Kể Từ Ngày Ấy
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng
Nghe hơi nồi chõ tôi hồi cố quận để dòm dỏ tết Quý Mão, bởi tôi là dân bợm bãi sáng say chiều sỉn với “lỳ một lam”, tức… làm một ly. Ông bạn nhậu Nam Kỳ gửi gấm bạn ông thuộc tạng “làm ít ly” tức… y một lít, hẻm nào cũng biết, ngõ nào cũng hay. Ngoài ra bạn ông là dân nhậu, là dân làng Nho, làm như là hậu thân của cụ Lãng Nhân Phùng Tất Đắc với Giai thoại làng nho, Chuyện cà kê, Chơi chữ. Bạn ông sẽ cà kê tích này tích nọ để tôi tha hồ vọng văn sính nghĩa mà nói chữ, nhưng ấy là chuyện sau. Chuyện bây giờ, tôi cứ bám như cua cắp với bia đá, bia ôm, bia nào cũng vậy, làm sao em biết bia đá không say. Nhưng bụng dạ tôi cứ búi bấn chả lẽ… đàm hoa lạc khứ tới con hẻm 189 Cống Quỳnh có nhăm quán thịt chó để sơi… thịt mèo chăng.
Về đến phi trường tôi mới chớ phở ra gã hành nghề… ”lái xe”. Ngẫm ngợi cũng tốt thôi, vì Sài Gòn đầu đường cuối ngõ gã là… “thổ dân”. Xe chạy túi bụi, buồn tình dòm bên đường chỉ thấy văn hóa Hamburger, Starbucks liêu xiêu ngoài phố. Tôi gọ gạy có chốn nào… “bia tô rượu bát” chăng. Gã cũng là Nam Kỳ rặt, nên “dà” một tiếng và lái lụa tiếp.
Lát sau ngừng ở chân cầu Thị Nghè, nhìn bảng tên Quán Lá Mơ.
Thò đầu vào quán, bộp vào mặt một dàn bình bự sự có “thương hiệu” hết nhất xà, tới tam xà nhất điểu, đến ngũ xà nhất điểu… Mắt như rắn ngày va vào cái tam xà, chôm chỉa chữ nghĩa báo chợ, báo chùa bấy lâu. Tôi lêu bêu với gã ắt hẳn là ba con mang bành, cạp nong, hổ trâu chi đây. Chỉ bình ngũ xà, tôi khua môi múa mép chém chết là một mang bành, một cạp nong, một hổ trâu, một rắn ráo, một mai gầm… Gã lặng lờ châm điếu thuốc làm như không nghe vì quán xá đang ầm ào, họ buôn chuyện thịt chó như một di sản văn hóa lâu đời. Thấy gã không mặn với rắn cho lắm. Không nói chuyện rắn thì “khảo luận” về… chó vậy. Số là con cún nhà tôi cũng xơi đậu rán như người nên tôi nhãn kiến vi thật với gã chó có giác ngộ như người ta không. Gã làm một hơi thuốc từ tốn thở ra… mây, và “dà” một tiếng và… cà kê mà rằng chuyện của tôi không hay hớm bằng chuyện của gã:
“…Ông già tôi là dân nhậu khét tiếng từ Hóc Môn đến Bà Điểm với rượu đế Hóc Môn. Chính vì ông già tôi là bợm nhậu nên bà già tôi không thể nào chịu được cái cuộc tình giãy chết này nữa. Bà đành lặng lẽ dắt hai đứa con thơ kéo nhau về cắm dùi ở cái thôn Quảng Phước xa xôi hẻo lánh để làm lại cuộc đời…”
Vừa lúc người phục vụ ló đầu ra, gã nói cho cái ché da lươn và hai cái chén Tống. Tôi hỏi gã mình vào đây uống ruợu rắn chứ… lươn lẹo gì? Gã lươn khươn rao đầu làm cái nhất xà nhẹ hều như rượu Mao Đài thời… Mao Trạch Đông nên nhà hàng rót vào ché cho thanh cảnh. Năm ngày bảy tật của tôi hay hóng hớt chuyện chữ nghĩa nên phang ngang bửa củi chén Tống theo cụ Vương Hồng Sển, trước dùng để uống rượu, đến đời Thanh vì…tửu lạc vong bần nên để uống trà. Nghe rồi, gã cứ lựng bựng chuyện con chó và… cái cối xay:
“…Vậy mà ông cũng tìm ra được tông tích của ba mẹ con tôi rồi cũng rút binh về theo. Tuy nhiên cái tình mặn nồng ngày xưa không còn nữa. Túng quá ông phải tự làm lấy một cái chái nhỏ che đỡ mưa nắng, núp dưới bóng cây xoài to, sát bên bờ giếng làm chỗ trú ẩn, coi như tạm cắm dùi chung trên cùng mảnh đất, ở ngay sau cái chòi má con tôi ở.
Hai người như hai cái tai của cái cối xay, người ở đằng trước thì kẻ ra đằng sau, người ở trong nhà thì kẻ phải ở ngoài hoặc ngược lại. Cũng chính vì cái nỗi buồn đơn độc này mà ông già tôi phải tìm cách nuôi một con chó làm bạn. Thoạt đầu ai nấy đều lắc đầu bởi ông già tôi ngoài cái chuyện nhậu nhẹt, ông còn là một tay mần thịt cầy nổi tiếng nên không ai tin tưởng ông một khi con chó bắt đầu lớn. Ấy vậy mà mối tình thủy chung này lại kéo dài đến cuối cuộc đời của hai "người" còn hơn là mối tình lớn của ông với bà già tôi.
Con Đốm hiện diện trong nhà tôi từ ngày ấy ở Trung Chánh Bà Điểm quê tôi…”
Vừa lúc người phục vụ mang ra đồ nghề với “cái trước để uống rượu, sau cũng để… uống rượu”. Gã làm một cái chóc như Mỹ uống Whisky Jack Danniel. Tôi nghĩ vụng: Một là gã lạng quạng với rượu Mao Đài của Mao Trạch Đông. Hai là cách uống rượu cái một như Nhật uống trà đạo làm cái chóc, uống nạp kiểu này thì tôi từ chết đến bị thương. Bởi gã thuộc diện nho táo, tôi nho nhe theo Tàu là bán tử bất hoại.
Trong khi ấy gã bòn mót chuyện con chó mẹ với… cây xoài:
“…Từ hôm ông già tôi ôm con Đốm về nuôi đã gây ra một bầu không khí chộn rộn trong gia đình không ít. Má tôi hứ cho một câu "Cơm không có mà ăn còn đem chi cái ngữ ấy về nuôi, giỏi lắm được năm ba bữa nửa tháng là vô bụng". Bà thường nói trổng từ trong nhà vọng ra cốt cho ông già tôi nghe cho bõ tức. Riêng anh em tụi tôi thì đặt nhiều dấu hỏi to tổ chảng là không biết con Đốm con sẽ ăn uống thế nào khi con mắt còn nhắm rít.
Cơn lo lắng của ông già kéo dài mấy ngày trời thì đột nhiên bữa nọ, cả nhà bỗng thấy con chó mẹ không biết từ đâu tới đang nằm xoải mình ra bên cạnh gốc xoài cho con Đốm con bú. Thế là vấn nạn trước mắt được giải quyết...”.
Cũng làm một chén nhất xà như gã, làm như mắc chứng từ ám Hán tự với chữ “y” là thuốc, chiết tự trong chữ “y” có chữ “tửu” là rượu. Tôi sơn đông mãi võ rằng con bìm bịp… có võ, nó xà xuống cắp rắn con bay lên cao thả xuống là rắn chết tươi. Tôi hươu vượn rượu tam xà nhất điểu để chữa bệnh… phong thấp và… hoạt tinh. Gã nhìn tôi bằng nửa con mắt rùa và hòm hõm rằng bìm bịp là giống chim nhỏ hơn gà, lông nâu, đầu đen, đuôi dài, kêu “bịp bịp”. Khi bị gẫy chân, nó tự chữa trị lấy bằng cách đi kiếm lá bìm bìm hình chân vịt hay lá bìm bìm xẻ ngón về đắp chân.
Gã lắc đầu, ngỡ lắc đầu về phong thấp và hoạt tinh. Hóa ra không, gã đùm đậu:
“…Được mấy ngày, anh em tôi ra gốc xoài nhưng không còn thấy bóng dáng con chó mẹ đâu nữa. Chúng tôi biết nó đã thật sự gặp chuyện chẳng lành ở quán thịt chó đâu đó…”
Bỗng không gã như ông đồ nát chữ của dân làng Nho chơi chữ mà rằng chiết tự chữ tửu 酒 viết là dậu. Vì chữ dậu là chữ thuộc loại độc thể tự. Là tự hình, là hình vẽ một cái bình đựng đầy rượu. Xong, gã gọi bình tam xà nho nhỏ cho hai người. Gã vẫn có cung cách uống rượu rất kỳ cổ: bày hai cái chén sành trước mặt. Hai tay gã bưng bình rượu lên. Vô tửu bất thành lễ, gã rót cho tôi trước, cho gã sau. Cái chén sành “ngồi” thù lù trước mặt gã. Gã cúi đầu xuống cái chén hít nhẹ, cung cách trang nghiêm của một tửu đồ đi tìm vô ưu, vô thường của tửu đạo. Cũng hai tay, gã đưa cái chén ngang miệng, mặt mày tĩnh không, tĩnh lặng. Lại nữa, hốt nhiên gã ngửa cổ ực một cái nhẵn thín như nghi lễ trà đạo, của thiền sư. Rồi khà một cái, vẫn khuôn mặt vô ưu, vô minh ngập u u minh minh:
“…Đốm con bây giờ lâm vào cảnh mồ côi. Không được mẹ liếm láp nên lưng bị đốm ghẻ nhỏ biến thành lác. Tháng ngày qua đi, tụi chó con hàng xóm chúng bắt đầu ăn cháo thêm để bù vào khoản cai bú sữa mẹ. Nhưng thảm thương cho Đốm chẳng bao giờ nó được bữa no, vì bị lũ đồng loại lớn con đẩy bắn ra ngoài khi Đốm len vào xin ăn …”
Nói cho cùng, tôi là thằng mềm môi uống rượu mẻ bát thiên hạ, nhưng thú thực chưa được nếm cái thứ rượu quái quỷ này đây bao giờ. Gã hỏi tôi đã không? Cái đầu tôi bồng bềnh trên sóng nước con sông Thị Nghè ngoài kia với tửu nhục bằng hữu, hiểu lơ mơ lỗ mỗ là… là rượu thịt là bạn. Nghe qua tai, chui ra miệng gã:
“…Sau nhiều ngày lang thang trong sân, thấy cu Tí em tôi đang làm việc bài tiết, đói bụng quá, Đốm làm liều, xơi trọn chỗ cu Tí vừa thải ra. Đó là lần đầu tiên Đốm ăn bẩn. Chả lẽ chó lại chê cứt, thế là từ đó, Đốm xục sạo khắp nơi, không hẳn là phân người, đến phân gà, phân heo Đốm cũng không từ. Vì ăn bẩn quá, bụng Đốm càng phưỡn ra với cả núi giun sán. Có nhiều ngày Đốm ói ra mật xanh nanh vàng, kinh khiếp không thể chịu nổi…”
Gã nâng chén rượu làm cái “chóc” như uống nước rau muống luộc. Rồi gã ”dà”:
“…Mỗi khi ai trong gia tộc Đốm đi ngang qua ả, ả nhe răng trợn mắt ra gầm gừ đe doạ... Ngày tháng trôi qua, mặc cảm cũng đi theo Đốm vào tuổi xuân thì, nó vẫn mơ về một anh chó đực đẹp trai để cùng nhau mơ mộng duyên đầu. Nhưng anh chó đực nào cũng xa lánh vì cái thân thể nhỏ thó gầy gò và hôi hám vô cùng tận của Đốm. Những khát khao xuân tình không được thoả mãn, Đốm càng hận đời đen bạc, hận kẻ bạc tình…”
Y xì như tôi nói chữ: tửu nhục bằng hữu, với rượu thịt là bạn. Đĩa chả chìa vàng ươm, thơm điếc mũi đưa ra. Chẳng thiếu lá mơ xanh tím, lát riềng thái mỏng trông thật bắt mắt, làm lục phủ ngũ tạng tôi cứ nhiễu nhương cả lên. Vì dòm đĩa thịt đẹp một cách… điêu đứng. Tôi thầm nhủ nào có ăn không thì bảo. Nhưng nghĩ sao lại thôi, bởi dẫu sao gã cũng là khách nhậu của tôi hôm nay. Cứ như ông bạn tôi ở đất tạm dung tiến cử thì gã thuộc tạng “bia tô rượu bát”, trời nắng chó trắng, trời mưa chó vàng làm tuốt luốt. Thế nên gã chả vội gì, nhón lá húng xanh thao thiết bỏ vào miệng nhóp nhép. Và tiếp:
“…Ở đầu thôn có một con chó già, đã bị xà mâu lâu năm, nay nó đã yếu lắm, mắt luôn đổ ghèn và đi cà nhắc. Có lần Đốm ghé qua thấy vậy, bèn nhủ lòng là: "Có lẽ duyên phận mình buộc vào chỗ này đây!" Và quả như vậy thật, khi có những dấu hiệu của giống cái xuất hiện, Đốm đã đến nằm bên lão chó già kia gạ gẫm dâng hiến. Lão chó già lâu ngày bị bỏ rơi, cô đơn tận cùng, nay của "giời cho" nên rất vui mừng đón nhận cảnh giới ấy. Đốm tự dưng mượt mà hẳn ra, còn lão chó già thì dường như trẻ lại, lão thương Đốm vì Đốm đã đến cứu nguy đời sắp tàn phai của lão! Đốm lớn lên và trông "đẹp gái" ra trông thấy…”
Qua “rao” đầu. Học gã, tôi hai tay bế cái chén sành “Made in Bình Dương” ực một quả ra trò như cụ Phan Thanh Giản uống thuốc độc. Gã lại hỏi tôi đã không. Gãi đúng chỗ ngứa, tôi ực tiếp cữ thứ ba. Cái say lừ đừ từ chân tóc bò xuống gót chân. Chợt nhớ ra gã là hậu thân của cụ Lãng Nhân, tôi tha hồ nói chữ: tửu phùng tri kỷ thiên bôi tửu, thoại bất đầu cơ, bán cú đa ra cái điều gặp bạn như gã rượu uống bao nhiêu cũng thiếu và nếu tôi có nói nửa câu cũng là nhiều. Ngỡ tôi nhắc khéo… hết rượu, gã ới cái tam xà nhất điểu và hai cái ly. Thế nhưng ở cái quán bát nháo này cái ly đây là… ly nhựa. Mắt tôi tròn dấu hỏi. Không trả lời, gã nhẹ nhàng nhấc cái ly nhựa lên với một phong thái Tây uống rượu vang: Khoan thai xoay xoay cái ly. Đợi hơi rượu… thở ra, nhấp từng ngụm nhỏ. Cùng lúc mồi điếu thuốc, lờ đờ nhả khói và “dà” với tôi là “thiên bôi thiểu” chứ chẳng là… thiên bôi tửu”.
Chả là tôi là thằng ăn thịt chó lờn môi với mưa nắng làng nhàng chó nào cũng được. Đĩa sườn nướng nằm như đắp mô ở trên bàn, miếng bằng ngón tay, vừa nạc vừa mỡ béo ngậy, thịt chín vàng nghệ. Ấy vậy mà gã cũng chưa chịu đụng bát đụng đũa cho. Tôi nhấp nhổm định gắp một miếng thịt nướng thơm nhẫy trước mặt, kèm theo lá mơ chấm với mắm tôm chanh đường vừa chua vừa ngọt, giời đất ạ, thì ngon đến thiu cả người. Vậy mà gã vẫn nhịn như nhịn cơm sống, vẫn chưa chịu xơi cho, hay là vì lá mơ trong Nam gọi là lá thúi địt nên gã thấy… thối inh. Tôi đang bối rối như sư đẻ với tiếng Bắc, tiếng Nam thì gã nhấc ly lên và quắn quả mà rằng chuyện con chó nhà tôi đớp đậu rán, tức “ăn chay” là có… Phật tính. Nhưng nào có bằng chuyện con chó ở chùa của ông già gã qua Tết Mậu Thân. Úi chà gay đây!
“…Tết Mậu Thân, giặc cộng tràn về làng và đánh nhau với quân đội quốc gia. Chòm xóm cho hay con Đốm bị đạn lạc nằm sau gốc cây xoài, khi cả nhà đi di tản xuống Sài Gòn. Cuối cùng nó lết ra bờ sông, hơi nước bốc lên khiến Đốm hồi tỉnh lại, nó nằm rên oán hận loài người đã đẩy nó vào bước đường làm ma không chồng. Nhưng nó chỉ bị thương và cái thai bị hư bị đẩy ra ngoài. Nó ứa nước mắt nhìn dòng đời lững lờ trôi qua mõm nó.
Chợt có tiếng bước chân rất nhẹ đi đến bên Đốm, nó thấy một người mặc áo nâu ẵm nó lên. Lần đầu tiên trong đời Đốm thấy có cảm giác không phải hận thù, mà là ấm áp trong lòng! Người ẵm Đốm là sư cụ chùa làng, sư cụ mang Đốm về chùa. Sư cụ tự tay mổ vết thương và gắp đạn ra cho Đốm và băng bó khâu lại vết thương cẩn thận…”
Đảo mắt ra ngoài bờ sông, mưa lâm thâm… Tôi ung dung tự tại với những lát thịt cháy vàng mỏng, ngào ngạt thơm phức. Thấy cả nạc, mỡ, sụn, gắn bó với nhau. Tôi ực thêm ly tam xà nhất điểu nữa cho đã điếu, ngất ngây trong tâm thái mới nhi bất hoặc đã cổ lai hy. Gã thì không, khuôn mặt trầm ngâm được mô tả là… “rất tâm trạng”. Rồi gã làm một hớp hết nhẵn ba vạn thế giới một đáy cốc, vạn kiếp luân hồi một sát na.
Tiếp, tôi căng tai mặc sức mà nghe tích con Đốm nấp bóng thiền môn:
“…Mười ngày sau Đốm khỏi, nhờ tâm từ bi của sư cụ. Nó ở lại chùa, hàng ngày sư cụ ăn gì nó ăn nấy. Về phần ông già tôi không tu nhưng y hệt một nhà tu, thường ngồi xếp bằng trông như… ”thiền”. Một lần ông nói "Phải chi tao còn con Đốm, tao sẽ đỡ buồn hơn". Từ đó ông sinh ra cái tật đi câu cá để giải sầu. Mỗi lần ông xách cái cần với cái giỏ đi câu là tự nhiên ông thơ thới hân hoan mặc dù có lúc về với cái giỏ không. Tụi tôi ban đầu lấy làm lạ nhưng sau đó hỏi ra mới biết ông đi gặp con Đốm…”
Nghe đến câu ngồi xếp bằng như… ”thiền”, tôi lủ khủ gã kể chuyện nào khác gì… vẽ rết thêm chân. Gã lơ đãng nhấp một ngụm nhỏ. Tôi định chấm miếng thịt nướng vào bát mắm tôm ngập ớt đỏ, thì… thì gã eo óc chuyện con Đốm ở chùa.
“…Số là con Đốm từ ngày về ở với sư cụ, nó quen với cảnh chùa nên không về lại nhà tôi nữa. Ông già tôi tìm cách đi câu bên dòng sông phía sau chùa để gặp con Đốm. Con Đốm quyến luyến chủ cũ nên quấn quít bên ông gìa tôi, nó hôn, nó liếm, nó nhảy phóc vào lòng ông già như đứa bé con tìm vú mẹ. Thế là ông già tôi tự nhiên tìm lại được niềm vui. Ban đầu, mỗi lần đi câu ông thường về nhà sớm nhưng về sau ông ở lại câu khuya hơn, nhất là có bầu rượu bên cạnh và con chó cưng. Ngồi thỉnh thoảng móc mồi câu, quăng cái tủm xuống nước, đàn cá đua nhau giựt giựt cái phao, lúc nổi lúc chìm, con Đốm phụ họa sủa cá sủa trăng, trông cả hai chẳng khác nào đôi bạn thân tình nhất.
Lúc đầu con Đốm sợ sư cụ nên chỉ tìm cách trốn ra bờ sông mỗi chiều rồi lại trở về chùa. Sau đó nó bạo gan hơn, mon men theo ông già tôi về đến tận nhà, chơi qua loa với tụi tôi chừng nửa tiếng đồng hồ rồi quay về. Mấy ngày sau đó, nó về nhà tôi ở luôn. Báo hại sư cụ đi tìm. Ông già tôi thấy áy náy nên đành phải mang con Đốm trả lại chùa…”
Cũng đến lúc gã thò tay vào đĩa mồi… Rồi chép miệng “dà’ là… Tàu nó kêu hoạ xà thiêm túc là vẽ rắn thêm chân, còn Ta bịa là… vẽ rết thêm chân. Rồi gã tung tẩy:
“…Con Đốm không được về thăm nhà nữa. Ông già tôi ngày càng già, không đi câu xa ở bờ sông nên không còn gặp nó. Riêng tôi bấy giờ tôi đi học ở Sài Gòn, em tôi đi lính, ít có dịp về lại quê xưa chỉ trừ khi Tết nhất đến, nên chẳng để ý gì chuyện con Đốm nữa. Nào ngờ đúng mồng một Tết, trong lúc tôi đang ở trong nhà đón xuân, bỗng nhiên con Đốm vào nhà ngoe nguẩy đuôi mừng rỡ. Vẫn bộ lông mềm mại nhưng không dấu nổi màu sắc tàn phai vì mưa nắng. Gương mặt con Đốm tuy vẫn còn khuất trong đám lông rậm rịt nhưng vẫn không che kín được lớp da nhăn, nhất là ánh mắt không còn tinh anh như trước nữa. Ông già bà già tôi bảo nó xông cửa đầu năm chắc là may mắn. Cả nhà ngạc nhiên vì không ngờ nó chọn đúng ngày mồng một Tết mà về, sau mấy năm xa vắng…”
Đêm khuya thoi thóp, khách lèo hèo vắng dần. Nhìn vào cái ly nhựa của tôi chỉ còn một nửa, vậy mà rượu óng ánh như sương khói. Tôi cảm khái với gã viễn ly vô lượng kiếp, bất xích nhất sát na, và ngứa mồm giảng cho ông đồ nát chữ là bằng hữu dù xa cách nhưng thật gần. Làm như muốn tránh né cái cảnh tương kiến thời nan biệt diệc nan, là gặp nhau đã khó, giã biệt nhau còn khó hơn… Gã luận về cuộc đời của chó:
“…Tôi ôm con Đốm già vào lòng vuốt ve, và qua nó, biết được cuộc đời đã đổi thay nhiều lắm. Nó ở nhà tôi chơi hết một ngày mùng một Tết rồi lại trở về chùa suốt năm ở đó. Xuân năm sau, tôi bị kẹt không về thăm nhà được. Bà già tôi cho hay mồng một Tết, con Đốm lại về thăm chủ cũ thêm một lần nữa. Tôi bâng quơ, tự nghĩ như con Đốm có mối liên hệ tiền kiếp nào với gia đình tôi, sao không nó cứ đợi đến ngày mồng một Tết? Ông già tôi bệnh tật liên miên vì chứng xơ gan do rượu hoành hành nên lúc nào cũng tưởng nhớ đến con Đốm. Con thú già bí ẩn, mỗi năm chỉ gặp mặt nó có một lần vào ngày Tết.
Nghe nói hàng đêm con Đốm nằm nghe sư cụ tụng kinh Địa Tạng, Lăng Nghiêm, Pháp Hoa. Lời kinh như thấm vào trong não tuỷ của nó, những mặc cảm của nó từ xưa dường như tiêu tan hết. Đốm say tiếng kinh, mê ngửi mùi hương trầm thoảng nhẹ trong gió. Đốm thường nằm sấp, hai chân trước chấp lại xoải dài trên mặt đất. Khách lễ chùa đồn nhau về con chó nghe kinh, một đồn mười, mười đồn trăm, chẳng mấy chốc cả vùng Trung Chánh, Bà Điểm đều biết chuyện, biết tên Đốm.
Như con heo phải đèo khúc chuối, tôi cứ há hốc mồm ra nghe. Trong khi gã bình thản đưa cọng lá mơ vào miệng nhay nhay. Gã hớp thêm ngụm rượu như cá riếc tớp bong bóng nước. Tôi trộm nghĩ phong cách gã uống rượu đúng là một thiền nhân, với nho ẩm như cái thú tiêu daọ của tửu đạo. Trong khi ấy mặt gã như nước ao tù và quá đọa:
“… Cho đến một đêm, Đốm nằm mơ thấy có tiếng nói với nó rằng: "Nghiệp làm chó của ngươi đã trả hết rồi, mai ngươi xả bỏ thân súc sanh để hoá kiếp làm con người. Khi làm người, ngươi phải tiếp tục tu hành, đừng ăn càn nói bậy gây nên khẩu nghiệp. Vì kiếp trước ngươi gây nghiệp quá nhiều nên kiếp này quá nhiều khổ ải. Nhưng nhờ có được sư cụ trụ trì tụng kinh rồi hồi hướng cho ngươi, nay ngươi hết nghiệp chó rồi".
Sáng hôm sau, sư cụ thấy Đốm hai chân trước chấp lại xoải dài trên mặt đất và nằm chết trước bàn thờ Phật lúc nào sư cụ cũng chẳng hay biết. Mộ của Đốm được người làng đắp ngay tại vườn nhà chùa với hàng chữ trên bia: "Văn kinh Đốm khuyển chi mộ", nghĩa là “Mộ con chó Đốm biết nghe kinh”.
Năm sau, ông già tôi cũng theo nó về đất Phật. Anh em tôi mồ côi cha kể từ dạo đó….”
Chả nhẽ nhong nhóng ngồi ăn một mình, tôi đợi gã cầm đũa. Trong khi chờ đợi, tôi định ngâm nga bằng hữu thôi thà như mưa bay, thì chuốc cho vơi chén rượu đầy… Nhưng nghĩ lại chưa đủ thân nên quẳng hai câu thơ trong đầu ấy đi và định hỏi gã một câu hỏi…
Vừa lúc gã cạn chén và cầm đũa lên gõ nhè nhẹ vào cái bát không và thở ra.
Gã thở ra một tiếng “dà” như tiếng thở dài và buông xả từng tiếng một:
- Kể từ ngày ấy, tôi không…
Thạch trúc gia trang
Kỷ Sửu 2009
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng
(sửa lại 2020, 2023)
Nguồn: Nguyễn Sĩ Nam, Nga Mi, Mường Giang,
Vũ Khắc Khoan, Phan Tấn Hải.