Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2023

THUYỀN VỀ BẾN CŨ - Triệu Dương NLT

                              


THUYỀN VỀ BẾN CŨ


   Làng tôi ở, có nguồn nước ăn thông với một nhánh của con sông lớn. Trước mặt làng là một hồ rau muống, nối với hai cái túi chứa nước làm thành hai cái hồ ở đầu và cuối làng. Phía sau làng có hào sâu bề ngang chừng năm mét, từ tháng Mười cho đến Tết, luôn có nước bao bọc chung quanh. Đồng ruộng xanh tươi, cây lúa đang trổ bông đợi mùa gặt vào tháng Ba âm lịch. Tháng Chạp gần Tết là tháng nghỉ ngơi, ăn Tết xong mới vào mùa gieo trồng. Đêm mùa Hè, trai gái trong làng thường rủ nhau ra trước mặt làng ngắm trăng, xem nước lên. Dân trong làng tin rằng, nhờ phong cảnh hữu tình nên có nhiều cô gái đẹp, lấy chồng sang, không bác sĩ, luật sư thì cũng giáo sư, sĩ quan,v.v...Các nhà giàu, con cháu làm nên danh giá, tên tuổi để đời phần nhiều tập trung ở hai đầu làng, nhất là cạnh hai hồ nước lớn. Riêng cha mẹ tôi cũng làm nhà ở cuối hồ nước cuối làng, nhưng chúng tôi vẫn nghèo, không được giàu có danh giá như người ta. 

   Năm tôi mới lên năm sáu tuổi, bắt đầu cắp sách đi học ở trường làng thì bỗng một hôm, cha tôi bỏ nhà ra đi suốt năm không trở về. Mẹ tôi vẫn giữ thái độ im lặng, không nói năng gì. Hai chị em tôi rất buồn nhưng cũng không dám hở môi hỏi mẹ “cha đi đâu?” Ba mẹ con vẫn lam lũ tối ngày lo trồng trọt chăn nuôi, đắp đỗi qua ngày. Một hôm, nhân lúc giáp hạt, trong nhà hết gạo ăn, mẹ tôi phải chạy đến nhà giàu trong làng năn nỉ vay vài thúng lúa ăn đỡ một thời gian chờ mùa gặt mới. Có một ông già trong làng, cũng thuộc hàng trí thức ở nhà quê đến chơi, thấy mẹ tôi gánh lúa từ trong nhà đi ra, liền buột miệng nói:

   -Người đàn bà nầy gánh một gánh lúa nặng như thế mà dáng đi trông có vẻ thong dong. Tương lai sẽ khá hơn chứ không vất vả như thế nầy đâu!

   Khi về nhà mẹ tôi kể lại câu chuyện giữa đường cho chúng tôi nghe và khuyến khích chúng tôi cố gắng làm lụng và phải tin tưởng vào tương lai sẽ có ngày vươn lên được như những gia đình khá giả trong làng. Năm tôi lên 12 tuổi, mới thi đậu tiểu học thì trong làng có một nhóm sinh viên vận động mở trường trung học tư thục, lúc đầu chỉ có hai lớp đệ thất, đệ lục (tức lớp sáu, lớp bảy bây giờ). Học xong tiểu học, mẹ tôi định bắt tôi ở nhà phụ với mẹ chăn nuôi, trồng trọt để kiếm sống qua ngày. Nhà ở trứơc mặt hồ, mẹ tôi thả một bầy vịt, mỗi ngày tôi phải lùa vịt ra hồ, chiều tối lùa vịt vào chuồng. Bạn bè cùng lớp ngày xưa ở trường tiểu học thỉnh thoảng ghé thăm tôi và cho biết trong làng mình bây giờ đã có trường trung học...và đề nghị tôi xin với mẹ cho tiếp tục đi học...Tôi không dám nói chuyện đó với mẹ nhưng chị tôi biết tôi cũng ước mơ được như chúng bạn...Rồi một hôm, nhân lúc mẹ tôi vui vẻ, chị tôi liền nói với mẹ: 

   -Mẹ à! Cái con bé Xuân...mỗi ngày một lớn, mặt mày lại khôi ngô xinh đẹp chẳng khác gì con nhà giàu. Mẹ còn nhớ năm xưa cái ông gì đó nói “số của mẹ sau nầy sẽ khá giả!” hay là mẹ cho con Xuân đi học thêm bậc trung học. May ra có anh chàng nào con nhà giàu để mắt đến...thì cũng “có đường” vươn lên chứ! 


   Mẹ tôi suy nghĩ một lát rồi nói với chị tôi:

   -Ừ! Mi nói cũng có lý đó! Phải tìm cách cho con Xuân tiếp tục học mới được!...

Ngày khai giảng niên học mới của trường tư thục thôn Dương được tổ chức long trọng, có sự hiện diện của thân hào nhân sĩ trong làng và trong vùng. Ông Hiệu trưởng là một trí thức trẻ mới hai mươi mấy tuổi, con một nhà giàu trong làng, đứng ra giới thiệu hai giáo sư, cũng là sinh viên trẻ, tình nguyện giúp trường. Anh em sinh viên sẽ thay nhau mỗi tuần vài ba buổi để hướng dẫn các em học sinh.  Tôi xuất hiện trong đám học sinh mới và được mọi người chú ý. Nhiều người lớn nói với nhau: Trong đám học sinh nhà quê nầy mà cũng có đứa có nhan sắc đậm đà thế kia! Đúng là mạch đất làng nầy thời nào cũng sản sinh ra người đẹp. Trong bà con họ hàng, có người biết được hoàn cảnh của tôi...đã đến nhà gặp mẹ tôi và đề nghị tiếp tay với gia đình giúp tôi có điều kiện theo học bậc trung học.

   Thấm thoát đã qua mấy mùa học, tôi cảm thấy mình khôn lớn hẳn lên. Một hôm, đi học về, mẹ nhìn tôi:

   -Con nầy bây giờ đã trổ mã rồi! Không còn thơ bé nữa  đâu! Chẳng mấy chốc lại có người để mắt tới rồi đó.

   Tôi bắt đầu cảm thấy e thẹn mỗi khi có người ngắm nhìn mình. Thế rồi, vào dịp trước Tết Mậu Thân (1968), trường tổ chức tất niên cho học trò vui chơi. Tôi loay hay thế nào mà khi vào lớp thì thấy mọi người đã có mặt đông đủ, thầy giáo đã ngồi trên bàn dạy học. Đặc biệt hôm đó, bên cạnh thầy chúng tôi còn có một thầy khác, rất trẻ, ăn mặc chỉnh tề, tay xách cây đàn Guitare như đang sẵn sàng trình bày một bản nhạc. Tôi cúi đầu chào thầy và bạn của thầy thật nhanh, rồi chạy chẳng về chỗ ngồi ở cuối lớp.

   Thầy của chúng tôi mở lời:

   -Hôm nay, trường cho các em vui chơi tất niên, nhân dịp có bạn của thầy, một sinh viên ở Saigon về thăm gia đình. Thầy mời đến thăm trường và thăm lớp chúng ta. Anh có mang theo kẹo bánh để tặng các em “cùng nhau liên hoan cho vui”. Anh cũng mang theo cây đàn để đệm nhạc cho các em hát. 

   Cả lớp vỗ tay…Thầy của chúng tôi nói tiếp:

-À tôi quên chưa giới thiệu tên của anh: anh tên là Xuân…

Thầy chưa nói hết câu thì cả lớp lại vỗ tay vang dội. Lần này tiếng vỗ tay còn rập ràng hơn lần trước nữa và mọi người bỗng nhìn về phía tôi. Tự nhiên tôi cảm thấy e thẹn, hai má đỏ bừng, không dám nhìn về phía trước, vì tên của anh ấy trùng với tên của tôi: Xuân…

   Buổi tất niên thật vui nhộn, anh Xuân trao cho người trưởng lớp hai gói bánh kẹo thật lớn để chia cho học sinh. Rồi anh vừa đàn, vừa hát rất hay. Bạn bè trong lớp, người thì hát, người thì kể chuyện và họ yêu cầu tôi hát một bài giúp vui. Hàng ngày, tôi vẫn nghe tin tức và ca sĩ hát qua máy radio và hát theo nên cũng thuộc ít bài. Tôi mạnh dạn bước lên trước mặt mọi người và trình bày bản “Xuân Đã Về…”. Anh Xuân đệm đàn cho tôi rất ăn nhịp. Hát xong, mọi người vỗ tay, có bạn đập bàn, đập ghế khiến cho lớp học thêm ồn ào. 

   Sau khi hát xong, tôi trở về chỗ ngồi, cảm thấy bạo dạn hơn, liền nhìn thẳng về phía trước, nơi đó anh Xuân đang đánh đàn. Tôi chú ý đến mái tóc đặc biệt của anh, nhất là mai tóc rất dài xuống tận cằm như người có râu quai nón. Anh Xuân mặc một bộ áo quần màu trắng, giày trắng, không mang cà vạt, tay đeo đồng hồ, không mang nhẫn, chứng tỏ anh còn độc thân, chưa đính hôn, chưa có ý trung nhân.

   

   Giờ tan học, chúng tôi chia tay ra về. Anh Xuân hỏi tôi:

   -Nhà em ở đâu?

   -Dạ em ở cuối làng, bên cạnh hồ nước. Nhà em nghèo lắm…

   -Em tên gì ?

    Tôi im lặng không trả lời. Hồi lâu, mới nói:

   -Tên em giống như tên anh đó…

   -Hay quá hè…Mai mốt Tết, anh sẽ đến thăm.

   -Cám ơn anh.

   Chúng tôi chia tay, ai về nhà nấy, chuẩn bị ăn Tết. 

   Sáng mùng Một Tết, tôi gặp anh ở nhà thờ, cùng tham dự Lễ Minh Niên với mọi người. Anh vẫn mặc bộ đồ màu trắng như mấy hôm trước. Sau lễ, anh đi theo tôi về đến nhà, chúc Tết mẹ tôi, chị tôi. Tôi pha trà mời anh uống. Vừa xong một chén trà, anh xin phép về để đi thăm bà con họ hàng như phong tục của miền quê, nhất là làng tôi. Ngày đầu năm, sau khi đến nhà thờ dâng lễ Tạ Ơn, mọi người trở về nhà chúc Tết cha mẹ, ông bà và đi thăm bà con họ hàng. Trẻ con được mặc áo mới, màu sắc rực rỡ, kéo nhau từng đoàn theo chân người lớn đến nhà nầy, nhà khác để chúc Tết và được lì xì.

   Lúc chia tay, mẹ tôi mời anh tối trở lại ăn cơm với gia đình chúng tôi cho vui. Nhà tôi có nuôi một bầy vịt, nhưng khi vịt lớn thì đem bán lấy tiền mua gạo hay tiêu dùng việc cần thiết khác, thường ngày chỉ ăn trứng, ít khi bắt vịt làm thịt, ngoại trừ có khách ở xa đến thăm. Mẹ tôi nói:

   -Gia đình chúng tôi chẳng mấy khi có khách đến thăm, hôm nay Tết, nếu anh bận đi thăm bà con thì tối nay mời anh trở lại ăn cơm với gia đình chúng tôi cho vui. Xin anh đừng ngại, chúng ta đều là người cùng một làng với nhau cả mà.

   Anh vui vẻ nhận lời.

   Khỏang năm, sáu giờ chiều, anh trở lại với bộ áo quần màu đen, đi giày ống cao vì trời đang trở lạnh và lất phất mưa, kiểu mưa phùn vào mùa Xuân ở miền Trung và miền Bắc Việt Nam, đường đi trơn trượt, bùn lầy. Mẹ tôi đã chuẩn bị sẵn một bữa cơm nhà quê, có thịt vịt luộc, canh miến nấu với nước xúp, lòng, rau sống, cá kho, tôm rim thịt ba chỉ…bánh chưng, bánh tét, bánh ít đen, trắng và một nải chuối chín hái từ trong vườn. Ba mẹ con chúng tôi cùng ngồi chung bàn với anh Xuân, chúng tôi vừa ăn cơm, vừa nói chuyện về cuộc sống ở nhà quê…

   Anh Xuân có mang theo cái radio nho nhỏ để nghe nhạc và theo dõi tin tức trong ba ngày Tết. Đài Hà Nội loan tin quân Giải Phóng đã chiếm thành phố Huế, thiết lập chính quyền và cho ra đời Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ Hòa Bình do Giáo sư Lê Văn Hảo làm Chủ Tịch. Tin tức đó cũng được xác nhận qua các đài ngoại quốc như BBC và VOA. Tôi thấy gương mặt anh Xuân rất hoang mang, lo lắng. Chúng tôi cũng vậy. Bên ngoài, trời đã tối hẳn, ở nhà quê không có điện, gia đình chúng tôi lại ở riêng biệt, không có xóm giềng gần, chung quanh là cánh đồng lúa, chỉ có một con đường nhỏ ngang qua ruộng để vào làng. Mẹ tôi đề nghị anh Xuân ở lại với chúng tôi qua đêm, sáng mai sẽ về, không nên ra đi bây giờ, nguy hiểm. 

   Chúng tôi tiếp tục trò chuyện cho đến khuya thì nghe tiếng chó sủa từ đầu làng đến cuối làng. Con Mực nhà chúng tôi cũng bắt đầu sủa theo. Mẹ tôi bảo nhốt chó vào trong nhà, không cho nó chạy ra ngoài, rồi tắt đèn, ai ngồi đâu thì cứ yên chỗ đó và giữ im lặng không nói chuyện, để theo dõi động tĩnh ra sao.

   Đêm đó, có khoảng 20 tay súng  do anh Phụ Tá An Ninh thôn chỉ huy và một số quân nhân nghỉ phép về làng vào dịp Tết tăng cường. Anh em thường tập họp trước sân nhà thờ  rồi mới phân tán từng nhóm đi tuần phòng. Trước Tết, thanh niên trong làng chặt tre, rào làng, tăng cường kẽm gai làm chướng ngại vật, đào hố cá nhân và lập lại các đường liên lạc bí mật từ vườn nhà nầy qua vườn nhà khác, chỉ định những nơi cất giấu đạn dược và lựu đạn. Anh em nghĩ ra cách gài mìn claymore tự động, dùng pin có nối giây điện ở xa, khi địch chạm vào giây thì mìn phát nổ…Những mật khẩu, mật hiệu đã được thông báo cho mọi người thi hành vào ban đêm khi hữu sự. Anh em trong làng cũng có những loại vũ khí đặc biệt như trung liên, tiểu liên, súng phóng lựu đạn, hỏa tiễn M.72 chống chiến xa do người làng là sĩ quan, hay cấp chỉ huy ở Tiểu Khu mang về. Làng có cổng ra vào, ban đêm đóng kín lại, có người canh gác, dân không được đi lại ban đêm ở ngoài đường, ngoại trừ những người có trách nhiệm. Cách làng chừng một cây số, có một trung đội lính Nghĩa Quân xã, trang bị khá chính quy và các làng lân cận đều có lực lượng võ trang tự vệ của thôn. Địch muốn tiến vào làng, trước tiên phải vượt qua hồ nước rồi đến lũy tre làng. Cổng vào làng và các đường cấm, ban đêm cũng có gài mìn và lựu đạn, có cửa khóa lại chắc chắn…Bất cứ một nơi nào trong xã bị VC tấn công, thì các lực lượng vũ trang của xã và của các thôn lận cận sẽ tiếp viện. Sau đó, lính ở Quận (chi khu) và Tỉnh (tiểu khu) sẽ hành quân giải tỏa địch.

   Từ nửa đếm, tiếng chó sủa mỗi lúc một nhiều và khoảng một, hai giờ sáng, bắt đầu có tiếng súng nổ. Mẹ tôi là người có kinh nghiệm trải qua nhiều lần kẹt giữa bom đạn của cuộc chiến từ 1945 đến 1954, khi nghe tiếng súng của hai bên, bà đoán tất cả lực lượng của địch đều đang tập trung đánh vào làng, hy vọng chung quanh nhà chúng tôi không có ai…liền nói nhỏ với anh Xuân:

   -Anh chạy ra phía sau vườn, lẫn vào ruộng lúa và tìm cách di chuyển qua cánh đồng làng bên cạnh, càng xa bao nhiêu, tốt bấy nhiêu. 

   Anh Xuân liền chạy xuống bếp…Tôi làm dấu Thánh Giá, xin Chúa và Đức Mẹ che chở cho anh khỏi tay kẻ thù. 

   Gần sáng, tiếng súng im bặt, anh em tự vệ đã rút ra khỏi làng. Việt Cộng bắt đầu đi kiểm soát từng nhà, tập trung dân để tuyên truyền. Một “chiến sĩ gái” vào nhà hỏi:

   -Có ai ở trong nhà không?

   -Có ba người đàn bà! Mẹ tôi trả lời và mở cửa.   

   Một tên bộ đội cầm súng đứng trước sân canh chừng, còn tên “chiến sĩ gái” thì vào nhà lục xét. Hắn nhìn trước nhìn sau, thấy trên bàn còn hai, ba lát bánh tét, bèn bốc bỏ vào mồm. Hắn chạy vào buồng riêng của hai chị em chúng tôi lục xét một hồi, rồi tìm xuống nhà bếp. Ba mẹ con chúng tôi đứng nép vào góc tường, run cầm cập, không còn biết phải ứng phó làm sao nữa. Hai tên “giải phóng” ra khỏi nhà, chị tôi liền chạy vào buồng xem lại đồ đạc mới khám phá ra cái quần lĩnh mới sắm vào dịp Tết không còn. Chiến sĩ gái, nhanh như chớp, đã tuột cái quần cũ của hắn để lại và mang quần mới của chị tôi đi mất rồi. Mẹ tôi chạy xuống bếp, nồi thịt kho chiều hôm qua cũng không còn! Bọn chúng vào làng, chỉ hy vọng sẽ tìm được cái ăn của đồng bào chuẩn bị cho ba ngày Tết, vì chúng đang hành quân gấp, không có gì để làm lương thực chống đói.

   Bốn bề vắng lặng, Việt Cộng đã rút đi. Mẹ tôi liền nói với tôi:

   -Đi đi…Lên tỉnh tìm anh chị của con…Ở đây lúc nầy nguy hiểm quá... Mẹ và chị con ở lại giữ nhà…Đi mau đi… 

   Tôi hiểu ý mẹ. Mẹ muốn tôi lên tỉnh tìm người chị có chồng là lính VNCH, tạm ở đó một thời gian…Tôi bỏ một vài thứ cần thiết vào túi xách, từ giã mẹ và chị, rồi chạy thẳng ra bờ sông. Một chiếc thuyền đang đợi, anh Xuân cũng có mặt ở đó, áo quần lem lấm, trên tay không mang theo một thứ gì. Anh đã bỏ của chạy lấy thân! Mọi người đều hoảng hốt lo sợ, cố tìm cách thoát ra khỏi vùng quê này. Thuyền đưa chúng tôi qua bên kia sông, đi hết một cánh đồng, đến Quốc Lộ 1, chúng tôi đón xe vào thành phố.

   Thị xã Quảng Trị cũng bị Việt Cộng tấn công vào đêm giao thừa Tết Mậu Thân, nhưng nhờ có cảnh giác đề phòng nên đã đẩy lui được dịch, bên ta không thiệt hại gì mấy, bên địch tổn thất nặng. Quân đội VNCH truy kịch địch ra tới vùng ngoại ô. Vì thế, Việt Cộng đã kéo về vùng quê, gia tăng áp lực, uy hiếp các xã ấp của ta. Lên tỉnh, tôi đã gặp những anh em chiến đấu trong làng đêm hôm hó, kể lại diễn tiến trận đánh:

   Tiểu đoàn K.8 của Việt Cộng đã chia làm ba cánh quân tiến vào làng. Chúng không đi theo đường cái trước mặt nhưng đã đánh vào phía sau và hai bên hông. Cánh quân từ hướng Đông của địch đã dùng dao, rựa, chặt tre, mở đường. Nhưng chúng đã gặp sức kháng cự rất mạnh của lực lượng tự vệ đóng chốt bên trong. Việt Cộng đã sử dụng B.40, B.41 có sức công phá rất mạnh để bắn vào những nhà xây gạch, nơi anh em  tự vệ trong làng đang ẩn núp. Có người bị thương nên anh em phải rút lui. Khi thấy VC áp sát vào vị trí phòng thủ bên ta, ông Liêm, một người đã từng chiến đấu bảo vệ làng từ những năm 1948, 1949 thời Việt Minh trước 1954, liền bắn một trái đạn M.72, loại hỏa tiễn chống chiến xa. Tiếng nổ lớn và một cột khói bốc lên ngút trời khiến cho họng súng của chúng ở bên ngoài câm ngay. Chúng biết bên trong có hỏa lực mạnh và có lẽ đã bị tổn thương nặng, nên phải rút lui, tìm đường xâm nhập khác.

   Hướng Bắc, từ cánh đồng phía sau làng, Việt Cộng đã xâm nhập vào xóm giữa, gặp ngay ổ trung liên của anh Hoàng và nhóm thanh niên phòng thủ ở đó. Chúng phải chuyển hướng qua vườn khác, nhưng đến đâu đều bị lựu đạn ném ra  hoặc những loạt đạn từ gốc tre, bụi cây bắn ra. Anh em thanh niên di chuyển từ vườn nầy qua vườn khác theo các đường liên lạc bí mật khi hữu sự, họ ẩn núp dưới các hào tre trong vườn, đã gây thiệt hại cho Việt Cộng rất nhiều. Sáng hôm sau, Việt Cộng đã vào nhà ông Hóa, con trai của ông mới 17 tuổi, xách súng chạy trốn ngoài vườn, chúng không thấy. Trong khi đó, ông Hiên, em ông Hóa, không biết Việt Cộng đã vào nhà mình nên từ ngoài vườn, xách súng chạy dọc theo bờ ao và bị địch hạ sát. Cung, con ông Hóa, chạy qua một bức vườn khác, thấy VC đang tụ tập đồng bào để tuyên truyền. Vì muốn trả thù cho chú, Cung ôm lựu đạn bò theo hồ cá trong vườn để tấn công chúng. Chẳng may, anh bị hai tên VC ấn núp ở bên ngoài phát hiện. Ngay khi anh vừa tung lựu đạn thì một loạt AK đã bắn xối xả vào người anh. Anh ngả gục bên bờ hồ và quả lựu đạn rơi xuống nước.

   Hướng Tây, lực lượng phòng thủ của ta hơi yếu nên VC đã vào làng một cách dễ dàng. Chúng đột nhập vào nhà ông Nguyễn, con trai ông, mới 17 tuổi tay cầm hai trái lựu đạn nằm trên trần nhà. Em dự tính, nếu bị VC phát hiện thì em sẽ tung lựu đạn. Mấy tên VC vào kêu gọi, nhưng không có ai trả lời. Một “chiến sĩ gái” mang AK chạy xuống bếp lục lạo. Hắn mở chạn thức ăn, bốc bỏ vào mồm lia lịa. Ăn xong, hắn đi ra cổng. Vọng thấy chúng đi rồi liền từ trần nhà trụt xuống, chạy ra đến giữa sân thì gặp một toán VC đi ngang qua, chúng hô: “Đứng lại! Đưa tay lên!”, nhưng Vọng đã vội dấu hai quả lựu đạn sau lưng và lùi dần vào sau đống rơm. Bọn VC không ngần ngại, chạy thẳng vào cổng. Từ sau đống rơm, Vọng tung một lượt cả hai quả lựu đạn đã mở chốt. Hai tiếng nổ cách nhau chỉ một vài giây, tất cả bọn VC đó đều ngả gục tại chỗ. Vọng bèn chạy vào nhà, mở cửa sau, chui qua vườn nhà khác trốn mất.  

   Phong, một thanh niên rất trẻ và rất can đảm, đã gài sẵn bên bờ ao một qủa mìn claymore. Khi thấy một toán VC đang di chuyển vào đường hẽm, anh tìm cục pin để châm ngòi, nhưng pin không có trong túi. Anh bèn theo đường liên lạc chạy vào nhà Cố Đoàn hỏi mượn cục pin. Sau đó, anh chạy ngược trở lại vừa lúc bọn VC đang đi tới, theo hàng một. Phong liền nối giây vào cục pin và cho mìn nổ. Toán VC nằm lăn lóc trên đường hẽm gần nhà ông Hoành, ông Đại, chết không sót một tên. Người ta kể lại rằng, sau đó,  mỗi đêm ma quỷ thường xuất hiện ở ngoài bờ ao kêu rên thảm thiết. 

   Khi VC vào, anh em thanh niên võ trang rút ra ngoài, chiếm lấy khu nghĩa địa trước mặt làng để chiến đấu. Thanh niên các làng chung quanh và lính nghĩa quân xã họp lại lên đến cả trăm cây súng, lập thành một phòng tuyến, hai bên đánh nhau giữa ban ngày. Việt Cộng không dám vượt qua hồ nước trước mặt làng, chỉ dùng súng cối bắn vào bên ta mà thôi. VC vào nhà thờ bắt cha xứ và hai em học sinh giúp lễ cho cha đem đi thủ tiêu mất tích.

   Tối hôm đó, anh em nghĩa quân và thanh niên không dám vào làng, họ trốn qua làng khác. Trong một đêm mà phải thay đổi chỗ ngủ mấy lần, khi ở nhà nầy, khi ở nhà khác. Cuối cùng, mọi người bỏ làng chạy lên tỉnh. Theo lời một tên VC về chiêu hồi (đầu hàng) thì trận đánh vào làng chúng tôi hôm đó, chúng đã bị tổn thất nặng, 104 tên tử trận. Chúng rất ngán lực lượng võ trang của làng nầy. Chúng vào làng như vào một “bát quái trận đồ”, trẻ già, trai gái đều biết chiến đấu, vườn nào, ngõ ngách nào cũng có người núp để bắn lén, để tấn công chúng. 


   Trời mưa và lạnh suốt cả tháng trời, tôi chỉ quanh quẩn trong nhà. Những kỷ niệm chóng qua với anh Xuân trong mấy ngày Tết đã dần dần phai nhạt. Sau Tết Mậu Thân, anh ấy vào Sài Gòn tiếp tục học rồi do tình hình chiến sự, anh phải lên đường nhập ngũ theo lệnh Tổng động viên. Một hôm, chị Thu cho tôi biết, chồng chị phải theo đơn vị vào Đà Nẵng và chị sẽ đem tôi đi theo để giúp chị. Đà Nẵng là một thành phố lớn của miền Trung, có phi trường quân sự quan trọng hàng đầu của Miền Nam VN, nơi đó có nhiều lính Mỹ và người Mỹ dân sự làm việc. Do hoàn cảnh chiến tranh, vùng quê bất an nên người ta chạy về đây tránh chiến tranh bom đạn và tìm kiếm việc làm để sống. Theo chị vào Đà Nẵng, tôi không còn tiếp tục việc học hành được nữa mà phải ở nhà giữ cháu, nấu ăn, làm việc lặt vặt thay cho chị để chạy ra ngoài xoay xở buôn bán, kiếm tiền giúp gia đình. Trong nhà có cái radio transitor, tôi mở đài suốt ngày để nghe tin tức, nghe nhạc, nhất là đài Tiếng Nói Tự Do có nhiều chương trình rất hay, cứ mỗi giờ, sau phần tin tức lại có chương trình ca nhạc. Thỉnh thoảng chị mang về cho tôi mấy tờ báo, vài ba cuốn sách cũ: truyện tiểu thuyết, truyện kiếm hiệp,v.v. cho tôi đọc để giải trí. 

   Mấy bà vợ lính trong trại gia binh, chạy theo phong trào buôn lậu hàng hóa, máy móc của Mỹ. Họ nhờ mấy ông chồng  móc nối với lính Mỹ, mua hàng trong P.X như máy ảnh, radio, cassette,T.V, tủ lạnh.v.v…đem ra ngoài bán kiếm lời. Chị Thu suốt ngày chạy ngoài đường, để nhà cửa, con cái cho tôi chăm sóc. Một hôm, chị ở nhà để chuẩn bị bữa cơm đãi khách. Chị dặn dò:

   -Hôm nay, anh chị có mời ông xếp trong đơn vị đến nhà mình. Em phải trang điểm một chút cho lịch sự, phải khéo ăn, khéo nói, cố gắng giúp chị…đừng có điều gì vụng về, mất lòng  người ta.

   Tôi không biết nói gì hơn, chỉ “vâng dạ” mà thôi.

   Buổi chiều, sau giờ bãi sở, anh tôi theo xe của ông sĩ quan trẻ về nhà. Anh chị tôi đón tiếp ông ấy rất niềm nở. Chị Thu bảo tôi mang trà lên mời và chào ông ấy. Xong, tôi trở xuống bếp, phụ với chị bưng thức ăn dọn lên bàn. Ông Đại Úy ngồi nhậu với anh tôi. Chị tôi và tôi lo hầu bàn, tiếp tế thức ăn. Ông khách ăn nói rất lịch sự và tỏ ra có cảm tình với gia đình anh chị tôi. Có lúc ông nhìn tôi rất chăm chú khiến cho tôi phải cúi mặt vì e thẹn. 

   Đến khuya, ông khách mới ra về. Anh chị tôi rất vui vẻ vì đã mời được cấp chỉ huy đơn vị về nhà ăn cơm. Suốt ngày vất vả và lo lắng nên sau khi khách ra về, dọn dẹp nồi niêu, lau chùi chén bát xong, tôi liền đi ngủ và đã ngủ một giấc ngon lành cho đến quá nửa đêm mới thức dậy. Tôi để ý lắng nghe tiếng ai đang thì thầm, mỗi lúc một rõ hơn:

   -Không biết con nhỏ đã ngủ chưa?

   -Chắc đã ngon giấc lâu rồi.

   -Con nhỏ cũng được việc đó, cũng biết vâng lời và làm nhiệm vụ rất giỏi.

   -Con gái vào thời buổi nầy, học được vài năm trung học cũng không làm nên được chuyện gì. Rồi cũng phải tính chuyện kiếm chồng cho nó mà thôi.

   -Nếu ông Đại Úy thích nó…thì mình giới thiệu cho ông…

   -May ra ông giúp cho khỏi phải đi tác chiến…Lúc nầy, anh em ra trận chết nhiều lắm…

   -Ông cho tiếp tục ở hậu cứ, phụ trách nhà kho thì quá tốt.

   -Mình giúp nó thì nó giúp mình…cũng là có qua có lại…

   -Trời cho nó có nhan sắc…lấy chồng là sĩ quan thì còn gì tốt đẹp hơn nữa. 

   -Bản thân được nhờ, cha mẹ, anh chi em cũng được nhờ…

   Trong đêm khuya thanh vắng, tôi nhận ra tiếng anh chị tôi đang tâm sự với nhau…Thì ra, chuyện mời khách tối hôm nay là có liên quan đến việc tương lai của tôi. Anh chị tôi muốn đem tôi ra để trao đổi với ông Đại Úy…để ông giúp anh tôi được tiếp tục ở hậu cứ thay vì phải đi tác chiến như những quân nhân khác…Tôi bỗng nghĩ đến anh Xuân với những kỷ niệm của một mùa Xuân thời chinh chiến. Tôi biết anh Xuân đã có cảm tình với tôi và tôi cũng rất thương anh. Mối tình đầu, tuy hai bên chưa nói lời gì với nhau nhưng anh đã đến thăm gia đình tôi, ra mắt mẹ tôi. Những hình ảnh rất đẹp của buổi gặp gỡ lần đầu vào mùa Xuân, của hai người cùng có tên là Xuân, đang lúc tuổi Xuân…mơ ước mộng lành. Có gì đẹp hơn mối tình ngây thơ trong trắng đó của chúng tôi. Chia tay nhau ở Quảng Trị, anh về Sài Gòn, tôi vô Đà Nẵng…Cuộc đời của tôi đến đây là một ngã rẽ. Mộng ước không thành…bao giờ mới gặp lại anh: anh Xuân ơi!

   Tôi thao thức suốt đêm và không thể nào ngủ lại được. Sáng hôm sau, tôi dậy sớm, vẫn làm công việc thường ngày, giữ cháu, nấu ăn, quét nhà, lau chùi bàn ghế, coi nhà cho chị ra ngoài xoay xở kiếm tiền…Tôi mở radio, vẫn tin tức đầu giờ, vẫn chương trình tân nhạc…nhưng tất cả đều không thể lọt vào tai tôi được. Đầu óc tôi luôn nghĩ đến Xuân, tôi luôn nhớ đến anh. Hình ảnh của anh đã ngự trị trong tim tôi, ngay từ buổi ban đầu mới gặp nhau, làm sao tôi quên anh ấy được! 

   Cứ vài ba hôm, ông Đại Úy lại ghé thăm, trao đổi với tôi vài câu chào hỏi, ngồi nhậu với anh tôi mấy chai bia…Một thời gian sau đó, không biết bao lâu, tôi đã trở thành thiếu phụ mặc dù lúc đó tôi còn rất trẻ, chưa đến tuổi để làm giấy căn cước bọc nhựa của Việt Nam Cộng Hòa. Tôi lấy chồng mà không có đám cưới, không có cha mẹ họ hàng hai bên tham dự, không có bạn bè đến chung vui, chúc mừng. Từ Đà Nẵng, ông đã đem tôi vô Sài Gòn, nơi gọi là “Hòn Ngọc Viễn Đông” mà biết bao cô gái nhà quê như tôi hằng mơ ước…Rồi tôi cũng có đủ cả con trai, con gái như gia đình người ta. Quả thật ông là người có tài, đi đến đâu, ông cũng đem anh chị tôi theo đến đó. Một hôm ra chợ, tôi nghe những người vợ lính nói với nhau:

   -Vợ ông Đại úy Tiểu đoàn trưởng kìa. 

   -Mới 18 tuổi thôi đó… 

   -Chưa bằng một nửa số tuổi của chồng…

   -Lần đầu tiên thấy bà đi chợ…

   -Ông chồng cưng lắm, không cho vợ ra khỏi nhà…

   -Đẹp như tiên… có đúng vậy không?

   -Vợ có nhan sắc thì khổ cho người chồng…không thế này…thì cũng thế khác…

   Tôi không dám nhìn lại đàng sau, mua vội mấy món cần thiết rồi trở về nhà ngay. 


   Tình hình chiến sự mỗi lúc mỗi trầm trọng, mất Ban Mê Thuột, rút lui khỏi Pleiku, Đà Nẵng di tản, tái phối trí lực lượng. Ngày 30 tháng 4 năm 1975, mất Sài Gòn, mất toàn Miền Nam…Tôi, hai tay ôm hai đứa con, không thấy chồng trở về. Ông Đại Úy đã mất tích ngoài mặt trận. Tôi tìm đường vượt biên, thuyền nan lênh đênh trên biển, trôi dạt giữa sóng to gió lớn. Tôi ngước mắt lên trời, xin phó linh hồn và xác của ba mẹ con cho Chúa, cho Đức Mẹ…Gia đình chúng tôi đi chung chuyến tàu với bạn bè, đa số là dân Bắc di cư ở Ngã Tư Bảy Hiền, đã đến nước Mỹ rất sớm. Lúc đó, tôi mới ngoài 20 tuổi, còn quá trẻ, vẫn còn chút nhan sắc…Đã có biết bao người yêu tôi…Nhưng đúng là “hồng nhan bạc mệnh” tôi vẫn cô đơn, vẫn đợi chờ.

   Ba chục năm sau, tôi được tin  cha mẹ vẫn còn sống. Cha tôi đã trở về với gia đình, gặp lại mẹ tôi lúc tuổi già. Tôi quyết định trở về thăm cha mẹ, họ hàng ở Việt Nam. Từ Sài Gòn, tôi đi tàu Thống Nhất ra Quảng Trị, xuống ga Vĩnh Lại (gần Ái Tử)…Tôi đi dọc theo bờ sông, đến bến đò ngày xưa …Bên kia sông là làng của tôi. Từ xa, tôi có thể thấy tháp chuông nhà thờ, có cây đa cao đã trải qua tuổi thọ hàng trăm năm. Tôi sẽ về đó thăm cha mẹ, thăm ngôi nhà xưa, thăm cánh đồng bên cạnh hồ nước cuối làng. Một chiếc thuyền câu nhỏ bé đang đậu ở đàng xa. Tôi gọi đò. Không có ai trả lời! Tôi vẫn gọi, gọi mãi đến cả chục lần…Bỗng một chiếc đò dọc từ phía trên đi xuống, xuôi theo dòng nước…Tôi vẫy gọi. Mấy người trên thuyền lên tiếng:

   -Khách muốn về đâu?

   -Cho tôi qua sông có được không?

   -Chúng tôi là đò đọc, không phải đò ngang…

   -Đò dọc cũng được, cho tôi quá giang về thôn Dương.

   -Khách là người thôn Dương sao?

   -Phải, tôi là người thôn Dương đây.

   -Ừ thì được.

   Thuyền liền ghé vào. Và tôi bước lên khoang. Trong thuyền có năm, bảy người đang trò chuyện với nhau. Có một ông gìa, râu tóc đã bạc, nhìn thẳng vào mặt tôi:

   -Người thôn Dương thật không?

   -Thật chứ sao không? Tôi là người thôn Dương đây?

   -Có ai bà con còn lại ở thôn Dương không?

   -Cha mẹ tôi còn sống ở thôn Dương…

   -Là ai vậy?

   -Là ông bà H…

   -Vậy cô là cô Xuân đây sao?

   -Đúng rồi! Tôi là Xuân đây!

   -Tôi cũng là Xuân đây! Có nhận ra tôi không?

   -Trời ơi! Anh Xuân đây sao? 

   -Quả đất tròn, không ngờ gặp lại! 

   Thuyền dừng lại bên bờ sông…Thôn Dương, nơi ngày xưa có tháp chuông nhà thờ, có cây đa tuổi thọ cả trăm năm cao ngất từng mây, có con đường làng dọc theo hồ nước, có hàng tre xanh…Giờ dây, tháp nhà thờ đổ nát, cây đa cũng không còn, hồ nước đã cạn, nay đã biến thành ruộng lúa, hàng tre xanh ngày xưa làm chiến lũy, ngăn bước quân thù, nay không còn dấu vết…Nhan sắc người xưa nay cũng đã tàn tạ…Tôi bước đi bên cạnh Xuân…nhớ về một mùa Xuân xa xưa đã mất…nhưng hình ảnh người xưa vẫn còn sống mãi trong lòng người.


Triệu Dương NLT

12/12/2012










 


Không có nhận xét nào: