Giai Thoại Văn Chương :
Người Chồng Khóc Vợ Chân Tình Nhất:
NGUYÊN CHẨN
NGUYÊN CHẨN (779-831) tự là Vi Chi, biệt hiệu là Uy Minh, người đất Lạc Dương Hà Nam, là thi nhân, văn học gia và là đại thần của đời Đường. Ông thuộc bộ tộc Phá Bạt của dòng dõi Tiên Ti, là cháu đời thứ 19 của Bắc Ngụy Chiêu Thành Đế, con của Tỉ Bộ Lang Trung Nguyên Khoan. Từ nhỏ đã nổi tiếng về văn tài, năm Trinh Nguyên thứ 9 (793), mới 15 tuổi đã thi đậu Minh Kinh, được phong chức Tả Thập Di. Năm Trinh Nguyên thứ 18 (802) đời Đường Đức Tông mới cùng Bạch Cư Dị đậu khoa Tiến Sĩ Bạt Tụy để ra làm quan. Nguyên Chẩn đã từng bái tướng, làm quan đến chức Thượng Thư Tả Thừa. Năm Thái Hòa thứ 4 (830) nhậm chức Võ Xương Quân Tiết Độ Sứ. Năm Thái Hòa thứ 5 (831) qua đời lúc mới 53 tuổi, được truy phong là Thượng Thư Hữu Bộc Xạ. Nguyên Chẩn là bạn cùng khoa với Bạch Cư Dị, cùng kết thân là bạn thơ suốt đời, cùng đề xướng thể thơ Tân Nhạc Phủ mà người đời gọi là "Nguyên Bạch 元 白", hình thành "Nguyên Hòa Thể 元 和 體". Thành tựu về văn học của ông rất lớn, nhất là về mặt thơ ca. Còn lưu lại hơn 830 bài thơ, từ phú, chiếu sách, minh giản, luận nghị... hơn một trăm bài. Tất cả đều thu tập vào trong "Nguyên Thị Trường Khánh Tập 元 氏 長 慶 集".
Năm Trinh Nguyên thứ 18 (802) đời Đường Đức Tông, mặc dù chưa ra làm quan, nhưng vẫn được quan Thái Tử Thiếu Bảo Vi Hạ Khanh 韋 夏 卿 biết đến tài và gả cho cô con gái út mà ông ta rất yêu thương là Vi Tùng 韋 叢. Lúc đó, Vi Tùng chỉ mới 20 tuổi, còn Nguyên Chẩn thì đã 25 tuổi rồi. Sau khi kết hôn, họ sống đời sống bần hàn đạm bạc. Vi Tùng mặc dù là tiểu thơ con quan nhưng lại rất chịu thương chịu khó, cùng sống cảnh nhèo khổ với chồng mà không một lời oán than trách móc, nên vợ chồng rất hòa hợp và thương yêu nhau. Bảy năm sau, tức năm Nguyên Hòa thứ tư (809), khi Nguyên Chẩn nhậm chức Án Sát Ngự Sử thì Vi Tùng nhuốm bệnh và qua đời khi chỉ mới 27 tuổi. Nguyên Chẩn vô cùng đau xót tiếc thương, ông đã làm rất nhiều thơ để khóc, điếu, và truy điệu người vợ đã cộng khổ mà không cùng được đồng cam nầy. Trong số thơ truy điệu phải kể đến 3 bài KHIỂN BI HOÀI 遣 悲 懷 là nổi tiếng và được nhiều người biết đến nhất.
Sau đây, ta sẽ lần lượt đọc lại 3 bài thơ bất hủ nầy :
遣悲懷·其一 KHIỂN BI HOÀI Kỳ 1
謝 公 最 小 偏 憐 女, Tạ công tối tiểu thiên lân nữ,
自 嫁 黔 婁 百 事 乖。 Tự gía Kiềm Lâu bách sự quai.
顧 我 無 衣 搜 藎 篋, Cố ngã vô y sưu tẫn giáp,
泥 他 沽 酒 拔金 釵。 Nệ tha cô tửu bạt kim thoa.
野 充 充 膳甘 長 藿, Dã sơ sung thiện cam trường hoắc,
落 葉 添 薪 仰 古 槐。 Lạc diệp thiêm tân ngưỡng cổ hoài.
今 日 俸 錢 過 十 萬, Kim nhật bổng tiền qúa thập vạn,
與 君 營 奠 復 營 齋。 Dữ quân doanh điện phục doanh trai.
元稹 Nguyên Chẩn
* Chú Thích :
- Khiển Bi Hoài 遣 悲 懷 : Giải bày nổi lòng bầu bi buồn thảm.
- Tạ Công 謝 公...: Lấy tích Tể Tướng Tạ An đời Đông Tấn rất thương cô cháu gái là Tạ Đạo Uẩn.
- Kiềm Lâu 黔 婁 : là một hàn sĩ ở nước Tề thời Chiến Quốc.
- Tẫn Giáp 藎 篋 : là Rương, hòm, va-li đan bằng tre mây hoặc cỏ.
- Nệ 泥 : là Câu nệ, là theo làm eo, năn nỉ.
- Dã Sơ 野 蔬 : là Rau cải mọc hoang. Hoắc 藿 : là đọt đậu non. Câu nầy chỉ chung các loại rau dền, rau muống, rau lang, rau ngỗ...
- Tân 薪 : là củi. Cổ Hoài 古 槐 : là Cây Hòe cổ, là cây hoẻ già.
- Bổng Tiền 俸 錢 : Tiền bổng lộc, Tiền lương.
- Doanh Điện 營 奠 : là Cúng tế; Doanh Trai 營 齋 : là làm tuần trai.
* Nghĩa Bài Thơ :
Giống như là Tạ An đời Tấn rất thương cô con gái út của mình, nhưng từ ngày lấy phải kẻ Kiềm Lâu hàn sĩ nầy thì trăm việc đều trớt quớt không như ý. Thấy tôi không có áo mới để mặc nàng đã lục lọi hết các rương hòm để tìm kiếm. Không tiền mua rượu uống tôi đã theo nài nĩ nàng, nàng cũng chịu rút cây trâm vàng trên đầu mà đưa cho tôi. Ăn uống thì đạm bạc chỉ tìm các loại rau rừng đọt đậu... Gom góp lá rụng phơi khô để làm củi nên thường ngóng trông cây hòe lớn rụng lá xuống. Đến ngày hôm nay ta đã làm quan, bổng lộc đã hơn mươì vạn hộc một năm, thì nàng đã mất rồi, nên chỉ còn có nước là vừa cúng tế vừa làm tuần trai cho nàng mà thôi!
* Diễn Nôm :
KHIỂN BI HOÀI (1)
Gái út Tạ Công được mến yêu,
Gã cho hàn sĩ khổ trăm điều.
Lo ta áo cũ moi rương nát,
Vì mỗ rượu ghiền bán lược yêu.
Rau cháo đỡ lòng ăn xí xóa,
Lá cây làm củi ước rơi nhiều.
Nay ta bổng lộc hơn mười vạn,
Phúng điếu mong nàng sớm độ siêu !
Lục bát :
Tạ Công gái út thương nhiều,
Lấy chàng hàn sĩ trăm điều khổ thay.
Lo ta không áo tìm may,
Vì ta hết rượu rút ngay trâm vàng.
Bửa ăn rau dại làm sang,
Lá khô làm củi nên nàng ngóng cây.
Nay ta mười vạn bổng đầy,
Chỉ còn phúng điếu làm chay cho nàng.
Bài thơ hết lời ca ngợi người vợ hiền, trước tiên là đức tính tốt của một tiểu thơ con nhà quan mà chịu khuất thân lấy người hàn sĩ để phải chịu khổ trăm điều: Lo cái ăn cái mặc để giữ thể diện cho chồng, chìu cả những thói ghiền rượu của chồng mà không ngần ngại bán cả trâm vàng, sống kham khổ bằng các loại rau dại, chắc mót cả lá khô để làm củi đốt... Thế mà ngang trái thay, khi đã làm quan, khi đã giàu sang vinh hiển, thì vợ đã mất rồi!... Dù cho có cúng tế làm đám linh đình như thế nào cũng không bù đắp được tấm chân tình của người vợ hiền đã khuất bóng.
遣悲懷·其二 KHIỂN BI HOÀI Kỳ 2
昔 日 戲 言 身 後 事, Tích nhật hí ngôn thân hậu sự,
今 朝 都 到 眼 前 來。 Kim triêu đô đáo nhãn tiền lai.
衣 裳 已 施 行 看 盡, Y thường dĩ thí hành khan tận,
針 線 猶 存 未 忍 開。 Châm tuyến do tồn vị nhẫn khai.
尚 想 舊 情 憐 婢 僕, Thượng tưởng cựu tình lân tì bộc,
也 曾 因 夢 送 錢 財。 Dã tằng nhân mộng tống tiền tài.
誠 知 此 恨 人 人 有, Thành tri thử hận nhân nhân hữh,
貧 賤 夫 妻 百 事 哀。 Bần tiện phu thê bách sự ai !
元稹 Nguyên Chẩn
* Chú Thích :
- Hí Ngôn 戲 言 : Lời nói chơi (giữa vợ chồng với nhau).
- Thân Hậu Sự 身 後 事 : Chuyện sau khi đã chết, đã qua đời.
- Dĩ Thí 已 施 : Đã bố thí (cho người nghèo).
- Hành Khan Tận 行 看 盡 : là Đã gần hết.
- Do Tồn 猶 存 : Còn chừa lại, còn để lại.
- Tì Bộc 婢 僕 : TÌ là Tì nữ, hầu gái. BỘC là Gia bộc, người giúp việc trai.
- Bần Tiện Phu Thê 貧 賤 夫 妻 : là Vợ chồng nghèo khó với nhau.
* Nghĩa bài thơ :
Ngày xưa vợ chồng thường nói chơi với nhau là: người nầy chết thì người kia sẽ ra sao?... Đến hôm nay thì sự thực đó đều đã phơi bày trước mắt.
Quần áo của bà để lại tôi đã bố thí cho người nghèo gần hết rồi, chỉ có kim chỉ ngày xưa của bà dùng để may vá thì tôi còn giữ lại cả mà không đành lòng mở ra xem. Tôi luôn nhớ đến tình nghĩa của bà ngày xưa đối với nô tì gia bộc, người ăn kẻ ở trong nhà mà càng yêu thương họ hơn; cũng thường nằm mơ thấy bà nên luôn mua thêm vàng mã đốt xuống gởi cho bà. Vốn dĩ biết rằng cái hận sinh ly tử biệt mọi người đều có, nhưng đối với vợ chồng xuất thân nghèo hèn như chúng ta thì trăm việc đều bi ai buồn thãm.
* Diễn Nôm :
KHIỂN BI HOÀI (2)
Ngày xưa cứ tưởng nói chơi thôi,
Nào biết hôm nay trước mắt rồi.
Bố thí áo quần cho sắp hết,
Vẫn còn kim chỉ chẳng đành coi.
Nhớ bà xưa vẫn thương người ở,
Vì mộng nay thường đốt bạc tơi.
Vẫn biết hận nầy ai tránh khỏi,
Vợ chồng nghèo khó khổ khôn vơi !
Lục bát :
Xưa kia cứ ngỡ nói chơi,
Nào ngờ nay đã phương trời âm dương.
Áo quần bố thí vẫn thường,
Chỉ kim còn đó chẳng buồn mở xem.
Vốn thương kẻ ở người quen,
Mã vàng thường đốt mấy phen mơ màng.
Vốn hay tử biệt hận tràn,
Vợ chồng nghèo khổ muôn vàn bi thương !
Thật chí tình chí nghĩa, Nguyên Chẩn nhớ đến từng việc, từng việc một của vợ mình khi còn sống, cho nên áo quần thì bố thí cho người nghèo gần hết, chớ kim chỉ mà ngày thường vợ thường dùng để may vá thì không dám mở ra, sợ gợi lại hình ảnh của vợ lúc còn sống; Vốn biết vợ có lòng nhân từ hay thương người ăn kẻ ở trong nhà nên cũng đối xử với họ tốt hơn... và mặc dù bây giờ làm quan đã giàu sang rồi, vẫn còn nhớ lúc vợ chồng thuở hàn vi trăm việc đều buồn thương sầu thảm.
遣悲懷.其三 KHIỂN BI HOÀI (3)
閒 坐 悲 君 亦 自 悲, Nhàn tọa bi quân diệc tự bi,
百 年 都 是 幾 多 時? Bách niên đô thị kỷ đa thì ?
鄧 攸 無 子 尋 知 命, Đặng Du vô tử tầm tri mệnh,
潘 岳 悼 亡 猶 費 詞。 Phan Nhạc điếu vong do phí từ.
同 穴 窅 冥 何 所 望? Đồng huyệt yểu minh hà sở vọng,
他 生 緣 會 更 難 期。 Tha sinh duyên hội cánh nan kỳ.
惟 將 終 夜 長 開 眼, Duy tương chung dạ trường khai nhãn,
報 答 平 生 未 展 眉。 Báo đáp bình sinh vị chuyển mi.
元稹 Nguyên Chẩn
* Chú Thích :
- Đặng Du 鄧 攸 : Theo Tấn Thư ghi chép : ĐẶNG DU (?-326) người đời Tây Tấn, tự là Bá Đạo, là quan Thái Thú đất Hà Tây. Cuối năm Vĩnh Gia trong chiến tranh loạn lạc, Du đã bỏ con chết trong chiến loạn mà cứu lấy cháu do em trai gởi gắm, với lý do mình còn có thể sanh con khác được, chứ cháu mà chết rồi thì làm sao sanh được đứa cháu khác đây? Cuối cùng, vợ ông không còn khả năng mang thai nữa. Đành phải nạp thiếp, khi hỏi rõ lý lịch thì biết cô thiếp mà mình định nạp là cháu gái con của em vợ mình, nên thôi. Ông cho đó là số mạng của mình, nên từ đó không có ý định nạp thiếp nữa. Rồi đành chịu cảnh vô hậu, không người nối dõi.
- Phan Nhạc 潘 岳 : Cũng theo Tấn Thư ghi chép: PHAN NHẠC(247-300) người đời Tây Tấn, tự là An Nhân. Người đời thường gọi ông là PHAN AN 潘 安, là một văn học gia nổi tiếng đẹp trai, là Huyện Lệnh của đất Hà Dương. Vợ là Dương Thị, chết trẻ. Ông vô cùng thương nhớ vợ và làm rất nhiều thơ để phúng điếu, trong có 3 bài "Điếu Vong Thi 悼 亡 詩" rất nổi tiếng, được nhiều người biết đến.
- Yểu Minh 窅 冥 : là Nơi xa xôi tăm tối, chỉ Âm Phủ.
- Hà Sở Vọng 何 所 望?: Còn kỳ vọng mong mõi gì nữa đây?
- Duyên Hội 緣 會 : là Duyên hội ngộ, là cái nhân duyên gặp gỡ nhau.
- Cánh Nan Kỳ 更 難 期 : là Càng khó mà trông mong hơn nữa.
- Khai Nhãn 開 眼 : Mở mắt, vì không ngủ được.
- Triển Mi 展 眉 : là Nở mày; ý chỉ Nở mày nở mặt.
* Nghĩa Bài Thơ :
Rảnh rổi ngồi buồn nhớ thương bà mà cũng tự thương cho thân tôi nữa. Người ta thường nói trăm năm tơ tóc, nhưng trăm năm có là bao đâu? Đặng Du không có con nối dõi cũng do nơi mạng số; còn Phan An khóc điếu vợ rồi thì lời điếu cũng thoảng qua thôi. Đã không còn trông mong chết cùng chung một huyệt mộ, thì duyên hội ngộ ở kiếp sau cũng không dễ gì trông mong cho có được đâu. Giờ chỉ còn biết nhớ thương bà mà "mở mắt" suốt đêm trường không ngủ, để báo đáp lại lúc còn sống nghèo khổ bà chẳng "Nở mặt nở mày" được! (Khi tôi đã làm quan lớn).
* Diễn Nôm :
KHIỂN BI HOÀI (3)
Ngồi rảnh nhớ nàng dạ xót thay,
Bách niên giai lão mất còn ai ?
Đặng Du vô tử đành hiu hẩm,
Phan Nhạc điếu vong những cảm hoài.
Chung huyệt chung mồ thôi ngóng đợi,
Kiếp sau kiếp nữa khó mong thay.
Suốt đêm mở mắt tuôn dòng lệ,
Báo đáp nàng xưa chẳng mở mày !
Lục bát :
Buồn nàng rồi lại buồn ta,
Trăm năm tơ tóc có là bao nhiêu ?
Đặng Du vô tử hẩm hiu,
Phan An khóc vợ nghe nhiều xót xa.
Hết mong chung huyệt đôi ta,
Kiếp sau gặp gỡ cũng là viễn vong.
Suốt đêm mở mắt nhớ mong,
Vì nàng đến chết vẫn không mở mày !
Thật chân tình, thật thực tế và thực cảm động lòng người! Ngồi buồn nhớ thương bà mà cũng tự thương cho thân tôi. Người ta nói trăm năm hạnh phúc, nhưng hạnh phúc thật sự có được bao nhiêu đâu? Tôi với bà không có con, âu đó cũng là do số mạng ta phải thế. Tôi làm thơ thương khóc bà rồi cũng chỉ như làn gió thoảng thôi, vì bà đâu còn nghe thấy được nữa đâu. Chúng ta từng nguyện sống chung nhà và chết thì chung một huyệt mộ, nhưng đó cũng chỉ là những chuyện viễn vông, cũng như hẹn sẽ cùng nhau gặp gỡ ở kiếp lai sinh đều là những chuyện huyễn hoặc không thể nào có thật được. Việc thực tế nhất trước mắt là tôi luôn "mở mắt" thức trắng thâu đêm vì thương cho bà lúc còn sống đã không được "mở mày mở mặt" với người đời!
Qua ba bài thơ vừa điếu tang, vừa bày tỏ nỗi lòng thương nhớ vợ chẳng may mất sớm của Nguyên Chẩn. Ta thấy ông đã sử dụng những chi tiết rất nhỏ nhặt, rất tầm thường trong cuộc sống, như quần áo, trâm cài, rau dại, lá khô... Sự hiền thục của vợ như mến thương người ăn kẻ ở trong nhà, sống kham khổ với chồng mà chẳng chút oán than trách móc, vợ chồng cùng ước hẹn sống chết có nhau, tái ngộ ở kiếp lai sinh... Chính những sự nhỏ nhặt tầm thường của các mặt trong đời sống thực tế của vợ chồng đã được ông than van kể lể làm cảm động lòng người đọc một cách chân thành như sự chân thành của ông trong những lời thơ thương khóc vợ.
Ngoài ba bài thơ thương tiếc điếu tang vợ như trên, Nguyên Chẩn còn có một hệ thống 5 bài thơ Tứ tuyệt "LY TỨ 離 思" (Nỗi nhớ thương lúc phân ly) cũng rất nổi tiếng, nhất là bài thứ tư trong 5 bài nêu trên đã trở thành bất hủ:
曾 經 滄 海 難 爲 水, Tằng kinh thương hải nan vi thủy,
除 卻 巫 山 不 是 雲。 Trừ khước Vu Sơn bất thị vân.
取 次 花 叢 懶 回 顧, Thủ thứ hoa tùng lãn hồi cố,
半 緣 修 道 半 緣 君。 Bán duyên tu đạo bán duyên quân.
Có nghĩa :
Nếu không phải là nước của biển xanh mênh mông thì không phải là nước. Ngoại trừ những mây mù trên đỉnh Vu Sơn ra, còn lại đều không phải là mây. Đã lơ đễnh qua khỏi khóm hoa rồi thì cũng lười biếng quay đầu nhìn lại, vì lòng đã trót theo tu đạo, và cũng vì trong lòng ta đã có hình bóng của em rồi.
Diễn Nôm:
Chẳng là biển rộng không là nước,
Trừ bỏ Vu Sơn chẳng phải mây!
Trước khóm hoa tươi lười biếng ngắm,
Nửa vì tu đạo nửa nàng đây.
Lục bát :
Biển xanh mới thật nước đây,
Chẳng Vu Sơn đó chẳng mây trên trời.
Quay đầu biếng ngắm hoa tươi,
Nửa vì đaọ hạnh nửa vui vì nàng.
Ý của Nguyên Chẩn là: "Ngoại trừ vợ ông ra, thì không có người đàn bà nào trên đời nầy đáng cho ông yêu nữa cả! Dù có đi qua một "rừng hoa" trước mắt, ông cũng không buồn quay đầu lại để nhìn ngắm, vì đạo hạnh và nhất là vì trong lòng ông đã có hình bóng của vợ ông rồi. Không có bất cứ người đàn bà nào khác có thể thay thế được!
Bốn chữ đầu của câu thơ thứ nhất "TẰNG KINH THƯƠNG HẢI 曾 經 滄 海" đã trở thành thành ngữ để chỉ khi "Một chàng trai yêu một cô gái nào đó thì cho rằng ngoài nàng ra thì chẳng thể nào yêu người khác được nữa", dùng bốn chữ TẰNG KINH THƯƠNG HẢI để tỏ tình và để cho nàng biết là ngoài nàng ra chàng sẽ không còn yêu ai khác, nếu không lấy được nàng thì chàng sẽ..."ở vậy nuôi con" cho đến hết đời! Nên...
Khi viết câu thơ trên Nguyên Chẩn muốn cho mọi người biết mình là người đàn ông chung tình, vợ chết rồi thì không còn yêu ai khác nữa và sẽ không lấy ai khác nữa. Nhưng ... khóc vợ chết thì nói thế, chứ đời sống thực tế của ông thì ông là người "bạ đâu yêu đó, gặp người nào yêu người nấy và bỏ... người kia", là... KẺ BẠC TÌNH NHẤT trong tất cả những đàn ông bạc tình ở trên đời nầ ! Mời đọc lại bài "BẠC TÌNH NỔI TIẾNG ĐƯỜNG THI" thì sẽ rõ!
Hẹn bài viết tới !
杜 紹 德
Đỗ Chiêu Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét