử từ thời Hồng Bàng đến Lê Mạt, gồm 49 quyển.
(1) Phan Huy Chú (1782-1840) tự Lâm Khanh, hiệu Mai Phong, thuở nhỏ, Phan Huy Chú có tên là Hạo, sau vì kiêng quốc húy đổi là Chú. Ông là con trai thứ ba của danh thần Phan Huy Ích
Ông là em rể Ngô Thì Nhậm.
Tranh dân gian
Tranh Đông Hồ
Bức Hái dừa (do ông Nguyễn Đăng Chế người làng Đông Hồ vẽ cácg đây 102 năm): Chàng trai leo chót vót lên ngọn cây, dưới là cô gái quê mặc yếm, vén váy đứng đợi hứng dừa. Người thưởng ngọan tranh nghĩ đến cái oái oăm nếu trái dừa rơi xuống váy thì sao.
Vì vậy các cụ ta xưa có câu con gái chơi với con giai, ngày sau cái vú bằng hai quả dừa.
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Sau một loạt ấn bản “Từ Điển Vũ Chất” bị “tuýt còi” với lỗi ngô nghê, mới đây, lại có thêm một cuốn từ điển với cách giải nghĩa từ ngữ… giật mình, đó là cuốn “Từ điển tiếng Việt” do NXB Bách Khoa Hà Nội biên soạn có những định nghĩa gây choáng váng.
Chẳng hạn như:
“ghi nhớ” là “ghi và nhớ lấy”
Xe đò
Trước năm 1975, Xa cảng miền Tây là bến tập trung các xe đò về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nằm trên đường Kinh Dương Vương. Còn bến Miền Đông dành cho xe đi các tỉnh miền Trung và phía Bắc trên đường Petrus Ký.
Trước kia hai bến xe nhỏ Nguyễn Cư Trinh đi lộ trình Cao Nguyên và Nguyễn Thái Học đi Long Hải – Vũng Tàu – Phan Thiết, rồi sau đó vài năm chuyển về bến xe Văn Thánh, và cuối cùng yên vị tại Bến Xe Miền Đông trên đường Đinh Bộ Lĩnh hiện nay.
Nhưng nghe đâu hai bến xe này sẽ phải dời ra xã Tân Túc huyện Bình Chánh và Suối Tiên Q. 9 để có diện tích rộng hơn, đáp ứng được cho nhu cầu ngày càng tăng.
Sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến Bến xe An Sương, bến này đúng ra có xe đi Tây Ninh – Bình Phước – Bù Đăng, Bù Đốp vùng Tây Trường Sơn, nhưng cũng có xe đi vài tỉnh thành của cả ba miền, do hai bến xe miền Đông và miền Tây nhỏ hẹp.
(Trang Nguyên)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Anh xây em bằng cát.
Rồi hôn em một phát.
Ôi nụ hôn chua chát.
Toàn là… đất với cát
Tình dục trong làng văn xóm chữ
Trùng Dương
Suy nghĩ như thế, vào thập niên 60 của thế kỷ 20 ở Việt Nam, đúng là một thứ cách mạng nhỏ rồi, nhưng phù hợp với giới trẻ thời nội chiến đang diễn ra dữ dội. Một lần chia tay, ở cổng nhà hay quán cà phê, là một lần tự hỏi không biết còn có thể trông thấy nhau lần nữa, nên trai gái thế hệ thời chiến đã yêu, là yêu bằng cả tinh thần lẫn thể xác. Người nữ không cần phải triết lý dài dòng như nhân vật của Trùng Dương, cũng trao thân dễ dàng. Cứ thản nhiên tiền dâm hậu thú mới ra vợ chồng (Ca dao).
Nếu có điều để ngạc nhiên là những người kết án Trùng Dương, đã không chịu nói rõ là sự kết án của mình nhằm các tư tưởng, những tư duy, những thái độ tà đạo... của tác giả, hay là những hành động, miêu tả thuộc địa hạt tình dục thông thường. Bởi vì tương tự Francoise Sagan, văn Trùng Dương không có miêu tả nào hấp dẫn cả, hơn nữa làm đàn bà mà vừa làm tình vừa triết lý này nọ, khó hấp dẫn ai... Bởi thế các tác phẩm của Trùng Dương không được đông đảo quần chúng thưởng ngoạn, như Túy Hồng, Thụy Vũ... Đọc văn bà, hơi mệt!
Nhà biên khảo Uyên Thao trước 1975 đã có lý khi kết luận về bà:
"Nhưng cũng chính qua những tác phẩm đó, Trùng Dương còn cho thấy sự hiện diện trong làng văn một con chim rừng đang ghé trên bãi cát. Không có gì bảo đảm con chim đó đậu lại, dù cho tới nay, cũng chưa có dấu hiệu nào xác nhận con chim đó sẽ bay đi... Tuy nhiên có một điều chắc chắn là trong cả hai trường hợp trên, dấu chân chim vẫn đã có và sẽ còn được lưu ý".
Nhà biên khảo Uyên Thao quả thực đã có khả năng tiên tri: sang thập niên 70, Trùng Dương thôi làm nhà văn, chuyển sang làm báo và cứ thế làm báo tiếp khi sang định cư ở vùng bờ biển phía tây Hoa Kỳ. Văn chương, đối với Trùng Dương, chỉ là một cái gì đó để xác định mình là mình, khi mình còn trẻ.
(Tình dục và các nhà văn nữ miền Nam 1955-1975 – Thế Uyên)
Tục ngữ hiện đại, hiện thực
Cưới vợ thì cưới liền tay.
Chớ để lâu ngày thành vợ người ta.
Tình dục trong làng văn xóm chữ
Nguyễn Thị Hòang - 1
Cô giáo Trâm, nhân vật chính của Vòng Tay Học Trò của Nguyễn Thị Hoàng, đã theo học nhiều năm ở Sàigòn trước khi lên Đà lạt dạy một trường trung học nam. Cô thuê một căn nhà để chỉ ở một mình, trong một khung cảnh: "Trong những chiều hiu quạnh như chiều hôm nay, chỉ còn có mình Trâm đối diện với chính mình, với niềm cô độc, xót xa giữa tòa nhà hai tầng vắng lạnh. Như chiều hôm qua, chiều hôm kia, bao nhiêu buổi hoàng hôn yên lặng đi qua, Trâm lại thấy cần một cái gì phá tan thế giới im lìm này... Những ngày còn đi học, mỗi khi nhìn mặt biển nối tiếp chân trời, Trâm cũng đã khao khát phiêu du... khước từ những năm tháng đều đặn, nếp sống lầm lì, công thức sáo hủ của cuộc đời". Với một tâm trạng như thế, cô giáo Trâm không chịu chọn giải pháp đời thường là cho mấy cô sinh viên hoặc nữ sinh thuê lại phía dưới, vì như thế là rơi vào "công thức sáo hủ của cuộc đời".
Cô quyết định cho một nam sinh tên Minh ở phần dưới nhà:
"Vô tình, Trâm đã chỉ cho Minh kê giường trong phòng nó song song và ở ngay dưới giường mình. Vô tình Trâm nhận ra điều đó, sự song song của hai chiếc giường qua một không gian đồng lõa, như hai mặt phẳng số kiếp cùng ở trên một bình diện cuộc đời. Và trong đáy im lìm tiềm thức bỗng mơ hồ vang lên một âm thanh bỡ ngỡ. Một tiếng gọi. Một lời nhắc nhở: Trâm là đàn bà, và người mới tới dù sao cũng là đàn ông. Hai cực Bắc Nam của hai thanh nam châm tiến dần vào một môi trường nguy hiểm là tòa lầu hoang vắng, là tâm hồn sa mạc, là trái tim tha ma của người đàn bà đã từ lâu đơn chiếc..."
(Tình dục và các nhà văn nữ miền Nam 1955-1975 – Thế Uyên)
Thành ngữ hiện đại, hiện thực
Gọt xoài đừng để xoài chua
Chọn bạn đừng để… bạn cua bồ mình.
Tình dục trong làng văn xóm chữ
Nguyễn Thị Hòang - 2
Khi hiện tượng mà sáo ngữ gọi là "tiếng sét ái tình" bùng ra giữa một đàn ông và một đàn bà, cả Phật lẫn Chúa cũng không còn nghĩa lý, chứ đừng nói luật lệ nhà trường, dư luận, và chênh lệch tuổi tác. Vậy đôi trẻ bèn đi một đường yêu nhau.
Chàng học trò và nàng cô giáo của Nguyễn Thị Hoàng yêu nhau như thế này: "Trong mê sảng, Trâm có cảm giác như có một đôi môi nóng bỏng nào chồm lên mái tóc mình xõa dài sông đêm trên mặt gối. Bàn tay Trâm chới với níu lấy tóc mình. Nhưng bàn tay Minh như vòi mực biển khổng lồ đã quấn chặt tay nàng, dìm xuống, dìm xuống đáy nước cảm giác sôi trào ùa ngập, cho khuôn mặt mình phủ lên trên như một phiến san hô nóng ấm. Những ngón tay Trâm bất động thiếp mê một phút trong tay Minh rồi trở mình xoay nhẹ, xoay như tiếng trục đối chiếu của một bánh xe hốt hoảng đuổi theo cái bóng lờ mờ thoát hiện lên ở một ngã ba đời huyền hoặc... Trục bánh xe im tiếng, chợt đứng. Và những ngón tay Trâm quật lên, xoắn lấy những ngón tay Minh siết nhẹ. Siết đau. Rồi siết chặt... Và cuối cùng mười ngón tay buông nhau. Một dòng cảm xúc không tên ào ào ngập lụt trong lòng và Trâm nghe như lưỡi dao bén ngọt nào vừa rạch suốt chiều dài thân thể. Cơn mê sảng đầu tiên kéo dài suốt đêm...".
Chỉ có vậy thôi, nhiều chữ nghĩa bóng bẩy, còn về thực chất, cụ thể, đâu có gì là quá mặn, quá sexy. Nếu cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Thị Hoàng đã gây ồn ào dư luận một thời, nguyên nhân nằm ở chỗ khác, là vấn đề đạo lý. Như tên cuốn sách đã chỉ rõ, vấn đề là vòng tay học trò...
Mỗi xã hội, mỗi thời có những thứ cấm kỵ, taboos, về vấn đề sex, tính dục tình dục của mình. Thời cô Scarlett O’Hara của Nội chiến Nam Bắc Hoa Kỳ, tương tự các xã hội châu Á, không hạn chế tuổi tác nam nữ trong việc làm tình và cưới hỏi. Cô Scarlett lấy chồng năm 16 tuổi, mẹ cô còn lấy chồng sớm hơn: 15 tuổi. Bây giờ ở Mỹ mà như thế, ít nhất cũng vì tội child abuse, nếu không phải là tội nặng hơn là hiếp dâm và tòng phạm hiếp dâm.
(Tình dục và các nhà văn nữ miền Nam 1955-1975 – Thế Uyên)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Trăng hôm nay cao quá
Anh muốn hôn vào má .
Trăng hôm nay cao tít
Anh muốn hôn vào...
Trăng hôm nay mới nhú
Anh muốn hôn vào...
Gia Định thành
Năm 1808 thời Gia Long, miền Nam có tên là Gia Định thành gồm 5 trấn (như tỉnh ngày nay) là:
Trấn Phiên An (Gia Định), trấn Biên Hoà, trấn Vĩnh Thành (Vĩnh Long, An Giang), trấn Vĩnh Tường (Định Tường), trấn Hà Tiên.
(Nguồn: Đặc san Phù Sa Sông Cửu)
Chửi mất gà
Bài chửi muốn hay lại có vần điệu, chửi lên nghe âm thanh trầm bổng, thì người chửi phải chửi cao hơn một bậc nữa, là chửi bằng... thơ:
Hôm nay bà chửi một bài
Ngày mai bà sẽ chửi hai lần liền
Bà chửi cho mày hóa điên
Bà rủa suốt tháng liên miên không ngừng
Bây giờ bà mệt quá chừng
Bà về cơm nước, nhớ đừng quên a...
Muốn sống thì thả gà ra
Lạy bà hai lạy, bà tha cho mày.... ày ày ày...
(Khuyết danh)
Chửi không phải chỉ sử dụng cái mồm mà còn sử dụng tay chân, miệng chửi nhưng phải hoa tay múa chân, lâu lâu lại phải nhảy lên “đong đỏng” tay vỗ phành phạch vào hạ bộ để tỏ ra khinh miệt kẻ địch thủ chưa rõ mặt, là kẻ tình nghi ăn trộm gà. Có điều chắc chắn là người “chửi gà” không thể là đàn ông mà phải là đàn bà. Ðàn bà có nhiều năng khiếu văn chương, nhiều lời, biết “trình diễn” hơn đàn ông và cũng lại còn có cái để mà... vỗ.
(Nguồn: Huy Phương)
Thói "ăn" nếp "ở" của người Việt - 1
Gặp trường hợp bà mai đưa ảnh cho anh chàng kiếm vợ coi mặt, thòng theo câu nói: "Tại con nhỏ chụp hình không ăn ảnh, chớ ngoài đời cổ ngó coi đẹp gái lắm, chú à!" Từ "ăn" trong những trường hợp này, bỗng dưng mất bén nghĩa gốc, mà có nghĩa "thích hợp, hoà hợp" với kỹ thuật chụp ảnh trong "ăn ảnh", hoặc với ánh đèn sân khấu trong "ăn đèn".
Nghĩa cũng gần như vậy, người Việt nói "ăn nhịp", thường được sử dụng khi đàn ca hát xướng, và "ăn khớp" để chỉ trường hợp nói năng, hành động sao cho hợp lý, không mâu thuẫn nhau. Anh dẫn em đi quán bia ôm, trước khi về nhà, thằng anh thủ thỉ dặn dò thằng em: "Má hỏi, mày nhớ nói là mình đi ăn sinh nhật bạn cho ăn khớp, không thôi bả đánh nát đít!"
Phần trên có nhắc tới động từ kép "ăn ở", ngoài ý nghĩa "đời sống vợ chồng" còn hàm ý chỉ "cách xử thế, đối đãi" với nhau, như trong trường hợp vợ Năm Chuột than thở cùng chồng: "Lúc nào vợ chồng mình cũng ăn ở hiền lành, phước đức, mà sao nghèo hoài hổng biết!". Nhưng khi người mẹ xẳng giọng với anh con trai vẫn còn độc thân: "Mầy cứ ăn ở keo kiết như vậy, có chó cái nó lấy mầy làm chồng." Hoặc khi cô con gái lắc đầu nguây nguẩy: "Con không ưng anh ấy đâu, người gì mà ăn ở dơ dáy như heo!"
(Ngô Nguyên Dũng)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Những sai lầm trong Từ Điển Từ và Ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân
sa đà 蹉 跎
Theo soạn giả, sa nghĩa là cát sỏi, đà nghĩa là lần lữa, và, sa đà nghĩa là mất thì giờ vô ích.
Vì không biết chữ Hán nên ông cho rằng, sa là cát sỏi, đó là một sự bịa đặt liều lĩnh không có căn cứ. Các từ điển đáng tin cậy đều cho biết rằng, sa nghĩa là ngã, đà 跎 thì không có nghĩa riêng mà chỉ có thể ghép với sa để tạo thành từ sa đàm mới có nghĩa.
Từ sa đà 蹉 跎 trong tiếng Hán thường có 3 nghĩa: 1) lỡ bước. 2) bỏ phí thì giờ vô ích; và 3) buồn nản.
(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)
Thói "ăn" nếp "ở" của người Việt - 2
Nghĩ kỹ, thấy ra "ăn ở" đổi nghĩa hoá thành "thói ăn nếp ở" hoàn toàn có tính cách cá nhân, không đụng chạm gì tới người khác.
Thành ngữ Việt Nam có vô số câu liên quan tới "ăn". "Ăn không", tiếng miền Nam, cùng nghĩa với "ăn vã", tiếng miền Bắc, ý nói, chỉ ăn món chính, không kèm theo cơm, cháo, v.v… Khi đi chung với "ngồi rồi", thành "ăn không ngồi rồi", có nghĩa "rỗi việc", nhưng không mấy tốt, gần như "vô tích sự". Hãy nghe người vợ than thở: "Từ khi anh ấy bị muỗi voi chích tới giờ, suốt ngày ảnh ăn không ngồi rồi, bí rị một chỗ, thấy chán lắm!"
"Ăn xổi", với trạng từ "xổi" ("qua loa, tàm tạm", thí dụ: cà pháo muối xổi), thuần tiếng Bắc, đi chung với "ở thì" ("ở ngắn hạn, nhất thời"), thành "ăn xổi ở thì": nghĩa đen ý nói kẻ nào ăn ở với ai đó một thời gian ngắn để trục lợi, nghĩa bóng ám chỉ hạng người chỉ biết lợi dụng, bạc tình bạc nghĩa.
Truyện Kiều có đoạn, khi chàng Kim lơi lả buông lời ong bướm, ngôn ngữ hiện đại nói là "thả dê", đòi… ăn nằm, nàng Kiều bèn thỏ thẻ xổ… Nho và thành ngữ cảnh giác:
Phải điều ăn xổi ở thì
Tiết trăm năm, nỡ bỏ đi một ngày
Rõ là nàng Kiều được Vương ông Vương bà dạy cho "học ăn, học nói, học gói, học mở" khéo thì thôi.
(Ngô Nguyên Dũng)
Thành ngữ tục ngữ
Lật đật như sa vật ống vải
Câu này thường bị nói sai “lật đật như ma vật ông vải”.
Nghĩa câu này hàm ý chê trách việc vội vàng, hấp tấp. Khi kéo sợi vải, ta dùng cái sa để quay, con cúi sa bằng bông sẽ dùng mũi quay để kéo thành sợi. Ở mũi quay có ống vải để cuốn sợi. Mũi quay thường làm cho ống vải rung lật đật.
Rạp hát xưa: Những thiên đường của Tết
Sang quận 3 có Đại Đồng, Long Vân, Minh Châu, Olympic...
Quận 5 với các rạp Oscar, Hảo Huê, Victory (Lê Ngọc), Thủ Đô, Đại Quang...
(Lê Văn Nghĩa)
Phụ đính
Từ phim A Fistful of Dollars do Clint Eastwood đóng, những rạp ciné Sài Gòn có 4 lọai phim để chiếu. Đó là “phim La Mã”, “phim cao bồi”, “phim chiến tranh”, “phim tình cảm”.
Phim La Mã có Cleopatra, phim cao bồi là Rio Bravo, phim chiến tranh với The Longgest Day, phim tình cảm là Lolita.
Rạp hát xưa: Những thiên đường của Tết
Quận 6 thì Tân Bình, Tân Lạc (Hồng Liên), Hương Bình, Vĩnh Khánh. Quận 11 thì có rạp Quốc Thái...
(rạp Đại Đồng)
Quẹo lên miệt Đakao, Phú Nhuận thì có Đại Đồng, Cẩm Vân, Cao Đồng Hưng... Có người quá chén ngồi tổng kết bằng miệng và trí nhớ thì Sài thành - Chợ Lớn - Gia Định hồi đó có khoảng 60 rạp hát chiếu bóng, cải lương, hát bội lớn nhỏ, tha hồ cho các gánh cải lương khoe đào, khoe kép, khoe tuồng mới...
(Lê Văn Nghĩa)
(xem kỳ tới Vòng quanh các rạp ciné Sài Gòn xưa 1 & 2)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét