Thứ Tư, 24 tháng 6, 2020

Tìm Mãi Bóng Thời Gian - Chu Hà

Đoản văn:
     TÌM MÃI BÓNG THỜI GIAN

C:\Users\cangs\OneDrive\Documents\layhinh\hinh513.jpg

Dĩ vãng như một dòng sông... luôn êm đềm chảy mãi trong tôi, trong dòng sông dĩ vãng của tôi có rất nhiều kỷ niệm đẹp, tôi muốn tìm về dĩ vãng, muốn được trầm mình tắm lại trong dòng sông xưa, dưới mái nhà thân yêu, nắm lấy tay cha tôi, ôm lấy chân người như thuở bé thơ, được nghe giọng hát ngọt ngào của bà, của mẹ khi ru em tôi ngủ, tôi muốn tìm lại con đường làng xưa, chiếc cầu khập khễnh bắt qua sông trên đường về quê ngoại, tìm lại bóng dáng của các thầy cô thân yêu, các bạn học của năm nào, tôi đi ... Tìm mãi bóng thời gian …

Nắng vàng đã tắt trên sông vắng
Cô đứng chờ ai mắt gợn buồn
Chớ thả tóc huyền cho gió ghẹo
Lòng tôi nhớ lắm… bóng chiều buông

Hay là... cô muốn sang bên ấy
Đò giang đâu nữa mỏi mòn chi
Chuyến cuối năm xưa đà tách bến
Cô đừng khóc tiễn bóng người đi

Nước chảy vô tình, hương sắc trôi
Lòng tôi trống lạnh bao năm rồi
Xin chớ nhắc chi màu tiễn biệt
Cô đừng để lệ rớt trên môi

Chẳng có chi đâu ngoài khói sóng
Cô tìm chi mãi bóng thời gian…

CẦU CHỮ Y
Cô ơi mời cô uống nước, cô cần gì nữa không ạ?... để trái dừa xiêm ướp lạnh trên chiếc đĩa nhỏ và ống hút xuống bàn cô bé hỏi một cách rất lễ phép của người miền quê rặt Bình Định…

Cháu nè tại sao ngưòi ta lại gọi nơi đây là cầu Chữ Y vậy cháu?...
Vân vê vành tai như có vẻ suy nghĩ rồi cô bé ngập ngừng trả lời, ừ hén phải gọi là cầu Hai Chữ I mới đúng hén cô…
Nói bậy…
Hạnh nhìn sang bàn bên kia, nơi góc phòng chỗ gần mép sông có cái cửa sổ nhìn xuống dòng nước đang chầm chậm chảy, giọng nói xuất phát từ nơi ấy, một ông lão đang cầm bút như trầm tư nghĩ ngợi và viết gì đó….
Ông già, sao ông lại mắng nó, tui thấy nó nói cũng đúng à nha, hai cái cầu thì là hai chữ I không đúng sao?  Một giọng khác từ phía sau quán của một bà trạc chừng giữa 40-50 tuổi bước ra...
Từ từ nhấp dòng nước ngon ngọt, vị thơm tho của chất dừa xiêm, cảm thấy khỏe hơn sau chặn đường dài mệt mỏi, Hạnh đưa mắt nhìn sang bà chủ quán  chờ đợi, hôm nay chắc sẽ có một cuộc tranh luận thú vị...
Giỏi thì nói tui nghe thử coi, ông mà biết gì, ngày nào cũng đến đây ngồi viết viết, bộ không biết mệt à...
Hạnh bắt cười với câu mắng của bà chủ quán, họ nhất định là một cặp kỳ phùng địch thủ, chờ coi…
Nè cô, chỗ cô đang ngồi đó năm xưa là môt cái mô của đầu cầu….
Trật lất, vậy mà cũng nói được, chỗ đó là cái nền của bến xe ngựa nhà ông hương quản Trang à nha…
Thôi đi bà đừng có nhảy vô miệng tui à nha, không biết thì dựa cột ngồi nghe tui kể, chỗ đó là một đầu cầu, phía bên kia chỗ người ta giăng lưới nuôi vịt đó đó là một đầu nữa, còn cái thứ ba ở chỗ đầu cầu kia, phía đi về phố mới đó…
Ha ha ha nói tầm bậy tầm bạ vậy mà cũng nói, đâu có cái cầu nào có tới ba cái đầu vậy ông già…
Má im để nghe ông kể mà…
Ừ, còn một cái nữa kìa bà ơi, chỗ giữa sông đó có cái chân cầu to tổ bố, to gần bằng cái nền quán của bà nè, nơi đó là nơi ba cái cầu nối nhau lại… ông lão đưa tay tắt cái quạt đang quay rồi  chỉ, giống như ba cánh quạt này nối nhau ở đây bà thấy không…
Ừ đẹp quá, vậy mà hồi giờ ở đây tui không biêt…
Còn có những cái bà không biết nữa đẹp lắm nhưng sau “giải phóng” người ta đập phá hết rồi, hồi đó tui buồn lắm mà hổng dám nói…
Ông mà dám, nghe đâu họ bảo con ông vượt biên qua MỸ, phản quốc chống lại cách mạng, ông mà mở miệng là chết chắc, à ông nè hổm rày nghe đâu bên Mỹ lộn xộn chết chóc hàng trăm ngàn ngưòi ghê quá, các cháu bên đó có được an toàn không? Sao tui lo qua ông à…
Ừ tui cũng đang lo và rầu thúi ruột đây bà ơi, thôi để tui kể tiếp về cái cầu cho cô này nghe… Hồi đó con sông này to và sâu hơn bây giờ nhiều, cứ mỗi lần tới phiên chợ Gò Chàm là ghe thuyền miệt dưới biển ngừơi ta tụ lại ở đây và ở dưới bến chỗ miễu Mù U nấu cơm chiều, tiếng tù và gọi nhau thôi thì inh ỏi nhưng tụi con nit chúng tui nghe thích lắm…
Ông à cái miễu Mù U ông nói đó ở chỗ nào vậy?
Bà biết chỗ trường tiểu học và sân đá bóng dưới phố mới đó không? Chỗ đó hồi xưa có cái miễu lớn lắm, bên trong thờ đủ các vị thần, ở phía trước sân có cây dông đại thụ mấy người ôm chưa xuể…
Vậy sao không ai gọi là miễu cây dông mà lại gọi miễu Mù U tui có thấy cây Mù U nào đâu ông?...
Để tui kể cô đây với cháu và bà nghe… Hồi quân Nhật sang cướp chính quyền nước mình, họ bắt dân mình nhổ hết lúa để trồng cây đay, cây Mù U cũng có từ lúc đó.  Họ trồng nhiều dọc bên sông trước miễu, chắc vì vậy, khi bọn thương thuyền đậu ở đó, thấy có nhiều cây Mù U và gọi đại nên mới có tên như ngày nay...
Ừ nghe đâu hồi đó có nạn đói chết chóc ghê lắm hã ông? và còn nữa cái chợ Gò Chàm ông nói đó ở đâu vậy? Sao tui hổng biết ....
Ừ thôi để tui kể tiếp... chợ Gò Chàm là chợ Bình Định bây giờ đó bà. Hồi đó xứ mình là của dân Chàm, ở đó toàn đất gò cát bên con sông Trường Thi, dân Chàm thường nhóm chợ ở đó nên mới có cái tên đó, cũng như cái tên sông Trường Thi là từ tên Trường Thi Bình Định mà có…
Bây giờ ông nói tui mới biết, vậy mấy ông nghè ông cử của xã mình là đi học và rồi đi thì ra trường ở đó…
Bà nói chỉ đúng một phần…. cái trường thi ở Bình Định là trường thi Hương chỉ đậu tới cử nhân thôi, muốn trở thành ông Nghè phải ra ngoài Huế thi nữa, gọi là thi Hội, đậu tiếp mới trở thành ông nghè, bây giờ người ta gọi là tiến sĩ đó bà…
À thì ra là vậy… Vậy cái trường đó bây giờ ở chỗ nào vậy ông? …
Dọc theo bờ sông Trường thi về hướng Bắc rộng lắm toàn là bãi cát bồi, sĩ tử cất lều làm bài thi ở đó và trường thi cũng ở đó, nếu bà nhìn từ quốc lộ phía tây là trường thi, phía đông là tháp Bánh Ít và chùa Nguyên Thiều…
À tui biết rôi, Ông kể tiếp đi…

Hỡi thành, hỡi quách, hỡi trường thi!
Đâu dấu ngày xưa rợp bóng kỳ
Kìa đá ong buồn phơi ngấn lệ
Đây dòng sông chảy nước tràn mi
Bút nghiên một thuở, nên… Nghè, Cử
Lều chõng bao phen, trượt... Khóa, Nhì
Hưng phế tro tàn trơ lớp lớp
Trăng còn nằm đợi bóng người chi!


Chà ông ơi... ông làm thơ đọc nghe gì mà buồn quá…
Không đâu , thơ của ông Chu Hà làng mình đó…
Vậy hã, xã mình có nhiều người biết làm thơ hén ông, hình như ổng cũng đang ở Mỹ hén ông…
Ừ... thôi cứ vòng vo hoài mà chưa kể về cái cầu chữ Y để cô khách của bà chờ, bây giờ tui kể về cái cầu nha.

Con sông ngày trước cạn rồi
Cầu chia ba ngả chuyện thời xa xôi...
Đường về Lộc Thuận, Gò Bồi
Mấy bà Chạy Rẩu lấy hơi đua tài
Những ngày biển lặng, ban mai
Cá tôm đầy chợ, bếp ai cũng hồng
Chiếc cầu nối nhịp Nhơn Phong
Đường lên Bình Định vô trong Sài Gòn
Đường ra phía Bắc Hoài Nhơn
Mua quế An Lão, Tam Quan mua dừa
Những ngày mưa nắng năm xưa
Cầu yêu nối nhịp cho vừa nghĩa nhân
Đường về Định Thuận, Tân Dân
Ngang qua Hối Lễ cũng gần Phủ Đa
Chợ phiên phục vụ quê ta
Cầu yêu nối kết ngựa xa rộn ràng
Biển dâu, dâu biển sang trang
Tóc xanh ngày ấy vội vàng bạc phơ
Đêm qua nằm mộng ta mơ
Thuyền buôn cập bến ven bờ thổi cơm
Tù và giục bóng hoàng hôn
Cá đua ngược sóng, trăng vờn dưới sông
Bờ dâu ruộng lúa ngập đồng
Chiếc xe thổ mộ nhong nhong trên đường
Lòng ta ngập những yêu thương
Tình quê, tình nước vấn vương tình nhà
Ôi... Thời thơ mộng đã qua!...


Hạnh bừng tỉnh, đưa mắt nhìn sang phía sông , ông cụ như đang mơ màng, đắm đuối lặng nhìn dòng nước buồn chầm chậm chảy, hình như ông đang gửi gắm tâm sự gì đó, cái dáng xiêu xiêu như lạc lõng, bơ vơ giữa chợ đời, phảng phất bóng dáng của đám dân Chàm mất nước, như một cánh chim lạc đàn bơ vơ bay tìm tổ ấm, nhưng mãi bay mà không biết sẽ về đâu….

Tháng 6/15/2020
Chu Hà
(NHóm Vườn Thơ Mới)



Không có nhận xét nào: