Thứ Tư, 28 tháng 8, 2024

TRÀ THIỀN - Thơ Kiều Mộng Hà và Thơ Họa


                  

     TRÀ THIỀN

Thiền sư! Trà rót đã tràn chung

Ngài vẫn châm hoài, chẳng chịu ngưng?

Cũng vậy, trong lòng còn định kiến

Làm sao chân lý đến ung dung

Phóng tâm dẫn dắt đường sai lệch

Tạp niệm bào mòn ngõ quán trung

Kiên nhẫn xả ly là tự khắc

Bên trong trống rỗng ánh dương bùng

Kiều Mộng Hà

 July.27.2024


Thơ Họa:

       VẤN THIỀN

Vấn thiền… Sư lặng rót vào chung

Trà rót chảy tràn, sư chẳng ngưng

Khi trí chứa đầy, thôi tiếp nhận

Và lòng đã ngập, hết bao dung

Xả buông, nhẹ cánh đùa phương ngoại

Chấp thủ, oằn mình nhốt ngục trung

Quán chiếu, nhìn sâu vào nội tại

Viên minh, lửa tuệ tự nhiên bùng

Lý Đức Quỳnh

   10/8/2024

 

HÀNH HƯƠNG CHÙA NÚI

Phật tử hừng đông đã tập chung,

Trèo lên cổ tự mỏi nào ngưng.

Đường đồi gió núi bay phiền muộn,

Lối đá hoa rừng điểm dị dung.

Mõ sớm chơi vơi miền thoát tục,

Chuông chiều lắng đọng cõi không trung.

Một ngày nhẹ nhõm xa trần bụi,

Nắng tắt thuyền câu lửa bập bùng.

  Mỹ Ngọc

July 28/2024

 

      TÂM THIỀN

Đại nghĩa không hề bị cáo chung

Duy trì phát triển chớ không ngưng

Bền gan dồi mãi dù gian khó

Vững chí luyện hoài dẫu thất trung

Giữ dạ đừng nhơ đời níu kéo

Gìn lòng trong sạch sống bao dung

Thiền tâm quán chiếu thay tà đạo

Ngọn lửa si mê hết cháy bùng

Songquang

 20240811

 

       BỢM RƯỢU

Rót mãi ngập tràn vẫn chẳng ngưng

Rượu nồng lênh láng chảy đầy chung

Một ly, run rẩy dường mưa dội

Chục cốc, nóng ran tựa lửa bùng

Thân xác dật dờ trong cõi thế

Tâm hồn bay lượn giữa không trung

Đến khi tình lại, lòng tê tái

Vợ bỏ đi rồi, chẳng thứ dung.

   Sông Thu

( 11/08/2024 )

 

CHÉN TƯƠNG PHÙNG

Bạn hiền bái Tổ cụng vài chung

Ôn chuyện năm nào mãi chẳng ngưng

Áo rách đêm Đông, mày lạnh cóng

Cơm chan nước muối,chí nhàn dung

Thương ai dốc sức sôi kinh sử

Ghét bọn dùng tiền đổi chức trung

Trí kỷ tìm nhau không mão,lộng

Quán nghèo hoan hỷ,giọng vang bùng.

     LAN

(11/08/2024)

 

       NGĂN

Lâu rồi gặm nhắm nỗi đau chung

Tháng bảy Ngâu buồn lệ chẳng ngưng

Theo vết dầu loang chia điểm tựa

Thương nồi ếch luộc dựa thân dung

Lửa hồng khơi động băng tan rã

Chất xám đem về bão tập trung

Cánh phượng lông còi chưa được xoải

Vuốt rồng móng mọc chống ngăn bùng.

2024-08-11

  Võ Ngô

 

     ĐƯỜNG THIỀN

Ánh đèn rọi sáng để soi chung,

Cùng bước với nhau không nghĩ ngừng

Kiếp sống người tu nhiều khổ hạnh.

Trăm năm nương bóng lý trung dung.

Ta Bà lữ khách Trần trôi nỗi,

Đường Đạo hướng Ta đến cõi trung.

Thiền Định Tâm thành ly xã hết,

Thân Tâm Trí Huệ tự nhiên bung...

Mỹ Nga

   11/08/2024 ÂL,08/07/Giáp Thìn


       TRÀ ĐẠO

          (Họa 4 vận)

Uống theo Trà Đạo biết dùng chung...

Phong cách cao siêu đến tột cùng

Quý phái trang nghiêm và trịnh trọng

Khiêm cung hòa nhã với thung dung

Thượng lưu trí thức tâm bình tỉnh

Hành giả Thiền gia ý tập trung

Truyền khắp năm châu từ Nhật Bản (*)

Uống theo Trà Đạo hết lùng bùng...   

(Phan Thượng Hải)

       8/12/24 

(*) Chú thích:

Thiền Tông và Trà Đạo trong lịch sử Nhật Bản

(Bs Phan Thượng Hải) 

Thiền Tông đến Nhật Bản vào thế kỷ 12 khi giới quí tộc lãnh đạo ở Kyoto mất quyền lực về tay giai cấp quân đội ở Kamakura.  Năm 1156, thị tộc Taira đã kiểm soát phân nửa nước Nhật Bản thiết lập quyền Lãnh chúa ở Kamakura và Thiên Hoàng ở Kyoto chỉ là bù nhìn.  30 năm sau, sau những chiến trận tàn khốc, thị tộc Taira thua đối thủ của mình là thị tộc Minamoto.  Năm 1192, Minamoto Yoritomo thành Mạc Chúa đầu tiên (1st Shògun), đóng đô ở Kamakura (Liêm Thương) .  Chế độ của Mạc Chúa, gọi là Mạc Phủ (Shogunate), tiếp tục cho tới năm 1868, khi quyền lực trở về với Thiên Hoàng (trong thời Minh Trị).

Một năm trước đó (1191), Sư Eisai (Vinh Tây, 1141-1215) trở về từ Trung Quốc đem theo với ngài 2 thứ: Thiền Tông Lâm Tế (Rinzai Zen) và Trà.  Trà được Eisai xem như là "món thuốc tuyệt vời nhất" và "bí mật của trường thọ" nhanh chóng trở thành Thức uống Quốc gia của Nhật Bản.  Sự pha chế Trà bằng Thiền sư sau đó phát triển thành Nhật Bản Trà Đạo đặc biệt.  Giới quí tộc Kyoto thích Trà Đạo nhưng không hoan nghênh Thiền Tông vì lúc đó họ đã quen với Thiên Thai Tông, Chân Ngôn Tông và Tịnh Độ Tông.  Hơn nữa việc tu hành của Thiền Tông đòi hỏi nhiều công phu và Thiền Tông được coi là du nhập từ Trung Quốc, không còn đúng theo thời trang lúc bấy giờ ở Kyoto.  Tuy nhiên Võ sĩ đạo của giai cấp võ sĩ (samurai) của Mạc Chúa (Shogun) ở Kamakura lại chuộng Thiền Tông vì họ dùng để tập trung khi chiến đấu.  Do đó Thiền Tông được phổ biến.

Thiền Tông Lâm Tế của Eisai thiêng về Công Án.

Thiền Tông Tào Động (Sòtò Zen) của Nhật Bản có từ sư Dogen (1200-1253).  Bắt đầu từ Thiên Thai Tông, Dogen theo học trong Thiền viện của Eisai.  Sau khi Eisai chết (1215), Dogen sang Trung Quốc.  Do duyên may, ngài chuyển từ Lâm Tế sang học và chuộng Tọa Thiền của Thiền Tông Tào Động từ Thiền sư Thiên Đồng Như Tịnh.  Khi trở về Nhật Bản, Dogen lập Thiền Tông Tào Động chuyên về Tọa Thiền.  Dogen còn viết nhiều tác phẩm về Thiền Tông nói riêng và Phật Giáo nói chung. 

Bài này là trích đoạn của bài "Lịch Sử và Kinh Điển Phật Giáo" (Bs Phan Thượng Hải) đăng lần đầu tronphanthuonghai.com










Không có nhận xét nào: