Chữ Nghĩa Làng Văn
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng
“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải – Ngộ Không Phi Ngọc Hùng.
***
Ký, Đường, Tự, Kim - 1
Hán Minh Đế Lưu Trang (25-75CN) là vị vua đầu tiên thừa nhận địa vị của Phật Giáo ở Trung Quốc. Tương truyền nhà vua nằm mộng thấy “người vàng” bay qua sân điện, bèn sai sứ giả 12 người do Lang Trung Thái Âm dẫn đầu sang Tây Trúc cầu tìm đạo Phật. Đó là sự kiện năm Vĩnh Bình 7 (năm 64 CN). Ba năm sau (năm 67CN), sứ giả về với hai tăng nhân người Ấn Độ cùng rất nhiều kinh sách và tượng Phật được thồ trên lưng ngựa trắng. Lúc các tăng nhân cùng kinh, tượng, về đến kinh đô, triều đình chưa chuẩn bị kịp chỗ ở riêng nên cho ở tạm trong Hồng Lô tự . Sau đó vua mới cho xây dựng cái mà chúng ta gọi là chùa để thờ Phật và các tăng nhân tu tập. Kiến trúc xây dựng theo kiểu mẫu dinh thự của quý tộc đương thời.
(Đỗ Duy Ngọc)
Chữ là nghĩa
Vênh váo như khố rợ phải lấm
Câu này thường bị nói nhầm là Vênh váo như bố vợ phải đấm
Xưa, nhiều người nghèo đến mức không có vải để đóng khố, phải dùng vỏ một loại cây, ngâm nước rồi đập thành mảng cho mềm để đóng khố (chăn sui khố rợ). Đóng khố kín nhưng khố rợ lấm bùn thì không mềm như vải mà cứng lại, tạo nên sự vênh váo.
Ký, Đường, Tự, Kim - 2
Sau đó chùa được xây dựng ngày càng nhiều cũng theo kiểu mẫu nhà ở của địa phương. Chính vì vậy mà chùa ở Trung Quốc, và cả ở Việt Nam khi tiếp nhận Phật Giáo theo hướng Trung Quốc, có kiểu chùa rất riêng, không theo quy chuẩn mái cong tháp nhọn như nơi Phật Giáo phát nguyên.
Nhân vì kinh và tượng Phật được thồ về trên lưng ngựa trắng nên đặt tên chùa là Bạch Mã. Tự là chỗ đầu tiên tăng nhân tạm trú khi đến Trung Quốc nên được gọi là Bạch Mã Tự, ngôi chùa phật giáo đầu tiên của Trung Quốc. Kể từ đó, nơi thờ Phật và để kinh sách cho các đạo hữu tín đồ đến học tập, đọc kinh, nghe thuyết pháp đều có chữ Tự sau tên gọi.
(Đỗ Duy Ngọc)
Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả
“xuất: thống xuất. → không viết: suất.”
(vđ = thống suất).v.v…
(Hòang Tuấn Công)
Phẩm hàm
Xưa còn ở miền Bắc, các hương chức, mỗi lần có hội hè đình đám ăn rồi còn được chia phần mang về một miếng thịt, gọi là miếng thịt làng, tuy nó ít nhưng đó là một cái danh. Vì thế mầm mống mua danh mua chức mới phát sinh. Ở thôn quê làng, xã thì mua Lý Trưởng, Phó Lý, còn cao hơn, giàu hơn một tí thì mua Hàn Lâm, Cửu Phẩm. Thậm chí có những người không có địa vị trong họ, ngoài làng, thì người ta gọi bằng cái nghề của người đó, như nghề thợ mộc, thợ may, đóng cối được gọi là phó mộc, phó may, phó cối ...
Có người bảo trong làng có cả đống ông lý, ông phó, thì làm sao mà phân biệt được? Vì thế mới có danh xưng ông lý cựu, ông lý mới, ông lý cửu... Cụ Trùm Lý cũng vậy người ta gọi cụ là cụ Trùm Lý, để phân biệt với với cụ Trùm Chánh, cụ Trùm Chỉ... Công việc làng, việc nước chỉ làm việc sau năm năm là mãn hạn. Còn nếu mà "cố đấm ăn xôi" làm thêm năm, ba năm nữa để kiếm tí phẩm hàm, được gọi là ông Lý Cửu, hay ông Lý Bá.
(Thúy Sơn - Bên dòng sông Trà)
Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả
Ví dụ chỉ tính riêng lỗi chính tả lẫn lộn giữa S thành X, X thành S, đã có ít nhất gần 30 lỗi, kèm theo lời khuyên hoàn toàn đi ngược lại với chuẩn chính tả hiện hành
(phần trong ngoặc kép “….” viết đúng nguyên văn của từ điển.
Phần trong ngoặc đơn (….) là đính chính của Hoàng Tuấn Công):
“sán: sán lạn. → không viết: xán.” (viết đúng = xán lạn).
(Hòang Tuấn Công)
Góp nhặt làng văn xóm chữ
Tưởng nhớ Nguyễn Đức Quỳnh - 1
Trong tạp chí Văn, các nhà văn khác bầy tỏ những lời lẽ như sau:
Nguyễn Mạnh Côn: “Ông Quỳnh mất là chấm dứt một thế hệ (những) người theo đuổi mộng tưởng vĩ đại”. Vũ Hoàng Chương: “Anh Quỳnh nằm xuống hơi sớm...”. Mặc Đỗ: “Mất một người Việt Nam có gốc Việt chắc chắn và có kiến thức rộng hơn vòng chân trời.” Vũ Khắc Khoan: “Đối với tôi hình ảnh Nguyễn Đức Quỳnh cũng là hình ảnh của thằng Kình. Bây giờ thằng Kình đã nằm xuống mà trận đá banh lại vẫn còn tiếp tục.”
Một bức vẽ chân dung Nguyễn Đức Quỳnh, do Chóe 1974 hí họa được mô tả với “vừng trán rộng phẳng lì như cánh đồng không còn lúa, một mắt sâu hoắm, râu mép quấn miệng thép, và cây bút sắt có một đầu ngọn đuốc làm đòn gánh đôi thúng văn chương chữ nghĩa” ký tên Nguyễn Hải Chí.
Đặc biệt, nhà văn Nguyễn Mộng Giác chưa bao giờ gặp Nguyễn Đức Quỳnh đã viết về ông như sau: “Cho tới lúc ông mất, tôi chưa đọc được cuốn nào của ông. Hai số báo Văn và Bách Khoa tưởng niệm mới cho tôi biết tầm ảnh hưởng lớn lao của ông trên văn nghiệp của hầu hết các cây bút tôi vẫn mến mộ.”
(Đỗ Quý Toàn)
Bên lề chữ nghĩa
Hà Nội những điều nhỏ bé bạn nên làm khi… ”quởn”
Ăn bánh cuốn Bà Hoành 66 Tô Hiến Thành
(Nguồn: Tôi đi đâu)
Góp nhặt làng văn xóm chữ
Tưởng nhớ Nguyễn Đức Quỳnh - 2
Ông sinh ngày 20-11-1909 tại Trà Bồ - Phù Cừ - Hưng Yên. Lớn lên, ông gia nhập một đoàn lính thuộc địa để sang Pháp. Nhờ thế có dịp học hỏi rất rộng. Về nước, ông từng làm việc trong ngành địa chính. Theo ông kể trong thời gian này ông đã đi nhiều ở vùng biên giới Trung Quốc – Việt Nam.
Năm 1931 bắt đầu viết, ông cộng tác với Nguyễn Công Tiễu trong tờ Khoa học tạp chí viết các bài về Khoa học phổ thông tại Hà Nội. Từ năm 1934 ông viết cho các báo Tiếng Trẻ, Thời thế.
Trước 1945 ông đã xuất bản các tác phẩm:
Phong trào Tân Kỳ (1920)
Ta và Mọi (1929)
Các dân tộc lạc hậu miền Thượng du (1930)
Nguồn gốc tiếng Nam (1935)
Gốc tích loài người (1943)
Đời sống thái cổ (1942)
Tây phương cổ sử (Hy Lạp, 1944)
Ai Cập cổ sử (1943)
(Đỗ Quý Toàn)
Tướng mạo con người qua ca dao, dân ca
Đàn ông miệng rộng thì sang
Đàn bà miệng rộng tan hoang cửa nhà
Góp nhặt phố văn ngõ chữ
Nguyễn Quang Thân (1936-2017) - 1
Nhà văn Nguyễn Quang Thân sinh ngày 15.4.1936 (Bính Tý) quê xã Sơn Lễ, H.Hương Sơn, đất học Hà Tĩnh. Ông viết văn từ sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, đã in rất nhiều tác phẩm, nhiều thể loại... mà có lẽ nổi tiếng nhất là tập truyện ngắn Vũ điệu cái bô.
Ông sống ngay thẳng, không chấp nhận sự vênh váo, không thỏa hiệp với cái tầm thường nên đời văn của ông có khá nhiều lận đận, truân chuyên. Ông không chức tước, khi ra đi chỉ là nhà văn đúng nghĩa. Nhà văn Nguyễn Quang Thân từng 26 năm sống và sáng tác ở Hải Phòng quê tôi. Ông thuộc lớp người khai phá, tạo dựng nên một thời văn chương lừng lẫy của đất Hải Phòng..
Cách nay 2 tuần, bác Nguyễn Quang Thân từ khu Thanh Đa (Sài Gòn) lò dò chậm rãi tới nhà ông bạn Phúc Vinh đồng nghiệp tôi ở quận Bình Thạnh cà phê, ới gọi tôi, Thông ơi đến nhé. Tôi đang dở tí việc, nhà cách đó khoảng 15 cây số, thưa bác cứ nhâm nhi đi, em đến chậm một tí. Xong việc vội đi ngay, gặp cái đám kẹt xe chết tiệt lại chậm thêm mươi phút nữa. Tới nơi Vinh bảo bác Thân mới kêu taxi đi được vài phút, hay mình xin bác quay lại. Tôi có lỗi quá, bảo không thế được, mình phải đến thăm, chứ ai lại thế. Nay vừa mới thu xếp được rảnh cái thân, chưa kịp rủ Vinh đến thăm đại ca đất Phòng thì nhận tin dữ, bác lặng lẽ đi rồi.
Cầu cho bác Thân của chúng em (những chú bé chưa biết mở khóa, truyện ngắn của bác) thanh thản cõi thiên đường. Chúng tôi được tin nhà văn Nguyễn Quang Thân đã từ trần rạng sáng ngày 4.3.2017 tại nhà riêng, khu Thanh Đa, Sài Gòn, thọ 81 tuổi.
(Nguyễn Thông)
Tướng mạo con người qua ca dao, dân ca
Đàn bà không biết nuôi heo là đàn bà nhác
Đàn ông không biết buộc lạt là đàn ông hư
Góp nhặt phố văn ngõ chữ
Nguyễn Quang Thân (1936-2017) - 2
Tôi biết Nguyễn Quang Thân qua tiểu thuyết Ngoài khơi miền đất hứa. Đọc nó, tôi xúc động, sững sờ. Ở Việt Nam "xã hội chủ nghĩa" mà có tác giả hành văn dựng truyện mới lạ, hiện đại đến thế. Tôi gặp Nguyễn Quang Thân khi chàng được thành phố Bordeaux mời làm khách cư ngụ văn chương (résidence littéraire) trong một tháng. Lúc ấy tôi được mời tham dự vài sinh hoạt văn chương văn hoá ở Bordeaux. Phòng tôi ngay cạnh căn hộ của chàng. Sáng sáng, tôi tới chàng uống trà ké. Chàng uống trà kiểu truyền thống, ấm đất nung màu nâu nhỏ xíu, nửa trà nửa nước. Chén trà chỉ một hớp là cạn, nhưng chàng nhâm nhi có thể nửa giờ chưa hết. Chỉ ở dịp này tôi mới được uống trà kiểu ấy.
Ngày ngày, hai đứa lang thang trong thành phố thú vị này. Lúc ấy, Unesco đã ghi danh Bordeaux là di sản của nhân loại. Bordeaux đang được cải tạo. Có những khu phố lộng lẫy hiện đại. Có khu phố nghèo xác xơ, nhưng rất đẹp và, đặc biệt có sinh hoạt văn hoá văn nghệ cởi mở, dồn dập. Có một tiệm ăn trứ danh, bán một món ăn duy nhất: "L'Entrecôte". Muốn ăn, chỉ có một cách: đến sớm sắp hàng vào cửa, tiệm không nhận giữ chỗ cho bất cứ ai. Và, thú vị hơn cả, có hai người bạn hợp tình hợp ý đi dạo, tán gẫu trời biển với nhau. Đặc biệt, chuyện gì đi nữa, nghiêm trọng đến mấy, như chuyện đấu đá giữa Tố Hữu và phe nhà văn đòi đổi mới chẳng hạn, qua Nguyễn Quang Thân đều thấm chút hài hước.
(xem tiếp kỳ tới)
(Phan Huy Đường)
Tướng mặt
Mặt tròn :
Mặt tròn không có góc cạnh, theo nhà tướng học Trung Hoa Vương Văn Khiết thì đây là dạng khuôn mặt chữ Viên 圓.
Cuộc đời không sôi nổi, năng động. Người này thường thích hợp với cuộc đời ít tranh đấu nếu sinh vào thời bình thì còn được thong thả. Họ là những người không chung thủy, dễ dàng phản bội, “gió chiều nào che chiều ấy”.
Chữ nghĩa làng văn
Cuối cùng, Nguyễn Bính nêu những đề nghị cụ thể.
“Muốn cho cái giải thưởng văn học toàn quốc 1954-55 có giá trị toàn vẹn, chúng tôi có ý kiến đề nghị cụ thể như sau:
Về giải thơ: Nên đưa tập thơ Việt Bắc xuống giải nhì; tập thơ ấy tuy có giá trị thật, nhưng chưa xứng đáng được giải nhất, vì lẽ nó chưa hẳn là một tập thơ tiêu biểu. Loại tập thơ Ngôi Sao và tập Thơ Chiến Sĩ ra khỏi giải thưởng. Tập thơ Chú Hai Neo và tập thơ của Tú Mỡ nên để xuống giải khuyến khích.
Về giải tiểu thuyết: Nên loại tập truyện Cái Lu ra khỏi giải thưởng. Xét lại tập truyện Ðất Nước đứng lên xen nên để giải nhất hay nên cho xuống giải nhì, vì tập truyện ấy chưa đúng nội dung một quyển tiểu thuyết. Xét lại thứ bậc quyển tiểu thuyết Anh Lục.
Và nên bổ sung một số tác phẩm có giá trị, như tiểu thuyết Người Người Lớp Lớp, tập thơ Hoàng Cầm, Lê Ðạt, v.v...”
Tờ Trăm Hoa loại mới của Nguyễn Bính còn theo đuổi việc thảo luận về giải thưởng văn học này, chẳng hạn số 3 (4/11/1956) đăng ý kiến một cây bút miền Nam tập kết là Phạm Tường Hạnh, cho rằng bài nói lại của Nguyễn Tuân (tổng thư ký Hội Văn Nghệ và trưởng ban giám khảo) bênh vực hai cuốn Nam Bộ Mến Yêu của Hoài Thanh và Ngôi Sao của Xuân Diệu, “vô hình trung đã phủ nhận dư luận của anh chị em văn nghệ sĩ” về hai cuốn đó.
(…)
(Nguyễn Bính và tuần báo Trăm Hoa - Lại Nguyên Ân)
Tướng mạo con người qua ca dao, dân ca:
Làm trai cho đáng thân trai
Khom lưng cố sức gánh hai hạt vừng
Ăn no rồi lại nằm khoèo
Nghe giục trống chèo bế bụng đi xem
194 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Nhà văn Nguyễn Công Hoan kể:
Trong các nhà thơ tiền bối, Tản Đà phục nhất Tú Xương. Ông đã viết một bài khen Tú Xương đăng trên báo An Nam Tạp Chí vào khoảng năm 1926. Sau vụ lụt lớn năm ấy, tôi ra Hà Nội. Một buổi tối Tản Đà rủ tôi đi chơi mát bằng xe (kéo) giờ. Người phu xe đêm ấy là một người già và gầy, nhưng vì chúng tôi đi hóng gió, không cần chạy nhanh mà người phu xe nói là kéo nổi hai người với giá rất rẻ sáu xu một giờ nên chúng tôi lên xe. Chạy được một quãng ngắn, Tản Đà bắt đầu nói chuyện thơ Tú Xương và khen bài thơ “Sông Lấp Nam Định” :
Sông kia rày đã nên đồng,
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai.
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.
(xem tiếp kỳ tới)
(Giai thoại văn chương – Huyền Viêm)
Chữ ngiã làng văn xóm chữ
Tôi nhớ hình như Susan Sontag có viết, đâu đó: Đơn vị cơ bản của thơ là chữ, từng chữ; đơn vị cơ bản của văn xuôi là câu, từng câu. Trong cuốn The Writing Life (1989), Annie Dillard cho một người chỉ có thể có hy vọng trở thành nhà văn nếu, trước hết, biết yêu câu. Như người họa sĩ biết yêu mùi sơn.
Stanley Fish cũng đồng ý như thế khi tự nhận mình là người say mê thưởng thức những câu văn đẹp, khi đánh giá tầm quan trọng đặc biệt của câu trong văn chương: Đó là lý do khiến ông viết hẳn một cuốn sách về câu: Làm thế nào để viết và đọc câu.
Theo tôi, tầm vóc của một nhà văn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó, yếu tố đầu tiên nằm ở khả năng kiến tạo câu.
Người lười chỉ viết được những câu văn tuy đúng ngữ pháp nhưng câu nào cũng giống câu nào, tất cả đều đầy đặn và bằng phẳng, hàng nối hàng suông đuột, cứ trôi tuột qua mắt người đọc, không để lại một ấn tượng gì cả.
Người chịu khó, ngược lại, không ngừng thay đổi cấu trúc câu để mỗi câu có một cái dáng và một cái thế riêng, như dáng và thế trong cây cảnh; hoặc nếu không, cũng có một cái vẻ riêng, tuy nằm cạnh nhưng lại không lẫn với những câu khác, khiến người đọc, dù không cố tâm, vẫn phải chú ý.
(Những ý nghĩ rời - Nguyễn Hưng Quốc)
Những khuất lấp thời Hồng Bàng thị
Chuyện ở bên Tây có ông lang Ta viết sử với… cái trứng.
Chuyện là khi có chứng tích ắt có nguyên ủy, và ông lang giải bày là ông học Nam sử bằng chữ Nho từ tấm bé, bỏ tiền túi sang tận bên Tàu năm lần mười lượt. Lọ mọ lên tận núi Ngũ Lĩnh, láo quáo xuống tận Động Đình Hồ có con sông Tương tìm ra một nhánh sông tên… Âu Giang. Ở đây có một giống chim là chim…hải âu. Thế là chuyện ông Lạc Long quân và bà Âu Cơ được giải mã: Chim phải đẻ ra… trứng. (Trần Đại Sĩ)
Từ chim hải âu đẻ ra trứng, đẩy đưa gốc tích của vua Hùng qua một ông lang Tây thứ thật chứ chả phải ông lang Ta ở trên:
“Để hiểu rõ cổ sử Việt ta, hãy đi tìm “mã số di truyền học” (genetic code) hay mã số DNA của vua Hùng Vương. Muốn thế ta phải dựa vào bản thể của tế bào gốc của Tổ Hùng, tức là ta phải dựa vào tế bào cuống nhau, tế bào màng nhau, tế bào bọc con của vua Hùng vương. Mẹ của vua Hùng là U cò tức con cò gió, cò lả, cò lang. Cò lang tức cò trắng vì “lang” là trắng như bị chứng lang da (chứng vitiligo)”. (Nguyễn Xuân Quang)
Hàm Nghi: một nhà ái quốc
Phần mộ vua Hàm Nghi
Trong suốt 40 năm chung sống (1904-1944), theo lời Công chúa Như Lý (1), hai ông bà rất hạnh phúc. Vua Hàm Nghi mất năm 1884 vì bệnh ung thư dạ dày được an táng ở trong vườn biệt thự Gia Long. Công chúa Nhữ Mây đưa di cốt cha mẹ mình từ Alger về quê ngoại (*) an táng tại nghiã trang của gia đình trong lâu đài Losse (Chateau de Losse) năm 1965 ở làng Thonac.
Di ảnh vua Hàm Nghi (1871-1944)
tại lâu đài De la Nauche
(*) Bà Marcelle Laloe sau trở về sống với Công chúa Nhử Mây tại lâu đài Losse ở miền nam nước Pháp là quê hương của bà và từ trần vào ngày 5-9-1974, thọ 90 tuổi. Công Chúa Nhữ Mây cũng được an táng tại nghiã trang này sau khi từ trần (1999).
(1) Công chúa Như Lý có chồng là Công tước Labesse sống trong lâu đài De la Nauche tại làng Chabrignac gần Limoges.
Hai người sống ở lâu đài phía bên kia đường làng Chabrignac, cách nhà bà Nam Phương Hòang Hậu (vợ Bảo Đại) 500 m mà hai bên không bao giờ gặp nhau. Nhưng ngày bà Nam Phương mất, hôm ấy Như Lý cũng có mặt để tiễn đưa. Khi Như Lý nằm xuống, cả hai nằm chung một nghĩa trang làng. Như Lý nằm ở phía trái từ cổng vào, bà Nam Phương nằm bên mặt.
vua Hàm Nghi
gần cuối đời
Bia mộ bị thời gian soi mòn, nhưng vẫn nhìn ra 4 hàng chữ:
Tên họ Hàm Nghi
(và tên thánh)
Quốc vương An Nam
Sinh tai Huế 1871,
Mất tại Alger 1944.
Dưới hầm mộ có hài cốt của 5 người: Hàm Nghi, bà Marie Jeanne Delorme, Như Mai, Minh Đức và bà Marie Jeanne (quản gia). Mầu thời gian trên mộ tạo hình ảnh hoang tàn, rêu phong mọc trên lớp đá vân cẩm thạch thành mầu đen che kín nhưng vẫn đọc được các hàng chữ khắc trên mộ như sau:
S.A.I. La princesse d’Annam, née Marcelle LALOË, 1884 – 1974
Nhu May, Princesse d’Annam, 1905 – 1999
Minh Duc, Prince d’Annam, 1910 – 1990
Marie Jeanne, 1852 – 1941
Phần mộ tu sửa lại với màu vàng ảng.
Năm 2013, hai người Việt ở Pháp, một người họ Bùi, một người họ Mai, không họ hàng thân thích với họ Nguyễn. Họ với người quản lý nghĩa trang làng Thonac đã tái tạo lại phần mộ của vua Hàm Nghi như mới. Tất cả chỉ vô tình trong một dịp nghỉ hè.
(Cao Đắc Vinh, Nguyễn Ngọc Giao)
Khoa cử thời xưa
Năm 1822, Minh Mạng mới mở khoa thi Hội, thi Đình. Thi Hương 3 năm một lần thì thi Hội cũng thế, vì thi Hội bao giờ cũng diễn ra ngay năm sau có thi Hương. Đỗ thi Hội mới được thi Đình sau đó một tháng cùng năm. Thi Hội ở trường thi có lều và nằm trên chiếu thi, người đỗ thi Hội có bảng yết (gọi là Trúng cách). Thi Đình ở trong cung điện và ngồi trên bàn thi, người đỗ thi Đình có lễ xướng danh (lễ Truyền Lô). Thi Đình, Minh Mạng bỏ Trạng Nguyên, lấy 2 người đỗ đầu là Bảng Nhãn và Thám Hoa.
Hàm Nghi: một nghệ sĩ đa tài
Một họa sĩ
Trước năm 1945, dường như người VN không được hay biết gì về cuộc đời lưu đày của vua Hàm Nghi tại Algérie, vì trước năm 1975, VNCH chỉ bang giao với hai nước Ma-Rốc và Tunisie không liên hệ ngoại giao với Algérie vì nước này theo Khối Phi-liên-kết thân với CS, do đó người dân miền Nam gần như không biết gì về cuộc đời của vua Hàm Nghi trong 55 năm sống lưu đày tại nước này còn là một họa sĩ, một nhạc sĩ và cũng là một điêu khắc gia.
Theo tài liệu còn được lưu trữ tại Trung tâm Văn khố Pháp tại Aix-en-Provence thì sau khi đến Algérie, Vua Hàm Nghi trong thời gian rảnh rỗi tiêu khiển bằng cách vẽ tranh, vẽ tùy hứng theo ý ông chứ không theo một sự huấn luyện nào cả. Tai liệu cho biết:
“…Đại úy Vialar (người được toàn quyền Tirman cử coi sóc Hàm Nghi) trông thấy những hình vẽ của cựu hoàng, tuy không theo luật phối cảnh của hội hoa Âu Châu, nhưng rất sinh động, nên ngày 15 tháng 11 năm 1889, de Vialar đưa hoạ sĩ Reynaud tới thăm Hàm Nghi và đề nghị nếu cựu hoàng muốn, Reynaud có thể dạy hội họa Âu Châu cho ông. Hàm Nghi nhận lời ngay…”
Thế là chàng thanh niên 18 tuổi say mê lao vào hội hoạ. Mỗi tuần, thầy Reynaud -giải nhất Rô-ma- tới dạy hai lần vào thứ ba và thứ sáu. Hàm Nghi tiến bộ nhanh chóng, thấy rõ từng ngày…Ngày nào cũng đi vẽ cả buổi, bất chấp thời tiết…”
Như vậy thì vua Hàm Nghi đã bắt đầu học hội họa và ông đã được may mắn học với hoạ sĩ Reynaud, một hoạ sĩ đã được giải Khôi Nguyên La Mã tức là một người rất có tài, do đó không có gì lạ khi sau này ông cũng trở thành một hoạ sĩ tài giỏi.
Marius Reynaud sinh tại Marseille năm 1860, theo học trường Cao đẳng Mỹ thuật Paris rồi bị động viên vào quân đội và phục vụ tại Algérie. Sau đó, ông ở lại Alger và chú tâm vào việc sáng tác những hoạ phẩm về phong cảnh hải cảng vùng Địa Trung Hải, đồng thời ông cũng dành thì giờ cho việc giảng dạy về môn hội hoạ tại trường mỹ thuật tại đây và một trong những đệ tử của ông là hoàng tử Annam tức là vua Hàm Nghi :
Là một hoạ sĩ nổi tiếng, ông còn là người có lương tâm chức nghiệp riêng với người đệ tử chỉ thụ huấn ông hai lần mỗi tuần mà ông đã hướng dẫn cho “Hoàng tử Annam bị lưu đầy: Hàm Nghi (l’enfant merveilleux-đứa trẻ tuyệt vời) và những bài học đó đã biến vị hoàng tử này trở thành một nguời hoạ sĩ hơn xa một hoạ sĩ tài tử tầm thường… “ (1)
(1) “Marius Reynaud: Peintre Algérois connu pour ses peintures sur le port d’Alger et de l’Amirauté “, Revue Algérienne Illustrée, 1897, trích lại trong “Bab el Oued Story, Alger)
(Trần Đông Phong)
Giai thọai làng… vua xóm chữ
Tự Đức (1883) băng hà không có con kế vị vì bị bệnh sởi.
1 - Triều đình chọn con nuôi đưa lên ngôi lấy đế hiệu là Dục Đức (1883). Ba ngày sau bị Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết truất phế, chưa kịp làm lễ đăng quang.
2 - Tường và Truyết chọn em Tự Đức là Hồng Dật lấy đế hiệu là Hiệp Hoà. Ba tháng sau (1883) Tường ép uống thạch tín chết.
3 - Thuyết chọn con nuôi khác của Tự Đức, lấy đế hiệu là Kiến Phúc (1883). Tám tháng sau (1884), Kiến Phúc bị ám hại trong trường hợp bí ẩn.
Bốn tháng mà ba vua ứng vào câu ca dao lịch sử:
Nhất giang lững thủy (1) nan ngôn thuyết - Tứ nguyệt tam vương (2) triệu bất tường
(1) Sông Hương chia làm hai:
hữu ngạn là Nam triều, tả ngạn là tòa Khâm sứ Pháp.
(2) Ba vua là Dục Đức, Hiệp Hoà, Kiến Phúc.
(Bóng xế trăng lu – Thái Văn Kiểm)
Văn hoá ẩm thực
Hủ tiếu sa tế
Những người đầu tiên đưa hủ tiếu sa tế của người Tiều trên đất Sài Gòn có thể kể đến Tiết Chân Quảng. Từ những năm 60 của thế kỷ trước, Tiết Chân Quảng lưu lạc đến Sài Gòn với rất nhiều nghề rồi một ngày, ông được một người anh rủ bán hủ tiếu sa tế, dù chưa từng thử sức với công việc này nhưng Tiết Chân Quảng cũng mạnh dạn đồng ý. Ban đầu, ông chỉ bán hủ tiếu sa tế, bán được vài ngày đã được rất nhiều người hưởng ứng. Họ say sưa ăn hủ tiếu sa tế một cách lạ thường.
Tiết Tiểu Muội - con gái của Tiết Chân Quảng nhớ lại:
"Khi ấy, người người ra vào tấp nập, họ ăn hủ tiếu sa tế một cách thích thú. Thật nhanh chóng, món bánh sợi ngày nào của người Tiều được rất nhiều người Việt, Khơ Me yêu thích, vì hương vị của nó rất độc đáo: Cay và thơm vừa phải nên hủ tiếu sa tế cũng được ưa chuộng không khác gì hủ tiếu Nam Vang, hủ tiếu Mỹ Tho, hủ tiếu Sa Đéc tại Sài Gòn vào thuở ấy".
(Nguồn: Vũ Linh)
“Ảo từ”, “ẩn từ” hay “biến từ” trong tiếng Việt
Khi nói đến từ "mới", người Việt chúng ta đều nghĩ "mới là hình dung từ, trái nghĩa với cũ". Đúng thôi. Ấy mà, khi mẹ nhắn nhủ con gái: "Con ạ, cái thằng X tuy xấu trai học dốt, nhưng là con nhà danh giá, giàu tiền lắm của. Con lấy được nó, tình nghĩa mới bền, mới thật sự là duyên tiền định, con ạ!", thì "mới" lại mang nghĩa "có như vậy".
Không như, trong:
"Khôn ngoan đến cửa quan mới biết.
Giàu có ba mươi Tết mới hay"
"mới" hàm ý "sẽ rõ, sẽ vỡ lẽ".
Ngoài ra, "mới" cũng còn có nghĩa "thoạt, thoáng, vừa".
(Ngô Nguyên Dũng)
Văn hoá chửi
“Tam canh mụ đội, xóm hội xóm phường, xóm trước xóm sau, xóm trên xóm dưới, lư hương, bát nước, chiếu trải giường thờ, tau bới mả cha bay rung rinh như thuyền mành gặp sóng...
Tau chửi cho tan nát tông môn họ hàng cái quân khốn kiếp, vô hậu kế đợi đã ăn của tau bảy con gà xám, tám con gà vàng. Bây ăn chi mà ác nhơn ác nghiệp? Bây ăn bằng nồi đồng, bây ăn bằng nồi đất, bây ăn lật đật, bây ăn ban đêm. Bây ăn cho chồng bây sợ, cho con bây kinh, bây ăn cho ngả miếu sập đình, cho mồ cha bây chết hết để một mình bây ngồi đó bây ăn. Đồ quân ăn chó cả lông, ăn hồng cả hột. Cái quân không sợ trời đánh thánh đâm. Bây ăn mần răng mà hết một chục rưỡi con gà?”
(Dấu tích Văn hóa Huế - Bùi Minh Đức)
(Bùi Quý Chiến)
Tại sao gọi họ là người Tàu
Tóm lại, người Việt cách đây hơn 1000 năm khi gặp người Tàu thì họ phát ra âm "tào", thì lúc đó là họ muốn nói "bẩm quan" như "Học giả" An Chi lý giải. Lại nữa, xin tiếp tục với các ký tự Tào còn lại .Từ ký tự cơ bản đó, tự này dẫn xuất đến năm ký tự sau:
a) khi thêm bộ mộc [木 ],thì ta có…
Tào: hàm ý nhắc nhở phàm vật có thể liên quan đến gỗ... Tào này nguyên nghĩa là từ vật có hình dáng do con người tạo ra , "hai bên thì cao mà giữa thì trũng". Từ đó:
==> “tào” là cái máng cho ngựa bò heo ăn.
==> "nghiên tào" 研 槽 cái thuyền tán thuốc bắc ,
==> "tửu tào" 酒 槽 cái đồ đựng rượu.
b) khi thêm bộ khẩu [口 ] thì ta có
Tào 嘈, bộ khẩu [口 ] , hàm ý nhắc nhở phàm cáí gì liên quan đến miệng ..
==> Tào là làm ầm ĩ , huyên náo. Việt ngữ có tào lao. Chuyện tào lao xịt bợp, tào lao thiên địa có nghĩa là bọn Tàu đi đâu cũng nói ỏm tỏi, om sòm.
c) khi thêm bộ thủy [水; 氵] hàm ý nhắc nhở , phàm cáí gì liên quan đến nước
==> Tào 漕 là vật liên quan đến sự vận tải theo đường thủy. Ví dụ tào mễ là ghe thuyền chở gạo theo đường thủy. Tào mễ ngày ấy không có động cơ lấy gì gọi nó là tàu.
d) khi thêm bộ chu [舟], chu là thuyền con, giới thi nhân hay dùng. Hàm ý nhắc nhở phàm cáí gì liên quan đến thuyền, bè … vật chở hàng đi trên mặt nước .
==> Tào , là chiếc thuyền gỗ chở hàng. Ngày ấy thuyền bè toàn bằng gỗ, không hề có động cơ.
Với laiquangnam, các công cụ đi trên mặt nước gồm ghe, thuyền, bè, tàu có các định nghĩa khác nhau xa lắm. Tùy theo ngữ cảnh từng âm, chúng gây hiệu ứng khác nhau trên người nghe đôi khi chúng không còn là công cụ di chuyển trên sông nước nữa.
(Lai Quảng Nam)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Dứt dây động dừng
Rút dây động dừng (Dừng là cốt để trát bức vách) Ý nói: Đả động đến điều gì thì ảnh hưởng đến điều khác
Trong cuốn “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” một lần nữa GS Lại cũng khẳng định: “Dứt dây động dừng (dừng ở đây là bức vách, có người viết là rừng là không đúng)”.
Nghĩa đen thành ngữ này phải được hiểu đúng ý dân gian: “Rút dây động rừng” mới thâm thuý: Rừng là nơi quy tụ nhiều loại cây, chia thành nhiều tầng, nhiều tán: thảm cỏ, cây bụi, dây leo, cây thân gỗ… Dây leo trong rừng có thể dài đến hàng trăm mét, luồn lách, vấn vít, đeo bám vào cây nọ sang cây kia. Thế nên, “Rút dây động rừng” có nghĩa chỉ cần rút, dứt (lấy) một cái dây leo cũng có thể làm động cả một cánh rừng.
Động theo nghĩa đen ở đây là làm rung đến cây khác, đụng chạm đến thực thể khác. Dứt dây, cây động, bầy con chim giật mình đập cánh, khiến bầy nai cũng hoảng sợ, náo động. Thế là loạn cả lên, cứ như là như động rừng vậy! Một hình ảnh ví von không gì sinh động hơn về mối quan hệ chặt chẽ giữa cá thể này với cá thể kia trong tự nhiên và trong quan hệ xã hội của con người.
(Hoàng Tuấn Công)
Gia Định Báo
Tờ báo tồn tại một năm rưởi. Đầu tháng 7.1863, nó được thay thế bằng tờ Bulletin officiel de la Cochinchine française (Công Báo Nam Pháp: BOCF), với nội dung và hình thức hầu như không có gì thay đổi. Ngày 1.1.1864, Pháp lại cho ra đời tờ Courrier de Saigon (Tây Cống Nhật Báo). Báo ra nửa tháng một kỳ, nội dung gần gủi với báo chí đời thường hơn, vì ngoài phần công vụ, còn có các mục nghị luận, khảo cứu, quảng cáo…
Cũng trong năm 1864, một cơ quan quan trọng được thành lập có tên là Direction de l’Intérieur (Nha Nội Vụ), ngôn ngữ thời đó gọi là Dinh Thượng Thơ hay Dinh Hiệp Lý. Viên chức đứng đầu cơ quan này (Directeur de l”intérieur: Giám Đốc Nội vụ) thường được người dân thời đó gọi là quan Lại Bộ Thượng Thơ, có quyền hạn bao trùm bộ máy cai trị đương thời. Ngày 7.12.1865, Thống đốc De La Grandière ký nghị định cho ra đời tờ Bulletin de la Direction de l’Intérieur, cũng có chức năng như tờ BOCF, nhưng trong một tầm mức hạn hẹp hơn, chủ yếu đăng những quyết định, thông báo của Giám Đốc Nha Nội Vụ nhằm phổ biến cho bộ máy hành chánh trong phạm vi thẩm quyền để thi hành.
Như trên để thấy rằng chỉ trong chưa đầy 5 năm nắm quyền thống trị phân nửa lãnh thổ Nam kỳ, sau khi cho ra đời đủ loại báo bằng cả tiếng Pháp lẫn tiếng Hoa, việc Pháp phát hành một tờ báo bằng chữ quốc ngữ là một biện pháp tất yếu nhằm kiện toàn bộ máy cai trị của họ. Và Gia Định Báo đã góp mặt vào sinh hoạt báo chí những năm đầu Pháp thuộc trong bối cảnh như thế. (Tạp Chí Văn Hóa Nghệ An , Gia Định Báo - Tờ báo Việt ngữ đầu tiên)
(Nam Sơn Trần Văn Chi)
***
Phụ đính I
Tưởng nhớ người đã mất - 1
Thế rồi việc gì đến phải đến. Như thường lệ, sáng ngày 2-4-1979, khi tiếng kẻng vang lên để báo cho mọi người trong trại chuẩn bị ra sân xếp hàng đi lao động như thường lệ, chúng tôi đang sắp đi thì bất ngờ anh Nguyễn Mạnh Côn đứng lên giữa trại nói lớn:
“Tôi Nguyễn Mạnh Côn, nhà văn chế độ cũ, lãnh án 3 năm tập trung cải tạo. Hôm nay ngày 2 tháng 4 năm 1979 đã thụ án đủ 3 năm. Tôi yêu cầu ban giám hị viết giấy ra trại trả tự do cho tôi, để tôi về với gia đình. Kể từ hôm nay tôi không còn là người tù. Tôi sẽ không ăn cơm của trại nữa.”
Anh vừa nói xong, toàn thể hàng ngàn tù nhân và công an trại giam im phăng phắc, không một tiếng động. Bỗng tên công an quản chế (lâu quá quên mất tên) hai hàm răng rít lại nói: “Anh Nguyễn Mạnh Côn ra gốc cây phía sau ngồi chờ.”
Sự việc xảy ra sáng hôm đó, đã làm rúng động toàn trại, không những cho các tù nhân mà còn cho cả bọn công an trại giam từ giám thị trại cho đến bọn công an tép riu.
Lúc đầu chúng đối xử mềm mỏng, như là nhượng bộ những đòi hỏi của anh. Họ yêu cầu anh đừng tuyệt thực, hãy ăn uống bình thường, họ cung cấp thịt cá cho anh ăn hàng ngày, trong khi chờ đợi họ gửi hồ sơ của anh về bộ để cứu xét thả, vì ở trại chỉ có quyền giữ, không có quyền thả.
Anh Nguyễn Mạnh Côn cương quyết không chịu, yêu cầu họ phải thả ngay tức thì, vì anh đã thụ án cải tạo 3 năm tròn đầy đủ. Không thể viện bất cứ lý do gì để giam anh. Chúng thấy mua chuộc cho ăn thịt cá (tù đến muối cũng không có mà ăn, đừng mơ đến cá thịt) không xong. Chúng lên kế hoạch sắt máu. Vỗ về, nhượng bộ không hiệu quả.
Lúc đầu anh còn ở trong phòng bên cạnh tôi, vẫn nói cười vui vẻ. Những điều tôi vừa kể là do chính anh nói với tôi. Vài hôm sau, khi chúng tôi đi lao động về thì thấy anh không còn ở trong phòng nữa, họ đã chuyển anh sang phòng khác. Phòng này cách phòng tôi không xa, mới làm xong chưa có người ở. Chúng nhốt anh một mình ở đó, công an canh gác ngày đêm không cho ai đến gần. Chúng tôi mỗi lần đi lao động về có nhìn từ xa vào, nhưng không thấy gì nên không biết tình trạng của anh ra sao? Hỏi trật tự trại cũng không biết rõ, vì họ cũng không được đến gần.
(Đặng Hà)
Tưởng nhớ người đã mất – 2
Vài hôm sau những buổi chiều khi đi lao động về, nghe tiếng anh kêu rống lên thảm thiết “Khát quá, khát quá”. Bọn chúng thật dã man, thấy anh tuyệt thực, chúng không cho anh uống nước luôn. Tức là vừa đói vừa khát. Chúng ta có thể nhịn đói 1, 2 tuần không sao, miễn là vẫn uống nước đầy đủ. Anh bị bỏ đói bỏ khát, mặc cho anh kêu gào ngày đêm cho đến lúc suy kiệt. Chúng tôi không thể nào giúp gì cho anh được, tuy cách không xa. Tiếng kêu rên của anh nghe rất rõ. Nhưng vì bọn công an bảo vệ canh gác rất nghiêm ngặt, không cách [nào] tiếp tế nước uống cho anh được.
Sau một thời gian khoảng một tháng, không biết bọn cộng sản trại giam dụ dỗ, uy hiếp bằng cách nào? Chúng đã bắt anh phải khuất phục và hạ nhục anh bằng cách bắt anh phải ra đứng trước toàn trại, đọc bản kiểm điểm nhận lỗi. Hôm đó tôi thấy anh như người mất hồn, không còn chút sinh khí. Lúc đó có người cho anh như vậy là hèn hạ, không xứng danh bản lãnh của một kẻ sĩ, đó là nhà văn Duyên Anh, một đàn em của anh Nguyễn Mạnh Côn. Anh Côn là người đã nâng đỡ Duyên Anh từ một người vô danh cho đến khi trở thành nhà văn nổi tiếng từ truyện ngắn đầu tiên “Con Sáo Của Em Tôi” đăng trên tờ “Chỉ Đạo” do nhà văn Nguyễn Mạnh Côn làm chủ bút.
Trong suốt thời gian dài ở trại Xuyên Mộc, Duyên Anh nhà giàu, thăm nuôi đều đặn và rất khẳm. Anh Côn không bao giờ có thăm nuôi, nhưng không bao giờ Duyên Anh chia xẻ cho anh bất cứ thứ gì, dù chỉ là tán đường hay hạt muối. Trong khi Duyên Anh đã dùng những thứ đó cho tù hình sự để sai khiến chúng lấy nước, lấy củi, v.v. Nhưng tôi thấy anh Côn vẫn vui vẻ không hề phiền trách. (Chúng tôi lúc đó rất nghèo, chỉ có thể chia xẻ với anh chút muối đậu. Vì cả nhà chúng tôi 4 cột trụ gia đình đều bị bắt).
(Đặng Hà)
***
Phụ đính II
Họan quan
1). Hoạn quan
Hoạn quan là những người nam giới bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục, được sử dụng làm việc trong cung vua chúa.
Họ có thể là: bẩm sinh là có dương vật mà không có dịch hoàn, hoặc không có cả dương vật lẫn dịch hoàn. Hoặc mất đi do việc hủy hoại hay cố tình làm tổn thương.
Có nhiều tên và chức vụ để chỉ hoạn quan: Thái giám, Công công, Tự nhân, Yêm nhân, Nội thị, Thị nhân, Yêm hoạn, Hoạn giả, Trung quan, Nội thân, Nội giám.
Từ ngữ "Thái Giám" xuất hiện vào đời Đường Cao Tông năm 662, chỉ những người lo về xa giá, y phục trong hoàng cung.
Người thái giám tất yếu phải là hoạn quan.
Đến thời nhà Minh, quyền thế thái giám được mở rộng ra, có người được cử làm sứ giả, coi xét quan lại, trông coi quân đội, cho nên sinh ra lộng quyền. Nhà Thanh hạn chế quyền hạn của thái giám, chỉ làm quan đến tứ phẩm.
(Trúc Giang)
Bác tôi là hoạn quan
Nhà tôi không ngớt người tới thăm. Ai cũng muốn được gặp bác. Nhưng bác thì trốn biệt trong phòng của bà. Đó là một gian buồng kín bưng, lúc nào cũng phảng phất một mùi là lạ, như mùi của bóng tối. Bà tôi mất đã mười năm, mang theo nỗi buồn nhớ khôn nguôi đứa con bé bỏng. Bà thường nói các bà mụ nặn cái đầu bác to quá nên thiếu mất cái chỗ đó để làm đàn ông. Cho đến khi bà mất, hình ảnh của bác còn đọng lại trong bà, cũng chỉ là một đứa bé mới lên mười. Đó là năm mà bà khóc tiễn bác đi ra kinh đô xa vời vợi. Nỗi buồn xa con chỉ được an ủi đôi chút khi làng theo lệnh vua, cấp cho bà nửa mẫu công điền.
Đứa bé mười tuổi ấy một lần đi là không bao giờ được trở lại. Mãi cho tới lúc chết. Vậy mà giờ đây, sau bốn mươi năm, nhờ cách mạng bác lại được trở về với cái hào quang tơi tả của một ông quan hoạn, được vào ra chốn cung đình nghiêm mật nhưng không phải nhờ văn hay chữ tốt, không ông cống ông nghè, mà chỉ nhờ dưới háng không có “cái ấy”.
(K.D.)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét