Thứ Ba, 20 tháng 8, 2024

KHÚC HOAN CA CHO TUỔI GIÀ - Bài viết của Nguyễn Đức Cung

 KHÚC HOAN CA CHO TUỔI GIÀ 

Bài viết của Nguyễn Đức Cung 

Ngày Chúa Nhật 28/7/2024 Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành Ngày Lễ Ông Bà và Người Cao Niên Quốc Tế lần thứ tư. Trước đó, ngày 26/7 niên lịch Giáo  Hội Công Giáo long trọng mừng lễ hai Thánh Gioakim và Anna. Theo sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ, “Theo một truyền thống cổ xưa, có thể vào thế kỷ II, thánh Gio-a kim và thánh An-na là song thân của Đức Trinh Nữ Ma-ri-a. Lòng sùng kính thánh  An-na được phổ biến ở phương Đông vào thế kỷ VI, và ở phương Tây vào thế kỷ X;  còn thánh Gio-a-kim cũng được tôn kính như thế, nhưng muộn hơn, lối thế kỷ XVII.” (Các Giờ Kinh Phụng Vụ, tập 3, trang 1289). 

Bài viết của Tạp chí National Geographic có hình trích dưới đây, số đặc biệt  về Đức Mẹ Maria,sử dụng sách Ngụy Thư (Apocrypha) phần tiền phúc âm của thánh  Gia-cô-bê (Protoevangelium of James) nói Thánh Gio-a-kim và Thánh An-na có một  cuộc hôn nhân rất tốt đẹp, nhưng cả hai vị lớn tuổi mà không có con cái nên dốc tâm  cầu nguyện. Thánh Gio-a-kim dựng một cái lều và ăn chay trong 40 ngày và đoan  hứa: “Tôi sẽ không xuống tìm thức ăn, của uống cho đến khi Chúa là Thiên Chúa  của tôi đoái nhìn đến tôi.” Thánh An-na ngồi trong vườn của ngài và than thở cho  sự hiếm muộn của mình. Bà lắng lòng suy tư: “Than ôi! Ai đã sinh ra tôi? Và lòng  dạ nào đã cưu mang tôi?... Bởi vì ngay cả trái đất còn sinh ra hoa quả vào thời kỳ của nó.” Một thiên thần đã hiện ra với bà và nói: “Thiên Chúa đã khứng nghe lời bà  cầu nguyện, và bà sẽ mang thai, sẽ sinh hạ và hạt giống của bà sẽ được nói đến  trong toàn thế giới.” 

Nền văn hóa Ki-Tô Giáo ghi nhận: 

Tuổi già là dấu hiệu của phúc lành; 

Và người Công Giáo luôn biết khẩn nài cùng Thiên Chúa của họ: 

Xin đừng sa thải con lúc tuổi đà xế bóng 

chớ bỏ rơi khi sức lực suy tàn… 

Cả lúc con già nua, da mồi tóc bạc, 

lạy Thiên Chúa xin đừng bỏ rơi con,

để con tường thuật quyền năng của Chúa 

cho thế hệ này được rõ, và dũng lực của Ngài 

cho thế hệ mai sau. 

(Thánh Vịnh 71: 9, 18). 

Nói về bổn phận của con cái đối với cha mẹ, trong Thập Điều của Cựu Ước,  người ta đọc thấy ở sách Xuất Hành, điều 20, câu 12 như sau: “Ngươi hãy thờ cha  kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, ban cho  ngươi.” (Sách Cựu Ước, Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Nhà xb. TPHCM, 1999,  trang 99). 

Tranh thế kỷ 15 diễn tả Thánh Joachim và Anne trông chờ người con đặc biệt của mình. (Trích từ Tạp chí National Geographic, The Story of MARY from the Biblical World to Today, trang 13). 

1.- Tuổi già trong nền văn hóa Việt-Nam. 

Trong văn hoá Việt Nam, người ta thường dùng biểu tượng cây đa toả bóng  rợp mát nơi một quán bán hàng ở cuối đình, đầu làng, ven bờ sông, cuối chân đê  mang hình ảnh thanh bình của một vùng quê hương xa xăm, yêu dấu, khi nói đến  tuổi già. Là những người tị nạn chính trị, chúng ta hầu hết đều thấm đẫm nền văn  hoá Việt Nam, được dưỡng nuôi bằng tất cả tinh tuý của một loại hình văn hoá mà  không thể một sớm một chiều có thể xoá nhoà đi được, cho nên dù sống ở chân trời  góc bể nào, vẫn có cách tìm về hay hội tụ với nhau dưới hình thức này hay môi  

trường nọ mà một trong những dạng thức cá biệt đó là Hội Cao Niên. Hội Cao Niên  nói chung là một biến thể rộng lớn của sự giao tiếp giữa hai người hay nhiều người  bạn mà mục đích không chỉ là sự thù tạc, chuyện trò, ăn uống, đàm đạo, trao đổi phản ánh nếp sống nhân bản đầy tình người mà còn là sự an ủi nhau trong cuộc sống  tha hương chốn đất khách. Bởi vậy cho nên người ta thường hay nhắc đến câu nói  “Tha hương ngộ cố tri鄉 遇 故 知 để nói lên nét đặc thù của một trong nhiều  lạc thú đầy hạnh ngộ của kiếp sống con người. 

Trong kho tàng tục ngữ Việt Nam người ta cũng thấy xuất hiện tuy không  nhiều mà một vài câu nói như “Kính lão đắc thọ” 敬 老 得 壽 nghĩa là có kính  trọng các người lớn tuổi thì mới được sống lâu, bởi vì sống lâu cũng là điều mong  ước của tất cả mọi người. Hoặc là: Thọ tỉ Nam sơn, Phước như Đông hải 壽 比 南 

, 福 如 東 海 (nghĩa là: Thọ giống núi Nam, Phước như biển Đông) vốn là những  câu chúc tụng trong các lễ mừng thượng thọ. 

Cơ cấu tổ chức làng xã của Việt Nam xưa cũng có đặt ra lề lối giành sự kính  trọng cho các bậc lớn tuổi. Trong sách Phong tục Việt Nam, nhà văn Phan Kế Bính  (1875-1921) có viết về mục lão hạng như sau: “Những người từ năm mươi đến năm  mươi lăm tuổi trở lên gọi là Lão hạng và cũng có lệ khao vọng. Trong lão hạng từ sáu mươi tuổi trở lên, được miễn trừ sưu dịch gọi là Lão nhiêu hoặc gọi là bô lão.  Già hơn nữa mà đứng vào hạng thứ tư trong làng trở lên thì gọi là cụ cả, cụ hai, cụ 

ba, cụ tư, gọi chung là tứ trụ. Lên bậc tứ trụ cũng phải vọng một lần nữa, đến lúc  lên chân cụ cả lại phải vọng.” [Nhà xb Văn Học, 2014, trang 154]. Khao vọng tức  là đãi đằng ăn uống ở trong chốn làng xã. 

Trong đời sống bình dân ngoài xã hội, người ta thường hay nói: “Nhất có râu,  nhì bầu bụng” để chỉ sự kính trọng đối với người già cả, hay đối với đàn bà bụng  mang dạ chửa. Điều này thật ra chỉ đúng phần nào đối với tổ chức xã hội trước đây  khi mà người đàn ông đến một độ tuổi nào đó khoảng trên năm mươi chẳng hạn mới  có quyền để râu, chứ như sau này có những người hãy còn quá trẻ mà vẫn để râu dài thì lại là một biệt lệ. Người ta cũng thường nói: “Đàn ông không râu bất nghì, Đàn  bà không vú lấy gì nuôi con.” Lại cũng là những biệt lệ nữa. 

Người Việt Nam có truyền thống kính trọng cha mẹ vốn là những người lớn  tuổi, những bậc cao niên. Trong cuốn Việt Nam Văn Hoá Sử Cương, học giả Đào  Duy Anh cho biết: “Những nhà phú quí khi cha mẹ già bảy tám mươi thì con cái làm  lễ mừng thọ, gọi là thượng thọ. Hôm ăn mừng, trước hết, con cái biện lễ vật hoặc gà  xôi, hoặc lợn bò, hoặc tam sinh, đem ra đình lễ thần, gọi là tạ thần hưu, nghĩa là tạ ơn thần đã phù hộ cho cha mẹ mình được sống lâu. Đoạn rước cha hay mẹ ăn mặc  chỉnh tề lên ngồi thọ tịch đặt ở chính giữa nhà, con cháu lạy rồi mỗi người dâng một  chén rượu hay một quả đào chúc thọ. Sau đó thì bày tiệc mừng mời thân thích bằng  hữu cùng làng mạc đến ăn, có khi năm bảy ngày mới xong.” [Đào Duy Anh, Việt  Nam Văn Hoá Sử Cương, Nhà xuất bản Xuân Thu, trang 200]. 

Trong cuốn sách La civilisation annamite của Nguyễn Văn Huyên (1905- 1975) viết năm 1939, được Đỗ Trọng Quang dịch ra tiếng Việt, có chỗ cho biết về ngôi thứ trong làng rằng “Lớp thứ hai gồm các ông già trên sáu chục tuổi. Các vị này được miễn mọi nhiệm vụ, mọi thuế khoá của xã, và mọi khoản đóng góp trong  các cỗ bàn công cộng. Họ phải cúng ở đình gà, xôi, rượu, trầu, và đôi khi phải nộp  

cho quỹ làng một khoản tiền từ ba đến năm đồng.” [Nhã Nam & Nhà xb. Hội Nhà  Văn, 2016, trang 93]. 

Cha mẹ già mà có con làm chức vụ lớn trong các triều đại của chế độ quân  chủ trước đây thì cũng được những chức danh dự gọi là sinh phong phong tặng. [Nguyễn Văn Huyên, Sách đã dẫn, trang 139]. 

Sự kính mến tuổi già trong cuộc sống của người Việt Nam có lẽ chịu ảnh  hưởng từ nền văn hoá Trung Hoa ngay từ thời lập quốc trải qua nhiều thế kỷ cho đến  ngày nay. Sự quan trọng của việc hiếu kính đối với người già cả lên đến một mức  cao để có thể gọi là đạo hiếu hay hiếu đạo, các sách mà tư tưởng có liên hệ đến chữ 

hiếu thì gọi là hiếu kinh. Phản tác lại với sự hiếu thảo là bất hiếu, bất mục v.v… Khen ngợi người già cả thì người VN nói là “đẹp lão”. Phật giáo chia đời người làm  bốn giai đoạn là “sinh, lão, bệnh, tử” để con người nhận thức mà sống theo đạo lý  hợp với từng giai đoạn. 

Ca dao tục ngữ Việt Nam có nhiều câu nói lên tấm lòng thương yêu của con  cái đối với cha mẹ, thí dụ: 

Ai về tôi gửi đôi giày, 

Phòng khi mưa gió để thầy mẹ đi.” 

Hoặc là: 

Ai về tôi gửi buồng cau, 

Buồng trước kính mẹ, buồng sau kính thầy. 

Khi tuổi đã về già, tâm linh của chúng ta thường hướng vọng về những cảnh  chùa chiền, nhà thờ hay đình miếu với những địa điểm vắng vẻ, khuất tịch phù hợp  với tâm thức tĩnh lặng của con người, cho nên mới có câu: “Trẻ vui nhà, già vui 

chùa”. Người già thường tích luỹ kinh nghiệm trong cuộc sống, là người từng trải,  lão luyện nên có câu: “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ.” 

Bởi vậy, ca dao VN mới có những câu như: 

Con người có cố, có ông 

Như cây có cội, như sông có nguồn. 

Vì thế xuất hiện những lời thở than: 

Đi đâu mà bỏ mẹ già, 

Gối nghiêng ai sửa, chén trà ai nâng? 

Để rồi chúng ta khấn nguyện: 

Lâm râm khấn vái Phật Trời, 

Xin cho cha mẹ sống đời nuôi con. 

Trong tác phẩm Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn viết bằng chữ Hán mà  bà Đoàn Thị Điểm đã dịch ra chữ Nôm có những câu diễn tả về sự vắng bóng của  người đàn ông trong gia đình khi phải đi chinh chiến phương xa nghĩ lại cũng giống  như trường hợp người chồng, người cha phải đi tù sau ngày 30/4/1975 ở Miền Nam  VN trước đây, chỉ để lại mẹ già và bầy con thơ cùng người vợ trẻ dại: 

Lòng lão thân buồn khi tựa cửa, 

Miệng hài nhi chờ bữa mớm cơm 

Ngọt bùi thiếp đã hiếu nam, 

Dạy con đèn sách, thiếp làm phụ thân. 

Kinh nghiệm lịch sử sau ngày quốc hận 30/4/1975 cho thấy người đàn bà Việt  Nam đã can đảm, trung kiên, chung thuỷ biết bao nhiêu, đáng phục biết chừng nào  khi dám đứng đầu sóng ngọn gió lo cho gia đình trước biết bao bão táp của thời cuộc.  Đó cũng là nhờ hệ thống tổ chức của đại gia đình Việt Nam, có ông bà, có anh chị 

em, trên dưới, trong ngoài ràng buộc lấy nhau, ôm ấp lẫn nhau, để có miếng khi đói  bằng gói khi no. Đó là nét đặc trưng của nền văn minh Việt Nam mà ít nước nào ở Tây phương có được qua đó người vợ thay chồng phụng dưỡng cha già mẹ yếu, nuôi  và dạy con chữ nghĩa, học hành…


2.- Ảnh hưởng của nền văn hóa Trung-Hoa

Trong cuốn sách viết vào năm 1937 bằng tiếng Anh nhan đề The Importance  of living mà học giả Nguyễn Hiến Lê đã dịch ra tiếng Việt có tên “Sống Đẹp”, nhà  văn Trung Hoa Lâm Ngữ Đường (1895-1976) đã có ghi nhận: 

“Dân tộc Trung Hoa thời thượng cổ đã có cái ý thức kính mến tuổi già. Tinh  thần đó chỉ có thể ví được với tinh thần hiệp sĩ và tinh thần hào hoa phong nhã đối  với phụ nữ của phương Tây. Nó được phô diễn minh bạch trong lời khuyên này của  Mạnh Tử: “Người tóc bạc không phải đội nặng ở ngoài đường.” (Ban bạch giả bất  phụ đái ư đạo lộ hĩ). 頒 白 者 不 負 戴 於 道 路 矣. Đó là mục đích tối hậu của  một chính trị tốt.” [Lâm Ngữ Đường, Sống Đẹp, Nhà xuất bản Văn Hoá, 1999, trang  190]. 

Cụ Phan Bội Châu trong bộ sách Khổng Học Đăng, đã giải thích thêm câu  “Ban bạch giả bất phụ đái ư đạo lộ hĩ” của Mạnh Tử nói trên như sau: “Khi đi ra  ngoài đường, tất nhiên người trẻ kính người già, người bé thương người lớn; xem  người già cả tất thảy là cha anh mình, ai nỡ để những người đầu bạc lơ-phơ mà còn  mang đội ở ngoài đường sá nữa đâu. Thế là “ban bạch giả bất phụ đái ư đạo lộ hĩ”  (Ban bạch là những người già mà tóc ở trên đầu nửa trắng nửa đen; phụ đái là vai  mang lưng đội những đồ nặng nhọc). Xem ở nơi đạo-lộ mà không có người ban bạch  phụ-đái là đức tính dân tốt lắm rồi.” [Phan Bội Châu, Khổng Học Đăng, trọn bộ,  Khai Trí xuất bản, 1973, trang 463]. 

Trong sách Mạnh Tử cũng có câu nói lên sự lo lắng về sinh dưỡng cho những  người lớn tuổi như: “Kê đồn cẩu trệ chi súc, vô thất kỳ thì, thất thập giả khả dĩ thực  nhục hĩ.” 鷄 豚 狗 彘 之 畜, 無 失 其 時, 七 十 者 可 以 食 肉 矣. Cụ Phan Bội Châu giải thích cặn kẽ rằng: “Bày vẽ cách mục súc cho dân, khiến cho nó  biết phương pháp nuôi gà, heo, chó, đừng làm mất thì sinh dục của nó, tất nhiên các  thứ thịt giống súc thường thường sẵn luôn, mà những người già đến 70 tuổi, tất thảy  có thịt mà ăn cả (thất thập giả khả dĩ thực nhục hỷ. Kỳ thì là thì giờ nó đương sinh  nở, không làm thịt nó). [Phan Bội Châu, Khổng Học Đăng, Sách đã dẫn, trang 461] 

Cũng theo nhà văn Lâm Ngữ Đường cho biết “ở Trung Hoa những ông lão  hành khất, râu bạc phơ cũng được đối đãi đặc biệt. Những người vào tuổi trung niên mong tới lúc làm lễ thọ ngũ tuần; hạng thương gia giàu có thì bốn chục tuổi đã làm  lễ thọ linh đình. Lễ thọ lục tuần quí hơn lễ ngũ tuần, lễ thất tuần lại quí hơn lễ lục tuần, và người nào làm lễ bát tuần thì được khen là Trời riêng hậu đãi.” [Sách đã  dẫn, trang 192]. 

Cũng theo nhà văn họ Lâm, “Người Trung Hoa không ân hận gì bằng không  được săn sóc cha mẹ khi các người sắp mất, không có mặt bên giường cha mẹ khi  các người tắt thở. Hồi xưa có người đi làm ăn xa, về tới nhà thì cha mẹ đã khuất núi,  đau xót vô cùng, ngâm lên hai câu này: 

“Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, 

Muốn nuôi cha mẹ mà trời chẳng cho”. 

(Thụ dục tĩnh nhi phong bất tức, 

Tử dục dưỡng nhi thân bất tại). 

樹 欲 静 而 風 不 息 

子 欲 養 而 身 不 在

Hoa Kỳ theo nếp sống và văn hoá phương Tây nên việc hỏi tuổi tác của một  người khác xem ra là điều tối kị nếu không nói là không nên. Nhà văn Lâm Ngữ Đường có viết: “Mặc dầu tôi đã quen với đời sống phương Tây và biết thái độ của  ngưởi phương Tây đối với tuổi già, mà bây giờ đôi khi tôi vẫn còn thấy chướng tai  khi nghe họ nói chuyện với nhau. Chẳng hạn một bà lão nọ có nhiều cháu nội rồi,  bảo rằng mỗi lần trông thấy thằng cháu lớn, là bà lại khó chịu. Ý bà muốn nói rằng  thấy nó lớn quá mà nhớ đến tuổi cao của mình. Một bà lão khác, tóc cũng đã trắng  xoá, bên cạnh có ai nói về tuổi tác của bà là bà quay mặt đi, không muốn nghe, thái  độ đó, thực tôi không hiểu nổi. Một lần khác, thấy một bà lão lên thang máy, tôi  nhường chỗ cho bà, sơ ý nhắc đến tuổi già của bà, bà ta bất bình, nói với một bà  khác ngồi bên: “Gã đó tưởng còn trẻ hơn tôi nhiều lắm ư?” 

Một nhà văn nữ Pháp, Simone De Beauvoir (1908-1980) là nhà văn, nhà triết  học, nhà tranh đấu nữ quyền, là vợ không hôn thú của triết gia hiện sinh Jean Paul  Sartre, đã viết rằng: “Phần đông nhân loại nhìn việc trở nên già nua với nỗi buồn bã  và tâm tình nổi loạn. Họ chất chứa trong lòng một mối ác cảm đối với việc trở nên  già nua còn lớn hơn cả đối với chính cái chết nữa.” Quan điểm của Simone De  Beauvoir không hoàn toàn đúng vì rằng đâu phải phần đông nhân loại đều có tư  tưởng như bà nói. Dân chúng Phương Tây đa số chịu ảnh hưởng của Ki Tô Giáo,  

trong giáo lý của họ qua Kinh Thánh luôn ca tụng tuổi già trong các sách Huấn Ca, Thánh Vịnh v.v… thuộc Cựu Ước cũng như Tân Ước. Họ chấp nhận cuộc sống có  thưởng có phạt, có đời sau với những hậu quả của nó liên hệ với đời sống hiện tại.  Quan điểm của bà chịu ảnh hưởng của phong trào triết lý hiện sinh nên chủ trương  cuộc sống hưởng thụ nặng vấn đề vật chất, vật dục. Nhà văn nữ này không thấy rằng có biết bao nhiêu người già cả tìm được niềm vui trong cuộc sống tu trì, đạo hạnh  trong gia đình cũng như ngoài xã hội. 

Một điều cần ghi nhận là Simone de Beauvoir lúc nhỏ theo đạo Công Giáo,  rất sùng mộ nhưng lớn lên đã bỏ mất đức tin, và sống buông thả, truỵ lạc. Bà là một  trong những người tranh đấu cho nữ quyền, nên dĩ nhiên khi thấy người phụ nữ về già mặt mày xấu xí nên gán cho tâm thức họ “nỗi buồn bã” và “tâm thức nổi loạn”. Bà sống lăn lộn trong nhục dục, quen đủ hạng người như nhà văn CS Mỹ Nelson  Algren, trao đổi với nhà văn này trên 300 bức thư, quan hệ yêu thương với các học  sinh nữ tuổi vị thành niên, viết các tác phẩm như “Máu của lạc thú và cái chết”,  “Giới tính thứ hai”, xúi giục trẻ vị thành niên ăn chơi trác táng, chủ trương phá thai,  ủng hộ phong trào ấu dâm (pro pédophile). Sự liên hệ của bà với Jean Paul Sartre theo Marie-Jo Bonnet là một “hợp đồng đồi truỵ” Bà khẳng định: “Chúng ta không  sinh ra là phụ nữ, mà trở thành phụ nữ.” Nhưng đây là lúc không phải nói về nhân vật tài năng này, vì trên địa hạt văn chương bà được một số giải thưởng về văn  học, triết lý…[Trích dẫn theo tư liệu trên mạng] 

Dân chúng Đông phương chịu ảnh hưởng nền văn hoá Khổng Mạnh nên tuổi  già đối với họ là cả niềm hạnh phúc lớn lao như chúng ta thấy được tại nhiều nước khi có dịp sống hay đi qua. Xã hội Âu Mỹ tổ chức theo lối sống của chủ nghĩa cá  nhân nên người các quốc gia phương Tây cảm thấy lạ lùng bỡ ngỡ khi đọc thấy, hay  chứng kiến cảnh “tứ đại đồng đường” hay “ngũ đại đồng đường” tức gia tộc bốn,  năm đời còn ở chung một nhà như ở Trung Hoa hay tại Việt Nam trước đây. Có ở 

chung với nhau như vậy mới có cơ hội để giúp đỡ lẫn nhau, chia ngọt xẻ bùi, đoàn  kết, giúp đỡ và thương yêu nhau. 

3.- Chân dung ông bà trong gia đình và những người cao tuổi. 

Người già là kẻ phải chịu nhiều cay đắng nhất trong một đất nước có chiến  tranh loạn lạc. Trong văn học sử Trung Hoa, người ta đọc thấy bài thơ Thạch Hào  lại nghĩa là Lính lệ Thạch Hào của thi hào Đỗ Phủ (712-770) là một tuyệt tác phẩm  viết về thảm cảnh của chiến tranh:


石 壕 吏 

 暮 投 石 壕 邨  有 吏 夜 捉 人  老 翁 踰 墙 走  老 婦 出 門 迎  吏 呼 一 何 怒  婦 啼 一 何 苦  聴 婦 前 致 辭  三 男 鄴 誠 戍 

 一 男 附 書 至  二 男 新 戰 死  存 者 且 俞 生  死 者 長 已 矣  室 中 更 無 人  惟 有 乳 下 孫 

 孫 有 母 未 去  出 入 無 完 裙  老 嫗 力 雖 衰  請 從 吏 夜 歸 

 急 應 河 陽 役  猶 得 備 晨 炊  夜 久 語 聲 絶  如 聞 泣 幽 咽  天 明 登 前 途

 獨 與 老 翁 别 

Dịch âm: 

Thạch-Hào lại 

Mộ đầu Thạch-hào thôn, 

Hữu lại dạ tróc nhân. 

Lão ông du tường tẩu, 

Lão phụ xuất môn nghinh 

Lại hô nhất hà nộ! 

Phụ đề nhất hà khổ! 

Thính phụ tiền trí từ: 

Tam nam Nghiệp thành thú. 

Nhất nam phụ thư chí, 

Nhị nam tân chiến tử. 

Tồn giả thả thâu sinh, 

Tử giả trường dĩ hĩ 

Thất trung cánh vô nhân, 

Duy hữu nhũ hạ tôn, 

Tôn hữu mẫu vị khứ, 

Xuất nhập vô hoàn quần.  

Lão ẩu lực tuy suy, 

Thỉnh tòng lại dạ quy. 

Cấp ứng Hà Dương dịch, 

Do đắc bị thần suy. 

Dạ cửu ngữ thanh tuyệt, 

Như văn khấp u-yết. 

Thiên minh đăng tiền đồ, 

Độc dữ lão ông biệt. 

Lính lệ Thạch Hào 

Chiều hôm tới xóm Thạch-hào, 

Đương đêm có lính lao-xao bắt người.

Vượt tường ông lão trốn rồi, 

Cửa ngoài mụ vợ một hai mời chào. 

Lính gầm mới dữ làm sao! 

Mụ kêu như tỏ biết bao khổ tình. 

Lắng nghe lời mụ rành-rành, 

“Ba con đóng ở Nghiệp thành cả ba. 

Một con mới nhắn về nhà, 

Rằng: Hai con đã làm ma chiến trường! 

Kẻ còn vất vưởng đau thương, 

Nói chi kẻ dưới suối vàng thêm đau. 

Trong nhà nào có ai đâu? 

Có thằng cháu nhỏ dưới bầu sữa hoi. 

Cháu còn mẹ nó chăn nuôi, 

Ra vào quần áo tả-tơi có gì? 

Thân già gân sức dù suy, 

Cũng xin theo lính cùng về đêm nay. 

Hà-Dương tới đó sau này, 

Cơm canh hầu bữa sớm ngày, còn trôi.” 

Đêm khuya tiếng nói im rồi, 

Vẫn nghe nức nở tiếng người khóc thương. 

Sáng mai khách bước lên đường 

Chỉ cùng ông lão bẽ-bàng chia tay. 

(Ngô Tất Tố dịch) 

(Trích Nguyễn Hiến Lê, Đại cương Văn-Học-Sử Trung-Quốc, Cuốn II, Đời Đường,  Nhà xuất bản NGUYỄN HIẾN LÊ, 1954, trang 129). 

Đại khái tác giả Đỗ Phủ một hôm đến thôn Thạch-Hào, trú đêm tại đó và chứng kiến một cảnh bắt lính cung ứng cho chiến trường. Quân lính nhà vua kéo đến  trước nhà hai cụ già nơi tác giả tạm trú. Nghe bắt lính, cụ ông leo tường chạy trốn  trong đêm; cụ bà ra than thở cùng bọn lính. Hai cụ có ba người con trai bị bắt lính,  thì mới đây một người viết thư về nhà báo là hai người anh trai đã chết ở chiến  trường. Trong nhà cụ bà chỉ có một người con dâu đói rách, tả tơi lo nuôi một đứa  con dại. Quân lính la hét ầm ỉ. Cụ bà tình nguyện đi theo bọn họ về Hà Dương lo  việc phục dịch bếp núc trong quân ngũ. Bọn lính bắt dẫn bà lão đi, tiếp tục sang nhà 

khác ruồng xét… Đây là một bài thi bất hủ của nền văn học Trung Hoa, tả về thảm  cảnh của chiến tranh mà đối tượng bất kể già trẻ.

Là một nhà văn mang tầm vóc thế giới, Lâm Ngữ Đường đã thấy rõ sự hơn  thua của hai nền văn hoá phương Đông và phương Tây đối với tuổi cao niên nên ông  đã viết rằng: “Tôi cho rằng sở dĩ người già ở Mĩ vẫn tiếp tục làm lụng hăng hái vì  họ theo chủ nghĩa cá nhân một cách thái quá, tự đắc, muốn độc lập, cho sự nhờ vả 

con là tủi nhục. Trong số bao nhiêu nhân quyền mà người Mĩ ghi vào Hiến pháp của  họ, lạ lùng thay họ quên kể cái quyền của cha mẹ được con cái phụng dưỡng, vì đó  là một cái quyền của cha mẹ, một bổn phận của con cái chứ không phải chỉ là một  sự cưu mang, giúp đỡ. Ai có thể chối được rằng cha mẹ hồi trẻ làm việc để nuôi con,  mất ăn mất ngủ khi chúng đau ốm, săn sóc, dạy bảo chúng suốt một phần tư thế kỉ,  rồi khi về già, không được cái quyền chúng nuôi lại, kính mến?” [Lâm Ngữ Đường,  Sách đã dẫn, trang 193]. 

Để kết luận về một đời sống đẹp, nhà văn Lâm Ngữ Đường đã viết rằng: “Nếu  ta bỏ chủ nghĩa cá nhân vô ý thức, nó giả định rằng con người có thể sinh tồn trong  cảnh trừu tượng, có thể trực tiếp độc lập được, thì ta phải tổ chức đời sống của ta  ra sao cho thời kì vui vẻ nhất trong đời sẽ thuộc về tuổi già ở trước mặt ta, chứ không  thuộc về tuổi thơ ở sau lưng ta. Vì nếu ta có một thái độ ngược lại thì ta cứ phải vô  vọng chiến đấu hoài với thời gian, cố níu lại cái tuổi xuân mà không sao níu được,  đến nỗi tự dối mình rằng chưa già, nhưng ai có thể tự dối mình hoài được? Đã không  chống nổi với luật tự nhiên thì sao chẳng thuận theo tự nhiên mà hưởng lạc trong  tuổi già? Đời người là một khúc hoà tấu; chung tiết của khúc đó nên hoà bình, êm  đềm, thư sướng, mãn túc chứ không nên ồn ào chói tai vì tiếng trống nứt bể và tiếng  chũm chọe vỡ loảng xoảng.[Lâm Ngữ Đường, Sách đã dẫn, trang 194]. 

Giáo sư Toshihito Katsumura, một chuyên gia về người già ở Nhật nói để  người già sống lâu và sống khỏe thì cần giúp họ có một chương trình vận động thể  lực phù hợp. Vận động thể lực cải thiện được sức khoẻ và nâng cao được cuộc sống,  tránh tình trạng “liệt giường liệt chiếu” lệ thuộc vào xe lăn, gậy chống… thường  thấy ở người lớn tuổi …Vận động thể lực mới giữ được sự dẻo dai của xương khớp,  tăng cường cơ bắp, giữ cảm giác thăng bằng linh hoạt cần thiết, giữ cho xương lâu  bị loãng, giảm xơ vữa động mạch. Dĩ nhiên là người già phải rèn luyện theo một chế  độ phù hợp với tuổi tác, nhiều khi phải có một giáo án riêng, như các cầu thủ phải  được tập riêng một giáo án theo tình trạng “chấn thương” của mình vậy. Rèn luyện  thể lực còn giúp người cao tuổi luôn giữ sự lạc quan, tính dí dỏm, hài hước, nhờ đó  họ sống tích cực hơn, hoạt bát hơn, độc lập hơn. Tập luyện chung với nhau còn có  cơ hội gặp gỡ, giao lưu, tương tác. [BS Đỗ Hồng Ngọc, Chiều chiều dắt ra bờ  sông…Tư liệu trên mạng.]

Ở một phạm trù cao hơn, ngày 21/7/2021 Đức Giáo Hoàng Phanxicô của Giáo  Hội Công Giáo đã lập Ngày lễ Ông bà và Người Cao niên Quốc tế. Lý do là “bởi vì  theo Ngài các ông bà thường bị lãng quên, tuy nhiên họ chính là sự nối kết giữa các  thế hệ khi chuyển trao kinh nghiệm sống và kinh nghiệm đức tin cho thế hệ trẻ. Nhớ  đến ông bà và người cao tuổi, hãy lắng nghe và hỗ trợ họ, vì họ đã từng trợ giúp khi  chúng ta gặp khó khăn và đã hy sinh vì chúng ta. Đừng để họ nằm ngoài danh sách  ưu tiên của chúng ta.” 

Nếu chúng ta nghĩ về điều đó, ngày nay lời buộc tội nhắm vào người già là  “cướp tương lai của tuổi trẻ” hiện diện ở khắp mọi nơi. Nó xuất hiện dưới những  hình thức khác, ngay cả trong những xã hội tiên tiến và hiện đại nhất. Ví dụ, ngày  nay, niềm tin đã trở nên phổ biến rằng người già đang tạo gánh nặng cho người trẻ 

với chi phí cao cho các dịch vụ xã hội hỗ trợ mà họ cần, và bằng cách này lấy đi các  nguồn lực từ sự phát triển của cộng đồng và do đó cả của người trẻ. Đây là một  nhận thức sai lệch về thực tế, như thể sự sống còn của người già đang đặt sự sống  còn của người trẻ vào mối nguy hiểm, và muốn hỗ trợ người trẻ thì cần phải bỏ mặc  người già hoặc thậm chí loại bỏ họ. Sự xung đột giữa các thế hệ là một sai lầm và  là kết quả độc hại của nền văn hóa xung đột. Đặt người trẻ chống lại người già là  một hình thức thao túng không thể chấp nhận được: “Điều quan trọng là sự hiệp  nhất giữa các thế hệ trong cuộc sống, nghĩa là điểm quy chiếu thực sự để hiểu và  đánh giá cao toàn bộ sự sống con người” (Giáo lý ngày 23/02/2022). 

Theo truyền thống, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam dành ngày mồng hai Tết  âm lịch mỗi năm để kính nhớ Tổ Tiên và Ông Bà Cha Mẹ qua lời giáo huấn của sách  Huấn Ca, Thư Ê-phê-Sô và Tin Mừng Thánh Mát-thêu, và đặc biệt ngày 2 Tháng  Mười Một lễ nhớ Các Đẳng Linh Hồn. Tinh thần văn hóa của dân tộc đối với người  cao tuổi và Giáo lý của Hội Thánh nuôi sống tâm thức người tín hữu chúng ta. 

 Nguyễn Đức Cung 

Philadelphia,13/7/2024. Viết tặng Anh Chị Gregory và 

Martha Nguyễn, nhân dịp Lễ thượng thọ 91 & 90 tuổi.



Không có nhận xét nào: