THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 98 :
螳 臂 擋 車 Đường Tý Đáng Xa
ĐƯỜNG TÝ ĐÁNG XA 螳 臂 擋 車 : ĐƯỜNG là Đường Lang 螳 螂 là con Bọ Ngựa (dân Lục Tỉnh gọi là con Bù Cào Trời); TÝ 臂 là Cánh tay; ĐÁNG 擋 là Chống , chỏi; XA 車 là xe. Thành ngữ ĐƯỜNG TÝ ĐÁNG XA là: Con bọ ngựa đưa hai cái càng lên như hai cánh tay để chỏi lại xe (không cho xe tiến tới); ta thường nói là "Châu chấu đá xe" đó! Trong ca dao tục ngữ của ta cũng có câu:
Nực cười châu chấu đá xe,
Tưởng đâu chấu ngã, ai dè xe nghiêng.
Câu ca dao tục ngữ trên cũng chỉ nhằm khuyên ta chớ qúa kiêu ngạo mà khinh thường những lực lượng nhỏ bé, biết đâu sau lưng con châu chấu còn có một cục đá làm cho bánh xe phải nghiêng lệch đi! Chứ hai cái càng so với thân mình thì thật to của con bọ ngựa cũng không làm sao chống chỏi nổi cái bánh xe đang lăn tới!
Trong văn học cổ của ta gọi Đường Tý 螳 臂, cái tay của con bọ ngựa là TAY ĐƯỜNG, như trong truyện thơ Nôm "Tây Sương Ký" có câu:
TAY ĐƯỜNG chưa dễ đọ xe,
Quyết lòng tị địch, chấp mê được nào !
TAY KHƯƠNG chữ Nho là KHƯƠNG THỦ 姜 手. Theo sách Phong Thủy Mệnh Lý 風 水 命 理 có câu: “Thủ như can khương, gia đạo tất xương 手 如 干 姜,家 道 必 昌”. Có nghĩa: Tay như nhánh gừng khô, thì gia đạo sẽ khá giả. Người đàn bà mà có TAY KHƯƠNG thì sẽ giỏi về việc tề gia nội trợ, như trong truyện thơ Nôm "Quan Âm Thị Kính" có câu:
Ở trên hiếu thuận song đường,
Lòng qùy dám trễ, TAY KHƯƠNG nào rời !
TAY NGUYỆT LÃO, chữ TAY làm Lượng từ để chỉ "Ông" Nguyệt Lão ở đây có vẻ lẫy hờn khinh mạn, chỉ có nàng Cung nữ của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều mới có cái khẩu khí trịch thượng nầy mà thôi:
TAY NGUYỆT LÃO chẳng se thì chớ,
Se thế nầy có dở dang không ?!
... và :
TAY NGUYỆT LÃO khờ sao có một,
Bỗng tơ tình vướng gót cung phi.
Cái đêm hôm ấy đêm gì,
Bóng gương lồng bóng đồ my trập trùng.
TĂM CÁ BÓNG CHIM hay BÓNG CHIM TĂM CÁ là Bóng dáng của con chim và tăm hơi của con cá, cả hai thứ đều khó thể cầu mà có được, nên để diễn tả cái gì đó cách xa biền biệt không có âm hao tin tức gì cả! CHIM ở đây là chim Hồng Nhạn 鴻 雁, loài chim chuyên dùng để đưa thư; còn CÁ là cá Lý Ngư 鯉 魚, theo sách Hán Thư, truyện Tô Võ 漢 書。蘇 武 傳 : Có ghi chép chuyện buộc thư vào chân chim nhạn để truyền tin; Hán. Thái Ung 汉·蔡 邕: Trong bài thơ "Ẩm Mã Trường Thành Quật hành 飲 馬 長 城 窟 行" có câu: Khách tòng viễn phương lai, Di ngã song lý ngư, Hô nhi phanh lý ngư, Trung hữu xích tố thư 客 從 遠 方 來,遺 我 雙 鯉 魚。呼 兒 烹 鯉 魚,中 有 尺 素 書。 có nghĩa: Khách từ phương xa đến, để lại cho ta hai con cá chép, gọi trẻ nấu cá chép, trong bụng cá chép có tờ thư. Người đời sau ghép hai truyện trên vào với nhau thành CHIM CÁ để chỉ thư từ tin tức, nói cho êm tai thành thành ngữ bốn chữ là BÓNG CHIM TĂM CÁ, như trong Truyện Kiều tả lúc Kim Trọng đã thi đậu làm quan rồi muốn đi tìm Thúy Kiều, nhưng ...
Nghĩ điều trời thẳm vực sâu,
BÓNG CHIM TĂM CÁ biết đâu mà tìm !?
Còn trong Hoa Tiên Truyện của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện thì đão ngược lại là TĂM CÁ BÓNG CHIM như sau:
Lầu canh văng vẳng điêu chìm,
Tuyệt mù TĂM CÁ BÓNG CHIM mấy trùng.
TẤC CỎ là THỐN THẢO 寸 草, lấy ý trong bài thơ Du Tử Ngâm 遊 子 吟 của Mạnh Giao 孟 郊 đời Đường là:
慈 母 手 中 线 Từ mẫu thủ trung tuyến
遊 子 身 上 衣 Du tử thân thượng y
临 行 密 密 缝 Lâm hành mật mật phùng
意 恐 遲 遲 歸 Ý khủng trì trì quy
誰 言 寸 草 心 Thùy ngôn THỐN THẢO tâm
報 得 三 春 暉 Báo đắc tam xuân huy
Có nghĩa :
Kim chỉ trên tay từ mẫu,
Khâu nên áo lãng du nhân.
Khi đi chắc chiu từng mũi,
Sợ ngày về lắm lần khần.
Ai bảo nỗi lòng TẤC CỎ,
Báo đền được nắng ba xuân ?!
Khi diễn tả cô Kiều cân nhắc giữa tình và hiếu, rồi quyết định bán mình chuộc tội cho cha. Hành động bán mình là việc làm cao cả, vĩ đại, nhưng đối với công lao trời biển, sanh thành dưỡng dục của cha mẹ thì Nguyễn Du vẫn cho là chưa đủ, cho nên ông đã dùng chữ "Liều" một cách rất tài tình như sau:
Hạt mưa xá nghĩ phận hèn,
LIỀU đem TẤC CỎ quyết đền BA XUÂN !
TÂM HỎA 心 火 là Lửa ở trong tim, ở trong lòng. Theo Phật giáo, cơ thể con người là do Tứ Đại: Phong Thủy Hỏa Thổ 風 水 火 土, tức là Đất Nước Gió Lửa kết hợp lại mà thành, nên bản thân con người đã có một phần tư là lửa ở trong đó rồi, ngọn lửa đó cứ âm ỉ mãi trong ngũ tạng lục phủ tạo nên sự ham muốn mãnh liệt mà ta gọi là Lửa Dục Vọng. Trong văn chương Phật giáo thì gọi nhẹ nhàng hơn: Lửa Lòng. Cụ Nguyễn Du đã diễn tả tâm trạng của Thúy Kiều khi tu ở Quan Âm Các:
Cho hay giọt nước cành dương
Lửa Lòng tưới tắt mọi đường trần duyên …
... và như lời của Thúy Kiều đã phân bua với Vương Viên Ngoại khi ông muốn nàng từ giả sư Giác Duyên để theo mọi người về nhà đoàn tụ:
Sự đời đã tắt Lửa Lòng,
Còn chen vào chốn bụi hồng mà chi ?!
Trong Cung Oán Ngâm Khúc Nguyễn Gia Thiều cũng đã gọi ngọn lửa âm ỉ đốt trong lòng người cung nữ là TÂM HỎA với các câu:
Ngọn TÂM HỎA đốt dàu nét liễu,
Giọt hồng băng thấm ráo làn son.
Lại buồn đến cảnh con con,
Trà chuyên nước nhất, hương đùn khói đôi !
Còn trong Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du cũng mượn chữ TÂM HỎA nói thành “LỬA TÂM” để tả ngọn lửa ghen tuông trong lòng của Hoạn Thư là:
LỬA TÂM càng dập càng nồng,
Trách người đen bạc ra lòng trăng hoa.
Ví bằng thú thật cùng ta,
Cũng dung kẻ dưới mới là lượng trên !
TẤM SON là Tấm lòng Son Sắc, lấy ý ở từ ĐAN TÂM 丹 心 là tấm lòng đỏ như son, không bao giờ phai nhạt; cũng chỉ lòng trung thành không bao giờ thay đổi. Cụ Nguyễn Du đã mượn ý nầy để tả tâm trạng của Thúy Kiều khi ở lầu Ngưng Bích cho biết là mình vẫn luôn luôn giữ tấm lòng son sắc đối với Kim Trọng:
Bên trời góc bể bơ vơ,
TẤM SON gột rửa bao giờ cho phai.
Còn trong truyện thơ Lục Vân Tiên của cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu, khi tả nỗi lòng của Kiều Nguyệt Nga đối với Lục Vân Tiên thì lại dùng từ LÒNG SON như sau:
Vái trời cho đặng vuông tròn,
Trăm năm cho trọn LÒNG SON với chàng.
Còn về Bà Chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương khi tả Bánh Trôi Nước đã có các câu như sau:
Thân em thì trắng phận em tròn,
Bảy nổi ba chìm với nước non.
Lớn bé mặc dầu tay kẻ nặn,
Mà em vẫn giữ TẤM LÒNG SON !
Hẹn bài viết tới :
TÂN TẦN TẤN TÂY TẨY
杜 紹 德
Đỗ Chiêu Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét