Thứ Ba, 9 tháng 8, 2022

NHỮNG BÀI THƠ 4 CÂU - Đặng Quang Tâm


NHỮNG BÀI THƠ 4 CÂU

1. THƯƠNG NHỚ
Tôi ở trời Đông, em trời Tây
Gửi thương theo gió, nhớ theo mây
Bao giờ gặp lại nhau lần nữa
Đêm sẽ là đêm chẳng đợi ngày

2. CHIA TAY
Rồi phút chia tay cũng bắt đầu
Kéo dài cũng chẳng được bao lâu
Ngậm ngùi thương cảnh đời lưu lạc
Biết sẽ về đâu, đi đến đâu

3. NHỚ ÔNG TRÌNH MINH THẾ NÚI BÀ ĐEN
Núi vẫn còn đây, ai nhớ núi
Người đi, ai nhớ đến người đi
Hồn ai phảng phất trong mưa gió
Có biết bao giờ mới biệt ly

4. CUỐI ĐỜI
Những khoảng trống này không trống nữa
Giòng đời đã khép lại từ lâu
Ba sinh giờ chỉ còn hương lửa
Bẻ một vòng cong để chứa sầu

5. MỘT SỐ KHÔNG
Tôi vẻ trong đầu một số không
Nhốt vào trong đó những chờ mong
Ngày sau chẳng biết ra sao nữa
Khi hết còn nghe tiếng sóng lòng

6. NHỚ SƯ GIÁC HIẾU Ở ĐÀ NẲNG
Người tưởng dưng lại hoá thân
Người xa ngàn dặm hoá ra gần
Nhớ nhau có mấy lời thăm hỏi
Còn sống hay là đã cố nhân

7. BƠ VƠ
Như cánh chim bay lạc mất đàn
Về đâu khi đò đã sang ngang
Trường giang cuồn cuộn từng cơn sóng
Cuối nẻo sông hồ hợp lại tan

8.  VÀO ĐÔNG
Trời đã vào Đông lạnh gót hồng
Nhà ai mở cửa đón chờ mong
Tôi nghe đâu đó ai hò hẹn
Như mới hôm nào em nhớ không.

9.  IM LẶNG
Vừa ở nơi xa mới trở về
Căn phòng le lói bóng trăng treo
Dựa lưng vào vách tường im lặng
Văng vẳng nhà ai tiếng trẻ reo.

10.  CHIA TAY
Thôi thế là thôi là thế đấy
Đường đời muôn sự kể từ đây
Mai nầy gặp lại ai còn nhớ
Lời hẹn ngày xưa khuyết với đầy.

11.  VỌNG CỐ HƯƠNG
Có những buổi chiều trời lặng gió
Tôi ngồi bên cửa ngắm mây cao
Trời xanh không một cùm mây trắng
Để định quê tôi ở hướng nào

ĐẶNG QUANG TÂM
July 3-2019

* Khi bài thơ này đăng trên báo mạng lần đầu tiên, nó có cái tựa Những Bài Thơ Không Đề. Sở dỉ như vậy là vì mạng đó ở trong nước, sợ có tên ông Trình Mình Thế (1922-1955) sẽ khó khăn cho họ. Nay tôi đăng lại trong tập thơ của tôi, tôi muốn đặt cho mỗi bài 4 câu này một cái tên cũng như chia sẽ một chút lịch sử của nó.

* Nhà Thiếu Tướng TMT ở cửa số 5 nội ô Toà Thánh. Lúc ông Ngoại tôi còn bán báo ở cửa số 4, ông TMT thường đi bộ đến mua báo. Ông bận áo bà ba đen, rất bình dân, người không biết ông, chẳng ai nghĩ ông là Đại Tá Tham Mưu Trưởng quân đội Cao Đài.
Thiếu Tướng Thế bị ám sát ngày 3-5-1955, sau khi ra hợp tác với chính quyền ông Diệm chưa được tới 3 tháng. Ông bị bắn ở sau ót, chết do 2 viên đạn, một xuyên qua mắt, một xuyên qua miệng.
Tiết Thanh Mình 1964, tôi có theo một đứa bạn đi tảo mộ thân nhân nó ở chân núi Bà Đen. Mộ của ông TMT chôn gần đó, có hàng rào chung quanh, ở đầu mộ có bức tượng của ông TMT. Mộ nằm ở vùng mất an ninh, đìu hiu, không người săn sóc. Khác xa với mộ của ba ông, ông Năm Trình Thành Quới, và mộ em ông, Trung Uý Trình Minh Đức, cả hai tử trận trong trận đánh trước Tết năm 1953. Hai mộ này chôn sát bên nhau ở Cực Lạc Mới, đường đi xuống chợ Long Hoa từ cửa số 5 đi thẳng. Mộ được sơn phết, quét dọn sạch sẽ. Mộ này có tượng của ông Đức mặc quân phục, đứng cầm mũi cây súng Garant, báng súng chống dưới đất trong tư thế nghiêm. Mộ Ba tôi chôn kế bên hai mộ này. Trước 73, mỗi năm gần Tết, ông Ngoại tôi và tôi đi dẫy mả mộ ba tôi, ông Ngoại tôi thường hay nhắc lại trận ông Năm Quới bị bao vây ở Bù Lu, và cái chết tức tưởi của bố con ông Năm Quới. Sau năm 1975, mộ của tướng Thế và mộ của bố con ông Năm Quới bị san bằng, không còn dấu tích.
Đối với tôi, Thiếu Tướng Thế là một người yêu nước, chống thực dân Pháp để dành lại độc lập cho quê hương, tiếc là ông quá tin người. Ông mất đã 66 năm, ngay cả ở Tây Ninh, hỏi tên ông chẳng mấy người còn biết. Tôi làm bài thơ này để nhớ đến ông, người anh hùng áo vải ở quê tôi.

* Năm 1968 tôi xuống Saigon học MPC ở Đại Học Khoa Học. Nguyễn Mình Việt Sơn, Trần Minh Sanh và tôi ở trọ quán cơm chay Hoà Bình đường Petrus Ký, bến xe đò đi Đà Lạt. Tiệm này của bà Tám, lúc mới di cư vào Nam, bà tạm trú ở Bắc Tông Đường trong Tòa Thánh một thời gian, ông Ngoại tôi có quen với Bà, nên Bà cho chúng tôi ở trọ từng lầu một đi học. Lầu hai, Bà dành cho mấy ông Sư phái Mình Đăng Quang ở qua đêm khi đi khất thực. Tôi quen Sư Hiếu khoảng tháng 10 năm 1969. Lúc đó, chú Tiểu bưng bình bát cho Sư Hiểu bị bịnh nặng, phải về Đà Nẳng trị bịnh, Sư Hiếu nhờ tôi bưng bình bát cho Sư. Tôi phụ Sư được chừng một tháng. Năm đó Sư Hiếu khoảng 40 tuổi, cao ráo, đẹp trai mà không hiểu sao bỏ đi tu từ năm 8-9 tuổi. Ông có tài nói chuyện rất thuyết phục, chúng tôi có rất nhiều kỹ niệm với nhau. Lần cuối cùng tôi gặp Sư Giác Hiếu là năm 1970.





Không có nhận xét nào: