Thứ Hai, 4 tháng 6, 2018

Nhớ Quê : thơ Trần Văn Sửu * Lời bình của Ngân Triều

        
Nhớ Quê                    
* Thơ Trần Văn Sửu (K1.SPS 62-64)
   *Lời bình Ngân Triều (K2. SPS 63-65)
 
Nhớ Quê
Tóc rối bay bay, chiu thương nhớ,
Ráng vàng giăng lụa, cuối trời xa.
Khói sương rừng núi, chim bay mỏi.
Quê cũ, vời trông, một mái nhà.
Chiu buồn Sanjosé (1997)
Trần Văn Sửu, (CGS k1.SPS 62-64)

****
Lời bình Ngân Triều
Bài thơ nầy được sáng tác trong thời điểm tác giả vừa mới rời xa quê hương hai năm, sống nơi xứ lạ quê người.  Cuộc sống bước đầu, chắc là khó khăn và gieo neo lắm!  (1997)
Hai câu đầu:  Buổi chiều ngoạn mục như tranh vẽ, khơi dậy nỗi nhớ thương; gió tung bay tóc rối:
Tóc rối bay bay không những là chi tiết chọn lọc, trữ tình, thương cảm ngậm ngùi, còn phảng phất phong vị của bài Tự thán自嘆 Nguyễn Du,   thể hiện những nỗi đau v thân phận, v hoàn cảnh sống cực kỳ khó khăn khi phải ăn nhờ đậu nơi quê vợ, ở Quỳnh Côi, Thái Bình:
Sinh vị thành danh thân dĩ suy
Tiêu tiêu bạch phát mộ phong xuy
生未成名身已衰
蕭蕭白髮暮風吹
自嘆 其一  
“Chưa có danh gì , thân đã yếu,
          Tóc bạc bơ phờ trước gió chiu”
               Tự thán Kỳ nhất Nguyễn Du
(tiêu tiêu 蕭蕭 là âm thanh tiếng gió thổi).
Như vậy, tóc rối bay bay, ngoài nghĩa tường minh trong câu chữ, còn có thể hiểu những khó khăn, rối rắm, của vạn sự khởi đầu nan ở xứ người đã được gỡ rối dần dần, bay bay.
Ráng vàng giăng lụa cuối trời xa: là một câu tả cảnh, một bức tranh ngoạn mục, như một bức họa đậm nhạt về màu sắc, nổi tiếng như phảng phất cảnh trời – nước chiều tà,  cổ điển, trong bài  phú Đằng Vương Các Cự,   , Vương Bột,   đã đọc lâu rồi thời Trung học. Ông là một trong tứ kiệt thời Sơ Đường:
Lạc hà dữ cô vụ tề phi
Thu thuỷ cộng trường thiên nhất sắc
      
       
Tạm dịch là:
Ráng chiều xuống cùng cánh cò đơn chiếc đều bay,
Nước mùa thu nền trời dài hài hòa một sắc.
Ở đây, chi tiết ráng vàng giăng lụa vừa nhân hoá, vừa chấm phá một hình ảnh thẩm mỹ, như cô đúc một tính chất vừa cổ điển vừa tân kỳ của tứ thơ. Cuối trời xa, cũng có thể hiểu mục đích và hoài bảo khi phải lìa xa quê hương, giờ đây còn quá xa vời.
Hai câu sau:
Hình ảnh khói sương làm cho cảnh vật không trông thấy rõ, mờ nhạt không sáng sủa lắm, hàm ẩn cuộc sống tương lai phía trước chưa  ổn định, kết hợp với  chim bay mỏi như muốn nói về bản thân như đang rã rời, đuối sức… để người đọc thấy được nỗi niềm lữ thứ, bơ vơ và sự phấn đấu kiên cường của tác giả, nơi xứ lạ, quê người.
Vời trông là nhìn ra thật xa, xa tít, xa vô cùng, xa tận cuối chân trời. Quê cũ bây giờ đường đi diệu vợi, nghìn trùng xa cách. Nhìn thấy một mái nhà nơi quê cũ là hình ảnh không có thực, đó chỉ là hình ảnh trong tâm tưởng để chạnh lòng khát khao một mái ấm nơi làng quê xa xăm, vút cao những giây phút bồn chồn trong nỗi niềm thương nhớ quê hương một cách thiết tha trong giai điệu chiều buồn:
Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu
           Hoàng Hạc Lâu, Thôi Hiệu.

             
        使    
        
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?
                 Tản Đà dịch
Mặt khác, chúng ta có thể thấy dụng ý kín đáo của tác giả về nỗi lòng và tâm tình thương nhớ quê hương qua hai nhóm từ chiều thương nhớ (cuối câu 1) và một mái nhà (cuối câu 4).  Phải chăng tác giả còn vương vấn một tấm lòng hoài mong vời vợi về quê hương phương trời, nơi có hình bóng cha mẹ già, những người thân trong gia đình, phần mộ tổ tiên, những bạn bè thân thiết, xa xôi…
Hơn nữa, ý thơ thể hiện chỉ là những cái nhìn tuy bình thường nhưng gợi cảm: nhìn lại thân phận mình, nhìn tận cuối trời xa, nhìn qua rừng núi nhạt nhoà sương phủ, dỏi theo những cánh chim bơ vơ, lạc loài, bạt gió, mỏi cánh bay về đâu… và nhìn thấy một mái nhà trong tâm tưởng… chắc là rất buồn, để lòng ao ước một hạnh phúc sum họp đơn sơ của gia đình trong mỗi buổi chiều tà… nỗi niềm đó, chỉ một mình mình biết, một mình mình hay… như một tâm tình cô lữ, bơ vơ:
Dừng chân ngoảnh lại trời non nước,
Một mảnh tình riêng, ta với ta
(Qua Đèo Ngang - Bà Huyện Thanh Quan) 
            
Về nhịp thơ, tác giả sử dụng nhịp 4/3 đều đặn, dịu êm… để câu kết, bất ngờ đổi nhịp 2/2/3 như nghẹn ngào,  thổn thức, ai hoài, của một tâm hồn lữ thứ.
*
Thuở còn thơ, ngày hai buổi đến trường, Sửu và tôi cùng học chung, chơi chung nhau, suốt một thời trường làng êm đềm, tuổi mộng, Trường Tiểu Học Bào Trai (Hậu Nghĩa). Lên Trung học, hai đứa cầu học theo mỗi hướng riêng. Tôi học Trường Trung Học Tây Ninh, tác giả học Trường Trung Học Mạc Đỉnh Chi, Sài Gòn. Ở chặng cuối đời học trò áo trắng, chúng tôi lại gặp nhau ở Trường Sư Phạm Sài Gòn (Sửu, khoá 1 và tôi, khoá 2).
 Nhớ khi ấy, sau những lần lãnh học bổng xong (có 200 đồng/tháng), hoặc được trả thù lao đi dạy kèm ban đêm, cuối tuần không về quê, chúng tôi và một số bạn bè thường rủ rê nhau đi ăn nghêu luộc sả ớt ở đường Nguyễn Tri Phương (có 2 đồng/ thau nhỏ = 1 tô lớn, uống bia Larue con cọp 5 đồng/ chai (quá rẻ!); hoặc sang trọng hơn, ghé mấy quán bia 33 ướp lạnh đường Bùi Viện, thường thì kèm món bò lúc lắc, vài miếng “La vache qui rit” cùng với một dĩa đậu phộng da cá “Hưng Ký”.  Nhiều lúc, sau khi xem phim ở Rex, Đại Nam, Eden, Lê Lợi… chúng tôi vào Nhà Hàng Thanh Bạch, ngồi ở hàng hiên phía trước, giáp với đường Lê Lợi, thưởng thức món Pâté chaud, càfé đá… thư giản, chuyện khào để ngắm những  bóng hồng… nhác thấy nẻo xa, để cùng liếc mắt, để cùng lòng ưa…
Sau nầy, có gia đình riêng, chúng tôi sinh hoạt cùng chung một khu phố ở Hậu Nghĩa, hai nhà cách nhau chừng một trăm mét, lại cũng thường rủ rê cà phê, thanh thản như thời học Sư Phạm Sài Gòn.
Nối nghiệp nhà, ngoài nghiệp dĩ là kỹ sư tâm hồn, nhà thơ còn mở một tiệm may, tên Bảo Tịnh. Đến bây giờ, dù đã không còn tiệm may đó nữa nhưng người ta vẫn gọi con hẻm dọc hông nhà tác giả là Hẻm Bảo Tịnh, rồi tên đường mới lại là Đường Hẻm Bảo Tịnh. (Nào ai biết, lịch sử cái tên con đường đó, là tên do chính tác giả đã treo bảng hiệu, đặt tên cho nhà may của mình, Nhà May Bảo Tịnh; Bảo Tịnh còn là tên của một đứa con trai thứ của tác giả).
Chúng tôi đã từng là Hiệu Trưởng và sau nầy dạy lớp Trung Học. Tác giả dạy Toán rất hay, nổi tiếng ở trường, vì có rất nhiều học sinh giỏi Toán. (Ngay cả những bài toán nâng cao, các giáo viên trẻ phải xính vính, khi đến tay tác giả, thì được giải liền, một cách thông suốt như nước chảy).
Tôi muốn nói dông dài như vậy để cho các bạn biết thêm phần nàovề mối quan hệ thân thiết của Sửu và tôi để tôi có thể dễ dàng cảm nhận những ý thơ lóng lánh trong bài thơ trên và nhận ra ý nầy: Giáo viên dạy Toán, hay những môn tự nhiên khác, không phải không thể làm thơ mà còn có thể làm thơ hayThơ hay thì một bài cũng được nhiều người ngưỡng mộ, trân trọng và yêu quý.
“Nhớ quê”, một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt, với nhiều hình ảnh, thủ pháp nghệ thuật chọn lọc, cân nhắc, ý tứ mạch lạc, đậm nhạt ý tưởng cổ điển-tân kỳ… quả là một bài thơ hay. Vì sao bài thơ nầy hay? Bởi lẽ, nhà thơ đã sáng tác trong hoàn cảnh chân thực của mình, trong rung động của trái tim, đậm nhạt những tình cảm quê hương tha thiết và chọn lọc hài hoà những giai điệu thi tứ chặt chẽ, trữ tình vì “Thơ là tiếng lòng sâu thẳm, mênh mông, tuôn trào qua ngôn ngữ trữ tình, trong cảm xúc dạt dào của trái tim”.
Tôi đọc đi đọc lại bài thơ với tâm tình đồng cảm sâu sắc của một người bạn, ngưỡng mộ, và xin được giới thiệu cùng quý bạn đọc:
NHỚ QUÊ là một nỗi niềm thương nhớ quê hương sâu lắng đến ngỡ ngàng.
                                     Ngân Triều
 CHS Tây Ninh, CGS K2 SPSG        
(trích tác phẩm Còn Vương Tơ Lòng, Ngân Triều 2013)


Không có nhận xét nào: