Thứ Hai, 15 tháng 8, 2022

Tạp Ghi và Phiếm Luận : RẰM THÁNG BẢY (Đỗ Chiêu Đức)

 Tạp Ghi và Phiếm Luận : 

                             RẰM THÁNG BẢY
                          

                                        TRUNG NGUYÊN TIẾT
        
       Từ đời thượng cổ, Rằm Tháng Bảy là ngày Lễ Tế Tổ 祭 祖 節, cúng tế ông bà vì đã bắt đầu mùa thu hoạch; Và vì tháng bảy là tháng bắt đầu cho giữa năm về sau nên được gọi là TRUNG NGUYÊN TIẾT 中 元 節; Ta gọi là Tiết Trung Nguyên. Theo thuyết TAM NGUYÊN 三 元 của Đạo Giáo bắt nguồn từ đời Đông Hán là: Thiên quan thượng nguyên tứ phước, Địa quan trung nguyên xá tội, Thủy quan hạ nguyên giải ách 天 官 上 元 賜 福,地 官 中 元 赦 罪,水 官 下 元 解 厄. có nghĩa: Thượng Nguyên (Rằm tháng giêng) tế các quan trên trời nhờ ban phước lộc; Trung Nguyên (Rằm tháng bảy) tế các quan dưới đất mong được xá tội; Hạ Nguyên (Rằm tháng mười) tế các quan dưới nước cầu xin giải hết mọi tai ách. Sau đời Hán khi Phật giáo đã du nhập và được tryền bá rộng rãi trong dân gian rồi, thì gọi ngày Rằm Tháng Bảy là ngày VU LAN BỒN TIẾT 盂 蘭 盆 節, ta gọi là ngày Lễ Vu Lan, ngày xá tội vong nhân là tha tội cho người chết, nên mới có tục lệ cúng Cô hồn Ngạ qủy 孤 魂 野 鬼, là các hồn phách cô đơn và những con ma đói.
       Theo Kinh Chu Dịch, thì số 7 là con số của biến hóa phục sinh: "Phản phúc kỳ đạo, thất nhựt lai phục, thiên hành dã 反 覆 其 道,七 日 來 複,天 行 也。có nghĩa : Cái đạo ngược xuôi tuần hoàn, trong bảy ngày sẽ trở lại, đó là vận hành của trời". Nên số 7 là số DƯƠNG, khí dương của trời đất tiêu hao và mất đi thì trong 7 ngày sẽ tái sinh có lại. Đó là sự tuần hoàn của ÂM DƯƠNG TIÊU TRƯỞNG 陰 陽 消 長. Số 7 còn có sắc thái thần bí riêng mình như: Trên trời thì có THẤT TINH 七 星, con người thì có THẤT TÌNH 七 情, cơ thể thì có THẤT KHIẾU 七 竅, đến âm nhạc cũng có THẤT ÂM 七 音, màu sắc cũng có THẤT SẮC 七 色 (7 màu)... Nên theo Đạo giáo thì Tiết Trung Nguyên là ngày 14 (7+7) tháng 7, còn Tiết Vu Lan Bồn là ngày 15 (rằm) tháng 7.
           

      Tóm lại, tháng 7 là tháng bắt đầu thu hoạch nông phẩm; Người nông dân ngày xưa tin tưởng vào việc nông phẩm bội thu là do thần linh tổ tiên phù hộ, nên mới nhân dịp đầu Thu dùng những nông phẩm mới thu hoạch được hiến dâng lên để cúng tế ông bà tổ tiên cầu mong cho năm sau lại được mùa bội thu; Vì thế mà hình thành ngày Rằm Tháng Bảy là ngày LỄ TẾ TỔ. Đến đời Đông Hán theo thuyết "TAM NGUYÊN" của Đạo Giáo nên mới gọi TIẾT TRUNG NGUYÊN; Kịp đến khi Phật Giáo hòa nhập vào dòng tín ngưỡng của dân gian, thì ngày Rằm tháng bảy mới được gọi là LỄ VU LAN BỒN. Ba cái tục lệ tín ngưỡng nầy truyền đến đời Đường thì hợp nhất lại vào ngày Rằm Tháng Bảy: Dân gian thì cúng tế ông bà tổ tiên; Đạo giáo thì cúng tế các Địa Quan, các thần linh dưới đất để cầu xá tội; Phật Giáo thì cúng cô hồn ngạ qủy, xá tội vong nhân. Nói chung, tất cả mục đích cuối cùng đều xoay quanh hiếu đạo và nhớ đến cha mẹ ông bà tiên tổ mà ăn ở cho phải đạo làm người. 
      Đến tháng bảy thì mọi người đều muốn trở thành hiếu tử, ai cũng tỏ ra hiếu kính đối với ông bà cha mẹ như bài thơ "Trung Nguyên Tiết 中 元 節" của Tống Học Nghĩa 宋 學 義 sau đây:

    草 木 升 溫 金 漫 坡,    Thảo mộc thăng ôn Kim Mạn Pha,
    借 籌 祭 祖 賞 山 河。    Tá trù tế tổ thưởng sơn hà.
    百 思 不 解 紅 塵 事,    Bách tư bất giải hồng trần sự,
    一 到 中 元 孝 子 多。    Nhất đáo Trung Nguyên hiếu tử đa! 
 Có nghĩa :
               Kim Mạn lên gò ấm cỏ hoa,
               Trên cao cúng Tổ ngắm sơn hà.
               Nghĩ hoài không hiểu đời sao lạ... 
               Hễ đến Trung Nguyên hiếu tử đa !
           

      Leo lên gò Kim Mạn nhiều hoa cỏ, mượn cớ để cúng mả cho Tổ Tiên mà nhìn ngắm cảnh núi sông; Nghĩ hoài cũng không sao hiểu được chuyện trên đời nầy, hễ cứ đến Tết Trung Nguyên thì ai cũng tỏ ra mình là người con có hiếu cả!
      Thường các lễ hội cúng bái cầu đảo đều diễn ra ở bên ngoài các Đạo Quán 道 觀 (là Chùa của các đạo sĩ tu luyện) với các tục lệ như thả đèn trời, thả đèn hoa đăng dưới nước... cùng với các nghi thức Tế Địa Quan của các Đạo Trưởng như trong bài thơ "Trung Nguyên Nhật tặng Trương Tôn Sư 中 元 日 贈 張 尊 師" của Lệnh Hồ Sở 令 孤 楚 như sau :
         
  偶 來 人 世 值 中 元,    Ngẫu lai nhân thế trực Trung Nguyên,
  不 獻 玄 都 永 日 閒。    Bất hiến Huyền Đô vĩnh nhật nhàn.
  寂 寂 焚 香 在 仙 觀,    Tịch tịch phần hương tại tiên quán,
  知 師 遙 禮 玉 京 山。    Tri sư dao lễ Ngọc Kinh san.
   Có nghĩa :
               Nhân gian nhằm lễ Trung Nguyên,
               Huyền Đô tạm gác lặng yên cả ngày.
               Khói hương đạo quán không ai,
               Biết thầy đã lễ tận đài Ngọc Kinh.
 
      Ngọc Kinh Sơn là tên của núi Huyền Đô nằm trong dãy núi Côn Luân. Theo Đạo Giáo tương truyền đây là nơi của những người đắc đạo thành tiên ở, là nơi giáp ranh với Thiên đình trên trời.
 
      Việt Nam ta không có lệ thả đèn trời, nhưng trong dân gian lại có tục Thắp Đèn Trời, có nghĩa là khi thắp nhang cúng xong thì để yên các ngọn đèn và hương hoa ở ngoài trời cho đến sáng, như câu ca dao Nam Bộ sau đây:

                     Mỗi năm mỗi thắp đèn trời,
                 Cầu cho cha mẹ sống đời với con !

      Đây cũng là cách đơn giản chân thành biểu hiện tấm lòng của người con hiếu thảo đối với công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha. 

      Tết TRUNG NGUYÊN truyền sang đến Việt Nam ta thì không còn mang sắc thái của Đạo giáo nữa mà hoàn toàn thiên về các nghi thức cúng bái cầu an của Phật Giáo; đặc biệt là đối với cha mẹ thì đây là mùa "Vu Lan Báo Hiếu"; chữ Nho gọi là VU LAN BỒN 盂 蘭 盆 : Còn gọi là VU LAN BỒN HỘI 盂 蘭 盆 會 hay VU LAN THẮNG HỘI 盂 蘭 勝 會. Căn cứ theo ghi chép của "Phật Thuyết Vu Lan Bồn Kinh 佛 说 盂 蘭 盆 经",Vu Lan Bồn 盂 蘭 盆 là(ullambana)Tiếng Phạn là उल्लम्बन,Nghĩa gốc của VU LAN là "Treo Ngược", BỒN là "Cái Chậu", nên VU LAN BỒN 盂 蘭 盆 là: cái Chậu dùng để đựng đầy ngũ qủa bách vị cúng dường Phật Đà và Tăng Lữ để cùng cứu khổ cứu nạn cho chúng sinh bị treo ngược dưới địa ngục Âm Phủ được siêu sinh hóa kiếp.
    VU LAN BỒN theo PHẬT GIÁO 佛 教 là ngày rằm tháng 7 Âm lịch, ngày xá tội vong nhân, thí thực cho cô hồn ngạ quỷ, nhưng theo ĐẠO GIÁO 道 教 ngày rằm tháng 7 gọi là Tiết Trung Nguyên, là ngày đản sinh của Địa Quan Đại Đế 地 官 大 帝, nên có lệ tế đất đai và cúng bái người chết, còn theo NHO GIÁO 儒 教 thì là mùa thu hoạch, nên con cháu cúng tế ông bà tổ tiên. Kết hợp Tam Giáo và các tục lệ dân gian lại, nhưng nhộn nhịp nhất vẫn là hoạt động của các chùa chiền trong lễ hội Vu Lan với sự tích Mục Kiền Liên cứu mẹ 目 犍 連 救 母.
               

      Mục-Kiền-Liên (tiếng Pali : Moggallāna; Tạng ngữ: མོའུ་འགལ་གྱི་བུ་, Hán tự: 目 犍 連; tên Latinh hóa: Maudgalyayana, Mahāmoggallāna hay Mahamaudgalyayana) hay gọi tắt là Mục-Liên (目 連) (Sinh khoảng năm 568 - mất khoảng năm 484 trước Công nguyên ở nước Magadha, nay thuộc miền Bắc Ấn Độ) là một vị Tỳ-kheo của Phật giáo trong thời kỳ Phật Thích-Ca Mâu-Ni tại thế. Cùng với tôn giả Xá-Lợi-Phất 舍 利 弗, Mục-Kiền-Liên là một trong hai đệ tử hàng đầu của Phật Thích-Ca. Ông đã đắc quả A-la-hán và trở nên nổi tiếng là bậc "Thần thông đệ nhất" (Manda Galỳayana) trong hàng Thanh Văn đệ tử của Đức Phật.
       Theo truyền thuyết Phật giáo Bắc Tông, Mục-Kiền-Liên được cho là đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông qua đó biết mẹ mình đang lâm kiếp ngạ quỷ; ông hỏi Phật Tổ về cách cứu mẹ.
       Phật dạy rằng:
       “Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để vận động chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó ”
      Theo lời Phật, mẹ ngài được giải thoát. Phật cũng dạy rằng chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu Lan Bồn Pháp 盂 蘭 盆 法 ).
      Từ đó ngày lễ VU LAN ra đời.
         

      Trong khi Phật giáo thí thực cho các cô hồn ngạ qủy bằng ngũ cốc rau củ qua quả, thì Đạo giáo lại cúng bằng "tam sên", đọc trại của từ TAM SANH 三 牲 là Heo, Gà, Cá. Nhớ hồi nhỏ khi thấy mấy ông thợ mộc động thổ cất nhà thường cúng "tam sên" bằng: Một miếng thịt ba rọi luộc, một qủa trứng gà và một con khô mực (hay một con tôm luộc) để tượng trưng cho TAM SANH; còn ở các Đạo quán thì lại cúng rất linh đình với: Một con heo quay, một con gà luộc và một con cá rán; Các Đạo quán lớn cúng bằng NGŨ SANH 五 牲 thì thêm một con bò và một con dê thui nữa! Ta hãy nghe bài thơ "Trung Nguyên Tiết Hữu Cảm 中 元 節 有 感" của Vương Khải Thái 王 凱 泰 đời Thanh thì sẽ rõ:
 
  道 場 普 渡 妥 幽 魂,    Đạo tràng phổ độ thỏa u hồn,
  原 有 盂 蘭 古 意 存。    Nguyên hữu Vu Lan cổ ý tồn.
  卻 怪 紅 箋 貼 門 首,    Khước quái hồng tiên thiếp môn thủ,
  肉 山 酒 海 慶 中 元。  Nhục sơn tửu hải khánh Trung Nguyên!
  Có nghĩa :
                Đạo tràng phổ độ u hồn,
                Vu Lan cổ ý trường tồn mãi đây.
                Lạ thay giấy đỏ dán đầy,
                Núi thịt biển rượu mừng ngày Trung Nguyên!
              


       Lượm lặt trên mạng, kể lể cho vui lúc trà dư tửu hậu. Chúc cho tất cả mọi người đều có được một mùa Lễ VU LAN BÁO HIẾU có ý nghĩa, vui vẻ và... hiếu thuận với cha mẹ cũng như được con cháu hiếu thuận với mình.

          Hẹn bài viết tới !
                           
                                                       杜 紹 德
                                                    Đỗ Chiêu Đức 









Không có nhận xét nào: