HOA QUỲNH NHÀ TÔI
(Hình: Hoa Quỳnh Nhà Tôi chụp ngày 15.5.2020 )
Anh Phương TRÀN VĂN NGÀ
Ngồi buồn ngắm cảnh hoa quỳnh nở,
Đại dịch "Cô" trăn trở miên man. (Cô = COVID 19)
Đời người nhiều nỗi bất an,
Ly hương mất nước trăm ngàn đớn đau!
Tức cảnh sanh tình, cảm khái, tôi có thơ rằng:
Mỗi ngày lặng ngắm hoa quỳnh,
Tiếc rằng hoa đẹp, nín thinh không lời.
Khổ thân U Chín ai ơi!
Như mây lơ lửng giữa trời quạnh hiu.
Cách ly Cô Vít (COVID 19) buồn thiu,
Ngắm hoa liên nghĩ về chiều đời trai.
Còn gân, mặc kệ chông gai,
Đánh nhanh, đánh mạnh, đánh hoài vẫn ngoan.
Cuộc đời xuống dốc lầm than,
CÔ Na vi rút, tại nàng quậy tưng
Thế gian đảo lộn lung tung,
Hoa Kỳ "nín thở" lùng bùng, lụi tan?
Quái quăm lắm cảnh ngỡ ngàng,
Xa lìa cốt nhục, xốn xang lòng trời
Lệ rơi cứ để lệ rơi!?
Sá gì thất nghiệp, lìa đời nhiều nhanh.?
Lây lan vi rút không phanh,
Đổ thừa Hu (WHO) Chệt lanh chanh hại mình.
Không chuẩn bị trước, thôi đành!
Tướng Trời nổ sảng - lợi danh gia đình.
Bây giờ, nước Mỹ điêu linh,
Toàn dân gồng chịu cùng đinh, bẽ bàng.
Khổ đau trăm nỗi ngổn ngang,
Ký ninh, thuốc tẩy chết oan hởi trời!!!? .
Thiên tài liền với thiên tai, (1)
Lãnh đạo mần rứa nhớ hoài ngàn năm.
Bệnh nhân "thăng" mới tới "nàng", (2)
Cùng nhau tắt thở hạ màn cuồng si.
Dựng xây nước Mỹ thần kỳ,
Tiến nhanh tiến mạnh Cô Vi hết thời.
Chúng ta cùng ngắm hoa rơi,
Sắc quỳnh, hương bưởi, tan đời khổ đau.
Hoa Kỳ thoát nạn, tiến mau,
Siêu cường số một, dân giàu thăng hoa./.
ANH PHƯƠNG Trần Văn Ngà - 15.5.2020
(1) Thiên ở đây là ngàn (nghìn), không phải thiên là trời.
(2) Nàng - nàng COVID 19 - Còn gọi nàng Coronavirus Vũ Hán.
(H:Hoa Quỳnh trắng lấy từ Internet)
Tôi có cơ may tập tành thưởng thức ngắm nhìn hoa quỳnh nũng nịu e thẹn nở vào giữa đêm khuya, như người lớn đang say đắm theo từng động thái chuyển mình của búp quỳnh sắp nở bung ra vào những ngày đầu xuân lúc tôi mới 10 tuổi, cách nay đúng 75 mùa hoa quỳnh nở - năm 1945.
Nhiệm vụ của tôi vào chùa là học chữ Nho với Thầy Trụ Trì chùa Bồng Lai (ấp Bà Bài - Châu Đốc) mà tôi gọi là Bác Ba, trạc tuổi với Ba tôi, rất cưng tôi, Bác sanh khoảng năm 1896- 98 cuối thế kỷ 19. Bác cũng để tóc để râu như thanh niên thời đó, chỉ khác là Bác thường trường trai và mặc nâu sòng cũng như tụng kinh, lạy Phật ngày bốn thời: 6 giờ sáng - 12 giờ trưa - 6 giờ chiều, 12 giờ khuya và rất chuyên cần chuyện đồng áng, canh tác, trồng trọt hoa màu trên đất chùa chừng năm mẫu tây.
Chùa không chờ đợi bổn đạo, bá tánh cúng dường như nhiều Thầy tu bây giờ. Tiền bạc, thực phẩm, chùa đều tự túc. Nếu có tiền cúng dường trong những lễ lớn, ngày sóc vọng, Thầy dùng tiền cúng dường để chuyên lo tu sửa chùa và bố thí quần sanh nghèo khổ bịnh tật. Đất cày bừa sạ lúa là do bổn đạo cùng nhau làm công quả giúp chùa cũng như cắt gặt lúa mang về chùa... Điểm son của hệ phái Phật Giáo biến thể, còn gọi là Phật Giáo cải cách hay đơn giản hóa đạo Phật thành đạo dân tộc Việt Nam - Bửu Sơn Kỳ Hương.
Hồi xưa qúy tu sĩ vừa tu tâm dưỡng tánh, ăn chay ăn mặn đều được cả, cũng cấm sát sanh (chủ yếu ăn cá), niệm Phật, làm lành lánh dữ mà luôn có tinh thần tự lực cánh sinh không ỷ lại vào sự cúng dường của bổn đạo.
Giáo Chủ khai sáng đạo (Phật) Bửu Sơn Kỳ Hương còn gọi là Đạo Lành do Phật Thầy Tây An khai sáng từ giữa thế kỷ 19 (1849). Đức Phật Tây An với tên tộc là Đoàn Minh Huyên (1807 - 1856), sanh quán ở Cái Tàu Thượng - Sa Đéc và tu tại Tây An Tự (Núi Sam - Châu Đốc), được bổn đạo, bá tánh tôn xưng Ngài là Đức Phật Tây An. Ngài rất mát tay chửa lành bệnh thời khí đã giết hàng trăm, hàng ngàn dân thường ở thôn quê miền Tây (1849 - 1850) và khuyến khích bổn đạo khai hoang canh tác với lòng thành qua tinh thần tứ ân: Ân Tổ Tiên Cha Mẹ - Ân Đất Nước - Ân Tam Bảo - Ân Đồng Bào, Nhân Loại. Vì ân đất nước, tất cả tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương đều có tình yêu nước nồng nàn, giữ nước chống ngoại xâm giặc Pháp nên thực dân Pháp tìm mọi cách dập tắt lửa đấu tranh chống đối của tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương, nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung, lúc bấy giờ. Đức Phật Thầy Tây An viên tịch ngày 12.8.1856.
Ngôi chùa Tây An ở Núi Sam Châu Đốc được xếp vào di tích quốc gia từ thời Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa. Tây An Tự - Núi Sam thờ rất nhiều tượng Phật, trong khi đó chùa Bửu Sơn Kỳ Hương chính tông thờ tấm "Trần Điều" là chánh, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa và đạo Phật Giáo Hòa Hảo sau này cũng thờ tấm trần điều ở giữa chánh điện. (xin lưu ý điểm này).
Giáo phái tu tập của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương truyền thừa tôn chỉ qua hai hệ phái khác: Môn phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa hay gọi tắt là đạo Hiếu Nghĩa do Đức Bổn Sư - đại đệ tử của Đức Phật Thầy Tây An (tộc danh Ngô Lợi, 1831-1890), tổ đình đơn sơ (như là là Tòa Thánh) ở xã Ba Chúc - Núi Tượng thuộc quận Tịnh Biên tỉnh Châu Đốc, cũng giưong cao ngọn cờ tự lập tự chủ chống ngoại xâm như Bửu Sơn Kỳ Hương. Người dân Miền Nam Việt Nam biết rõ thêm tôn giáo Hiếu Nghĩa. Thời Nội Các Chiến Tranh (1965) đã có lễ lớn, chánh quyền mang chiếc Long Đình, là bảo vật thiêng liêng, biểu trưng của tôn giáo này từ Bảo Tàng Viện Việt Nam ở Sài Gòn mang xuống trao lại đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa tại Ba Chúc (trước đó mấy chục năm, quân lính bảo hộ Pháp hành quân vùng này tịch thu Long Đình đưa về Bảo Tàng Viện) . Đó cũng là cách chinh tâm vi thượng sách của chánh quyền quân nhân lúc bấy giờ. Qua thời cộng sản Miền Bắc "đô hộ" Miền Nam (hay còn gọi là giải phóng, xâm chiếm...), trước khi CSVN xua quân sang Kampuchia đánh quân Khơ Me Đỏ (Pol Pot - Iêng Sari) cộng sản VN nhẫn tâm để quân Khơ Me Đỏ mở cuộc tàn sát tại xã Ba Chúc từ ngày 18 đến ngày 30 tháng 4 năm 1978 mới đưa quân chánh quy đến giải cứu Ba Chúc, có hơn 3 ngàn dân thường, đa số là tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa (3,157 người). Nay còn di vật sọ và xương thân, chân tay người bị thảm sát lưu giữ tại một ngôi nhà bảo tồn di tích lịch sử tội ác của cộng sản nói chung - Độc giả muốn hiếu rõ vụ thảm sát tàn độc tại xã Ba Chúc xin lên youTube hay Google, gõ Thảm sát Ba Chúc có đến gần cả trăm bài viết, phóng sự ở trong nước và quốc tế... tường
thuật chi tiết vụ này.
Sự truyền thừa tôn chỉ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương kế tiếp. Chín mươi năm sau - 1939, tại xã Hòa Hảo thuộc quận Tân Châu - Châu Đốc, một thanh niên trẻ mới 19 tuổi đã "ngộ đạo" cũng có tinh thần yêu nước nồng nàn như đạo gốc Bửu Sơn Kỳ Hương và cách tu tập đơn giản hóa Phật Giáo phù hợp với văn hóa cuộc sống của đa số nông dân . Đức Thầy khai sáng một tôn giáo dân tộc mới gọi là Phật Giáo Hòa Hảo cũng có ít nhiều khác biệt với đạo Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Từ năm 1939 đến năm 1947, được 7 năm có hàng triệu người Việt Nam, đa số ở Miền Tây đã theo con đường tu tập của Phật Giáo Hòa Hảo - cải cách đạo Phật hay gọi là đơn giản hóa đạo Phật để chúng sanh dễ hội nhập, thực hành.
Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ khai sáng đạo Phật Giáo Hòa Hảo cũng gặp nhiều truân chuyên bức hại của nhà cầm quyền thực dân Pháp. Và sau năm 1945, Việt Minh cộng sản cũng quyết tiêu diệt tôn giáo này và ám hại Đức Huỳnh Giáo Chủ ở Ba Răng Đốc Vàng (Đồng Tháp Mười?) năm 1947. Từ đó đến nay, cộng sản luôn theo dõi trù dập tinh thần yêu nước tôn sùng đạo và kính trọng Đức Huỳnh Giáo Chủ. Hiện nay, trong nước và hải ngoại có đến nhiều triệu tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, tinh thần đấu tranh chống bạo quyền của tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo luôn bất diệt... cái gai của nhà cầm quyền cs trong nước.
Khi tôi học chữ Nho (chữ Hán) tại chùa Bồng Lai, tôi thường thấy Thầy tôi giữ đủ lễ vừa tụng kinh vừa lạy Phật thời 6 giờ sáng và thời 6 giờ chiều, còn thời 12 giờ trưa và 12 giờ khuya thường để các sa di tụng kinh và Thầy chỉ đến lạy Phật, không quỳ tụng kinh như chúng tôi. Tôi học chữ Nho từ vỡ lòng tại nhà với ông Nội tôi, lúc 8 tuổi, Ba tôi gởi vào chùa học chữ Nho với Bác Ba Trụ Trì. Cách dạy của Bác cũng khá độc đáo, Bác lấy quyển kinh viết tay, chữ Nho to, Bác dạy tôi học mỗi buổi 1 trang kinh, nhìn mặt chữ Nho mà đọc và thuộc lòng như két, bảo tôi viết lại chữ đó chỉ chịu chết mà thôi. Sau một năm học chữ Nho như thế, tôi cũng thuộc nhiều bài kinh, kệ cho bốn buổi công phu hàng ngày mà đám "sa di" chúng tôi ba đứa, tuổi lớn nhỏ hơn một hai tuổi. Tới giờ công phu, đứa dộng đại hồng chung (đồng chung?), đứa gõ mõ, đánh chuông và cùng đọc kinh, kệ đủ bài bản Thầy truyền thụ cho đám đệ tử, phải chấp hành đúng.
Có lần, thời kinh cúng trưa, cả ba đứa sa di chúng tôi đang mải mê chơi đùa sau sân chùa, Thầy gọi lớn "vào chùa chuẩn bị cúng trưa". Chúng tôi lật đật rửa tay, rửa mặt, vào thay quần áo cũng như chuẩn bị nhang đèn và bông hoa... Cả ba đứa, không hẹn mà đều muốn "nhận lớp", bỏ bài kinh cuối hơi dài hơn các bài kinh trước, kết thúc thời kinh trưa sớm để còn có thì giờ ra sân chơi tiếp. Chẳng may, Thầy đang ở trong phòng ngủ, cửa đóng mà Thầy vẫn để ý theo dõi thời cúng trưa này. Biết chúng tôi nhận lớp không đọc bài kinh cuối, chuông, mõ, đại hồng chung đều tấu lên kết thúc thời kinh. Chúng tôi đi nhanh vào phòng thay đồ để chạy ra sân. Vừa ra khỏi phòng thay quần áo, thấy Thầy đứng ngoài chờ chúng tôi ra, bảo đứng đó. Đứa nào đứa nấy sợ "xón đái". Thầy chậm rãi hiền từ nói, nhưng, như có "gươm giáo" theo lời nói: Các con nhận lớp không đọc hết kinh kệ trưa nay, Thầy cho phép các con tiếp tục ra sân chơi, chừng nào đói vào ăn cơm và chuẩn bị sau thời công phu chiều, các con bị Thầy phạt quỳ cho hết một cây hương, các con nghe rõ chưa? Cả bọn đồng thanh: Dạ, nghe rõ. Đó là kỷ niệm nhớ đời lúc tôi 9 tuổi. Đến đầu năm 1945, tôi tròn 10 tuổi cũng là lúc Đệ Nhị Thế Chiến ở Châu Á - Thái Bình Dương đến hồi quyết liệt và sắp kết thúc, Ba tôi xin Thầy cho tôi trở về nhà.
Từ đó, chùa Bồng Lai có những buổi lễ lớn hay có tiếp khách quan trọng ở xa đến hay các cấp chánh quyền tỉnh vào thăm viếng chùa, Thầy đều cho người gọi tôi đến giúp Thầy nấu nước pha trà đãi khách. Bác Ba rất yêu mến tôi, Bác nói với Ba tôi thằng N biết cách dùng nước nấu pha tra đúng cách mà Bác thích. Như nước nấu pha trà phải thật sôi, nước phải dùng nước mưa, nếu không có nước mưa thì phải bơi xuồng ra giữa sông (kinh Vĩnh Tế rộng lớn như sông) lựa chỗ nước xoáy, múc chứa vào một cái khạp, chừng hơn một thùng nước, đem về chùa còn phải dùng thanh tre rửa thật sạch khuấy vào nước nhiều vòng và đậy nắp khạp lại, để qua đêm hay phải từ sáng đến trưa hay chiều mới lấy nước đó nấu pha trà. Cách lấy nước pha trà tôi bắt chước ông Nội tôi, cứ thế mà làm được Bác Ba khen và tôi như có ám số chuyên nghiệp nấu nước pha trà số 1 của chùa Bồng Lai lúc bấy giờ. Sau này, lớn khôn tôi mới rõ là nước sông kinh rạch có pha nhiều đất cát phù sa, tạp chất, không trong, sạch như nước máy - phông tên - pha trà không ngon. Nhưng, mà nước phông tên có cái bất cập khác là sử dụng hóa chất (như Cl) làm nước có mùi cũng pha trà không ngon. Ngày nay, ở hải ngoại , người sành điệu "UTQ" - uống trà quạu - trà ngon - thường dùng nước vô chai, đã có lóng cặn, lấy hết tạp chất rồi, pha trà mới phát huy độ ngon của nó. Ở giữa ngã ba, ngã tư sông rạch, thường có vùng nước xoáy, nguồn nước đổ xuống gặp ngã ba ngã tư là dòng nước phải đổi dòng chảy đưa nước vào dòng nước mới. Tại vùng nước xoáy này làm cho tạp chất bị sản lọc, nước sẽ trong hơn các dòng nước chảy xiết hay lờ đờ...
Ba tôi bảo tôi chuẩn bị nước nấu pha trà tối nay tại chùa Bồng Lai, có thêm nhiều khách quý để "chiêm ngưỡng" theo dõi diễn tiến của búp quỳnh hoa từ từ nở, từng cánh - đài hoa khoe sắc cũng có thể mất nhiều giờ. Ba tôi căn dặn kỹ như chuẩn bị nhiều nước, củi khô, còn trà ngon, trưa nay, từ chợ Châu Đốc có người mang vô...
Ngoài ra, Ba tôi đưa tiền bảo tôi đi đến tiệm tạp hóa gần nhà, mua một ít thèo lèo cứt chuột (cứt chuột là những hạt đậu phộng ngào đường bao hạt đậu phộng rang vàng, có màu trắng đục trông như cứt chuột cho nên thèo lèo, dân quê kèm theo từ cứt chuột, gọi là thèo lèo cứt chuột - vừa có kẹo thèo lèo vừa có đậu phộng ngào đường) - kẹo đậu phộng, thứ đậu phộng rang rồi ngào đường rải trên một miếng bánh tráng nướng - ở nhà quê thường làm món này hay kẹo đậu phộng do người Hoa làm bán từ phông bánh... Còn chuối khô, ở chùa thường có nhiều vì chuối cúng ăn không hết, cán mỏng phơi khô để đải khách đến viếng chùa. Đây là những thứ để tiếp giúp đưa nước trà vào dạ dày cho thêm ngon ngọt.
Cơm chiều xong, quý bác cao niên, bốn vị đều mặc bộ bà ba trắng, Ba tôi cũng mặc bộ bà ba lụa Lèo mới tinh và vị trụ trì chùa Bồng Lai mặc nâu sòng. Thoáng trông qua, cách ăn mặc của sáu vị trưởng thượng tại chùa Bồng Lai như là trong một khung cảnh "thần tiên" mà đầu óc non trẻ của tôi tưởng tượng. Tất cả sáu vị vừa nhấp nháp trà quạu cũng có dĩa thèo lèo, kẹo đậu phộng, chuối khô... cạnh bên để giúp uống trà thêm ngon ngọt. Quý vị cao niên như thả hết tâm hồn mình vào sự ngắm nhìn một cách say sưa hoa quỳnh bung ra từng cánh - đài hoa (phiến hoa), từ chạng vạng, nhà chùa vừa thắp đèn sáng cả một khu vườn nhỏ, cây cảnh bên ngoài hậu liêu của Sư trụ trì. Từ đó cho tới vào giữa khuya, khoảng gần 6 tiếng đồng hồ, hoa quỳnh như e thẹn, làm điệu, nũng nịu bung ra từ từ từng cánh hoa mà hồi chiều, hoa quỳnh dù còn búp, nhưng đã ưởn mình nở nang có vài cánh - đài hoa vươn ra rồi, he hé nhụy chưa chịu "thoát y" mà còn đợi chờ nhiều tao nhân mặc khách đến chiêm ngưỡng dung nhan mỹ miều đài các, nàng quỳnh mới chịu thoát ly (hay thoát y) nở tung ra để cho thiên hạ mê mẩn lát mắt...
Ở quê tôi, hoa quỳnh được xếp loài hoa quý phái, đài các - hoa vương - hoa hoàng hậu của các loài hoa, chỉ nở vào ban đêm. Ở cái xứ khỉ ho cò gáy Bà Bài làm gì có hoa lan - hoa vương giả bậc nhứt của giới giàu sang quý phái sành điệu. Chỉ tiếc Hoa Quỳnh có sắc màu tuyệt đẹp mà thiếu hương thơm và mau tàn úa. Trong khi đó, cây bưởi nhà tôi bao che chậu hoa quỳnh tỏa ra hương thơm diệu ngọt tuyệt vời mà hoa bưởi lại thiếu sắc thắm của hoa quỳnh. Ở Mỹ trồng hai loài hoa này bổ sung đầy đủ hương sắc cho người sành điệu có thêm nhiều hứng thú, cảm khái quên đời và yêu quỳnh hơn...
Đây có thể nói là một câu chuyện cổ tích nói về một loài hoa - hoa quỳnh rất quý hiếm lúc bấy giờ tại quê tôi - ấp Bà Bài (xã Vĩnh Nguơn - tỉnh Châu Đốc) - một ấp bên bờ kinh Vĩnh Tế, sát biên thùy Việt Miên (cách 1 cây số rưởi). Vì vậy, tôi phải nói lòng vòng rào đón trước mới cho chuyện cổ tích về ngắm hoa quỳnh thêm phần liêu trai, lãng mạn.
Tại đầu ấp Bà Bài có ngôi chùa Bồng Lai, thuộc Phật Giáo Bửu Sơn Kỳ Hương - một chi phái cải cách, tân biên của Phật Giáo chánh tông (Nam Tông và Bắc Tông) vào giữa thế kỷ 19 vận hành cho phù hợp với trình độ văn hóa của nông dân chân chất, ít chữ nghĩa, vừa tu học vừa cày bừa sạ lúa hay làm rẩy, trồng hoa màu nuôi sống bản thân, gia đình và tu hành.
* Ngôi chùa Bồng Lai xây dựng đơn sơ lợp lá, khoảng cuối thế kỷ 19, đến nay tuổi thọ trên 120 năm. Chùa Bồng Lai trải mình theo thời cuộc, chiến tranh, theo vận nước nổi trôi, bị phá hủy nhiều lần và lần cuối năm 1978, khi quân Khơ Me về đóng bản doanh cấp Sư Đòan ở ấp Bà Bài. Cuộc chiến tranh Miên Việt chấm dứt, chùa Bồng Lai chỉ còn nền, không còn gì trên mặt đất.
Sau khi quân đội Việt Nam rút về nước, sự an bình trở lại ấp Bà Bài, nông dân về đây cày cấy lúa và ngôi chùa Bồng Lai cũng bằng lá được các phật tử hiệp sức dựng xây lại có nơi tu tập tụng kinh niệm Phật. Trong vòng 10 năm sau, ngôi chùa được bổn đạo cũ và bá tánh cúng dường, đặc, biệt có nhiều người gốc gác Bà Bài hay những người có đức tin trước khi vượt biên vượt biển có đến chùa Bồng Lai cầu nguyện xin Đức Phật độ trì vượt biên vượt biển được bình an. Vì vậy, ngôi chùa Bồng Lai được xây cất lại quy mô to đẹp hơn xưa, lợp ngói đỏ tường gạch và đá. Đặc biệt có một nữ tín đồ ở nước ngoài về hỉ cúng xây một cây cầu đúc nhỏ để đủ cho xe gắn máy qua lại 2 chiều và đi bộ từ bên kia bờ kinh Vĩnh Tế thuộc xã Vĩnh Tế sang bờ kinh bên này thuộc xã Vĩnh Nguơn, gần cổng chùa. Từ xưa cho tới lúc có cầu, người ta đi chùa hay qua lại hai bờ kinh Vĩnh Tế bằng xuồng, ghe, không tiện lợi như bây giờ.
Cách nay trên 15 năm, một lần về thăm lại Châu Đốc, tôi có đến viếng lại cảnh cũ chùa Bông Lai, biết bao kỷ niệm thời ấu thơ tràn đầy về trong tâm hồn tôi. Quả thật quê hương là chùm khế ngọt.
* Còn bốn vị trí thức tham dự buổi thưởng lãm hoa quỳnh nở tại Chùa Bồng Lai năm 1945, tôi nhớ tên hai vị: thông Phán Khải cũng là đại điền chủ, thầy giáo Tam (anh rể của Thầy Chín Nhựt mà tôi học hồi lớp nhứt niên học 1948 - 1949), hai người nữa, tôi không nhớ tên . Cả bốn gia đình này, tản cư từ tỉnh lỵ vào đây tránh quân Đồng Minh thả bom đánh quân Nhựt. Bốn vị, ở Bà Bài được chừng hơn 3 tháng, bỗng một buổi tối, có một toán Việt Minh vũ trang hùng hậu, nghe nói từ Quân Khu về bắt quý vị này và không biết thủ tiêu ở đâu, mất tích từ đó, gia đình không biết tin sống chêt thế nào? Sau này, gia đình tôi tản cư ra tỉnh lỵ Châu Đốc, tôi có hỏi, được biết trong số bốn vị đó có một vị theo cộng sản đệ tam (Trotsky)? còn cs VN cầm quyền lúc đó cho đến bây giờ là cộng sản đệ tứ (Lê Nin - Stalin...). Có phải lý do đó, 4 nhà trí thức bị chết oan?
* Tôi đặt tít Hoa Quỳnh Nhà Tôi vì trước năm 1975, ở Việt Nam tôi rất thích bản nhạc tình lãng mạn mà một trong 2 tác giả Hoa Sứ Nhà Nàng hay Hoa Sứ Nhà Em, tôi có quen và hình như nhạc sĩ Hoàng Phương bị động viên vào Quân Đội và tử trận - không biết Hoàng Phương tử trận và tác giả Hoa Sứ Nhà Nàng có trùng tên hay tên một người?
Xin mời quý vị đọc lại lời bài hát mà câu cuối: Làm sao nàng nỡ phũ phàng để tình tôi dở dang. Nghe mà xốn xang cảnh đường anh, anh đi - đường em, em đi, tình nghĩa đôi ta có thế thôi...
Hoa Sứ Nhà Nàng (Hoa Sứ Nhà Em)
Tác giả: Hoàng Phương & Hoài Nam
Đêm đêm ngủ mùi hương, mùi hoa sứ nhà nàng
Hương nồng hoa tình ái, đậm đà gây nhớ gọi tên
Nhà nàng cách gần bên, giàn hoa sứ ranh vườn
Nhìn sang trộm nhớ thương thầm, mơ ngày mai lứa đôi.
Hôm qua mẹ bảo tôi nhờ hoa sứ nhà nàng
Ướp trà thơm đãi khách họ hàng cô bác đều khen
Nhờ nàng hái giùm tôi, màu hoa thắm chưa tàn
Nụ hoa còn giữ nhụy vàng, chắc nàng hiểu tình tôi.
Nhưng đêm trở sầu, em bước qua cầu
Cuộc tình tan đau bể dâu.
Biết chăng ngày sau khi ngõ về gần nhau,
tình ôi đóm lửa phai màu.
Đêm đêm ngủ mùi hương, mùi hoa sứ bẽ bàng
Hoa tình yêu rụng vỡ, một trời tim tím thở than
Nhà nàng với nhà tôi tình thân thiết vô vàn
Làm sao nàng nỡ phụ phàng, để tình tôi dở dang. @
Hương nồng hoa tình ái, đậm đà gây nhớ gọi tên
Nhà nàng cách gần bên, giàn hoa sứ ranh vườn
Nhìn sang trộm nhớ thương thầm, mơ ngày mai lứa đôi.
Hôm qua mẹ bảo tôi nhờ hoa sứ nhà nàng
Ướp trà thơm đãi khách họ hàng cô bác đều khen
Nhờ nàng hái giùm tôi, màu hoa thắm chưa tàn
Nụ hoa còn giữ nhụy vàng, chắc nàng hiểu tình tôi.
Nhưng đêm trở sầu, em bước qua cầu
Cuộc tình tan đau bể dâu.
Biết chăng ngày sau khi ngõ về gần nhau,
tình ôi đóm lửa phai màu.
Đêm đêm ngủ mùi hương, mùi hoa sứ bẽ bàng
Hoa tình yêu rụng vỡ, một trời tim tím thở than
Nhà nàng với nhà tôi tình thân thiết vô vàn
Làm sao nàng nỡ phụ phàng, để tình tôi dở dang. @
Anh Phương Trần Văn Ngà - Sacramento 20.5.2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét