Thứ Hai, 24 tháng 7, 2023

Chữ Nghĩa Làng Văn - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

           Chữ Nghĩa Làng Văn 

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng


***


Viễn phố


“Gác mái ngư ông về viễn phố”, câu này của bà Huyện Thanh Quan hẳn ai cũng biết nhưng có nhiều người hiểu lầm “phố” như “phố phường”. Nhưng “Phố” đây là “cửa biển”. 

Chữ Tàu “cửa biển” viết bằng chữ phố với bộ thủy bên trái. 

(Duy Lý – báo Tự Do)



Một số địa danh hành chính bị viết sai ở Nam bộ

Phường Cát Lái, cảng Cát Lái (Quận 2, TP.SG) đúng ra là Các Lái. Đây là bến sông gần ngã ba giữa sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và sông Nhà Bè. Cát Lái vốn là “Các Lái”, nghĩa là nơi các lái buôn tụ họp để mua bán hàng hoá. 

Tiếng đồn các lái Đồng Nai,
Tháng giêng cưa ván, tháng hai đóng thuyền.
Tháng ba chở gạo mà chuyên,
Tháng tư hành thuyền rải rác nơi nơi.

(“Vè lưu thông đường ghe”).

(Lê Công Lý)



Một số từ ngữ cổ hiện nay vẫn còn dùng - 1

Từ thời xa xưa, ngôn ngữ Việt Nam đã rất đa dạng, phong phú. Nhất là những từ ngữ cổ bởi chúng có thể diễn tả sâu sắc nội tâm của con người, diễn tả chi tiết về sự vật, hiện tượng. Cho đến ngày nay, chúng vẫn tồn tại nhưng lại thường bị mất nghĩa hoặc bị hiểu sai. Dưới đây là một số từ cổ tưởng chừng vô nghĩa nhưng lại có ý nghĩa rất bất ngờ và thú vị.


Chúng ta vẫn thường nói, em yêu dấu, ‘yêu’ thì hiểu rồi, nhưng ‘dấu’ nghĩa là gì? ‘Dấu’ là một từ cổ, sách Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của giảng: ‘dấu’ nghĩa là ‘yêu mến’. 

(Nguyễn Lương Thịnh)



Khâm Thiên

Ở Hà Nội còn một đường phố mang tên Khâm Thiên, sau có một thời là nơi chốn hát ả đào, cô đầu mà Tản Đà, Trần Tế Xương thường lui tới để vào văn học sử. 

Thời Hậu Lê, đó là cơ quan Khâm Thiên Giám làm việc, tức các quan văn xem thiên văn cho nhà nông cầy cấy.



Một số từ ngữ cổ hiện nay vẫn còn dùng - 2

Từ điển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes (1651) cũng giải thích ‘dấu’ là một từ cổ để chỉ sự thương yêu. Ông cho ví dụ: Thuốc dấu là ‘bùa để làm cho yêu’.

Tục ngữ Việt Nam nói ‘Con vua vua dấu, con chúa chúa yêu’, còn Hồ Xuân Hương trong bài thơ Cái quạt giấy (bài hai) thì viết ‘Chúa dấu vua yêu một cái này’. 


Có thể thấy, ‘dấu’ và ‘yêu’ là hai từ có ý nghĩa tương đương, ngày xưa dùng hai từ độc lập, nhưng bây giờ ta có thể thấy từ ‘yêu’ vẫn còn được viết hay nói một mình, còn từ ‘dấu’ thì không ai dùng một mình nữa

(Nguyễn Lương Thịnh)



Mã tà

Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) là một nhân chứng của thời kỳ Pháp xâm chiếm Nam Kỳ. Văn thơ của ông ghi lại được nhiều sinh hoạt xã hội đương thời. Chẳng hạn như bài Hịch sĩ phu kêu gọi chống Pháp (vào khoảng năm 1875) có câu : 

" …Vài kẻ toan đường mại quốc, xui mã-tà, ma-ní, loạn Trung Hoa nên thả tượng một ngả - Giận những người bày giả danh, dối rằng Nguyễn, rằng Lê, báo thiên hạ nghĩ nên rồng năm vẻ…". 


Từ điển của Huỳnh Tịnh Của nói đến ma-tà”, nghĩa là người lính canh tuần, tiếng Mã Lai. Năm 1931, “mã-tà” trở thành người lính cảnh sát ở Nam kỳ, gọi theo tiếng Mã Lai – theo Việt Nam tự điển, Khai Trí Tiến Đức.


(Nguyễn Dư – Chimviet.free.fr)



Nguyễn Trọng Thuật với Nam Phong - 1

Vũ Ngọc Phan trong Nhà Văn Hiện Đại nhận xét chung về Nguyễn Trọng Thuật khá tinh tường như sau: “Nguyễn Trọng Thuật là nhà văn có cái chí hướng và lúc nào cũng muốn cho văn chương Việt Nam có cái đặc tính Việt Nam. Người ta có thể căn cứ vào câu này để kết luận về những tác phẩm của Nguyễn Trọng Thuật: tư tưởng ông như thế, nên những cái gì ông viết, ông cũng muốn cho nó có cái đặc tính Việt Nam.


Có điều chúng ta nên biết là Đông Dương Tạp Chí chưa có truyện dài do người Việt Nam soạn và Nam Phong Tạp Chí cũng phải đợi đến khi Quả Dưa Đỏ của Nguyễn Trọng Thuật ra đời mới có truyện dài do người Việt Nam viết để đăng báo, còn trước kia người ta chỉ đăng toàn tiểu thuyết dịch, thỉnh thoảng mới có một vài truyện ngắn được viết. Như vậy, trong buổi đầu thật rất có ít người nho học lại có óc sáng kiến như Nguyễn Trọng Thuật”.


Riêng độc giả miền Bắc, biết về Nguyễn Trọng Thuật nhiều hơn cả qua tác phẩm Quả Dưa Đỏ. Quả Dưa Đỏ cũng như Tố Tâm được coi như những truyện dài đầu tiên mang sắc thái của nền văn học mới xây dựng bằng chữ quốc ngữ.



Bên lề chữ nghĩa 

Hà Nội những điều nhỏ bé bạn nên làm khi…”quởn”

Ăn vặt ngõ Tạm Thương

(Nguồn: Tôi đi đâu)



Nguyễn Trọng Thuật với Nam Phong - 2

Sự thực hai tác phẩm kể trên không phải là những truyện dài đầu tiên chịu ảnh hưởng cấu trúc tiểu thuyết Âu Tây trong văn học Việt Nam. Trước đó ở trong Nam có nhiều tác phẩm truyện dài ra đời như truyện Thầy Lazazo Phiền của Nguyễn Trọng Quản in năm 1887, Hà Hương Phong Nguyệt của Lê Hoằng Mưu xuất bản năm 1912. Ngoài ra còn nhiều tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh cũng xuất hiện khá sớm nhưng nghệ thuật kể chuyện tới Quả Dưa Đỏ và Tố Tâm được coi như hoàn chỉnh hơn cả, nên các nhà nghiên cứu thường lấy hai cuốn này làm mốc để nghiên cứu sự phát triển của tiểu thuyết mới.


Quả dưa đỏ là chuyện mượn tích cũ trong Lĩnh Nam Chích Quái để chứng minh luận đề cái gì ta được hưởng ở kiếp này là do tiền kiếp, do thiên mệnh, sự cố gắng của bản thân mà có chứ không phải do người khác ban cho. Câu chuyện Mai An Tiêm và sự tích dưa hấu đã được chép trong tập truyện cổ Lĩnh Nam Chích Quái nhưng Nguyễn Trọng Thuật đã hư cấu thêm nhiều chi tiết để biến thành một tiểu thuyết phiêu lưu theo kiểu “Robinson Suisse” (The Swiss Family Robinson) của Johann David Wyss. Tác phẩm của Wyss kể một gia đình bị đắm tàu lạc vào hoang đảo.


Nhận định về giá trị của tác phẩm, bà Phạm thị Ngoạn trong một luận án về Nam Phong đã có nhận xét: “Bố cục theo kỹ thuật Tây Phương, tiểu thuyết phiêu lưu này giới thiệu các nhân vật thật điển hình, do đó người ta đã coi như một luận đề tiểu thuyết.

Mặc dù có những đoạn dài như độc diễn khiến cuộc đàm thoại nặng nề, nhưng không ai phủ nhận giá trị văn chương của cuốn Quả Đưa Đỏ. Tuy thời đó không gây được nhiều tiếng vang và không được coi như khuôn mẫu, cuốn tiểu thuyết này cũng đã vượt xa những tác phẩm khác, vì điển hình cho một loại tư tưởng và một thể văn dung hòa cả tân lẫn cựu.”



Đừng tưởng 

Đừng tưởng khó nhọc gian lao.. 

Vượt qua thử thách tự hào lắm thay

(Bùi Giáng)



Vũ Bằng: nghệ thuật viết chân dung

Nhà văn, nhà báo Vũ Bằng sinh năm 1914, mất năm 1984, quê gốc ở Hải Dương, mảnh đất vốn được mệnh danh là  “địa linh nhân kiệt”. Sinh ra trong một gia đình Nho học nổi tiếng, Vũ Bằng đã đứng vững trên mảnh đất Việt giàu văn hiến để tiếp thu một cách sáng tạo những tinh hoa của văn hóa phương Tây trong  “cuộc biến thiên” của lịch sử văn hóa dân tộc. 

Từ nhỏ đã theo học trường Albert  Sarraut  - một trường trung học của người Pháp nổi tiếng toàn Đông Dương thời đó, Vũ Bằng  đã nhanh chóng tiếp cận văn hóa phương Tây và nghề viết báo, một nghề hoàn toàn mới lạ đối với trí thức Việt Nam hồi đó. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, 16 tuổi, Vũ  Bằng đã say mê viết văn, viết báo và đã là cộng tác viên cho những tờ báo nổi tiếng lúc đó như tạp chí Hữu Thanh và nhật báo Trung Bắc Tân Văn, v…v…. 


Kết thúc tập sách Bốn Mươi Năm Nói Láo, Vũ Bằng đã có những lời thật tâm huyết, “thật là Vũ Bằng”: “Tôi biết rằng nếu một ngày kia, trời xử phiên án cuối cùng, hỏi tôi nếu cho trở lại làm người thì sẽ làm gì, tôi cũng sẽ nói không cần suy nghĩ gì hết và chỉ trả lời một câu: Người mẹ nào sinh ra con lại chẳng muốn cho con sau này ăn nên làm ra, có vai có vế, nhưng mẹ ơi, con đành chịu tội bất hiếu với mẹ: nếu trở lại làm người, con cứ lại xin làm báo”


Với một lối diễn tả giản dị, thân mật, chan chứa tính cách trào lộng, Vũ Bằng đã phác lại thật độc đáo, thật linh động, những khuôn mặt của mấy thế hệ làm báo, những nhân vật nổi danh một thời, hoặc chết đi, hoặc còn sống, hiện có mặt  ở đây hay nơi khác. Những nhân vật này lần lượt xuất hiện mỗi người hiến cho độc giả một vài mẩu chuyện vui có, buồn có, nhưng thật mới lạ. Cho nên có thể nói, đọc “Bốn mươi năm nói láo” chẳng  khác đọc lịch sử báo chí xứ này trong vòng già nửa thế kỷ 20.

 

Đó chính là nói về biệt tài viết chân dung nhân vật của Vũ Bằng. Thể loạChân dung văn học là hoàn toàn mới trong làng văn làng báo VN. Vì thế, có thể nói rằng, Vũ Bằng chính là một trong những người đi tiên phong trong thể loại chân dung văn học với những trang viết  độc đáo về những nhà báo, nhà văn VN đầu thế kỷ như: Nguyễn Văn Vĩnh, Phùng Tất Đắc, Ngô Tất Tố, Vũ Đình Long, Tam Lang, Vũ Trọng Phụng, Thâm Tâm, Nguyễn Tuân. 


(Đỗ Ngọc Thạch)



Tướng mạo con người qua ca dao, dân ca

Đàn ông mà kém bộ râu
Văn chương cũng dở, công hầu đừng mong



199 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ 

Hoài Nam: Xin chị Túy Hồng kể vài chuyện vui nhỏ trong thời bắt đầu làm văn chương.

Túy Hồng: Thuở ban đầu, tôi  gửi đăng báo  Phổ Thông hai mẩu chuyện khôi hài.  Nhà thơ Nguyễn Vỹ cho lên báo liền.  Báo phát hành ra tới Huế, một chàng đi xe đạp ngang nhà, ném qua hàng rào cái thư ngắn :

Cô Tuý Hồng,

Tui đã đọc hai mẩu chuyện khôi hài của cô đăng trên báo Phổ Thông của nhà thơ Sương Rơi Nguyễn Vỹ.  Tui đã cạy miệng ra cười mà không nổi. Tui xin cảm phục lòng can đảm cô đã dám đem hai mẩu vụn khôi hài vô duyên, buồn thiu, thiếu muối đó lên mặt báo. Tui xấu hổ đã ở cùng xóm với cô trên con đường Phan Chu Trinh trông xuống dòng sông An Cựu.

Ký tên:  Vô danh


Chị em tôi ai cũng đọc Phạm Cao Củng, Đoan Hùng - Lệ Hằng với trí phục thù… nên người nào cũng có ít nhiều óc trinh thám, nhưng cái thư này thì bị dấu nhẹm.  Sau đó, tôi gửi đăng truyện ngắn “ Bát Nước Đầy” và không bị gửi thư nặc danh. 

Hoài Nam:  Khi viết văn, chị thường chọn đề tài nào, và có ý chuyển đạt một vấn đề nào ?

Túy Hồng:  Một nhà văn nữ dễ thương không nên lạm dụng ngòi bút viết về cái tôi nhiều quá.  Trong quá khứ, nhóm nhà văn chống cộng Sáng Tạo đã bị chỉ trích “tự đặt mình lên trang mà thờ,” bị bắt bẻ “lấy cái tôi làm đề tài”.  Chọn đề tài, chọn đề thì dễ, nhưng có sức để viết cái đề ấy mới khó. 


Nhà văn Việt Nam, từ thời “hậu Genève” 1954 đến thời kỳ “hậu mất Saigon” 1975, nói theo nhà văn Mai Thảo “đã đem ngọn lửa văn hoá loé sáng vượt biên vào Nam và vượt biển sang Mỹ,, và sự thật  thì ngọn lửa văn hoá họ đốt lên ở Mỹ mỗi ngày một leo lét. Nhìn chung, chỉ có sự làm mới từ ngữ thôi, và nhìn riêng về phái nữ thì các nhà văn trẻ viết bạo quá! 

 

(Hoài Nam phỏng vấn nhà văn Túy Hồng)



Tục ngữ hiện đại, thành ngữ hiện thực

Gái gú là phù du,

Thầy u là vĩnh cửu.



Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như - 1

Trong xã hội phong kiến xưa, Tiểu Thanh phải đợi đến hơn ba trăm năm sau mới có một người tri kỷ như Nguyễn Du khóc mình, nên câu hỏi của Nguyễn Du không phải là không duyên cớ. 

Đạo Phật có thuyết "vô thường, vô ngã", giải thích rằng mọi vật đều thay đổi từng sát na. Không có cái gì, kể cả "cái tôi, cái ta" là trường tồn, bất biến. Chúng sinh khổ vì bám víu vào bản ngã, vào "cái tôi, cái ta". Một người tinh thông Phật học như Nguyễn Du mà lại thắc mắc đời sau ai sẽ khóc "cái tôi" của Tố Như sao?  
Chẳng lẽ Nguyễn Du lại tự kiêu, tự đại đến mức quên cả giáo lí của Phật? Nếu Nguyễn Du chưa "phá giới", thì câu thơ "khấp Tố Như" phải được hiểu như thế nào?

 
Xin bàn về cụm từ "khấp Tố Như".  
Từ trước đến nay, các nhà nghiên cứu đều tự động viết hoa hai chữ Tố Nhưhiểu rằng đó là tên tự của Nguyễn Du.  
1) Bản thân chữ Hán không có chữ hoa, chữ thường, chấm, phẩy như chữ quốc ngữ. Vậy thì trước hết hãy thử viết "thiên hạ hà nhân khấp tố như" một cách bình thường. "tố như" không viết hoa, không còn được hiểu là tên tự của Nguyễn Du. 
Nhưng, "khấp tố như" là... khóc ai, khóc cái gì?  
2) Thi nhân ngày xưa có thú chơi chữ bằng cách chiết tự. Một thí dụ được nhiều người biết là nhà của họ Hồ (Hồ Xuân Hương) được đặt tên là Cổ Nguyệt đường. Chữ Hồ chiết tự thành chữ Cổ + chữ Nguyệt


(Nguyễn Dư)



Tướng mạo con người qua ca dao, dân ca

Những người ti hí mắt lươn
Trai thì trộm cướp, gái buôn chồng người



Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như - 2


Nguyễn Du cũng có tài chiết tự. Rất có thể là chữ “như’’ đã được Nguyễn Du chiết tự:  
Như = Nữ + KhẩuTố như chiết tự thành tố nữ khẩu
Tố nữ là người con gái đẹp. Phàm cái gì nhan sắc mộc mạc cũng gọi là tố cả (Hán Việt Tự Điển, Thiều Chửu). 


Tố nữ khẩu là "miệng người con gái đẹp". Hiểu nghĩa rộng "những lời nói của người con gái đẹp". Nguyễn Du muốn ám chỉ những câu thơ giãi bày tâm sự  của nàng Tiểu Thanh xinh đẹp chăng? 
Bất tri tam bách dư niên hậu, 
Thiên hạ hà nhân khấp…"tố nữ khẩu"? 


Ba trăm năm sau khi Tiểu Thanh chết, Nguyễn Du ngậm ngùi đọc những lời tâm sự của nàng trong Phần Dư Cảo. Bài thơ Độc Tiểu Thanh Ký của Nguyễn Du trước sau chỉ xoay quanh chuyện "hồng nhan bạc mệnh". Nguyễn Du không vô duyên, đang nhớ Tiểu Thanh lại quay sang thắc mắc đời sau… ai sẽ khóc mình.  
 
(Nguyễn Dư)



Những khuất lấp thời Hồng Bàng thị

Vì sử thần Ngô Sĩ Liên mới có Hùng Vương, người sau lại gán ghép thêm Việt Nam với 4.000 năm văn hiến. Nhưng khổ nỗi, tiếng Nôm ta xưa không có chữ nào tương đồng với chữ “văn hiến” này cả. Khởi đầu từ thời vua Trần Dụ Tông, vua Minh tặng cho sứ thần Dõan Thuấn Thuần bốn chữ “Văn hiến chi bang”, mục đích để nâng sứ thần nước ta trên sứ thần Triều Tiên ba cấp. 

Đến thế kỷ 15, trong phần đầu bài Bình Ngô Đại Cáo, cụ Nguyễn Trãi viết “Duy ngã Đại Việt chi quốc, thực vi văn hiến chi bang”, nghĩa  là “Như nước Việt ta từ trước, vốn xưng văn hiến đã lâu”. Cụ Trần Trọng Kim là kẻ sĩ cuối trào Nguyễn, cụ là nhà nho cổ võ cho nho phong sĩ khí, dựa vào Bình Ngô Đại Cáo để có câu lạc đường vào sử học hôm nay: Việt Nam 4000 năm văn hiến.


Vậy thì Việt Nam ta có 4.000 năm văn hiến hay chăng.

Theo giáo sư sử học Trần Quốc Vượng nhờ tìm ra Đại Việt Sử Lược hay Việt Sử Lược viết vào thế kỷ 14, ông dịch sang Việt ngữ mới hay biết vua Hùng lập quốc khoảng 700 năm trước CN, vào đời Chu. Cộng chung 2.700 năm chứ không phải 4.000 năm.


Ao nghiên ruộng chữ: người trăm năm cũ

Thể văn “Ký sự” 



Thượng Kinh Ký Sự - Hải Thượng Lãn Ông

Thượng Kinh Ký Sự: Ký sự lên kinh viết bằng chữ Hán của nhà danh.văn Lê Hữu Trác, biệt hiệu: Hải Thượng Lãn Ông (1), có nghĩa là: Ông già lười Hải Thượng. Đây là một thiên phóng sự duy nhất của văn học Việt xưa viết về người thật, việc thật với cách hành văn giản dị, tinh tế, sinh động.



Tập ký sự này mở đầu lúc Lê Hữu Trác đang sống ở Hương Sơn (Hà Tĩnh), thì bỗng có chỉ triệu ra kinh chữa bệnh cho chúa Trịnh Sâm và thế tử Trịnh Cán. Khi ấy, ông đã 62 tuổi. Trên từng chặng đường, tác giả vừa mô tả phong cảnh, vừa bộc lộ tâm trạng của mình. Đến kinh đô, tác giả tiếp tục mô tả quang cảnh ở đó, nhất là trong phủ chúa Trịnh, nơi xa hoa và quyền uy. Ngoài ra, ông còn kể việc tiếp xúc của mình với các nho sĩ và những người thân quen xưa. Sau gần một năm sống giữa kinh đô Thăng Long, lấy cớ người nhà ốm nặng, Lê Hữu Trác xin phép về lại quê nhà Hà Tĩnh. Về nhà năm 1782), đến năm 1783 thì ông viết xong Thượng Kinh Ký Sự. Ông mất ở quê nhà năm  1791 (sinh năm 1720).


Nhà văn học Nguyễn Huệ Chi viết: đất Thăng Long, nơi có cuộc sống của kinh đô ngàn năm văn vật xưa cũ... và cũng chính nơi mà Lê Hữu Trác đã sống suốt cả một quãng đời trai trẻ... Bởi vậy, ông có cái nhìn qua những kỷ niệm thân thương ngày xưa, thì niềm trìu mến của ông bỗng dâng tràn. Lúc ấy, ngòi bút của ông vượt khỏi cái nhìn đầy rung cảm, trữ tình. Hai mặt hiện thực và trữ tình quyện chặt với nhau làm thành một phong cách độc đáo của Thượng kinh ký sự


(1) Hải Thượng là hai chữ đầu của tỉnh Hải Dương và phủ Thượng Hồng quê cha và cũng là xã Bầu Thượng quê mẹ. "Lãn ông" nghĩa là "ông lười", ngụ ý lười biếng, chán ghét công danh.



Sự tích chúa Chổm - 1

Trong giáo trò của vở chèo Chúa Chổm có câu:
Nam Bắc Tây Đông
Rối tinh canh hẹ, Nam Bắc Tây Đông


Phần giáo trò (giáo đầu hay mở đầu) tóm tắt bối cảnh vở chèo: Chuyện xẩy ra khi Mặc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê. Nguyễn Kim, công thần nhà Lê lập bản doanh tại châu Sầm Nứa (Ai Lao) cùng con rể là Trịnh Kiểm đi tìm con út vua Lê Chiêu Tông, tên Duy Ninh, tức chúa Chổm
, tôn làm vua, năm 1533, tức Lê Trang Tông. Đó là huyền thoại dân gian, chính sử không nói gì đến chúa Chổm. Nhà Lê Trung Hưng lên từ đấy, nhưng đồng thời đất nước bắt đầu "rối tinh canh hẹ" trong cuộc nội chiến tương tàn.


Mẹ Chổm ngày trước "bán rượu" ở kinh thành, một đêm, phận hèn may (hay rủi) gặp vua, xong "việc", vua trao cho nàng ấn tín xác nhận hành vi. Sau 10 năm, đúng lúc đại thần Nguyễn Kim đang truyền lệnh tìm và Chổm lên ngôi vua.


(Nguyễn Huy Thiệp)



Ao nghiên ruộng chữ: người trăm năm cũ 

Phủ chúa Trịnh

Phủ chúa Trịnh:, nơi lắm xa hoa và quyền uy. Có thể nói, đây là những hình ảnh rất sống động mà ở vào thời ông sống chưa có nhà văn nào thực hiện được: đó là những ký sự đặc sắc và những sử liệu chính xác về sự sa hoa của phủ chúa Trịnh.

Theo Hải Thượng Lãn Ông tả trong Thượng Kinh Ký thì:

“Tôi ngẩng đầu lên coi thì bốn phương tám mặt, nơi nào cũng cây cối um tùm, chim kêu hoa nở, gió thoảng hương đưa. Những hành lang, những bao lơn bước bước đều liên lu, nơi nơi đều cân đối. Kẻ gác cửa có việc gì thì truyền báo, kẻ công dịch qua lại như mắc cửi. Tôi thầm nghĩ: Mình vốn là công gia tử đệ, sinh trưởng ở kinh đô, mọi chốn trong Cấm thành đều thông thuộc; duy sự thể trong phủ chỉ được nghe nói thôi, mới hay cái giàu sang của nhà vua chẳng phải tầm thường vậy. 


Qua dẫy hành lang về phía tây dến một ngôi nhà lớn, vừa cao vừa rộng, hai bên để hai cỗ kiệu ngự, những đồ nghi truợng đều chạm trổ thiếp vàng; ở gian giữa kê cao một cái sập ngự trên sập treo một cái võng điều.


 

(Phủ chúa Trịnh)


Trước sập và hai bên sập có kê kỷ án, đồ đạc chẳng thường thấy ở nhân gian. Tôi chỉ liếc mắt trông qua, cúi đầu mà đi. Lại đi qua một cái cửa nách nữa thì đến một cái gác cao rộng. Trong gác những giường cột từ trên xuống dưới đều sơn son”. 



Sự tích chúa Chổm - 2

Theo Long Điền Nguyễn Văn Minh, trong bài nghiên cứu "Chúa Chổm là ai? Cấm Chỉ là gì?" thì huyền thoại Chúa Chổm và phố Cấm Chỉ ở Hà Nội không liên lạc gì với nhau. 


Về Chúa Chổm, ông viết: "Xét nhà Lê Trung Hưng từ năm Quý Tỵ (1533) đóng hành điện ở châu Sầm Gia (Ai Lao), sau Trịnh Kiểm thiên ra Vạn Lại (Thanh Hoá), mãi đến năm quý tỵ (1593) mới về được Thăng Long, tức là cách 60 năm tròn. 

Trong 60 năm, trải bốn đời vua: Trang Tông, Trung Tông, Anh Tông và Thế Tông. Tháng 4 năm ấy, xa giá vua Thế Tông mới tới Thăng Long: như vậy mà bảo Lê Trang Tông là Chúa Chổm, thực không đúng. Trang Tông mất ở Vạn Lại năm 1548, đến năm 1593 triều đình mới về được Thăng Long, cách nhau 45 năm trường". 



5 cửa ô Thăng Long xưa 

Đọc Thượnh Kinh Ký Sự ta mới biết 5 cửa ô chính là các cửa của thành đất bao bọc quanh kinh thành Thăng Long. Ra vào kinh thành tất phải qua cửa ô. Ban đêm, tại các cửa ô đều có tuần phiên canh gác, kiểm soát sự ra vào kinh thành. 

Vào đời Lê Hiển Tông (1740 - 1786), phần lớn đều được xây bằng gạch rất chắc chắn và không đóng một nơi nhất định mà mỗi thời đều có khác nhau, tuỳ tình hình đắp luỹ bố phòng. Tên gọi “cửa ô” mới được dùng từ thời chúa Trịnh Doanh 1749, từ bức tường lũy thời Mạc. Một số văn bản chữ Hán đã dùng từ “ổ môn” để gọi các cửa ô, với chữ “ổ” nghĩa là lũy, ụ. 


Bản đồ Hà Nội 1885 do người Pháp lập năm 1902, được ghi chú chữ quốc ngữ và hình vẽ dưới đây. Về hình thức, các cửa ô có hai loại: Loại cửa vòm và lầu gác bên trên (có thể xây thành lối tam quan như Ô Quan Chưởng và loại chỉ có hai trụ biểu cùng hai cánh cổng gỗ mở vào.


     


Năm 1782, Lê Hữu Trác lên kinh qua tả cửa ô Cầu Dền như sau:

"…Tôi thấy một cái thổ thành không cao lắm, kế bên có một dãy tường nhỏ, trên mặt tường ngựa đi được; phía ngoài là hàng rào tre dày đặc, dưới hàng rào có hào sâu, trong hào thả chông, mười phần kiên cố. Ba tầng vọng canh được thiết lập nơi đây, tầng nào cũng có quân lính đứng thành hàng hai bên, đao thương xán lạn, hào quang như tuyết. Lính giữ cửa thấy bọn tôi đi có mang binh khí, xét hỏi thật nghiêm ngặt, đến khi biết rõ đầu đuôi, lại nhận thấy dấu hiệu áo lính trấn thủ đất Nghệ An mới để cho đi…".


Về ô Chợ Dừa, ghi chép trong Thượng Kinh Ký Sự: 

"…Một cái thành đất không cao lắm. Bên cạnh là tường nhỏ, trên mặt tường là đường xe ngựa đi, ở mé ngoài hàng rào che kín mít. Dưới chân tường là hào sâu. Trong hào thả chông xem ra rất kiên cố. Thành có ba vọng canh, nơi nào cũng có lính sắp hàng, gươm súng sáng quắc…".



Cửa ô Thăng Long - Hà Nội xưa

Thời Nguyễn theo một số sách cũ để lại có đến 16 cửa ô được dựng lên vào đời Lê Hiển Tông (1740 - 1786), vào khoảng năm 1749, phần lớn đều được xây bằng gạch rất chắc chắn và không đóng một nơi nhất định mà mỗi thời đều có khác nhau, tuỳ tình hình đắp luỹ bố phòng. 

Theo nhà sử học Trần Huy Bá trích bản đồ Hà Nội nǎm Minh Mạng 12 (1831) thì Hà Nội có 16 cửa ô, đặt tên theo làng theo tổng. Mỗi cửa ô thời ấy có lẽ là một chiếc cổng ngày mở đêm đóng bởi mỗi phường như một làng, khép kín, có cây có rào, có tuần đinh canh phòng.


Sách Bắc thành dư địa chí soạn hồi đầu thế kỷ XIX cho biết Hà Nội có 21 cửa ô. Đến năm 1831, khi hai ông Lê Đức Lộc và Nguyễn Công Tiến dựng bản đồ Toà thành Hà Nội, đã ghi lại vị trí và tên 16 cửa ô. (1)

(1) tên gọi “cửa ô” mới được dùng từ thời chúa Trịnh Doanh 1749, từ bức tường lũy thời Mạc. Một số văn bản chữ Hán đã dùng từ “ổ môn” để gọi các cửa ô, với chữ “ô” nghĩa là lũy, ụ. 


Phần lớn các cửa ô đều thông ra sông Hồng: ở phía tây có 2 cửa, phía nam có 3 cửa, ra sông Hông có 11 cửa. Đó là vì các cửa ô chính là các cửa của tòa thành đất bao bọc quanh kinh thành Thăng Long. Ra vào kinh thành tất phải qua cửa ô. Ban đêm, tại các cửa ô đều có tuần phiên canh gác, kiểm soát sự ra vào kinh thành. Song thời đó đường giao thông nối Thăng Long với bốn phương là đường sông, cho nên dọc sông Hồng có nhiều bến, phố xá đông đúc, nhiều hiệu buôn lớn của người Việt và người nước ngoài tập trung ở đây. Vì vậy, phải mở nhiều cửa ô để đi lại được dễ dàng.



Khoa cử thời xưa

Nguyễn Khuyến có câu đối viếng Tú Xương:

Kìa ai chín suối xương không nát
Có lẽ nghìn thu tiếng vẫn còn

Tú Xương (1870-1907) lận đận với thi cử, ông làm bài thơ Phận Hẩm Duyên Ôi:

Đỗ suốt hai trường, hỏng một tôi

“Tế” đổi ra “Cao” mà… chó thế


Năm 1903, Tú Xương đổi chữ lót “Tế Xương” ra “Cao Xương” nhưng vẫn hỏng.

Tế” đổi ra “Cao” mà… chó thế!

“Kiện” trông ra “Tiệp” hỡi trời ơi…




Mà chó thật, vì từ câu “Đỗ suốt hai trường hỏng một tôi” cho thấy Tú Xương hỏng ngay từ trường hai vì nhầm chữ “Kiện” với chữ “Tiệp” vì nạn trường quy. 

(Trường thi Nam Định)


Nhờ câu thơ trong bài Buồn Vì Hỏng Thi: "Tám khoa chưa khỏi phạm trường quy!", câu này cho thấy ít nhất khoa thứ 8, gần nửa đời người cho thi cử ở trường thi Nam Định, có đất Vị Xuyên quê ông, ông lại phạm trường quy một lần nữa khoa thứ tám này là  năm 1906. Năm sau ông mất (1907).



Thăng trầm chữ Việt

Ngược dòng chữ Việt

Chúng ta đều biết chữ Việt do những giáo sĩ phương Tây tới Việt Nam truyền đạo sáng tạo vào thế kỷ 17. Và người được vinh danh nhiều nhất là giáo sĩ Alexandre de Rhodes. Thực tế có phải Alexandre de Rhodes là người duy nhất sáng tạo chữ Việt? Không hoàn toàn như vậy.

Sáng tạo ra chữ Việt là công trình của nhiều người với mục đích ban đầu chỉ để truyền đạo. Theo Giáo sĩ  Đắc Lộ Và Tác Phẩm Quốc Ngữ Đầu Tiên của Nguyễn Khắc Xuyên, chữ Việt manh nha xuất hiện từ năm 1625-1626 trong một bức thư của giáo sĩ F. Buzomi, người Ý. Năm 1627, giáo sĩ Baldinotti đã xuất bản một bản Điều Trần Về Xứ Đàng Ngoài có ghi một vài chữ quốc ngữ. Năm 1631, trong quyển Điều Trần Về Xứ Đàng Trong của giáo sĩ Cristoforo Borri, người Ý, đã xuất hiện nhiều câu quốc ngữ hơn .


Tuy nhiên, công lớn lại thuộc về các giáo sĩ Bồ Đào Nha. Giáo sĩ được đương thời coi là “thầy tiếng Việt” là Francesco de Pina. Hai “học trò” của Pina được thừa nhận có công lớn là giáo sĩ Gaspar d’Amaral và Antonio Barbosa. Hai giáo sĩ này là người đầu tiên viết từ điển Việt – Bồ và Bồ – Việt. Hai ông sau khi rời Hội An, định cư ở Macau gần 10 năm. Không may Gaspar d’Amaral tử nạn trên biển Macau vào tháng 2-1646 khi trên đường đến Việt Nam. Antonio Barbosa cũng mất một năm sau đó.

Trước khi giáo sĩ Gaspar d’Amaral và Antonio Barbosa mất, họ để lại trong nhà thờ San Pauli ở Macau những quyển từ điển Việt – Bồ – Latin mà họ đã sáng tạo. Và giáo sĩ Alexandre de Rhodes là người mang từ điển đó về châu Âu . Đến năm 1651, quyển Từ điển Việt-Bồ-La ra đời dưới tên tác giả Alexandre de Rhodes. 


Và đây là cuốn từ điển tiếng Việt đầu tiên xuất hiện và ông Đắc Lộ (tên tiếng Việt của Alexandre de Rhodes) được công nhận là người có công trong việc sáng tạo chữ Việt.


(Trần Nhật Vy)



Một lần tới thủ đô

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài...

Đầu tháng năm năm ngoái, tôi có dịp theo đoàn nghệ thuật Q. (nơi tôi đang công tác) ra Hà Nội để tham gia hội diễn toàn quân. Ðoàn tôi xuống sân bay Nội Bài vào buổi cuối chiều. Hà Nội đã vào Hạ, nhưng chưa nóng gay gắt như Sài Gòn, thời tiết dịu dàng, vô cùng dễ chịu. Trên con đường cao tốc rất đẹp và hiện đại nối sân bay với nội đô, không nhiều xe cộ nối nhau lao vun vút, thỉnh thoảng có những bác nông dân tỉnh bơ dắt trâu đủng đỉnh băng qua đường. Hai bên đường, những thửa ruộng lúa chín vàng trải dài, cách quãng lại có những tấm biển khổng lồ, quảng cáo điện thoại di động hay băng vệ sinh, biểu hiện của một thành phố thời hiện đại. Về tới nội thành, trời đã tối hẳn, đoàn chúng tôi nghỉ tại một nhà khách quân đội ở đường Tầu Bay. Tối hôm đó tôi cứ trằn trọc, chỉ mong tới sáng để đi thăm thú thủ đô. Tất cả những vẻ nên thơ, những địa danh nổi tiếng, những món ăn bất hủ của Hà Nội, thực ra tôi đều đã biết, nhưng là biết qua tưởng tượng, qua những tập bút kí, những đoạn tản văn viết về Hà Nội. 

Ôi những cây bàng lá đỏ, ôi Hồ Gươm, Tháp Rùa, ôi Hồ Tây lộng gió, ôi hoa sữa đường Nguyễn Du bên hồ Thiền Quang thơ mộng... Ôi... Ôi... Ôi... Chưa kể các món ăn. Người Hà Nội sành ẩm thực lắm, nào phở, nào bún ốc, nào chả cá Lã Vọng..., 

Nghĩ tới tôi cứ ứa nước dãi. 

(Vương Văn Quang)



Ngôn ngữ: thói “ăn” nếp “ở” 

của người Việt qua cách nói 

Ăn đứng đầu tứ khoái. Ăn cho sướng miệng cái đã, mấy chuyện khác tính sau. Ở đâu lúc nào, một mình hay nhiều mình, cũng thấy ăn. Thui thủi, trơ trọi ở nhà, lục lọi coi có cái gì ăn cho đỡ buồn. Ra đường, đi chơi hay lo việc, trước hay sau gì cũng phải kiếm cái gì dằn bụng. Ăn sáng, ăn trưa, ăn chiều, ăn tối... Vì vậy, trong tiếng Việt có vô số động từ đôi đi chung với "ăn". Điểm này không thấy có trong ngôn ngữ của các dân tộc khác.

Nhưng "ăn" nhiều khi lại không có nghĩa là "ăn", mới lạ! Tụ họp đình đám, lễ lạt giỗ tết, người mình nói "ăn cưới", "ăn tết", "ăn giỗ", "ăn cúng", "ăn đám ma", … Giống như "ăn" trong "ăn khín", "ăn chực", cũng là "ăn", nhưng hàm ý không mấy tốt, tới ăn không ai mời, hoặc có mời nhưng sau đó lại nhiếc móc sau lưng: "Cái thằng đó ưa tới nhà mình nhằm giờ cơm để ăn khín mà không biết mắc cỡ!" Nhưng "ăn chực" trong thành ngữ "ăn chực nằm chờ" lại ngụ ý: kiên nhẫn chờ được giải quyết một vấn đề gì đó. 


Con cái, đặc biệt là con gái (vì thời xưa không được tới trường), được cha mẹ dạy cho "học ăn, học nói, học gói, học mở", để xử thế và giao tiếp. Nghĩ rộng, thấy bốn món "công, dung, ngôn, hạnh" được gói ghém gần như trọn vẹn trong đó. 

(Tới đây, người viết xin được mở dấu ngoặc, đặt dấu hỏi lớn về nghĩa đen và nghĩa bóng của cụm từ "học gói, học mở" trong thành ngữ này. Tự điển Việt ngữ có vài cách giải thích khác nhau, không biết thực hư ra sao?). 


Vậy, "ăn" khi đi chung với "nói" được hiểu là đối đãi, cư xử. Nhưng khi cặp kè với "nhậu", tuỳ theo cách nói, lại có nghĩa hoàn toàn khác: "Chuyện vợ chồng người ta không ăn nhậu gì tới mình, mình xía vô đâm ra mất lòng." Ở đây, không biết vì nỗi niềm trắc trở gì mà "ăn nhậu" cương quyết chia tay, không còn luyến tiếc chút dư vị nào của "ăn uống, nhậu nhẹt" nữa, để cải trang, đổi lớp thành "dính líu, dính dáng". Lạ, nhưng không lớn!


(Ngô Nguyên Dũng)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Người ta đã thống kê được rằng, cuộc đời một 

người đàn ông hầu hết gắn bó với chữ “ăn”.

Khi đã có vợ, sau một thời gian "ăn nằm" thì có khi "ăn năn đã muộn" và nghĩ rằng mình phải "ăn đời ở kiếp" với người này thì xem như "ăn khế trả vàng" hay đúng là số..."ăn mày".



Gia Định Báo 

Từ giai đoạn này trở đi, các nhà trí thức trẻ không ngừng trau dồi, phát triển và phổ biến nền văn học hiện đại Việt Nam. Năm 1954, quốc ngữ trở thành chữ chính thức của các cơ quan hành chính Việt Nam. Điều này đã khẳng định tiên đoán cũng như mong muốn của Trương Vĩnh Ký vào năm 1876 : « Chữ quốc ngữ phải trở thành chữ viết của nước nhà ».  
Văn phong Trương Vĩnh Ký lúc đầu  chưa phân biệt rõ nói và viết nên tính chất nôm na, khẩu ngữ khá đậm nét, hình thức mỹ thuật chưa đẹp .v.v... nhưng với nội dung giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phổ biến, cổ vũ chữ quốc ngữ, cung cấp những kiến thức, thông tin mọi mặt cho dân chúng. Gia Định Báo đã hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình, xứng đáng là  tờ báo tổng hợp có giá trị cao và tạo tiền đề cho báo chí Việt Nam phát triển .

Chữ  Quốc Ngữ phát triển sớm nhất tại Nam Kỳ vì tại Nam Kỳ, Nho học được bãi bỏ sớm nhất, quốc ngữ được sử dụng sớm nhất và ngành in ấn phát triển sớm nhất.
Cũng tại Nam Kỳ, tiểu thuyết đầu tiên xuất hiện năm 1887 là Truyện thầy Lazaro Phiền của P. J. B. Nguyễn Trọng Quản do nhà xuất bản J. Linage ấn hành năm 1887 tại Sài Gòn, trong khi ở Hà Nội, truyên Tố Tâm
của Song An Hoàng Ngọc Phách được ấn hành năm 1925. 
 

Gia Định Báo, những điều cần sáng tỏ 

 (Nam Sơn Trần Văn Chi)



Làm báo văn học ở hải ngoại 

I. Mai Thảo và tạp chí Văn tục bản tại Hoa Kỳ

Nằm ngay trung tâm ‘Tiểu Sàigòn’, khu building gồm nhiều phòng nhỏ, mỗi phòng được xem như một đơn vị gia cư (chỉ dành riêng cho người già). Cạnh cầu thang của tầng trên, phía dưới ba con số bằng đồng đã xỉn màu là hai chữ ‘Mai Thảo’ (có lẽ cắt ra từ tạp chí Văn) được dán phủ bằng băng keo trên cánh cửa gỗ nâu sẫm. Cánh cửa luôn đóng kín. Như một qui ước riêng, anh em thân thiết sẽ dễ dàng nhận biết ông có mặt bên trong hay không nhờ vào tấm màn cửa sổ (cạnh cửa chính) kéo ra phân nửa hay phủ kín toàn phần. Một đôi khi cần nghỉ ngơi hoặc không muốn tiếp ai, ông cũng dùng ‘qui ước’ đó thay lời tiễn khách.


Bên trong, một giường cá nhân kê song song sát tường nhìn ra cửa chính. Chỗ chân giường, một kệ gỗ thấp trên đặt vài ba chiếc cốc, cái phin lọc cà phê, chiếc ấm sắt cũ, gói mì ăn liền, phong bánh ngọt, cuốn sách, tập báo... Dưới gầm kệ: chiếc lò điện tuổi tác chắc không kém cái ấm nước, đôi dép da, cái máy hút bụi loại cầm tay... Bàn viết sau cửa sổ, trên mặt bàn, những trang bản thảo đang viết dở (thường là mục ‘sổ tay’) nằm ngay ngắn, thường trực, để có thể bất cứ lúc nào cũng cập nhật được những tin tức liên quan đến văn học, chính trị, thời sự trong chu kỳ một tháng. Trọn vì tường phía tay phải nhìn vào từ cửa chính là ba bốn hàng gạch chồng lên nhau, gác ngang qua bằng những tấm ván dài, kín đầy sách. Đa số sách tiếng Việt của văn hữu hoặc nhà xuất bản gửi tặng, xen kẽ vài mươi cuốn sách Pháp. Chiếc tủ lạnh loại cá nhân đặt gần cánh cửa nhỏ ngăn chia ‘phòng khách’ và buồng vệ sinh, phía trên hàng chục chai rượu đã uống cạn, một hai chai đang uống dở. Cạnh đó, chiếc TV 12 in. mở thường trực. Rải rác trên những mặt tường còn lại, nhiều chân dung (ảnh chụp, sơn dầu, phác thảo mực Tàu) của nhà văn do thân hữu thực hiện xen kẽ những ấn bản tranh Van Gogh, Gauguin,...


(Khánh Trường)


TTiểu sử: Khánh Trường tên thật: Nguyễn Khánh Trường. Sinh năm 11948 tại Quảng Ngãi, hiện định cư ở California. Khánh Trường là họa ssĩ, viết văn (chủ nhiệm, chủ bút tạp chí Hợp Lưu), làm thơ.

Tác phẩm: Chỗ Tiếp Giáp Với Cánh Đồng, Hai Mươi Năm Văn Học Hải Ngoại 1975-1995, Tác Giả Tác Phẩm, Chung Cuộc.


***


Phụ đính I


Những nhà văn nhà thơ khuất núi sau ngày 30-4

Mộ ký giả Dương Hùng Cường 

nơi đài Tưởng niệm Phóng viên ở Normandie - 1


Khu tưởng niệm nằm ở thị trấn Bayeux, cách bờ biển Normandie gần 10 cây số, nơi liên quân Anh và Canada đổ bộ vào ngày 6-6-1944. Vườn tưởng niệm do tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (Reporters sans Frontières) của Pháp thành lập. “Đây là đài tưởng niệm độc đáo nhất ở châu Âu,” trang web của RSF và của thị trấn Bayeux cho biết. Độc đáo không chỉ vì nơi dành riêng để tưởng nhớ công lao của những phóng viên xông pha lửa đạn và phải chết vì nhiệm vụ đưa tin; độc đáo còn vì vườn tưởng niệm xinh đẹp này nằm lặng lẽ bên cạnh nghĩa trang quân đội chôn cất gần 5,000 người lính Anh đã hy sinh trong Thế Chiến 2, và Bảo Tàng Trận Chiến Normandie.


Tôi đến Normandie đúng dịp kỷ niệm 75 năm đổ bộ Normandie, buổi chiều ngày 3-6 nhưng trời chưa tắt nắng. Lối vào khu vườn đã đổi sập bóng tối u u vì những hàng cây cao hai bên, đọc các tên tiếng nước ngoài trên vài tấm bia rồi về. Sáng hôm sau đi nữa. Lần này hết sức ngạc nhiên khi thấy trên 5 tấm bia có tên người Việt Nam.
 


(Hồ Đác Túc)



Những nhà văn nhà thơ khuất núi sau ngày 30-4

Mộ ký giả Dương Hùng Cường 

nơi đài Tưởng niệm Phóng viên ở Normandie - 2

Mỗi tấm bia đều khắc năm người phóng viên mất. Nhà báo Dương Hùng Cường, tác giả “Buồn Vui Phi Trường,” “Lính Thành Phố,” “Vĩnh Biệt Phượng,” còn ký tên Dê Húc Càn trên báo Con Ong, mất năm 1988. Tôi đến ngay tấm bia năm 1988thấy tên ông đầu tiên (xem hình), trên danh sách các phóng viên nước ngoài khác. Tôi đặt một hoa hồng trắng trên bia. Ngày ông thành danh, tôi chưa ra đời. Giờ đây, chữ nghĩa của ông còn lại không chỉ cho riêng tôi. Ông chết trong tù vì chữ nghĩa. Trên danh sách phóng viên thế giới của RSF (thejournalistsmemorial.rsf.org), 


Ký giả Dương Hùng Cường được khắc tên trên bia đá tại Đài Tưởng Niệm Phóng Viên (Mémorial des Reporters) nơi vùng Normandie của Pháp. 

(Ảnh: HĐT)


Cái chết của ông được viết như sau: “Died in prison, supposedly of a brain haemorrhage. Arrested by the government in 1975, free sometime between 1978 and 1981 then arrested again in 1984 with many other journalists.” (Chết trong tù, được cho là do xuất huyết não. Bị chính quyền bắt năm 1975, được thả đâu chừng từ năm 1978 và 1981 rồi đến năm 1984 bị bắt lại với nhiều nhà báo khác.” Trang web cũng ghi ông mất ngày 21 tháng 1 năm 1988.


Đằng sau tấm bia đá có một tác phẩm nghệ thuật bằng sắt đục rỗng một hình người xuyên suốt, bên cạnh có tấm bia sắt ghi tiếng Pháp và Anh, “Để tưởng nhớ những phóng viên đã mất tích.”


Các nghĩa trang quân đội ở Normandie đều là nơi chôn cất chung những người lính khác quốc tịch, có khi từng là kẻ thù. Như nghĩa trang quân đội Anh bên cạnh vườn tưởng niệm nhà báo, tuy có tên là British War Cemetery, nhưng bên cạnh gần năm ngàn bia mộ người lính Anh, còn có gần năm trăm bia mộ người lính Đức. 


Đài Tưởng niệm phóng viên cũng khắc tên các phóng viên chiến trường của cả hai miền nam-bắc Việt Nam trong chiến tranh Việt Nam. Những nấm mồ không phân biệt. Ba thước đất. Nơi vùng đất máu lửa này, bao nhiêu người chết, bao nhiêu người mất tích, 

có phương danh phóng viên Dương Hùng Cường miền Nam, cùng phương danh của các phóng viên miền Bắc. Các đài tưởng niệm đồng một kích cỡ, đồng một màu vàng nhạt thanh thản. Người chết, ở cả hai miền trong cuộc chiến, nay chỉ yên bình trên vùng đất xa xôi không phải quê mình.

(Hồ Đắc Túc - Normandie, 6.6.2019)


***


Phụ đính II


Họan quan

Bịnh nhân” được cho uống một thang thuốc mê gọi là ma phế thang. Bộ phận sinh dục được chà xác bằng nước ngâm ớt.
Cả dương vật và dịch hoàn được cắt "Xoẹt" một cái sát đáy. Một cái nút kim loại, được gắn ngay vào lổ dẫn nước tiểu. Vết thương được băng lại bằng giấy bản, bên ngoài quấn vải thật chặt.

(theo China.org

nguồn Hà Nguyên)


 



Người phụ trách việc thiến gọi là "Đao tử tượng" và con dao bén gọi là "Yêm đao".


Những đao tử tượng dìu người bị thiến đi quanh phòng ba giờ liền trước khi cho nằm nghỉ. Người bị thiến vừa đau đớn vừa khát nước vì mất máu, nhưng không được uống nước suốt 3 ngày để không cho tiểu tiện.
Sau 3 ngày, băng vải được cổi ra, và cái nút được rút ra. Nếu bịnh nhân đi tiểu được thì xem như thành công. Trái lại, nếu không đi tiểu được thì chỉ có nước chờ chết.

(Trúc Giang) 



Bác tôi là hoạn quan 

(tựa đề nguyên thủy: Bộ tam)


Tới đây thì cả làng nổ ra một trận cười ầm ĩ mà chỉ có tiếng hô đả đảo phong kiến mới dập tắt được. Bác đứng đó, ngơ ngác, run rẩy. Chắc bác tự hỏi đây là nơi đâu? Địa ngục chăng?

Bác mềm oặt ngã xuống. Lại một trận cười nữa. Cha tôi bồng bác về, đương nhiên là không giống như lúc bác bồng các cung tần, mà giống như đang ôm một thằng bù nhìn làm bằng rơm. Bác nằm như chết ba ngày đêm. Rồi bác dậy, bước vào cái từ đường là nơi lẽ ra bác được thừa tự nếu sinh được con trai. Thầm thì một lúc, bác lại về nhà mình đóng kín cửa, còn cha tôi thì xách cuốc đi đâu đó.


(xem tiếp kỳ tới)


(K.Đ.)







Không có nhận xét nào: