CHỒNG CHẮP VỢ NỐI
(Viết nhân chuyện bé gái 8 tuổi ở Sài Gòn
bị mẹ kế hành hạ chết)
Con người, phần đông, có cuộc sống đôi lứa. Mà chả riêng gì con người, cầm thú cũng vậy. Gặp vận rủi mới phải tách đôi lẻ bạn – vợ chồng ăn ở không hợp phải ly hôn, chồng hay vợ chết sớm. Lâm vào trường hợp này, ít người chịu đơn chiếc suốt quãng đời còn lại; đa số phải tục hôn.
Có trường hợp đàn ông có con rồi tục hôn với đàn bà chưa có con; có trường hợp đàn bà có con rồi tục hôn với đàn ông chưa có con; có trường hợp cả đàn ông lẫn đàn bà đều có con tục hôn với nhau.
Tục hôn để tìm lại hạnh phúc đã mất – hạnh phúc của người lớn tìm lại cuộc sống có vợ, có chồng; qua đó, những đứa trẻ - con riêng của vợ hay chồng – cũng tìm lại hạnh phúc có cha, có mẹ.
Người lớn, trong cuộc sống, có nhu cầu sẻ chia. Suốt cả ngày vật lộn với mưu sinh, tối về, ai cũng cần có vợ (hay chồng) để thủ thỉ vui buồn bên nhau. Còn con trẻ có nhu cầu được nâng niu, chiều chuộng, yêu thương. Những trẻ mồ-côi-một-nửa rất khao khát sự thương yêu – thương yêu bằng việc làm, thương yêu qua lời nói, thương yêu trong đối xử từ người lớn.
Khó hơn cha ruột, mẹ ruột biểu tỏ sự thương yêu, cha-kế hay mẹ-kế phải thận trọng trong lời ăn tiếng nói, ánh mắt liếc nhìn để bé khỏi tủi thân.
Người đã có con riêng rồi mà lấy lại vợ hay lấy lại chồng không phải là chuyện hiếm.
Tuy nhiên, chồng chắp vợ nối muốn hạnh phúc không phải là chuyện dễ dàng. Lý do là tính ích kỷ vốn có của con người.
Đã sống chung rồi, nhiều người vợ hay người chồng chưa chịu công bằng trong tình cảm, trong xử sự còn muốn vun quén cho con riêng của mình. Trong một gia đình mà con cái đứa được yêu thương nhiều đứa được yêu thương ít, không khí sẽ nặng nề bởi ganh tỵ, buồn tủi.
Những từ “cha ghẻ”, “mẹ ghẻ” được nói lên từ thuở xa xưa đã chứng thực tình trạng ghẻ lạnh mà những đứa trẻ con riêng của vợ hay chồng chịu đựng.
“Con không đẻ, mẹ (bố) không thương” là chuyện thường. Tuy nhiên, không thương nghĩa là không quan tâm nhiều chứ không có nghĩa là rình rập, rắp tâm hãm hại; trường hợp này vô đạo đức, ít thấy.
Ngày xưa, xã hội chuộng “lễ”, những bài học khai tâm ở trường học, ở gia đình, ngoài xã hội như “Mẫn Tử Khiên” trong Gia Huấn Ca đã kéo những ai định đi con đường ác, trở lại con đường thiện.
Nhờ giáo dục qua gia đình, qua học đường, xã hội…, cách xử sự của cha-kế hay mẹ-kế đối với trẻ mồ-côi-một-nửa ít trường hợp ghê tởm như những trường hợp đăng trên báo chí bây giờ: người làm chồng hành hạ, hãm hiếp, thậm chí giết con riêng của vợ; người làm vợ hành hạ, thậm chí giết con riêng của chồng. Những ông chồng, bà vợ loại này muốn xóa những con riêng của người hôn phối; họ tưởng còn những trẻ đó, tình yêu mà người hôn phối dành cho họ sẽ bị chia bớt; họ hành động ác độc để hy vọng chiếm trọn vẹn tình yêu của người hôn phối.
Họ không biết rằng con riêng của vợ hay chồng là quà tặng mà cuộc đời đã ban cho mình vì mình là người có may mắn – không sinh đẻ mà có con.
Họ cũng không biết rằng được nuôi con không đẻ cũng là một diễm phúc. Nuôi con không đẻ là tạo ân, một mai đứa con đó trưởng thành sẽ đáp nghĩa, và nếu con mà mình nuôi dạy không đáp nghĩa thì Trời Phật, theo tín ngưỡng dân gian, sẽ trả cho mình bằng một cách khác. Quy luật Tạo Hóa đã định là cho đi sẽ nhận lại: “donnant donnant”, “bánh ít trao đi bánh chì trả lại.
Lại thêm, việc nuôi dạy đàng hoàng tử tế con riêng của chồng hay vợ sẽ là tấm gương sáng cho mọi người trong cộng đồng noi theo; người chồng người vợ nào làm được như thế sẽ để lại tiếng thơm cho đời. Đáng trọng, đáng phục lắm! “Mua danh ba vạn” đó mà!
Tôi biết một bà từ làng trên về tục hôn với cụ ông trong thân tộc. Bây giờ, bà đã gần 100 tuổi, chồng bà đi theo Việt Minh tử trận khi bà còn ngoài hai mươi, chưa có con. Tôi hỏi vì sao bà đang mơn mởn xuân thì, lại đàng ngái xa xôi mà về chọn cụ ông. Bà cho biết mãn tang chồng, bà được nhiều người để ý, dạm hỏi, nhưng bà chọn cụ ông hiện giờ vì cụ ông có hoàn cảnh khó khăn, lại ít bà con, đang cần lắm một bàn tay phụ nữ để phục hoạt gia đình. Ba đứa con của cụ ông lại còn quá nhỏ dại, cần sự nuôi nấng vỗ về của một người mẹ. Bà lấy ông tức là góp tâm sức nuôi 3 đứa con ông trưởng thành; ý của bà là đến với người để trám lấp cái người thiếu; giá trị của sự đến-với là vậy. “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, giờ bà sống trong sự kính thương và trìu mến của đàn cháu không ai biết chung hay riêng.
Tôi cũng có quen hai thanh niên Tây phương chưa hề có vợ lấy hai phụ nữ: một người lấy vợ đã có hai con, một người lấy vợ đã có ba con; hiện mỗi cặp vợ chồng có thêm con chung; họ gởi ảnh chụp cả gia đình gồm vợ chồng, con chung con riêng, nhưng tôi không thể nào biết đứa nào là con chung, đứa nào là con riêng.
Hạnh phúc gia đình không chỉ với người phối ngẫu mà phải với con cái đã có của người này. Người lấy mẹ, lấy cha của chúng tức là làm cha, làm mẹ của chúng, phải cưu mang, coi chúng như con.
Đã lấy nhau, sống chung, mà còn phân biệt ‘con anh”, “con em”, “con chúng ta” thì gia đình không thể nào có hạnh phúc mà di họa về sau là sự chia rẽ …
*
Đừng nghĩ rằng tục hôn là chỉ để tìm khoái lạc tình dục hoặc “đào mỏ” ở nơi người chồng hay người vợ mà mình nghĩ là giàu có.
Tục hôn là để bổ sung phần thiếu nơi người hôn phối, nơi con cái riêng của người hôn phối. Tục hôn để sẻ chia, để chung vai lo việc gia đình…
Hoàng Đằng
29/12/2021 (26/11/Tân Sửu)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét