Thứ Sáu, 14 tháng 7, 2023

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 100 : TÊN TIỆN TIỆP TIÊU TIỂU (Đỗ Chiêu Đức)

 THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 100 :  

             TÊN TIỆN TIỆP TIÊU TIỂU
                            
            
                                Tên Đã Lọt Bình

       TƯỚC BÌNH TRÚNG TUYỂN 雀 屏 中 選. TƯỚC BÌNH là Bức bình phong có vẽ hình con chim khổng tước, là con chim công". Theo tích trong《Cựu Đường Thư. Quyển ngũ nhất. Hậu Phi Liệt Truyện thượng. Cao Tổ Thái Mục Hoàng Hậu Đậu Thị 舊 唐 書.卷 五一.后 妃 列 傳 上.高 祖 太 穆 皇 后 竇 氏》chép rằng:
       ĐẬU NGHỊ 竇 毅 (519-582) tự là Thiên Vũ, người đất Phù Phong Bình Lăng (thuộc Hàm Dương tỉnh Thiểm Tây ngày nay) là Đại thần từ đời Bắc Ngụy đến Bắc Châu thời Nam Bắc Triều, có con gái hiền thục lại tài mạo song toàn và rất giỏi về thư pháp, nên muốn kén rể qúy. Ông cho người vẽ hình hai con chim khổng tước lên bức bình phong dựng trước phòng khách. Các chàng đến cầu hôn sau khi qua sát hạch lại phải đứng cách xa trăm bước, trương cung lắp tên bắn trúng vào hai mắt của chim công thì mới được chọn làm rể. Lúc bấy giờ Đường Công Lý Uyên 李 淵 còn đang trai tráng, văn võ song toàn, hai phát hai tên đều bắn trúng vào mắt của hai con chim công, nên được chọn làm rể qúy. Sau Lý Uyên khởi nghiệp ở Tấn Dương Thái Nguyên lập nên nhà Đại Đường. Đậu Thị trở thành Thái Mục Hoàng Hậu và là mẹ của Đường Thái Tôn Lý Thế Dân, nên...
      TƯỚC BÌNH TRÚNG TUYỂN là chỉ Bắn trúng chim tước ở bình phong mà được chọn làm rể, lấy được vợ. Trong văn học cổ của ta gọi là TÊN ĐÃ LỌT BÌNH, như trong truyện thơ Nôm Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện có câu:
                      Chề chà ông mới hỏi sinh,
                Bấy lâu TÊN ĐÃ LỌT BÌNH đâu chưa?   

      Vì chữ TƯỚC 雀 có tới hai nghĩa; Nếu nói là Khổng Tước 孔 雀 thì là con chim Công; còn nếu nói là Hoàng Tước 黃 雀 thì là con chim sẻ.  Thay vì nói BẮN CÔNG thì Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều lại gọi là BẮN SẺ, nên trong Cung Oán Ngâm Khúc có câu:

                      Làng cung kiếm rắp ranh BẮN SẺ,
                    Khách công hầu ngắm nghé mong sao... 
              
             
                          TƯỚC BÌNH TRÚNG TUYỂN 雀 屏 中 選

       TIỆN HỒNG 便 鴻 là Tiện lợi cho con chim hồng nhạn đưa thư, nên TIỆN HỒNG hay TIN NHẠN gì đều chỉ Thư Từ ngày xưa. Như khi nghe Sở Khanh lên tiếng thương hương tiếc ngọc, Thúy Kiều đã động lòng nên mới gởi thơ cho Sở Khanh nhờ cứu giúp. Cụ Nguyễn Du đã viết:

                 Tan sương vừa rạng ngày mai,
            TIỆN HỒNG nàng mới nhắn lời gởi sang.
Và khi :
                  Trời tây bảng lảng bóng vàng,
             Phúc thư đã thấy tin chàng tới nơi.

       Hay khi tả Thúy Kiều trông ngóng tin tức của Từ Hải, khi Từ "quyết lòng dứt áo ra đi" để lập nên s nghiệp lớn:

                        Cánh HỒNG bay bổng tuyệt vời,
                    Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm.

       Còn khi Tú Bà dạy cho Thúy Kiều "Vành ngoài bảy chữ vành trong tám nghề", thì Vành ngoài bảy chữ... trong đó có câu :

                          TIN NHẠN dẫn, lá thơ bày,
                  Đưa người cửa trước, rước người cửa sau.

       TIÊU LANG 蕭 郎 là Chàng Tiêu. Theo Toàn Đường Thi Thoại 全 唐 詩 話 : Thi nhân đời Đường Nguyên Hòa là Tú Tài Thôi Giao 崔 郊, thương một người nô tì tài sắc vẹn toàn của nhà bà cô. Sau vì nghèo, cô bán nô tì đó cho Liên Soái làm tì thiếp. Giao cứ thơ thẩn trước cửa Liên Soái mà không dám vào. Nhân tiết Hàn Thực người tì thiếp đi ra ngoài gặp gỡ Thôi Giao bên rặng liễu. Giao cảm xúc làm tặng nàng bài thơ tứ tuyệt nổi tiếng sau đây:

 公 子 王 孫 逐 後 塵,   Công tử vương tôn trục hậu trần,
 綠 珠 垂 淚 濕 羅 巾。   Lục Châu thùy lệ thấp la cân.
 侯 門 一 入 深 如 海,   Hầu môn nhất nhập thâm như hải,
 從 此 蕭 郎 是 路 人。   Tòng thử TIÊU LANG thị lộ nhân.

Có nghĩa :
               Vương tôn công tử theo sau,
               Lục Châu nhỏ lệ ướt bao khăn là.
               Cửa hầu sâu tợ biển xa,
               CHÀNG TIÊU từ đó kẻ qua ngoài đường.

       Có người mách lẻo, định tâng công, đem bài thơ nầy cho Liên Soái xem. Liên Soái cho mời Thôi Giao vào dinh. Mọi người đều lo sợ cho chàng. Không ngờ Liên Soái cũng thuộc nòi tình, tuy rất yêu thương người tì thiếp tài hoa, nhưng thấy hai người vẫn còn yêu nhau tha thiết, nên trả nàng lại cho Thôi Giao và còn tặng cho bốn ngàn nén bạc về quê để... yêu nhau! Tạo nên một giai thoại trong làng thơ lúc bấy giờ.
                   

      Trong Truyện Kiều, lúc Kim Kiều tái hợp, cụ Nguyễn Du cũng đã mượn tích nầy khi Thúy Kiều cứ một mực khăng khăng không chịu thành thân với Kim Trọng:

                       ...Có điều chi nữa mà ngờ,
               Khách qua đường để hững hờ CHÀNG TIÊU !?

       TIÊU LANG 蕭 郎 còn chỉ Tiêu Sử 蕭 史, người rất giỏi về thổi tiêu. Theo Sách Liệt Tiên Truyện- Quyển thượng 列 仙傳· 卷 上: Thời Xuân Thu Chiến Quốc, Tần Mục Công có cô con gái yêu là Lộng Ngọc 弄 玉, thích âm nhạc, nhất là thổi tiêu. Một hôm nằm mộng thấy một thanh niên anh tuấn thổi tiêu rất giỏi. Tỉnh ra mới kể với Tần Mục Công, Công bèn cho người đi tìm thanh niên trong mơ của con gái. Tìm đến Minh Tinh Nhai dưới núi Hoa Sơn, quả nhiên gặp được một chàng trai tuấn tú, tiên phong đạo cốt, tên là Tiêu Sử 蕭 史. Sứ giả mời về cung và được Tần Mục Công gả Lộng Ngọc cho, lại cất cho một tòa lâu đài để vợ chồng cùng luyện thổi tiêu trên đó. Một đêm, vợ chồng đang thổi tiêu dưới ánh trăng, tiếng tiêu réo rắc đã làm cho một con Xích Long 赤 龍 (Rồng màu đỏ) và một con Tử Phụng 紫 鳳 (Phụng màu tím) bay đến. Vợ chồng cùng cởi xích long và tử phụng bay đi. Tần Mục Công cho người đuổi theo đến giữa núi Hoa Sơn thì mất dạng. Bèn cho lập miếu thờ ở Minh Tinh Nhai dưới chân núi Hoa Sơn mãi cho đến hiện nay.
     Tích trên đưa đến thành ngữ THỪA LONG KHÓA PHỤNG  乘 龍 跨 鳳 là Cởi Rồng Cởi Phụng, chỉ vợ chồng cùng lên tiên hay vợ chồng cùng xứng đôi với nhau, như khi Từ Hải chuộc Thúy Kiều ra khỏi lầu xanh, cụ Nguyễn Du đã hạ câu:

              Trai anh hùng, gái thuyền quyên,
     Phỉ nguyền SÁNH PHƯỢNG đẹp duyên CỞI RỒNG.

     Trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập của vua Lê Thánh Tông thì có câu:

                      Cô tiên thách mực chày đâm thuốc,
                      LỘNG NGỌC xin làm bạn thổi tiêu.

     Còn trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều thì tả nàng cung phi đàn giỏi như Tư Mã Tương Như và thổi tiêu giỏi như là chàng Tiêu Sử vậy:

                      Cầm điếm nguyệt phỏng tầm Tư Mã,
                      Địch lầu thu đọ gã TIÊU LANG.
        

      TIÊU PHÒNG 椒 房 là TIÊU PHÒNG ĐIỆN 椒 房 殿, vốn là cung điện được xây dựng đặc biệt để cho Hoàng hậu và Phi tần ở. Theo tích sau đây:
      Tương truyền một hôm Hán Thành Đế 漢 成 帝 mặc đồ thường đi dạo chơi, tình cờ gặp được người đẹp tuyệt trần là Triệu Phi Yến 趙 飛 燕, bèn nạp vào cung làm một Tiệp Dư. Hán Thành Đế vô cùng sủng ái, nhưng Triệu Phi Yến chỉ ca múa giỏi mà không có con. Ngự y bảo vì hậu cung quá lạnh không thể thụ thai, nhà vua bèn cho thơ dùng hạt hồ tiêu xay nhuyễn trộn vào trong đất vôi để xây tường cho ấm; từ đó mới có từ TIÊU PHÒNG 椒 房 chỉ chung các phòng ở hậu cung cho các cung nhân ở.
      Trong Cung Oán Ngâm Khúc nàng cung phi đã lên tiếng thở than:

               Oán chi những khách TIÊU PHÒNG,
               Mà xui phận bạc nằm trong má đào !

      Ở một đoạn sau, nàng cung phi lại một lần nữa càu nhàu:

               PHÒNG TIÊU lạnh ngắt như đồng,
               Gương loan bẻ nửa, giải đồng xẻ đôi.        

              
         
       TIÊU TƯƠNG 瀟 湘. TIÊU 瀟 là dòng Tiêu Thủy trong tỉnh Hồ Nam; TƯƠNG 湘 là dòng Tương Giang chảy ngang qua đất Hồ Nam, hai dòng sông ôm lấy huyện Kim Lăng tạo nên những phong cảnh tuyệt đẹp, thường gọi là TIÊU TƯƠNG BÁT CẢNH 瀟 湘 八 景 là đề tài hội họa và ngâm vịnh của các văn nhân thi sĩ ngày xưa. Đây là nơi phân nhánh giữa hai con sông nên cũng thường được dùng để tượng trưng cho sự chia tay ly biệt, như trong bài thơ "Tống Hồ Đại 送 胡 大" của Vương Xương Linh đời Đường:

                 荊 門 不 堪 別,   Kinh môn bất kham biệt,
                 況 乃 瀟 湘 秋。   Huống nãi Tiêu Tương Thu.
                 何 處 遙 望 君,   Hà xứ diêu vọng quân,
                 江 邊 明 月 樓.    Giang biên minh nguyệt lâu.
Có nghĩa :
                 Kinh môn không nở chia tay,
            Tiêu Tương luống những ai hoài hơi thu.
               Tìm người nào thấy người đâu,
            Bến sông chênh chếch bên lầu trăng soi.

      Trong Chinh Phụ Ngâm Khúc của Đặng Trần Côn do nữ sĩ Đoàn Thị Điểm diễn Nôm đoạn nàng chinh phụ tiễn chồng lên đường tòng quân cứu nước rất hay như sau:

                  Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại,
                  Bến TIÊU TƯƠNG thiếp hãy trông sang.
                  Bến TIÊU TƯƠNG cách Hàm Dương,
                  Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng !
      

       TIỂU LÂN 小 憐 là nàng Phùng Tiểu Lân 馮 小 憐, ái phi của Bắc Tề Hậu Chúa 北 齊 後 主 thời Nam Bắc Triều 南 北 朝. được Hậu Chúa Cao Vi phong làm Thục Phi. Tiểu Lân thông minh lanh lợi, giỏi ca múa, đặc biệt là ngón đàn tì bà rất tuyệt diệu. Hậu Chúa rất sủng ái thường ăn cùng mâm, đi cùng xe.  Công nguyên 577, Bắc Tề mất vào tay Bắc Chu. Chúa Bắc Chu là Vũ Văn Ung thấy Hậu Chúa Cao Vi còn rất thương mến Phùng Tiểu Lân nên trả nàng lại cho Cao Vi. Nhưng sau khi Cao Vi mất, Vũ Văn Ung lại tặng nàng cho Đới Vương Vũ Văn Đạt. Đạt cũng rất sủng ái nàng, nhân trong bữa tiệc nàng gảy đàn tì bà giúp vui, bất ngờ dây đàn bị đứt. Phùng Tiểu Lân mới tức cảnh làm một bài thơ như sau :

               雖 蒙 今 日 寵,        Tuy mông kim nhật sủng,
               猶 憶 昔 時 憐。      Do ức tích thời lân.
               欲 知 心 斷 絕,      Dục tri tâm đoạn tuyệt,
               應 看 膝 上 弦。      Ưng khan tất thượng huyền.
Có nghĩa :
                  Hôm nay tuy được cưng chìu,
              Nhớ xưa sủng ái đủ điều mến thương.
                  Lòng ta chi xiết đoạn trường,
               Như dây đàn đứt vấn vương tơ tình !

       Trong Truyện Kiều, khi mở tiệc hạ công để ăn mừng chiến thắng, Thúy Kiều đã bị Hồ Tôn Hiến "Bắt nàng thị yến dưới màn, Dở say lại ép cung đàn nhặt tâu", khiến cho họ Hồ "Nghe càng đắm ngắm càng say, Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình", mới "Dạy rằng: Hương lửa ba sinh, Dây loan xin nối cầm lành cho ai ?" Thúy Kiều đã qúa não nề với nhân tình thế thái nên đáp rằng : 

                    Còn chi nữa cánh hoa tàn,
                Tơ lòng đã đứt dây đàn TIỂU LÂN.
                  Rộng thương còn mảnh hồng quần, 
                Hơi tàn được thấy gốc Phần là may !
         
                     

        TIỂU TINH 小 星 là Ngôi Sao Nhỏ. Theo bài thơ "Tiểu Tinh" trong chương Thiu Nam, Quốc Phong trong Kinh Thi《詩 經.國 風.召 南.小 星》như sau:

嘒 彼 小 星,三 五 在 東。  Tu bỉ tiểu tinh, Tam ngũ tại                                                        đông.
 肅 肅 宵 征,夙 夜 在 公。  Túc túc tiêu chinh, Túc dạ tại                                                        công.
 寔 命 不 同!                         Thực mệnh bất đồng !

 嘒 彼 小 星,維 參 與 昴。  Tuệ bỉ tiểu tinh, duy Sâm dữ                                                          Mão.
 肅 肅 宵 征,抱 衾 與 裯。  Túc túc tiêu chinh, Bão khâm                                                        dữ Trù.
 寔 命 不 猶!                         Thực mệnh bất do !
Có nghĩa :
     - Nhấp nháy những vì sao nhỏ kia, chỉ lưa thưa dăm ba ngôi ở phương đông. Phải tề chỉnh gọn gàng đi lại suốt đêm. Sớm hôm ở mãi chốn cửa công; Thật vì số mạng không giống nhau.
     - Nhấp nháy những vì sao nhỏ kia, thì ra đó là nhóm sao Sâm và sao Mão. Phải tề chỉnh gọn gàng đi lại suốt đêm. Bỏ cả nệm ấm với chăn êm. Thật chỉ vì mạng số mà thôi !

* Diễn Nôm :
                  Lắp la lắp lánh sao hôm,
                  Năm ba cái họp một chòm hướng đông.
                  Suốt đêm đi lại nhong nhong,
                  Sớm tối tất bật việc công bề bề.
                  Rõ ràng mạng số ủ ê !

                  Nhắp nha nhắp nháy trên khơi,
                  Sao Sâm sao Mão báo trời rạng đông.
                  Suốt đêm tất bật việc công,
                  Bỏ cả chăn ấm phụ lòng nệm êm.
                 Rõ ràng mạng số cho nên !
                                  Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm

      Bài Kinh Thi nầy vốn dĩ chỉ những thân phận nhỏ nhoi của các lính tráng hay những thừa lại làm những công việc trong công đường ngày đêm vất vả, nhưng không mấy ai biết đến, nên đành cam chịu với số phận thấp hèn của mình mà thôi; Cũng như những người hầu thiếp vất vả sớm hôm với việc chung trong gia đình mà ít khi được chồng thương yêu dòm dõ chiếu cố đến, nên đành cam phận với cái ngôi sao nhỏ của mình mà thôi. Từ đó, TIỂU TINH 小 星 còn dùng để chỉ những người hầu thiếp, vợ lẻ vợ mọn.
       

      Khi Mã Giám Sinh mua Thúy Kiều xong, lúc rước nàng về chốn trú phường thì "Vốn nhà cũng tiếc"  "Của trời cũng tham", nên đã ăn nằm với Thúy Kiều. Vì thế mà Thúy Kiều cứ đinh ninh mình là vợ lẻ, là "TIỂU TINH" của Mã Giám Sinh. Nhưng khi về tới Lâm Truy thì Tú Bà lại bắt Thúy Kiều phải gọi Mã Giám Sinh bằng Cậu (tiếng dùng để gọi Cha hờ), nên Thúy Kiều mới phải  phân bua:

                     Nàng rằng phải bước lưu ly,
                 Phận hèn vâng đã cam bề TIỂU TINH.
                     Điều đâu lấy yến làm anh,
                 Ngây thơ chẳng biết là danh phận gì ?!
                     Đủ điều nạp thái vu quy,
                 Đã khi chung chạ lại khi đứng ngồi.
                     Giờ ra thay bậc đổi ngôi,
                 Dám xin gởi lại một lời cho minh !?

        Hẹn bài viết tới :

                              TIN TINH TÒNG TÔ TỐ


                                                    杜 紹 德
                                                 Đỗ Chiêu Đức








Không có nhận xét nào: