Thứ Năm, 25 tháng 5, 2023

Đối Với Bệnh Tật Tác giả: MATSUSHITA Kônosuke / Người dịch: Nguyễn Sơn Hùng

                 Đối Với Bệnh Tật

(Điều 16 Bệnh tật sẽ tự bỏ đi, nếu bạn tích cực thân thiện đến gần nó) (1)

Tác giả: MATSUSHITA Kônosuke (*)
Người dịch: Nguyễn Sơn Hùng

Đối với bệnh tật, nếu bạn sợ và tránh xa, nó sẽ đuổi theo sau bạn. Nhưng nếu bạn tích cực thân thiện đến gần, bệnh tật sẽ tự bỏ đi.(2)


Sức khỏe quan trọng hơn tất cả mọi thứ để làm việc hoặc thực hiện bất kỳ việc gì khác. Có thể nói sức khỏe là bảo vật ai cũng muốn có được và không có gì có thể thay thế. Tuy nhiên, trong cuộc đời không phải lúc nào cũng được như mình nghĩ. Trong thực tế số người không khỏe mạnh phải sống trên giường bệnh không phải ít.

Đối với quý vị này tôi muốn thưa với quý vị điều sau đây từ thể nghiệm (trải nghiệm) (3) của bản thân tôi. “Dù cho quý vị có bất an nhưng cũng chớ nên chạy trốn với bệnh tật. Nếu quý vị sợ bệnh tật và bỏ trốn, bệnh tật sẽ đuổi rượt theo quý vị. Ngược lại nếu quý vị thưởng thức bệnh tật và thân thiện với bệnh tật, cuối cùng bệnh tật sẽ cấp cho quý vị chứng chỉ (bằng cấp) tốt nghiệp.” Tại sao tôi nói vậy? Bởi vì tôi may mắn sống được 90 tuổi của ngày hôm nay cũng là nhờ tôi đã nhắn nhủ với lòng tôi như thế.

Lúc tôi khoảng 20 tuổi, tôi đang làm việc cho công ty Đèn Điện. Một ngày vào hè, trên đường về từ bãi tắm biển, trong đàm tôi có trộn lẫn ít máu. Tôi vội đi khám bác sĩ. Bác sĩ bảo tôi “Cậu đã bị viêm áp xe phổi, hãy nghỉ việc về quê tĩnh dưỡng 6 tháng”. Nhưng cha mẹ tôi đã qua đời, tôi không còn nhà ở quê để về. Hơn nữa khi đó tôi làm việc với lương ngày. Bởi vì lúc đó chưa có chế độ bảo hiểm thất nghiệp như ngày nay nên nếu nghỉ việc thì tôi không có tiền để sinh sống. Tôi lâm vào cảnh ngộ khó khăn như thế.

Đã như vậy thì không còn cách nào khác. Tôi dứt khoát bảo với lòng: việc mắc bệnh cũng là vận mệnh trời dành cho mình nên quyết định dưỡng sinh trong phạm vi có thể làm. Rồi tôi làm việc 3 ngày nghỉ 1 ngày, đi làm 1 tuần nghỉ 2 ngày ở nhà tịnh dưỡng. Tôi tiếp tục cuộc sống như vậy. Nghĩ là bệnh tình sẽ trầm trọng thêm nhưng không phải, bệnh đã không xấu hơn. Căn bệnh mà bác sĩ bảo nếu không tịnh dưỡng đàng hoàng có thể mất mạng. Nhưng thật lạ lùng căn bệnh đã ngừng tiến triển xấu hơn. Và sau đó, căn bệnh có lúc tiến, lúc thoái. Sau khi chiến tranh kết thúc (nghĩa là sau khi tác giả 51 tuổi), không hiểu tại sao cơ thể của tôi trở nên khỏe mạnh hơn thời còn trẻ và có thể sống khỏe mạnh đến ngày hôm nay.

Tại sao việc đã trở thành như thế? Tôi có cảm tưởng rằng bởi vì khi mắc bệnh tôi đã sẵn sàng chấp nhận đây là vận mệnh của mình và tiếp nhận nó, phải chăng điều này đã đem lại kết quả tốt cho tôi? Nghĩa là nếu đã là vận mệnh thì đừng chống lại, ngược lại hãy nghĩ rằng đây là cơ hội trời cho mình để mình tu luyện và tích cực làm bạn và thân thiện với bệnh tật. Tôi nghĩ rằng việc cố gắng nỗ lực suy nghĩ như vậy là một trong những yếu tố chính đưa đến kết quả tốt

Không gì tốt hơn là được khỏe mạnh nhưng không hẳn mắc bệnh thì nhất định phải bất hạnh. Trong thế gian này có người nhờ mắc bệnh mà trở nên hiểu rõ hơn tâm tình của con người và trở nên hạnh phúc. Ngược lại cũng có trường hợp vì quá tự tin vào sức khỏe của mình mà trở nên bất hạnh.

Do đó điều quan trọng là khi có bệnh tật chúng ta không nên rối loạn  tinh thần cho rằng đó là bất hạnh, đó là đau buồn mà trái lại chúng ta nên nghĩ rằng đó là cơ hội tu luyện tốt mà trời ban cho mình, hãy bình thản nghĩ rằng thật may mắn đã mắc bệnh, cảm ơn bệnh tật và tích cực làm bạn thân thiện với bệnh tật. Tôi nghĩ đó cũng là con đường để chữa bệnh nhanh. Đây chỉ là cách sống của tôi, có thể không phải là phương pháp đúng với bất kỳ ai nhưng tôi mong rằng đây là một cách ứng xử với bệnh tật để quý vị có thể tham khảo.

Nguyễn Sơn Hùng, 2/9/2022

(*) Nguồn: MATSUSHITA Kônosuke: NHÂN SINH TÂM ĐẮC THIỆP (人生心得帖), Viện Nghiên Cứu PHP xuất bản 1984 khổ A5, xuất bản 2001 khổ A6.

Trở về trang chủ

Xem thêm cùng tác giả: Những bài viết và dịch của Nguyễn Sơn Hùng

Nhận xét của người dịch

1. Người dịch không rõ y học giải thích kinh nghiệm của tác giả như thế nào nhưng có một điều chắc chắn là sự căng thẳng tinh thần (stress) không tốt cho sức khỏe và cũng là nguyên nhân của bệnh tật. Do đó, người dịch nghĩ rằng lời khuyên của tác giả rất đáng tham khảo. Tuy nhiên nên lưu ý rằng không nên lo lắng hoặc buồn đau không có nghĩa là bỏ mặc bệnh tật không tìm hiểu nguyên nhân và tìm bác sĩ y học chuyên môn chữa trị trong khả năng có thể hoặc hoàn cảnh cho phép làm của mình. Việc không lo lắng, buồn đau chỉ giúp chúng ta không làm cho bệnh tình trầm trọng hơn hoặc sinh ra thêm bệnh khác. Tuyệt đối không nên cho rằng do số mệnh rồi bỏ mặc không làm gì cả. Nên nhớ rằng chính tác giả cũng vừa làm việc vừa tĩnh dưỡng bớt làm việc vì không làm việc thì trước khi chết vì bệnh đã phải chết đói.

Trong sách “Nhân Sinh Đàm Nghĩa” (Nói về ý nghĩa của đời người) do Viện Nghiên Cứu PHP biên soạn từ các tác phẩm của Matsushita Kônosuke và được xuất bản năm 1990, sau khi ông qua đời 1 năm. Trong sách này có bài tựa “Bệnh Tật và Sức Khỏe” gồm có 5 đoạn: 1) Cái này cũng là vận mệnh, 2) Sống hết tuổi thọ của mình, 3) Cách kinh doanh của người không được khỏe mạnh, 4) Làm bạn với bệnh tật, 5) Trung thực tự nhiên, có sao sống vậy. Dưới đây, xin được giới thiệu đoạn cuối:

“Vạn vật đều sinh thành phát triển mỗi ngày. Tôi nghĩ đó là dạng thức chân thật. Do đó, bệnh tật, già đi và ngay cả lìa đời cũng là dạng thức (hình ảnh) của sinh thành phát triển. Một khi có cách nhìn như vậy thì điều mình chán ghét cũng không còn chán ghét. Cái mình nghĩ là đối địch cũng trở thành bạn của mình”.

Phải chăng cách suy nghĩ trên rất đáng cho chúng ta thử nghiệm trong cuộc sống thực tế của đời người chúng ta?

2. Sau khi gửi bài đăng trên ERCT.com, người dịch đã giới thiệu bài viết đến vài vị thầy dạy thời trung học đang sinh sống ở nước ngoài. Có một vị thầy cho biết nhờ thầy không chịu thua với bệnh và đã phấn đấu, “vùng lên” nên đã thoát chết và đã tránh khỏi tật nguyền. Người dịch tin chắc rằng đây là một kinh nghiệm rất thực tế và hữu ích nên đã xin phép thầy giới thiệu thêm ở đây để quý độc giả tham khảo.

Thầy kể lại: “Tháng mười 2014, tôi bất thình lình bị tai biến mạch máu não dạng máu đóng cục (blood clotting type). Khi đang gõ bàn phím máy tính gửi email cho bạn bè, tôi cảm thấy đầu nhức, mắt mờ, mặt xệ lệch một bên và… nửa người bên phải mất chỉ huy rồi không cử động được. Tôi vùng kêu to lên, không phải tiếng người. Cố gắng đứng dậy thì té ngã xuống sàn nhà, quay vòng vòng, không đứng dậy được vì mất chỉ huy nửa người nhưng đầu óc tôi vẫn tỉnh táo, biết rằng: “Nguy rồi! Phải vùng lên!” May mắn bà xã tôi ở dưới nhà thấy nguy, gọi điện thoại cấp cứu: 9-1-1 và khoảng 3 tới 5 phút sau xe cấp cứu và xe cứu hỏa tới, bế tôi ra xe, rú còi, chạy tới phòng cấp cứu của bệnh viện Kaiser Sacramento

Sau một tuần lễ ở bệnh viện, họ chuyển tôi tới: Trung tâm Phục hồi chức năng của bệnh tai biến mạch máu não (Stroke Rehabilitation Center) ở Vallejo của tiểu bang California và ở đó 3 tuần nữa. Trong thời gian này, gần như đêm tôi không ngủ, cố gắng tập nói (speech therapy), tập vận dụng trí óc với tay chân cử động nhẹ (recreational therapy), rồi khi được về nhà tôi phải tới bệnh viện Kaiser tập vật lý trị liệu (physical therapy) 6 lần/2 tuần nữa. Tôi được cấp: máy đi bộ (walker) và gậy (cane) để tập đi.

Sở dĩ tôi đã “vùng lên” để sống cho tôi, vì đầu óc tôi vẫn tỉnh, thấy mọi người tới thăm, trong ánh mắt của họ như chấp nhận định mệnh tôi đã an bài: tàn phế cho đến chết trong nhà nuôi dưỡng người không thể tự săn sóc (nursing home), không có ngày trở về nhà để sống bình thường. Tôi nhận thấy vậy và buồn lắm! Khi tôi từ bệnh viện về tới nhà, căn phòng của tôi với dàn nhạc, với tủ sách, với máy tính đã biến thành “nhà kho” vì không ai nghĩ là tôi còn có cơ hội về sống ở nhà nữa!

Tôi VÙNG LÊN, lái xe lại, tập thể thao thêm và đi chơi bóng bàn lại, cho tới nay. Tám năm trôi qua! Tám năm vùng lên để hưởng từng sát na cuộc đời mình. Được bao lâu nữa? Không biết và cũng không cần biết!”

Câu chuyện của thầy làm người dịch nhớ đến thân mẫu của mình, người  cũng bị tai biến mạch máu não và cũng đã phấn đấu tập luyện để hồi phục chức năng và đã có hiệu quả khả quan. Đáng tiết là mẹ tôi không được như  vị thầy của tôi, sau đó người đã qua đời vì một căn bệnh ngặt nghèo khác.

Mới đọc qua chuyện của thầy có thể nghĩ rằng ý của Matsushita Kônosuke và của thầy khác nhau nhưng nếu suy nghĩ kỹ lại chúng ta sẽ thấy tinh thần phấn đấu của hai vị đều giống nhau. Trong bài 2 “Đem Hào Quang Đến Vận Mệnh” (4) ông nói phần vận mệnh trời định cho chúng ta chỉ khoảng 80~90% và phần còn lại là do nỗ lực cố gắng của chúng ta. Và ông viết “Tùy theo cách tận sức nỗ lực, 10~20 phần trăm này của con người quyết định 80~90 phần trăm còn lại của vận mệnh tỏa sáng đến đâu.”

Matsushita nói an phận không có nghĩa là đầu hàng bó tay với hiện trạng chờ chết. Ông chỉ chấp nhận bệnh bởi vì có than phiền buồn khổ thì bệnh cũng không tha cho ông, và ông cũng không đầu hàng nằm chờ chết. Ông không có điều kiện để trị bệnh nên ông đã đi làm 3 ngày nghỉ 1 ngày để vừa dưỡng bệnh vừa làm việc để sống. Chúng ta không nên hiểu sai từ “an phận” của ông. “An phận” của ông gồm có 2 phần: phần đầu là tiếp nhận hiện trạng và phần 2 là gắng sức tìm kiếm cách giải quyết để tiến lên. Tuy nhiên, đối với trường hợp của thầy tôi cho chúng ta thấy thêm một bài học khác với Matsushita là đôi khi chúng ta phải phấn đầu từ giai đoạn đầu, tùy theo căn bệnh và trường hợp!

Từ 2 thí dụ trên, người dịch mới thấm thía câu nói của người xưa “cần học đến mãn đời”. Học để biết thêm nhiều sự kiện, nhiều thí dụ để hiểu biết sự việc sâu xa đến nơi đến chốn, và như vậy khi gặp vấn đề mới biết cách sử sự thích đáng.

Nguyễn Sơn Hùng

(Phần 1: viết xong ngày 10/2/2023)

(Phần 2: viết thêm ngày 13/5/2023)

Ghi chú

(1) Tựa bài dịch theo nguyên bản. Tựa phụ trong ( ) do người dịch đặt thêm để quý độc giả dễ nhớ và tổng kết các điều trọng yếu mà tác giả đề xuất để chúng ta có cuộc sống tốt đẹp hơn.

  1. Đại ý của bài viết. Trong nguyên tác, đại ý được viết ở đầu của mỗi bài.
  2. Chữ nhỏ viết trong ( ) để giải thích nghĩa hoặc từ đồng nghĩa.

(4) Matsushita Kônosuke (1984): “Đem Hào Quang Đến Vận Mệnh”, trong sách NHÂN SINH TÂM ĐẮC THIỆP (人 生 心 得 帖), Viện Nghiên Cứu PHP xuất bản.










Không có nhận xét nào: