Thứ Hai, 20 tháng 11, 2023

MÙA XUÂN CHO EM - Nguyễn Lý Tưởng

            MÙA XUÂN CHO EM

Cao Triệu người thôn Dương, có tiếng hay cờ mà lại kén địch thủ. Cao Triệu thường chơi cờ một mình. Một hôm vào mùa trăng tròn tháng tám, Cao Triệu bày bàn cờ ngồi đợi, bỗng nghe tiếng chó sủa rồi có một người đàn ông vào trạc ngũ tuần, trán cao, râu dài, mày rậm, bận một bộ đồ lụa trắng, đi giày đen từ ngoài cổng bước vào:

- Đại nhân cho đệ hầu một ván.

Cao Triệu bỗng ngẩng mặt lên nhìn người khách một thoáng rồi vui vẻ:

- Tôi đợi ngài đã lâu. Hôm nay thật là hân hạnh.

Nói xong, kéo ghế mời khách ngồi và sai người nhà mang trà bánh lên tiếp đãi. Hai người vừa chơi cờ vừa bàn luận kim cổ xem như chẳng chú ý gì đến nước cờ cao thấp ra sao. Cao Triệu nói với khách:

- Thế nước như thế cờ. Vận nước suy thì lòng dân cũng ly tán. Đại nhân vào Nam ra Bắc, cuộc vận động nay đã đi đến đâu rồi?

Ông khách nhìn lên bầu trời trăng sáng, không một gợn mây, như đang hướng lòng về chốn xa xăm, rồi chậm rãi nói:

- Tôi đi khắp nơi tìm người, tính chuyện “bách niên chi kế”. Hiện nay tình hình thế giới thay đổi, hy vọng sẽ tạo được biến cố thuận lợi cho đại cuộc. Tôi tính mời đại nhân cùng đi với tôi một chuyến...

- Tôi từ nhỏ vẫn quanh quẩn nơi đồng ruộng, ít đi đâu xa. Lâu nay trong vùng gặp cảnh mất mùa đói kém, dân hoạn nạn thường đến nhờ cậy giúp đỡ, sợ di xa không người trông coi việc nhà, tuy nhiên chí cũng muốn theo đại nhân đi đây đó một phen để gặp gỡ anh em. Xin hẹn đại nhân mùa Thu năm sau, tôi sẽ thu xếp... Hiện nay, anh em khắp nơi đều cần phương tiện để hoạt động. Công việc của tôi là lo cung cấp lương thực và tài chánh cho tổ chức... Tất cả anh em đều thông suốt đường lối, chỉ đợi ngày khởi sự...

Hai người đang say sưa câu chuyện thì một cô gái chừng mười ba, mười bốn tuổi mang một mâm rượu thịt ra. Khách nhìn cô gái hỏi Cao Triệu:

- Cháu gái... ?

- Không, đây chỉ là một đứa trẻ hoạn nạn... Gia đình chúng tôi nhận làm con nuôi.

- Cháu gái xinh quá! Sau này...

Khách nói rất nhỏ, chỉ để cho Cao Triệu nghe rồi khách bỗng quay lại hỏi cô gái:

- Cháu tên gì?

- Dạ thưa cháu tên Mẫn.

Khách bỗng gật gù:

- Mẫn là siêng năng. Tên có ý nghĩa lắm.

Từ trong nhà, có tiếng người đàn bà nói vọng ra:

- Thôi, khuya rồi. Con đi nghỉ đi.

Mẫn dạ một tiếng rồi cáo lui.

Vợ Cao Triệu đưa Mẫn vào một buồng kín có sẵn cái giường gỗ với chiếc chiếu cũ kỹ. Bà nói với Mẫn:

- Con ngủ ở đây. Nhớ gài cửa cẩn thận. Hôm nay con đi đường mệt nhọc. Sáng mai bà sẽ chỉ công việc cho con...

Bà chủ đi rồi, Mẫn bàng hoàng như vừa trải qua một giấc mơ hãi hùng. Trong phòng không có đèn dầu, Mẫn mở cửa sổ cho ánh trăng chiếu vào. Đây là một cái buồng kín chứa đồ đạc: nào lu, hũ, nồi đồng, mâm thau, chén bát... đủ mọi thứ. Mẫn rủ chiếu, quét giường cho sạch bụi rồi mới nằm nghỉ.

*

* *

Mẫn thấy trong người nôn nao, không thể ngủ được... Mới sáng hôm nay, Mẫn cùng mẹ dậy thật sớm, không có gì ăn lót lòng, hai mẹ con bụng đói ra đi. Mẹ nói với Mẫn:

- Cảnh nhà chúng ta quá túng quẫn, chẳng còn gì để ăn cho qua cơn đói. Tìm cái ăn cho một người lúc này còn khó, huống chi là hai mẹ con. Chỉ có một con đường: mẹ sẽ dẫn con đến nhà Cao Triệu xin làm con nuôi... Xin vong hồn cha con phù hộ cho mẹ con chúng ta.

Nói đến đó, mẹ không cầm được nước mắt. Mẫn cũng khóc theo.

Gà vừa gáy sáng, mẹ con Mẫn đã lên đường. Mẫn theo mẹ đi qua hết một cánh đồng thì mặt trời đã lên cao. Mẫn thường nghe người ta nói: “Nắng tháng Tám, nám trái bưởi”. Mẫn cảm thấy vừa mệt vừa đói, mồ hôi nhễ nhoại. Trên cánh đồng khô cháy, không một ngọn cỏ. Thiếu nước, lúa không mọc được. Một cơn gió thổi đến, bụi mờ tung bay, cuộn tròn, lăn như bánh xe. Đó là “ma trút”, ai chạy nhanh lấy nón úp được thì sẽ thấy một bã trầu và một cục máu. Mẫn thường nghe dân quê nói với nhau như vậy nhưng thật sự chưa có ai đuổi kịp “cơn trút” đó để bắt cho được “ma trút” và bã trầu có cục máu... Giữa cánh đồng có ba cây cổ thụ cao lớn mọc gần nhau, tàn lá xòe ra như cái lọng. Mẹ con Mẫn đến dưới gốc cây ngồi nghỉ.

Mấy năm liền thời tiết trái mùa, thiên tai bão lụt, lúa chưa kịp chín thì trời mưa tầm tã suốt ngày đêm. Nước nguồn đổ xuống đục ngàu, tràn lênh láng khắp cánh đồng. Lụt ngâm đến cả tuần làm thối lúa hết. Có người chèo thuyền ra gặt nhưng lúa hãy còn sữa, chưa thành thóc nên không thể có gạo để ăn. Trong nhà dành dụm được chút ít để sống, đợi mùa mới, cũng phải đem ra ăn hết. Cái lúc giáp hạt thật là nguy khốn, gạo cũ đã hết rồi mà lúa mới chưa có...

Nhà nhà thiếu ăn, bệnh phù thủng, vàng da, rồi cơn đói ập đến, người ta kéo nhau đi đào bới, tìm kiếm bất cứ thức gì có thể ăn được. Rau cỏ, củ mài, khoai, sắn, giong, riềng... cũng không còn.

Cha của Mẫn lăn lộn ngày đêm ngoài cánh đồng, dãi nắng dầm sương cũng không đủ nuôi gia đình, cuối cùng sinh bệnh, người phù lên vì thiếu ăn rồi chết. Không có hòm để chôn, đành phải cuốn xác vào một mảnh chiếu nhờ hai người bà con gánh ra ngoài đồng. Trời mưa, nước lênh láng, tìm mãi không có chỗ để chôn, người ta phải chèo ghe đến một mô đất cao giữa đồng rồi chôn xác cha Mẫn ở đó. Xong việc, mẹ của Mẫn chạy xuôi chạy ngược cũng không kiếm ra chỗ làm để có bát cơm sống qua ngày.

Bao nhiêu nhà giàu trong vùng đều đóng cửa, ai lo thân nấy, không còn nhận người làm công hằng ngày nữa. Những việc như chăn trâu, giữ em, cày bừa, gieo vãi... chỉ dành cho con cháu trong nhà, ít ai chịu đi thuê người ngoài. Nhà có thóc gạo thì cửa đóng then cài đề phòng kẻ cướp. Người dân hiền lành cam chịu chết đói chứ không dám làm điều xằng bậy. Gia đình Mẫn cũng lâm vào cảnh đói như những nhà nghèo khác. Bà con họ hàng chẳng còn ai để nhờ cậy, vì thế mẹ của Mẫn quyết định đem con đến nhà Cao Triệu.

*

* *

Quá trưa, mẹ con Mẫn mới đi qua hết cánh đồng để đến thôn Dương. Mẫn đi chân không chạy theo mẹ qua một sân gạch nóng, bỏng cả da. Mấy con chó nhà Cao Triệu thấy người lạ, vừa sủa vừa đuổi cắn... Lúc đó, Cao Triệu đang ngồi một mình ở trước thềm, nghe tiếng chó sủa, nhìn ra thấy một người đàn bà đầu chít khăn tang, tay dắt một đứa bé xanh xao, gầy gò, áo quần tơi tả đi vào. Cao Triệu vừa mắng chó thì mẹ con Mẫn đã đến gần, cúi đầu sụp lạy:

- Chồng tôi vừa mới chết vì đói. Mẹ con chúng tôi quá túng quẫn, không còn gì để ăn cho qua ngày. Nghe tiếng ông bà là người nhân đức, xin ông bà làm phước cho con tôi được nương nhờ... Tôi xin ông bà nhận con tôi làm con nuôi... Tôi có chết cũng an lòng... Trăm lạy ông bà...

Vợ Cao Triệu nghe tiếng chó sủa, thấy có người lạ vào nhà... cũng chạy ra xem... Cao Triệu hỏi:

- Mẹ con bà ở đâu đến?

- Chúng tôi người họ Phan..., ở làng Phan Xá..., cũng không xa làng này bao nhiêu...

- Người họ Phan. Vậy có bà con gì với Chân Phước Trung... ?

- Dạ có, Chân Phước Trung là tổ tiên của cháu...

- Con cháu bậc anh hùng đấy... Chơn Phước Trung “tử đạo” đời vua Tự Đức?

- Dạ, chúng tôi không rõ lắm...

- Cháu mấy tuổi rồi?

- Dạ, cháu hơn mười ba tuổi nhưng vì nhà nghèo nên trông ốm yếu thế đấy!

Vợ Cao Triệu đứng gần đó, ghé tai nói nhỏ với chồng:

- Trông con nhỏ xinh đẹp, dễ thương đấy. “No nên bụt, đói ra ma”, mình nuôi nó sau này nó sẽ khá hơn.

Cao Triệu hiểu ý, hướng về mẹ con Mẫn:

- Cho họ ăn uống kẻo đi đường xa chắc đói lắm.

Mẫn nghe câu nói đó bỗng sáng mắt ra, biết rằng mình đã được cứu sống.

Bà chủ liền dẫn mẹ con Mẫn xuống nhà dưới, chỉ nồi cơm nguội ở trên bếp rồi nói:

- Lẽ ra hôm nay ăn cháo trước rồi bữa sau mới được ăn cơm. Cơm với dưa cải, ăn đi. Nhớ ăn vừa thôi, đừng ăn nhiều lắm, đợi tối ăn thêm. Bụng đói lâu ngày mà ăn nhiều thì không tốt đâu.

Nói xong, bà lấy cho mỗi người một phần cơm, chỉ vừa bụng thôi, rồi dặn mẹ con Mẫn:

- Ăn hết, phải nghỉ ngơi, uống thêm nước vào.

Mẹ của Mẫn ăn xong, xin phép về ngay kẻo không kịp. Trời đã về chiều rồi, từ đây về đến nhà thì trăng đã lên... Đàn bà một mình đi ban đêm bất tiện. Mẫn ôm lấy mẹ:

- Có dịp, mẹ sẽ đến thăm.

Mẹ con Mẫn ngậm ngùi chia tay. Mẫn trở vào nhà, thấy việc chi làm được thì làm. Mặc dù nhỏ tuổi nhưng con nhà nghèo vốn siêng năng. Mẫn cố gắng làm sao cho vừa lòng chủ để có chỗ mà nương tựa.

Mẫn nhắm mắt lại, nhớ đến cha mẹ, bà con họ hàng, bạn bè cùng lứa tuổi, ngôi nhà tranh nhỏ bé nơi Mẫn sinh ra, lớn lên. Con đường làng, cánh đồng lúa, mảnh vườn xinh xắn với những khóm tre xanh bao bọc chung quanh... Mùa Xuân đến, Mẫn thường đuổi theo những con bướm vàng bay lượn trong vườn hay đi hái những bông hoa dại đem cắm vào trong cái lọ nhỏ đem trưng bày trên bàn thờ... Câu chuyện diễn tiến từ sáng sớm cho đến bây giờ... lại hiện ra trong ký ức. Lần đầu tiên Mẫn xa nhà và cũng là lần đâu tiên Mẫn đi đến một làng khác, ngủ lại tại một nơi khác không phải là nhà của mình. Lần đầu tiên, Mẫn bước vào một nhà giàu, sân gạch rộng rãi, nhà ngói ba gian, hai chái đồ sộ. Bàn ghế, tủ giường toàn bằng gỗ quý, bàn thờ chạm trỗ, khảm xà cừ... Nhà trên, nhà giữa, nhà dưới, sân trước, vườn sau, hồ cá, thóc lúa đầy lẫm, trâu bò, gà vịt từng đàn, giếng nước xây bằng gạch, cửa ngõ kiên cố... Mẫn lại được nhận làm con nuôi trong gia đình này, không còn sợ đói, rét...

*

* *

Suy nghĩ miên man, Mẫn đã ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Bỗng Mẫn nghe tiếng gà gáy rộn ràng, lúc đầu là tiếng gà đập cánh rồi con gà trống đầu đàn cất cao giọng nghe thánh thót, âm vang... Hàng trăm con gà khác gáy cùng một lúc lan xa tới khắp miền, tiếng gà mẹ gọi con... Tuồng như có người ra mở cửa chuồng cho gà ra sân... Theo thói quen, Mẫn vùng dậy, mở cửa chạy ra ngoài, sợ người ta thức dậy rồi mà mình còn ngủ mê sẽ bị chủ nhà chê cười...

Thấy Cao Triệu và ông khách vẫn còn ngồi chơi cờ ở bên thềm, Mẫn vội đi đun nước sôi mang lên. Trên bàn đã có sẵn mọi thứ rượu, trà, mứt, bánh... Có người đã chuẩn bị trước rồi. Cao Triệu bỗng đứng dậy, chuẩn bị tiễn khách.

Con chim ở trong lồng treo bên thềm bỗng cất tiếng hót trong trẻo. Lần đầu tiên Mẫn được nghe tiếng chim lạ. Cô nhìn lên, thấy con chim nhỏ bé, có bộ lông màu xám, trên đôi mắt có một viền trắng bao quanh. Người ta gọi đó là chim họa mi, loài chim quý hiếm mà một người bạn thân của Cao Triệu đã đem từ vùng núi Hà Tĩnh, Quảng Bình vào tặng cho ông nhân dịp Ngũ Tuần Khánh Thọ. Mẫn say sưa nghe tiếng chim hót mà quên để ý rạng đông đã bắt đầu. Khách cũng đứng dậy thi lễ:

- Xin từ giã đại nhân. Hẹn năm sau chúng ta sẽ gặp lai.

Cao Triệu cầm tay khách, nói:

- Để tôi đưa bác đi một đoạn đường.

Rồi Cao Triệu gọi Mẫn:

- Con mang các thứ này đi theo ta.

Mẫn thấy trên bàn còn trà, rượu và thuốc lá..., cô liền thu dọn tất cả vào khay và mang theo hai người.

Cao Triệu và ông khách đi ra tới bến đò. Nơi đó đã có sẵn một chiếc thuyền con thường ngày Cao Triệu dùng để đi câu cá trên sông. Cao Triệu mời khách xuống thuyền rồi bảo Mẫn cùng xuống luôn. Mái chèo bắt đầu khua nước, con thuyền chòng chành làm cho Mẫn lo sợ nhưng thấy Cao Triệu và ông khách vẫn bình tĩnh, ngồi vững như cột đình nên Mẫn cũng yên tâm. Cao Triệu vừa chèo vừa nói chuyện với khách, tuồng như câu chuyện từ hôm qua chưa kết thúc... Mẫn không để ý gì đến hai người, cô cứ thả hồn theo cảnh sắc trên sông.

Trời vừa rạng sáng, ánh bình minh biến đổi mặt nước thành từng đợt sóng màu vàng lấp lánh. Gió nhẹ trên sông vào buổi sớm mùa Thu hơi lành lạnh, bếp lửa nhà ai bên sông đang bập bùng. Dân quê đã bắt đầu thức dậy, chuẩn bị công việc đồng áng. Những mái tranh nghèo nàn khuất bên trong lũy tre. Cao Triệu cao hứng ngâm lên mấy câu thơ:

Thanh thanh phương thảo mãn châu hà,

Vũ đả ba tiêu, từ cố gia.

Xuân phố yên quan tương tống biệt,

Giang đầu đối diện khởi phong ba.

Ông khách liền ngâm tiếp theo:

Xanh xanh cỏ mướt bờ sông,

Mưa trên ngọn chuối, một lòng ra đi.

Bến Xuân sương khói, phân kỳ,

Đầu sông nổi sóng, ngại khi xa nhà.

Cao Triệu lại ngâm:

Cỏ xanh mơn mởn ngập đôi bờ,

Lộp độp mưa rơi, lìa cố gia.

Sương khói giăng mờ, sầu biệt xứ,

Đầu sông nhìn lại, trận phong ba.

Khách cất tiếng cười:

- Hay! Hay lắm nhưng bài thơ này nói về cảnh mùa Xuân mà chúng ta lại đang vào mùa Thu.

- Đúng thế, bài thơ này nói cảnh mùa Xuân nhưng phong cảnh vào sáng hôm nay tuy là mùa Thu nhưng trông giống mùa Xuân, nên tôi ngâm bài thơ này... Cũng là bài thơ tiễn bạn mà thôi. Nội dung vẫn là một cuộc đưa tiễn.

Chẳng bao lâu, thuyền đã đến bến, cạnh đường quốc lộ và đường hỏa xa nhưng khách không đi xe mà cũng không đi tàu. Hai người đợi ở bến sông một lúc thì có tiếng vó ngựa chạy đến, người liên lạc trao ngựa cho khách... Hai người chung một ngựa, băng qua đồi sim rồi theo hướng núi mà đi. Đợi cho khách đi xa rồi, Cao Triệu mới lên đường trở về.

*

* *

Mẫn đến nhà này từ hôm qua nhưng bây giờ cô mới thấy được toàn bộ sinh hoạt trong nhà. Buổi sáng rất đông người: hai anh chăn trâu, cắt cỏ, một chị lo bếp núc, dọn dẹp trong nhà, nuôi heo, gà, vịt, ngỗng, chó..., cứ đến bữa thì cho súc vật ăn. Hai anh lớn lo đi cày ruộng, gặt lúa, tát nước, làm công việc nặng nhọc... Đó là những người ở luôn trong nhà năm này đến năm khác. Họ ngủ ở nhà dưới và tuồng như không được phép lên nhà trên, nơi vợ chồng Cao Triệu ở. Mẫn mới đến lại được ngủ ở nhà trên nên không thấy mặt những người này.

Cao Triệu tiếp bà con hoặc khách bạn đến thăm ở ngôi nhà lớn, tức ngôi nhà chính, như trường hợp ông khách quý hôm qua. Ngoài ra mỗi ngày còn có cả chục người đến làm việc, sáng đi, tối về. Họ được chủ cho hai bữa, cấp thuốc lá cho hút, có nước chè xanh mang theo ra đồng để uống và có cả cau trầu, ai thích thì lấy bỏ vào miệng nhai cho vui. Cuối ngày họ được trả công bằng mấy bát gạo. Đây là sinh hoạt truyền thống đã có từ mấy đời nay.

Mẫn vừa về đến nhà thì bà chủ cũng vừa thức dậy. Bà gọi Mẫn vào dặn dò:

- Người làm đều ở nhà dưới, chỉ riêng con được ở nhà trên. Con phải luôn tắm rửa sạch sẽ, áo quần tươm tất. Bà sẽ cho con quần áo mới và những thứ cần dùng. Mỗi ngày con lo đun nước pha trà, mùa lạnh thì mang nước ấm cho ông bà rửa mặt. Đến bữa, con bưng mâm cơm từ nhà dưới lên cho ông bà ăn. Con phải lo lau chùi tủ bàn, chén bát, tủ thờ, cửa kính cho sạch bụi, quét nhà từ trong ra tới ngoài thềm, chung quanh nhà lớn, quét lá rụng bên ngoài, cho chim ăn và rửa lồng chim cho sạch... và nhất là chăm sóc cho em bé trai mới bốn tuổi.

Mẫn cúi dầu vâng dạ... Bà lại nói tiếp:

- Với bé trai này, con phải đặc biệt cẩn thận, vì đó là con út và là con cưng của ông bà. Mỗi ngày ba lần sáng, trưa, tối cho em ăn, dẫn em đi chơi, giặt áo quần, giày, dép cho em... Bà sẽ đích thân dạy cho con cách nấu các món ăn cho em với nồi riêng loại đặc biệt bằng đồng và rất nhỏ... Bà sẽ dạy cho con cách làm các món ăn đặc biệt để khi có khách, con sẽ phụ giúp bà. Ông bà đã nhận con làm “con nuôi” nên có bổn phận lo cho con như con, không xem con như đầy tớ, đứa ở. Mai sau con khôn lớn, thành người, ông bà sẽ kiếm chồng cho con. Con sẽ là một người nội trợ giỏi, một người vợ, người mẹ tốt. Những điều đó sẽ ích lợi cho cuộc đời của con sau này. Con sẽ có hạnh phúc nhờ những đức tính và tài năng của con. Bà nêu gương cho con bắt chước. Bà không đánh đập la mắng con nặng lời khi con có điều gì sai trái nhưng bà sẽ chỉ cho con biết điều đúng, điều sai, điều hay, điều dở để con noi theo điều lành, điều tốt và xa lánh điều dở, điều xấu. Con phải biết ơn và trung thành. Được ông bà yêu thương, con đừng kiêu căng, lên mặt với người lớn, người làm việc trong nhà. Con phải vâng lời người trên và ít nói, đừng nhiều chuyện với họ. Con sẽ được học chữ, học kinh như các trẻ em trong làng. Hiện nay con còn ốm yếu, bà cho con làm việc nhẹ. Ai đến nhà này một thời gian cũng sẽ béo tốt, xinh đẹp. Một thời gian sau, con cũng sẽ được như thế.

Lời bà nói nhẹ nhàng, từ tốn, đi đứng khoan thai, dáng dấp quý phái, gương mặt xinh đẹp nhưng nghiêm nghị... Mẫn đứng vòng tay nghe bà nói, cảm động, nước mắt chảy xuống hai hàng. Rồi Mẫn quỳ xuống ôm chân bà mà khóc. Mẫn nói với bà:

- Con lạy cám ơn bà, cám ơn mẹ.

Bà đi mở tủ trao cho Mẫn một bộ áo quần còn tốt, vừa với vóc dáng của cô. Bà nói:

- Con đi tắm và thay áo quần sạch. Đến Tết bà sẽ may áo quần mới cho con. Đừng quên những điều bà nói với con vừa rồi. Sau này, khi có dịp, bà sẽ nhắc lại. Dần dần rồi con sẽ hiểu thêm.

Mẫn dạ cám ơn rồi đi múc nước tắm. Sau đó, bà đưa Mẫn đến phòng của bà để giới thiệu em bé. Bé Minh nằm ngủ một mình trên giường, tay ôm gối và đắp một tấm chăn len màu trắng. Nghe tiếng người nói, bé thức dậy. Bà ẵm bé lên và nói:

- Minh thức dậy đi, trời sáng rồi. Hôm nay có chị Mẫn lo cho Minh ăn, tắm rửa cho Minh và dẫn Minh đi chơi...

Bà nói xong, Mẫn liền đến bên Minh. Lúc đầu Minh còn bỡ ngỡ, lạ lùng nhưng dần dần rồi cũng quen và khắng khít với Mẫn. Mẫn đem Minh ra sân, ra vườn chơi. Khi trời tạnh ráo, ấm áp, Mẫn lại dẫn Minh ra tới ngoài đường, đến sân trường học, nhà thờ hay đến nhà bà ngoại, nhà bác bên cạnh chơi. Nhà có hàng trăm con gà, hai chuồng bồ câu hàng mấy trăm con, lúc nào cũng có bồ câu con mới ra ràng. Tuần nào bà cũng cho Minh ăn bồ câu hầm, gà hầm với đậu xanh. Thường ngày Minh ăn cơm với cá bống kho hoặc cá hanh, cá chép hấp. Trong vườn có chuối, mít, thơm, mãng cầu, đu đủ, ổi... đủ thứ. Trái chín luôn có sẵn để cho ông bà và khách dùng. Minh thích chơi đùa và ăn rất ít. Bà dặn Mẫn làm sao giỗ Minh ăn cho được nhiều. Minh ăn không hết thì Mẫn được ăn phần còn lại, chừng một tháng sau trông Mẫn mập lên, da mặt trắng trẻo hồng hào, càng ngày cành xinh đẹp. Một hôm, mẹ của Mẫn đến thăm, trông thấy Mẫn, bà không nhận ra đó là con của mình. Bà nói:

- Con bây giờ như là tiểu thư nhà họ Cao rồi. Đâu còn là con nhà họ Phan nghèo đói như ngày xưa nữa.

Rồi bà ghé sát bên tai Mẫn:

- Người ta nói năm đó trời lụt, cha con chết không có chỗ chôn, bà con phải chèo ghe chở xác ông đến một chỗ đất cao. Nhờ ngôi mộ kết phát nên bây giờ con mới được sung sướng như vậy đó.

Mẫn còn nhỏ, không hiểu gì chuyện mồ mả nhưng vẫn tin rằng vong hồn của cha phù hộ nên cô mới được may mắn như thế này.

*

* *

Qua mấy tháng mùa Đông, Mẫn không cho Minh đi ra khỏi nhà, cứ quanh quẩn trong phòng khách, hết xuống nhà dưới lại lên nhà trên. Cách kiến trúc nhà kiểu Việt Nam thời xưa thấp, kín, tối tăm, chật hẹp nhưng nhà Cao Triệu nền cao với sáu cánh cửa ở mặt tiền, mở ra, khép vào, có khung gỗ lồng kính như kiểu nhà Tây trông rất sáng sủa, đẹp mắt. Đó là lối nhà cải cách do sáng kiến của Cao Triệu, khắp vùng này chưa ai có kiểu nhà như thế. Nhà rộng rãi, tha hồ cho bé Minh và Mẫn vui đùa. Hai chị em thường bày trò trốn tìm, không xó xỉnh nào trong nhà mà Minh không chui vào đó để núp. Có lần Minh vào trong lu gạo, đậy nắp lại làm cho Mẫn tìm khắp nơi không có, chỉ sợ Minh rơi xuống giếng... Mẫn phải báo với bà chủ. Cả nhà đi tìm không ra, định cho người xuống giếng thì Minh bỗng xuất hiện... Từ đó, Mẫn không dám rời Minh nửa bước.

Ngày tháng trôi qua, Xuân về Tết đến. Một hôm, Mẫn thấy mọi người trong nhà chuẩn bị sắm sửa lau chùi đồ đồng, lư hương, chân đèn, may màn mới, cửa sơn lại màu xanh, tường quét vôi trắng... Bà chủ cho lấy lúa nếp ra xay, giã thành bột để làm bánh ít, bánh chà lam, ngâm nếp làm bánh chưng, bánh tét. Mẫn thấy người ta xẻ trái bí đao, cắt gừng thành từng lát để làm mứt... Nào đường, nào mật, nào bột thơm, nào quế... đem ra trộn... Họ còn giết heo mổ thịt để làm chả, làm nem. Năm nào trong nhà cũng nuôi mấy con gà trống thiến để ngày giỗ, ngày Tết làm thịt... Người làm công chỉ mong ngày Tết để được ăn cỗ, ăn bánh... Thấy nhà Cao Triệu đầy đủ sung túc, Mẫn liền nhớ đến cảnh nhà cha mẹ ngày xưa đói rách đến nỗi không có miếng cơm ăn nên tự nhiên nhớ nhà, đứng lặng người hồi lâu, không cầm được nước mắt...

Bà chủ còn thuê một chiếc thuyền nhỏ đi chợ tỉnh mua sắm hàng Tết, chuyến đi mang theo gà, vịt, ngỗng, heo, các sản vật nhà quê để bán, chuyến về mua vải vóc, đường mật, chén bát, trà, rượu, giấy màu, dầu đốt đèn..., vừa làm quà biếu bà con, bạn bè, vừa dành cho con cháu trong nhà ăn Tết. Chỉ trừ những thứ gì trong nhà làm ra được như dầu mỡ, nước mắm, nếp, đậu, bánh trái, thịt, cá... là không mang về. Một hôm, bà gọi ông thợ may gần nhà đến để đo kích thước may quần áo cho những người ăn ở trong nhà.

Bà đưa cho thợ mấy xấp vải đủ màu và gọi Mẫn vào:

- Con thích màu gì?

Mẫn chỉ hai xấp vải đen, vải trắng. Bà ngạc nhiên:

- Sao con không chọn màu xanh, màu hồng mà lại chọn hai màu này ?

- Thưa bà, con không dám. Bà cho con ăn mặc đầy đủ rồi, con chỉ xin màu đen, màu trắng để mặc khi đi lễ mà thôi...

Bà suy nghĩ một hồi rồi gật đầu:

- Thôi được, tùy ý con. Bà thấy con mặc thứ gì trông cũng dễ thương cả.

Rồi bà nói với bác thợ may:

- Cố gắng may cho cháu thật vừa, thật đẹp nghe. Con nhà này ăn mặc phải khác con người ta.

Thợ may nghe bà nói như thế và trông mặt mày xinh đẹp, duyên dáng của Mẫn cứ tưởng Mẫn là con cháu nhà họ Cao thật. Ông không dám nghĩ rằng Mẫn chỉ là đứa ở, là con nuôi. Sau khi bác thợ may ra về, bà nói riêng với Mẫn:

- Bà trông con chóng lớn quá, chẳng mấy chốc mà nay đã thành cô gái xinh đẹp rồi. Trời cho có nhan sắc thì phải biết giữ gìn. Sau này số may lấy được chồng sang thì đừng để cho người ta khinh mình. Con gái phải giữ trinh tiết là vì lý do đó.

Rồi bà dặn Mẫn phải giữ gìn ý tứ, ăn mặc kín đáo, tránh xa đàn ông, con trai, đêm đi ngủ phải khóa cửa buồng cẩn thận đừng tạo cơ hội cho kẻ khác dòm ngó, ước muốn điều bất chính.

*

* *

Nhà họ Cao trước đây có một người đậu Cử Nhân, không ra làm quan và ở nhà làm ruộng, chăn nuôi trồng trọt, nghiên cứu Đông y, chữa bệnh cho đồng bào. Cụ cử Cao cũng có thâu nhận một số học trò đến học chữ Nho, sau này cũng có người thành đạt, ra làm việc cho nhà nước. Vì có dính líu đến chuyện quốc sự, tham gia tổ chức bí mật hoạt động chống Pháp, sai học trò phổ biến các tài liệu cách mạng nên cụ đã rủi ro bị bắt..., may nhờ có một vị quan lớn trong triều đứng ra bảo đảm cho cụ với Công Sứ Pháp ở tỉnh nên cụ chỉ bị giam giữ một thời gian rồi cho về nhà, cấm không được đi ra khỏi xã. Trong vụ này nhà họ Cao cũng mất hết nửa gia tài để lo lót quan trên. Từ đó cụ cử Cao chỉ quanh quẩn trong làng xóm, dạy học, lo việc tôn giáo và trông coi ruộng vườn. Sau mấy chục năm chăm lo làm ăn, tình hình kinh tế trong gia đình càng ngày càng tiến bộ, cụ đã trở nên một người giàu có và nổi tiếng về công tác từ thiện, bác ái. Mỗi năm đến ngày Tết, con cháu, học trò, khách bạn tụ họp tại nhà cụ rất đông.

Ngày ba mươi Tết, người học trò lớn tuổi ở gần nhà được anh em bầu làm trưởng tràng, thường mang theo một danh sách môn sinh và những lễ vật của anh em gần xa đến Tết cụ. Trong số học trò thành đạt có viên Tri Huyện ở xa đã cho một tên lính lệ mang đến tặng cụ một bức hoành phi với bốn chữ đại tự: “Cao Đường Minh Cảnh” (nhà họ Cao là một tấm gương sáng). Các môn sinh cũng giúp trang trí nhà cửa, chưng bày hoa quả trên bàn thờ, mang các chậu hoa mai, hoa thược dược, thủy tiên v.v... để trước thềm nhà và phòng khách, kết một tràng pháo dài để đốt vào giờ giao thừa. Chuẩn bị xong mọi thứ, đến chiều tối họ mới ra về.

Con cháu và người làm trong nhà được ăn Tết từ chiều ba mươi. Sáng Mồng Một, cụ cử ăn mặc chỉnh tề để tiếp đón bà con, họ hàng đến chúc Tết, sau đó có một bữa cỗ thịnh soạn để đãi con cháu nội ngoại và bà con xa gần. Trẻ con thì được lì xì mỗi đứa mấy hào...

Chiều mồng một, học trò đến chúc Tết cụ và ở lại cho đến Mồng Hai, vui chơi, tiệc tùng, bài bạc suốt đêm... Năm nào cụ cũng dành riêng một con heo thật tốt để đãi học trò. Tất cả môn sinh của cụ, mỗi người một việc như mổ thịt, nhặt rau, làm các món ăn... Họ cùng với người nhà làm việc một cách vui vẻ. Sáng Mồng Ba, sau khi học trò và quan khách ra về, cụ liền khăn áo chỉnh tề đi thăm bà con trong làng. Cụ đến nhà họ hàng gần trước, sau đó mới đi thăm bạn bè, chức sắc trong làng.

Những người làm việc quanh năm trong nhà được về cúng ông bà đêm ba mươi, sáng Mồng Một trở lại. Bất cứ ai đến thăm cũng được mời đủ rượu, thịt, bánh chưng, bánh tét; cứ vài ba người ngồi chung một mân. Tục nhà quê gọi là “đi ăn Tết”. Người nghèo hay tá điền chỉ mong đến ngày Tết để được cụ cử đãi một bữa thật no như thế. Khách sang thì mời lên nhà trên có sẵn trà, rượu, mứt, bánh. Từ ngày cụ cử qua đời, Cao Triệu vẫn giữ tục đó đối với bà con, làng xóm, bạn bè.

Lần đầu tiên, Mẫn được hưởng một cái Tết sung túc, vui vẻ và có đông người đến như thế. Mẫn nghĩ đến cha mẹ, cho dù ngày Tết cũng chỉ cơm rau như ngày thường mà thôi, quanh năm chạy kiếm cho đủ ngày hai bữa cũng đã vất vả khó nhọc rồi, đó là chưa kể những năm đói, phải ăn cháo thay cơm. Chiều ba mươi Tết, sau khi đi thăm mộ của chồng, mẹ Mẫn đã đến nhà Cao Triệu ở lại giúp việc trong ba ngày Tết rồi mới từ giã ra về.

*

* *

Sau mấy ngày Tết, trời nắng đẹp, mọi người ra về hết, cảnh nhà vắng vẻ, Mẫn dẫn Minh ra vườn chơi. Ánh nắng mùa Xuân dịu dàng, ấm áp đã về lại trên mảnh vườn xinh xắn cũ, từng đàn bướm nhởn nhơ trên hoa cải vàng, khoai muộn trong vườn đã mãn mùa, nhường chỗ cho hoa mới mùa Xuân ra đời. Cách nhà Cao Triệu một hào tre là nhà ông bác, anh cùng cha khác mẹ với Cao Triệu. Nguyên cụ cử có đời vợ trước, sinh được một người con trai thì bà qua đời. Ông Cả lớn lên, được ra ở riêng, còn Cao Triệu là con bà kế thì ở chung với cụ.

Con út thì trút gia tài. Sau khi ông bà qua đời, tất cả cơ nghiệp đều để lại cho Cao Triệu. Hai anh em tính tình khác nhau, người anh thì lo làm giàu, ngày đêm gom góp tiền bạc, lúa gạo, súc vật cho thật nhiều nhưng ít giao thiệp bạn bè. Cao Triệu thì bỏ của ra để mua lấy lòng người, thường tiếp đón khách từ xa đến chơi hoặc thân hào, nhân sĩ và thanh niên trong làng ăn uống, hội họp.

Mới đây, Cao Triệu có tiếp một ông quan lãnh binh về hưu, đã từng chỉ huy lính khố xanh một tỉnh. Từ khi ông Quản về làng, một số thanh niên đã đến xin thụ giáo với ông, nhân đó Cao Triệu đề nghị ông mở trường dạy võ tại nhà Cao Triệu vì nơi đây có sân gạch rộng rãi. Cao Triệu sẵn sàng bỏ tiền ra để trả thù lao cho thầy và giới thiệu thêm hai người bạn đến phụ tá ông Quản. Mỗi lần thanh niên đến tập võ thì Mẫn dẫn Minh đi chơi, có khi qua thăm nhà ông bác.

Bên đó vào năm đói cũng nhận nuôi hai cô bé gái: Hồng, con lai, tóc quăn màu vàng và Hoa, tóc đen, có đôi mắt bồ câu rất đẹp. Cả hai đều ở trong viện mồ côi được đưa về đây. Hồng và Hoa đều lớn hơn Mẫn một vài tuổi. Chúng chỉ là đứa ở nên phải làm lụng vất vả như đi gánh nước, giã gạo, nấu ăn, giữ em, nuôi heo, cuốc đất, làm vườn... Mặc dù đã mười lăm, mười sáu tuổi, mặt mày xinh đẹp, da trắng nhưng chúng không có quần áo tươm tất như Mẫn và ăn uống thì không được đầy đủ nên không thể so sánh so sánh với nhan sắc của Mẫn được.

Mỗi lần Mẫn đem Minh qua nhà bác chơi, bọn chúng thường tìm cách lân la trò chuyện. Mẫn đã được bà chủ dặn trước nên mỗi lần chúng hỏi đến chuyện bên nhà Cao Triệu, Mẫn đều trả lời không biết hoặc giữ im lặng chỉ ừ à cho qua chuyện. Chúng thừa biết Mẫn chỉ là đứa ở như chúng mà thôi nhưng trông bề ngoài Mẫn chẳng khác nào con ruột của vợ chồng Cao Triệu, tự nhiên chúng đâm ra ganh tức với Mẫn.

Trong số thanh niên đến học võ tại nhà Cao Triệu có Kính thường tìm dịp hỏi thăm Mẫn nhưng Mẫn biết ý nên tránh không dám nói chuyện với anh. Năm đó Kính chừng mười bảy, mười tám tuổi, khôi ngô, thông minh, học võ rất tiến bộ nên Cao Triệu rất thương, thỉnh thoảng khi có việc cần, vẫn gọi anh đến giúp việc trong nhà. Mẫn cũng thường thấy Kính có mặt tại nhà Cao Triệu ban đêm và làm làm nhiệm vụ canh gác, bảo vệ an ninh cho những cuộc hội họp đông người trong đó có ông Quản, sư phụ của Kính.

Một hôm, Cao Triệu đi xa về, nói với những người trong làng:

- Mỹ ném bom nguyên tử xuống hai quần đảo của Nhật và Thiên Hoàng Hiro Hito đã tuyên bố đầu hàng. Chúng ta chuẩn bị đón “Anh Cả” trở về.

Lúc bưng nước lên mời khách uống, Mẫn thấy Cao Triệu đang cho mọi người xem bức chân dung của “Anh Cả”..., đó là một người trán cao, râu dài, mày rậm với đôi mắt rất sáng. Mọi người đều trầm trồ khen ngợi gương mặt quắc thước, thông minh, xứng đáng là bậc lãnh tụ... Tuồng như mình đã gặp người này ở đâu rồi... Phải rồi, người trong bức tranh chính là ông khách năm trước đã ngồi chơi cờ với Cao Triệu...

Mùa Thu năm đó, Cao Triệu ngồi đợi ở bến đò năm xưa, mãi đến khi trăng lên mà khách vẫn chưa tới. Gần sáng, người liên lạc mới đến báo tin:

- Việt Minh cướp chính quyền tại Hà Nội ngày 19 tháng 8 năm 1945, sau đó là một cuộc tranh chấp giữa phe Quốc Gia và phe Cộng Sản đã diễn ra rất quyết liệt, một mất một còn. “Anh Cả” đã bị mất tích rồi !

Tin “Anh Cả” mất tích làm cho Cao Triệu bàng hoàng, lo lắng. Đại cuộc đã đến hồi thành công thì lãnh tụ mất tích. Bao nhiêu năm tranh đấu, đánh đuổi ngoại xâm, nay ngoại xâm đã bị lật đổ thì nội bộ lại xâu xé nhau!

*

* *

Cao Triệu bỏ nhà ra đi mấy tháng liền, thỉnh thoảng ban đêm mới trở về. Bà chủ lo lắng đi ra đi vào rồi đốt nến, quỳ trước bàn thờ cầu nguyện rất lâu. Bé Minh đã gần sáu tuổi rồi, mỗi ngày Mẫn dẫn em đi học lớp mẫu giáo và ngồi đợi đến khi tan trường mới đưa em về. Mấy tháng sau, Minh đã đọc được chữ in và tập viết chữ cái. Những ngày mưa gió, đường bùn lầy, Mẫn phải mang tơi, đội nón, cõng Minh đi học.

Một đêm mùa Đông, trời mưa gió, rét lạnh, Cao Triệu bỗng từ xa trở về. Ông bị cảm lạnh phải nằm ở nhà điều trị. Bà chủ gọi Mẫn đến và dặn:

- Ông đang bị kẻ thù tìm cách hãm hại. Bấy lâu ông trốn tránh nay vì đau nặng phải trở về nhà. Con dọn một chỗ trong buồng kín, nơi con ngủ, để cho ông ở đó. Phải tuyệt đối giữ bí mật, đừng cho ai biết.

Tối hôm đó, Mẫn qua ngủ chung phòng với Minh.

*

* *

Cao Triệu bị cảm sốt, thương hàn. Mỗi ngày Mẫn nấu cháo và đích thân bà chủ săn sóc cho ông. Từ khi Cao Triệu đi xa, nhà trên đóng cửa kín suốt mùa Đông, khách bạn không còn ai lui tới. Trong nhà chỉ có bà chủ, Minh và Mẫn được lên xuống mà thôi. Thỉnh thoảng Mẫn đang ngủ bỗng giật mình thức dậy vì những cơn ho sặc sụa kéo dài như người đang lên cơn suyễn từ chỗ Cao Triệu phát ra. Thế rồi một đêm, Mẫn cảm thấy lòng dạ bồn chồn, như có chuyện gì sắp xảy ra. Mẫn cứ ngồi trong bóng tối, im lặng không ngủ được. Tuồng như có kẻ nào đó đang rình rập ở bên ngoài...

Tiếng chó sủa từ xa vọng lại, rồi chó trong xóm lại thi nhau sủa lớn, có những tiếng tru ghê rợn. Tiếng chó mỗi lúc một gần và mấy con chó trong nhà Cao Triệu bỗng sủa vang lên như đang rượt đuổi kẻ trộm... Một nỗi kinh sợ ập đến, Mẫn run lên bần bật. Nàng vùng dậy chạy đến phòng bà chủ, tự động mở cửa bước vào:

- Bà ơi!

Bà chủ đã ngồi sẵn ở trên giường từ lâu, trong bóng tối... Bà nói rất khẽ:

- Kẻ thù đang đến đó ...

Nghe bước chân người chạy ở ngoài vườn. Một vài người..., rồi vài chục người... Tiếng đập cửa đùng đùng:

- Mở cửa mau. Chúng tôi là Ủy Ban Hành Chánh... Có lệnh khám nhà. Mở cửa mau...

Bà chủ mặt mày tái mét, chân tay run lẩy bẩy. Bà không còn đứng vững được nữa. Bà ngã xuống đất, ngất xỉu... Mẫn đến xốc bà dậy và gọi người làm từ nhà dưới lên... Mọi người lấy dầu xoa cho bà, đốt đèn, đốt lò than cho ấm...

Bọn người bên ngoài vẫn đập cửa, lay gọi như muốn phá nhà để vào... Mẫn nói vọng ra:

- Có việc gì xin đợi sáng đã. Bây giờ đang giữa khuya. Bà chủ nhà đang đau nặng...

- Lệnh của chính quyền: mở cửa mau lên.

Mẫn nhìn qua cửa kính thấy hàng trăm người, gươm giáo, súng ống đang bao vây ngôi nhà... Vườn trước, vườn sau đều có người... Mẫn chạy vào buồng, Cao Triệu đã biến mất, không còn ở đó nữa. Ông trốn đi đâu rồi !

Một lát sau, ông lại xuất hiện và chạy đến bên bà. Lúc bấy giờ bà đã tỉnh lại rồi. Ông cầm lấy tay bà:

- Tình thế này tôi phải nộp mình cho kẻ thù. Phen này chắc không hy vọng gì sống sót để trở về. Bà hãy can đảm gánh vác giang sơn nhà họ Cao. Hãy lo cho bé Minh nên người.

Rồi ông quay qua Mẫn:

- Dù thế nào đi nữa con cũng phải ở lại với bà, với bé Minh. Đợi trời sáng, con sẽ mở cửa cho họ vào.

Mẫn chấp tay “dạ” một tiếng rồi bỗng òa lên khóc:

- Trời ơi! Ông ơi! Bà ơi! Minh ơi!...

Những người ở ngoài tiếp tục quát tháo và đập cửa. Tiếng gà bỗng gáy lên rộn rã và trời đã hừng đông. Cao Triệu đứng giữa nhà:

- Mẫn, mở cửa đi.

Bọn người bên ngoài ùa vào, chụp hai tay Cao Triệu bẻ quặt ra sau lưng, trói lại. Cao Triệu bình tĩnh nói:

- Tôi chẳng có tội gì mà các ông bắt tôi. Tôi đang đau nặng. Tôi chỉ có một mình làm sao chống cự được với hàng trăm người... Các ông muốn đưa tôi đi đâu, tôi sẽ đến đó. Các ông khỏe mạnh, đi nhanh, tôi đau yếu không chạy theo kịp. Xin cho người nhà của tôi dùng võng cáng tôi đi theo các ông...

Thấy Cao Triệu xanh xao, gầy ốm như sắp chết nên tên chỉ huy, sau khi đã hội ý với đồng bọn, liền gật đầu...

... .

Ngay sau khi Việt Minh vừa dẫn Cao Triệu ra khỏi nhà thì Kính là người đầu tiên chạy đến thăm và an ủi bà. Lợi dụng trong lúc vắng người, đứng trước mặt Mẫn, Kính nói với bà:

- Cháu sẽ trả thù cho ông.

Bà nhìn chung quanh không có ai, bèn nói:

- Ở đây tai vách, mạch rừng, cháu phải cẩn thận. Bọn phản bội đã theo dõi ông, đêm nào chúng cũng rình sau vườn, nghe tiếng ho, chúng biết là có ông ở nhà nên đi báo cho Việt Minh đến bắt ông.

Cao Triệu bị bắt đi được mấy hôm thì quân Pháp đổ bộ và kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Tiếng súng mỗi lúc một gần, những tràng đạn đại bác từ chiến hạm của Pháp đậu ngoài cửa biến bắn vào các cơ quan, vị trí chiến lược quan trọng của Việt Minh. Quân kháng chiến đã ra khỏi thành phố, chạy vào rừng và ra lệnh phá hoại các dinh thự, đền chùa, miếu vũ, thực hiện kế hoạch vườn không nhà trống, tiêu thổ kháng chiến. Mượn danh nghĩa chống Pháp và tiêu diệt Việt gian, chúng đã bắt cóc, thủ tiêu, ám sát những người “quốc gia” không theo Cộng Sản. Một số người trí thức, thân hào nhân sĩ trong vùng cũng bị bắt cùng một lần với Cao Triệu. Nạn khủng bố lan tràn từ thành thị đến thôn quê. Ban đêm, đàn ông, trai tráng không dám ngủ ở nhà, phải trốn tránh đi nơi khác.

Nghe tin có Hội Đồng Chấp Chánh Lâm Thời được thành lập tại Huế, Hà Nội, Sài Gòn và riêng tại tỉnh nhà, một nhà cách mạng trẻ tuổi đã từng có thành tích chống Việt Minh đã được đưa lên làm Tỉnh Trưởng. Kính nghe tin một lực lượng quân đội Quốc Gia đã được thành lập tại tỉnh lỵ để giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ đồng bào. Chính quyền mới kêu gọi các cựu quân nhân đã phục vụ trong quân đội trước 1945 đến trình diện nhập ngũ, Kính nóng lòng lên tỉnh để tìm cách gia nhập quân đội, đi đánh Việt Minh để trả thù cho Cao Triệu.

Từ khi ông bị bắt, bệnh tình của bà trở nên trầm trọng, thường bị những cơn đau tim hành hạ, nhịp mạch rối loạn, lạnh tay lạnh chân và ngất xỉu. Bà con họ hàng bàn với nhau phải đưa bà lên tỉnh tìm vị Bác Sĩ danh tiếng hiện đang làm việc tại bệnh viện quân đội Pháp nhờ giúp đỡ. Kính nghe tin bà và Mẫn đã thuê thuyền đi đến quốc lộ số 1, từ đó sẽ xin quá giang xe của quân đội Pháp về thành phố. Vì đường sông cũng như đường bộ từ quê lên tỉnh có nhiều nơi do bọn du kích Việt Minh kiểm soát, không thể đi được nên chỉ có đường quốc lộ là tương đối an ninh nhất. Quân Pháp thường đi hành quân trên quốc lộ để bảo vệ cho các đoàn xe tiếp tế cũng như chuyển quân của họ.

Kính chạy ra bờ sông vừa lúc thuyền sắp nhổ neo, thấy bà và Mẫn đã có mặt trên thuyền, Kính xin đi theo lên tỉnh. Đây là chiếc thuyền mà gần hai năm trước Mẫn đã được đi theo Cao Triệu tiễn khách. Một người bà con cầm lái, Kính chèo phụ để đưa bà và Mẫn lên thành phố. Khi thuyền đến bờ sông gần quốc lộ, mọi người lên bờ đợi xe. Người bà con trở về.

Lần đầu tiên Kính được đi chung với Mẫn, chàng rất sung sướng. Dọc đường, hai người nói chuyện với nhau, kể cho nhau nghe về gia cảnh và những nỗi vui buồn dưới mái nhà của Cao Triệu mà cả hai đã được nương nhờ. Năm đó, Kính đã trên mười tám và Mẫn bước vào tuổi mười sáu. Mối tình ngây thơ trong trắng cũng đang chớm nở giữa hai người. Mẫn theo bà vào bệnh viện, Kính đi tìm người quen nhờ giới thiệu gia nhập lính “Việt Binh Đoàn”. Sau khi Bác Sĩ khám, bà và Mẫn về ở nhà bà con tại đường Phan Đình Phùng, thỉnh thoảng Kính đến đây thăm bà và thăm Mẫn.

Tết năm đó, nhà Cao Triệu vắng vẻ, ông bị bắt đi biệt tích không biết sống chết nơi nào; bà đau nặng đi bệnh viện, không ai còn lòng dạ nào mà ăn Tết. Minh ở nhà, mỗi ngày có người đưa đi học tại trường các Sơ trong giáo xứ. Việc ruộng vườn trao lại cho người quản gia với sự giám sát của ông bác, anh của Cao Triệu ở cạnh nhà.

Lên tỉnh được mấy tháng, nhớ Minh, bà liền cho Mẫn về dẫn Minh lên thăm. Mẫn đi lẫn vào đoàn người trên quốc lộ, cố ý không cho người ta thấy mặt để tránh sự chọc ghẹo của lính Pháp hoặc bọn đàn ông hiếu sắc. Đến bến đò hôm nọ, nàng tách riêng ra, đi dọc theo bờ sông về nhà. Từ ngày lên tỉnh, nàng thường tìm những người quen ở quê đi chợ để nhắn tin về cho gia đình Cao Triệu. Thỉnh thoảng, người nhà cũng lên tỉnh tiếp tế tiền bạc, thức ăn và các thứ cần dùng mục đích để biết bệnh tình của bà thuyên giảm như thế nào. Bà có viết mấy chữ báo tin cho người nhà biết Mẫn về để cho thuyền đón.

Mẫn vừa về đến nhà vội lên nhà trên mở các cửa phòng ra cho thoáng vì từ khi bà chủ đi bệnh viện, ít ai vô ra ngôi nhà lớn này, cửa ngõ thường đóng kín. Mẫn đi từ chỗ này qua chỗ khác, kiểm soát lại đồ đạc, vật dụng thấy vẫn như trước, không có gì thay đổi. Nàng bước ra vườn, bây giờ là cuối mùa Xuân, bông hoa nở rộ, rau cỏ tốt tươi. Chim chóc kéo về làm tổ, ríu rít trên cành nhắc nhở chuyện yêu đương. Mùa lúa tháng ba sắp chín. Mỗi năm vào mùa gặt, đàn chim tu hú từ đâu kéo về gọi nhau nghe rộn rã. Buổi trưa im vắng, tiếng cu gáy cất lên nghe tha thiết làm cho lòng Mẫn cảm thấy buồn nhớ vô cùng.

Mẫn vội đến trường đón Minh về. Nàng ẵm Minh vào lòng:

- Minh ơi! Mẫn nhớ Minh lắm, Mẫn thương Minh lắm. Mẹ cho Mẫn về đón Minh đi thăm mẹ đây. Ít hôm nữa, chị em mình sẽ đi thăm mẹ...

Minh vừa mừng vừa tủi, ôm lấy Mẫn. Hai chị em cùng khóc, nước mắt chảy xuống ướt đẫm má của cả hai người.

Sau khi Cao Triệu, ông Quản và một số nhân sĩ trí thức trong làng bị Việt Minh bắt đi mất tích, một đơn vị lính “Việt Binh Đoàn” được chính quyền Quốc Gia phái đến đóng đồn ở thôn Dương để bảo vệ an ninh cho dân quanh vùng. Việt Minh kéo đến đánh đồn mấy lần nhưng đều thất bại, bỏ lại nhiều xác chết sau khi rút chạy.

Nghe tin Cao Triệu bị bắt, mẹ Mẫn liền tìm đến hỏi thăm thì bà chủ và Mẫn đã lên thành phố rồi nên không gặp được, đành trở về. Ngay khi vừa về đến nhà, Mẫn liền nhắn tin cho mẹ... Hôm sau mẹ Mẫn đến thăm và ở lại với Mẫn một đêm... Từ nhà Cao Triệu trở về, ngang qua cánh đồng bà ngồi nghỉ dưới gốc ba cây cổ thụ hôm nọ... Bỗng thấp thoáng từ xa có hai người đàn ông vác cuốc đi tới. Bà nghĩ rằng đó là những nông dân quen biết trong làng đi xem ruộng ngang qua đây, chắc chắn họ là những người lương thiện nên bà cũng yên tâm. Khi đến gần, bà nhận ra họ là người quen trong vùng. Bà liền cất tiếng chào... Bất thình lình cả hai người cùng xông tới nắm chặt hai cánh tay của bà:

- Con mẹ kia, mấy hôm nay mi đi đâu? Liên lạc với địch phải không ?

- Tôi đi thăm con gái đang ở giúp việc cho người ta trên thôn Dương...

- Bọn Việt gian, hãy treo cổ nó lên...

Nói xong, hai người đàn ông liền trói tay bà lại, thòng dây vào cổ, treo lên cành cây... rồi bỏ đi. Hôm sau, có người đi ngang qua thấy, chạy về báo tin, bà con trong làng đem xác bà về chôn.

Cũng ngày hôm đó, Mẫn và Minh xuống thuyền lên tỉnh... Nàng bỗng thấy trong lòng nóng như thiêu như đốt, không biết có chuyện gì xảy ra. Từ bờ sông, Mẫn nghe tiếng chuông báo giờ kinh, nàng bỗng hướng lòng về ngôi thánh đường xứ đạo, cầu nguyện xin cho hai chị em đi đường được bằng an, cho bà chủ được lành bệnh, cho mẹ về đến nơi khỏi mọi tai nạn... Ngồi trên thuyền, nàng vẫn im lặng đọc kinh, không nói chuyện với Minh như mọi khi. Tối hôm đó, Minh vui mừng được gặp mẹ thì Mẫn nằm trằn trọc thao thức cho đến sáng.

Mấy hôm sau, có người quen trốn lên tỉnh cho Kính biết mẹ của Mẫn đã bị bọn dân quân tự vệ Việt Minh giết rồi... Sau khi đã hỏi lại cặn kẻ mọi chi tiết, Kính liền đến gặp riêng Mẫn... Quá đau khổ, Mẫn gục đầu vào ngực Kính khóc nức nở:

- Kính ơi, bây giờ, Mẫn không còn cha còn mẹ, anh em cũng không...

Kính tìm lời an ủi và hứa hẹn sẽ trung hành với Mẫn, sẽ yêu thương Mẫn suốt đời. Mẫn liền đưa Kính đến gặp bà chủ, kể lại cho bà nghe về cái chết quá dã man của mẹ Mẫn. Mọi người cùng nhau đọc kinh, cầu nguyện cho vong hồn người quá cố...

*

* *

Năm sau, nghe tin Cao Triệu đã chết trong tù ở chiến khu vùng núi Quảng Bình, Hà Tĩnh, bà chủ liền trở về nhà tổ chức tang lễ, cho con cháu họ hàng phục khăn áo, sau đó bà đem Minh và Mẫn lên tỉnh ở, trao hết ruộng vườn cho người quản gia. Năm 1949, Pháp trao trả độc lập cho Việt Nam, Cựu Hoàng Bảo Đại về nước lập chính phủ, tổ chức quân đội Quốc Gia. Kính được tuyển vào Ngự Lâm Quân, đi theo Đức Quốc Trưởng lên Đà Lạt...

Một buổi sáng mùa Xuân, Mẫn đứng trước thềm nhà nhìn ra cây đào mận đã mấy chục tuổi, cao lớn, nở hoa trắng xóa cả một góc vườn. Chim chúc miều kéo đến ăn trái chín, xả hột xuống đầy gốc. Màu nắng thật tươi ngập tràn trên sân gạch, có tiếng bước chân ai từ ngoài ngõ đi vào... Một chàng thanh niên, quân phục gọn gàng, đến gõ cửa. Mẫn đứng ở trong hỏi vọng ra:

- Thưa, ông muốn gặp ai ?

- Có phải nhà cô Mẫn ở đây không?

- Vâng, ông cần gì?

- Tôi muốn trao một bức thư tận tay cô Mẫn.

- Chính tôi đây.

Chàng thanh niên trao thư và quà rồi đưa tay chào theo kiểu nhà binh. Chàng thanh niên đi rồi, Mẫn vào nhà trình thư cho bà chủ:

"Kính thăm bà,

Con là Kính, người mang ơn ông bà từ thuở thiếu thời, con luôn nhớ đến ông bà không bao giờ quên. Hiện nay, con là lính “Ngự Lâm Quân” tại Đà Lạt. Con rất muốn về thăm bà nhưng chưa được phép của thượng cấp.

Con xin có chút lễ mọn để mừng tuổi bà năm mới. Xin ơn trên ban cho bà được sức khỏe dồi dào, mọi sự may mắn tốt đẹp... Con cũng xin gởi lời thăm hai em Minh và Mẫn, chúc hai em được sức khỏe, học hành tiến bộ, thành công.

Sau đây, con xin trình bày nguyện vọng của con... xin bà thương giúp đỡ...

Kèm theo thư là hình của Kính mặc lễ phục màu trắng, mang giãi biểu chương Ngự Lâm Quân... Trông kính cao lớn, khôi ngô, trắng trẻo như Tây. Bà đọc thư xong, liền gọi Mẫn:

- Anh Kính gởi thư về, xin phép mẹ cưới con làm vợ. Đợi vài tháng nữa anh ấy sẽ xin được phép..., mẹ sẽ lo đám cưới cho con.

Mẫn cầm thư của Kính trong tay, rưng rưng nước mắt. Cha mẹ nàng đã chết, anh em không có, trên đời này chỉ còn mẹ nuôi và em Minh là hai người thân yêu nhất mà nàng không thể sống xa họ được. Công ơn ông bà thật to lớn bằng trời, bằng bể. Nàng vẫn thương ông bà như cha mẹ ruột. Mặc dù chưa đọc thư Kính nhưng nàng đã đoán biết hết những gì chàng nói trong thư rồi. Kính là người yêu, là chồng tương lai của nàng. Mẹ nuôi đã xem Kính là con rể từ lâu rồi... Lấy chồng thì phải theo chồng... Mẹ đã già và hay đau ốm, em Minh còn nhỏ, chưa đến mười tuổi... Nàng thật bối rối, không biết sẽ trả lời Kính sao đây.

- Con đã đọc thư xong chưa? Con gái lớn thì phải có chồng, có con. Làm người ai cũng như thế cả chỉ trừ các bậc tu hành. Con đừng lo đi lấy chồng xa mẹ. Con ở đâu thì mẹ ở đó. Anh Kính không còn cha mẹ, anh em..., cũng như con vậy. Mình sẽ bán nhà, lên Đà Lạt ở với Kính. Thay đổi khí hậu, biết đâu sức khỏe mẹ sẽ khá hơn... Em Minh sẽ có chỗ học hành tốt hơn. Gia đình chúng ta sẽ hạnh phúc hơn...

Mẫn đánh rơi bức thư và quà xuống nền nhà, chạy đến ôm chầm lấy mẹ nuôi khóc nức nở...

Nguyễn Lý Tưởng







Không có nhận xét nào: