Thứ Ba, 9 tháng 7, 2019

Nhân Ngày Song Thất, đoc sách của Thái Gia Kỳ... Tri Ân T. T. Ngô Đình Diệm (Nguyễn Đức Cung)


NHÂN NGÀY SONG THẤT, ĐỌC QUYỂN SÁCH CỦA THÁI GIA KỲ, NÓI LÊN NIỀM TRI ÂN ĐỐI VỚI TT. NGÔ ĐÌNH DIỆM
                                                                                                                                                                        Nguyễn Đức Cung

        Mỗi lần tham dự một buổi ra mắt sách, hay giới thiệu một tác phẩm văn học nào đó, tôi lại nhớ đến một câu nói của Tăng Tử 僧子 một đệ tử thiết thân nhất của Khổng Tử 孔子 được ghi lại trong sách Luận ngữ, thật đáng suy gẫm muôn đời : “Quân tử dĩ văn hội hữu, dĩ hữu phụ nhân.” ,  Nghĩa là: “Người quân tử dùng văn chương để họp bạn, dùng bạn để giúp nhau tiến lên đức nhân.” (Luận Ngữ, Thiên XII Nhan Uyên, 24. Nguyễn Hiến Lê, Khổng Tử & Luận Ngữ, Nhà xb. Văn Học, 2003, trang 421; Phan Bội Châu, Khổng Học Đăng, Nhà xb. Khai Trí, 1973, tr. 61). Chữ “nhân” mà Tăng Tử đưa ra ở đây tuy có ý nói là đạo nhân nghĩa, nhưng ngày nay xét cho cùng cũng có thể hiểu đó là chính nghĩa của một dân tộc, lý tưởng của một tổ chức, hiệp hội hay hoài bảo thiêng liêng, sâu thẳm của một tác giả, một nhà văn hoặc một cá nhân nào đó. Tác phẩm mà chúng tôi muốn giới thiệu và đóng góp một số ý kiến trong bài viết này có tên “Chữ Hán, Tiếng Hán Việt và sự vận dụng tiếng Hán Việt trong tiếng Việt” của tác giả Thái Gia Kỳ, một khuôn mặt rất gần gũi, quen thuộc của nhiều giới đồng bào Việt Nam tại Philadelphia quả thật đã gây cho chúng tôi nhiều ngạc nhiên, cảm mến và kính phục do công trình văn hóa của ông thể hiện qua tác phẩm giá trị này. Nhưng trước khi đi sâu vào phân tích nội dung cuốn sách đã đưa chúng ta đến cuộc gặp gỡ ngày hôm nay, chúng tôi xin được nói đến một niềm tri ân…


(Lễ Khai Giảng Niên Khóa 1960-1961 tại Di Luân Đường)


(Linh Muc Cao Văn Luận, Viện Trưởng Đại Học Huế đọc diễn văn Khai Giảng Niên khóa 1961-1962 của Viện Hán Học tại Phủ Nội Vụ Huế)
       
Cách đây sáu mươi năm, với Nghị định số 389-GD do Tổng Thống Ngô Đình Diệm ký ngày 8/10/1959, Viện Hán Học Huế ra đời tại cố đô Huế với chương trình đào tạo sinh viên trong thời hạn 5 năm qua các bộ môn Hán Văn, Bạch Thoại, Triết Học, Quốc Văn, Sử Địa và Sinh Ngữ. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên Viện Hán Học sẽ được bổ dụng giáo sư Trung học, chuyên viên viện Khảo cổ, nhân viên các tòa đại sứ hay lãnh sự quán VNCH ở Đông Nam Á v.v… Một kỳ thi tuyển với trên 500 thí sinh toàn quốc mà chỉ chọn 40 người, thực tế chỉ có 30 người theo học trong khóa giảng đầu tiên 1959-1960 tổ chức tại Di Luân Đường tức Trường Quốc Tử Giám thời xưa. Tôi là một trong số những anh chị em theo học khóa đầu tiên của Viện Hán Học Huế. Mục đích việc thành lập Viện Hán Học Huế, theo Linh Mục Cao Văn Luận, lúc bấy giờ là Viện Trưởng Viện Đại Học Huế kiêm Giám Đốc Viện Hán Học, trong diễn văn khai mạc khóa học đầu tiên thì “đây là mỹ ý của Tổng Thống Ngô Đình Diệm muốn bảo vệ nền cổ học và văn hóa đạo đức của nước nhà do tổ tiên để lại” (Nguyễn Lý Tưởng, Kỷ yếu Đại Học Huế, 2015, Viện Hán Học Huế sinh sau đẻ muộn, trang 129). Đây là một trường đào tạo chuyên biệt về Hán văn để phục vụ cho việc dạy chữ Hán, phiên dịch sử liệu và sách cổ (Hán Nôm) ngoài ra còn có ban nghiên cứu Đông y dược cũng là một bộ phận phụ thuộc của Viện.
        Nếu ai là người đã từng để tâm theo dõi, nghiên cứu thì những việc làm mang tính chất văn hóa của gia đình Tổng Thống Ngô Đình Diệm được coi là những xây dựng căn bản trong lãnh vực tư tưởng cho con đường chính trị của nền Đệ I Cộng Hòa sau này. Từ những bài thơ của vua Tự Đức bằng chữ Hán do Thị Vệ Lang Đại Thần Ngô Đình Khả, (người đã có công nhiều trong việc thành lập Trường Quốc Học Huế, năm 1896) dịch ra tiếng Pháp đăng trên Tạp chí Đô Thành Hiếu Cổ (Bulletin Des Amis Du Vieux Huế) năm 1915, bài thi “Lên Núi Ngự Bình” của vua Tự Đức,  đến bài dịch ra tiếng Pháp có tên “Đoàn sứ giả Trung Hoa sắc phong vua Tự Đức” do Ngô Đình Khôi chấp bút cũng xuất hiện trên Tạp chí Đô Thành Hiếu Cổ tập 3, năm 1916, nhật ký bằng chữ Hán của Phái Đoàn Phan Thanh Giản năm 1862 do Tổng Thống Ngô Đình Diệm thời gian còn là Học viên Trường Hậu Bổ dịch ra tiếng Pháp, bài nghiên cứu của TT Ngô Đình Điệm về cái nghiên Tức Mặc Hầu, đến tập tham luận của Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục mang tên “Việt-nam through Vietnamese Eyes” đăng trên Tạp chí World Mission, tháng Hai 1951 và một kiệt tác mang tên “Chính Đề Việt Nam” của ông Ngô Đình Nhu dưới bút danh Tùng Phong.  Tất cả những công trình văn hóa đó dù ít hay nhiều và việc lựa chọn một cơ quan văn hóa có bề thế như Tạp chí Đô Thành Hiếu Cổ (BAVH) lúc bấy giờ lưu hành khắp Đông Dương và phát hành sang tận nước Pháp, để xuất hiện không phải là một việc làm ngẫu nhiên nhưng có tính toán. Ngoài ra khi đọc cuốn “Hồ Chí Minh, Ngô Đình Diệm và Mặt Trận Giải Phóng” của Hồ Sĩ Khuê, ta thấy TT Ngô Đình Diệm cũng lưu tâm đến các tác phẩm viết về thế giới thứ ba trong đó có sách của Alfred Sauvy, của Tibor Mende để biết rằng TT Ngô Đình Diệm muốn tổ chức một nền đại học hoàn bị, tiến bộ, hướng đến khoa học và chuyên môn từ những năm 1947-48 (Hồ Sĩ Khuê, Nhà xb. Văn Nghệ, 1993, tr. 161).
        Về sau, so sánh các hoạt động văn hóa đó, ba sự kiện quan trọng nhất đó là việc thành lập Trường Quốc Gia Hành Chánh ở Sài-gòn, việc cải tổ Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt từ 2 năm lên 4 năm giai đoạn 1956-1965 được ghi lại “Thời gian này khởi đầu nền Đệ Nhất Cộng Hòa do Tổng Thống Ngô Đình Diệm lãnh đạo. Trường có những thay đổi quan trọng, ảnh hưởng nhiều do chủ trương của Tổng Thống Diệm cùng với các cuộc thăm viếng và học hỏi của các chỉ huy trưởng từ các trường võ bị như Võ Bị Lục Quân Hoa Kỳ, Võ Bị Đài Loan  (Trường Võ Bị Quốc Gia Theo Dòng Lịch Sử, Nhà xuất bản Hương Quê, 2017, trang 87, Giáo Sư LÊ ĐÌNH CAI, Ph.D. Tham Vấn Chuyên Môn) rồi việc thành lập Viện Đại Học Huế năm 1957 trong đó về sau có Viện Hán Học Huế (1959) cũng nằm trong các quan điểm mang tính chiến lược của vị lãnh tụ nền Đệ nhất Cộng Hòa.
        Qua cái mỹ ý của Tổng Thống Ngô Đình Diệm trong việc thành lập Viện Hán Học Huế vẫn hàm chứa một dụng ý chính trị muôn đời muôn thuở, một cái nhìn chiến lược của nhà lãnh tụ đó là dùng văn hóa làm vũ khí lợi hại trong công cuộc đối kháng với nền văn hóa vô sản của chế độ Miền Bắc. Việc chọn Giáo sư Võ Như Nguyện, (con trai nhà cách mạng Võ Bá Hạp, bạn tranh đấu của cụ Phan Bội Châu) và Giáo sư Nguyễn Hồng Giao để soạn sách giáo khoa cho Viện Hán Học theo yêu cầu của Bộ Giáo Dục cũng là việc làm có cân nhắc. Viện Đại Học Huế với nhiều phân khoa trực thuộc và một cơ quan ngôn luận uyên bác là Tạp chí Đại Học, Trường Đại Học Y khoa với cơ sở bề thế được xây dựng theo chương trình chuyển ngữ tiếng Việt, Viện Hán Học Huế chuyên ngành cổ học, bạch thoại, triết học và văn chương, các trường Nữ hộ sinh Quốc gia, Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật v.v với cơ sở trường ốc phát triển đều đặn là những thách thức đối với chế độ CS Miền Bắc chỉ cách Huế không đầy 100 km rằng “Có chúng tôi đây!”.
        Theo nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Cường, một trí thức xuất thân từ miền Bắc, từng là nghiên cứu sinh thuộc Đại học Harvard, cho biết một chi tiết thú vị là Viện Hán Học ở Miền Nam Việt Nam được thành lập sớm hơn về thời gian (1959) và tổng hợp hơn về nhiệm vụ công tác so với Ban Hán Nôm (năm 1972) và Viện nghiên cứu Hán Nôm. Như thế Viện Hán Học Huế của VNCH ra đời trước Ban Hán Nôm và Viện Nghiên cứu Hán Nôm là 13 năm, nhờ viễn kiến của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Nhận xét về Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Giáo sư Nguyễn Tuấn Cường, bây giờ là Viện Trưởng Viện Hán Nôm Hà Nội, trong bài Giáo dục Hán học tại Miền Nam Việt Nam trong bước chuyển văn hóa – xã hội: Viện Hán Học Huế (1959-1965), đã viết: “Nhân vật Ngô Đình Diệm (1901-1963) dù xuất thân trong một gia đình Công giáo mộ đạo, bản thân ông cũng là người Công giáo, nhưng lí lịch và cách hành xử của ông vẫn mang đậm tính chất của một con người Nho giáo, gắn với nền Hán học truyền thống.” Bài viết này trích từ một chuyên luận nghiên cứu về các hoạt động văn hóa Nho giáo –Hán học tại miền Nam Việt Nam [1955-1975] – Harvard-Yenching Institute. Viện Hán Học Huế, nơi mà thế hệ chúng tôi được đào tạo trong Khóa I, theo học trình dẫn trên, qua lời viết của GS Nguyễn Tuấn Cường, “được khai sinh năm 1959 bởi một “văn quan” 58 tuổi có tư tưởng Nho giáo truyền thống, tức Tổng Thống Ngô Đình Diệm (1901-1963), rồi được khai tử năm 1965 bởi một “võ tướng”trẻ, khi ấy mới 35 tuổi, tức Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương Nguyễn Cao Kỳ (1930-2011). Có thể thấy số phận Viện Hán Học gắn liền với sự thăng trầm của quyền lực chính trị. Viện được thành lập theo “mĩ ý” của Tổng Thống Ngô Đình Diệm năm 1959, và khó có thể nói rằng đó là một quyết định sai lầm. Trong một xã hội đang chuyển đổi theo hướng “Mĩ hóa”mạnh mẽ về nhiều mặt, thì việc thiết lập một đơn vị chuyên trách việc đào tạo và nghiên cứu văn hóa truyền thống là điều cần thiết, trước khi truyền thống ấy bị đứt gãy hoàn toàn với hiện tại do không còn có các nhân tố con người được đào tạo đến mức có đủ khả năng nối kết. Viện được thành lập ở Huế cũng là một sự lựa chọn đúng đắn nếu xét đến các khu vực trung tâm trong toàn bộ lãnh thổ VNCH khi ấy, bởi trong suốt gần 150 năm triều Nguyễn, đất Thần Kinh ( )là nơi hội tụ được nhiều nhà khoa bảng nổi tiếng, lưu giữ được nhiều di tích và tư liệu cổ, vẫn còn nhiều nhà cựu học tâm huyết với việc trao truyền văn hóa kinh điển Hán học.”
        Thông qua việc giới thiệu quyển sách của tác giả Thái Gia Kỳ, chúng tôi viết đôi dòng về Viện Hán Học Huế để muốn nói lên tấm lòng tri ân đối với Tổng Thống Ngô Đình Diệm, một bậc vĩ nhân của đất nước. Sở dĩ chúng tôi cơ cơ hội học được chữ Hán trong trong thời buổi Nho học đã suy tàn, qua khóa học đầu tiên, cùng chung một lớp với rất nhiều bạn lớn tuổi lúc bấy giờ như quý anh Ngô Văn Lại, Phạm Liễu người Quảng Nam, Lê Ngọc Bích, Lê Nhất (người Huế), Nguyễn Lý Tưởng (Dương Lộc, Quảng Trị), Trần Vinh Anh (Hướng Hóa, Quảng Trị), Hoàng Xuân Minh (Huế), các anh La Cảnh Hùng, Dương Trọng Khương, Ngô Khôn Liêu v.v… đa số là người Hoa với vốn chữ Hán của họ lúc bấy giờ so với chúng tôi vốn rất trội xa, mà học trò lại có kẻ ngang tuổi với thầy…  Nhờ Tổng Thống Ngô Đình Diệm rất coi trọng việc học và việc giáo dục nên qua Viện Đại Học Huế và Viện Hán Học cũng như các cơ sở giáo dục khác như Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật, Trường Nữ Hộ Sinh Quốc Gia, Trường Kỹ Thuật Huế v.v… được thành lập và phát triển, đã giúp ích rất nhiều cho sinh viên nghèo của Miền Trung hiếu học.
        Một dư luận viên có tên Lê Thành Quang cư  ngụ ở Philadelphia, đã phát tán trên mạng để chỉ trích hai chữ “sinh viên” của Viện Hán Học khi cho rằng những người đã  theo học ở Viện Hán Học là “sinh viên” không đáng gọi là “sinh viên”. (Theo ông ta, gọi như thế là “ẹ” lắm tức không xứng đáng). Lối phê bình của LTQ thật là một nhận thức ấu trĩ, tầm mắt còn hạn hẹp tỏ ra y không hiểu biết gì hết dù là một “biên tập viên cảnh sát” trước năm 1975, học trò của Trần Minh Công dạy ở HVCSQG (?). Y phải biết rằng  không chỉ Viện Hán Học mà các trường Cao Đẳng Mỹ Thuật, Trường Nữ Hộ Sinh Quốc Gia… đều gọi những thanh niên, thanh nữ theo học là “Sinh Viên” và những người đó không có mặc cảm gì hết vì họ theo một ngành nghề chuyên môn.
        Trong thực tế, Viện Hán Học đào tạo Sinh Viên trong 5 năm và khi vào nhập học phải có bằng Trung Học Đệ I Cấp (tức nôm na gọi là Bằng Thành Chung). Học hết năm thứ ba, coi như họ có trình độ tương đương với bằng Tú Tài Toàn Phần; và với trình độ tương đương bằng Tú Tài Toàn Phần họ được coi là có khả năng vào Đại Học. Tuy nhiên tất cả những người thuộc lớp tôi là lớp đầu của Viện Hán Học, ai cũng cố đi thi Tú Tài I và Tú Tài II ban cổ ngữ Hán văn (Ban D) để hoàn tất chương trình Trung Học (ban Tú Tài). Và hầu hết 100% đều có Tú Tài II vào năm 1962. Vào đầu niên khóa 1962, tôi cùng một số bạn hữu bỏ Viện Hán Học để thi vào Đại Học Sư Phạm, ban Sử Địa thật sự vì sợ tương lai Viện Hán học bấp bênh, nên muốn tìm một chỗ chắc hơn. Chỉ có những ai lươn lẹo trong vấn đề bằng cấp, thí dụ dùng học bạ giả, bằng cấp gian (nhưng số này rất ít, 0.02%), chẳng biết LTQ  có nằm trong các trường hợp này không?
        Ngay cả Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung của QLVNCH trong các lớp động viên cũng gọi những người thanh niên nhập ngũ là “sinh viên sĩ quan” sau khi họ đã qua 8 tuần huấn nhục. Danh hiệu “sinh viên” này cũng nói lên tầm nhìn viễn kiến của Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Bộ Quốc Gia Giáo Dục thời Đệ Nhất Cộng Hòa mang đầy tính nhân bản và hàm ý thúc đẩy những người theo học cố vươn lên cao để đạt những thành tích mới. Và quả thật các cơ sở giáo dục này đã chứng tỏ hiệu năng trong rất nhiều lãnh vực.
        Cũng từ năm 1959, chúng tôi học môn triết học Trung Quốc với Giáo sư Tiến Sĩ Nguyễn Văn Dương (1932- 2017) qua tập giáo trình Đại cương triết học sử Trung Quốc của Phùng Hữu Lan 1895-1990 (Fung Yu-lan) do thầy Dương dịch từ bản tiếng Pháp phối hợp với bản tiếng Anh (bản in ronéo năm 1966) sau này sách có in do Viện Đại Học Vạn Hạnh và Nhà xb Thanh Niên (1998). Phùng Hữu Lan là một triết gia rất có quyền uy trong lãnh vực lịch sử triết học Trung Hoa với trường phái Phùng học ngày nay có uy danh tại Hoa lục và khắp nơi trên thế giới. Một bộ “A History of Chinese Philosophy” gồm hai cuốn viết bằng tiếng Anh do Derk Bodde chuyển ngữ, Princeton University Press xuất bản với hơn 1330 trang,  năm 1952. Mới đây ở Việt Nam, bộ sách khá đồ sộ “Lịch sử triết học Trung Quốc  gồm hai tập, tập I: Thời đại Tử học (560 trang) tập II: Thời đại Kinh học (808 trang) của triết gia Phùng Hữu Lan, do Lê Anh Minh dịch và in năm 2013, cũng rất cần thiết cho những ai muốn nghiên cứu về Hán học.
        Công bình mà nói, ngành Hán học ở Miền Bắc không phải là đến năm 1972 mới có, như Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Cường đã phát biểu trong bài tham luận viết về Viện Hán Học của Miền Nam Việt Nam được ông trình bày tại Hội nghị về ngành Hán học năm 2014 tại Philippines, mà đã được tổ chức từ cuối năm 1965 trong một phạm vi nhỏ hẹp. Một cuốn sách cho biết rằng, cuối thời điểm 1965 “ Thủ tướng phủ ký quyết định tổ chức một Lớp đại học Hán học giao cho Viện Văn học quản lý, và bổ nhiệm Giáo sư Cao Xuân Huy là Giáo sư chính.” (Cao Xuân Huy, Tư tưởng phương đông gợi những điểm nhìn tham chiếu, Nguyễn Huệ Chi soạn, chú, giới thiệu, Nhà xb. Văn Học, 1995, trang 55). Tài liệu vừa trích cho thấy không rõ ai là người trong phủ Thủ tướng ký quyết định (chắc là một cấp thừa hành nào đó, không phải Thủ tướng Phạm Văn Đồng) và bức hình chúng tôi có trong quyển sách của Cao Xuân Huy nói là lớp Hán học từ năm 1965-1968 có khoảng gần 30 người trong đó chưa kể gia đình cụ Cao Xuân Huy, cháu nội cụ Cao Xuân Dục và ba đứa trẻ có đứa còn bồng trên tay. Đọc qua tài liệu và xem bức hình, chúng tôi thấy rõ Miền Bắc lúc bấy giờ chưa ý thức rõ tầm mức quan trọng của Hán học trong nền văn hóa cổ truyền Việt Nam, như Tổng Thống Ngô Đình Diệm từng quan tâm đến trong viễn kiến chính trị của mình qua việc thành lập Viện Hán Học ở cố đô Huế năm 1959.
        Cũng Lê Thành Quang này, người có xuất bản mấy năm trước đây một cuốn sách mỏng đề “Tuyển tập Lê Thành Quang” trong đó tấn công nhiều vị khác cũng ở TB lân cận là NJ như NTT, TQN, MH, LCT …mới đây lại chỉ trích cá nhân kẻ viết bài điểm quyển sách của ông TGK đã như có ý dùng chữ “Giáo sư” trong một vài trường hợp của mình. Nhân đây tôi cũng muốn nói lại với quý vị độc giả về hai chữ “Giáo sư”.
        Thật sự chữ “Giáo sư” của VNCH được dùng trước đây để chỉ các giáo sinh tốt nghiệp các Trường Đại Học Sư Phạm Huế, Sài Gòn, Đà Lạt hay các trường Sư Phạm Quy Nhơn, Vĩnh Long (?)… là để xác nhận những sinh viên đã tốt nghiệp và được Bộ Quốc Gia Giáo Dục bổ nhiệm dạy học ở các Trường Trung Học Công Lập Đệ I Cấp (từ lớp Đệ Thất, tức lớp 6 đến Đệ Tứ, tức lớp 9 tại các Quận, Huyện hay vùng ven biên Thị Xã và các Trường Trung Học Công Lập Đệ II Cấp tại Thị Xã hay Thành Phố là những thành phần nhân sự của Bộ. Tôi tốt nghiệp ngành Đại Học Sư Phạm Ban Sử Địa tại Trường Đại Học Sư Phạm Huế năm 1965, có Văn Bằng Văn Khoa Giáo Khoa Ban Sử Học của Trường Đại Học Văn Khoa Huế do Bác sĩ Trần Ngọc Ninh, Tổng Ủy Viên Văn Hóa Giáo Dục kiêm Ủy viên Giáo dục (tức Bộ Quốc Gia Giáo Dục) ký ngày 1-10-1965, Số 48-GD/CNVK/H. Tốt nghiệp ngành Đại Học Sư Phạm, tôi được hưởng lương theo chỉ số 470 tức mỗi tháng lãnh 16, 500 đồng của VNCH. Với số lương này mỗi tháng tôi có thể mua được hơn 5 lạng vàng và phải nói rằng đó là số lương rất cao so với cấp bậc “Đại Úy” trong QLVNCH. Đó là chính sách đãi ngộ nhân viên thuộc ngành Giáo Dục của Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm nhằm mục đích đầu tư cho ngành Giáo Dục của Miền Nam Việt Nam trong chính sách chạy đua với Miền Bắc, bởi lẽ chính sách Giáo Dục của VNCH dựa trên ba tiêu ngữ “Dân tộc”, “Nhân bản” và “Khai phóng”. Khi còn là sinh viên của ngành Đại Học Sư Phạm, tôi được cấp học bổng quốc gia 3 năm theo học, với số tiền mỗi tháng 1.500 đồng VNCH để sinh viên có thể trả tiền cơm tháng, nhà ở, tiền mua thêm sách học (dĩ nhiên Chính phủ có chu cấp nhà, phòng ở như các Đại Học Xá Huế thì có Đại Học Xá Nam Giao với đầy đủ điện, nước, phòng ốc thoáng mát hợp vệ sinh, kể cả sân chơi thể thao…). Vì là để khuyến khích sinh viên ngành Sư Phạm sau này sẽ được gọi là “Giáo Sư”, nên chính phủ của VNCH cấp cho chúng tôi (nam sinh) khi mới đậu vào Trường một giấy chứng nhận để đi qua phố (ở Huế) vào tiệm sang nhất đóng một bộ đồ veste theo giá biểu Trường ĐHSP cho phép (dĩ nhiên giá rất cao có quy định màu sắc: quần màu xám tro, áo màu xanh biển, tức loại demie-saison) dùng trong các buổi lễ của nhà trường như khai giảng toàn viện, trong dịp TT Ngô Đình Diệm ra thăm Viện Đại Học Huế hay ra chủ tọa lễ khai giảng, dịp lễ Quốc Khánh 26/10, lễ Song Thất… Nữ Sinh viên ĐHSP phải mặc áo dài màu thiên thanh, quần dài trắng (cũng phải loại hàng đắt giá). Việc ăn bận lịch sự và đứng đắn như vậy của giáo sinh ngành ĐHSP giữ cho bản chất con người nghiêm trang, cần mẫn và tận tụy. Đó cũng là viễn kiến của TT Ngô Đình Diệm trong việc xây dựng con người của ngành giáo dục phải hướng về ba mục tiêu giáo dục nêu trên. Những điều kiện về tài chánh và ưu tiên cho ngành giáo dục không chỉ dừng ở đó mà có những lãnh vực tiến xa hơn, thí dụ, tôi lúc bấy giờ chơi bóng đá (túc cầu) khá hay vì đã được huấn luyện trong Tiểu Chủng Viện của Công Giáo nên khi nói ra năng khiếu thể thao của mình, Trường ĐHSP Huế đã cấp giấy cho tôi qua một tiệm bán đồ thể dục thể thao gần Cửa Thượng Tứ (Huế) mua một đôi giày đá banh loại thật tốt và một bộ quần áo túc cầu theo tiêu chuẩn mầu sắc của Trường quy định. Mọi anh chị em giáo sinh khác cũng được như vậy. Sự dành nhiều điều kiện ưu đãi này dĩ nhiên cũng phát sinh sự phân bì, ghen ghét với một vài người thuộc các Khoa khác, tuy nhiên tôi nhận ra được chủ tâm của TT Ngô Đình Diệm đó là phải xây dựng, đầu tư nhiều cho giáo dục, trong đó ngành sư phạm là ưu tiên bên cạnh các trường quân sự như Trường Võ bị Đà lạt, Trường Hải quân Nha-Trang, Trường Quốc Gia Hành Chánh…Ý của Tổng Thống Ngô Đình Diệm là muốn các giáo sinh ngành Sư Phạm dồn hết thì giờ cho việc học, không lo lắng gì khác, để tăng trưởng kiến thức, trình soạn giáo án, xây dựng lối sống đạo đức của con người sau này ra dạy học thì có đầy đủ khả năng, tác phong mà lo cho hậu thế.
        Vậy nên, hai chữ “Giáo Sư” mà thỉnh thoảng tôi hay nhiều bạn bè của tôi sử dụng trong bài viết là không phải tự ý chúng tôi muốn dùng mà đó là quy định của Bộ Giáo Dục VNCH và cũng là niềm vinh dự “uống nước nhớ nguồn” của tôi, thật ra cũng không khác gì các bạn thuộc Quân đội trước đây còn mang những bộ lễ phục, chiến y của QLVNCH, cũng gọi theo cấp bậc cũ thì có ai chỉ trích đâu, mà đó là niềm tự hào chung “Tổ quốc”, “Danh dự”, “Trách nhiệm” mà! Chỉ trừ những kẻ tiểu tâm, xấu bụng như Lê Thành Quang mới ngày đêm tận tụy trong sự nghiệp  “bới lông tìm vết”, “vạch lá tìm sâu” mà thôi. Hãy vui lên cho đời tươi hơn,  “Cò” Lê Thành Quang!
        Một người bạn mới Mỹ quen hơn ba năm nay, Giáo Sư Wynn Gadkar Wilcox, là sử gia và Đồng Trưởng khoa Lịch sử và văn hoá Phương Đông, Trường Đại Học Western Connecticut State University, gửi tặng tôi một quyển sách ông viết có tên Allegories of the Vietnamese Past, Unification and the Production of a Modern Historical Identity do Trường Đại Học Yale xuất bản năm 2011 với lời đề tặng như sau : To Professor Nguyễn Đức Cung from a colleague who seeks to understand how intellectuals understood the past, (ký ngày 9/10/2015.)
        Tuy là một câu đề tặng rất ngắn ngủi nhưng tôi đã đọc thấy sự hơn người trong nhận thức và văn bút của vị giáo sư người Mỹ này, có lẽ ông ta thua tôi đến cả ba mươi tuổi.
        Một vài trang mạng uy tín gọi tôi là “Giáo sư” hay “Học giả”, v.v…thì đó là quyền của họ, tôi không có gì phản đối nhưng nghĩ những cụm từ đó cũng không có gì để đem lên mạng chì chiết, hạch tội nhau như việc làm của Lê Thành Quang, chỉ trừ những người đó lường gạt tiền bạc, phạm Điều răn thứ  8 và 9 của Công Giáo đó là “làm chứng dối”, “cướp vợ của người”, “ tham của người”, chẳng hạn. Bên giáo lý Phật giáo cũng có những điều luật cấm vọng ngữ, cấm gian dâm, ông Lê Thành Quang từng cạo trọc đầu rắp tâm thực hành các giáo lý của Đức Phật và có lần y tâm sự với tôi cách đây vài năm: “Chủ Nhật nào cũng tới chùa Bồ Đề tụng kinh gõ mõ và cầu nguyện cho bà Anh.” Tôi nghe nhưng không có ý kiến. Đừng buồn tôi nghe “cò Quang” !
        Một sử gia và nhà giáo ngoại quốc gọi tôi là “Professor” tức “Giáo Sư” không phải phát ngôn theo ngẫu hứng nhưng chắc ông cũng cảm nhận dựa trên những điều tôi viết mà ông từng âm thầm thu tập qua sách báo tôi viết cho việc dạy học của mình, tích lũy được nhiều yếu tố, hoàn cảnh, môi trường khi ông gọi tôi là “Giáo sư” hay “Đồng nghiệp” (colleague) đã từng đánh giá tôi – dĩ nhiên qua đó cũng đánh giá nền giáo dục của VNCH mà tôi là một thành phần được sản sinh ra. Tuy vậy tôi vẫn cho rằng những từ này chỉ là “bì phu chi ngoại” mà ăn thua là khả năng và tư cách của con người mình.
        Tóm lại, những kiến thức của tôi thật sự không có gì đáng tự hào cả ngoài điều tôi rất tự hào đó là đó là các cơ sở tôn giáo và giáo dục, văn hóa từng giáo dục, đào luyện tôi như Tiểu Chủng Viện Phú Xuân của Tổng Giáo Phận Huế nơi tôi học từ 1955-1958, Viện Hán Học Huế (1959-1962), Trường Đại Học Sư Phạm (1962-1965) Huế và Đại Học Văn Khoa Huế (1962-1965 và 1971-1974 khi tôi soạn và thi đậu bằng Cử Nhân Giáo Khoa Sử Học, lấy bằng Cao Học Sử Học, với “Maxima cum laude” tức Ưu hạng, một cấp bằng được so với Tiến sĩ Đệ Tam Cấp của Pháp (dĩ nhiên sự đánh giá này không phải do tôi mà do Bộ QG Giáo Dục của VNCH từng gợi ý). Sau này chế độ Hà Nội quy định Cao Học Sử Học của VNCH ngang với Phó Tiến Sĩ và nay là Thạc Sĩ. Bản thân tôi không bao giờ chấp nhận lối quy định này của chế độ XHCN. Hơn thế nữa tất cả những điều tôi có trong đầu dĩ nhiên là do cha mẹ, thầy dạy, bạn hữu, đất nước và nhiều yếu tố khác nữa nhưng hơn hết do Cố Tổng Thông Ngô Đình Diệm đã đem tới cho không chỉ cá nhân tôi, mà cho toàn bộ đất nước VNCH, toàn thể dân tộc VN, để hôm nay nhân ngày Song Thất (7/7) chúng tôi có dịp luận cổ suy kim; và như lời nhắc nhở của hai vị quý khách của Việt Nam, Nhật Hoàng Akihito và phu nhân khi đến thăm từ đường Cụ Phan Bội Châu (1867-1940) ở Huế vào ngày 4/3/2017 đã nhắn nhủ người VN nói chung: “Lịch sử rất cần thiết; nhìn lại lịch sử mới có thể nhìn về quá khứ, hiện tại và, tương lai.”
        Hãy chung tay bồi đắp gia tài văn hóa của Việt Nam chúng ta.

                                                        NGUYỄN ĐỨC CUNG
                                                        Philadelphia 07/07/2019






Không có nhận xét nào: