Thứ Tư, 26 tháng 1, 2022

Chuyện Cái Đùi Cui - Hoàng Đằng

                   Chuyện Cái Đùi Cui 

 

Ca dao Việt Nam có câu đọc hay nghe thấy ngồ ngộ:

“Chàng về thì đục cũng về,

Đùi cui ở lại, làm nghề chi ăn”

Chàng, đục, đùi cui là 3 dụng cụ của thợ mộc.

Chàng bằng thép có hình tam giác, một cạnh tam giác gọt,

mài sắc để chắn gỗ; góc tam góc đối xứng với lưỡi được thợ

 rèn vo lại để gắn thêm cán gỗ.

Đục cũng bằng thép, được rèn bằng một thanh thép hình

 chữ nhật, hẹp bản, tra vào cán gỗ, phần lưỡi gọt, mài 

sắc dùng để đục lỗ ở gỗ. Đục có nhiều loại: đục bủm, 

đục lộng, đục bạt…, mỗi loại có chức năng riêng để mở 

lỗ rộng, hẹp, khoét lỗ tròn, vuông.

Đùi cui còn có nơi gọi là dùi cui; cái dùi dùng để đẩy, cái

đùi dùng để đánh; chức năng dụng cụ này là đánh, 

thành thử, tôi nghĩ rằng từ “đùi cui” chính xác hơn. Đùi

cui là một khúc gỗ cứng, một đầu vo vừa tay nắm, dùng 

để đập lên cán đục, cán chàng, đẩy lưỡi đục, lưỡi chàng 

vào gỗ. Đùi cui là đồ nghề thay cho búa. Nhưng thợ mộc 

không dùng búa, vì búa bằng sắt, đánh mạnh, có thể làm 

cán đục, cán chàng bằng gỗ chóng toe.

Trước đây, thợ mộc tới cặp nhà, đóng bàn ghế tủ giường 

cho nhà nào thì ở ngay nhà chủ thuê, họ không những 

chỉ ở vào giờ làm việc mà ở đó tròn 24 giờ/ngày đến khi 

hết việc. Chủ làm lễ và tiệc tiễn đưa thợ, thợ mới về. Thợ 

ngủ nghỉ tại nhà chủ thuê, ăn uống có chủ thuê lo.

Thợ đem theo đồ nghề, trong đó có đục, chàng; ít thợ 

đem theo đùi cui. Tới nhà chủ thuê, thợ tìm trong đống 

gỗ đoạn nào làm được đùi cui, mới kéo ra cưa, chuốt 

để làm. Khi xong việc, thợ về, chỉ đem chàng, đục cùng

những đồ nghề khác về theo; còn đùi cui bỏ lại cho chủ 

nhà. Oái oăm là đùi cui để lại không còn dùng vào việc gì 

được; thân phận cái đùi cui xem ra quá bạc bẽo! Người ta 

cần thì chế tác ra dùng, không cần thì vất bỏ. Ấy là “vắt 

chanh bỏ vỏ”, là lợi dụng tối đa. Trong giao tiếp, xử sự giữa

người và người, sự bội bạc, thiếu thủy chung như thế là 

không đẹp.

Câu ca dao, ngoài bày tỏ nét tiêu cực của thế thái nhân tình, 

còn là lời chia tay đắng cay của cô gái dành cho người yêu 

bên giới nam. Nam là chú thợ mộc tới làm thuê, nữ là cô con 

gái chủ nhà thuê. Do chú thợ mộc ở trong nhà lâu, nhờ quá 

trình tiếp xúc thường xuyên, chú thợ và cô gái có tình ý với 

nhau.

Chúng ta suy đoán được như vậy vì dụng cụ thợ mộc thì nhiều, 

còn có rìu, cưa, bào, thước… mà ở đây chỉ nói đến chàng và 

đục.

“Chàng” không còn là dụng cụ làm mộc mà nói bóng gió đến 

chú thợ mộc và “đục” ám chỉ “con ấy” của chú. Còn đùi cui 

cô gái muốn dùng để ví với mình. Chú thợ gặp cô gái, đem 

lòng yêu; đáp lại, cô gái cũng yêu chú. Có cô con gái chủ nhà, 

chú thợ cảm thấy niềm hứng thú, hăng say trong công việc.

Tình yêu của hai người làng xóm đều biết; bây giờ chú thợ về 

để cô gái (cái đùi cui) ở lại; tình yêu không thành của hai 

người trở thành tì vết khiến cô khó kiếm lại tình yêu từ trai 

làng. Đó là lý do cô gái than: “Đùi cui ở lại làm nghề chi ăn”.

Cô gái xuất thân từ gia đình khá giả - có khá giả mới đủ khả 

năng thuê thợ làm việc nhà lâu dài -, biết giữ gia phong. Cô gái 

tỏ ra khôn ngoan trong ví von. Cái đùi cui, tuy không đẹp đẽ gì,

vốn xuất thân từ nhà cô; nên cô ví mình với đùi cui; lại thêm, 

đùi cui thúc đẩy đục làm việc trên gỗ, chứ đục không bao giờ 

đụng đến đùi cui. Qua đó, cô muốn nhắn nhủ rằng giao tiếp 

giữa cô và chú thợ luôn diễn ra trong vòng trinh bạch 

(chasteté - chastity).

Ngày xưa, trai gái gặp nhau, yêu nhau là chuyện thường; 

nhưng nếu chưa có lễ thành hôn, họ không dám vượt giới 

hạn cho phép của lễ giáo – tiếng lóng là “ăn cơm trước kẻng”.

Trường hợp thở than của cô gái trong câu ca dao trên cũng là 

trường hợp của đôi trai gái: một bên là con của chủ ruộng, 

bên kia chú (hay cô) thợ gặt thuê; xong mùa, người thợ gặt về 

quê; họ đem lòng nhớ nhung nhau:

“Rồi mùa toóc rã rơm khô.

Bậu về xứ bậu biết nơi mô mà tìm!


                       *****

Cái đùi cui đã đi vào tình yêu. Bây giờ, chúng ta tìm hiểu 

chuyện cái đùi cui đi vào trong lời ăn tiếng nói.

Quê tôi có thành ngữ: “Đùi cui chấm nước mắm”.

Tôi tìm trên google xem thiên hạ hiểu thành ngữ ấy thế nào.

Tác giả: OhayTV/@nhuquynh giải thích thế này: “Dùi đục 

chấm mắm cáy” – chứ không phải “đùi cui chấm nước mắm” - 

hay còn có cách gọi khác là “bầu dục chấm mắm cáy”. Ngày nay 

ta vẫn thường hay nói “dùi đục” hơn “bầu dục”; “dùi đục” chính 

là âm biến thể đọc chệch từ “bầu dục”… Bầu dục là từ Hán Việt,

… là cật lợn hay còn có cách gọi khác là bồ dục. Món này 

thuộc vào dạng ngon và hiếm. Còn “mắm cáy” là mắm gì? Cáy 

là một loại cua mỏng vỏ, “mắm cáy” chính là loại mắm được 

làm từ con cáy… Đây là loại mắm không ngon, chỉ dành cho 

người nghèo. Đem “bầu dục” ra chấm “mắm cáy” là đem 

một món ngon chấm với loại mắm không ngon cho thấy sự 

vụng về, không phù hợp... Từ đó cho thấy ý nghĩa của câu 

thành ngữ trên là để bày tỏ sự "không phù hợp, thô bạo, thiếu

tế nhị, vụng về".

Trang Lazi.vn/edu/exercise cũng cho rằng câu thành ngữ là 

“dùi đục chấm mắm cáy” và giải thích như sau: +) Nghĩa là 

nói năng thô lỗ, thô thiển, thiếu tế nhị; +) Mở rộng thêm: Dùi 

đục là vật dụng bằng gỗ hay sắt, đầu được mài, vót nhọn để 

khoan hay đục các vật chất cứng hàng ngày như gỗ, 

đá, kim loại... Mắm cáy : món ăn làm từ cáy - một loại động vật 

giáp xác, hình dạng giống như con cua, thường có ở những 

vùng nước mặn hay nước lợ -, món mắm cáy được ướp rất mặn, 

là món ăn quen thuộc của các cụ ta xưa kia. Với cách hiểu như 

trên ta thấy: Dùi đục, mắm cáy đều là những vật dụng hay các 

món ăn rất đỗi quen thuộc, thô mộc, gần gũi với đời sống của 

nhân dân ta trước đây; nó có mặt hầu như hàng ngày trong bất 

cứ gia đình nhà nông Việt Nam nào.

Từ tính giản dị, thô mộc của hai khái niệm trên, ý nghĩa hai của 

cụm từ này mang tính chuyển nghĩa rõ rệt. Phép so sánh "nói 

như dùi đục chấm mắm cáy" chỉ cách nói trắng trợn, nói 

trực tiếp không giữ kẽ & thậm chí thiếu đi rất nhiều ý thanh nhã 

cần có trong lời nói. Nói cách khác, ý câu thành ngữ này tương 

đương với cụm từ "nói thô thiển".

Cả hai cách giải thích trên có phần chưa chính xác lắm với 

nhiều ngữ cảnh mà tôi gặp.

Khi câu chuyện của những ai đó đang ngon trớn, vui vẻ, một 

người chen vào một câu không dính dáng gì, lại cộc cằn, thô lỗ, 

người ta bảo: Nói chi mà như “đùi cui chấm nước mắm” rứa!

Khi những người thân yêu sống với nhau (cha mẹ con cái; vợ 

chồng; anh chị em) muốn sai bảo nhau, chia sẻ với nhau 

chuyện gì mà, thay vì dùng lời dịu ngọt, thốt lên to tiếng 

những lời kiểu mệnh lệnh, kiểu giận dữ, thì người nghe 

bực bội thường thở dài: “Nói chi mà như đùi cui chấm nước 

mắm!”

Vợ chồng xưng hô với nhau bằng các từ “mày”, “tau” cũng 

được xem là “nói như đùi cui chấm nước mắm”.

Anh xưng với em “tau”, “mày”, cha mẹ nói với con cháu mà 

dùng “tau”, “mày” cũng là “nói như đùi cui chấm nước mắm”…

Viết status hay comment trên mạng xã hội mà dùng những 

từ ngữ đốp chát, hằn học cũng gọi là “nói như đùi cui chấm

 nước mắm” …

 

Nước mắm là gia vị để cho lát thịt, miếng dưa khoái khẩu hơn.

Cái đùi cui gỗ sần sùi, toe tua… chấm vào nước mắm không có 

ích gì hết, tốn hao lượng nước mắm, lại còn dơ, hôi hám, trở 

thành vật ghê tởm”; ai mà dám cầm nữa!

Lời nói, ý nói, cách nói… phải lựa chọn kỹ, suy nghĩ kỹ trước

khi phát ra. Lời nói, ý nói rất dễ mắc sai lầm, cách nói không 

khéo léo có thể gây thù oán, xung đột. Không cẩn thận, lời nói, 

ý nói, cách nói gây tai hại không những cho mình mà còn cho 

người khác. Nói ra thì dễ, nhưng khi thấy nói không phải, 

muốn rút lại cũng vô phương, bởi vì “nhất ngôn ký xuất, tứ 

mã nan truy” (Lời nói thốt ra rồi, bốn ngựa đuổi khó kịp).

Bên Tây hay bên ta, đâu đâu cũng dạy cẩn thận trong nói năng.

Tây thì “Phải uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” (Il faut 

tourner la langue sept fois avant de parler).

Ta thì: “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa 

lòng nhau”.

Tôi gần hết đời rồi, ngày ngày vẫn còn tập ăn tập nói; vậy mà 

cũng thường phạm sai lầm; hèn chi có người đúc kết: học chi 

cũng có ngày tốt nghiệp, còn học làm người thì không…


                      Hoàng Đằng

                       19/01/2022 (17/Chạp/Tân Sửu) 

Không có nhận xét nào: