Sinh Bắc tử Nam
Tôi có ông bạn H.O., đủng đỉnh thế nào chả biết nữa, tôi vồ được em gái ông. Nói dơi nói chuột thì ông anh vợ và tôi gần gũi như… anh em. Một ngày tới nhà, ông đưa phong bì thư viền đỏ, trắng, xanh. Ông lậu bậu thư của ông cậu. Tôi bụng bảo dạ thế nào cũng có màn góp nhóp cho mục vợ ốm con đau hay sửa chữa nhà cửa gì đây.
Cấu vào mắt ba, bốn tờ giấy học trò kẻ hàng vàng ố. Vì cái thư đã viết từ… năm 1976. Chữ ông cậu viết ngoáy nên tôi lướt thoáng qua cho… thoáng đãng. Nói cho ngay nhời nhẽ chả giống những thư… kể khổ, mà rặt những chuyện làng nước, ruộng vườn qua kẻ Bắc người Nam dài lê thê như đoạn đường chiến binh. Thảng như ông cậu tả… con lợn chạy giữa trận chiến mù trời dậy đất. Giữa thư, sau 75, ông cậu vào Nha Trang. Tôi thầm hỏi lý sự gì mãi năm 2006, sau 30 năm ông cậu mới gửi cho ông cháu.
Ông anh vợ về rồi, tôi ngẫm nguội lá thư có đọan viết về… cái đồng hồ Seiko có cửa sổ. Thấy hay hay. Để lấy ngắn nuôi dài, tôi ăn mày chữ nghĩa của ai đây đắp chỗ này một đoạn, vá chỗ kia một khúc cho bài viết có trọng lượng. Bởi có con lợn chạy giữa trận chiến mù trời dậy đất. Thế nên ở cái đuôi, ngắn như đuôi lợn, tức kết cấu tôi quắn đầu để có kết luận ngắn gọn. Tiện tay nhấn nút nhạc, tiếng hát Khánh Ly biển xanh sông gấm, nối liền một vòng tử sinh.
***
Nha Trang ngày 17 tháng 7 năm 1976
Thân gửi cháu Phú,
Qua bác Cả, cậu biết được địa chỉ của cháu, thư này cậu viết lâu lắm rồi và để đó. Lúc này cậu cũng đã có tuổi, nay ốm mai đau, không biết ngày nào gặp lại tổ tiên, ông bà và họ hàng, nên mượn tết Bính Tuất sắp tới, gửi đến cháu.
Thế mà đã 30 năm qua, những hình ảnh của tuổi ấu thời như mới đâu đây, tất cả quây quần dưới căn nhà ngói cây mít năm gian hai chái ở một làng quê ven biển trù phú và êm ả với cái tên thật thân yêu là Ân Phú, Nam Định. Cũng vì vậy ông ngọai lấy tên làng đặt cho hai anh em cháu, “Ân” là ơn trên ban cho, “Phú” là giầu có thịnh vượng. Năm đó, thầy mẹ cháu dựng ngôi nhà gạch, ngói đều tăm tắp ở cuối ngõ, nằm núp bóng sau răng cây ổi im ắng. Và chỉ im ắng một nhát thôi với buổi trưa nắng oi ả. Đâu đây có tiếng gà mẹ “cục cục” gọi con, ấy là thằng Ân mở cửa chuồng gà. Lũ gà cuống quýt tranh nhau chạy ra, ắng im một nhát, tiếng gà mẹ gọi con “cục cục” đến buồn ngủ. Vậy mà chả ai chịu ngủ nghê, cậu và cháu leo lên hái ổi, hay rủ nhau ra bờ sông câu cáy.
Riêng thằng Ân có những trò nghịch tinh như khâu đít chuột cho chúng bí rị rồi nổi điên cắn nhau. Hoặc đến giờ lùa lợn về chuồng, chả hiểu nó học mót của ai, nó xoay đầu con lợn vào cửa chuồng lợn, nắm lấy đuôi làm như kéo về hướng bờ sông. Con lợn không biết mình bị lừa, cắm đầu chạy vào chuồng. Bà ngoại cháu hóng hớt: “Mẹ bố thằng Ân này lạ nhẩy! Đúng là rồ, anh em trong nhà không chơi lại đi chơi với lợn”.
Trở về với Tết nhất làng quê ta, ngày ấy mấy cậu cháu được theo bà ngọai và mẹ cháu dạo chơi phiên chợ. Hai cậu cháu mình ít tuổi hơn thằng Ân, mỗi đứa được mua một con tò he bằng đất nung. Tò he được tô phết với phẩm mầu, đuôi là một cái lông gà nhuộm mầu xanh đỏ, có gắn một cái còi lưỡi gà bằng ống sậy, khi thổi vang lên những tiếng “tò te… tò te…”. Nghĩ lại thời gian ấy, có lúc cậu nghĩ cũng có thể vì quen thói thổi tò he từ những ngày còn bé nên sau này cậu là văn công thổi kèn chăng?
Tết năm ấy, lợn nhà có cả bầy, chả hiểu sao bà ngoại nhè con lợn của thằng Ân mà xẻ thịt làm nó “rên như lợn”. Ây là con lợn nó dành nuôi từ lúc còn là lợn sữa, cũng đẻ được dăm lứa thành con nái, con sề thì bị bà ngả ra đụng thịt. Con lợn này, đi học về, nó lăn vào bếp, tìm mẹ cháu để phụ sắt bèo hay nấu cám cho con lợn của nó sắp cấn đòi ăn sớm, cứ húc máng cồng cộc, kêu ủn ỉn trong chuồng. Cái tật của nó là trời mưa, nó tha lợn ra tắm táp. Cứ theo bà ngoại lợn sợ nước, thích dầm mình vào trấu, bùn cho bẩn thêm thôi. Vì vậy các cụ ta dậy cấm chả sai bao giờ, ấy là “bẩn như lợn”. Bà lẵng nhẵng: “Dào! Mẹ bố thằng Ân gà tồ này lạ nhẩy”. Rồi bà dóng dả nó mà gặp nước thì có ngày như gà bị dù, lợn bị chột cho mà xem. Bà nhiếc nó chả được tích sự gì sất, đúng là đồ cám hấp. Chẳng được như thằng em hay thằng cậu nó.
Đến ngày hóa vàng, thằng anh cháu, quên tiệt con lợn bị ngả thịt. Tết nhất cũng bị mẹ cháu củng đầu, nhiếc ăn gì tướng tá như trâu lăn. Trong khi cháu người gầy nhằng như dánh khoai vì ốm đau liên miên, khóc suốt đêm. Còn nó ngáy nghe như lợn ngáy ngày. Nó đang ở tuổi ăn rộ, nó dành ăn với cậu cháu mình, khoắng một cái là nhẵn ba, bốn bát măng với cơm, cái bụng phưỡn ra như ông thần đất ấy. Rồi tếch ra hiên nhà, ngồi bệt xuống đất mút xương ống lợn, hay nhân nha với mảnh thịt còn sót lại.
Ấy thế rồi khói lửa chiến tranh ập tới làng quê bé nhỏ ta, cả nhà về Nam Định ở số nhà 70 Phố Khách. Riêng chú tá điền tên Tuất ở lại trông coi vườn tược ruộng nương. Thời gian ở tỉnh Nam với phố phường chẳng có gì lạ, ngòai ghé Bến Ngự sông Vị Hòang xem bơi thuyền và câu cá. Thế mà nghĩ cũng hay, như thằng Ân anh cháu thích lợn chả nói làm gì. Còn như cậu đây, cậu chúa ghét lợn vì nó ở bẩn. Vậy mà cậu cứ dính đến lợn. Ngay cả đi bộ đội cũng thế, đúng là ghét của nào trời cho của ấy, cậu sẽ kể chuyện cho cháu nghe sau…
Lúc này mặt trận ở vùng quê đã nặng, đêm đêm ở tỉnh nghe tiếng cà-nông ì ầm xa xa vọng về. Đến năm 54, bác Cả trai dẫn cậu theo gia đình cháu lên Hà Nội để thăm thú tình hình. Hà Nội hồi đó có nhiều gia đình đang kháo nhau sửa sọan ri cư, họ láo nháo bán nhà bán cửa. Được ít lâu bác Cả bàn với thầy mẹ cháu hãy để bác về lại Nam Định đón cả nhà lên Hà Nội rồi vào Nam. Lúc này, quân đội Pháp đã rút khỏi thị xã, nhưng thành Nam vẫn sinh họat tấp nập, người ta mang quần áo, đồ đạc ra bán chợ trời như chợ phiên. Cả nhà bàn bạc, ông bà ngọai dứt khóat không đi vì mồ mả gia tiên. Nghỉ ngơi ít lâu, bác Cả gửi cậu theo người quen lên Hà Nội thì gia đình cháu đã xuống Hải Phòng vào Sài Gòn rồi. Cậu khóc sướt mướt cả ngày hôm ấy. Thực tình cậu cũng chẳng biết Sài Gòn ở đâu, mà khóc vì nhớ thằng Ân và cháu.
Sau 54, cả gia đình mình xuống dốc không “phanh”, hồi cải cách ruộng đất, những người nhiều ruộng, bị quy vào địa chủ. Đến thời hợp tác xã, đều phải góp ruộng vào làm ăn tập thể. Nhưng may chú Tuất tá điền nhà ta hình như có chức phận gì đó, nên giữ được một ít đất đai cho ông bà ngọai. Đầu năm 59, cá đuối đắm vì con nên ông bà ngọai quyết định bán phần hương hỏa ấy đi, dành dụm tiền để cậu lên Hà Nội học nghề. Cái khó nó bó cái khôn, đến giữa năm ông ngọai mất.
Năm 1964 cậu tốt nghiệp và được thi công về khu mỏ Hòn Gai. Được mấy năm, cậu đợi cơ may khác, cậu đợi cái gì đến sẽ đến, chỉ cầu mong sau này cũng an phận ở đâu đó cùng những đổi thay của đất nước và con người. Đùng một cái, chiến sự cực kỳ ác liệt ở trong Nam, thế là tình hình đẩy đưa cậu vào bộ đội.
Sau mấy tháng quân trường học tập điều quân, cậu được nhập vào sư đòan 316 và lên đường vào chiến trường B-2, tuyến Bình Dương. Lúc đó cậu nhớ đến con anh Đòan Chuẩn với chiêu hồi, chiêu đãi gì gì đó, lòng dạ cậu lại rối như tơ vò, chả biết tính sao cho phải nhẽ. Thì trên đường di chuyển qua trung Lào bị B52 chà xát, sư đòan cậu bị tổn thất khá nặng nên rút về Nghệ An rèn cán chỉnh quân và cơ bản là phòng thủ vùng bên này sông Bến Hải. Nói cho ngay, ở đơn vị hậu cần, vì có văn hóa, cậu chỉ làm thơ suông, làm báo cùi, để có chút gạo, đường cải thiện nên cậu chả biết chuyện đánh nhau gì sất cả. Nói dối phải tội chứ ngay cả lên cơ bẩm, kéo cái cần “quy-lát” của khẩu AK 47 nặng như cái búa tạ, cậu còn thở bở hơi tai nữa là…
Là đến năm 72, một bộ phận sư đòan 316 cậu được lệnh điều động qua phía tây Quảng Trị giúp đỡ đồng bào trong vùng vừa được giải phóng. Vừa đến nơi được lệnh vào cánh rừng Đồng Lâm ẩn nấp chờ lệnh mới, gặp mùa mưa dầm dề cả ngày cả đêm, ngập cả giao thông hào. Gạo và củi bị ẩm ướt, ẩm mốc không nấu nướng gì được sốt cả, phải nhai sống rau môn, rau tai voi gần một tuần lễ nên ai nấy người cứ thủng ra. Thế rồi đùng một cái có lệnh khẩn trương rút về hậu cần bên kia Bến Hải.
Vừa kéo quân ra đến bìa rừng, đơn vị cậu phát hiện một đám lính trong này đi ngang qua, họ thả bộ không đội ngũ, súng vác vai. Cậu đứng cạnh gã chính trị viên dùng ống nhòm dòm kỹ toán quân để điều nghiên trận địa. Và thấy họ vừa đi vừa nói chuyện inh ỏi, vừa ca hát vang trời. Lạ một nhẽ hơn nữa có anh lính nắm giây thừng kéo con lợn theo. Sau này về lại Nghệ An dưỡng thương, học tập rút tỉa ưu khuyết điểm chiến trường, cậu mới biết họ ở trung đội 2 thuộc liên đội địa phương quân. Trước kia thời Tây ngoài Bắc mình gọi họ là lính “pạc-ti-dăng” nhưng cơ bản điều quân như bộ binh. Cũng nhờ đó cậu mới biết họ đang bỏ đồn bót rút về tỉnh vì thời cuộc lúc ấy không thuận lợi cho việc giữ cầu gác chợ nữa.
Gã chính trị viên vỗ vai cậu chỉ con lợn.
Trở lại khúc trên cậu đã ba điều bốn chuyện với cháu là cậu chúa ghét lợn vậy mà cứ dính đến lợn. Ngay cả đi bộ đội cũng thế. Chưa hết, hồi ở Nghệ An điều cán chỉnh quân, bên phía cậu sưu tra đội ngũ và thông suốt cả tên tuổi, khả năng cấp chỉ huy của liên đội địa phương quân trên nữa kìa. Riêng cậu còn xác minh con lợn kia không phải lợn nhà mà là lợn mọi, vì nó khôn ngoan hơn cả con vện, con mực nữa. Sau đấy cậu cứ tiếc hùi hụi không có cơ hội vác một con lợn mọi về quê nuôi làm cảnh.
Sau cái vỗ vai của gã chính trị viên, cậu hiểu ý đồ gã muốn xua quân quần thảo một trận mong bắt… con lợn làm thịt để bồi dưỡng. Cậu nói với gã là sắp về hậu phương bồi dưỡng, nay vì con lợn mà đánh nhau, mà có phải lợn sề, lợn nái gì cho cam, thể nào cũng toi dăm mạng chẳng bõ nhét răng.
Không trả lời cậu, chẳng nói chẳng rằng gã gọi K trưởng và hai anh chiến sĩ nuôi quân nhỏ to gì ấy cậu chẳng hay. Bất thình lình K trưởng của cậu phất tay ra hiệu lệnh cho lính bung ra. Thế là lính bên cậu cứ như từ dưới đất chui lên, từ trên trời nhẩy xuống, bổ nhào vào đánh giáp la cà, la hét vang trời “Hàng sống chống chết… Hàng sống chống chết…” và bắn xối xả, cả bìa rừng náo lọan như bị nhồi vào giữa cơn lốc. Lúc đầu, lính bên cậu bị mất chủ động vì chưa phát huy đánh bộ, lính phần nhiều là lính mới 15, 16 tuổi, ngơ ngáo lần đầu ra trận như cậu vậy. Nhưng một lúc lâu sau lính bên cậu trấn áp họ thấy rõ vì đông quân số và nhiều súng đạn hơn. Mặc dầu họ bị bất ngờ nên nháo nhào, nhưng cũng phải công nhận họ phản ứng nhanh và khá thành thạo. Chẳng may mới nhập trận, K trưởng của cậu đã bị tử thương, nhưng đến quá trưa thì họ gần như bị tiêu diệt tòan bộ, số nhỏ còn lại bị bắt làm tù binh
Sau chiến thắng đến không ngờ, gã chính trị viên và cậu, cậu chân tập tễnh kiểm tra trận địa. Thấy con lợn đang kêu eng éc như bị chọc tiết. Hai anh nuôi bỏ cả súng, tượng gạo, bình tông, nhào tới nhanh như chớp dùng tay không để túm tó con lợn.
Đột dưng anh thương binh nọ, áo đẫm máu, tay này cầm giây thừng buộc cổ lợn, tay kia cầm súng nhỏm dậy nhắm ngay hai anh nuôi lia một tràng ròn rã. Hai anh này vừa chộp được con lợn, đang ôm khít khìn khịt, bật ra như cây bị đốn ngã vật xuống chết tươi. Cậu vừa bàng hoàng những gì xảy ra nhanh như chớp trước mắt. Thì gã chính trị viên, cậu biết gã này máu và khủng lắm, y như rằng… gã cáu tiết ra lệnh tiêu diệt hết những tù binh và thương binh còn lại. Tiếng súng nổ đì đạch rời rạc trong khoảng không, mã tấu đâm, chém từng nhát vào da thịt người sống, tiếng rên la thảm thiết, vang dội cả một góc rừng. Một lát sau, đất trời trở lại ắng lặng và đầy thê lương ảm đạm, chỉ có tiếng rì rào của những đám cỏ lau và cứ theo cậu đoán chừng thì không một ai sống sót. Tuyệt nhiên không còn một ai.
Chiến trường im tiếng súng… Vì tò mò cậu khập khiễng đến gần xác anh lính có con lợn. Anh ta chết nằm sấp, mặt úp xuống mớ lá rừng, hai tay vươn lên ôm mặt đất như bấu víu. Ánh nắng xế trưa xuyên qua tàng cây những tia nắng dài. Một vệt nắng ánh lên vết thương bị mã tấu chém dài loằng ngoằng, máu đông lại nổi cộm như con giun đất. Một vệt nắng khác chiếu vào mặt kính cái đồng hồ. Cậu như hoa mắt, đầu óc cậu rỗng rễnh thế nào ấy, chả hiểu nghĩ sao, cậu cúi xuống tháo nó ra kín đáo bỏ vào túi.
Chẳng nói cháu cũng hiểu dùm cậu là cái khó nó bó cái khôn, sống trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn mọi thứ ở miền Bắc nên cái gì của ngoại cũng thèm thuồng. Thêm nữa với đồng hồ chỉ cấp K trưởng trở lên mới có. Vì vậy trước khi nhét vào túi quần, cậu lén nhìn đồng hồ ghi thương hiệu Seiko và đập vào mắt cậu cái cửa sổ của đồng hồ…
Cậu nhớ rõ mồn một con số 17.
Cậu tới ngồi dưới gốc cây xem xét vết thương ở chân. Chả dấu gì, đây là lần đầu tiên cậu dự kiến chiến trận mới biết thế nào là bắn giết nhau tàn bạo như vậy. Ngồi thừ ra một mình, cậu nghĩ quẩn và cứ ân hận mãi nếu mà… Nếu mà cậu nói với gã chính trị viên một tiếng, anh lính ấy đã không chết oan. Dẫu gì cậu cũng ở cùng đơn vị với gã, cậu biết gã thích cậu vì cậu có văn hóa, làm thơ, làm báo. Và cậu tự anh ủi anh lính ấy chết vì vắn số. Vậy thôi. Đang nghĩ đến đây, có anh bộ đội lớn tiếng hát nghêu ngao: Anh ở miền Bắc, nơi con sông Hồng chẩy vào đất Việt, anh vào đây….
Sau tuần an dưỡng ở Nghệ An, cậu xuất viện được phục viên. Về quê dóng ra, dóng vào, đạp xe nhì nhằng trong làng, nhắm khi cậu lễnh đễnh lên Nam Định vừa thăm cái Gái, con bác Cả vừa theo dõi tin tức chiến trường trong Nam. Cháu không hay đấy chứ, chứ trưa cái ngày ba mươi tháng bốn năm bảy lăm, cái Gái đang phòng thủ ở khẩu đội phòng không bảo vệ tỉnh Nam Định nghe tiếng loa qua đài: "Bộ đội ta vào tới Sài Gòn chiếm dinh Độc Lập rồi…".
Vậy là đất nước mình thống nhất. Cậu quýnh quáng vui mừng khôn tả vì sẽ gặp lại những người thân sau bao năm xa cách. Gần cuối năm, bác Cả động viên cậu vào Nam tìm gia đình cháu càng sớm càng hay vì nghe nói bố mẹ cháu đang hoàn cảnh lắm. Chuyện này chẳng qua nghe đài phát sóng thông tin miền Nam đang đói kém. Bác Cả nghe sốt cả ruột gan, lúc này cũng phải nhúc nhắc thôi, chứ bố mẹ cháu sống bữa đói bữa no như thế bao giờ mới mọc mũi sủi tăm lên được. Bác Cả tính toán thế cũng phải. Thế là cậu và mợ săng sái đi thăm gia đình cháu xem kinh tế khó khăn thế nào. Vì cậu đã kinh qua ở miền Bắc năm 54 nên vào giúp bố mẹ cháu ắt cũng khá hơn. Nói thì nói vậy nhưng trong túi cậu chẳng có xu-teng nào, vì vậy bác Cả đưa ít tiền dằn túi. Cái Gái dấm dúi cho bố mẹ cháu một tay nải gạo, ký đường cát, chồng bát sành.
Vào đến Nha Trang, cậu bị cái chân bị thương nó hành đành phải nằm lại đây nhăm bữa rồi vào Sài Gòn sau. Bất ngờ gặp chú Tuất tá điền nhà ta, nay chú ấy là cán bộ công quản nhà nước vừa từ Sài Gòn ra công tác. Vui đâu chưa thấy đã nghe thấy chuyện buồn, số là nghe chú ấy thông tin gia cảnh của thằng Ân. Cái vui không cõng nổi cái buồn, nên lòng dạ chẳng thiết tha gì đến vào Sài Gòn nữa. Cậu và mợ nhất trí ở lại. Chồng bát đĩa với những xót xa đành vất xó, tâm trạng của cậu là cái tâm trạng đường đi không đến. Cậu dặn dò chú ấy đừng cho ai trong gia đình cháu biết, xem như không gặp cậu ở đây. Đại gia đình ta gượng dậy được là cũng nhờ tay chú ấy đấy.
Năm sau, chú Tuất điện cho hay mẹ cháu hấp hối, cậu một mình vào Sài Gòn. Cậu có nhiều chuyến đi vội vã, nhưng chưa lần nào với những lo âu trong lòng như lần này. Y như có linh tính, cậu đến nơi không còn kịp nữa. Chả dấu gì cháu vì những ngổn ngang trăm bề chẳng dám thổ lộ với ai. Vì vậy cậu cứ chịu trận ngồi thì lì một chỗ ở cái quán nước trước cửa nhà bố mẹ cháu. Cậu có những canh cánh bên lòng bấy lâu nay từ ngày gặp chú Tuất ở Nha Trang năm nào với chuyện sống để bụng chết mang theo… Cứ vậy với dằng co níu kéo, nửa muốn nửa không, để rồi cậu không có can đảm, không dám vào nhà để bái tạ, để gặp chị mình lần cuối. Sau đó cậu nhờ chú Tuất chạy đi mua ít hoa quả nhang đèn và kín đáo thay mặt cậu viếng mẹ cháu.
Từ quán nước nhìn qua bên kia đường, qua nhang đèn hương khói, cậu không thấy rõ khung hình mẹ cháu đặt trên cỗ áo quan ngay giữa nhà. Mà chỉ thấy thầy bố cháu và cháu đi đi lại lại tiếp khách. Và cậu cứ tư duy mãi với vật đổi sao rời, người mất người còn. Người mất như mẹ cháu là cái phúc cái phần, người còn lại cũng đã có nhiều thay đổi về hình hài, như với cháu thực tình cậu nhận không ra, 30 năm rồi chứ ít ỏi gì. Cậu bắt gặp mấy thằng con cháu đeo khăn tang, mặt mày ngơ ngác, hình như chúng cũng trạc tuổi với mấy cậu cháu mình ngày nào ở Ân Phú. Cậu lại bồi hồi đến sự tần tảo, thương yêu chăm sóc của mẹ cháu với cậu. Bên kia đường, văng vẳng tiếng tụng kinh gõ mõ từ cái máy hát vọng qua bên này, lòng cậu chùng xuống, cậu muốn bước qua bên kia đường. Nhưng sau đó, tiếng phường bát âm đứt quãng như cản cậu lại, cậu nghe tiếng kèn như tiếng con tò he nghe rền rĩ mà mẹ cháu mua cho cậu ở chợ Viềng trong ngày giáp Tết. Khuya, cậu tới nhà chú Tuất ngủ qua đêm.
Mấy hôm sau ngồi sau xe Honda chú Tuất đưa mẹ cháu ra nghĩa trang. Cậu đứng nấp sau dãy bia mộ tự đằng xa, đến trưa mọi người về hết. Vì cái chân bị thương, cậu nhờ chú Tuất đi tìm mộ thằng Ân nằm ở đâu đây. Cậu khập khiễng tới ngồi dưới gốc cây. Ngồi không nhìn cây cỏ, có những tia nắng trưa xuyên qua tàng cây những vệt dài. Tất cả như có gì quen thuộc của quá khứ đẩy đưa… đưa đẩy cậu nhìn cái đồng hồ Seiko đeo ở cổ tay mà cậu đã lấy được từ anh lính dắt con lợn ba năm về trước. Cậu nhìn cái cửa sổ xem ngày, vệt nắng sế trưa của ngày nào năm ấy như còn đọng trên mặt kính óng ánh… nhắc cậu nhớ rõ mồn hôm ấy là ngày 17.
Cậu đã đến một nơi không muốn đến. Đến đây cậu nghĩ cháu đã đóan chừng được một phần nào câu chuyện qua thư này. Vì một lần cậu đã gặp lại thằng Ân. Một lần duy nhất và không bao giờ gặp lại nó nữa ở cánh rừng Đồng Lâm:
Ngày 17 tháng 7 năm 1974.
(ký tên)
***
Qua những giây phút bất chợt trải dài với chữ nghĩa, rồi truyện viết cũng xong. Nhìn cái thư của ông cậu vợ vẫn còn đấy, dòng nhạc Tôi sẽ đi thăm của người làm nhạc họ Trịnh vẫn còn kia khi đất nước tôi thanh bình, tôi sẽ đi không ngừng, Sài Gòn ra Trung, Hà Nội vô Nam, tôi đi chung cuộc mừng và mong sẽ quên chuyện non nước mình.
Trúc Gia Trang
Bính Tuất 2006
Phí Ngọc Hùng
(viết lại 2022)
Nguồn:
Người viết đắp chỗ này một đoạn, chỗ kia một khúc
từ một, hai tác giả nhưng quên không ghi danh tính
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét