TÔI ĐỌC HỒI KÝ “BỤI CÁT CHÂN MÂY”
CỦA ĐẠO DIỄN LÊ CUNG BẮC (1946 – 2021)
Gia đình anh Lê Cung Bắc gởi tặng tôi tập hồi ký “BỤI CÁT CHÂN MÂY” qua Ban Liên Lạc cựu học sinh trường Nguyễn Hoàng tại Quảng Trị.
Tôi đã nhận sách cách đây mấy ngày.
Tôi được tặng vì tình Nguyễn Hoàng - Lê Cung Bắc có học Nguyễn Hoàng từ Đệ Thất đến Đệ Tam (lớp 6 đến lớp 10 – 1959 - 1963) và tôi có dạy ở Nguyễn Hoàng từ 1965 đến 1970.
Tôi lấy làm tự hào và trân quý quà tặng.
Tôi đọc và viết ra mấy dòng này.
*
1- Qua tập hồi ký, trước tiên, tôi tìm hiểu ý nghĩa nghệ danh CUNG BẮC và ý nghĩa tựa đề tập hồi ký “BỤI CÁT CHÂN MÂY”.
Lê Cung Bắc tên thật là Lê Hữu Ty. Anh mồ côi cha lúc mới 10 tháng tuổi. Lớn lên trong vòng tay của mẹ. Mẹ anh có gốc Bắc (người Nam Định); vào đời, hoạt động nổi tiếng trong kịch nghệ và điện ảnh, để tỏ lòng ngưỡng vọng đến mẹ, anh dùng từ Cung Bắc (kính cẩn đối với đất Bắc – quê Mẹ) để làm nghệ danh.
“BỤI CÁT CHÂN MÂY” là tập hồi ký cuối đời của Lê Cung Bắc. Anh không tự chấp bút được mà, dù không được khỏe khi đang trên giường bệnh điều trị ung thư phổi vào giai đoạn cuối, sốt sắng kể lại cho diễn viên Võ Sông Hương ghi âm bắt đầu từ 05/4/2021 – nghĩa là trước lúc anh lìa đời không lâu (anh mất ngày 13/6/2021).
Tựa đề sách ban đầu định lấy tên là “THẾ GIAN KÝ”, tập sách ghi lại chuyện trong đời; nhưng sau anh muốn đổi lại là BỤI CÁT CHÂN MÂY. Anh lý giải: “Chân mây là cái gốc; cát bụi cũng có cái gốc của nó …”; ý nghĩa là con người sinh ra từ bụi cát, chết tan thành bụi cát; như vệt mây ở chân trời hiện rồi tan và, trong tâm trạng nôn nóng, nói với diễn viên Võ Sông Hương: “ Chú chỉ mong nhìn được CÁT BỤI CHÂN MÂY trước khi rời cõi tạm. Không phải để làm gì to tát mà chú chỉ muốn đó là một kỷ niệm đẹp cuối đời của chú đối với những người chú yêu thương và thương yêu chú, kể cả những người không thương chú”
*
2- Qua tập hồi ký, tôi tìm hiểu quê quán và dòng dõi của Lê Cung Bắc.
Quê anh là làng Xuân Thành – một làng quê nhỏ thuộc xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
Xuân Thành đã trở thành tên xưa. Từ năm 2019, thôn Xuân Thành không còn là một đơn vị hành chánh nữa. Vì là thôn nhỏ, chỉ có 60 hộ dân, chính quyền đã đem nhập với thôn Quy Hà có 229 hộ dân thành thôn mới lấy tên là thôn Xuân Quy.
Đất làng Xuân Thành là cồn nổi được bồi tụ qua thời gian do phù sa sông Thạch Hãn; thuở xưa, cồn nổi ấy do làng Giáo Liêm chiếm lĩnh.
Tiến sĩ Lê Phát lấy vợ là chị của quan Ngự Sử Phan Thiệu Khanh, người làng Giáo Liêm.
Làm quan, thương lượng với làng Giáo Liêm nhượng cồn nổi ấy rồi ngài Tiến Sĩ Lê Phát đem dân Xuân Thành đang sống trên sông nước ở bờ Bắc sông Thạch Hãn thuộc huyện Gio Linh lên lập cư và lập ra làng Xuân Thành ở bờ Nam sông Thạch Hãn thuộc huyện Triệu Phong.
Xuân Thành là làng bao quanh bởi nhiều dòng nước, đất phù sa màu mỡ, phong cảnh hữu tình, ươm mầm cho những tài năng, trong đó có anh Lê Cung Bắc.
Ngài Tiến Sĩ Lê Phát (1854 – 1898), người đã lập ra làng Xuân Thành thuộc huyện Triệu Phong, là ông nội của anh Lê Cung Bắc, đỗ Tiến Sĩ năm 1895, làm quan dưới triều nhà Nguyễn. Do bệnh, ngài cáo quan về quê nhà rồi mất 1898.
Thân sinh anh Lê Cung Bắc là ngài Lê Hữu Sảng (? – 1947) - con trai trưởng của ngài Tiến Sĩ Lê Phát – học trường Quốc Tử Giám, rồi ra làm quan, công tác ở một vài tỉnh miền Trung; cuối cùng, tòng sự tại bộ Hình trước khi về hưu trí tại quê với hàm Hàn Lâm Viện Thị Giảng. Năm 1947, bị một số kẻ lạ mặt bắt đem đi giết, gia đình tìm được thi hài hôm sau trên bờ ruộng.
Các chú của anh Lê Cung Bắc cũng là những bậc khoa bảng: Ngài Lê Hữu Tiềm (có tên khác Lê Nguyên Lượng) đỗ Phó Bảng năm 1919, ra làm quan; ngài Lê Hữu Phổ đỗ Cử Nhân, cũng ra làm quan.
Thân sinh của anh Lê Cung Bắc – ngài Lê Hữu Sảng – có 3 bà vợ. Lê Cung Bắc là con út trong gia đình và cũng là con út bà thứ 3 (1922 ? – 1998). Lê Cung Bắc có 3 bà chị (02 bà là con của mẹ thứ nhất + 01 bà cùng mẹ) và 09 ông anh (04 anh của bà mẹ nhất, 04 anh của bà mẹ nhì và 01 anh cùng mẹ).
Các ông anh có người theo Việt Minh chống Pháp, có người làm công chức cho chế độ Quốc Gia.
Ở cả 2 chế độ, họ đều giữ những chức vụ tương đối lớn. Có ông anh – con bà mẹ 2 – được truy phong Anh Hùng Lực Lượng Võ Trang và bà mẹ nhì được truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng.
Nhờ danh tiếng của gia đình, nhờ vai vế của các ông anh, Lê Cung Bắc, dù sinh ra và lớn lên trong thời dâu bể, vẫn có may mắn, lợi thế hơn nhiều người cùng trang lứa.
*
3- Qua tập hồi ký, tôi tìm hiểu con đường học vấn của Lê Cung Bắc.
Lê Cung Bắc đi học khá sớm, bắt đầu từ năm 1950 – lúc mới tròn 4 tuổi. Học trong vùng Việt Minh, do tình hình chiến sự, buổi học buổi nghỉ. Hiệp định Genève ký kết; những lớp học tạm bợ này chấm dứt.
Năm 1955 (?), Lê Cung Bắc được ông anh cả (con mẹ thứ nhất) là ông Lê Hữu Kỷ đang làm công chức lớn trong ngành hàng hải của chính phủ Quốc Gia Việt Nam đem vô học bậc Tiểu Học chương trình Việt – Pháp tại trường Lê Bá Cang Sài Gòn.
Mùa thu năm 1957 (?), trở về quê, Lê Cung Bắc được nhận vô học lớp Nhì (lớp 4 bây giờ) rồi lớp Nhất (lớp 5) trường Tiểu Học Gia Độ.
Xong lớp Nhất (lớp 5 bây giờ) tức là xong bậc Tiểu Học, Lê Cung Bắc trúng tuyển kỳ thi tuyển vào lớp Đệ Thất (lớp 6) năm học 1959 – 1960 (?) trường trung học Nguyễn Hoàng tại tỉnh lỵ Quảng Trị. Lê Cung Bắc học ở đây đến xong lớp Đệ Tam (lớp 10).
Qua trung học đệ II cấp – Đệ Tam, Đệ Nhị, Đệ Nhất (lớp 10, 11, 12 trung học phổ phông bây giờ), Lê Cung Bắc chọn ban C – ban Văn Chương Sinh Ngữ. Năm sau, Nguyễn Hoàng chưa có lớp Đệ Nhị (lớp 11) ban C, Lê Cung Bắc vào Quốc Học Huế học tiếp lớp Đệ Nhị, Đệ Nhất C cho xong Tú Tài.
Trong thời gian học Nguyễn Hoàng ở tỉnh lỵ Quảng Trị, Lê Cung Bắc xa quê Xuân Thành khoảng non 20 cây số, phải ở trọ, cũng không gặp khó khăn gì vì ở đó , Lê Cung Bắc có nhiều người thân.
Trong hai năm học Quốc Học Huế, Lê Cung Bắc cũng có nhà của ông anh Lê Hữu Khải (con bà mẹ nhất) đang giữ chức lớn trong ngành thủy lâm và nhà bà chị ruột Lê thị Hoàng Oanh đang làm thư ký tại ty Thủy Lâm.
Xong Tú Tài, Lê Cung Bắc định thi vào trường Không Quân, thụ huấn để trở thành phi công, nhưng mẹ không cho, lấy cớ là có 5 ông anh (4 ông là con của mẹ nhì + 1 ông cùng mẹ) đang theo chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, không chừng đang chiến đấu ở miền Nam, chả lẽ anh em chém giết nhau.
Lê Cung Bắc lên Đà Lạt học trường Chính Trị Kinh Doanh thuộc Viện Đại Học Đà Lạt. Nơi đây, việc ăn ở có phần thuận tiện vì người em - con ông chú - tên Lê Phỉ (sinh năm 1927) đang làm hiệu trưởng trường tư thục Việt Anh ở đó. Với thêm, mộng của Lê Cung Bắc là sẽ ra ứng cử Dân Biểu, Nghị Sĩ hoặc sẽ công tác trong ngành ngoại giao, vì vậy, xong 2 năm học tổng quát, bắt đầu năm 3, Lê Cung Bắc chọn ngành Bang Giao Quốc Tế.
Tốt nghiệp Cử Nhân Chính Trị Kinh Doanh năm 1971, Lê Cung Bắc ghi danh học tiếp Cao Học ở Sài Gòn. Nơi đây, lúc đó, Lê Cung Bắc cũng có nhiều gia đình trong nội thân.
Con đường học vấn của Lê Cung Bắc tương đối suôn sẻ, học xa quê ở đâu cũng có nhà anh em để nương tựa.
Điều đặc biệt nơi Lê Cung Bắc, khi anh kể để ghi vào tập hồi ký, là lòng trân quý, tình cảm đối với những lớp, những trường mà anh đã kinh qua: từ những lớp vỡ lòng tạm bợ tại quê Xuân Thành với buổi học, buổi nghỉ vì tránh giặc càn, qua trường tiểu học Gia Độ với cơ sở đơn sơ, nhưng đầy ắp tình thầy tình bạn, trường Nguyễn Hoàng mà Cung Bắc bảo là “trong trái tim tôi”, “đã giúp anh có những kiến thức cơ bản để phát triển tư duy”, trường Quốc Học là nơi Lê Cung Bắc gọi là “cái nôi hình thành nhân sinh quan, định hướng bản thân”, đến Viện Đại Học Đà Lạt – nơi để Cung Bắc bung nở tài năng sau này.
Lê Cung Bắc khác nhiều người ở chỗ là không quên, không lơ những nơi mà anh đi qua khi đứng trên đỉnh vinh quang sự nghiệp dù nơi đó đơn sơ, nghèo hèn, không tiếng tăm gì.
Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay,
Ra sông nhớ suối, có ngày nhớ đêm.
(Thơ Tố Hữu)
*
4- Qua tập Hồi Ký, tôi tìm hiểu sự nghiệp của Lê Cung Bắc.
Dù học trường Chính Trị Kinh Doanh, tốt nghiệp ngành bang giao quốc tế, ra đời, Lê Cung Bắc không làm gì trong lãnh vực chính trị và ngoại giao.
Anh có dạy giờ tại trường trung học tư thục Việt Anh do ông em - con ông chú - là Lê Phỉ làm hiệu trưởng tại Đà Lạt lúc đang là sinh viên Đại Học Đà Lạt. Việc dạy học của anh chưa đáng gọi là nghề mà chỉ là phương tiện kiếm tiền phụ vào chi phí học đại học.
Lúc về Sài Gòn học Cao Học, Lê Cung Bắc có cộng tác với một số tờ báo; nhưng viết báo cũng chỉ là phương tiện để mở rộng giao lưu và kiếm thu nhập phụ vào những khoản chi tiêu chứ chưa phải là nghề.
Từ ngày 24/4/1972 đến 30/4/1975, Lê Cung Bắc thi hành lệnh tổng động viên. Sau thời gian thụ huấn tại quân trường, Lê Cung Bắc ra làm trung đội trưởng Địa Phương Quân ở quân khu 3 một thời gian ngắn; rồi nhờ quen biết, nhờ tài năng kịch nghệ đã có tiếng tăm, Lê Cung Bắc được thuyên chuyển về đơn vị không tác chiến. Như thế, dù mang cấp bậc cuối cùng là Thiếu Úy, Lê Cung Bắc làm sĩ quan chỉ là việc bất đắc dĩ, nên chưa thể gọi là nghề quân nhân.
Nghề thực sự của Lê Cung Bắc thuộc lãnh vực kịch nghệ và điện ảnh.
Ở lãnh vực này, anh vừa là diễn viên, vừa viết kịch bản, vừa đạo diễn, tài năng được đánh giá cao với nhiều giải thưởng, và được Nhà Nước công nhận danh hiệu Nghệ Sĩ Ưu Tú. Qua kịch nghệ và điện ảnh, Lê Cung Bắc đã thành danh và nổi tiếng ở tầm mức quốc gia, thậm chí ở tầm mức quốc tế - ở trang 95 và 96 của Hồi Ký, Lê Cung Bắc kể: “Một điều thú vị là lúc tôi đang trong nhà binh mà lại được vinh dự đại diện cho ngành kịch nói Sài Gòn (dạo đó gọi là thoại kịch) sang Pháp và Canada nghiên cứu về lãnh vực này, đồng thời tham dự Liên Hoan Thanh Niên Thế Giới Các Quốc Gia Nói tiếng Pháp; tại Liên Hoan, tôi được mời làm trợ lý cho đạo diễn người Pháp khá nổi tiếng Caude Jerry để dựng vở kịch Les Nègus; sở dĩ tôi được chọn vì tôi đã khá nổi tiếng trong giới kịch nghệ và giỏi tiếng Pháp”.
*
Lê Cung Bắc giỏi kịch nghệ mà không học trường Kịch Nghệ - điều khiến tôi và có thể nhiều người thắc mắc.
Tôi lượm lặt những lời anh kể rải rác trong hồi ký để tìm giải đáp:
1- Lê Cung Bắc có năng khiếu bẩm sinh về kịch nghệ. Năng khiếu ấy thừa hưởng từ gia đình. Anh (con mẹ nhất) của Lê Cung Bắc là ông Lê Hữu Khải học thủy lâm, ra đời công tác trong ngành thủy lâm, nhưng lại có máu kịch nghệ. Cuối thập kỷ 1950, lập ban kịch Xây Dựng diễn tại hội Quảng Tri Huế, biên soạn và dàn dựng nhiều vở kịch. Ông Lê Hữu Khải còn nghiên cứu chuyên sâu về kịch nghệ, biên soạn công trình nghiên cứu được học giới đánh giá cao; vì vậy, từ giữa thập kỷ 1960, ông Khải được mời dạy kịch nghệ tại Đại Học Văn Khoa và Đại Học Sư Phạm Huế với tư cách học giả.
2- Lê Cung Bắc mê đọc truyện kiếm hiệp từ lúc còn học tiểu học. Truyện kiếm hiệp chứa đựng nhiều kịch tính. Mang dòng máu thích kịch nghệ, Lê Cung Bắc đã nghĩ ra và dàn dựng những vở kịch ngắn trong thời gian học tiểu học và trung học. Các vở diễn nào cũng được nhà trường khen thưởng và đồng môn đồng khóa tán dương.
Thời gian ở Đà Lạt, Lê Cung Bắc đã cùng bạn bè lập ban kịch, dàn dựng và diễn những vở kịch dài hơi của các kịch tác gia nổi tiếng (“Người viễn khách thứ mười” của Nghiêm Xuân Hồng, “Thành Cát Tư Hãn” của Vũ Khắc Khoan …). Vở diễn nào cũng được khán giả và giới sinh viên tán tụng; giáo sư Vũ Khắc Khoan, kịch tác gia, còn khen “Các anh chị diễn còn hay hơn sinh viên trường Quốc Gia Kịch Nghệ Sài Gòn”.
Dù vẫn biết rằng Lê Cung Bắc có tài diễn xuất, có tài dàn dựng Trời ban, những lời đánh giá tích cực ban đầu từ công chúng, bằng hữu và các bậc thầy vẫn là nguồn khích lệ cho sự bùng nở tài năng nơi Lê Cung Bắc.
3- Việc Lê Cung Bắc tiến sâu, tiến xa được trong lãnh vực kịch nghệ và điện ảnh còn nhờ anh thông minh về trí tuệ, đẹp trai về nhân dạng. Đó là dựa theo lời kể của anh và theo nhận xét từ công chúng và từ bạn bè anh. Còn tôi, tiếc là chưa có may mắn gặp mặt anh lần nào.
4- Việc Lê Cung Bắc trở nên lỗi lạc trong lãnh vực kịch nghệ và điện ảnh cũng nhờ anh am hiểu nhiều về triết học, văn học, sử học … Với lại, ngành học chính trị kinh doanh, bang giao quốc tế cũng giúp anh kỹ năng thu phục lòng người, sử dụng người đúng vai, đúng vế, biết quản lý và sắp xếp công việc hợp tình hợp lý.
*
Tập Hồi Ký BỤI CÁT CHÂN MÂY dài đến 224 trang, in trên giấy tốt, thiết kế và trang hoàng bìa mỹ thuật, chứa đựng nhiều nội dung về cuộc đời của anh Lê Cung Bắc.
Trong tâm trạng vui mừng được tặng sách, tôi đọc vội vàng và sau khi đọc xong, trong tâm trí tôi lắng đọng lại những điều mà tôi đã ghi trên đây.
Bài viết của tôi là sự bày tỏ lòng mến mộ của tôi đối với anh – một đồng trang tài năng (anh sinh 1946, tôi 1944), là sự tự hào của tôi về anh – một đồng hương, đồng môn nổi danh (cùng quê Quảng Trị, cùng gia đình trường Nguyễn Hoàng cũ), là nén hương lòng tưởng niệm và cầu nguyện cho linh hồn anh thảnh thơi nơi Tiên cảnh, cuối cùng, là lời cảm ơn gởi đến cô Bùi thị Giang – vợ anh - cùng các cháu – con anh - đã nghĩ đến tôi, gởi sách với lời ghi tặng thân thương: “Thân quý tặng thầy Hoàng Đằng”.
Hoàng Đằng
13/6/2023
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét