Thứ Năm, 30 tháng 11, 2023

Đoàn 76 Tù Binh - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

               Đoàn 76 Tù Binh    

       Chuyện về gã không có gì lạ lẫm cho mấy, vì nhiều người đã viết rồi, chỉ khác trước gã là tù binh, sau mới là tù cải tạo. Tuy nhiên nghe thủng xong, tôi bòn mót chữ nghĩa có phần…ngon ăn hơn vì gã là…em vợ tôi. Ngoài ra, đi lính, gã cũng uống rượu đế Kim Long (rượu Quảng Trị) và chửi thề kiểu con nhà lành như…tôi.

       Thêm nhẽ nữa nghe kể chuyện… tù binh, tôi bị xiềng vào chữ nghĩa như anh tù văn, bèn bê vào bài bút ký thằng bạn có hơi hám nhà văn, vì nó cũng đi lính và chửi thề như… máy. Thằng này trước là bạn cà phê Pasteur của tôi, sau là bạn tù với gã. Dây cà ra dây muống thế đấy.

        Gã nằm chết dí trong trại cải tạo Cồn Tiên, Ta Cơn ở Khe Sanh, có tên “Trại Tàn Binh”. Sau sát nhập về trại Ái Tử. Những Trại Tàn Binh kiểu du kích địa phương “tự biên tự diễn” khỏang 3000 người đủ mọi thành phần. Vì vậy mới ba bốn tháng đã có người được tha về, thường là những sĩ quan cấp thấp, như chuẩn úy, thiếu úy.

       Một ngày gã qua văn phòng trưởng trại “làm việc”, nhòm trụ sở hội đồng xã, trước cửa có ruộng ngô. Bởi trong trại tàn binh, sáng một lát bột mì luộc (bánh xe lãng tử), trưa vài củ khoai sắn, chiều một chén cơm độn. Thấy rẫy ngô cao hơn đầu người bèn lui cui chui vào. Khổ nỗi khi bẻ bắp ngô, lá lay động, thằng du kích ở chòi cao trông thấy. Gã bị thằng du kích lấy báng súng đánh ngược lên. Gã bật ngửa ra đằng sau, va vào mắt nguyên con một mảng trời xanh, mây trắng, nắng vàng. Đang nằm ngửa ngắm nắng vàng… vọt, nó dọng vào mồm gã thêm một nhát nữa. Thế là mất bu nó hàm răng. Xong, nó đưa vào trụ sở xã. Vừa lúc lão xã trưởng đi về định ngồi xuống làm một bi thuốc lào cho đã điếu.

       Không hiểu nghĩ sao lão quay lại nhìn gã, và bật ra hai chữ: “Ô Ba”. Gã cũng muốn bật ngửa người ra đằng sau như hồi nãy. Vì “03” là tên hiệu truyền tin của gã. Nhưng gã nín khe, vì trại cải tạo kia, trụ sở xã này nằm trên đất đóng quân ngày nào của gã. Lão búng thêm một câu: “Đủ má! Thiếu úy Nghĩa”. Hóa ra lão là thượng sĩ thường vụ của gã trước 75. Lão xã trưởng mang khoai mì cho gã ăn, khi không gã bật một tiếng: “Đủ…”. Mới được nửa chữ, gã ngậm miệng lại cho chắc ăn vì còn răng lợi khỉ đâu nữa!

        Nghe chuyện khoai lang, khoai mì mất sướng, bèn hỏi gã chuyện Sư đoàn 1… tắc bọp nghe đã hơn. Ngỡ được nghe đánh đấm ở tuyến đầu hỏa tuyến, gã lại… cắc cù: “Đủ má…”. Rồi gã gọ gạy “Sui tận mạng!”. Số là từ trụ sở hội đồng xã giải về trại, gã mới biết qua văn phòng trưởng trại để làm giấy tờ…“phóng thích”. Vậy mà trưởng trại cóc chịu nói trước vì sợ lộ… tiết lộ bí mật quốc gia. Nghe xong chuyện cứ như thật ấy, tôi cũng muốn “đủ… với thiếu” như gã.

       Chuyện đánh đấm của gã lụi đụi thế này đây…

       Ra Vùng 1 chiến thuật, trình diện Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 54. Gã dẫn lính vào nơi gió cát tới tận Quảng Trị. Ở đây gã gặp lão thượng sĩ thường vụ cũng người xứ Quảng. Gã ngay đơ: Chuẩn úy mới ra trường, lão… “chỉ huy” gã chứ gã nào… dám chỉ huy lão. Như chuyện lon lá, lão dậy khôn gã thêu thùa ở cổ áo làm gì, cứ gắn miếng thiếc cho gọn. Lỡ bị VC rượt chạy có cờ thì quẳng bu nó đi cho đỡ mất công cái màn lỉnh kỉnh… hòm gỗ cài hoa. Gã quần nát địa đầu giới tuyến xuống đông, đông… không tĩnh, xuống đoài, đoài… chẳng tan, đành giữ tuyến, đào hố… mệt nghỉ. Cho đến một ngày gã và lão “lỳ một lam”… làm một ly… đế Kim Long cho bõ cái đời lính thú.

       Đang ngẫu sự đến đây, bỗng tôi nhớ lại thằng Tháng Ba Gãy Súng về phép ngày nào ở quán cà phê Pasteur. Dòm nó gài bông mai mạ đen lên túi áo thấy lạ lẫm, tôi hỏi mắc chứng gì vậy? Nó nói in hịt như lão thượng sĩ già vừa rồi.

       Tiếp, gã em vợ tôi dón chuyện giữ tuyến, đào hố đánh nhau cầm chừng. Bèn hỏi. Gã cho hay hai bên đào hết giao thông hào đến hầm trú ẩn. Sau đó ngồi xổm nghe ếch nhái ồm ộp gọi tình. Lâu lâu ngóc đầu lên đì đọp mấy phát cho vui. Tình trạng ì oạp, ì oạp như ếch nhái gọi nhau chẳng kéo dài bao lâu…

       Thằng bạn cà phê ngày nào cũng ở giao thông hào…

(…) Hiệp định Paris ký ngưng bắn. Lính hai bên ùa lên giao thông hào, những bộ quân phục rằn ri miền Nam trộn lẫn những bộ quân phục cứt ngựa miền Bắc ôm nhau hò hét “Hết chiến tranh rồi! Hết chiến tranh rồi”. Là hết bắn giết nhau, là chấm dứt chiến tranh. Trong đêm của ngày hoà bình đầu tiên, tưởng tượng sẽ đi theo anh chàng bộ đội về Hà Nội ngắm nhìn hồ Hoàn Kiếm (…).

        Chuyện đánh nhau như đùa ấy, theo gã bên ta vì tiết kiệm đạn, bên địch làm như nhờ Hòa đàm Paris sẽ bất chiến tự nhiên thành nên bắn khỉ gì cho phí đạn. Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh gã cho là vậy. Sau mới vỡ nhẽ ra... Một chiều vừa… tu đế Kim Long, không phải cho bõ cái đời lính thú mà là… Giã từ vũ khí. Vì lão vừa… tu hú với gã: “Tôi ở vùng này tôi biết, trước sau cũng tiêu”. Lão góp nhóp: “Ông thầy không dọt. Tôi dọt”. Gã không biết làm gì là làm thinh. Không xong thật. Và trong quân sử của trận địa, chẳng có “ca” nào như gã kể lể. Buổi sáng gã đang ngủ bét con mắt, khi không như có linh tính chớp chớp mắt tỉnh dậy. Làm như trời đi vắng hay sao ấy, trời đất êm ru bà rù. Hốt nhiên có mấy khẩu AK dí vào người. Mấy thằng chết bầm cũng chẳng thèm vén môi hỏi một câu: “Hàng sống chống chết” mà khơi khơi bắt gã làm tù binh.

       Gã bị bắt năm 1974, một buổi sáng năm 1977, một đoàn xe Molotava 25 chiếc bao phủ kín mít chờ sẵn tại Khe Sanh. Ở đây gã gặp một hảo hán có bộ râu như râu ngô ngồi tựa gốc cây đang ư hử chiều trên phá Tam Giang, anh chợt nhớ em… Và chợt nhớ ra để không quên kể chuyện ngày 24-3-1975 về cuộc rút quân vượt phá Tam Giang:

(…) Phía Bắc là cửa Thuận An, phía Nam là cửa Tư Hiền, phía Tây là phá Tam Giang. phía Đông là Biển Đông. Nhìn ra biển là hai chiếc M-113, những chiếc bánh xích đua nhau cán lên đầu không biết bao nhiêu là người đang nhấp nhô từ bờ ra đến tàu. (…)

       Mãi khi là em rể tôi, gã mới hay ấy là Cao Xuân Huy với Tháng Ba Gãy Súng.

       Nhưng tôi biết thằng gãy súng không leo lên HQ-801 mà leo lên Molotova “vượt tuyến” ra Bắc như gã, vì qua thư nó gửi ông bạn cũng tên Hùng ở Sài Gòn.

(…) Hùng thân. Sau khi bà cụ tao từ Sài Gòn ra Ái Tử thăm nuôi. Nhưng quản giáo trại từ chối vì mai này, bọn tù tụi tao phải ra Bắc. Khoảng tháng 10/1977 (…).

       Thế là thằng gãy súng và gã em vợ tôi có mặt trong Đoàn 76 tù binh được đưa ra Bắc trong công tác lao động Công Trình Thủy Lợi Bara Đô Lương ở Hà Tĩnh và Công trường Lòng Hồ sông Mực tại Nông Cống ở Thanh Hoá.

      ***

       Gã kể lể xe qua cầu Hiền Lương, xóm làng hai bên đường nghèo nàn, đồng ruộng xơ xác. Đoàn xe chạy trên Quốc lộ 1 qua cảng Đồng Hới, một hải cảng lớn của miền Trung nhưng trông tiêu điều, tàu bè thưa thớt. Xe chạy đến Quảng Bình, thành phố xem như bình địa vì bị bom Mỹ rải nát. Thành phố lợp tranh trên những nền nhà cũ. Nhà thờ chính Đồng Hới chỉ còn trơ lại gác chuông. Đoàn tù binh đi phà qua sông Gianh. Lòng sông không rộng, ra đến giữa sông, sông nước rì rào, gió thổi rát cả mặt.

       Từ nãy giờ tôi bị gã cho hai lần vượt sông, chỉ thấy nước sóng vỗ ì ầm, thằng tôi cũng muốn đi tìm thằng gãy súng lẩn quẩn đâu đó ở bên sông… Bèn hỏi thằng gãy súng đâu chả thấy!? Gã vặc tôi như vặt thịt, vì gã qua thêm hai cái phà nữa: phà Ròn ở Đèo Ngang và phà Vinh, cứ lên xe xuống xe nên còn biết ai với ai.

        Xong, gã quắn đầu… xế trưa đoàn xe ngừng lại ở đỉnh Đèo Ngang ranh giới giữa Quảng Bình, Hà Tĩnh để nghỉ ngơi. Đến tao đọan này, với bút ký Đòan 76 tù binh đang hình thành trong đầu: tôi hư cấu thật, hiện tượng giả để hồn đi hoang trong một cõi đi về với 500 tù binh và bà Huyện… Quay nhìn về phương Bắc, tôi đi ngược thời gian 150 năm trước, và mường tượng võng cáng của bà Huyện Thanh Quan từ Thăng Long vào Thuận Hoá. Họ đang ngược chiều lên đèo đi ngang qua đám tù binh đang đứng, ngồi ở đây. Bà vẫy vẫy tay chào nhưng cau mặt với tang thương tạo hoá gây chi cuộc hý trường, đến nay thấm thoắt mấy tinh sương".       

       Quay quả trở lại với gã. Khoảng 4 giờ đoàn xe tới Vinh nằm giữa ranh giới Hà Tĩnh, Nghệ An. Thành phố với những chung cư cho nhân công kỹ nghệ do Đông Đức xây cất vào thập niên 60. Đường phố thưa thớt người đi lại, chỉ thấy công nhân viên đầu đội nón cối, áo quần kaki Nam Định, xe đạp thồ Trung quốc.

       5 giờ chiều đoàn xe ngừng lại ở quận Đô Lương.

       Ngày đầu chuẩn bị cuốc xẻng và xe cải tiến để tải đất. Gã và anh em theo anh bộ đội ra chợ huyện gánh rau quả. Khi sắp tới chợ huyện trên quốc lộ 7 có đám nhóc đứng bên đường, dưới chân là đống đá được để sẵn. Một cô gái khoảng 16 chỉ trỏ, hung hăng ném đá vào đám tù binh. May có người đàn ông đi tới đuổi lũ nhóc, dẫn cô con gái về. Vì lộn xộn nên phải ngừng một nhát, đi được một quãng gặp lại cô con ngồi trước hiên. Anh bộ đội tạt ngang nói năng gì đó. Ông bố liếc nhìn đám tù binh và nói lớn: “Thứ đó đem bén bỏ cho rồi. Nước đâu mà cho uống”. Anh bộ đội bỏ đi. Ông bố kề tai nói nhỏ với cô con. Lát sau cả hai mang hai gầu đầy nước cho đám tù binh.

       Theo anh bộ đội vào chợ, trong khi chờ đợi anh ta mặc cả với bạn hàng, gã mon men qua hàng chè vối bên cạnh và bắt gặp cô hàng nước. Cô ngồi dưới một tấm liếp tranh, trên cái trõng tre có lọ thủy tinh đựng vài chiếc kẹo vừng, cái điều cày, cái ô gỗ nhỏ có dăm bao thuốc lá xé dở. Khách đến, cô lấy gáo múc chè vối rót vào bát. Tiện tay múc cho gã một bát nữa, gã lắc đầu ra dấu không có ”xu teng” nào. Mắt gã hết nhìn ông khách rít thuốc kêu tanh tách, lại nhòm “cái ô gỗ”. Cô thản nhiên đưa gã bát nước. Tay cầm bát chè vối, đầu gã cứ xoay vần… Vì dường như gã đã nhìn thấy cảnh này ở đâu đó có quán nước đầu làng. Ấy vậy mà sao vẫn không thay đổi. Vẫn cái trõng xiêu vẹo ấy, nồi nước vối đó, tấm liếp tranh, lọ kẹo vừng!       

       Uống xong, trả lại cái bát,  thì… thì cô dúi vào tay gã nửa bao thuốc lá Sông Cầu.

       Quỷ tha ma bắt, chẳng phải tìm đâu xa, thằng gãy súng cũng ở ngay đây…

       (…) Bọn tôi vừa mới chớm quẹo trái, có tháp chuông nhà thờ nhô lên ở cuối đường, có mùi hăng hắc của những hột bàng bị đập vỡ bên lề đường, nhặt lên, không chùi, tôi gặm. Tôi không biết có bà bán xôi gánh đăm đăm nhìn tôi… gặm hột bàng ngon ơ. Bà moi trong thúng lấy ra gói xôi lúa bằng nắm tay lẳng lặng đưa cho tôi, không nói một tiếng. Há mồm cắn một miếng và nuốt, chưa bao giờ tôi ăn ngon lành như thế, tôi nuốt cả tình người miền Bắc vào trong bụng. Vừa lầm lũi đi, vừa nhấm nháp từng miếng một, đến gần cuối đường tôi chợt nhớ ra quên cám ơn bà bán xôi đầu đội… nón cối. Quay lại, bà vẫn hóng mắt nhìn theo, tôi mờ nhân ảnh bà chít khăn mỏ quạ màu đen (…).

       Nghe mùi thuốc điếc mũi, đang định đốt một điếu, gã tống tôi đi… “lao động”.

       Những ngày kế tiếp Đoàn 76 Tù Binh đào vét lòng kinh Mụ Bà cho kịp mùa mưa để sông Mã cung cấp nước cho Đô Lương và hai quận kế cận. Đào, cuốc, gánh, tải đất từ lòng kinh để đắp cao hai bên bờ. Ba tuần “lao động” rồi cũng trôi qua. Hôm sau trên đường đi Nông Cống, Thanh Hoá, đang ngồi trên xe Molotova ngược lên phương Bắc, đùng một cái nghe tiếng ầm chát chúa, không ai biết chuyện gì xảy ra…

      Gã lụi đụi dân công giáo Nghệ An ở Quỳnh Lưu nghèo khổ, rách rưới không sao kể xiết. Tôi rách miệng hỏi rách thế nào? Gã bảo có quần áo đâu! Cùng cuốc đất vét kinh với tù, nhìn quần áo tù sọc dưa họ thèm thuồng thấy rõ. Có anh tù biếu một ông cái áo. Ông này trên mặc áo sọc, dưới đóng khố… vải bao cát.

      Thêm một lần tôi gặp lại thằng gãy súng qua truyện Vải Bao Cát:

(…) Giao thông hào, hầm chữ A, hầm chữ T. những xác ta, xác địch. Một viên đạn bắn sẻ, thằng đệ tử ruột ngã ngửa. Chẳng thể thiếu đôi dép râu với cặp chân vắt ngang giao thông hào. Và, bao cát, những bao cát đẫm máu người, thịt da dính bầy nhầy óc trắng, trộn lẫn với đất từ những bao cát... Cái hình ảnh ấy trở thành nỗi ám ảnh triền miên… Một ngày nào đó, chúng ta sẽ không còn phải dùng bao cát để làm hầm trú ẩn, không bao cát để đắp giao thông hào. Vì: Chiến tranh đã hết rồi mà. (…)

       Sau gã mới nghe chuyện ông tướng ở núi Kinh ở Đô Lương… kinh thật. Ông tướng sẵn có thuốc nổ TNT của Mỹ Ngụy để lại, ông cho nổ tung… núi thành hang sâu thun thút. Mìn nổ thêm mấy quả nữa, thì… như gã vừa một ngắn hai dài, đang ngồi trên xe Molotova đi Thanh Hoá, xe chạy ngang qua núi Kinh nghe tiếng ầm chát chúa kinh thiên động địa với 112 người chết vùi dập trong hang núi ấy.

       ***

       Vừa khi đoàn xe rời Nghệ An, đang theo gã trâu rong bò dắt đi Nông Cống, chợt nhớ gã gặp cô gái bên đàng được cả… gầu nước, thêm cô hàng nước với nửa bao thuốc lá. Lại nữa, không có lửa sao có khói vì suốt chuyến đi, chả thấy gã thở ra… khói gì sất! Trộm nghĩ dám gã bịa lắm ạ! Bèn hỏi gã có mối tình “em gái Bắc, anh tù Nam” chăng. Gã nhành mồm ra rằng trại cải tạo trong Nam có lán, còn ở đây, họ đâu có rỗi hơi dựng nhà cho đám tù binh đang lêu bêu nay đây mai đó. Thêm cái đói xanh rờn cả mặt, héo cả tim gan, bủn rủn cả tay chân. Vì vậy đói gặp rắn rít, cóc nhái, ễnh ương, cào cào châu chấu là xong tuốt, con gì nhúc nhích nhai bằng thích, trừ con… “bù-loong”. Đêm về với cái lạnh cóng da buốt thịt của rừng núi thì trốn đâu cho thóat. Lạnh teo… “bu-di” còn làm ăn khỉ gì nữa.

        Với teo “bu-di” còn làm ăn gì nữa, bèn dòm dỏ thằng gãy súng:

(…) Tôi và Bưởi về đến hố của Bưởi. Người con gái nằm trong hố, chùm poncho chỉ thò mỗi cái đầu ra ngoài. Khuôn mặt kể cũng dễ coi. Vừa xuống hố, Bưởi nói: “Ông thầy nằm đắp chung poncho với con nhỏ này, em đi tìm cho ông thầy cái áo giáp”. Tôi nằm đắp chung poncho với cô gái. Hơi ấm từ người cô làm tôi khó chịu, không phải tôi khó chịu cô gái mà tôi khó chịu tôi. Bàn tay tầm bậy của tôi mầy mò tứ tung trong poncho. Cô thở dồn dập. Ðến một lúc thuận tiện, tôi tìm một vị thế thích hợp. Nhưng vị thế thích hợp đã không có với chúng tôi. Cát dính lung tung lên người, ở dưới hố thì hố được đào cong vòng như cái võng, kéo nhau lên trên miệng hố, đạn Việt Cộng bay loạn xạ ở tầm rất thấp. Rất thèm. Nhưng thôi thì đành chịu, lắc đầu, chép miệng, “ngậm ngùi” (…).

        Cái hố cong vòng như cái võng ngập “hình tượng” thống khoái của một kiếp nhân sinh. Vì Tàu có được cái linh sàng là…chết ngắc. Ngẫm chuyện đời thường, thằng gãy súng đánh vật với Miếng Ăn cũng vậy:

(…) Tôi phải tự “mưu sinh” để được bồi dưỡng bằng những con cóc, con nhái, con rắn, con chuột ở ngoài ruộng, ngoài bìa rừng trong những lúc đi lao động, chỉ có những con vật nào không nhúc nhích hoặc nằm ngửa mới thoát khỏi cái mồm của tôi... Tóm lại, với “mưu sinh” thêm, tôi đã cầm cự được với cái đói trong nhiều năm nay (…).

        Và nó vật lộn với anh hùng mạt vận:

(…) Hai thằng cạnh tôi nói với nhau: “Mày ăn hết đi” – “No thấy mẹ rồi” - “Hay là đổ đi”. Tôi nghiến chặt răng, nuốt liên tục mà sao nước dãi cứ ứa ra, đầy mồm rồi trào ra mép. Tôi thua cuộc rồi. Tôi lẩm nhẩm trong đầu: “Mời tao đi, mời tao một tiếng, một tiếng thôi”. Nhưng chẳng có tiếng nào. Cuối cùng hai thằng đem đổ. Đầu tôi như vỡ tung ra tôi không còn biết mình đã làm những gì nữa. Cho đến tận bây giờ, mọi người có mặt trong lán, kể cả hai thằng bên cạnh tôi vẫn không biết lý do tại sao lại bị một trận đòn thù đến nỗi phải đi nằm trạm xá. Và tôi, bị cùm để được ăn một cái Tết trong xà lim (…).

        ***

        Vào đến Thanh Hoá, đoàn xe chạy qua quận Như Xuân tới Nông Cống. Xuống dốc lên đồi lên tuốt luốt thượng nguồn sông Mực. Tại nơi chỗ này, tay cái cuốc chim, gã bổ đá lớn, đá nhỏ từ lòng đáy hồ. Với xẻng, xà beng nạy xới từng rổ, từng thúng đá chuyển lên bờ cho lòng hồ sâu hơn để lập… nhà máy thủy điện. Tiếp đến lên rừng đốn cây làm đập, cây lim to bằng hai ba người ôm, vừa cứng vừa nặng nên phải dùng cưa “cá mập”, chỉ cưa mỗi khúc 2 mét, vậy mà phải cần 8 người khiêng. Gã búi bấn đập nước nhà máy thủy điện bằng bê tông cốt sắt lắm khi còn bị vỡ, huống chi mấy khúc cây. Y như rằng, sau cơn bão kéo dài cả tuần, nước ập xuống, đập bị vỡ, một số bị cây đè, một số bị bị nước cuốn, tù binh chết khoảng hai chục người. Trong đó có đại úy Lực SĐ1 BB chết vì đói quá ăn nhằm nấm độc, mật cóc.

      Một ngày Chủ Nhật không lao động.

 Lại cũng vì đói quá, gã rủ anh bạn tù lần theo tiếng gà gáy, leo qua hai ngọn đồi thấp xuống làng. Vào nhà gặp một anh bị cụt một chân đang… nhẩy lò cò. Bèn thăm hỏi mới hay anh đi B dài, phế binh cấp 1, chỉ mất một chân, chưa mất… cái đầu, ấy vậy mà thuộc diện… phế phẩm. Gã hỏi có gì để… ăn. Anh đáp cơm nguội muối vừng cứ ”thoả mái”. Đợi no căng rốn rồi, anh… nấu chè.

 

      Tưởng tượng gã mũ sắt ngồi với ông nón cối. Tôi được thể lễnh đễnh với thằng gãy súng từ giấc mơ ngày hoà bình đầu tiên, tưởng tượng theo anh bộ đội về Hà Nội thăm hồ Hoàn Kiếm. Thế là tôi đi tìm một dấu tích nón xanh, mũ cối bên Hồ Gươm, qua ông bộ đội nhà văn Bảo Ninh với bài viết Nhớ Cao Xuân Huy

(…) Đã chiều muộn. Tiệm đông dần lên và bắt đầu nhạc nhọt. Huy nói bữa nay mình kiếm chỗ nào. Mà hay nhất là chỗ còn lưu dấu Hà Nội 54. Biết một chỗ như vậy, tôi chạy xe máy chở anh tà tà vòng quanh Bờ Hồ. Rồi dừng ở nhà Thuỷ Tạ vì ở đấy có quầy rượu. Huy nói tửu lực xuống nên bấy lâu chỉ bia, song bữa nay, giữa Hà Nội, bên hồ Gươm, thì đúng là phải thứ gì nặng ký, để tụi mình, thuở nào nón xanh mũ cối giờ đây đầu bạc thù tạc coi sao. Chúng tôi gọi một chai và ra ngồi ở bàn kê bên lan can kề mép nước. Thật may, Thuỷ Tạ tối ấy thưa khách, như là chỉ có hai chúng tôi với mặt hồ. (…) 

      Đang uống chè vối, nhòm ra ngoài đồi núi với cây rừng, anh ngập ngừng: “Các anh sắp được về rồi”. Ngày ấy cũng đến, đoàn xe lăn bánh, người đang làm rãy bên đường ngẩng lên nhìn theo. Trong đó có anh phế binh cấp 1 đứng bất động như pho tượng gỗ.

      Nghe gã được về là… hết chuyện. Tôi cũng chẳng muốn gặp thằng gãy súng nữa vì vừa đọc thư nó gửi cho ông bạn tên Hùng ở trên:

(…) Hùng thân. Khi Trung Cộng sửa soạn tấn công các tỉnh phía Bắc. Đoàn 76 tụi tao được trả về Ái Tử (1). Gửi lời thăm mày và gia đình. Thân (…)

      Thôi thì mọi sự cũng xong, vì cuộc chiến đã qua gần 40 năm. Ấy vậy mà trận địa khỉ gì chả thấy nhất tướng công thành vạn cốt khô đâu, mà chỉ thấy gã vẫn sống nhăn răng cạp đất. Vì vậy tôi trở lại khúc đầu qua một mảnh đời chiến địa của gã, đánh đấm câu giờ như Lã Vọng… câu cá! Ngoài ra đánh nhau như đùa với… rượu đế Kim Long.       

     ***

      Gã và thằng gãy súng bị bắt năm 1974, tôi lấy ngắn nuôi dài tới một nhà văn miền Bắc đi B (2). Ông kể chuyện Bắc Nam úynh nhau qua đỏan văn thế này đây:

(…) Tôi nhớ Tết năm 1974, tại một đỉnh đèo trên Trường Sơn, tôi thấy một anh lính lái xe trong đơn vị, quăng xuống cái bi đông rượu đế trắng rồi nhảy xuống đường, chửi đổng: Mẹ kiếp, thằng miền Bắc cứ ở ngoài Bắc, thằng miền Nam cứ ở trong Nam, đánh nhau làm chó gì cho bố mày khổ thế này? (…).

                                        Thạch trúc thảo lư

                                     Tháng 11 Giáp Ngọ 2014

                                 Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

                               (thêm bớt 2017, 2020, 2023)

 

(1)  Năm 1978, Đòan 76 Tù Binh do bộ đội cai quản, sau 4 tháng ra Thanh Hóa làm công trường “Lòng hồ sông Mực” về lại Huế trên chuyến xe hỏa cùng với súc vật, tập trung tại trại tù cải tạo Ái Tử-Bình Điền do công an áo vàng quản lý.

(2)  Phạm Thị Hòai nói chuyện với nhà văn Nhật Tuấn (em nhà văn Nhật Tiến)                                                                                                             

Nguồn: Bồ Tùng Ma, Nhật Tuấn, Phan Xuân Sinh.

Với chuyện “Đoàn 76 Tù Binh” nạo kinh vét hồ năm 1977-78 và cũng là chuyến ra Bắc duy nhất được góp nhặt từ một chuyện kể và ba bút ký:

1 - Chuyện kể từ Hoàng Chính Nghĩa (Bộ Binh)

2 - “Lòng hồ sông Mực” của Giang Văn Nhân (Thủy Quân Lục Chiến)

3 - “Những lá thư đi” của Hoa Biển (Thủy Quân Lục Chiến)

4 - “Những mảnh đời dang dở”, Nguyễn Ngọc Minh (Thủy Quân Lục Chiến), tù binh từ Quảng Trị ra Bắc và vào Nam cải tạo tiếp tổng cộng sáu năm.

5 - Xin ghi lòng tác dạ anh Obien 81 (Thủy Quân Lục Chiến) để có bài bút ký này.

6 - Trại tù “Cải tạo” Ái Tử-Bình Điền nỗi đau vẫn còn đây của Phạm Văn Tiền.

                                                     

Cao Xuân Huy mất ngày

12.11.2010 tại California

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nhạc, hòa âm: Trần Ngọc Nhàn / Thơ: Quách Như Nguyệt / Ca sĩ: Như Loan

 Nhạc, hòa âm: Trần Ngọc Nhàn

Thơ: Quách Như Nguyệt

Ca sĩ: Như Loan

https://youtu.be/YyxAO-Km-l4


 

Ta Làm Thơ Cho Vui Vẻ Tháng Ngày (Lyric)

Ta chưa gặp nhau mà đã thành tri kỷ
Chưa bao giờ nói 
mà tình đã si  
Ta 
mê làm thơ cho vui vẻ tháng ngày
Ôm chút mộng mơ cho đời sống nên thơ

*Thơ yêu đương quên thực tế phủ phàng
Ta làm thơ khi tuổi đã muộn màng
Nhắm mắt lại mường tưởng chiều trên biển
Em thẩn thơ quên đi hết muộn phiền

Anh trong thơ không có thật ngoài đời
Anh ủi 
an, dịu dàng trong tư tưởng
Anh là người
, là người tình lý tưởng
Là 
ảo mộng nên thương em nhiều lắm!
Không bao giờ anh nỡ phụ em đâu
Chẳng bao giờ anh làm tim em đau


Ta Làm Thơ Cho Vui Vẻ Tháng Ngày
        Thơ Như Nguyệt

Ta chưa gặp mà đã thành tri kỷ
Chưa bao giờ nói chuyện đã tình si
Qua thơ văn ta liên lạc đều chi
Tình trên ảo mong manh tuyệt mỹ 

Đâu phải thật nên sợ gì anh nhỉ?
Chút mộng mơ cho đời sống nên thơ
Chút lãng mạn cho trái tim trẻ mãi
Ta làm thơ cho vui vẻ tháng ngày 

Thú tiêu khiển nhẹ nhàng, tao nhã
Thơ yêu đương quên thực tế phủ phàng
Thích làm thơ khi tuổi đã muộn màng
Nên thích lắm, em yêu thơ… yêu lắm! 

Nhắm mắt lại, mường tưởng chiều trên biển
Em thẩn thơ quên đi hết muộn phiền
Quán vô thường, không nuối tiếc ngày qua
Mây trắng xóa… đời mầu hồng đẹp quá! 

Người yêu dấu, anh là người tưởng tượng
Anh trong thơ không có thật ngoài đời
Anh an ủi, dịu dàng trong tư tưởng
Anh là người lý tưởng, rất bao dung 

Là người ảo nên thương em nhiều lắm!
Không bao giờ anh nỡ phụ em đâu
Chẳng bao giờ anh làm tim em đau
Luôn 
có mặt, ở bên em mãi mãi…
      Như Nguyệt









 

Thứ Tư, 29 tháng 11, 2023

MƯA NẮNG và LỤC BÌNH Thơ của Phượng Ngày Xưa

 

                                        

MƯA NẮNG và LỤC BÌNH

***
Mưa trên sông... nước lăn tăn gợn sóng
Thuyền gieo neo nơi bến vắng chờ Ai?
Bên mạn thuyền lơ lửng Lục Bình trôi
Quấn quít bên nhau tìm về bến đổ!
*
Thuyền nhổ neo xuôi về nơi bến khác
Hạnh phúc ngọt ngào nồng ấm tình yêu
Nắng Sài Gòn gay gắt sáng đến chiều
Tàn tạ dung nhan Lục Bình héo úa
*
Thân lữ thứ… nơi nghìn trùng xa cách
Ấm lạnh mặn nồng chua ngọt Ai ơi?
Cách xa vạn dặm riêng một góc trời
Mưa Nắng Lục Bình... Thuyền Xưa có nhớ?
***
Anh ra đi… không còn đường quay lại
Nên để Ai kia nuốt tủi ngậm hờn
Xin một lần được gặp lại cố nhân
Gục đầu bên em anh xin tạ tội!!!

Vkp.Phượng Ngày Xưa










NHỚ THU XƯA - Nhất Hùng

                           

   NHỚ THU XƯA

Tháng chín Hoa Đô đã chớm thu

Heo may lành lạnh gió vi vu

Lá vàng hờ hững rơi vài chiếc

Cảnh gợi niềm riêng khách lãng du


Mùa thu năm ấy lúc ra đi

Nào biết từ đây mãi biệt ly

Xa mặt cách lòng buồn não nuột

Sao em đành vội bước vu quy


Ngày dài gặm nhấm buồn ly hương

Không thể nào vơi nỗi vấn vương

Từ ấy trong tôi thu đã chết

Thu khơi nỗi nhớ, nhớ người thương


Thu này viễn xứ bước cô đơn

Kỷ niệm trong mơ mãi chập chờn

Dáng cũ hương xưa tâm vẫn tưởng

Vóc mai mùi tóc nét em hờn


Thời gian thấm thoát mấy thu rồi

Nước chảy bên cầu lặng lẽ trôi

Người ở bên trời còn có nhớ

Nơi này da diết nhớ khôn nguôi


(Nhớ Thu Xưa - Nhất Hùng)


Mời Nghe Nhạc Phẩm “NHỚ THU XƯA”  Phổ Thơ Nhất Hùng:

https://youtu.be/Wack55QDVhk?si=HpxtHsFpmyWTyOoQ











Thứ Ba, 28 tháng 11, 2023

Huế Đau Thương (Sông Thu) & Huế Ơi! Thương Lắm (Minh Thúy TN) & Thơ họa

                                        

Nhói lòng trước thảm cảnh lũ lụt ở Huế và chia sẻ nỗi đau với những người con xứ Huế đặc biệt là Minh Thúy Thành Nội và Tuyết Phan, Sông Thu xin có bài thơ sau đây: 

HUẾ ĐAU THƯƠNG

Chao ôi, thương Huế quá đi thôi
Nước ngập mênh mông tiếp giáp Trời
Vườn ruộng tiêu điều cây rạp ngã
Phố phường ứ ngập cảnh tơi bời
Trẻ con đói lạnh, thân run rẩy
Già lão âu sầu, lệ đẫm rơi
Đổ nát, tan tành trên khắp nẻo
Ngậm ngùi đau xót quá, người ơi !

Sông Thu
( 21/11/2023 )


Huế Ơi! Thương Lắm

 

 

Năm nay bao nhiêu tai họa dồn dập. Đầu năm nạn dịch Covid_19  ập đến, kế tiếp cháy rừng nhiều tiểu bang ở nước Mỹ, những ngày qua nơi quê nhà lại xảy ra bão lụt lớn.             

           Nghe ngóng tin tức cũng như được thấy nhiều hình ảnh trên mạng xã hội, đầu tháng 10 tại thành phố Huế bão lụt kéo đến làm vô số người chết, mất tích và mấy chục căn nhà bị ngập lụt. Chưa kể các huyện Quảng Điền, A Lưới, thị xã Hương Trà, Phong Điền v..v...những vụ sạt lở vùi lấp người dân vô tội thật buồn thảm. Nhìn thành phố Huế tứ bề nước lũ mênh mông mà thắt ruột chao lòng khôn tả.

           Ngồi bó gối chẳng thể đi đâu vì phòng dịch Vũ Hán, nhìn ra khoảng sân sau vườn, lá thu bay tơi tả, trên cành trơ trụi lá, các loài hoa gần như khép kín nhuỵ đài trong chậu ủ rũ héo hon, chỉ còn vài cây hồng vươn lên lưa thưa mấy bông hoa yếu đuối nhạt sắc. Năm nào xứ Huế cũng gặp bão lụt khoảng tháng này, buồn lo và theo dõi Huế từng ngày.

      

Nhớ lại những mùa mưa lũ lúc tôi còn ở quê nhà... Kính nghiệm khi nước đang còn thấp, chị tôi nấu nồi cơm lớn, kho nước mắm đường bỏ ớt trái cay nồng, lúc nước dâng, cả nhà chồng ghế kê giường ngồi trên cao, nước bốc khí lạnh lên, ngồi ăn tô cơm với nước mắm kho quẹt thật ngon, miệng cứ muốn ăn hoài và ước chi có thêm thật nhiều cơmSau trận lụt, vườn tược hư hao, mấy đám rau Lang mọc hoang cũng dập nát, chỉ còn vài buồng Chuối, mạ tôi chặt vào gọt sơ lớp vỏ, cắt khúc kho với ruc ăn cũng thích, hoặc đi chợ chẳng mấy ai bán buôn, chỉ mua được dưa môn về kho ruốc, ăn rất mặn mà. Có khi gặp trận lụt lớn, nước vào ào ào, tuy đã chồng đồ đạt, nhưng nhìn mức nước lên nhanh, cả nhà lo lắng canh suốt đêm giấc ngủ chập chờn,  sáng tờ mờ kinh hãi mực nước cao đẩy bàn ghế trôi nổi, bước xuống sàn nhà nước đã ngập gần cổ nên sức đẩy mạnh kinh khủng, chúng tôi rất khó khăn bước đi vì chân muốn hỏng mặt đất, đúng lúc ban phường khóm ngồi trên bè bắt loa yêu cầu mọi gia đình di tản, chúng tôi dọn vài thứ cá nhân cần thiết rồi vịn nhau ra đường chờ các bè kéo đến trường Thanh Nội trú tạm trên lầu.     

        Nói về mùa đông có nhiều chuyện thật khó quên... hình ảnh chị Lanh trong xóm gánh chè đi bán, ngoài trời mưa tầm tã, các cháu lớn (con chị) thường qua nhà khoảng 8,9 giờ tối: 

   _ O Giang ơi! cho con mượn 2 lon gạo về nấu cháo, em con khóc quá, mạ con giờ chừ chưa về. 

Giai đoạn đó chúng tôi cũng nghèo rớt mồng tơi, nhưng thấy hoài cảnh trưc mt thì cũng phải “lá rách đùm lá toét”  thôi. Hình như trong cảnh khổ người ta cũng đâm liều, chị lại mang bầu tiếp dù đã có bảy con, hôm chị đi sinh, các con lại đem son nồi qua nhà tôi hỏi

- Mấy O có mua không? Con cần tiềmua khoai sắn bới cho mạ đang nằm nơi nhà thương.

Chúng tôi cũng buồn cười, nghẹn ngào thêm, đưa tiền bảo cháu mua gì bới cho mẹ ăn. Chị Lành sinh dậy hết vốn nấu chè bán. Tôi cho mượn tiền, chị nói:

          - Ước mơ có vốn lớn hơn mua Su Bắp, Cà Rốt, Khoai Tây từ Đà Lạt chở xuống mùa gần Tết sẽ bán được, chị cần khoảng $100 (bạc Bắc hồi đó) mua hàng đủ thứ bán lời nhiều, chị sẽ trả góp mỗi ngày $10 cho đến khi hết thì mượn lại. Dù tôi khuyên chị không cần trả vốn, nhưng chị nhất quyết làm theo cách đó, chị nói “sợ trả không được”. Đêm khuya gió mưa lạnh cắt da, con chị gõ cửa trả góp tiền, có khi đưa cábắp su, nói “mạ cho O”, tôi trả lại bắt đem về mà ứa nước mắt nghĩ đến người hiền lương tốt bụng sao lại nghèo khổ vậy. Sau này qua Mỹ rồi, tôi hỏi tin tức để giúp đỡ nhưng nghe gia đình chị đã đi kinh tế mới miền trong

          Người thứ hai là bà Thu bán bánh lọc trần và bánh chưng có chồng ghiền rượu, tối ngày say xỉn ngoài đường đi té lên té xuống, tội nghiệp bà ôm rổ bánh rao dưới trời mưanhững lúc ế ẩm ghé nhà tôi mời ủng hộ, bà cũng mượn chút vốn mua nếp nấu bánh chưng bán thêm.

           Tôi miên man nghĩ ngợi những người dân hiền lành thật thà trong xóm đầy tự trọng luôn áp dụng câu “đói cho sạcrách cho thơm”, hình ảnh ấy vn in hằn trong tâm trí, lòng thương cảm vô bờ.

            Huế ơi! tôi muốn gọi với nỗi xót xa nhớ về chuỗi mùa đông giá rét lạnh căm, những đêm khuya bóng tối dày đặc... Trời đen như mực, bên ngoài mưa rơi, tiếng gió gào thét, tiếng rao của em nhỏ bán bánh  vừa ra lò, tôi gọi mua...em thò tay vào túi vải lớn lấy ra mấy ổ mì nóng hổi, ánh mắt ngây thơ hiền hòa mừng rỡ nhận tiềnnước mắt tôi không thể kềm hãm khi kể đến điều này thấy xót tuổi thơ đi trong xóm vắng khuya khoắt, nhất là nhà cửa ở Huế nằm sâu bên trong xa cửa ngõ, cây cối um tùm bao phủ lạnh lùngCó lần chiều cuối năm lạnh giá, hình dáng người thiếu phụ đứng co ro góc phố vắngtrông ngóng khách dừng chân ghé mua nhánh mai còn lại, lúc đó i và bạn đang đèo nhau trên chiếc xe đạp, may mắn bạn tôi đã mua dùm

Huế ơi! bao nhiêu năm với đời viễn xứ, cuộc sống như luồng sóng đưa đẩy, quay cuồng, cày bừa trên xứ người, nhưng không vì vậy mà có thể quên tất cả, nhất là những mùa mưa lụt của đất thần​kinh. Nơi đây có những đêm thứgiấc, tôi vẫn nghe mơ hồ dư âm tiếng kinh cầu của Chùa Diệu Đế vang vọng tới. Có lẽ thói quen mấy chục năm về trước mỗi đêm gần sáng lời kinh vọng vào thành nghe não nuột, âm thanh của sự tĩnh thức tạo nỗi buồn xâm chiếm, tâm tư chùng xuống đã nằm sâu trong tiềm thức.

Ký ức lan man đi xa hơn, kỷ niệm thú vị cùng bạn bè Kim Hoàng, Thu Thuỷ, Kiều Sương, Tố Nghi và tôi thỉnh thoảng rủ nhau đến quán nhạc ngồi chờ đợi những giọt cà phê chảy thật chậm qua phin lọc, rồi lắng chìm theo cung điệu lời ca nhạc của Đoàn Chuẩn, Từ Linh, Phạm đình Chương, Cung Tiến, Văn Cao hay những bản nhạc Pháp lời Việt do Phạm Duy dịch như Chiều Tà, Dạ Khúc, Cánh Buồm Xa Xưa v..v... Chúng tôi lựa chỗ ngồi dưới mái hiên để được nhìn mưa rơi, mưa tuôn bong bóng vỡ, mưa buồn lê thê, mưa dấu nỗi niềm riêng, chẳng cần thiết để nói với nhau nhưng rất cần ngồi bên nhau, say sưa thấm những dòng nhạc vào hồn đê mê lặng sầu, rồi lâng lâng cảm giác hạnh phúc của kẻ được thoát tục trong khoảnh khắc.

Biết bao kỷ niệm thời ấu thơ, thời hoa mộng. Bạn bè réo gọi tôi về thăm, nhất là bây giờ đứa nào cũng đã retire, chúng nó hẹn hò mỗi tháng hai buổi họp mặt nơi quán cà phê Nội Thành

Mt hôm, Tuyết gọi FaceTime cho tôi nói chuyện từng bạn trong khung cảnh đang ngồi uống cà phê, nhiều bạn tôi nhận ra và nhiều bạn không nhận raTôi thèm giây phút họp mặt như vậy lắm chứ, nhưng nghĩ đến chuyến vượt biển năm xưa tôi thấy tiêu tan niềm ước muốn chẳng còn mộng “châu về hợp phố”. Thôi thì cứ sống với hoài niệm, với giấc mơ, với chút tình riêng trao gởHuế: 


           Thương Huế 

Hương Giang nước đục phá thêm buồn

Xứ Huế mưa chừ giống lệ tuôn

Vỹ Dạ con đường hoang lặng tủi

Đông Ba chợ quán lạnh im hờn

Nơi thành lối cũ cây nghiêng loạn

Chốn cửa nhà xưa gió đảo cuồng

Diệu Đế chuông Chùa ngưng tiếng vọng

Đìhiu phố xá cảnh u buồn

           MTTN


Biết được cơn mưa lũ nơi quê nhà đã làm điêu đứng dân lành mấy ngày qua. Hàng hàng lớp lớp mái nhà còn lô nhô dưới biển nước đục, trẻ em và người lớn bám víu một cách tuyệt vọng. Nhà cửa trôi, ruộng nương đất đai trồng trọt bị hư hại. Hầu như nét mặt không còn hồn, không còn sức sống. Tin tức hình ảnh được chuyển liên tục.Lòng người chan chứa, lòng người đầy ắp tình cảm chia sẻ từ Sài Gòn cũng như các nơi đổ ra Quảng Trị, Quảng Bình, Huế. Những đoàn cứu trợ không ngại đường xa vất vả nguy hiểm đến tận vùng lụt nặng để được khóc, được trao tình thương bằng lương thực cũng như tiền bạc, thuốc men.

Tại hải ngoại mọi người cũng nóng ruột hỏi nhau:

Sao chưa thấy hội đoàn hay các Chùa lên tiếng quyên góp cứu trợ bão lụt? 

Chị em chúng tôi chợt nhớ đến sư  Thích nữ Như Minh trú trì Chùa Tây Linh trong Cầu Kho gần đồn Mang Cá (xưa), lúc ba chồng chúng tôi còn sống thường kêu gọi con cái đóng góp gởi vềgiúp đỡ bão lụt, khi được xem video Ni sư chèo thuyền đi phát cháo hay các thức ăn khác lúc nước ngập

Trong vòng một tuần tôi nhận phone liên tục từ chị Phạm Thị An $1,000, Lê Tịnh Tâm $900, Lê Hữu Vinh $500, Minh Thuý $400, Tịnh Thuỷ $250, DiệHường $250, Vân Vy $200, Nguyễn Hà $200,Tịnh Thu $150, Quảng Trang $100, Kim Hưng $100, Lê hữu Thọ $100, Bảo Trâm $100, Cindy Huệ Nguyễn $100, Phương Khánh $50, Quỳnh Hoa $50, Phạm Thị Hảo $50, Bích Kiều $50. Tổng cộng được $4,550 (bốn ngàn năm trăm năm ơi) đã gởi Thầy Thích Tánh Tuệ $850, bác sĩ Đặng Nga $550, sư cô Như Minh $2,250, ngoài ra cúng dường thiền viện Trúc Lâm của thầy Thích Pháp Hòa $900 theo yêu cầu. Những hôm này tôi cảm như sức mạnh tăng cường với niềm hăng say phấn khởi đi gởi tiền nhiều lần

Sau khi nhận phiếu hồi báo cũng như email quý thầy cô cho biết đã nhận tiền, tôi chuyển đến tất cả những người đóng góp, xong công việc lòng thấy nhẹ nhõm hân hoan vô cùng

Không có niềm vui nào bằng bây gi, vì một nhóm nhỏ đã thực hiện được chút tình chia sẻ. Tôi nhớ câu nói mạ vẫn thường nhắc “người ta ăn thì còn, mình ăn thì hết, hay lời vàng ngọc của thầy Thích Tánh Tuệ “Thân từ cát bụi đến. Cát bụi sẽ gọi về. Chỉ có tình thương mến. Ở lại cùng Sơn Khê.” Niềm xúc động dâng tràn tuôn thành t:   

            

       Bão Lụt Miền Trung

Lũ lụt miền Trung cảnh thảm buồn

Dân mình chịu khổ lệ đầy tuôn

Đau lòng lúc thấy người bồng trẻ

Xót dạ khi trông kẻ kéo xuồng

Mái ngập cơn mưa nào tạnh dứt

Sông tràn mực nước chẳng lùi buông

Tim nồng gởi hạt từ bi giúp

Xóa dịu cơn đau trận bão cuồng. 

               MTTN

Xem hình ảnh Chùa Tây Linh của Sư Cô Như Minh, hội Từ Thiện Trái Tim Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya Heart Foundation) của thầy Thích Tánh Tuệ, “Garage Sale for Charity của bác sĩ Đặng Nga đi đến các vùng xa xôi phát quà thật khâm phục ngưỡng mộ. Mọi việc đều do sự từ tâm, lòng bác ái mở rộng trái tim yêu thương tự nguyện hy sinh công sức dù cực nhọc vất vCảm động thêm nữa những YouTube chiếu cảnh bà con ngồi gói bánh tét muốn ứa nước mắt, tôi đã từng lên Chùa phụ giúp công việc này vào dịp gần Tết, quý bác quý cô ngồi đau lưng, đàn ông thức đêm nấu bánh rất cực nhọc công phu.Tôi suy nghĩ những lúc nước dâng phải ngồi trên mái nhà, hoặc nhà sập chịu co ro lạnh giá, nhận chiếc bánh chưng hay gói mì thì còn gì bằng vì được ăn liền trong lúc gió bão cúp điện không thể nấu nướng. Thời bây giờ cơ may mọi người làm ăn ra, tâm bồ đề rộng mở, lòng nhân ái cao dày, nên món ăn cứu đói lụt nâng cao so với tôi ngày xưa ăn mắm kho quẹt, chưa kể sau cơn lụt nhà cửa bị tàn phá, dân còn được nhận tiền gạo.

Đẹp thay tứ chúng đồng tu biết thực hành hạnh bố thí “thương người như thể thương thân”, dù buồn lo cho xứ Huế nhưng đồng thời tôi tìm được niềm ấm áp khi cảm nhận tình người hoa nở đẹp muôn nơi từ trong nước ra hải ngoại. Tôi muốn cảm ơn đến những tấm lòng mở rộng đã giao cho tôi công việc chuyển tiền, chuyển tình thương đến đồng bào trong cơn thiên tai. Bài viết này như sự lưu dấu hồ sơ cứu trợ của nhóm nhỏ về mùa bão lụt miền Trung năm 2020. Xin được ghi lại cảm xúc lần nữa bằng vần thơ mộc mạc:

 

      Thiên Tai Miền Trung 

Hiểm họa quê hương quá khổ rồi

Tiêu điều nước lũ nghẹn ngào ôi

Thê lương cảnh tượng nhìn rơi lệ

Mẹ mất con bầy chịu phận côi

 

Mái nóc ngôi nhà giống mặt sông

Mưa mù trắng xoá ngó rầkhông

Thiên tai giáng xuống trần gian đọa

Phá hoại nương dâu với ruộng đồng

 

Vẫn vậy, mỗi năm vẫn khổ trường

Từng mùa diễn tiếp cứ đeo vương

Màn trời chiếu đất người đau đớn

Bão gió quay cuồng mịt khói sương

 

Trông toàn mực nước ngập mông mênh

Sức đuối tàn hơi thấm lạnh mềm

Trẻ đói, già đau, người bệnh hoạn

Ghe thuyền cứu vớt kéo bè lên

 

Thương buồn sáu tỉnh xứ Trung kia

Chú bác, cô dì nhớ sẻ chia

Nắm gạo tô mì về cứu trợ

Trời xa vẫn nhớ, ruột không lìa 

          MTTN

                     

Tách trà nóng ấm áp cơ th tạo cảm giác dễ chịu. Ngoài vườn như có lớp khói mù đang phủ. Chút nắng hiu hắt trên ngọn cây bóng lá ngậm ngùi. Tôi đang giăng thả trời Huế trước mặt với vui buồn hoang dại lẫn lộn. Tôi nguyện cầu nạn lụt sớm chấm dứt nơi quê nhà, mọi sự sinh hoạt trở lại bình yên. Huế của tôi ơi ... “ Huế là thơ, Huế là mơ...” và Huế cũng chịu lắm đoạ đày bởi thiên tai bão lụt.... 

          Minh Thuý Thành Nội  

                       Tháng 10/2020


Thơ họa:

NHỚ THƯƠNG HUẾ

Nh Huế gi thêm nh quá thôi!

Thương cho ph xá bão tung Tri.

Rung vườn xinh thm nay tơi t,

Thành th cây xanh ngp ri bi.

Giường gi nước cao leo bám ướt,

Mái hiên p git đ m rơi.

Trường Tin lng ly xe lui mt,

Huế chng tm nhìn kh quá ơi!

                       *

Tri thương Huế giúp bão mưa vơi!

HỒ NGUYỄN (20/11/2023)


   BUỒN VƯƠNG NỖI HUẾ 
Biết là oan nghiệp bão cuồng thôi
Nhưng lạ không than vãn đất trời
Lũ lớn, lụt to thường tới phá
Người thân kẻ thích phải cam bời
Bao phen bỏ xứ còn quay lại 
Bấy lúc xa nhà vẫn khổ rơi
Cứ thế mưa chan hoà nước mắt
Buồn vương nỗi Huế thủa nào ơi...
    Los Angeles  22 - 11 - 2023

               CAO MỴ NHÂN 

THƯƠNG HUẾ VÔ VÀN 
Lũ lụt tung hoành quậy chửa thôi!
Làng quê phố thị mãi than trời!
Gia cầm xác nổi hồn đau đớn 
Rau quả cành nghiêng dạ rối bời
Thảm họa tiêu điều tâm cố nén 
Dân tình khốn khổ giọt hoài rơi
Thầm mong gió thét ngưng hờn dỗi 
Khấn nguyện cao dày giúp nữa ơi!
         Như Thu

             11/22/2023  


Đúng Kế Hoạch
   (Họa nương vận)

Xứ Huế hàng năm quá khổ ơi
Mưa to lut lội kiếp do Trời
Thiên tai đổ xuống gây tràn ứ
Nhân họa gieo thêm tạo nát bời
Xã lũ lan tràn ào tới biển
Mở đê cuồn cuộn đổ ra khơi
Dân lành đói khổ… trùng kế hoạch
Đảng Bác ôm đô… quả đúng thời

                    Bảo Trâm


       THƯƠNG HUẾ

Mưa đổ khôn nguôi, nước trắng trời

Đắng lòng thương Huế quá ai ơi

Cửa nhà, phố xá chìm lênh láng

Lúa mạ, ngô khoai hỏng nát bời

Ngày tới, nhìn con quằn quại đói

Lệ sầu, ngửa mặt nghẹn ngào rơi

Lá lành, lá rách đùm nhau mãi…

Khấn họa ngừng cho, bớt gánh thôi…

CAO BỒI GIÀ

21-11-2023 


    HUẾ NỖI ĐAU
Kinh thành lăng tẩm thế là thôi
Huế đẹp còn đâu xót ngất trời
Thảm cảnh thiên tai, già đói lạnh
Lầm than nhân hoạ, trẻ đau bời
Ngập nhà hai mét gia tài mất
Chìm ruộng mười phần nước mắt rơi
Thượng Đế lòng lành xin cứu rỗi
Nội đô thoát nỗi khổ Dàng ơi!
LAN
(Thứ tư,22/11/2023)


      HUẾ LŨ LỤT 

Ơ kìa nước lũ bớ người ơi

Lại khổ dân ta nữa hỡi trời 

Bàn ghế tủ giường kê chổng chểnh 

Vợ chồng con cái rối bơi bời

Hoa màu ngập úng đau lòng khóc

Nhà cửa hư hao thảm lệ rơi 

Huế mãi  sầu buồn trong hoạn nạn

Giang tay cứu trợ giúp đi thôi

Hưng Quốc 

Texas 11-24-2023



    HUẾ THƯƠNG

      (Họa: Thương Huế)

Ôi nhớ chao ôi Huế, Huế buồn!

Bảy lăm ngày ấy thể mưa tuôn

Lệ dòng khó hãm trong tao loạn

Nấng tiếng khôn tan giữa oán hờn

Tôi bị chôn theo đời bất hạnh

Bậu thời phủ lấp cảnh phong cuồng

Anh Ba ập tới gieo kinh hãi,

Ôi nhớ chao ôi Huế, Huế buồn! 

        Thái Huy 11/22/23


THƯƠNG HUẾ QUÁ THÔI

Năm này chỉ Huế khổ mà thôi

Bởi lũ chìm sâu ngất nghểu trời

Đường sá chia cắt nhìn thảm não

Thôn phường tắc trở ngẫm sầu ơi!

Mưa thời xối xả không hề dứt

Lụt cứ thản nhiên ngập tới bời

Xót cảnh bao vùng nơi trũng thấp

Nước cuồng cuộn chảy lắm người rơi!

Mai Vân-VTT, 28/11/23